Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Hs 6,1-6, Lc 18,9-14
✠ Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Lu-ca (Lc 18,9-14)
9 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (09.03.2024)
Các bài đọc hôm nay tập trung chủ đề giới thiệu một Thiên Chúa nhân từ, Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho những kẻ lầm lạc biết khiêm tốn nhận lỗi trước Thiên Chúa và xin Ngài tha thứ. Ngài muốn lòng yêu Ngài hơn tất cả các hy lễ vật chất.
Bài đọc I trích từ sách Hôsê, sách của một ngôn sứ đã vâng lệnh Thiên Chúa để sống một đời sống hôn nhân kỳ lạ bằng một tình yêu vĩ đại, luôn tha thứ và chấp nhận đền bù tất cả những nợ nần do người vợ lang chạ gây ra để chuộc lại nàng. Hôsê sống cuộc hôn nhân đó để diễn tả cho dân Israel và nhân loại biết tình yêu của Thiên Chúa với loài người tội lỗi, bất trung là như thế nào : Ngài chỉ có yêu thương, tha thứ, cứu chuộc và đem lại hạnh phúc cho con người. Ngài có giáng tai họa xuống Israel cũng chỉ là để sửa dạy họ. Israel phải nhận ra rằng họ chính là Con của Thiên Chúa : “Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và chúng ta sẽ sống trước mặt Người.”
Một tiên báo như lời thánh Phaolô sau này : “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.” (Rm 6,11).
Nhưng các mục tử và những người lãnh đạo dân Israel vẫn theo ý riêng, vẫn dựa vào suy tính và thế lực của mình, lầm lạc, bất trung với Thiên Chúa và làm cho dân ra hư hỏng. Họ vẫn giữ những lễ nghi tế tự, nhưng lòng họ không tin tưởng vào Thiên Chúa của họ mà lại hướng về dân ngoại. Vì thế Thiên Chúa phải sửa dạy họ, cho họ biết : “Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ.”
Thời Chúa Giêsu các nhà lãnh đạo Do Thái không trực tiếp bỏ Thiên Chúa để đi thờ các các ngẫu tượng, các thần ngoại như Ba-an, Át-tô-rét … Nhưng họ lại có một kiểu thờ phượng xa Chúa khác, đó là họ đề cao và tôn trọng các truyền thống, tập tục của họ hơn là chính các Lề luật của Chúa, vì những điều đó có lợi cho họ. Nói cách khác thì họ chỉ vì quyền lợi của bản thân họ trên hết. Nạn nhân của họ chính dân Israel
“Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.” (Mt 23,4).
“Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.” (Mc 12,40).
Vì thế Chúa Giêsu khiển trách họ về thói giả hình, hám lợi. Người đã dùng lời Ngôn sứ Isaia mà tố cáo họ : “các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng : Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (Mt 15,6-9).
Họ làm những việc trái ngược với những điều Thiên Chúa mong muốn. Vì vậy Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện để phê phán họ. Ngài mô tả thái độ của hai người khi lên đền thờ cầu nguyện :
– Người Pharisêu rất trịch thượng, khinh người khi cầu nguyện. Ông cầu nguyện nhưng không cầu nguyện, mà chỉ kể công, khoe khoang những hành động ông cho là đạo đức của mình như những thành tích và điều kiện để Thiên Chúa phải công nhận, ban thưởng cho ông. Ông đã không có tình yêu với Thiên Chúa và với người khác khi cầu nguyện. Ông đã quên hẳn và không làm theo điều Chúa đã nói : “Ta muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ”.
– Người thu thuế đã chân thành nhận thấy mình hèn kém và tội lỗi trước Đấng Tối cao, nên chỉ “đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực” mà cầu xin Thiên Chúa thương xót anh. Anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Chúa mà chỉ có một tấm lòng sầu khổ hối hận vì đã phụ bạc tình yêu của Ngài. Hy lễ của anh là tấm lòng tan nát vì yêu Chúa, chính là thứ Thiên Chúa yêu thích.
Kết luận của Chúa Giêsu là hai người ra về sau khi cầu nguyện thì người thu thuế được Chúa nhận lời, còn người Pharisêu thì không những không được Chúa nhận lời mà lại còn phạm thêm tội vì khinh người ngay khi cầu nguyện.
Lời Chúa hôm nay mời gọi Kitô hữu khi cầu nguyện phải trên căn bản Tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Yêu Chúa để thấy mình là kẻ tội lỗi vì đã phụ bạc tình yêu của Ngài. Yêu tha nhân vì mình yêu Chúa. Nhưng vì chúng ta luôn yếu đuối và khiếm khuyết bổn phận với Chúa và tha nhân nên phải biết khiêm tốn nhận thấy mình tội lỗi và xin Chúa thương xót.
Cách thể hiện tốt nhất lòng yêu Chúa, yêu người là học hỏi và thực hành Lời Chúa, là chu toàn bổn phận hàng ngày trong bậc sống Chúa đã đặt định. Tấm gương của Thánh Phaxica Rôma đáng để người Kitô hữu học hỏi và noi theo. Bà là một vị thánh đặc biệt cân bằng và chu toàn giữa hai bổn phận lo cho gia đình và phục vụ tha nhân. Bà có câu nói nổi tiếng rất thú vị : “Một phụ nữ đã lập gia đình mà còn đạo đức thì thật đáng khen ngợi, nhưng họ đừng bao giờ quên rằng mình là người nội trợ. Và đôi khi, họ phải để Thiên Chúa ở bàn thờ mà về với ông chồng trong công việc hàng ngày.”
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “xé lòng chứ đừng xé áo”, biết nhận ra mình là kẻ tội lỗi, thành tâm thống hối ăn năn để đáng được Chúa thương xót thứ tha. Amen.
Jos. NM Tưởng
Sống hiền hậu và khiêm nhường (18.03.2023)
Ghi nhớ:
Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí không dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (Lc 18, 13).
Suy niệm:
Những lời đầu của kinh Kính Thánh Martino de Porres là: “Lạy Thánh Martino rất khiêm nhường, lòng yêu thương nồng nhiệt của Người chẳng những che chở các anh em túng nghèo mà lại còn cả những thú vật ngoài đồng…”
Chuyện kể rằng: Vào lúc nhà Dòng mang nợ đến nỗi không thể bảo đảm cho các nhu cầu cần thiết của các tu sỹ nữa. Thấy vậy, thầy Martino đã đến thưa với bề trên Dòng rằng:
Thưa Cha, con chỉ là một tên mọi đen. Xin hãy bán con đi để có tiền mà trang trải cho Dòng!
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật lại cho chúng ta Dụ ngôn về một người Pha-ri-sêu và một người thu thuế, cả hai cùng lên Đền Thờ cầu nguyện, nhưng một người thì được trở nên công chính, người còn lại thì không. Nếu ta đặt ra câu hỏi tại sao cả hai cùng lên Đền Thờ cầu nguyện, nhưng một người được Thiên Chúa nhận lời và ban cho nhiều ơn lành hồn xác còn người Pha-ri-sêu không được gì cả, trái lại còn bị lên án nữa, mặc dù xem ra ông này sống rất đàng hoàng, tử tế, không trộm cướp, không ngoại tình, bất chính. Mấu chốt của vấn đề nằm ở tấm lòng, ở thái độ. Người thu thuế biết ăn năn sám hối, biết thân, biết phận mình là kẻ tội lỗi nên với lòng khiêm tốn đó, ông chỉ trông cậy vào lòng Thiên Chúa xót thương, xin Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi cho mình mà thôi. Ngược lại, người Pha-ri-sêu thì tự coi mình có nhiều công trạng, tự cao tự đại cậy mình là người tốt lành, không những thế ông ta còn tỏ thái độ coi thường và phán xét người khác: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cướp, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18, 11).
Trước Thánh Nhan Chúa chúng ta chỉ là một tạo vật yếu đuối, tội lỗi thấp hèn, rất cần đến lòng thương xót, bao dung của Thiên Chúa, chúng ta có cái gì mà dám tự phụ khoe khoang công trạng của mình? Nếu chúng ta có làm được gì thì cũng chỉ là do Thiên Chúa trợ lực ban ơn mà thôi. Lại nữa, khi chúng ta có được may mắn, có cuộc sống tốt đẹp, tử tế, không sa ngã vào những tệ nạn này kia thì chúng ta phải biết yêu thương, tôn trọng và nâng đỡ những người anh em khác không được may mắn như chúng ta, chứ đừng bao giờ vướng thói xấu xa; đó là nói xấu người khác để làm cho mình được tôn lên.
Những ai sống hiền hậu và khiêm nhường thì chắc hẳn sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì khi xưa khi đi rao giảng Tin Mừng Đức Giê-su đã từng làm gương và kêu gọi những ai muốn bước đi theo Ngài thì : “Hãy học cùng tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Thánh Gia-cô-bê đã khẳng định trong thư gửi cho mười hai chi tộc Do Thái rằng: “ Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”. (Gc 4, 6)
Khi sống hiền hậu và khiên nhương chúng ta không những được Thiên Chúa yêu thương, ban ơn mà ngay cả khi ở đời này còn được những người sống chung quanh yêu thương, kính trọng nữa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con phải có thái độ nào mỗi khi cầu nguyện. Xin giúp chúng con luôn xác tín rằng: tất cả những gì chúng con có, những gì chúng con làm được đều do Chúa ban. Chúng con chỉ là những con người giới hạn, đầy yếu đuối. Để từ đó chúng con luôn sống trong tinh thần khiêm tốn trước Chúa và anh em nhất là biết tin tưởng, phó thác trọn vẹn trong Chúa mà thôi. Amen.
Sống Lời Chúa.
Sống tin tưởng, phó thác, hiền hậu và khiêm nhường.
Đaminh Trần Văn Chính.
Xin ơn được tha thứ (26.03.2022)
Chuyện kể rằng:
Vào một đêm Giáng Sinh nọ, Thánh Giê-rô-ni-mô đang quỳ bên máng cỏ để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, thì Chúa Hài Đồng hiện ra trong vầng sáng chói lòa.
Chúa Hài Đồng âu yếm hỏi: “Giê-rô-ni-mô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không ?”
Thánh nhân đáp: “Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng cho Chúa trái tim của con.”
“Đúng thế, nhưng còn gì khác nữa không ?”
– “Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và tất cả những gì con có thể.”
Chúa Hài Đồng hỏi tiếp: “Con còn điều gì khác hơn nữa không ?”
Thánh nhân khẩn khoản thưa: “Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu ?”
Chúa Hài Đồng bảo: “Này Giê-rô-ni-mô, hãy dâng cho Ta tất cả tội lỗi của con nữa.”
Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại: “Ôi, lạy Chúa, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được ?”
Chú nói: – “Được chứ ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.”
Nghe thế, thánh nhân bật khóc vì sung sướng. Ôi Thiên Chúa nhân lành vô cùng, Ngài chẳng muốn gì hơn là được thỏa mãn lòng nhân từ yêu thương của Ngài bằng việc tha thứ luôn mãi cho con người.
Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay (Lc. 18, 9-14) cho ta thấy: Người thu thuế đã quy hướng về Chúa trong khi cầu nguyện; ngược lại người Pha-ri-sêu thì chỉ biết cầu nguyện quy hướng về bản thân ông ta. Người thu thuế thì:
Đến với Chúa trong tâm tình thống hối và khao khát Chúa;
Khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ ở nơi Chúa;
Khấn xin Chúa hướng dẫn mình trở về với tình thương của Chúa, trở về với anh em mà mình đã xúc phạm.
Kết quả, Tin Mừng cho biết:
Người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người thu thuế thì không (x. Lc. 18,14)
Không cần Thiên Chúa có trong đời mình và coi thường người khác, vẫn là cám dỗ của nhân loại hôm nay. Ôi, đáng thương thay !
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Amen. (x. Tv. 50,1-2)
CÁT BIỂN
Cầu nguyện: chay tịnh (13.03.2021)
Trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng hai hình ảnh đối lập nhau:
Một là người pha-ri-sêu lên đền thờ cầu nguyện, nhằm ám chỉ một số người tự hào mình là công chính trước mặt Thiên Chúa; để rồi có thái độ khinh chê người khác chứ không phải họ cầu nguyện để hướng tâm hồn lên với Chúa để yêu mến, tôn thờ, cảm tạ Thiên Chúa, xin ơn trọn lành, ăn năn thống hối những lỗi phạm mất lòng Chúa, và dấn thân phục vụ anh chị em mình.
Hai là người thu thuế, bao hàm cho những người tội lỗi, xấu xa. Chính tâm hồn khiêm cung, tự hối của người thu thuế lại làm đẹp lòng Chúa hơn.
Qua đó cho thấy Thiên Chúa cần tấm lòng tan nát, khiêm cung chứ Ngài không cần hy lễ; Ngài cần con tim yêu thương chứ không cần đầu óc tự phụ.
Ngẫm lại, là đoàn viên Đa Minh, lắm lúc tôi cũng đầy tâm thức giống y như người pha-ri-sêu: Tôi tự phụ, tôi sống ảo tưởng mình được phước hơn những Ki-tô hữu khác vì mình được tháp nhập vào Dòng, được học hỏi, được cơ hội hiểu biết hơn những người chỉ là “giáo dân”, còn tôi được diễm phúc là “giáo dân Đa Minh”. Thật khốn nạn cho tôi !
Mùa Chay là mùa thuận tiện để tôi canh tân đời sống. Có thể nói được rằng: điều kiện cần để canh tân đời sống chính là cầu nguyện.
Mùa Chay còn là mùa cầu nguyện. Cầu nguyện để thanh luyện thái độ tôi mỗi ngày, lời cầu nguyện đích thực đẹp lòng Chúa chính là thật lòng ăn năn, sám hối, khóc tội của mình. Cầu nguyện để tôi thêm lòng trông cậy, tín thác vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy sẽ xoá tan mọi mặc cảm tội lỗi và mang lại cho tôi tự do đích thực của con cái Chúa. Cầu nguyện giúp tâm trí tôi nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu. Cầu nguyện để giúp tôi vững lòng trông cậy vào lòng thương xót Chúa. Cầu nguyện là phương thế chay tịnh hãm dẹp những dục vọng thân xác để nuôi dưỡng tâm hồn.
Lạy Chúa, xin cho con biết khiêm hạ nhận ra sự hư hèn tội lỗi của bản thân con để con được lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Xin thương xót con… (21.03.2020)
Tự hào về mình, coi khinh người khác; luôn là “chuyện thường ngày” của con người ở mọi thời chứ không hẳn chỉ xảy ra vào thời Chúa Giê-su đang thi hành sứ vụ ở tại thế mà thôi.
Phúc Âm hôm nay đã dạy mỗi người cách cầu nguyện để đón nhận được lòng thương xót Chúa; và được Chúa khoan hồng tha thứ mọi lỗi tội mà mình đã phạm từng giờ từng ngày trong cuộc sống hiện nay, đó chính là:
– Thái độ khiêm nhu thống hối khi cầu nguyện cùng Chúa.
– Nhận thức rõ con người yếu hèn, xấu xa, lỗi tội của chính bản thân mình.
– Thành tâm đón nhận sự sửa phạt của Chúa vì mình đáng phải chịu như thế.
– Đặt mình hoàn toàn vào Lòng Thương Xót Chúa.
Mùa Chay, mời gọi mỗi người không ngừng xét mình; xin Chúa soi trí mở lòng để mỗi người thấy được ưu khuyết điểm của con người mình, ngõ hầu xứng đáng đón nhận ơn tha thứ của Chúa, sửa đổi tính hư tật xấu, luyện tập và sống các nhân đức.
Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. (x. Lc 18,13b)
CÁT BIỂN
Hai hạng người cầu nguyện (30.03.2019)
Dụ ngôn về “Hai hạng người cầu nguyện” của bài Tin Mừng hôm nay phê phán những người biệt phái tự hào mình là người công chính và khinh chê người khác. Người đó đứng riêng biệt một mình để cầu nguyện trong đền thờ, cử chỉ này nói lên phần nào thái độ tự hào và khinh dể người khác. Đứng riêng ra để khẳng định mình là mình, mình có đủ bản lãnh. Cung cách này được xác nhận thêm qua lời cầu nguyện của ông: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác…”. Coi mình không giống như kẻ khác là một vinh dự, một ơn phúc, một mục tiêu để phấn đấu, để dành cho được. Vì thế, khi được như vậy người ta không thể không sung sướng và tạ ơn, qua đó chứng minh sự khác biệt của mình với đại chúng.
Để chứng minh, người biệt phái kể ra một số khác biệt của mình với đại chúng, nhất là không giống như người thu thuế vốn nổi bật vì các nết xấu, hay cụ thể hơn nữa là ăn chay một tuần hai lần và dâng cúng cho đền thờ 1/10 hoa lợi.
Tóm lại, sống công chính là thi hành các giới răn của Chúa trong mười điều răn như không tham lam, không ngoại tình và tuân giữ các luật lệ của Môisê như ăn chay, dâng cúng vào đền thờ mà không cần biết tâm tình bên trong cần có. Giữ được như vậy, họ cho mình là người công chính mà khinh chê kẻ khác. Vơ đũa cả nắm, họ liệt kê tất cả mọi người vào hạng tội lỗi. Như thế có thể nói đứng riêng một mình là tư thế phản ảnh đích xác sự thánh thiện của người Pharisêu, nó cũng phản ánh quan niệm cũ về sự thánh thiện.
Nhưng trớ trêu thay, số người cho mình là công chính lại không được Chúa nhận cho là người công chính. Như vậy, vấn đề không phải là làm thế nào để được nên công chính cho bằng là phải hiểu thế nào là được nên công chính. Vì làm như thế cốt để cho ai cũng tưởng họ là nên công chính nhưng rốt cuộc là không phải công chính. Và ngược lại, kẻ mà ai cũng tưởng là không công chính thì họ lại được kể là công chính, được cứu độ. Được ơn công chính là ơn nhưng không của Thiên Chúa, như Ngài đã quyết định cho người thu thuế trong dụ ngôn được kể trên là người công chính.
Thiên Chúa không căn cứ trên thành tích nào của ta, và ơn cứu độ chẳng những không làm xa cách loài người mà là đưa ta đến chỗ kết hiệp mật thiết với Chúa hơn. Những việc ta làm không phải là nguyên nhân khiến ta được cứu độ, được nên công chính, nhưng là chính Thiên Chúa ban cho ta.
Kiêu ngạo (10.03.2018)
Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng cần phải có một nơi để cậy dựa, cần một nơi để đặt niềm tin, hầu có thể giúp ta vượt qua những khó khăn. Bản thân cũng là một trong những lựa chọn tốt, tự tin vào bản thân khiến người ta có thể vượt qua khó khăn. Thế nhưng, tự tin một cách thái quá có thể vô tình khiến ta trở thành những kẻ kiêu ngạo.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ ra sự kiêu ngạo của người biệt phái. Trong đền thờ, trước mặt Thiên Chúa, ông ta không chỉ tự đắc về những việc làm “thánh thiện” của bản thân mà còn chê trách, khinh thường người thu thuế đang ăn năn sám hối. Tất nhiên, Người bảo người thu thuế được tha tội, còn người biệt phái kia thì không.
Có những khi đọc đoạn Tin mừng này, chúng ta hay chê trách người biệt phái ấy. Thế nhưng, khi lên án ông ấy, chúng ta đã vô tình trở thành những kẻ kiêu ngạo như chính ông ta, và khi đó, chúng ta cũng sẽ bị Thiên Chúa lên án. Do đó, ta phải nhận thấy sự kiêu ngạo chết người nơi người biệt phái để tránh xa nó, chứ không phải để ta dựa vào đó mà phê phán để rồi trở thành ông ta – một kẻ kiêu ngạo.
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ tránh thói kiêu ngạo, mà còn phải tránh cả thói khiêm tốn giả hình, vì sự khiêm tốn ấy còn đáng sợ hơn sự kiêu ngạo rất nhiều. Khi sự khiêm tốn không xuất phát từ tình yêu dành cho Chúa, không xuất phát từ tận đáy lòng mà chỉ cầu mong được người khác khen ngợi, tán dương, đó chính là lúc thói khiêm tốn giả hình xuất hiện.
Là con người, ai cũng muốn được người khác tôn trọng. Tuy nhiên, hãy để người khác tôm trọng vì bản chất thật của mình, để người khác ngưỡng mộ vì sự khiêm nhu thật tâm, đừng vì ham muốn hư danh mà trở thành những kẻ khiêm tốn giả hình, vì cái giá của sự giả dối ấy không hề nhỏ. Hãy khiêm tốn thật lòng, chúng ta sẽ được phần thưởng xứng hợp.
Mỗi người chúng ta hãy tự suy xét lại bản thân, liệu ta có phải là những kẻ kiêu ngạo hay không. Mỗi khi phán xét người khác, mỗi khi khinh thường tha nhân, đó là lúc chúng ta vô tình trở thành những kẻ kiêu ngạo. Hay những khi được người khác vinh danh, chúng ta lại giả vờ khiêm tốn dù trong lòng nghĩ rằng ngoài mình ra, chẳng ai xứng đáng, khi đó, chúng ta lại là kẻ giả hình đúng nghĩa. Do đó, chúng ta phải biết cảnh giác, tránh trở thành những kẻ kiêu ngạo mà Chúa Giêsu đã cảnh báo.
Lạy Chúa, là phận người tội lỗi, đôi lúc chúng con trở nên kiêu căng, ngạo mạng, khinh thường người khác mà quên mất bản thân cũng yếu đuối như họ. Xin ban cho chúng con một quả tim biết yêu thương, bao dung, đồng cảm với anh chị em xung quanh. Để từ đó, chúng con có thể cùng dắt nhau về quê Trời vinh phúc. Amen.
Petrus Sơn
Ranh giới sự công chính và tội lỗi (05.03.2016)
SUY NIỆM
Trình thuật tin Mừng hôm nay thuật lại giáo huấn của Đức Giêsu về thái độ và tâm tình giữ đạo của hai hạng người tiêu biểu trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ. Đức Giêsu đặt hai nhân vật Người muốn nói đến trong bối cảnh tuân giữ luật cầu nguyện ở đền thờ của họ: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế”.
Hai con người, hai cách sống và lối suy tư khác nhau: một người tự hào thông hiểu lề luật và nắm giữ bí quyết sống “công chính” đó là tuân giữ tỉ mỉ các tập tục, truyền thống của cha ông; anh cho mình là người đạo đức và chuẩn mực trước mắt mọi người. Còn người kia là một nhân viên thu thuế, anh khiêm tốn coi mình là người tội lỗi, bất xứng trước mặt Thiên Chúa.
Trình thuật Tin Mừng kể rằng:
Người Pha-ri-sêu với vẻ tự đắc, tự mãn khoe khoang về lối sống của mình: tuân giữ lề luật cách tỉ mỉ, tuân thủ các tập tục truyền thống của tiền nhân không thiếu một điều khoản nào; theo lời anh kể, nhiều khi còn hơn cả những điều lề luật quy định, như việc dâng phần trăm thu nhập chính trong cuộc sống, anh đã dâng cho Thiên Chúa một phần mười tất cả thu nhập của mình; hoặc việc giữ chay, luật chỉ đòi hỏi mỗi tuần một lần còn anh, anh đã ăn chay tới hai lần…và cầu nguyện lâu giờ. Với những việc làm hình thức bề ngoài như thế, anh nghĩ mình đã là hoàn hảo, là người công chính. Anh kể công với Chúa và so sánh mình với người thu thuế tội lỗi đang đứng ở đằng xa, phía sau anh ta.
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Người thu thuế nhận biết những việc mình đã làm trong lối sống hằng ngày, có nhiều điều trái ngược với lề luật, nghĩa là anh đã xúc phạm đến Thiên Chúa Đấng luôn yêu thương và săn sóc, dậy dỗ anh; anh thực lòng sám hối và xin Thiên Chúa nhủ lòng thương xót thứ tha. Anh kính sợ Thiên Chúa và khiêm tốn thú nhận những việc làm tội lỗi của mình.
Khi cầu nguyện là đặt cả con người của mình trong mối tương giao thân mật với Thiên Chúa. Cần biết rõ thân phận của mình vốn yếu đuối mỏng dòn, dễ sa ngã trước những cám dỗ của danh vọng, tiền tài, lạc thú mà làm những điều mất lòng Thiên Chúa, xúc phạm đến danh thánh Người và xúc phạm đến nhân phẩm những kẻ đang sống chung quanh; Vì thế, phải khiêm hạ và chân thành trước Thiên Chúa toàn năng, Đấng giàu lòng thương xót và hay tha thứ, để nhận ra những sai trái trong việc mình làm mà xin lỗi Ngài.
Cùng một việc cầu nguyện nhưng hai thái độ, hai tâm tình khác nhau; Đức Giêsu đã ân thưởng, trao ban phúc lành cho người thu thuế tội lỗi; bởi vì anh biết khiêm tốn nhận ra lỗi lầm của mình và khẩn thiết xin được thứ tha.
Sự công chính là ân huệ Thiên Chúa chỉ ban cho những ai trung thành tuân giữ lề luật trong tinh thần khiêm hạ và yêu mến thánh danh Ngài.Trong cuộc sống hôm nay, đôi lúc chúng ta cũng giống như người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn, tự đánh bóng thành quả những việc lành, đạo đức trong cuộc sống, và coi như là “tấm vé” đảm bảo được vào Nước Trời, dù chúng rất nhỏ nhoi. Thiếu lòng khiêm hạ chân thành, chúng ta dễ dàng đề cao chính mình và coi thường người khác; bởi đó là lằn ranh phân biệt giữa người công chính và kẻ tội lỗi, bất toàn.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời tôi :
Hãy sống khiêm tốn để dễ dàng nhận ra những yếu đuối và bất toàn trong hành vi, lời nói của mình; nhờ đó kịp thời điều chỉnh cách sống cho phù hợp với luật yêu thương của Thiên Chúa và duy trì mối tương giao mật thiết, gắn kết với Ngài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, tinh thần khiêm hạ là khởi điểm của hành trình trở về với tình thương tha thứ của Chúa. Xin cho con biết đón nhận giáo huấn của Chúa và mặc lấy tâm tình khiêm hạ đã có nơi Chúa Kitô, để sám hối và canh tân đời sống, nhờ đó con được hưởng ân lộc Chúa hứa ban.
SỐNG TIN MỪNG
Khiêm nhường và hạ mình xuống trong mọi cảnh huống cuộc sống, để Đức Kitô làm Chúa và làm chủ điều khiển cách sống của mình.
Đốm Lửa
Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi
“Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. (Lc 18,14)
Suy niệm: Người Pharisêu trong dụ ngôn giữ luật hơn mức luật đòi buộc: luật chỉ buộc mỗi năm ăn chay một ngày vào dịp lễ Xá tội, còn ông ăn chay tuần hai lần; luật đòi buộc nộp một phần muời những hoa lợi chính, còn ông nộp một phần mười tất cả lợi tức. Thế nhưng, lòng kiêu hãnh đã làm hỏng tất cả thành quả đạo đức của ông. Ông khoe thành tích chứ không cầu nguyện. Ông độc thoại chứ không nói chuyện với Chúa. Trong một lời cầu nguyện ngắn ngủi, chữ “tôi” được ông lập lại 6 lần. Ông lại khinh thường miệt thị người khác. Ông thiếu lòng khiêm tốn, thiếu chất đất tốt cho các nhân đức triển nở.
Lời cầu nguyện của người thu thuế được Chúa coi là mẫu mực: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Ông đã nói lên sự thật về chính mình. Nhận mình có tội không phải chỉ là nhận biết một chuỗi các việc xấu ta phạm mà còn là nhận ra tình trạng thân phận của mình là những tội nhân.
Mời Bạn: Ý thức thân phận tội lỗi của mình để không vì chút thành tích cỏn con mà sinh tự phụ và khinh miệt người khác. Tập nhận ra mọi sự mình đang có đều do bởi Chúa để dâng lời cảm tạ.
Sống Lời Chúa: Tôi hay tự phụ về điều gì: học vấn, ngoại hình, tài năng, tài sản, nhân đức…? Xin lỗi Chúa vì đã xem như chúng công trạng của mình và xin Ngài giúp mình biết dùng chúng để phục vụ Chúa và tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thói kiêu ngạo làm hỏng tất cả các việc lành. Xin cho chúng con, khi cầu nguyện, biết khiêm tốn nói rằng: Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi.