Sự ăn năn sám hối (22.01.2018 – Thứ Hai tuần III Thường Niên)

Lời Chúa: Mc 3,22-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

22 Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống, nói về Đức Giê-su rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được ? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền ; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

28 “Tôi bảo thật các ông : mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói : “Ông ấy bị thần ô uế ám.”

 

1. Ghi nhớ:

“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều lần đi mấy nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai phạm tội đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,28-29)

2. Suy niệm:

Đức Chúa Giêsu gọi “những ai phạm đến Thánh Thần” là phạm tội ngoan cố. Qua bài Tin Mừng hôm nay, các kinh sư nói Đức Giêsu bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và dựa vào thế quỷ vương đó để trừ quỷ. Theo Đức Giêsu lời tố cáo đó là tội vu khống vì “thật sự satan không thể chống satan, satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại”. Chúa Giêsu chống lại quỷ: quỷ là loại mạnh nhưng Thiên Chúa còn cao và vững vàng, mạnh mẽ hơn tất cả loại quỷ dữ.

Những việc Chúa Giêsu đã làm đối với con người trong suốt chiều dài lịch sử là nhờ quyền năng của Thiên Chúa vô cùng thánh thiện. Đối với các kinh sư, thái độ ngoan cố chống lại Thiên Chúa là đi ngược với sự ăn năn sám hối, vì cố tình đó được xem là tội phạm đến Thánh Thần, là tội không được tha. Tại sao vậy? Chúa Thánh Thần là Đấng hằng dẫn đường chỉ lối, soi sáng tận tâm can, giúp mỗi người nhìn nhận ra chân lý và sự thật, ngõ hầu nhận ra tội lỗi, quyết tâm từ bỏ cái sai sót của chính mình để sám hối và nhận được ơn tha tội. Nếu chúng ta cố tình không ăn năn sám hối và biết sống trở lại con đường ngay chính, thì chúng ta không thể nào lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thế nên, sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại đã hiện ra với các môn đệ, Người thổi hơi và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Chúa ban Thánh Thần giúp họ thấu hiểu lời Chúa, thực thi và rao giảng Tin Mừng. Đồng thời Đức Giêsu sống lại đem lại bình an, niềm vui, hạnh phúc cho các môn đệ và loài người chúng ta.

Vậy trong đời sống hằng ngày của chúng ta, mỗi sáng thức dậy  hãy hướng tâm hồn lên Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, bằng cách chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí, để Ngài thánh hóa từ lời nói và việc làm trong ngày, luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện, hướng dẫn quan phòng, để chúng ta nhận ra những tội lỗi vấp phạm, biết nhìn nhận xin ơn tha thứ trong bí tích hòa giải, hầu luôn tìm sự an vui và bình an trong tâm hồn.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn thần trí chúng con, để chúng con nhận ra tội lỗi mình, biết sám hối và tin vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và luôn nghe tiếng Chúa mời gọi để thức tỉnh tâm hồn chúng con. Amen.

M.Liên

.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *