Kiện toàn giới luật thư Năm (23.02.2024 – Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ed 18,21-28, Mt 5,20-26

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,20-26)

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Kiện toàn giới luật thư Năm (23.02.2024)

Chúng ta thường rợn tóc gáy khi nghe kể về những vụ giết người chỉ vì vài chục ngàn đồng; hoặc chỉ vì một câu nói đủa, một cái nhìn bị gán cho là “nhìn đểu”. Nhưng hôm nay chính Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng không phải chỉ khi cầm dao đâm chém người khác, mới đáng bị lên án! Bởi vì có thể chúng mình đang gây những vết thương nơi trái tim, trong cõi lòng người anh em bằng những hình thức tinh vi hơn nhiều: giận dữ, mắng chửi, đe doạ, với những âm mưu, qua nhiều thủ đoạn. Đức Giê-su cấm cả những hình thức ‘giết người không dao’ ấy!  Ngài muốn chúng ta sống tâm tình hoà bình với người chung quanh, để nhờ vậy, ta sẽ được sống trong tâm tình an bình với Ngài.

Dao, kéo, súng,… có thể giúp một người giết kẻ khác, nhưng cái miệng cũng có thể giúp người ta đày đọa kẻ khác trong địa ngục. “ Lời nói, đọi máu” hay “Lời nói, gói vàng” tất cả đều do chúng ta định đoạt .

Chuyện kể rằng, trước giờ dâng Lễ chiều hôm đó, một cậu bé giúp Lễ kia chăm chỉ đi sớm, rồi mở tủ buồng áo ra để dọn đồ Lễ. Không may, cậu bé lỡ tay làm rớt chiếc bình đựng rượu Lễ bằng thủy tinh. Lập tức cha xứ đứng dậy tiến nhanh về phía cậu. Cậu thì lo lắng, nhưng cha lại niềm nở vỗ vai bảo cậu là không sao, vỡ rồi thì thôi. Cha còn hỏi cậu có bị sao không, nhắc cậu cẩn thận không mảnh sành đâm vào chân và ân cần bảo cậu hãy mau dọn đi, rồi bảo ông trùm chuẩn bị bình rượu Lễ khác cho Thánh Lễ. Cậu thở phào nhẹ nhõm, khắc sâu nhớ mãi và rất nể phục cách cư xử tế nhị ấn tượng của cha xứ mình.

Một cậu bé khác cũng lâm vào hoàn ảnh tương tự, nhưng cậu bị cha xứ mắng nhiều. Cậu liền bỏ đi, vừa đi vừa khóc, đau khổ về những lời thậm tệ của cha xứ mình.

Người ta bảo rằng cậu bé thứ nhất có tên là Karol Józef Wojtyła người Balan, sau này chính là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Còn cậu bé thứ hai là Josip Broz Tito người Nam Tư sau này là Tổng bí thư Đảng cộng sản Nam Tư Tito..

Thời buổi hiện đại ngày nay còn mang đến nhiều cách làm hại người khác trên không gian mạng… Nhiều lời dè bỉu, chửi bới nhau, kích động nhau trên mạng đã làm các anh hùng bàn phím biến thành những kẻ sát nhân, làm hại cuộc đời người khác..

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An kể trường hợp một nữ sinh ở Khánh Hòa đăng trạng thái “nếu được 1.000 like thì đi đốt trường” và rồi nhận được bão like. Bị cộng đồng mạng gây áp lực, cô gái 13 tuổi đã tưới xăng đốt Phòng y tế của trường. TS Trần Thanh Nam cho biết: “Bắt nạt trực tuyến phần lớn xuất phát từ trêu đùa cho vui song hậu quả để lại là rất lớn. Chẳng hạn như có trường hợp, nạn nhân của bắt nạt trực tuyến là một nữ sinh có hình thể không được hấp dẫn. Từ những lời bình phẩm của bạn bè trêu đùa trên mạng khiến em bắt đầu có suy nghĩ về hình thể của mình. Lúc đầu em nghĩ cách ăn kiêng, sau đó bắt đầu móc họng khi ăn. Thậm chí, em còn rạch tay, tự làm mất máu để giảm cân. May mắn, mẹ em phát hiện kịp và phải đưa em đến bác sĩ tâm lý để điều trị kịp thời”.

Cũng có nhiều giang hồ mạng chẳng hề quen biết nhau, lại đồng lòng cùng nhau mang vũ khi đi đánh kẻ mình chẳng biết là ai…

Chẳng những Chúa dạy chúng ta kiện toàn giới luât thứ năm bằng cách không làm đau anh em mình cho dù bằng bất cư phương nào, mà người còn dạy: ” Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ”. Tha thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt, nhưng là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta.

Để nhận ra điều này, chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá. Chính từ những vết thương của Người, từ những lỗ đinh đau đớn do bàn tay chúng ta gây ra, sự tha thứ đã tuôn trào. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và nghĩ rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được lời nào tốt hơn: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và thấy rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một cái nhìn dịu dàng và yêu mến hơn. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và hiểu rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một vòng tay yêu thương nào hơn thế. Chúng ta nhìn lên Thánh Giá và nói: ‘Cảm ơn Chúa Giêsu: Chúa yêu thương con và luôn tha thứ cho con, ngay cả khi con thấy mình khó yêu và khó tha thứ cho chính mình.’

Ở đó, trong khi bị đóng đinh, trong thời khắc khó khăn nhất, Chúa Giêsu đã sống điều răn khó nhất của Người: yêu kẻ thù.

Tha thứ là khó nhưng không phải là không làm đươc. Phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Ngọc Thạch, 35 tuổi, quê Quảng Ngãi, Thạch ra tay giết chết anh Hòa xảy ra hồi tháng 4 năm 2011 tại TP Hồ Chí Minh chỉ vì những mâu thuẫn bình thường trong cuộc sống.

Anh Hòa là con của bà Tuyết và là chỗ dựa lớn nhất của bà nên khi nghe tin con chết, bà Tuyết đã đổ bệnh tưởng không thể qua khỏi nhưng bà đã cố gắng đứng dậy để mong đến ngày đòi được công lý cho con mình.

Hành vi phạm tội của Thạch phải áp dụng mức án cao nhất mới tương xứng. Tuy nhiên, mẹ nạn nhân Hòa đã đích thân xin giảm án cho bị cáo Thạch để anh ta có cơ hội nuôi các con còn nhỏ.

“Tôi mới làm giỗ cho con mấy bữa trước. Đằng nào con tôi cũng chết rồi, bị cáo còn vợ và 3 đứa con nhỏ, mong tòa cho cậu ấy con đường sống”, bà Tuyết nói bằng giọng run rẩy.

Theo cáo trạng, tối 4/3/2018, sau bữa nhậu, Minh cùng bạn ra uống nước tại một quán cà phê thuộc xã Nghĩa Lộc. Nhóm bạn của Minh ngồi được một lúc thì thấy anh Phạm Văn Tiến cùng bạn đi xe máy đến quán. Do anh Tiến không tắt đèn nên đèn pha chiếu vào mặt Minh. Thế là Minh ra tay. Bà Nguyễn Thị Chiên mẹ Tiến bật khóc thương đứa con vắn số

Bà Nguyễn Thị Chiên – mẹ nạn nhân Tiến cho biết Tiến là một người hiền lành, chí thú làm ăn, do làm ăn xa nên chưa có điều kiện lập gia đình. “Thằng Tiến đi làm xây dựng bên Lào hơn 10 năm nay, nó đi biền biệt cả năm, 26 Tết mới về đó chứ đâu…”, bà bật khóc, thương cho đứa con vắn số: “Tiến cũng đã chết rồi, Minh còn trẻ, còn cả tương lai phía trước, có làm căng thì cháu Tiến cũng không thể sống lại. Sau khi chuyện xảy ra, mẹ Minh cũng thường xuyên qua lại thăm hỏi, xin lỗi gia đình. Hôm lễ 50 ngày cháu Tiến mẹ Minh mang sang 260 triệu khẩn khoản mong chúng tôi nhận để chuộc lỗi với cháu Tiến. Mình mất con, người ta thì con đi tù, lại còn mất của, người mẹ nào cũng đau cả”…

 Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con không những không được giết người bằng gươm đao sung đạn mà con phải diêth trừ mọi mầm mốngđưa đến giết người. Đó là sự giận hờn, phẫn nộ, thù ghét, xúc phạm đến nhau bởi vì chính mỗi người chúng con là hình ảnh của Chúa Cha và là anh em của Chúa. Không có gì đụng chạm tới con người mà lại không đụng chạm tới chính Chúa. Xin cho chúng con trong mùa Chay thánh này, cảm nhận được tình yêu của Chúa nà sống hòa thuận với nhau. Amen. 

TÊRÊSA TRỊNH THỊ HẢO

 

Nhìn vào nội tâm của chính mình (03.03.2023)

Chúng ta đang sống trong Mùa Chay Thánh, thời gian 40 ngày để cầu nguyện, hồi tâm, suy xét lại những điều thiếu sót và lỗi lầm đối với Thiên Chúa và anh chị em. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xa cách Chúa, đó là lúc chúng ta quá bận rộn với công việc, nhiều ngày quên không đến cầu nguyện với Chúa, với anh em là lúc thiếu sự quan tâm đến tâm tư tình cảm, hay lời nói vô ý xúc phạm đến nhau, … Chỉ có tình yêu thương với nhau mới có thể gắn kết nên một đoàn thể. Hàng năm cứ vào tháng 12, Ban Phục Vụ Huynh Đoàn phân công người đọc sách giờ lễ Huynh đoàn phụ trách. Có chị không được phân công đọc sách vì tai tiếng là có tình cảm qua lại với một anh đã có gia đình, dù mọi người nhiều lần khuyên giải nhưng chị không nhận ra điều sai trái, thế là chị giận và muốn rời khỏi Huynh đoàn.

Trang Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: “Nếu các ngươi không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các ngươi chẳng được vào Nước Trời đâu” Mt 5,20. Làm sao để sống công chính, phải chăng như người Biệt phái là những người được đánh giá là công chính bậc nhất thời ấy vì họ tuân giữ Luật lệ một cách nghiệm túc?. Những người ấy rất nổ lực để giữ Luật Chúa, với họ Lề Luật đã ghi dấu ấn vào tiềm thức nên họ thực hiện một cách thành thạo, không thể sai. Nhưng chủ yếu họ đề cao bản thân để được đánh giá tốt còn đối với tha nhân họ chưa có tinh thần phục vụ thương yêu như ý muốn của Chúa.

Khi sống ở trần gian, Chúa Giêsu muốn hoàn thiện Lề luật thời Cựu Ước: “Còn Ta, Ta bảo các ngươi: Bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luận phạt. Ai bảo anh em “ngốc”, thì bị phạt trước trước công nghị…” Mt 5, 22. Chúa rất cần mỗi người Kitô hữu có những đổi mới về bản thân chính mình, để sống trung thực, thân thiện, biết cảm thông nỗi đau khổ của người khác như chính nỗi đau của bản thân. Trong cách cư xử với anh chị em cũng thế, sự khiêm tốn của bản thân, sẽ giúp mọi người gần nhau hơn, mối dây liên kết với nhau được xây dựng trên nền tảng là tình yêu thương của Thiên Chúa. Thánh Cyprien từng nói: ‘Đối với Thiên Chúa, lễ dâng đẹp nhất là chúng ta sống an bình, hòa thuận và toàn dân thánh hiệp nhất trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Lạy Chúa, trong Mùa Chay Thánh này, chúng con cùng nhau suy ngẫm những lời giáo huấn của Chúa đã dạy các tông đồ ngày trước, soi rọi vào bản thân để chúng con nhận ra con người thật của mình, sống thật với con người của chính mình, xin giúp chúng con biết thật lòng hoán cải. Để hiệp hành với lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Trở về với sự thật về chính mình” và biết “Trở về với Chúa và anh chị em”. Sự sống trên thế gian của mỗi người chúng con là quà tặng của Thiên Chúa, xin cho chúng con biết quý trọng sự sống, và giúp nhau vun trồng sự sống, sự sống mà Con Chúa đã đổ máu mình ra để cứu chuộc chúng con. Xin nuôi dưỡng tâm hồn chúng con bằng niềm cậy trông, tin kính Đấng đã tạo dựng nên muôn loài và sống hiền hòa với anh chị em như Chúa đã nhân từ với chúng con.

Anna Anh

Tinh thần trong sáng – lời nói thánh thiện (11.03.2022)

Trong sinh hoạt hằng ngày không thể tránh khỏi những va chạm, bất đồng, xích mích dẫn đến việc tranh cãi, thậm chí ẩu đả là chuyện dễ xảy ra, người lớn tuổi thì vũ khí lợi hại nhất là âm thanh cửa miệng “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”. Người trẻ thì không chỉ xỉ vả, mắng nhiếc, nguyền rủa mà còn thượng tay hạ cẳng, là chuyện chúng ta thường gặp trong khu xóm, trên đường phố. Tình huống đang di chuyển vội vàng trên đường cho kịp đón chuyến xe khách, tự nhiên có người đụng ta làm tung xấp giấy trên tay xuống đất, mất thêm thời gian lượm nhặt lại, bạn có phản ứng gì?

Lời Chúa hôm nay giáo huấn người Kitô hữu: “Các ngươi đã nghe người xưa dạy rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án.” Mt 5,21. Thời Cựu Ước, ông Mô-sê đã truyền cho dân Do Thái về 10 điều răn Đức Chúa Trời, trong đó điều thứ năm: Chớ giết người, thời ấy chỉ luận tội khi có hành vi gây ra hậu quả thiệt hại cho tha nhân. Thời Chúa đến, Người không xóa bỏ một điều răn nào nhưng nâng tầm nhận thức cao hơn là con người cần ý thức việc không được xúc phạm đến phẩm giá người khác. Dù chỉ là lời chê trách hay có ý nghĩ xấu xa “ Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng” thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.” Mt 5,22.

Ông bà ta thường nói: “Lưỡi sắc hơn gươm” lời nói có thể trở nên vũ khí giết người một cách thầm lặng, Chúa Giê su thấu hiểu cảm nghĩ và hành động của con người nên đã hoàn thiện lề luật theo sự phát triển tư duy của con người. Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa nhà văn La Quán Trung viết về Chu Du tự là Công Cẩn là danh tướng và là khai quốc công thần của Đông Ngô. Khi Gia Cát Lượng tương kế tựu kế để Lưu Bị cưới được vợ là trở về Kinh Châu, làm cho Chu Du trúng kế mai phục, đã vậy lại còn gây tức giận bằng cách cho binh sĩ đọc vang hai câu thơ “Chu Lang diệu kế yên thiên hạ, Đã mất phu nhân lại thiệt quân” khiến Chu Du uất quá, vết thương sắp lành lại tái phát.

Chúa Giê-su muốn con cái Người có lòng khoan dung, tâm hồn đầy tính thiện, nhân ái thì mới có hành động tốt đẹp lan tỏa tới cộng đoàn, xã hội. Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất là cuộc sống đầy tình yêu thương. “Ai không sa ngã trong lời nói, kẻ ấy hẳn là người trọn lành, có đủ sức gò hãm được cả toàn thân.” Gc 3,2.  Thánh Bênađô cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Kẻ tỉnh thức canh phòng miệng lưỡi thì cũng tỉnh thức canh phòng giữ linh hồn”. Người môn đệ của Chúa không chỉ tránh “giết người” mà còn phải cố gắng sống tình người. Chúa coi việc làm hòa với người khác cao trọng hơn của lễ: ”Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan tòa,… ngươi sẽ bị tống ngục”. Chúa kêu gọi chúng ta tích cực thi hành ý Chúa, thực hành gieo điều tốt và chia sẻ với mọi người từ những hành động tử tế nhỏ bé.

Mùa Chay nhắc nhở chúng con kiên trì cầu nguyện, trải lòng với Chúa để lắng nghe tiếng Chúa giúp chúng con hoán cải lối sống của mỗi người, bác ái trong lời nói chân tình đem lại niềm vui hạnh phúc cho người khác, lời thân thiện sẽ an ủi nâng đỡ người đau yếu, bệnh tật, cô đơn. Xin cho chúng con biết quý trọng sự sống Chúa ban tặng, và giúp chúng con có lòng nhân từ như Chúa.

 Anna Anh

Chẳng được vào Nước Trời (26.02.2021)

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy: Chúa Giêsu đã đế trần gian để cứu chuộc nhân loại, Người đã bắt đầu một cuộc cách mạng đổi mới đời sống con người, đổi mới cả trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Trước hết Chúa nói về những “kinh sư và người Pharisêu”, họ đang là những người có học thức, lãnh đạo dân Chúa bấy giờ. Thế mà Chúa đã nhắc nhở, cảnh báo cho các môn đệ: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Lời cảnh báo này như tiền đề, để Người dạy dỗ những điều lớn lao hơn.

Tiếp đến Người dạy về việc tuân giữ lề luật mà Thiên Chúa truyền qua Môsê đã hàng nghìn năm, xoay quanh điều răn 5 đối với tha nhân: Chớ giết người”. Đây có thể nói là điều răn quan trọng số một đối với tha nhân mà Chúa Giêsu hôm nay đã đề cập đến kỹ càng, như một bản tuyên ngôn nhân quyền sâu sắc nhất. Xưa nay người ta thực thi giới răn này chỉ hẹp hòi trong nghĩa đen, nghĩa là chỉ cấm giết sự sống thân xác, thật là sai lầm và thiếu yêu thương. Còn Chúa hôm nay, Người cấm cả “giận anh em mình, mắng anh em mình là đồ ngốc, chửi anh em mình là quân phản đạo”. Chúa muốn con người, một tạo vật đặc biệt được Thiên Chúa tao dựng có trí tuệ khôn lường, có trái tim biết yêu thương, nên phải được tôn trọng, nâng niu cả tinh thần và thể xác. Vì con người không phải chỉ như con vật, con người “không phải chỉ sống nhờ bởi cơm bánh, nhưng còn nhờ bởi những lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,3). Con người còn phải sống nhờ cả vào tình cảm, lời nói yêu thương của đồng loại nữa. Chúa muốn ta phải sống hòa bình mà đã có lần Chúa chúc phúc: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5,9). Hòa bình đem lại ích lợi cho ta, cho mọi người, nó quan trọng hơn vật chất. Vì thế Chúa dạy phải “bỏ của lễ lại đó ” đi làm hòa trước đã “hãy mau mau dàn xếp với đối phương”,  bất kể lỗi gây ra từ mình hay từ người khác,  kẻo rồi bị “nộp cho quan tòa… bị tống ngục”, làm phiền hà cho mọi người, cho cả xã hội công quyền nữa.

Đến đây nhớ chuyện báo nhân dân đã kể: Một nhóm bạn sinh viên trọ học tại một phòng chung cư Hà Nội: Vào buổi sớm, một bạn đã phát hiện ra con lợn tiết kiệm của mình mới đêm bị mổ lấy mất tiền. Thế là cả phòng xúm lại, xì xèo, xét đoán và gán cho bạn N. đã làm việc trộm cắp ấy, vì tối qua N. về phòng muộn nhất. Thế rồi N. bị cô lập, không tự minh oan được. Rồi vì  đau khổ nhục nhã quá mà N. đã phải tìm đến cái chết. Khi ấy cả phòng mới thấy được bạn mình vô tội…

Chỉ vì những lời a dua, gán ghép, xét đoán vô căn cứ mà đã giết một mạng sống vô tội..

Lịch sử kể lại thời Chúa Giêsu có những gia chủ có hàng nghìn người nô lệ ở, họ phải lao động, sống như một bầy vật, chẳng có quyền lợi chi ngoài quyền lợi phục vụ chủ. Hơn hai nghìn năm nay, dựa vào Lời Chúa, Hội Thánh đã làm biết bao công ích để giải phóng cho quyền những con người này.

Lạy Chúa! Xin cho con yêu mến Lời Chúa dạy mà biết yêu mến, tôn trọng mọi người. Không chỉ là cha mẹ, anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết, nhưng là tất cả tha nhân, cả kẻ thù của con nữa, ì tất cả đều được Thiên Chúa là cha chung yêu thương tạo dựng, là anh em ruột thịt của con. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Tôn trọng nhân phẩm người anh em (06.03.2020)

Ghi nhớ:

“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng enh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đem ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt”. (Mt 5,22)

 Suy niệm:

Chuyện kể rằng: Một ngày kia, trong khi đi quyên tiền để giúp các trẻ em mồi côi, thánh Clemente đi vào một quán ăn. Ngài đưa tay ra và nói với mọi người:

– Xin quý vị rộng lượng bố thí cho các em mồi côi để các em có được manh áo, miếng cơm!

Ngay tức khắc, mọi người đang hiện diện trong quán ré lên cười hô hố! Họ nhìn thánh nhân với những ánh mắt khinh khi. Sau đó có một gã thợ giầy lên tiếng.

– Một manh áo, một miếng cơm ư? Được lắm!

Thế rồi anh ta ngửa cổ, uống đầy một ngụm bia và phùng má trợn mắt phun thẳng vào mặt thánh nhân!

Chúng ta thử tưởng tượng xem, thánh Clemente sẽ phản ứng như thế nào? Nếu là chúng ta thì sao? Chắc chắn chúng ta sẽ cho tên vô lại đó một cú đấm để“biết thế nào là lễ độ”, hoặc ít nhất cũng chửi cho gã một tràng thóa mạ, mạt sát để nguôi cơn giận!

Thế nhưng  đối với thánh nhân thì ngài bình tĩnh rút khăn ra lau mặt. Rồi lại ngửa tay ra và nói:

– Thưa quý ông, vừa rồi là phần dành cho tôi. Còn phần của các em mồ côi đâu chưa thấy?

Anh thợ giầy bàng hoàng, chưng hửng, vì không thể ngờ rằng trên cõi đời  này lại có một người nhẫn nhục và cao thượng như vậy. Anh ta lắp bắp nói:

-Vâng, để rồi tôi…tôi sẽ gửi tặng cho các em sau.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đưa ra lời dạy,và lời dạy này cũng là để kiện toàn lề luật của Ngài; Đó là phải tôn trọng phẩm giá của mọi người. Bởi lẽ mọi người đều là anh em cùng một Cha chung trên trời và đã được  tác tạo theo hình ảnh của Người.

Không chỉ khi gây ra án mạng là cướp đi mạng sống của người khác mới là phạm tội, mà ngay cả khi chửi rủa, mạt sát người anh em thôi thì đã bị kết tội và tội này cũng rất nặng nề rồi.

Đức Giê-su nhấn mạnh: Khi dâng của lễ mà sực nhớ còn có sự bất bình vời người anh em, thì hãy để của lễ trước bàn thờ để đi làm hòa với anh em trước đã rồi sau đó hãy trở lại dâng của lễ. Như vậy đối với Thiên Chúa của lễ đẹp lòng Ngài nhất đó là cuộc sống hòa thuận yêu thương anh em mà chúng ta có thể thự hiện để dâng lên Ngài.

Đức Giê-su còn nói đến tính cấp bách của vấn đề là” Hãy mau mau  dàn xếp với đối phương ngay khi còn đang đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao cho thuộc hạ và anh sẽ bị tống ngục” Do vậy, ngay từ bây giờ, nếu chúng ta xét thấy còn có điều gì bất bình, giân hờn với anh em thì hãy mau thu xếp một cách ổn thỏa đi, trước khi sự việc đi vào thời gian quá muộn!

Muốn tập được nhân đức hiền lành, không oán giận bực tức muốn trả đũa, không phải là việc dễ. Trước tiên, chúng ta phải có một tấm lòng ước ao muốn trở nên giống Chúa. Đồng thời xin ơn Chúa giúp chúng ta có ý chí và nghị lực mạnh mẽ để thắng vượt được tính tự nhiên là hay muốn phản ứng trả đũa khi bị xúc phạm, khi bị coi thường.

Hãy nhìn lên Chúa,  khi bị treo lên trên cây thập tự để suy gẫm và noi gương bắt chước Ngài. Cả một đời Chúa Giê-su chỉ làm những điều tốt đẹp cho mọi người, vậy mà quân dữ đã khạc nhổ, chửi rủa, nhạo báng đủ cách và sau cùng đóng đinh Người vào thập giá. Vậy mà Đức Giê-su còn cầu xin cho họ: “ Lạy Cha, xin tha tội cho họ vì họ không biết việc mình làm”.(Lc 23,33) Chúa là Đấng cao cả vô cùng Ngài đã đối xử với kẻ làm hại mình như vậy. Còn chúng ta, hãy nhìn lại chính mình! Chúng ta chỉ là những kẻ tội lỗi, vì vậy nếu có bị người khác xúc phạm, coi thường thì cũng đáng mà thôi. Vậy chúng ta sẽ thực thi lời dạy của Chúa, chúng ta nhất quyết loại trừ khỏi lòng mình những mối bất hòa, những sự giận dữ, những sự thù hận để tâm hồn chúng ta được thanh thản thảnh thơi và như vậy về phần thể xác cuộc sống của chúng ta vì thế cũng sẽ được trường thọ hơn và chất lượng cuộc sống cũng sẽ được nâng cao lên.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con có một cuộc sống trần thế bình an và hạnh phúc, nên Chúa đã dạy chúng con bài học hôm nay. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa sống khiêm nhường, hiền hòa và yêu thương mọi người, để cuộc đời chúng con nên như của lễ dâng tiến Chúa. Amen.

