THÁNH ĐAMINH VŨ ĐỨC TRẠCH
Linh mục dòng Đaminh – (1793 – 1840)
Kính ngày 18 tháng 9
Trong 38 Tử đạo thuộc gia đình Đaminh Việt Nam.
Trích “Uống Nước Nhớ Nguồn”,
Linh mục Px. Đào Trung Hiệu OP, Chân Lý 1988.
Tranh sơn dầu : họa sĩ Phêrô Lê Hiếu OP.
Chứng nhân sự sống bất diệt.
“Thưa quan, nếu quan muốn được sự sống bất diệt, xin quan kính lạy Thánh Giá này”.
Vị anh hùng Kitô giáo khi bị ép buộc bước qua Thập Giá, đã bình tĩnh hiên ngang giảng về Thập Giá cho chính viên quan xét xử mình, đó là thánh Đaminh Vũ Đức Trạch.
Chào đời năm 1793 tại họ Ngoại Vối, xứ Ngoại Bồi, tỉnh Nam Định, Đaminh Trạch được cha mẹ gửi vào ở với cha xứ từ bé. Trong thời vua Gia Long, cậu có hoàn cảnh được học đầy đủ chương trình ở chủng viện và thụ phong linh mục năm 30 tuổi. Năm sau, cha xin gia nhập dòng Đaminh và tuyên khấn ngày 3.6.1825.
Không sợ cũng chẳng hối tiếc
Những người làm chứng trong hồ sơ phong thánh ca tụng cha Vũ Đức Trạch sống nghiêm ngặt và hết lòng tuân giữ kỷ luật dòng. Tuy mang trong mình chứng bệnh nan y lao phổi, cha vẫn giữ đầy đủ các luật lệ về ăn chay hãm mình và chu toàn mọi công tác. Cha coi xứ Quần Cống, rồi về Lục Thủy để dưỡng bệnh và kiêm nhiệm việc linh hướng cho các chủng sinh. Năm 1839, cha bị bắt ở Ngọc Cục, nhưng dân làng bỏ ra 200 quan để chuộc cha về. Từ đó, cha ở nhà ông lang Thiện và ông Trùm Bảo ở Trà Lũ.
Ngày 11.4.1840, khi lên thăm hai linh mục Vinh và Thản ở Ngưỡng Nhân, cha bị quân lính phát hiện. Do tình trạng bệnh hoạn, sức yếu chân chậm, cha không kịp chạy chốn trên đường về Tử Liêu, cha bị bắt và giải về phủ Xuân Trường. sau một thời gian bị giam và tra hỏi ở đây, cha Trạch được chuyển qua ngục thất tỉnh Nam Định.
Sự hiện diện của cha trong ngục là niềm vui và khích lệ cho nhiều Kitô hữu, cả những phạm nhân khác đang bị giam ở đó. mặc dù sức đã kiệt, cha Trạch vẫn cố gắng an ủi khuyên nhủ các giáo hữu và giải tội cho họ, đặc biệt cha đã giúp thày Tôma Toán, sau khi đạp lên Thánh Giá lần thứ hai thống hối trở về với Chúa và can đảm chịu tử đạo. Cha kêu mời anh em cùng cầu nguyện, nhất là đọc kinh Mân Côi. Khuôn mặt cha lúc nào cũng vui vẻ, cha thường nói :
“Tuy tôi thể lực yếu đuối, nhưng đã vì đạo mà bị bắt, tôi chẳng sợ gì, cũng chẳng hối tiếc chi”.
Ra tòa lần nào cha cũng bị vặn hỏi về linh mục Hermosilla Vọng dòng Đaminh, vị thừa sai Tây Ban Nha mà quan tưởng là người cuối cùng chưa bị bắt. Quan còn hứa trả tự do nếu cha chịu bước qua Thập Giá và đe dọa : “Hãy nhìn cây Thập Giá kia, một là bước qua, hai là chết”. Cha Đaminh Trạch không trả lời ngay, tự động quỳ xuống hôn kính Thánh Giá rồi quay về phía quan và nói: “Thưa quan, Thánh Giá là giường Chúa Kitô nằm chết thay cho nhân loại, nếu quan muốn sự sống đời đời, xin quan kính lạy Thánh Giá này. Tôi thà chết chứ không chịu bước qua Thánh Giá”.
Cứ để tôi đi trước
Nghe vậy quan Tổng đốc nổi giận tát vào mặt nhà thuyết giáo, rồi đấm đá túi bụi. Quan bắt lính cầm hai đầu gông khiêng cha qua Thánh Giá, nhưng cha co chân lên, mặc cho lính đánh đập tàn nhẫn. Vừa mỏi mệt thất vọng, vừa phẫn nộ điên cuồng, các quan đồng thanh kết án xử cha. Ngày 18.9.1840, bản án được vua Minh Mạng châu phê ra tới Nam Định và được thi hành ngay tức khắc. Quan cho tù nhân một cơ hội ân xá cuối cùng nếu bước qua Thánh Giá, nhưng cha từ chối.
Khi sắp rời ngục đi xử, cha tạm biệt các cha Ngân, Nghị, Thịnh, thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài cùng bị giam tại đó. Như một người xác tín mình sắp được vào Thiên Quốc bĩnh cửu, cha nói : “Các cha ở lại để tôi đi trước”. Dân chúng hiếu kỳ theo ngài ra pháp trường đông như xem hội. Đến nơi xử, lính tháo gông cho cha. Sau đôi phút cầu nguyện, cha Trạch đưa đầu lãnh nhát gươm tử đạo tiến về thiên quốc hằng sống. Thi thể ngài được an táng tại chỗ. Năm sau các tín hữu cải táng về nhà chung ở Lục Thủy.
Ngày 27.5.1900, đức Lêo XIII suy tôn linh mục dòng Thuyết giáo, cha Vũ Đức Đaminh Trạch lên bậc Chân phước. Ngày 19-6-1988, đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.