Hoại, bất hoại (13.12.2023 – Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 40,1-11, Mt 18,12-14

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 18,12-14)

12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Hoại, bất hoại (13.12.2023)

Hoại (坏) là một từ hội ý; gồm: bộ Thổ (土 – đất) ghép với chữ bất (不 – không có, chẳng thể). Được hiểu là:

Đất (thổ) nằm trong ngũ hành tương sinh (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) tạo nên sự vận hành của vũ trụ, và cho thấy tầm quan trọng rất lớn của đất đến đời sống vật chất và tinh thần.

Thổ đại diện cho sự trường tồn, ổn định, là sự vững chắc, mang lại cảm giác an toàn và là sự hỗ trợ nền tảng cho vạn vật sinh trưởng.

Bất (không có, chẳng thể – 不)

Vậy, hoại (坏) mang ý nghĩa là hư hỏng, hư mất, bỏ đi, xấu xa (người) vì “không có đất” để phát triển (nghĩa đen).

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay cho thấy tình yêu Thiên Chúa và lòng thương xót của Người vĩ đại dường bao. Thiên Chúa không muốn cho bất cứ một ai phải bị hư mất dù cho họ chỉ là một kẻ bé mọn, bất tài, vô dụng, và hư hèn (x. Mt. 18,12-14). Đối với Thiên Chúa, người nào cũng có giá trị, cho dù người đó là tội nhân xấu xa.

Hôm nay, toàn thể giáo hội Công giáo Rô-ma cũng mừng kính Đức Mẹ Guadalupe, còn gọi là Nữ Vương Mexico; vì Mẹ đã hiện ra với một thổ dân Aztec trên ngọn đồi Tepeyac ở Mexico năm 1531. Và Mẹ đã in lại hình ảnh của mình một cách kỳ diệu trên tấm vải áo choàng bằng vải của người thổ dân này.

Sự kiện Đức Mẹ hiện ra và hình ảnh kỳ diệu của Mẹ trên chiếc áo choàng của người thổ dân tên Juan Diego vừa nói,  đã khiến cho rất nhiều người ở các cộng đồng người bản địa ở châu Mỹ đến với đức tin Công giáo.

Đức Mẹ Guadalupe đã mặc khải tình thương của Thiên Chúa cách đặc biệt, lúc Mẹ hiện ra trên hình dạng là một phụ nữ thổ dân đang mang thai. Chắc hẳn, Đức Ma-ri-a muốn công bố sứ điệp của Tin Mừng Giáng Sinh – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta – Đấng được gọi là Em-ma-nu-en đã đến để ở cùng và sống cùng với nhân loại, nhằm cứu chuộc hết mọi người, không phân biệt màu da, sắc tộc… nhờ đó nhân loại được vui hưởng trọn vẹn hạnh phúc và tình yêu của Thiên Chúa.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin cho chúng con biết chạy đến cùng Mẹ qua lời kinh Mân Côi, biết  sống khiêm nhu với Mẹ và trong Mẹ luôn tin tưởng và phó thác đời mình nơi Thiên Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Thương xót như Chúa Cha (06.12.2022)

Logo của Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót (2016) đã cho mọi Ki-tô hữu chiêm ngưỡng trọn vẹn sự tha tội, bài học tha thứ, nhất là tập chú vào sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng Thương Xót Chúa đánh động mạnh tâm thức của người tín hữu Chúa qua câu chủ đề Năm Thánh ở phía bên trái của logo: Misericordes sicut Pater (thương xót như Chúa Cha)

Logo Năm Thánh trình bày họa tiết một Chúa Ki-tô mục tử vác trên vai một người có lẽ là bệnh không đi được, một con chiên bị thương tật. Thú vị nhất và có lẽ là điểm nhấn đặc biệt của logo đó là: Có hai người nhưng chỉ có ba con mắt !

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay cho thấy Chúa Giê-su hỏi các môn đệ đi theo Người, anh em nghĩ sao về việc đi tìm một con chiên bị lạc xa bầy đàn của mình ? Qua đó, Chúa Giê-su mặc khải cho các môn đệ nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa – Ngài không muốn cho ai bị hư mất, cho dù đó chỉ là một người thấp hèn, bé mọn, đầy ắp tội lỗi…

Lòng Thương Xót Chúa chính là căn nguyên mà Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, để con người được làm con Thiên Chúa ! Thật vậy, lịch sử Cứu Độ là lịch sử những tháng ngày người cha dày công vất vả đi tìm người con.

Biến cố Giáng sinh là câu chuyện tình Thiên Chúa Cha hy sinh Con Một của mình để đi tìm nhân loại đang ngụp lặn, đắm chìm trong bến mê thế trần trở về Nhà Cha.

Chúa Giê-su không chỉ dong ruổi trên khắp các nẻo đường của xứ Pa-lét-tin hơn 2.000 năm trước đây mà thôi. Nhưng hôm nay đây, Ngài vẫn chưa ngừng dong ruổi trên khắp nơi trên thế giới để đi tìm mỗi người hèn mọn, bất toàn như chúng con trở về.

“Misericordes sicut Pater” vẫn là lời mời gọi cấp thiết đối với mọi Ki-tô hữu đối với anh chị em xung quanh mình. Thế nhưng Chúa ơi – Có lẽ con trông giống hình ảnh bệnh nhân trên logo Năm Thánh Lòng Thương Xót – Con chỉ có một con mắt.

Chỉ có một con mắt, nên con luôn nhìn cuộc đời, nhìn tha nhân một cách phiến diện.

Chỉ có một con mắt, nên con không nhìn thấy bản thân mình bất toàn, còn vô vàn khiếm khuyết.

Chỉ có một con mắt, nên con luôn thiếu sự cảm thông, thiếu sự quan tâm chia sẻ, thiếu lòng nhiệt thành giúp đỡ anh chị em mình.

Chỉ có một con mắt, nên con còn đó sự hoài nghi ngờ vực tình thương Chúa.

Chỉ có một con mắt, nên con không biết thương xót như Chúa Cha thương xót.

Chỉ có một con mắt, nên con không cảm nhận được tình thương của Chúa Cha quá bao la đến độ dù chỉ một mình con bị chột mắt, bị lạc đường, Chúa vẫn xuống thế làm người tìm con, ban ơn tha thứ cho con,và cứu độ con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin cho con luôn biết hướng lòng về Chúa, xin Chúa thương xót con. Amen.

CÁT BIỂN

Tình Chúa bao la (07.12.2021)

Ghi nhớ

“Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”. (Mt 18, 14)

 Suy niệm

Trong lãnh vực tình cảm, chúng ta có rất nhiều mối tình; chẳng hạn như tình yêu thương nam nữ, tình thầy trò trong học đường, tình làng xóm, tình anh em ruột thịt, tình bạn bè, tình vợ chồng…Nhưng có thể nói mối tình của Cha Mẹ đối với  con cái, là thiêng liêng, sâu đậm và cao cả nhất. Người ta đã phân tích rằng; Nếu những đứa con không còn Cha hoặc Mẹ hay cả hai, thì gọi chúng là Mồ Côi cha, mồ côi Mẹ hay là mồ côi cả Cha lẫn Mẹ. Một người chồng mất vợ thì gọi là goá vợ, ngược lại khi người vợ mà chồng đã chết thì gọi là quả phụ. Nhưng Cha Mẹ mà có con chết thì không có danh từ nào để gọi cả! Người ta đưa ra lý do là bởi vì trong từ ngữ không thể tìm được danh từ nào có thể lột tả được một cách chính xác nỗi đau đớn của bậc Cha Mẹ khi mất những đứa con của mình!

Có một ông Bố nọ, vì hoàn cảnh ngày xưa Cha Mẹ ông nghèo nên ông thiếu thốn đủ điều. Khi đi học, mặc dù nhà xa trường, nhưng ông vẫn ngày ngày phải lội bộ đến trường trong khi đó những đứa trẻ khác cùng trang lứa, đến trường bằng xe đạp, thậm chí có đứa còn có xe gắn máy! Ý thức được cái nghèo thì luôn đi đôi với khổ đau và thiệt thòi. Thế nên sau khi lập gia đình ông ra sức ngày đêm lo kiếm tiền với ước mong cho con cái mình sinh ra được đầy đủ, sung sướng như người. Và ông đã thành công. Các con ông giờ đây đều được học hành đến nơi đến chốn, đều thành đạt giầu có. Thế nhưng có một điều làm ông khổ tâm; Đó là các con của ông không biết thương yêu nhau. Ông than trách rằng: Mình đã thành công trong thương trường nhưng lại thất bại trong việc giáo dục con cái để chúng biết yêu thương nhau!

Chúng chỉ sống thực dụng với đồng tiền(vợ ông đã mất sớm), khi ông đau ốm, đứa nào cũng tranh dành để được chăm sóc cho ông. Điều này đáng lẽ khiến ông phải vui, nhưng ngược lại, ông cảm thấy buồn rầu và tủi thân! Vì ông biết rằng chúng không thương mến  gì ông, chúng làm vậy chỉ vì đang nhòm ngó vào số tài sản  hiện có để lấy lòng ông. Cũng chính vì điều này mà chúng chia rẽ ganh ty với nhau, chúng lo sợ rằng:  Di chúc để lại, ông sẽ chia tài sản không đồng đều!

 Những ngày cuối đời ông thường nói: “Nếu một ai đó có thể làm cho các con của tôi biết yêu thương nhau thì tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả gia tài mà tôi đang có cho người ấy”.

Bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su dùng dụ ngôn con chiên thất lạc để nói lên tấm lòng của Thiên Chúa yêu thương kẻ tội lỗi: Người kia có đàn chiên một trăm con, nhưng chẳng may có một con trong đàn bị đi lạc. Thế là Ông chủ đã để chín mươi chín con trên núi mà đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được thì ông ấy vui mừng vác chiên trên vai mà trở về cho hoà nhập lại đàn chiên của mình. Vì ông nghĩ rằng: Mình phải vui mừng vì  đã tìm được con chiên lạc, hơn là chín mươi chín con không bị lạc. Cuối dụ ngôn, Đức Giê-su khẳng định: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.

Tuần Thánh năm 2000, khi giảng tĩnh tâm cho Giáo Triều Roma, Đấng đáng kính là Đức Hồng y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận có suy tư “Thiên Chúa không biết tính toán, bởi vì Ngài đã để chín mươi chín con chiên trong hoang địa mà đi tìm một con bị lạc”. Tất nhiên, chúng ta phải hiểu cách nói đó của Đức Hồng y chỉ là muốn làm nổi bật lên tấm lòng Thiên Chúa yêu thương con người tội lỗi biết là dường nào mà thôi!

Thiên Chúa đã hy sinh ngay cả Người Con Một cho nhân loại thì còn việc gì mà Ngài không còn có thể làm cho con người tội lỗi nữa?  Ngài mong  muốn cho kẻ tội lỗi sẽ hoán cải để trở về cùng Ngài, và khi kẻ tội lỗi hoán cải trở về, đó sẽ là niềm vui tột bậc của Ngài.

Cứ lấy tình thương của một ông bố trần gian ra mà suy gẫm; Có ông bố nào mà không thương những đứa con mình sinh ra, tình thương ấy sẽ biểu tỏ một cách rõ ràng và sâu đậm khi đứa con của mình hư hỏng, ăn chơi sa đoạ,  ông sẽ ngày đêm ông lo lắng thổn thức và tìm đủ mọi cách để làm cho nó hồi tâm trở về và đến khi nào đứa con ấy trở về  với cuộc sống đàng hoàng tử tế thì ông mới yên lòng. Những người Cha có con đang sống trong cảnh hư hỏng thường nói: Làm sao tôi có thể chết mà nhắm mắt được khi con cái tôi còn đang sống trong tội lỗi!

Tấm lòng người Cha cũng được nói đến trong Phúc Âm như sau: “Có người nào trong anh em, khi con cái mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho cho con cái mình những  của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?”. (Mt 7 9-1).

Xét lại mình. Chúng ta có nhận thấy rằng  mình đã được Thiên Chúa yêu thương và ban cho  rất nhiều ơn lành hồn xác không?. Nếu chúng ta không cảm nhận được điều đó thì hãy coi chừng vì là chúng ta đang sống trong vô cảm, trong vô tâm đối với Thiên Chúa. Ngài như một Người Cha đã yêu thương chúng ta vô cùng và đến cùng! Một bệnh nhân kia khi cầm tờ hoá đơn của bệnh viện để thanh toán cho việc phải thở oxy. Lúc đó ông oà  lên khóc và tự trách rằng: “Bao nhiêu năm qua, Thiên Chúa đã cho tôi hít thở không khí một cách hào phóng, thế mà chưa một lần tôi biết cảm ơn và biết ca tụng Ngài”.

Cầu nguyện

Lạy Cha Chí Thánh, xin cho con hiểu tình thương mà Cha đã dành cho con sâu thẳm như thế nào, mặc dầu con chỉ là một tạo vật bất xứng, không đáng để được yêu thương và nhận được nhiều ơn lành hồn xác như vây. Xét lại mình con chẳng thấy có công trạng gì, ngược lại còn tràn đầy tội lỗi. Xin Cha thương tha thứ cho con và từ nay con quyết tâm sống sao cho đẹp lòng Cha để đáp lại tình thương vô vàn mà Ngài đã dành cho con. Con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Kitô Chúa của con. Amen.

Sống Lời Chúa

Sống quyết tâm: Làm việc lành và tránh xa tội lỗi.

Đaminh Trần Văn Chính.

Chúa không để chúng ta phải  hư mất (10.12.2019)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã so sánh kẻ có tội với con chiên đi lạc. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta được chứng kiến nhiều người dám chấp nhận hi sinh mạng sống để cứu người khác, bởi vì số phận những người đang ở trong tình trạng hiểm nguy là quan trọng hơn số đông đang sống trong bình an. “Kẻ có tội” là những người đang sống trong sự chết đời đời, do đó Chúa Giêsu quan tâm đến họ nhiều hơn.

Có người mục tử dẫn đường

Đưa trăm chiên đến tìm phương suối nguồn

Chuyện không may, nỗi buồn ập đến

Trong đàn chiên mất biến một con

Yêu thương chan chứa tâm hồn

Để lại tất cả, tìm con lạc đàn

*

Khi tìm thấy: hân hoan phấn khởi

Vác chiên về hồ hởi mừng vui

Yêu thương chan chứa cao vời

Tình người mục tử rạng ngời bao la

 

Giáo Hội luôn tha thiết kêu gọi những người “lầm đường, lạc lối” hãy quay trở về với Chúa. Với hình ảnh người mục đã tử bỏ chin mươi chín con chiên khoẻ mạnh đẻ đi tìm một con chiên lạc, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa đối với con người. Chúng ta chỉ có thể tin tưởng quay về với Chúa, nếu chúng ta ý thức được tình yêu và lòng tha thứ của Ngài.

Tình Chúa cao cả tuyệt vời

Yêu thương nhân loại, cứu người lầm than

Lòng con cảm thấy hân hoan

Được gần bên Chúa lòng tràn sướng vui

*

Quên đi quá khứ ngậm ngùi

Dựng xây cuộc sống sáng ngời niềm tin

Có Chúa che chở giữ gìn

Con yên tâm sống, nguyện xin một lời

Yêu Chúa luôn mãi không thôi

Vì Chúa nhân hậu đời đời thương con

 

Mùa Vọng là thời gian chúng ta nhìn lại những người “khô khan, nguội lạnh” đang sống chung quanh chúng ta, đó là những người đã mất lòng tin vào Chúa. Chúng ta phải là những người mục tử biết quan tâm chăm sóc nhau, được khởi đi từ những người trong gia đình đến những người trong khu xóm và rộng hơn là ngoài xã hội. Chúng ta chẳng thể mừng Lễ Giáng sinh một cách trọn ven nếu còn một ai đó đang xa Chúa. Nếu chịu mất công đi tìm về, chúng ta mới được hưởng niềm vui một cách đích thực.

Tìm về nẻo chính quang minh

Ngài thương tha thứ, an bình Chúa ban

Cho con thoát khỏi nguy nan

Vui hưởng hạnh phúc vô vàn yêu thương

*

Từ nay con quyết đúng đường

Đam mê từ khước, vấn vương loại trừ

Bao nhiêu thói xấu tật hư

Phủi tay, giũ sạch, giã từ, lãng quên

*

Để con được sống bình yên

Đồng hành với Chúa, đời thêm sáng ngời

Thành tâm sám hối đi thôi!

Cho lòng thanh thản, cho đời hoan ca

         Lạy Chúa! xin thương dẫn dắt chúng con về với cộng đoàn và sửa đổi tính hư nết xấu để chúng con biết sống theo lề luật của Chúa và xin cho chúng con biết cảm nhận được tình Chúa luôn dõi bước theo chúng con, kiếm tìm chúng con, chờ đợi chúng con, dẫu có những lúc chúng con đã lãng quên tình Chúa. Amen.

HOÀI THANH

Hạnh phúc bầy đàn… (11.12.2018)

Đoạn Phúc Âm hôm nay kể tại câu chuyện của người chăn chiên hết lòng tìm kiếm con chiên của mình đã bị lạc mất khỏi bầy đàn.

Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Có những linh hồn giống như con chiên đi lạc bầy đàn của mình. Họ vẫn ý thức mình đã bị lạc lối mất phương hướng, đang gặp nguy hại về tinh thần. Nhưng không thể tự mình vươn lên, không thể tự mình thoát ra những bế tắc đang bủa vây cuộc đời của mình. Thiên Chúa là mục tử nhân lành luôn mong ngóng tìm kiếm họ. Thật hạnh phúc khi được tìm về với bầy đàn !

Và khi Thiên Chúa tìm được họ, Người đưa họ trở về với bầy đàn một cách an toàn, Người ấp ủ họ vào lòng, và hằng luôn tận tình dẫn dắt. (x. Is 40,11); đến độ sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10,15).

Thật vậy, Thiên Chúa luôn muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý; Ngài không muốn một ai phải hư mất. (x.1Tm 2, 4; Mt 18,14).

Lạy Chúa Giêsu, mùa Vọng là thời gian giúp con  nhìn lại chính bản thân mình. Con vẫn còn mải mê lưu lạc giữa phồn hoa gian trần. Xin cho con biết mau mắn trở về với Chúa qua tiếng vọng tìm kiếm yêu thương chăm sóc của Ngài. Amen.

CÁT BIỂN

Tình Chúa… (12.12.2017 – Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng)

Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại không phải là một đại lượng toán học so sánh nhiều hay ít; cũng không phải là cuộc trưng cầu dân ý đa số luôn thắng thiểu số… mà tình yêu Thiên Chúa chính là giải pháp cứu độ của Thiên Chúa. Trong đó, mỗi một người đều có một phẩm giá và vị trí riêng biệt.

Tình yêu của Thiên Chúa thì cao vời hơn hẳn luận lý thông thường của con người. Cho nên không thể dùng phương thức tính toán thực nghiệm để minh chứng tình yêu của Chúa được, mà phải bằng lòng khiêm nhường, và tâm tình yêu mến đơn sơ chân thành thì mới suy thấu hết lẽ huyền nhiệm của tình yêu này.

Lẽ huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa chính là lòng thương xót vô bờ mà Thiên Chúa dành cho con người. Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mạc khải cho nhân loại khuôn mặt dịu hiền, bao dung, yêu thương, và tha thứ của Người.

Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian là để đem ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại và cho từng cá nhân cụ thể.

Lạy Chúa Giê-su, khi xuống thế làm người, Chúa đã nhận gian trần làm quê hương. Chúa đã ban niềm vui và bình an cho toàn thể nhân loại. Xin Chúa cho con cũng biết đem niềm vui và bình an của Chúa đến từng anh chị em chúng con, qua những việc lành bác ái. Amen.

CÁT BIỂN

Lòng thương xót (06.12.2016 – Thứ Ba tuần II Mùa Vọng)  

Hình ảnh con chiên lạc được thánh Mát-thêu khắc họa trong Tin Mừng hôm nay, làm tôi liên tưởng tới huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót, vừa mới kết thúc không lâu.

Huy hiệu Năm Thánh làm nổi bật hình ảnh Chúa Giêsu vác trên vai một con người trông như đang vác một con chiên.

Huy hiệu Năm Thánh làm nổi bật hình ảnh vị Mục tử ân cần đi tìm, gặp thấy, rồi vác con chiên trên vai; đã nói lên lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với con người, nhất là đối với tội nhân được Thiên Chúa tha thứ và đem trở về với tình yêu của Người.

Thiên Chúa không muốn bất cứ một ai trên thế gian phải hư mất. Chỉ vì Người chính là tình yêu; Người luôn ân cần săn sóc từng người, tùy từng trường hợp khác nhau…

Thật vậy,

Chính ánh mắt đầy yêu thương và giàu lòng thương xót của Chúa Giêsu đã giúp ông Da-kêu, ông Lê-vi, và cô Ma-đa-lê-na đổi đời.

Chính ánh mắt đầy yêu thương và giàu lòng thương xót của Chúa Giêsu đã đánh động tâm hồn của Phê-rô và chàng Sao-lô lầm đường lạc lối được ơn hoán cải.

Chính ánh mắt đầy yêu thương và giàu lòng thương xót của Chúa Giêsu đã bộc lộ tấm lòng thương xót của Chúa Cha trên trời “không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14).

Qua đó, giúp tôi càng xác tín hơn nữa về lòng thương xót, yêu thương vô bờ của Thiên Chúa đối với riêng tôi và chung cho hết thảy mọi người. Mùa Vọng chính là dịp thuận tiện để tôi có cơ hội trở về với bầy đàn yêu thương mà lâu nay tôi đã lạc xa bởi những đam mê phù phiếm trần đời.

Lạy Chúa, xin ban cho con “ánh mắt của Chúa”; để con có cái nhìn yêu thương tha thứ, cái nhìn cảm thông, quảng đại với chính anh chị em mình. Để con biết sẵn sàng dấn thân phục vụ hết lòng vì Chúa, vì phần rỗi của các linh hồn. Amen.

CÁT BIỂN

Chúa muốn mọi người được cứu độ 

“Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những hẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14).

Suy niệm: Mùa Vọng là thời gian ta sống mãnh liệt hơn tâm tình chờ đợi Chúa đến. Thật ra, trong mùa Vọng, ta cử hành ba cuộc Chúa ngự đến. Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm; Chúa sẽ đến trong vinh quang của ngày cánh chung; và Chúa đang ngự đến tâm hồn ta cách huyền nhiệm. Tâm tình chờ đợi, khát mong ấy đong đầy hy vọng, vì Chúa “không muốn cho một ai” phải hư mất. Chính vì niềm hy vọng này, là niềm-hy-vọng-đáng-tin, nên dù đêm hay ngày, vui hay buồn, cơ cực hay thịnh vượng, người tín hữu đích thực luôn phải vững lòng cậy trông. Sự thất vọng không có chỗ trong con tim của Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn tìm kiếm những con chiên lạc, vác đưa về đàn. Ngài luôn mời gọi ta hãy đến với Ngài để được Ngài “nâng đỡ bổ sức cho.” Nói cách khác, nhờ Chúa đỡ nâng mà không ai có thể dễ dàng bị hư mất.

Mời Bạn: Được Chúa đảm bảo như thế, nhưng ta cũng phải đóng góp công sức của mình, thì kỳ vọng của Chúa mới thành hiện thực. Tự do của con người và ý muốn của Chúa cần phải sánh đôi, hòa nhịp mới tạo nên một khúc nhạc vui cho Ngài và cho ta.

Chia sẻ: Tìm cơ hội đến với anh chị em đang lung lay đức tin, khuyến khích, nâng đỡ họ đến với Chúa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Ước gì niềm vui ấy là ý thức mình được Thiên Chúa cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã dựng nên con, cho con được sống, được vui, được cậy vào lời Chúa hứa. Xin đừng để con phải thất vọng, dù con là kẻ tội lỗi. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *