Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 V 21,1-16 (năm chẵn), 2 Cr 6,1-10 (năm lẻ), Mt 5,38-42
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,38-42)
38 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho ; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
Yêu thương và tha thứ cho anh em (17.06.2024)
Ghi nhớ:
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng chống cự kẻ ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa ”. (Mt. 5, 39)
Suy niệm:
Câu Kinh Thánh ở trên đây, chúng ta không nhiểu theo nghĩa đen, mà qua đó chúng ta hiểu theo nghĩa bóng, hiểu theo chiều sâu của tư tưởng này…
Người Việt Nam chúng ta có một câu ca dao rất hay:“Một câu nhịn, chín câu lành”. Trong đời sống xã hội con người ta, không thể tránh được những “va chạm, xích mích”làm tổn thương nhau, nhưng để hoá giải vấn nạn thường hay xẩy ra này, do bởi sự bất toàn của con người, thì Lời Đức Giê-su hôm nay đưa ra cho chúng ta một giải pháp rất hiệu nghiệm nếu chúng ta chịu khó áp dụng vào cuộc sống của mình,vậy nếu chúng ta thực hiện được những lời dạy này chúng ta sẽ cảm thấy tâm hồn mình thư thái, và từ đó xã hội được an bình không có những vụ án thương tâm xảy ra!
Báo đài thường đưa tin, những vụ việc xảy ra chỉ vì người ta không biết nhường nhịn nhau, để rồi từ một việc tường chừng như rất nhỏ, như va quẹt xe cộ… dẫn đến ẩu đả, thậm chí đâm chém, cuối cùng thì người mất mạng kẻ đi ở tù…
Thường tình thì người ta sẽ trả thù, chí ít là ghét bỏ kẻ xúc phạm đến mình, nhưng ở đây Đức Giê-su đòi hỏi, chẳng những chúng ta không được ghét bỏ ngược lại phải thương yêu cả kẻ thù và sẵn sàng làm ơn, giúp đỡ họ nữa, việc nay xem ra khó mà thực hiện được! Nhưng khó không có nghĩa là không, nếu muốn thực thi được điều này thì chúng ta phải vượt qua chính bản thân mình, mà động lực là noi gương Đức Giê-su. Khi xưa khi bị treo trên Thập Giá, Đức Giê-su đã cầu xin cùng Thiên Chúa Cha hãy tha tội cho những kẻ làm khốn mình. Đức Giê-su là Đấng vô tội mà còn bị quân dữ xúc phạm, đánh đập dã man như vậy thì khi nhìn lại mình chúng ta sẽ thấy mình là kẻ đầy tội lỗi, vì vậy lỡ có bị anh em xúc phạm thì chúng ta sẽ tha thứ cho anh em! Nếu đem so sánh với Đức Giê-su thì chúng ta có đáng là gì?. Thực hành được điều Chúa dạy thì việc đầu tiên chúng ta nhận được đó là sự bình an trong tâm hồn vì đã không nặng lòng mang thù hận bực tức với bất cứ một ai và điều quan trọng khác là chúng ta làm đẹp lòng Chúa để rồi xứng đáng đón nhận ơn tha thứ của Ngài.
Xã hội sẽ trở lên loạn lạc, bất ổn khi con người ta sống trong thù hận và nuôi lòng trả thù: “Oán báo oán, oán càng chồng chất, ân báo oán, oán sẽ tiêu tan”. Như vậy, chỉ khi thực hành được lời Chúa dạy hôm nay, chúng ta mới kiến tạo được một xã hôi hoà bình, đầy sự yêu thương tha thứ, và chúng ta xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa..
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, Lời Chúa dạy khó quá đối với con người yếu đuối nhỏ nhen như chúng con, nhưng chúng con tin rằng Chúa sẽ ban cho chúng con sức mạnh để chúng con vượt qua chính mình để thực thi được điều Chúa dạy. Xin ban cho chúng con trở nên giống Chúa để sẵn lòng tha thứ cầu nguyện và yêu thương ngay cả những kẻ làm hại và thù ghét chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Chúa chúng con. Amen.
Sống lời Chúa:
Nhìn lên Đức Giê-su trên Thánh Giá, lấy đó làm động lực mà yêu thương, tha thứ cho anh em.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Lòng bao dung sẽ biến đổi thế giới (19.06.2023)
“Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác.”
Sự công bằng và sự bao dung luôn là hai mặt của thực tại đời sống nhân sinh. Sự công bằng thiên về lý trí, còn sự bao dung thiên về con tim. Người Kitô hữu, khi đón nhận Bí tích Rửa tội, được mời gọi chết đi cho chính mình để có được sự sống mới trong Chúa Kitô. Sự sống luôn cho đi vì Chúa và vì người khác, hay nói cách khác là sống vì yêu.
Khoản luật “mắt đền mắt, răng đền răng” là điều luật hình sự về sự công bằng không chỉ riêng người Do-thái mà còn cả trong thế giới người xưa. Luật báo thù khiến cho kẻ gây hấn sẽ bị đối xử tương xứng với điều thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân, giúp trấn áp tội phạm, buộc con người vào trong một trách nhiệm và sợ hãi trước sự nghiêm minh của việc mạng thế mạng, nhằm hạn chế việc đổ máu do không kiềm chế nổi sự hận thù và giữ sự quân bình giữa tội ác và hình phạt để giảm bớt sự giết hại đồng loại. Tiến triển theo thời gian, người ta có thể thay thế việc đền mạng bằng tiền của vật chất…
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng “đừng chống cự người ác, bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa”. Bài học tha thứ đó, ai cũng cần phải biết, phải sống. Vì tha thứ là giải thoát cho người phạm đến ta, cũng là giải thoát cho ta khỏi lửa hận thù thiêu đốt. Tha thứ là điều khó khăn nhất, nhưng cũng là điều cao cả nhất. Hiến tế thập giá của Chúa Giêsu được nên trọn hảo là vì Người đã thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.”
Lời của Chúa Giêsu hôm nay làm chúng ta choáng váng. Lời này không đòi dẹp bỏ hệ thống pháp luật, cảnh sát hay nhà tù. Nhưng nếu người Kitô hữu cứ để cho Lời này thấm vào lòng từ từ, đời sống của chúng ta sẽ được thay đổi một cách kỳ diệu, và bộ mặt thế giới sẽ đổi khác. Hiền hậu, bao dung, quảng đại, đó là điều thế giới hôm nay đang bị thiếu trầm trọng.
Lạy Chúa Giêsu, giới luật yêu thương của Chúa muốn chúng con phải vượt lên cả những quy tắc công bằng vay trả của nhân loại, bởi vì nếu chúng con đang bước đi theo Chúa mà lại hành xử “mắt đền mắt” thì chúng con cũng chẳng khác gì người đời. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa mà tha thứ cho những người đã hại đến chúng con, như chính Chúa đã cầu xin Chúa Cha tha cho những kẻ đã đóng đinh Chúa. Amen.
Joston
Tình yêu và sự công bình (13.06.2022)
“Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác.”
Chương 5 trong Tin Mừng Mát-thêu có chủ đề là Bài Giảng Trên Núi, chương này gồm những chủ đề nhỏ nhằm giáo huấn các môn đệ, những sứ giả của Tin Mừng. Bài Tin Mừng hôm nay, nằm trong phần chính của Bài Giảng Trên Núi. Trước mỗi lời dạy, thánh sử Mát-thêu luôn có câu mở đầu: “Anh em đã nghe luật dạy rằng…, còn Thầy, Thầy bảo anh em…” Ý muốn nói: sự công chính của các môn đệ phải vượt lên trên cả cách giải thích lề luật theo lối truyền thống, nghĩa là luật mới, luật của Chúa Giêsu khác xa hẳn luật cũ và có thể gọi là đi ngược lại những gì mà thế gian cho là khôn ngoan, là công bằng.
Ngày nay luật báo phục “mắt đền mắt, răng đền răng” không còn được áp dụng một cách cứng nhắc nữa. Các nhà lập pháp đã đưa ra những hình thức khác để thiết lập lại sự công bình. Tùy theo tội đã phạm, người ta đưa ra những hình thức phạt tương ứng: đóng tiền nộp phạt, lao động công ích, bồi thường tiền, ở tù,… Mặc dù sự công bình đã được luật pháp hóa, tuy nhiên, rất nhiều khi trong cuộc sống chúng ta vẫn xử sự theo luật “ăn miếng trả miếng”.
Con người luôn có xu hướng chống lại cái ác, chống lại sự bất công. Còn Chúa Giêsu lại dạy: “đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm”. Khi dạy những điều trên, Chúa Giêsu không dạy và cổ súy một thái độ cam chịu thụ động trước những sự dữ và bất công, nhưng Người mời gọi chúng ta vượt lên trên thái độ ăn miếng trả miếng và xử sự theo cung cách của Người, nghĩa là lấy tình yêu hòa giải tất cả. Vì thế, trước một người ác, chúng ta không những không đáp lại sự dữ này bằng sự dữ khác, nhưng còn phải lấy sự lành, sự thiện để hoá giải sự dữ.
Khi lấy tình yêu để chống lại sự ác, cách xử sự này không những không làm cho chúng ta cam chịu và thụ động, nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải có một sự năng động và chủ động với tất cả con người của mình: từ con tim đến lý trí; từ suy nghĩ đến hơi thở. Khi lấy tình yêu để chống lại sự ác chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn và đau khổ nhưng chính trong những khó khăn và đau khổ đó chúng ta được cứu độ.
Dù bị xúc phạm đến vật chất hoặc tinh thần thì người môn đệ của Chúa Giêsu không được vịn vào đó để báo oán, nhưng phải đưa má bên kia cho họ vả nữa. Hành động như vậy xem ra là nhu nhược, cúi đầu khuất phục, nhưng chính hành động ấy diễn tả một thái độ quả cảm sẵn sàng cho đi tất cả để phục vụ người khác. Con người càng trở nên cao cả qua việc cho đi mà không giữ lại cho mình điều gì, dù điều đó là niềm hạnh phúc chính đáng, dù đó là một chút quyền lợi hợp với quyền sống con người. Càng cho đi, người môn đệ càng gần gũi với Thầy của mình là Đức Giêsu, Đấng đã cho đi hoàn toàn, cho đi cả mạng sống của mình.
Đồng thời, khi cho đi như vậy con người lại càng gần gũi với nhau hơn. Khi trao ban cho người khác một điều gì là mở ra cho họ sự cảm thông, và khi thực hành điều Chúa dạy: “Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi”, là ta đã thêm được một lần nối kết với anh chị em, và nhiều nối kết sẽ tạo nên sự bền chặt và sức mạnh. Sợi tơ nhện mỏng manh, nhưng nhiều sợi tơ sẽ giữ được con ruồi. Một sự cho đi của con người xét ra thì chẳng đáng gì, thế nhưng nếu cả một thế giới cho đi thì cũng đủ khả năng để cầm giữ sự ác, để chống lại quyền lực của sự dữ.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Antôn Pađôva linh mục, tiến sĩ Hội Thánh, ngoài tài hùng biện tự nhiên, ngài còn có sự hấp dẫn siêu nhiên nữa. Khi còn là thầy đi giảng đạo, người ta đã tưởng như nghe một vị thiên thần đang nói với mình. Lý lẽ mạnh, cung giọng thiết tha, trầm ấm truyền cảm của thầy làm cho nhiều kẻ lòng chai dạ đá cũng phải mềm ra. Đã biết bao kẻ tội lỗi ăn năn trở về đàng ngay, bao kẻ rối đạo được ơn trở lại, bao kẻ thù địch được thuận hòa êm ấm, người bất hạnh được trả ơn, trả của… Chúa cũng ban cho thầy làm phép lạ nhãn tiền để khuất phục kẻ chai lòng cứng dạ.
Nguyện xin thánh Antôn Pađôva, đấng đã được các tín hữu tôn kính khắp nơi, chuyển cầu cho toàn thể Giáo Hội, và cách riêng cho những người dấn thân trong việc giảng thuyết Tin Mừng.
Joston
Vay trả – xin cho (14.06.2021)
Có câu, một trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Cái lý cái tình cân nặng bao nhiêu mà so sánh, nó đều thuộc về cách đối xử với nhau, cha mẹ con cái trong gia đình, hàng xóm khu phố trong quan hệ… Tất cả đều đối xử với nhau bằng cả tình và cả lý, vậy nặng nhẹ chẳng phải là được mất đó sao. Cái sự được mất của lòng người, nó được mất cả sự sống và sự chết, cho nên nó so sánh gấp trăm cũng còn chưa đủ.
Đối xử với nhau bằng lý là cưa đứt đục suốt, của cha là của cha, của con là của con, của anh không phải của tôi và của tôi không phải của anh… tất cả phân chia rạch ròi, không lấn cấn tình cảm. Cưa đứt đục suốt đem áp dụng vào tình cảm thì nó là cuộc chia ly. Anh em cưa đứt đục suốt thì xa cách nhau, tình bạn cưa đứt đục suốt thì mất bạn thân, tình yêu cưa đứt đục suốt thì trở thành buôn tình, vợ chồng cưa đứt đục suốt thì ly dị.
Cưa đứt đục suốt với nhau tức là sòng phẳng, sòng phẳng thì anh bằng tôi, tôi bằng anh, cha con sòng phẳng với nhau, anh em sòng phẳng với nhau, bạn bè sòng phẳng với nhau, tình yêu sòng phẳng với tình yêu… Sòng phẳng thì được gì, nếu tôi bằng anh thì tôi còn anh và anh còn tôi, nếu tôi hơn anh tức thì tôi mất anh.
Vậy có chăng con người còn lý trí, còn tình yêu thương có nên cưa đứt đục suốt. Trong tình người phải chăng nên đối xử với nhau “Chín bỏ làm mười”. Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 15, 12).
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy rõ ràng, chớ thực hiện như Luật xưa, mắt đền mắt, răng đền răng, một cách cư xử tàn bạo, một sự đòi hỏi ác tâm, một cách sống hận thù, như vậy thì dù ngàn cái lý cũng chẳng bằng chút cái tình. Như trong dụ ngôn người Samaria (Lc 10, 29-37) , người Luật sĩ, tư tế khi gặp người hoạn nạn thì bỏ đi qua, vì cứ theo lý thì người Samaria này không phải là anh em, nên họ không ra cứu chữa. Còn người khách qua đường khi nhìn thấy thì động lòng thương, xuống ngựa đưa người bị nạn đi cứu chữa, và coi họ là anh em, chỉ vì ông ta đối xử bằng cái tình thương.
Như vậy, cách đối xử vay phải trả nợ phải đền chính là sự ngăn cách giữa người với người, giữa sự giàu sang với nghèo hèn, giữa sự chia rẽ và yêu thương, tức là lấy lý lẽ mà đối xử với nhau. Người có cách đối xử luôn bằng tình thì khác hẳn, họ sẽ chín bỏ làm mười, nếu lệch chỗ nào thì tìm cách kê cho bằng, tấm lòng rộng lượng vị tha, sẵn sàng cho tất cả những gì mình có. Đêm về nằm xuống là chìm sâu vào giấc ngủ, tinh mơ tình thức thì uống trà ngắm bình minh, gặp người thì nụ cười tươi rói trên môi, tâm rất bình an, xác rất an lạc, không biết giận hờn oán ghét, đó là những người lấy chút tình mà đối xử với người.
Cuộc đời của mỗi người cần nên nhớ: “Cho đến cuối cùng bạn vẫn nên tha thứ cho họ. Không phải bởi vì họ đáng được tha thứ mà bạn đáng được bình yên”. Chúa Giêsu đã dạy: “Thầy truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34). Chính vì anh em yêu thương nhau mà thiên hạ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy. (Ga 13, 35).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết yêu thương và đồng hành với những người ghét bỏ con, đê con sẽ không còn oán giận họ, không còn đòi hỏi phải trả lẽ công bằng cho con, vì thật sự con mới là người đáng yêu thương.
Hư Vô
Bằng một tình yêu cao thượng (15.06.2020)
Bài Tin Mừng hôm nay, ở trong phần chính của Bài Giảng trên núi. Trước mỗi lời dạy, Thánh sử Matthêu đều có câu mở đầu “Anh em đã nghe luật dạy rằng… mắt đền mắt, răng đền răng”, còn Thầy, Thầy bảo anh em đừng chống cự lại người ác…. Ý chính là: sự công chính của các môn đệ phải vượt lên trên cả cách giải thích lề luật theo lối truyền thống, nghĩa là luật mới, luật của Chúa Giêsu khác xa hẳn luật cũ và có thể gọi là đi ngược lại những gì mà thế gian cho là khôn ngoan, là công bằng.
“Mắt đền mắt, răng đền răng”
Luật xưa dạy thế, phải chăng biết rồi
Sự việc diễn biến trên đời
Thực hiện như thế người người với nhau
*
Chúa thì tình nghĩa nặng sâu
Yêu thương, tha thứ hàng đầu thực thi
Nếu ai ghen ghét khinh khi
Chớ đừng nóng giận làm gì, khổ tâm
Với câu: “ Còn Thầy, Thầy bảo anh em…” đã khẳng định quyền bính của Chúa Giêsu trên lề luật. Ngài là Đấng ban luật mới, là vị Thầy giảng dạy trên núi qua hình ảnh mà Thánh Sử đã mô tả “ Thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi. Người ngồi xuống…” Ở đây, Người có quyền ban luật và giải thích luật.
Nếu ai có phạm lỗi lầm
Thật lòng tha thứ, ân cần thứ tha
Người ta vả má của ta
Đưa má còn lại, kêu ca làm gì
*
Có người bắt phải cùng đi
Một dặm cũng được, hai thì cũng vui
Áo trong họ lấy được rồi
Áo choàng sẽ cởi, tất thời trao ngay
Chúa Giêsu dạy chúng ta loại trừ sự báo thù bằng việc tha thứ; tiêu diệt những thói xấu như: nhỏ nhen ích kỷ bằng cách sống quảng đại quên mình vì tha nhân. Trên thập giá Chúa Giêsu đã xóa tan sự gian ác bằng sự hiền lành và tự nguyện chịu chết để đền bù muôn tội lỗi. Không thể tiêu diệt sự ác bằng sự ác mà phải bằng một tình yêu cao thượng hơn.
Hoặc như ai muốn mượn vay
Sẵn sàng giúp đỡ, ra tay thực lòng
Sự thật khi bị ”bẻ cong”
Người ta vu khống cũng không oán hờn
*
Kẻ thù còn phải yêu hơn
Cầu nguyện cho họ, xứng con Chúa Trời
Trở nên hoàn thiện người ơi!
Như Cha là Đâng rạng ngời sáng trong
Lạy Chúa, đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần của bài ca Đức Ái, được xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa giành cho nhân loại.. Xin Chúa cho chúng con một lòng sống trọn giới răn yêu thương mà Chúa đã truyền dạy, để chúng con trở nên hoàn hảo như Cha chúng con trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen.
HOÀI THANH
Lấy ơn đền oán (17.06.2019)
“Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu ai bị vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” ( Mt 5, 39)
Có câu nói rất phổ biến trong nhân gian: “Lấy ơn đền oán, oán oán tiêu tan. Lấy ác báo oán, oán oán chất chồng”. Vâng, chính Chúa Giêsu đã đi bước trước làm gương, để dạy chúng ta về sự tha thứ cao thượng, khi Ngài bị quân dữ tra tấn đánh đòn…chịu mọi cực hình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, ấy thế nhưng Chúa vẫn cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc mình làm…”.
Bạn Đa Minh kia bị bằng hữu chơi xấu, nói là mượn tiền để lo thuốc thang cho mẹ già, ai dè hắn lừa gạt lấy một số tiền rồi biến mất không để lại vết tích gì hết. Mấy tháng sau bất chợt bạn Đa Minh nhận được tin nhắn điện thoại: “Tớ đã thua cá độ bóng đá nhiều lần, bây giờ tớ rút được kinh nghiệm, hiểu biết, sắp tới đội B sẽ thắng đậm, cậu làm ơn cho tớ mượn tiền để chung độ và gỡ gạc, tớ hứa sẽ trả cậu gấp đôi.” Bạn Đa Minh tức giận lắm, định kêu công an đến gặp để tóm nó nhốt tù luôn, một hồi suy nghĩ lại, bạn đến nhà thăm mẹ già nó đang đau bệnh, rồi điện thoại kêu nó về gặp gỡ…Bạn Đa Minh và mẹ già ấy đã cầu nguyện xin lòng Chúa thương xót giúp đỡ hoán cải, cuối cùng khi nó trở về chuyện trò cùng mẹ già với bạn Đa Minh đạo đức kia, nó đã nhận ra lỗi lầm rồi thật lòng sám hối ăn năn. Bạn Đa Minh đành hy sinh mất cả tháng lương để thay đổi một con người.
Lạy Chúa, xin ban ơn giúp sức cho chúng con luôn biết sống quảng đại theo Lời Chúa đã dạy, và đã làm gương trước cho chúng con. Amen.
BCT
Luật yêu thương (13.06.2016)
1. Ghi nhớ:
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ má bên trái ra nữa” (Mt 5,38-39).
2. Suy niệm:
Chúa muốn dạy chúng ta, đừng lấy oán báo oán khi chính mình bị xúc phạm. Tuy nhiên Người không cấm chúng ta chống lại những bất công, lại càng không cấm chúng ta bài trừ sự dữ, sự tội lỗi xấu xa ở trần gian. Cuộc sống nơi trần gian, biết sống trong Chúa là sống lý tưởng của sự hiền hòa, khiêm nhường hay tha thứ và yêu thương: vì tất cả đều là con cái một Cha trên trời, là Đấng hằng thi ân cho con cái và tất cả mọi người
“Mắt đền mắt, răng đền răng” – đó là luật báo thù, người ta xúc phạm làm thiệt hại tổn thương về tinh thần hay vật chất tôi bao nhiêu, theo lẽ công bằng phải đền trả tôi bấy nhiêu, đó là luật thế gian với góc độ con người đối xử với con người với nhau. Biết bao chiến tranh và bạo lực xảy ra trên thế giới cũng xuất phát từ những mâu thuẫn, sống tìm lợi ích, ích kỷ cho bản thân là sống như vậy, chỉ cần một chút thiệt hại về tiền bạc hay về tinh thần người ta sẵn sàng đạp đổ hay đổi mạng sống của nhau. Không chỉ ngoài xã hội, nơi cộng đoàn hay gia đình ngày nay cũng vậy, họ có thể cũng sẵn sàng loại trừ nhau để đánh đổi chút danh hão huyền, thiếu đi sự yêu thương, cảm thông và tha thứ cho nhau. Nếu mọi người sống không còn thù oán, hiềm khích, biết sống ôn hòa, tha thứ cho nhau, tuy nhiên làm được điều đó quả thật rất khó, nhưng nơi mỗi người có được những đức tính này, thì nơi họ thể hiện bằng sự khiêm nhường, tha thứ, thiết tha trong lời cầu nguyện hay sống trong bí quyết diệu kỳ của Kinh Mân Côi là họ đã được “ từ ơn hoán cải đến ơn cứu độ”
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn kiện toàn khoản luật mới, đó luật yêu thương sống trong sự hoàn thiện biết đối xử, khoan dung với kẻ ác, cụ thể là với kẻ xúc phạm đến phẩm giá con người. Thầy bảo với anh em: “Đừng chống cự với người ác, trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ má bên trái ra nữa” (Mt 5, 39). Quả thật rất nghịch lý, nhưng đây nghịch lý của tình thương. Người Kitô hữu sống Tin Mừng bằng cách không có khái niệm trả thù, sống trong tình thương sẽ lướt thắng họ, để giúp họ sống luật yêu thương trong đó bao gồm sự tha thứ, hy sinh, chịu đựng, thiệt thòi, từ tinh thần lẫn vật chất, luật yêu thương là cho đi không mong lãnh nhận, họ sẽ không ngoảnh mặt hay thờ ơ, lãnh đạm với bất kể ai, kể cả kẻ làm khó mình. Như Chúa nhắc nhở các môn đệ: “Ai xin anh hãy cho: ai muốn vay mượn thì anh đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42).
Thế nên, người Ki tô hữu ngăn được tội ác của mình:
- Là biết sống trong sự cầu nguyện. Đặc biệt Thiên Chúa đã dành Kinh Mân Côi cho chúng ta nhiều ân sủng ở đời này. Thế nên chúng ta :“Hãy bỏ qua những điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha.” (Hc 28, 2).
- Là sống biết tìm sự bình an thanh thản, hiền lành và nhân từ noi gương Chúa, không chấp nhất tội của nhau, con người vốn “ăn miếng trả miếng” nhưng “Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lỗi lầm” (Hc 28, 7)
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin dạy chúng con biết noi gương Chúa, không oán hờn, trả đũa kẻ thù, biết sống quên mình, khiêm nhường, luôn nhẫn nại trong lời cầu nguyện từ lời những lời kinh Mân Côi, qua việc thực hành đạo đức này, chúng con biết từ bỏ tội lỗi, biết hoán cải đời sống, để tìm vinh phúc đời sau. Amen.
M.Liên
Tha thứ và yêu thương (15.06.2015)
Ghi nhớ: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39).
Suy niệm: Con người thường đối xử với nhau theo kiểu “ ơn trả, óan đền ” . Nhưng hôm nay, chúng ta sẽ được suy gẫm tinh thần tha thứ, bác ái. Theo Đức Giêsu tinh thần tha thứ phải đi đôi với yêu thương. Vì chính Đức Giêsu là mẫu gương quảng đại tha thứ cho chính kẻ thù đã bách hại mình. Nhân bài tin Mừng hôm nay Chúa cũng dạy cho các Tông Đồ hãy sống bác ái với chính kẻ thù như chính Ngài đã từng là mẫu gương cho lời dạy của mình. Cũng thế để thăng tiến trên con đường nhân đức, bác ái yêu thương và tha thứ, thì mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy nhìn và sống theo mẫu gương của Thầy Giêsu, Người Thầy đầy yêu thương và bác ái.
Sống lời Chúa: Hãy tha thứ và yêu thương.
Cầu nguyện:Lạy Chúa, Xin cho con biết yêu thương và tha thứ cho tha nhân như chính Chúa đã từng yêu thương và tha thứ cho chúng con. Amen