TH online 50: TTV và thụ nhân của BTTCT

 
 Thần học online:
 
Bí tích Truyền Chức Thánh
 
Bài 50: Thừa tác viên và thụ nhân 
của bí tích Truyền Chức Thánh
 

Công đồng Vaticanô II tái khẳng định giáo lý về thừa tác viên của thánh chức trong Hiến chế tín lý về Giáo hội: chính các giám mục, qua bí tích Truyền Chức, nhận vào giám mục đoàn những phần tử mới được tuyển chọn. Quả vậy, bộ Giáo luật hiện hành, điều 1012 còn quy định cụ thể, thừa tác viên của thánh chức phải là giám mục đã được thụ phong. Như vậy, một linh mục đã được Tòa thánh bổ nhiệm làm giám mục, nhưng chưa được thụ phong, thì chưa có năng quyền để cử hành bí tích Truyền Chức.

Bộ giáo luật hiện hành cũng có những quy định cụ thể về việc phong chức giám mục, linh mục và phó tế.[1] Chẳng hạn, không một giám mục nào được phép truyền chức giám mục cho ai, khi chưa có ủy nhiệm thư của Đức giáo hoàng; nếu tự ý mình truyền phép thì bí tích vẫn thành sự nhưng bất hợp pháp; tuy nhiên cả giám mục chủ phong lẫn giám mục vừa mới thụ phong mắc vạ tuyệt thông ngay tức khắc, chiếu theo Giáo luật điều 1382, vạ này chỉ có Tòa thánh mới giải được.

Nói đến thụ nhân của bí tích Truyền Chức Thánh cũng có nghĩa là đề cập đến những điều kiện để được thụ phong. Giáo luật hiện hành điều 1024 tiếp nối truyền thống từ đầu của Giáo hội và quy định rằng chỉ những người nam đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội mới lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh hữu hiệu. Giáo lý HTCG cũng lặp lại điều này ở số 1577.

Trong khoản Giáo luật này, ta thấy Giáo hội đòi buộc hai điều căn bản: đã được rửa tội, và phải là nam giới. Quả vậy, truyền thống Giáo hội cho tới nay chưa chấp nhận truyền chức cho nữ giới, với ba lý do cơ bản: thứ nhất, Chúa Kitô đã không chọn phụ nữ nào làm Tông đồ, cho dù trên bước đường rao giảng Tin mừng không ít phụ nữ đi theo phục vụ Người; thứ hai, các Tông đồ vẫn trung thành với ý hướng của Chúa Kitô, các ngài không đặt tay truyền chức cho một phụ nữ nào; và thứ ba, truyền thống liên tục của Giáo hội từ thời các Tông đồ cho tới bây giờ, chỉ truyền chức cho nam giới mà thôi. (trích Từ cạnh sườn bị đâm thâu, trang 414 – 417).

 srsrFKds4P4   



[1] Xc. Giáo luật, điều 1013 – 1017.