Sống Lời Chúa:

Tập sống trong tinh thần nhẫn nại chịu đựng và tha thứ.

Đaminh Trần Văn Chính.

Mạnh dạn tự tìm đến làm hoà với anh chị em (15.03.2019)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài: “Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Thật vậy, nếu chúng ta không làm hòa và tha thứ cho anh em, làm sao chúng ta có thể dâng lễ vật để xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của mình được. Do đó, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta phải sống yêu thương, làm hòa và tha thứ cho tha nhân, đó là biểu hiện thái độ cao thượng và cũng là tinh thần bác ái với anh chị em của chúng ta.

Sống biết yêu thương, thuận thái hòa

Nghĩa tình rộng lớn mãi bao la

Hận thù, chia rẽ là đau khổ

Hiệp nhất một lòng để thứ tha

 

Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ và mỗi người chúng ta về cách cư xử khôn ngoan với mọi người, đó là hãy biết dàn xếp trước, trong thời gian có thể còn dàn xếp được, để tránh đi những rắc rối sau này, có nghĩa là tránh được bất lợi khi ra trước tòa Chúa phán xét. Đi xa hơn, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta phải biết ăn ở hiền hòa để tránh được những phiền toái trong cuộc sống. Người hiền lành sẽ được mọi người thương mến. và có được niềm vui trong cuộc sống. Ngược lại, những người làm điều xấu, điều ác sẽ đánh mất đi tình bạn hữu và cuộc sống chẳng bao giờ được bình an.

Có ai thù ghét, chẳng cách xa

Tìm cách thân quen để dĩ hòa

Yêu thương chia sẻ tình thân ái

Lỗi lầm quên hết, quyết bỏ qua

*

Đồng hành với Chúa quãng đường xa

Tạo mối tương quan rất mặn mà

Bỏ qua ích kỷ, rời căm ghét

Hiệp nhất chân thành thật thiết tha

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: Mùa Chay là thời gian dành cho việc làm hòa với người anh em. Đây là công việc rất cần thiết phải thực hiện, không thể chần chừ hay ái ngại gì hết. Thiên Chúa chỉ nhận lễ vật của chúng ta khi tấm lòng của chúng ta được thanh thản và bình yên. Việc làm hòa, chúng ta cứ mạnh dạn bước đi bước trước, mặc dù chúng ta chẳng phải là người gây ra chuyện, nhất là làm hòa với những ai đang được coi là thù địch với chúng ta.

Cùng nhau hướng đến một Quê Nhà

Tâm hồn phơi phới rộn tiếng ca

Kết nghĩa đệ huynh cùng nhân thế

Để cho cuộc sống ngát hương hoa

 

Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ. Chúng con là những người tội lỗi và để xảy ra những chuyện bất hòa với anh chị em của chúng con.  Xin Chúa giúp chúng con biết mạnh dạn tự tìm đến làm hoà với anh chị em của chúng con, để chúng con xứng đáng được đón nhận ơn tha thứ của Chúá. Amen.

 HOÀI THANH

Nợ một Tình Yêu (23.02.2018) 

Suy niệm I: Tha thứ

Kể chuyện

Trí là một người rất khôn ngoan ranh mãnh. Một lần, Trí thâm lận vào quỹ của cơ quan một số tiền lớn. Một hôm, bị thủ trưởng phát hiện số tiền Trí thâm lạm, nên ông quyết định kỷ luật Trí.

Trí biết chuyện chẳng lành, liền nghĩ ra một kế:

Chiều hôm ấy, Trí đến gặp bà giám đốc với một cọc tiền thật dầy cùng với một món quà mà phụ nữ rất yêu thích: dây chuyền vàng sang trọng trong hộp nhung.

Gặp bà giám đốc, Trí thưa: Con biết bà là người rộng lượng, thương nhân viên như con. Nhân dịp sắp sinh nhật của bà, con kính biếu bà ít quà để tỏ tấm lòng thảo.

Nhận quà, bà nói với Trí: cảm ơn cậu, nhưng không nhận quà đâu, vì câu còn đang có tội với cơ quan.

Trí thưa: tại cô Thiện làm thất lạc hồ sơ nên con bị oan. Xin bà nói với cô Thiện làm lại hóa đơn thì con sẽ được thanh minh. Con nhờ bà gởi ít quà cho cô Thiện nữa.

Bà ta cười và nói: tiên sư anh, về đi, lần phải cẩn thận, bà không đỡ được đâu.

