Thầy cúng đạo

Tôi ghé vào tiệm sửa xe quen bên đường bơm hơi bánh xe để có thể tiếp tục hành trình đi đến thị trấn Mường Khương. Tôi quen biết hai vợ chồng trẻ người Pa-dí này mấy tháng nay khi thường xuyên đi lại trên con đường này. Chồng em không có nhà, em lấy bơm và bơm bánh xe giúp tôi một cách thành thạo, nét mặt dàu dàu…Khi hỏi thăm đến chồng, em nói như chực khóc: “Nó không có nhà, lúc này nó đi chơi suốt đêm, không chịu nghe cháu ở nhà làm ăn….”. Em còn cho biết thêm mọi người trong bản nói rằng gia đình mày đang bị gặp hạn, cần phải mời thầy cúng đến cúng giải hạn và cột chân chồng lại. Nhưng nhà thì nghèo, chồng lại giữ hết tiền bạc, không có tiền làm sao mời thầy cúng được! Tôi đưa ra đề nghị: “Ông sẽ thỉnh cho con một bức hình Mẫu treo trong nhà và dạy con một bài chú, mỗi ngày con hãy thắp nhang khấn trước Mẫu và đọc đều đặn bài chú này cách thành tâm, ông bảo đảm Mẫu sẽ che chở gia đình khỏi mọi điều hại và sẽ xoay chuyển lòng chồng con  biết chuyên chăm làm ăn và thương vợ thương con như trước. Không cần trả tiền nhưng con phải hết sức thành tâm để Mẫu đoái thương…” Mặt cô bé rạng rỡ hy vọng.

Tuần sau, tôi ghé qua tặng gia đình cô bức ảnh Đức Mẹ ban ơn và bản kinh Kính Mừng.

Ở những bản làng Tây Bắc này, vai trò thầy cúng rất quan trọng[1]. Mọi biến cố hiếu hỷ trong gia đình và cộng động, thầy cúng thường có mặt và có tiếng nói quyết định. Đa phần các thầy thường học hỏi kinh nghiệm của nhau, học thuộc một số bài cúng, sắm một bộ áo, cái chuông và biết vẽ vài đạo bùa là có thể “hành nghề”.[2]

Đối với những anh chị em người thiểu số còn lạ lẫm với đạo Công giáo, vai trò linh mục Công giáo cũng giống như thầy cúng trong bản làng, các “thầy cúng đạo” cũng làm phép nhà mới, đưa ma, chúc lành đám cưới… với nghi thức nhà đạo trang nghiêm hơn, ngắn gọn hơn, ăn uống ít tốn kém như các lễ cúng của thôn bản.

Trong một bối cảnh niềm tin bị phai nhạt, những người đạo gốc cũng thường chạy đến với các thầy cúng, thầy bói nhờ coi giờ, chọn ngày để tổ chức các biến cố gia đình, để hỏi ý các việc liên quan đến “cõi âm”.

Trong năm qua, một người giáo dân đến hỏi ý để cải táng mộ cho mẹ chồng. Bà là dâu trưởng, một người đạo theo, nhưng đã sốt sắng sống đạo và hướng dẫn cả người chồng. Trong gia đình các em chồng khi trưởng thành, làm cán bộ đã bỏ đạo hết, may chỉ còn biết làm Dấu Thánh giá, còn thế hệ cháu thì thôi khỏi kể, vào nhà thờ như đi tham quan viện bảo tàng!

Bà cho biết gia đình đã họp bàn, rồi đi xem thầy để chọn ngày tốt mà cải táng. Thầy cúng nói lấp lửng không biết cụ có chịu theo về nhà mới không (dường như ý thầy là cần phải cúng và tổ chức rước cụ về!) Hai vợ chồng bà đề nghị phải xin ý kiến linh mục, vì bà cụ có đạo. Tôi đưa ra một số ngày trong tháng 11 cho gia đình chọn lựa. Tôi theo gia đình ra đến phần mộ để thẩm định thi thể đã phân hủy hay chưa, tình cờ tôi cũng mang theo la bàn để xác định hướng gió mà sắp xếp các vị trí cho thích hợp, rồi ấn định giờ mở áo quan là 3 giờ sáng (để giữa đêm, trời lạnh, khí phân hủy không bốc mùi). Khi thấy mình quyết đoán và có vẻ “chuyên nghiệp” trong nghề thầy cúng, gia đình yên tâm tin tưởng.

Từ hai giờ sáng, gia đình đã đến đón tôi đến hiện diện trong giờ cải táng, khi quan tài được đưa lên, nắp quan được bật ra, thi thể đã bị phân hủy, chỉ còn lại xương cốt, một số người thu nhặt xương, lau rửa và xếp vô tiểu sành mới bên cạnh. Theo tập tục tôi đặt xương sọ vào sau cùng, chỉnh sửa cho ngay ngắn và đóng nắp. Những người trong gia đình hỏi có phải quay cái tiểu ba vòng trên phần mộ (để âm hồn “chóng mặt” quên lối về chăng?) tôi không đồng ý và yêu cầu lên đường.

Dù có sẵn xe hơi của con cháu nhưng gia đình vẫn thuê một chuyến taxi để chuyển hài cốt. Biết ý họ lo sợ, tôi chủ động ngồi bên cạnh tiểu đựng hài cốt. Mọi người nói: “có thầy ngồi trấn đây là chúng con yên tâm.”

Xe chuyển hài cốt đến nhà nguyện khi trời còn mù sương. Như đã sắp xếp trước, tôi dâng cho bà cụ một Thánh lễ “đưa chân” tiễn bà đến ngôi nhà mới. Buổi lễ thật trang nghiêm sốt sắng, tôi tận dụng cơ hội để giảng Lời Chúa cho những tín hữu lâu nay không sống đạo hoặc những người ngoại giáo. Cuối Thánh lễ tôi mời gọi mọi người trong gia tộc lên thắp nhang tạ từ cụ, bà, mẹ của mình. Những cử chỉ tôn giáo, được giải thích rõ ràng có tác động trên những người lương lẫn giáo tham dự.

Sau Thánh lễ, tôi tiếp tục đồng hành với gia đình để đưa bà về nằm bên cạnh ông cụ, cách đó 50 km. Tôi nhận được những phản hồi tích cực từ bà con tham dự buổi cải táng lẫn những con cháu trong nhà.

Thánh Phaolô đã áp dụng nguyên tắc “Trở nên người Do thái với người Do thái, trở nên dân ngoại với dân ngoại… vì Tin Mừng tôi làm tất cả những điều đó” (1 Cr 9,20t).

Xin thánh Phaolô hướng dẫn con sẵn sàng làm mọi việc, miễn sao Tin Mừng Đức Ki-tô được loan báo.

Người gieo hạt

 


[1] Tên gọi thầy cúng của các dân tộc Tây Bắc mỗi nơi một khác: người Tày, Nùng gọi là thầy then, người Dao gọi là thầy tào, người Mường gọi là thầy mo.

[2]  Có một ông từ ở một giáo họ không có cha đã từ bỏ chức “ông từ” để làm “thầy cúng”. Ông có sáng kiến hội nhập nghi thức rảy nước phép của nghi thức công giáo vào các buổi cúng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *