Thời Trung cổ đã khắc họa Thánh Giu-se như một người giữ gìn sự tinh tuyền của Hội Thánh và một người bảo vệ chống lại những kẻ cầm quyền vụ lợi.
Trong bốn sách Tin Mừng, không hề có lời nào của Thánh Giu-se được ghi lại, và vì thế, trong những thế kỷ đầu của nghệ thuật Ki-tô giáo, ngài thường bị xem nhẹ. Nhằm nhấn mạnh vai trò Thiên Chúa là Cha đích thực của Chúa Giê-su, các họa sĩ Ki-tô giáo ban đầu đã làm mờ nhạt sự hiện diện của Thánh Giu-se trong các cảnh Giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Ki-tô. Sự khiêm nhường của Thánh Giu-se thực ra lại rất phù hợp với tình hình Hội Thánh trong thiên niên kỷ đầu tiên. Khi ấy, các Ki-tô hữu phải đấu tranh chống lại lạc giáo Arian và lạc giáo Ngộ đạo, đồng thời nỗ lực loan báo Tin Mừng đến các dân tộc mới. Trong một thế giới đầy biến động sau sự sụp đổ của Đế quốc La Mã, hình ảnh Thánh Giu-se hiếm khi xuất hiện, khi phương Tây vẫn đang vật lộn để tái thiết xã hội và mở rộng đức tin.
Tuy nhiên, nghệ thuật Đông phương chưa bao giờ lãng quên Thánh Giu-se, và dần dần phát triển một biểu tượng riêng về ngài. Một bức thánh tượng tuyệt đẹp từ tu viện Thánh Catarina ở Sinai khắc họa một khung cảnh náo nhiệt quanh Hài Nhi Giê-su: các thiên thần tán dương, các đạo sĩ dâng lễ vật, các mục đồng thổi sáo, các bà đỡ tắm rửa cho Hài Nhi – nhưng Thánh Giu-se lại được đặt riêng biệt. Ngài hiện lên như một vị thánh thầm lặng và chiêm niệm, một nhân vật đứng lặng trong sự suy tư sâu xa.
Thánh Giu-se xuất hiện trong Thời đại Hiệp sĩ
Thời Trung Cổ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Hội Thánh, khi Giáo Hội sở hữu nhiều đất đai và có quyền cai quản dân chúng. Hàng giáo sĩ dần trở thành Đẳng cấp thứ nhất (First Estate). Tuy nhiên, của cải và quyền lực cũng kéo theo sự suy thoái, khiến Hội Thánh thế kỷ IX rơi vào tình trạng tội ác, tai tiếng và sự can thiệp của các thế lực trần tục. Ai sẽ bảo vệ sự tinh tuyền của Hội Thánh và che chở nàng khỏi những kẻ cầm quyền vụ lợi? Thánh Giu-se. Thời đại Hiệp sĩ đã khắc họa Thánh Giu-se như một hiệp sĩ thầm lặng, sẵn sàng phục vụ và bảo vệ Hội Thánh.
Sự cao quý của Giu-se trong Cựu Ước
Những cuộc cải cách quan trọng được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII khởi xướng vào thế kỷ XI, với sự lãnh đạo đầy nhiệt huyết của Thánh Bênađô thành Clairvaux. Vị Tiến sĩ Mật ngọt (Mellifluous Doctor) đã rao giảng về vai trò của Thánh Giu-se với danh hiệu “Bạn trăm năm của Đức Maria”, đồng thời bác bỏ hình ảnh một ông lão già nua như trong Nguyên Tin Mừng của Giacôbê (Protoevangelium of James). Thay vào đó, ngài giới thiệu Thánh Giu-se như một anh hùng đức độ, làm chủ bản thân. Thánh Bênađô đã so sánh Thánh Giu-se với tổ phụ Giu-se trong Cựu Ước, con của tổ phụ Gia-cóp.
Thánh Bênađô ca ngợi sự tiết dục của cả hai: “Người thứ nhất trung thành với chủ mình và đối đãi với vợ chủ cách tôn kính; người thứ hai cũng vậy, là người bảo vệ trinh khiết tuyệt vời của hiền thê mình.” Điều này cho thấy sự trong sạch của Thánh Giu-se không phải do tuổi già yếu đuối, mà là kết quả của sự tiết chế và làm chủ bản thân. Ngoài ra, Thánh Bênađô còn nhấn mạnh một điểm chung quan trọng giữa hai nhân vật: cả hai đều là những người được Thiên Chúa mạc khải qua giấc mơ. Giu-se trong Cựu Ước có ơn giải nghĩa và hiểu biết các giấc mơ. Trong khi Giu-se, cha nuôi Chúa Giê-su được ban sự hiểu biết và tham dự vào mầu nhiệm Nước Trời qua bốn giấc mơ được ghi lại trong Tin Mừng. Những thị kiến đặc biệt này đã trở thành nguồn cảm hứng mới cho nghệ thuật Ki-tô giáo.

Nguồn cảm hứng từ nghệ thuật Đông phương
Nghệ thuật Đông phương đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các họa sĩ phương Tây. Một tác phẩm ngà voi điêu khắc quý giá từ thế kỷ XI, được chế tác tại Constantinople và hiện lưu giữ tại Bảo tàng Vatican, đã thể hiện hình ảnh Thánh Giu-se tách biệt khỏi cảnh Giáng Sinh, lặng lẽ suy tư trong thinh lặng. Tác phẩm này được dùng làm bìa sách lễ, dễ dàng mang theo khi di chuyển, nhờ đó truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các nghệ sĩ phương Tây.
Các phù điêu và tượng ngà đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá nghệ thuật biểu tượng. Nhẹ và quý giá, điều này cho phép người ta có thể dễ dàng mang theo khi di chuyển. Tấm bảng này, được chạm khắc tại Constantinople vào thế kỷ 11, từng là bìa của một sách lễ, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Vatican. Cảnh khắc họa đầy cuốn hút này bao gồm những con vật đang bú, lần tắm đầu tiên của Chúa Giê-su và một thiên thần ôm lấy người chăn chiên, nhưng thánh Giu-se vẫn ở riêng một mình, trầm ngâm suy tư.
Thánh Giu-se “mới” tại Chartres
Một cửa sổ kính màu mô tả mầu nhiệm Nhập Thể tại Nhà thờ Chính tòa Chartres (1194-1260) đã giới thiệu hình ảnh Giu-se “mới”. Tấm rèm được kéo mở, tập trung sự chú ý vào Chúa Giê-su, nằm trên một bàn thờ có cột đỡ, quấn trong khăn tã, với bò và lừa đang chăm chú nhìn Người. Phía dưới, Đức Maria đang nghỉ ngơi trên giường, nhẹ nhàng giơ tay hướng về con mình. Trong khi đó, Thánh Giu-se – trẻ trung hơn so với hình ảnh truyền thống – đang ngủ, tay chống vào má.
Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm này.

© Public Domain
Hào quang của Chúa Ki-tô và Mẹ Maria được vẽ bằng màu xanh Chartres trứ danh – một sắc cobalt sâu thẳm và huyền bí, trong khi hào quang của Thánh Giu-se lại có màu ngọc lam nhạt hơn. Trái lại, tã bọc Hài Nhi Giê-su là sự kết hợp của hai sắc xanh: một cách tượng trưng rằng Đức Maria mang Người trong lòng nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, còn Thánh Giu-se ban cho Người danh tính, gia phả và vị trí trong xã hội. Trong bố cục này, Mẹ Maria và Thánh Giu-se được đặt đối diện nhau, ngồi bên dưới Chúa Ki-tô, tựa như ở chân bàn thờ, nhấn mạnh vai trò của hai đấng trong kế hoạch cứu độ. Một chi tiết tinh tế khác là họa tiết gỗ khảm trên giường của Mẹ Maria. Đây không chỉ là một kỹ thuật điêu luyện của những nghệ nhân kính màu, mà còn là một sự tôn vinh đối với nghề mộc của Thánh Giu-se.
Bên cạnh kính màu, biểu tượng mới về Thánh Giu-se cũng xuất hiện trong các bản thảo minh họa. Một trang sách tuyệt đẹp từ Sách Giờ Kinh (Book of Hours, thế kỷ XIV) đã khắc họa Mẹ Maria đang ôm ấp Hài Nhi, trong khi Thánh Giu-se ngủ bên cạnh.
Thánh Giu-se – Đấng bảo trợ Hội Thánh
Các tác giả thời Trung Cổ không chỉ nhấn mạnh đến sự chiêm niệm của Thánh Giu-se mà còn làm nổi bật cuộc sống lao động của ngài. Họ ca ngợi sự khiêm nhường của người hậu duệ hoàng tộc này – một đấng không ngần ngại lao động chân tay để nuôi sống gia đình mình. Thánh Bernard đã mời gọi các tín hữu hình dung một Thánh Giu-se được Thiên Chúa trao cho đặc ân cao cả: “Được bồng ẵm Người trong vòng tay, dưỡng dục Người, ôm lấy Người, hôn kính Người, nuôi dưỡng Người và bảo vệ Người.”

Sự kết hợp giữa đời sống chiêm niệm và hành động của Thánh Giu-se đã được họa sĩ Duccio (trường phái Siena) diễn tả một cách xuất sắc trong bức “Trốn sang Ai Cập” (1311).
Trong tác phẩm này, Thánh Giu-se xuất hiện hai lần:
Lần thứ nhất: Ở phía trái, ngài đang ngủ, trong khi một thiên thần hiện ra báo mộng: “Hãy trỗi dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2, 13).
Lần thứ hai: Ngay sau đó, Thánh Giu-se lại xuất hiện một lần nữa, lần này đang hành động: Ngài nhanh chóng dẫn gia đình ra đi để bảo vệ họ khỏi cơn cuồng nộ của Hêrôđê. Với đôi tay vung lên, ngài dường như đang giải thích với Đức Maria về sự ra đi gấp gáp này.
Giu-se hoạt động và chiêm niệm. Ở phía xa bên trái, Thánh Giu-se đang ngủ khi một thiên thần báo mộng cho thánh nhân về mối đe dọa từ Hê-rô-đê. Cuộn giấy ghi: “Hãy trỗi dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2, 13). Sau đó, Thánh Giu-se xuất hiện khi đang đi cùng Đức Ma-ri-a, mang theo ít hành trang gia đình trên cây gậy của mình, giải thích cho Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su đang chăm chú lắng nghe về lý do họ phải trốn chạy. Cậu bé đi phía trước có thể là chủ của con lừa.
Thánh Giu-se, Đấng đã tỏa sáng giữa cơn cuồng nộ bạo tàn của Hêrôđê khi dẫn dắt gia đình đến nơi an toàn, cũng được nhận thấy như một vị hướng dẫn lý tưởng để đồng hành cùng Hội Thánh vượt qua sự hỗn loạn và suy thoái vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất.
Elizabeth Lev
Joseph Nguyễn Tro Bụi chuyển ngữ từ Aleteia
Nguồn: TGP Hà Nội