Suy Niệm:

Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta về của lễ đẹp lòng Chúa, “25 Thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 25), của lễ ấy không phải lễ toàn thiêu hay lễ vật cao sang, mà là của lễ chính con người của ta với một tấm lòng khiêm nhu, yêu thương và đầy tha thứ.

Tha thứ là một hành động bỏ qua lỗi lầm của người khác.

Tha thứ là buông bỏ, không truy cứu trách nhiệm của hành vi phạm lỗi đối với mình.

Tha thứ để lòng được bình yên và để được Chúa tha thứ.

Tha thứ cho anh em để tỏ lòng biết ơn Chúa đã tha thứ cho ta.

Tha thứ để chúng ta chấp nhận và chịu đựng nhau hơn.

Tha thứ luôn luôn để sự oán giận không kịp nảy sinh.

Tha thứ là buông bỏ sự oán thù, lỗi lầm của người khác mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện bồi thường về tổn thương mà ta gánh chịu.

Tha thứ đã là quá khó, mà hôm nay Chúa dạy chúng ta phải làm hoà trước khi dâng  lễ vật.

Làm hoà là ta xây dựng lại mối tương quan anh em, bạn bè giữa ta và người anh em lúc trước khi xảy ra lỗi lầm.

Làm hoà với người anh em gây lỗi với ta, làm phiền lòng ta, chứ không phải đi làm hoà với người anh em mà mình gây lỗi với họ. “24Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh”. Đây là lỗi của người anh em trước chứ không phải ta, vậy mà Chúa dạy ta phải đi làm hoà trước rồi mới về dâng của lễ. Thật quá khó! Chúa muốn chúng ta phải có tâm tình hoà bình thì dâng của lễ mới đẹp lòng Chúa.

Nếu không làm hòa với anh em mình trước khi dâng của lễ, thì chính của lễ là vật chứng tố cáo mình trước mặt Thiên Chúa.

Chúng ta được sinh ra trên đời này, chính là ta đã nợ một Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa ban tặng cho ta. Mỗi khi chúng ta mở mắt nhìn thấy vẻ đẹp kỳ công của Thiên Chúa; mỗi khi chúng hít thở khí trời để sống; mỗi khi chúng ta ăn hay uống mọi thứ để nuôi dưỡng ta; mỗi khi chúng ta nghe âm thanh của trời đất vạn vật; mỗi khi chúng ta cảm nhận được sự nồng ấm của tình người… Tất cả những thứ đó đều do Thiên Chúa ban tặng cho ta.

Vậy, khi ta còn sống ở trên đời này giây phút nào mà chúng ta không biết làm sáng danh Thiên Chúa, thì khi chết đi, ta phải trả lẽ về sự vô ơn đến khi nào xong mới được vào Nước Trời.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sám hối lỗi lầm của mình và tha thứ mọi lỗi lầm cho anh em con, để chúng con luôn sống yêu thường, an bình, làm sáng danh Thiên Chua để xứng đáng là con cái Chua, mai sau được hưởng Nước Trời. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Suy niệm II: Chủ động đi bước trước làm hòa

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dùng lề luật cũ để kiện toàn giới luật mới là yêu thương một cách trọn vẹn con người Tôi nhớ đến những người đã thấm nhuần lời dạy  yêu thương của Chúa . Đó là mẹ thánh Têrêsa Ấn độ, qua lời nói với người muốn xin vào dòng của mẹ: “Chị đã thấy người linh mục nâng niu tấm bánh thánh trong tay thế nào thì vào đây chị cũng phải nâng niu, săn sóc những người tàng tật, ốm đau bẩn thiu  đang bị vất ở rìa đường như vậy”. Hay nhà bác học Pastơ khi phải thực nghiệm tiêm vác xin vào một con vật mà ông đã phải đau khổ trằn trọc mãi vì không muốn làm hại gì đến sự sống của nó.

Tin mừng hôm nay, từ luật cấm giết người của thời Cựu ước, luật yêu thương ở mức tối thiểu sơ đẳng, Chúa Giêsu đã nâng lên cấm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm con người cả bằng lời nói chứ không chỉ việc làm. Cấm cả việc mắng chửi anh em mình. Chúa muốn  ta diệt đi mọi hiềm khích, chia rẽ, bạo động ngay từ trong lòng mà thay vào đó là tình yêu thương nhau cùng con một cha trên trời.

Cũng như từ luật cũ cấm ăn trộm, ăn cắp, Chúa đã dạy còn phải cho đi, “Ai muốn kiện anh để lấy cái áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngòai’’ (Mt5,40). Từ đó, Ngài dẫn ta tới yêu thương cả kẻ thù mà chỉ có đạo Chúa mới dẫn ta lên đỉnh cao lòng yêu thương ấy.

Hôm nay Chúa còn dạy ta việc làm hòa với anh em còn quý hơn của lễ dâng cho Chúa. Chưa làm hòa với anh em là Chúa cũng cắt mối quan hệ tình yêu với chúng ta, rồi Chúa mới tiếp nhận nối lại:  “Nếu khi anh sắp dâng của lễ  mà nhớ còn có chuyện đang bất bình với anh em,hãy để của lễ lại đó đi về làm hòa trước đã…”. Ngài lại còn tiếp tục dạy ta qua câu chuyện phải đi làm hòa, thương lượng với đối phương để ta khỏi phải ra tòa. Qua đây Chúa muốn ta phải chủ động đi bước trước làm hòa, nối tình thân thiện, thay vì ngồi chờ đợi đối phương khi có điều  xích mích xảy ra. Đi bước trước, có thể ta bị coi là đã  thua, bị thiệt thòi về tinh thần hay vật chất… Nhưng ta được cái lớn hơn đó là biết thực thi lời Chúa, là đã yêu Chúa, được Chúa mãi yêu thương.

Lạy Chúa xin cho con luôn thấm nhuần những lời Chúa dạy, để con thực thi tình yêu thương ấy ngay nơi xứ sở quê hương mình để mọi người thấy mà ngượi khen Cha trên trời. Amen.

Ngọc Năng Bc

Hãy đi làm hoà với người anh em ấy đã (10.03.2017)

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta về của lễ đẹp lòng Chúa, “24 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 25thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 24-25), của lễ ấy không phải lễ toàn thiêu hay lễ vật cao sang, mà là của lễ chính con người của ta với một tấm lòng khiêm nhu, yêu thương và đầy tha thứ.

Tha thứ là một hành động bỏ qua lỗi lầm của người khác.

Tha thứ là buông bỏ, không truy cứu trách nhiệm của hành vi phạm lỗi.

Tha thứ để lòng được bình yên và để được Chúa tha thứ những lỗi lầm của mình.

Tha thứ cho anh em để tỏ lòng biết ơn Chúa đã tha thứ cho ta.

Tha thứ để chúng ta chấp nhận và chịu đựng nhau hơn.

Tha thứ luôn luôn để sự oán giận không kịp nảy sinh.

Tha thứ cho người khác là buông bỏ sự oán thù, lỗi lầm của người khác mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào bồi thường về tổn thương mà ta gánh chịu.

Tha thứ là một việc làm hết sức khó khăn, không phải ai cũng có thể thực hiện một cách trọn vẹn, không phải lúc nào cũng thực hiện được. Có khi ta tha thứ cho người anh em của ta, nhưng ta không bao giờ quên cái lỗi đó. Có khi ta tha thứ cho người anh em của ta, nhưng ta lại tìm cách tránh xa họ. Ta không thể tha thứ cho anh em, vậy mỗi khi ta dâng của lễ trên bàn thờ làm sao đẹp lòng Chúa!

Tha thứ đã là quá khó, mà hôm nay Chúa dạy chúng ta phải làm hoà trước khi dâng  lễ vật.

Làm hoà là ta xây dựng lại mối tương quan tốt đẹp trước khi xảy ra lỗi lầm. Khi ta làm hòa và tha thứ một cách trọn vẹn, mối tương quan bạn hữu sẽ trở nên khắng khít, thân thiện, tâm giao hơn xưa.

Cu tèo và cu tí là hai đứa bạn sát vách. Một hôm, hai thằng đang chơi ngoài sân bỗng cu tí khóc tu tu chạy về nhà, mẹ hỏi sao lại khóc như thế? Cu tí nói con không chơi với tèo nữa, nó lấy đất của con.

Thì ra hai đưá đang chơi nặn đất. Mẹ tí bảo thôi ra kia lấy đất khác, nhưng tí không chịu vẫn khóc. Mẹ tí đi lấy đất cho tí chơi, nhưng chơi một mình nên tí buồn, lại lững thững đi ra ngoài sân chơi với tèo.

Tèo đang chơi một mình cũng chán, thấy tí đi ra, tèo cầm miếng đất chạy lại đưa cho tí, nhưng tí nói tớ có rồi. Thế là cả hai thằng ngồi xuống chơi.

Tèo bảo với tí: cho mình xin lỗi nhé.

Tí: ừ.

Thế rồi cả hai lại chơi đùa vui vẻ. tiếng cười vang như nắc nẻ.

Làm hoà với người anh em gây lỗi với ta, làm phiền lòng ta, chứ không phải chỉ đi làm hoà với người anh em mà mình gây lỗi với họ. “24Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh”. Đây là lỗi của người anh em trước chứ không phải ta, vậy mà Chúa dạy ta phải đi làm hoà trước rồi mới về dâng của lễ. Thật quá khó! Chúa muốn chúng ta phải có tâm tình hoà bình thì dâng của lễ mới đẹp lòng Chúa.

Chúa muốn ta làm hoà với anh em bằng cả lý trí, cả trái tim và cả lòng yêu mến, để ta và anh em được hưởng hoà bình. Hòa bình là hoa quả của tình yêu. Có yêu mới tha thứ, tha thứ mới có hòa bình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sám hối lỗi lầm của mình và tha thứ mọi lỗi lầm cho anh em con, để chúng con luôn sống trong hoà bình xứng đáng là của lễ dâng lên Ngài.

Gã Đầu Bạc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *