Suy niệm hạnh thánh An-bê-tô Cả (1206-1280)

Lược sử

Thánh Albert Cả là linh mục Đa Minh người Đức có ảnh hưởng đến lập trường dứt khoát của Giáo Hội đối với triết lý của Aristotle được du nhập vào Âu Châu do sự phát triển của Hồi Giáo.

Các sinh viên triết biết đến ngài như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas. Sự hiểu biết về triết Aristotle của Thánh Albert tạo môi trường thích hợp cho Thánh Tôma Aquinas phát triển quan niệm tổng hợp của ngài về văn hóa Hy Lạp và thần học Kitô Giáo. Nhưng Thánh Albert vẫn xứng đáng là một học giả am tường, trung thực và cần cù.

Ngài từ trần ở Cologne ngày 15-11-1280. Ngài được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1931.

Suy niệm 1: Aristotle

Thánh Albert Cả là linh mục Đa Minh người Đức có ảnh hưởng đến lập trường dứt khoát của Giáo Hội đối với triết lý của Aristotle được du nhập vào Âu Châu do sự phát triển của Hồi Giáo.

Aristotle (384 – 322 TCN) là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thày dạy của Alexandros Đại đế. Di bút của ông bao gồm nhiều lãnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luận lý học, tu từ học (rhetoric), ngôn ngữ học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học. Ông được xem là người đặt nền móng cho môn luận lý học. Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Cùng với Platon và Socrates, Aristotle là một trong ba cột trụ của văn minh Hy Lạp cổ đại.

Các quan điểm của Aristotle:

* “Thầy đã quý, chân lý còn quý hơn”

* “Vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ, càng nặng rơi càng nhanh.”

* “Tốc độ rơi của một vật phụ thuộc vào mật độ môi trường nơi vật rơi qua, mật độ môi trường càng nhỏ thì tốc độ rơi càng lớn.”

“Nếu có lực tác dụng vào vật thì tốc độ chuyển động của vật sẽ tỉ lệ thuận với lực tác dụng.”

* Aristotle còn cho rằng, chuyển động có thể là “có ý thức” hoặc “vô ý thức.” Ông dùng thuật ngữ “nature will” (tạm dịch là “lẽ tự nhiên”) để giải thích về nguyên nhân của sự chuyển động: “Mọi chuyển động có ý thức hay vô ý thức của sinh vật hoặc các vật thể đều tuân theo lẽ tự nhiên của chúng.”

* Aristotle đồng ý với quan điểm của Empedode về 4 nguyên tố đất, lửa, khí, nước. Sau đó đề xuất thêm rằng các thiên thể chuyển động theo đường tròn, trong môi trường gọi là ête (ether).

Một số quan niệm của Aristotle sau này bị Galileo Galilei đánh đổ.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con coi sự quý trọng chân lý.

Suy niệm 2: Thầy của Thánh Tôma Aquinas

Các sinh viên triết biết đến Albert Cả như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas.

Thầy lo xa cho trò: Tại Paris, ngài gặp môn sinh vừa thông minh vừa thánh thiện: Tôma Aquinas. Ngài đề nghị với Bề trên cho Tôma học thi các bằng cấp cần thiết để chuẩn bị làm giáo sư. Tôma muốn có bằng cử nhân và tiến sĩ để làm giáo sư thực thụ ở đại học. Nhưng lúc bấy giờ kinh sĩ Guillaume de Saint Amour vốn không muốn các tu sĩ dạy ở đại học. Cuộc xung đột bùng nỗ lớn. các tu sĩ Đa Minh “nhảy vào vòng chiến” chống các giáo sư nào của chính phủ theo chủ trương bóp chẹt như thế.

Cuộc xung đột ác liệt đến nỗi có một sinh viên tử thương. Thánh Tôma viết cuốn “Contra impugnantes Dei cultum et Religionem” để đối đầu lại cuốn “De periclitaris novissimorum temporum” của Guillaume de Saint Amour. Khi Thánh Tôma “lâm chiến” như vậy thì Thánh Anbert Cả ráo riết bênh vực cho học trò của mình. Vả lại, nếu từ trước Thánh Anbert Cả không lo cho Thánh Tôma thi cử thì cuộc xung đột này, “con gà” của ngài chắc cũng yếu thế. Mới hay trên đời, một lão sư phong phú, đầu óc tiên kiến tiên liệu là một kho báu.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn sống niềm tôn sư trọng đạo đặc biệt đối với các bậc thầy tinh thần.

Suy niệm 3: Thầy của Thánh Tôma Aquinas

Các sinh viên triết biết đến Albert Cả như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas.

Thầy vun đắp cho trò: Sở dĩ Thánh Tôma có được bộ óc làm việc theo khoa học, khúc chiết lẫn tổng hợp, và sở dĩ ngài đỡ tốn công buổi đầu trong việc khảo bình triết học, thần học là nhờ sự chuẩn bị lâu năm của Thánh Albert Cả. Etienne Gilson trong cuốn “Triết học Trung Cỗ” đã được Larousse du XXè siècle trích dẫn tư tưởng sau đây: “Nếu không có công phu phong phú, kinh khủng của thầy ông, thì nhà tổ chức sáng suốt về những tư tưởng, tức Thánh Tôma phải tốn một phần lớn nỗ lực trên đường nghiên cứu.”

Những bài mà Thánh Tôma chống Averroès phần lớn dựa trên những lập luận của Thánh Albert Cả. Đọc hai bộ Summa của Thánh Tôma, những đoạn ngài nối kết chân lý đức tin với các chân lý của triết Platon, Aristote, người ta cảm thấy ngay dấu vết công việc của tôn sư ngài là Thánh Albert Cả, nhưng công trình của trò thì hơn hẳn thầy. Hơn nữa, mặc dầu trong hai bộ Tổng Luận, Thánh Tôma vay mượn nhiều ở thuyết Aristote, song cái khuôn lý luận vẫn còn giữ truyền thống của các giáo phụ Hy Lạp. Vốn giáo phụ học này đã được truyền lại cho Thánh Tôma, không từ ai khác ngoài Thánh Albert Cả. Ta thấy với tư cách khảo bình, Thánh Tôma đã làm lại nhiều việc tôn sư đã làm, nhưng đại qui mô hơn nhờ rút được kinh nghiệm và dựa trên tài liệu của thầy mình. Chẳng hạn, Thánh Albert Cả đã từng khảo bình Aristote, các tác giả Ả-rập, Do Thái, thì Thánh Tôma cũng khảo bình lại nhưng về nhiều phương diện hơn, phương pháp tân kỳ hơn. Mà phương pháp nghiên cứu này, Thánh Tô-ma cũng kết tinh từ tinh thần khoa học của sư phụ ngài vốn là một nhà khoa học tên tuỗi thời bấy giờ. Ta đừng quên từ đầu thế kỷ XIII, Thánh Albert Cả cùng Roger Bacon đã đề cao các phương pháp quan sát, thực nghiệm và qui nạp rồi. Riêng trong lãnh vực giảng huấn thì rõ rệt là Thánh Tôma đã được thầy trui luyện từ cả chục năm trở lên. Hàng ngày ngài chiêm nghiệm lối giảng dạy rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát của sư phụ. Về sau cộng thêm thiên tư cùng vốn học bao la nữa, Tôma trở thành một ngôi sao sư phạm là phải. Quả thực, chân sư đã dầy công đầu tư cho minh đệ vậy.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống sao để Trò là danh dự và nguồn an ủi tuổi già của thầy.

Suy niệm 4: Hiểu biết-chân lý

Sự hiểu biết về triết Aristotle của Thánh Albert tạo môi trường thích hợp cho Thánh Tôma Aquinas phát triển quan niệm tổng hợp của ngài về văn hóa Hy Lạp và thần học Kitô Giáo.

Kitô Hữu ngày nay phải đối diện với sự tràn ngập kiến thức trong mọi lãnh vực. Họ cần đọc báo chí Công Giáo ngày nay để biết được phản ứng của Giáo Hội trước những khám phá mới về khoa học xã hội, về lối sống người Kitô Hữu cũng như thần học Kitô Giáo. Khi phong thánh cho Thánh Albert, Giáo Hội đã coi sự quý trọng chân lý, bất cứ tìm thấy ở đâu, như đặc tính thánh thiện của ngài. Tính hiếu kỳ của thánh nhân đã khiến ngài đào xới trong kho tàng khôn ngoan của triết học mà Giáo Hội thời ấy đang sôi nổi với những khó khăn.

“Có những người muốn hiểu biết chỉ để hiểu biết; đó là sự tò mò đáng hổ thẹn. Có những người muốn hiểu biết để nhờ đó họ được nổi tiếng; đó cũng là sự phù hoa và nhục nhã. Những người khác lại muốn hiểu biết để kiếm tiền hay thăng quan tiến chức; đó cũng là điều mất thể diện. Nhưng cũng có những người muốn hiểu biết để họ có thể sinh lợi cho chính linh hồn họ và linh hồn người khác; đó là lòng bác ái. Trong những loại hiểu biết kể trên, chỉ có loại sau cùng là biết sử dụng kiến thức cách xứng hợp” (Thánh Bernard, Bài Giảng Về Diễm Ca)

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng kiến thức cách xứng hợp.

Suy niệm 5: Hiểu biết-bác ái

“Có những người muốn hiểu biết chỉ để hiểu biết; đó là sự tò mò đáng hổ thẹn. Có những người muốn hiểu biết để nhờ đó họ được nổi tiếng; đó cũng là sự phù hoa và nhục nhã. Những người khác lại muốn hiểu biết để kiếm tiền hay thăng quan tiến chức; đó cũng là điều mất thể diện.

Nhưng cũng có những người muốn hiểu biết để họ có thể sinh lợi cho chính linh hồn họ và linh hồn người khác; đó là lòng bác ái. Trong những loại hiểu biết kể trên, chỉ có loại sau cùng là biết sử dụng kiến thức cách xứng hợp” (Thánh Bernard, Bài Giảng Về Diễm Ca)

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dùng sự hiểu biết để sinh lợi cho chính linh hồn mình và linh hồn người khác.

Suy niệm 6: Học giả

Thánh Albert vẫn xứng đáng là một học giả am tường, trung thực và cần cù.

Ngài là con cả của một lãnh chúa quyền thế và giầu có ở Đức. Ngay từ nhỏ ngài đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên, ngài vào trường đại học ở Padua, nước Ý, và chính ở đây ngài gia nhập dòng Đa Minh khiến gia đình thật khó chịu.

Sự lưu tâm vô bờ của ngài đến các lãnh vực khác nhau đã thúc giục ngài viết các tổng lược về: khoa học tự nhiên, hùng biện, toán học, thiên văn, luân lý, kinh tế, chính trị và siêu hình học. Công trình này phải mất 20 năm mới hoàn tất. Ngài nói, “Mục đích của chúng tôi là đưa ra tất cả những học thuật trước đây để Giáo Hội Tây Phương có thể lĩnh hội được.”

Ngài đạt được mục đích ấy trong khi vừa giảng dạy tại Paris và Cologne, vừa làm bề trên dòng Đa Minh và ngay cả khi là giám mục của Regensburg.

* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng tài trí Chúa ban để phục vụ Chúa và Giáo Hội.

 

Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *