Thư mục vụ Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh năm 2023

1/ TGP. HÀ NỘI

Kính gửi quý Cha, quý Tu sĩ, Chủng sinh và Anh Chị Em tín hữu.

Chúng ta sắp bước vào Mùa Vọng, khởi đầu Năm Phụng vụ mới. Đây là thời gian mong đợi, tìm kiếm Chúa và tin tưởng vào lời hứa cứu độ. Đây cũng là dịp khơi lại trong chúng ta niềm hy vọng, giúp chúng ta sám hối, đổi mới cuộc đời. Ước mong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui và an bình.

Gia đình Tổng Giáo phận Hà Nội chúng ta cùng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì năm Canh tân Đời sống Đức tin Cá nhân đã và đang sinh nhiều hoa trái trong tâm hồn các tín hữu. Hướng về năm 2024, năm Canh tân Đời sống Đức tin các Hội đoàn – theo định hướng của Tổng Giáo phận; vànăm Xây dựng một Giáo hội tham gia – theo lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, mở ra cho chúng ta nhiều hy vọng thăng tiến. Trong Giáo hội nói chung, mỗi giáo xứ phải được tổ chức như một gia đình lớn bao gồm nhiều gia đình nhỏ. Nơi đây là một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và là một trung tâm đón tiếp tất cả mọi người. Những sinh hoạt hội đoàn phải giúp các tín hữu sống đức tin, chuyên cần cầu nguyện và thực hành yêu thương. Nhờ đó, giáo xứ, giáo họ trở thành điểm khởi hành lên đường loan báo Tin Mừng. Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy đáp lời gọi của thánh Gio-an Tiền hô: “Hãy dọn đường cho Chúa. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy; khúc quanh co phải uốn cho ngay; đường lồi lõm phải san cho phẳng” (x. Lc 3,5). Thế giới chỉ bình an khi con người mang trái tim an bình. Khi thiện chí sám hối, chúng ta sẽ có thể dễ dàng gặp gỡ Chúa và gặp gỡ anh chị em mình, cùng nhau đối thoại và liên kết tham gia xây dựng Giáo hội. Được như thế, hội đoàn sẽ trở thành nơi giúp các thành viên gắn bó yêu thương và cùng nhau nên thánh giữa đời.

Năm Phụng vụ mới khởi đầu trong bối cảnh thế giới đầy lo âu. Đó là suy thoái kinh tế và chiến tranh loạn lạc đang xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở U-crai-na và Ít-ra-en, quê hương Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là Hoàng Tử Hoà Bình. Người đến trần gian để kêu gọi con người bỏ vũ khí đạn dược, ngưng thù nghịch chém giết, nắm tay nhau xây dựng thế giới huynh đệ. Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới khước từ lời kêu gọi yêu thương của Chúa, thậm chí gạt bỏ Người ra khỏi cuộc sống xã hội. Hậu quả là chiến tranh, xung đột và suy đồi đạo đức. Mùa Vọng là thời gian gia tăng cầu nguyện, xin Chúa cho hòa bình được tái lập tại các quốc gia đang có chiến tranh và trên toàn thế giới. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nhà cầm quyền các quốc gia cùng nhau giải quyết xung đột bằng đối thoại, dựa trên quyền lợi và nhân phẩm con người.

Theo tinh thần của Phụng vụ, sự hiện diện khiêm hạ và nghèo khó của Hài nhi Giê-su trong máng cỏ Belem năm xưa phải là tâm điểm trong mọi cử hành. Những năm qua, dường như chúng ta chú ý nhiều đến những gì bên ngoài hơn là bên trong. Năm nay, tôi mời gọi quý cha và tất cả anh chị em mừng Đại lễ Chúa Giáng sinh cách xứng hợp. Mọi hình thức bề ngoài chỉ có ý nghĩa khi phát xuất từ nội tâm chân thật và hướng đến những giá trị nội tâm sâu xa. Hãy dành giờ thinh lặng trước hang đá, máng cỏ, để học nơi Hài Nhi Giê-su bài học khiêm nhường và nghèo khó. Khi chúng ta cố gắng sống trong sạch và thánh thiện, Hài Nhi Giê-su sẽ ngự vào lòng chúng ta, và biến tâm hồn chúng ta thành nơi Tình Yêu thẳm sâu ngự trị, như cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria.

Anh chị em thân mến,

Ngày 15 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã công bố Tông huấn về thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su với tựa đề “Đó là lòng tín thác”. Vị mục tử của Giáo hội Công giáo mời gọi mọi người hãy trở về với tình yêu đơn sơ và lòng mến chân thành. Tình yêu ấy vừa quy hướng về Thiên Chúa, vừa hướng tới Giáo hội. Đức Thánh Cha đã trích dẫn lời của thánh Tê-rê-sa: “Chính sự tin tưởng, và không gì khác ngoài sự tin tưởng, là điều phải dẫn chúng ta đến Tình yêu”. Đó là  “Con Đường Nhỏ” mà Thánh nữ đã tiên phong bước trước, con đường này có tên là Tình Yêu. Bất kì ai cũng có thể đi trên đường này không phân biệt tuổi tác hay bậc sống, bằng những thực hành bác ái bé nhỏ giản đơn thường ngày. Sự bé nhỏ hạ mình đến tột cùng của Hài nhi Giê-su giúp chúng ta sống tâm tình phó thác, tin tưởng khi bước đi trên con đường ấy. Tín thác không phải là ỷ lại, sống trong ảo tưởng hay lãng quên hiện tại, nhưng là biết ra sức sống trong hiện tại một cách tròn đầy, như Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Hy Vọng là sống trong giây phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương.”

Trong tinh thần chờ đợi của Mùa Vọng, và với niềm vui hân hoan của lễ Giáng Sinh, tôi xin kính chúc quý Cha và Anh Chị Em cảm nhận được niềm vui và sự bình an thiêng liêng mà Con Thiên Chúa mang đến cho thế gian. Nguyện xin Hoàng Tử Hòa Bình ban cho mọi người sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc.

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2023

+Giu-se Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội

2/ GP. HÀ TĨNH

TOÀ GIÁM MỤC HÀ TĨNH
Văn Hạnh, Thạch Trung,
Tp. Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
Đt: (+84) 0865.165.557
Email: [email protected]

 THƯ MỤC VỤ
MÙA VỌNG 2023

 Kính gởi: Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo Phận Hà Tĩnh

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang bước vào thời gian mùa Vọng hướng đến mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Trong khi cầu nguyện, tôi tự hỏi anh chị em tín hữu mình đang sống những niềm hy vọng nào, và những hy vọng đó có liên hệ gì tới niềm Hy vọng cánh chung của người Kitô hữu mong được gặp lại Chúa trong vinh quang vĩnh cửu không?

Nhiều tham dự viên Đại hội Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần XVI tháng Mười vừa qua đã vui mừng và ngạc nhiên bởi niềm vui lần đầu tiên được Giáo hội mời đến để sống và nói về Đức Tin và niềm Hy vọng. Một số người lo lắng sợ hãi cho hành trình Thượng Hội Đồng này, không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một số người mong đợi Giáo hội sẽ có những thay đổi đột phá, hệ trọng. Một số khác sợ rằng những thay đổi như thế sẽ chỉ dẫn Giáo hội đến bờ chia cắt, thậm chí li giáo. Nhưng trong những lúc hệ trọng như thế, chúng ta luôn được nghe Chúa Giêsu nói: “Đừng sợ!” (Mt 10,28). Thánh Gioan cũng nói, “Tình yêu đích thực loại trừ sợ hãi” (1Ga 4,18). Cái thực sự đáng sợ chính là nỗi sợ hãi của chúng ta.

Cũng như các tham dự viên Thượng Hội Đồng sống những ngày tĩnh tâm trước khi bước vào Hội nghị, tôi mời gọi anh chị em hãy bước vào mùa Vọng chuẩn bị lễ Giáng Sinh bằng cuộc tĩnh tâm cầu nguyện dài ngày để lấy lại can đảm và hy vọng mà lên đường cùng với toàn thể Hội thánh loan báo Tin Mừng. Chúng ta sẽ học cách lắng nghe Lời Chúa, và cùng lắng nghe nhau. Chúng ta cùng nhau hy vọng về tương lai của Hội thánh và nhân loại. Giữa các cá nhân, trong gia đình và các cộng đoàn, lớn hay nhỏ của chúng ta có thể vẫn còn nhiều hiểu lầm và tranh cãi, vẫn còn có những hy vọng đối lập nhau, dẫu thế, chúng ta vẫn tiến bước trong “Hy vọng cả khi chẳng có gì để hy vọng” (Rm 4,18). Vào bữa Tiệc Ly, các môn đệ đã lãnh nhận niềm hy vọng mà có lẽ các ông chưa bao giờ nghĩ tới: Đó là Thân Mình và Máu của Đức Kitô, Giao ước mới, sự sống đời đời. Cao điểm của cuộc tĩnh tâm cầu nguyện luôn là Tiệc Thánh Thể, sự tham dự trước vào Tiệc cánh chung trong Nước Trời. Dưới ánh sáng của niềm Hy vọng từ Thánh Thể, tất cả những ước vọng đối kháng của chúng ta khi còn ở thế gian này dường như chẳng là gì cả.
Tôi muốn lưu ý và khuyến khích anh chị em thực hành lắng nghe nhau và cầu nguyện thinh lặng trong đời sống tín hữu và cộng đoàn.

Lắng nghe

Tôi xin anh chị em quan tâm hơn đến việc chú tâm nghe Lời Chúa trong cầu nguyện, trong phụng vụ Thánh Thể và lắng nghe nhau qua nhóm chia sẻ Lời Chúa trong cộng đoàn nhỏ (gia đình, liên gia, hội đoàn, giáo họ, giáo xứ…). Hãy lắng nghe nhau, ơn Chúa sẽ đến từ những bất đồng, khác biệt, nếu mỗi người dám lắng nghe người khác. Như cha Timothy Racliffe, OP, nói trong tĩnh tâm của các tham dự viên Thượng Hội Đồng: chúng ta lắng nghe không chỉ những gì người khác nói mà cả những gì họ đang muốn nói, lắng nghe cả những gì chưa được nói ra, những lời mà họ tìm kiếm. Lắng nghe khi họ nói đúng, hay chỉ đúng một phần, và ngay cả khi họ nói sai. Lắng nghe với niềm hy vọng chứ không khinh thường. Bởi đâu đó trong lời nói sai lầm của họ là một sự thật tôi cần được nghe. Chúng ta là những người hành khất đi tìm sự thật[1]. Nếu chúng ta thực sự lắng nghe nhau, những câu trả lời có sẵn trong đầu chúng ta sẽ không còn nữa, chúng ta sẽ im lặng và không nói nên lời, vì muốn nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ hòa hợp tất cả những khác biệt trong tình bác ái yêu thương, hiệp thông.

Thinh lặng

Bởi thế, anh chị em hãy lưu ý đến sự thực hành cầu nguyện thinh lặng thích hợp, trong các cử hành phụng vụ, trong các hội họp, học hành, hội nghị, sinh hoạt Giáo hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ ngắn gọn trong buổi cầu nguyện canh thức đại kết trước khi khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua, về sự thinh lặng như thế này: “thinh lặng là nền tảng của lời nói và cuộc sống. Thánh Phaolô nói rằng mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể “được bao phủ trong thinh lặng đến muôn đời” (Rm 16,25), thánh nhân dạy chúng ta rằng sự thinh lặng bảo tồn mầu nhiệm, như Abraham đã bảo vệ Giao ước, như Mẹ Maria đã gìn giữ sự sống của Con Mẹ trong cung lòng cũng như luôn suy niệm trong lòng về đời sống của Người (x. Lc 1,31; 2,19.51). Mặt khác, sự thật không cần đến những tiếng kêu la dữ dội mới chạm được đến trái tim con người. Thiên Chúa không thích những lời tuyên bố và la hét, huyên thuyên và ồn ào: Ngài thích ngỏ lời trong “tiếng thì thầm của làn gió nhẹ” (1V 19,12) […]. Chúng ta “… cần thoát khỏi nhiều tiếng ồn để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Bởi vì chỉ trong sự thinh lặng của chúng ta Lời Chúa mới vang vọng”. “Thinh lặng trong cộng đoàn Giáo hội, khiến cho sự giao tiếp-truyền thông huynh đệ trở nên khả thi, trong đó Chúa Thánh Thần hòa hợp các quan điểm. Trở nên hiệp hành có nghĩa là chào đón nhau theo cách này, trong ý thức rằng tất cả chúng ta đều có điều gì đó để làm chứng và để học hỏi, cùng nhau lắng nghe “Thần Khí sự thật” (Ga 14,17) để biết Người “nói gì” với các Giáo hội” (Kh 2,7). Và sự thinh lặng cho phép phân định, qua việc chăm chú lắng nghe “những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26) của Thánh Thần vang vọng, thường ẩn tàng, trong Dân Chúa”.

Lắng nghe và thinh lặng là hai điều thiết yếu nền tảng khởi đầu cho việc “Đối thoại trong Thánh Thần”, phương pháp của Hội thánh hiệp hành truyền giáo. Như Đức Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng nếu không có đối thoại; và sẽ không có đối thoại nếu trước hết không có lắng nghe nhau thực sự trong sự lắng nghe Chúa Thánh Thần, với mong ước tìm kiếm chân lí mang lại hạnh phúc thật.

Chúc anh chị em được bình an và ngày càng tiến sâu hơn vào sống mầu nhiệm Nhập Thể trong Mùa Vọng – Giáng Sinh sắp tới này. Kính dâng anh chị em cho Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse bảo trợ và xin các Ngài chuyển cầu cho chúng ta.

Thân ái trong Chúa Kitô!

Văn Hạnh, ngày 29 tháng 11 năm 2023

+ Louis Nguyễn Anh Tuấn,
Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh.

Nguồn:  giaophanhatinh.org (29.11.2023)

3/ GP. QUI NHƠN

TOÀ GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN
116 Trần Hưng Đạo, Tp. Qui Nhơn,
Bình Định, Việt Nam
Đt: (84) 256.382.4360
Email: [email protected]

THƯ MỤC VỤ
MÙA VỌNG 2023

 Kính gởi: Cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Qui Nhơn

Anh chị em rất thân mến,

  1. Chúng ta đang cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị mừng đại lễ Giáng sinh, kỷ niệm lần thứ 2023 ngày Con Thiên Chúa sinh ra làm người để “ở cùng chúng ta” và cứu độ nhân loại. Đây là biến cố vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và việc tưởng niệm hằng năm đem lại niềm vui khôn tả không những cho các Kitô hữu, mà còn cho mọi người thiện tâm trên toàn thế giới.

Đối với các Kitô hữu, việc chuẩn bị mừng đại lễ Giáng sinh không chỉ là hướng về quá khứ để tưởng niệm một biến cố đã qua, nhưng còn là hướng về hiện tại để gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày và hướng về tương lai để chờ đợi ngày Chúa quang lâm ở cuối chân trời lịch sử. Đó là 3 ý nghĩa của Mùa Vọng mà Giáo Hội muốn trình bày cho các Kitô hữu qua các cử hành Phụng vụ trong mùa này. Để thực hiện 3 ý nghĩa này, các tín hữu không chỉ dừng lại ở việc chuẩn bị cử hành đại lễ Giáng sinh, mà còn chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến bất cứ lúc nào qua các biến cố trong cuộc sống thường ngày, đồng thời luôn xây dựng cuộc đời theo định hướng Nước Trời mà Đức Kitô sẽ đến hoàn tất trong ngày quang lâm.

  1. Đặc biệt, Mùa Vọng năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc, giữa Nga và Ukraina, giữa Hamas và Israel, khiến hàng trăm ngàn người phải tử vong, hàng triệu người phải sống trong cảnh bất ổn, gia đình tan tát, không nhà không cửa, thiếu thốn mọi sự cần thiết cho cuộc sống. Trong khi hướng về Chúa Giêsu giáng sinh trong cảnh màn trời chiếu đất, mỗi người chúng ta cũng hãy dùng thời gian Mùa Vọng này để hướng đến những nạn nhân chiến tranh, cầu nguyện cho chiến tranh sớm kết thúc, để mọi người được sống trong bình an, đặc biệt cầu nguyện cho các trẻ em bị chiến tranh cướp mất cha mẹ và người thân, được xã hội quan tâm đùm bọc và nuôi dưỡng.
  2. Với Chúa nhật I Mùa Vọng, toàn thể Giáo Hội bước vào năm Phụng vụ 2023-2024. Theo định hướng của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ 16, Năm Phụng vụ này hướng đến “một Giáo Hội tham gia”. Dựa trên định hướng đó, tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định chủ đề của Năm Phụng vụ này là “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo Hội”. Riêng tại Giáo phận Qui Nhơn chúng ta, chủ đề này được đúc kết trong khẩu hiệu: “Cùng nhau đi làm vườn nho Chúa” để tiếp nối chủ đề mang tính hiệp thông của năm trước là “một cây nho, một thân mình”.

Khẩu hiệu “Cùng nhau đi làm vườn nho Chúa” được gợi hứng từ dụ ngôn thợ làm vườn nho trong Tin Mừng theo Thánh Matthêô (x. Mt 20, 1-16). Dụ ngôn này diễn tả Nước Trời như một thực tại bắt nguồn từ lời mời gọi của ông chủ vườn nho là Thiên Chúa và sự đáp trả của những người thợ là tất cả chúng ta. Được Chúa mời gọi tham gia làm việc trong vườn nho Nước Trời là một hồng ân. Mỗi người chúng ta có thể được Thiên Chúa kêu mời vào những thời điểm khác nhau, kẻ trước người sau, nhưng tất cả đều sẽ được một phần thưởng như nhau là hạnh phúc thiên đàng. Phần thưởng ấy vượt quá công lao khó nhọc của chúng ta, vì đó là một hồng ân, chứ không phải là một sự trả công đúng nghĩa.

  1. Việc tham gia xây dựng Nước Trời được thể hiện qua tất cả các chương trình mà Giáo Hội đề ra. Cụ thể, tại Giáo phận Qui Nhơn chúng ta có chương trình mục vụ năm 2023-2024 do Hội đồng mục vụ giáo phận đưa ra. Để thực hiện chương trình này cần phải có sự tham gia rộng rãi và nhiệt tình của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, tại các giáo xứ cũng như các cộng đoàn dòng tu. Các linh mục phải là những người đi đầu và điều phối sự tham gia của các tu sĩ và anh chị em giáo dân, để tất cả mọi người đều có thể tham gia và “không có chỗ cho việc ăn không ngồi rồi, trong khi còn biết bao công việc đang chờ đợi tất cả chúng ta trong vườn nho Chúa”, như lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy trong Tông huấn Christifideles Laici (Kitô hữu giáo dân), số 3.

Kính chúc mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận một Mùa Vọng sốt sắng, để xứng đáng đón nhận một Mùa Giáng Sinh đầy tràn niềm vui, và bước vào một Năm Phụng vụ mới với nhiều nỗ lực tham gia vào công cuộc xây dựng Nước Trời.

Toà Giám Mục Qui Nhơn, 30/11/2023

+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

Nguồn:  gpquinhon.org (30.11.2023) 

4/ GP. KON TUM

TOÀ GIÁM MỤC KON TUM
146 Trần Hưng Đạo – Kon Tum – Việt Nam
Số 262/VT/’23/Tgmkt

THƯ MÙA VỌNG

Kon Tum, ngày 28 tháng 11 năm 2023

Kính gửi :  Quý Cha, Quý Tu Sĩ nam nữ, Chủng Sinh

và toàn thể anh chị em trong gia đình Giáo Phận.

 Anh chị em quý mến,

Trong mỗi thánh lễ, chúng ta tung hô: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”. Chúng ta chờ ngày Chúa đến trong vinh quang. Chúa đã đến, Chúa đang đến và Chúa sẽ đến. Tất cả những ý tưởng đó được gói gọn trong Mùa Vọng mà chúng ta đang bước vào. Ngoài việc chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh kỷ niệm Chúa đến lần thứ nhất, Mùa Vọng mời gọi chúng ta tỉnh thức, sẵn sàng để đón Chúa vì không biết Chúa đến với chúng ta vào giờ nào, lúc nào.

Kính thưa anh chị em,

Mùa Vọng cũng khởi đầu năm Phụng vụ mới. Trong năm mới này, chúng ta được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi sống chủ đề thứ hai trong tiến trình Hiệp hành. Như anh chị em biết, ba chủ đề chính của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới là Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ. Năm vừa qua, chúng ta đã học hỏi, tìm hiểu và thực hành việc Hiệp Thông trong giáo phận cũng như trong giáo xứ, giáo họ. Năm nay chúng ta cũng sẽ học tập và thực hành việc Tham Gia như vậy.

Chúng ta làm nên Giáo Hội. Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô mà mỗi người chúng ta là một chi thể. Mỗi chi thể hoạt động và tham gia vào sinh hoạt chung của thân thể. Như vậy mọi thành phần dân Chúa phải tham gia một cách chủ động và tích cực vào việc xây dựng Giáo Hội, vì nếu không tham gia thì sự hiệp thông chỉ là lý thuyết suông.

Cách cụ thể,  Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục mời gọi hàng giáo sĩ và giới tu sĩ tham gia theo chức năng và ơn gọi riêng để phát triển Giáo Hội và làm chứng cho Chúa ở giữa thế gian. Riêng với anh chị em giáo dân, anh chị em được khuyến khích ý thức hơn về sứ mạng và vai trò của mình trong Giáo Hội: anh chị em được mời gọi đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ.

Để xây dựng Giáo Hội, về mặt tinh thần, anh chị em giáo dân được mời gọi tham gia tích cực và nhiệt thành vào các sinh hoạt trong giáo họ, giáo xứ của mình, qua các ban ngành và hội đoàn, để không ai cảm thấy mình là người ngoài cuộc, lẻ loi và thừa thãi. Về mặt vật chất, anh chị em được mời gọi tham gia qua việc tuân giữ điều răn thứ 5 của Hội Thánh và những quy định của giáo luật. Giáo Hội nhắc nhở chúng ta:

* Điều răn thứ 5 của Hội Thánh dạy: “Đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của Hội Thánh”.

* Giáo luật điều  222 §1: “Các Kitô hữu có nghĩa vụ trợ cấp cho những nhu cầu của Giáo Hội, để Giáo Hội sẵn có những gì cần thiết cho việc thờ phượng Thiên Chúa, cho những công việc tông đồ và bác ái, và cho việc nuôi sống các thừa tác viên cách xứng đáng”.

* Giáo luật điều 1261 §2: “Giám Mục giáo phận buộc phải nhắc nhở các tín hữu về nghĩa vụ được nói đến ở điều 222 §1, và phải thúc bách họ thi hành nghĩa vụ ấy cách thích hợp”.

Kính thưa anh chị em,

Giáo phận là của anh chị em và anh chị em làm nên giáo phận. Khi kêu gọi sự đóng góp và trợ giúp từ phía anh chị em, giáo phận hy vọng vào sự “tham gia” cách tích cực và quảng đại của anh chị em. Với các anh chị em còn nhiều khó khăn, mà có lẽ đây cũng là hoàn cảnh chung của đa số anh chị em trong giáo phận chúng ta, thì “hai đồng tiền kẽm” của bà góa nghèo (Mc 12, 41-44) là một lời mời gọi để chúng ta đừng ngần ngại “tham gia” bằng cách đóng góp “phần của mình”. Hy vọng trong năm nay, năm “Giáo Hội tham gia”, anh chị em tham gia cách tích cực và quảng đại hơn.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Măng Đen và của thánh Kuy-ê-nót, xin Chúa chúc lành và ban sự bình an cho tất cả chúng ta.

Hiệp thông trong Đức Kitô.

(Ấn ký)

+Aloisiô NGUYỄN HÙNG VỊ

Giám mục giáo phận Kon Tum.

5/ GP. BẮC NINH

Thư định hướng mục vụ 2023 – 2024

Tải file PDF

Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ – Chủng sinh,

                                 quý Cụ, quý Ông bà và Anh chị em trong gia đình giáo phận.

  1. Năm phụng vụ 2022-2023 qua đi với nhiều sự kiện đầy ý nghĩa đối với chúng ta: cộng đoàn dân Chúa Việt nam hân hoan đón nhận lá thư đầy tình phụ tử của Đức thánh cha Phanxicô ban hành ngày 08.9.2023 với nguyên tắc sống: ‘Đức ái là thước đo của đức tin và đức tin là linh hồn của đức ái’; chúng ta cũng đón nhận lá thư mang tính định hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt nam ban hành ngày 22.9.2023 với lời mời gọi ‘thúc đẩy tham gia vào đời sống giáo hội.’ Giáo phận chúng ta cũng vừa được hân hạnh đón tiếp gần 20.000 bạn trẻ đến tham dự đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà nội lần XIX, được diễn ra trong hai ngày 22-23.11.2023 tại giáo xứ Bến đông, giáo hạt Nội bài với chủ đề ‘Đất chúng ta trổ sinh hoa trái.’
  2. Trong bối cảnh ấy, chúng ta bước vào năm phụng vụ mới 2023-2024 với bốn tuần của mùa Vọng. Thời gian nhắc nhớ mỗi chúng ta về thái độ sống ‘canh thức’, vì như lời Chúa Giêsu nói: ‘Anh em không biết khi nào chủ nhà sẽ đến.’
  3. Đặt mình trước Chúa trong khoảnh khắc giao thừa của hai năm phụng vụ cũ-mới, ngoài tâm tình tạ ơn, chúng ta cũng cần phác họa những sứ vụ cụ thể cho chính mình, cho gia đình mình, cho mỗi hội đoàn, cho từng xứ họ, cũng như cho cả gia đình giáo phận, ngang qua các nguyên tắc và định hướng mang tính gợi ý của các đấng bậc trong hội thánh.

Như thế, trong năm phụng vụ mới này, giáo phận chúng ta sẽ cùng nhau tham gia vào đời sống của hội thánh – qua việc: sống đức tin trong tương quan với đức ái, nhằm làm cho ơn thánh Chúa được trổ sinh rõ nét nơi mỗi hành động cụ thể trong cuộc sống thường ngày.

  1. Trong tư cách là giám mục giáo phận, tôi xin có một số gợi ý cụ thể như sau:

4.1. Tham gia sống đức tin:

–   Các xứ họ tổ chức thường xuyên việc chầu Thánh Thể, suy niệm và lần chuỗi Mân côi.

–   Trong mỗi thánh lễ, xin đọc kinh ‘Con thờ lạy Chúa Chí Tôn…’ trước khi đọc lời nguyện kết lễ, để tập thói quen cám ơn Chúa sau khi hiệp lễ.

–   Đọc Tin mừng Marcô và học hỏi Tin mừng này theo đề tài gợi ý của từng tháng. Tài liệu sẽ được thông tin sớm trên trang web của giáo phận. 

4.2. Tham gia sống đức ái:

–   Dành thời gian để thăm hỏi nhau, nhất là những người già yếu, đau bệnh, neo đơn, hoặc anh chị em lương dân sống chung quanh ta.

–   Vào dịp thuận tiện, mỗi giáo hạt sẽ tổ chức ngày hành hương của giới trẻ đến giáo phận Lạng sơn Cao bằng theo lời mời của Đức cha Giuse, Giám mục giáo phận Lạng sơn Cao bằng.

–   Tổ chức thăm viếng và nâng đỡ anh chị em ở những vùng ‘đầu sóng ngọn gió’ của giáo phận, cũng như ủy lạo các bệnh nhân trong các trại phong, nằm rải rác trên địa bàn của giáo phận, hầu giữ gìn ngọn lửa loan báo Tin mừng trong lòng chúng ta.

  1. Kính thưa quý Cha và Anh chị em,

Đất chúng ta trổ sinh hoa trái’ – câu chủ đề được chọn cho kỳ đại hội giới trẻ giáo tỉnh vừa qua, thiết nghĩ sẽ không thể vụt tắt cùng với ngày kết thúc đại hội, nhưng sẽ còn nuôi dưỡng đời sống đức tin của từng người trong cả gia đình giáo phận, qua những việc làm cụ thể mà mỗi chúng ta cùng tham gia.

Chúng ta xác tín rằng: ơn Thánh của Chúa, máu đào của các vị Tử đạo Bắc Ninh, cùng với lời chuyển cầu tuyệt hảo của Đức Mẹ Mân Côi, Đấng bảo trợ giáo phận, sẽ hiệp hành với chúng ta trong sứ vụ đang đợi chờ mỗi người ở phía trước.  ‘Trỗi dậy, nào chúng ta đi.’ (Ga 14,31)

Tòa Giám mục, ngày đầu mùa Vọng 2023-2024,

+ Giuse Đỗ Quang Khang

Giám mục giáo phận Bắc ninh

6. TGP. SÀI GÒN

TOÀ GIÁM MỤC TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Đt: (84.28) 3930 3828
Email: [email protected] 

THƯ MỤC VỤ
MÙA VỌNG VÀ MÙA GIÁNG SINH 2023 

Kính gửi: quí cha, quí tu sĩ và toàn thể cộng đồng Dân Chúa trong Tổng giáo phận

I. Anh chị em thân mến,

Mùa Vọng là để Hội Thánh sống tâm tình trông đợi Chúa đến cứu độ nhân loại. Không những chúng ta ôn lại niềm trông đợi Đấng Cứu Thế đã đến cách đây 2000 năm, mà chúng ta thực sự đang trông đợi Chúa đến hôm nay, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại. Sau những đau thương mất mát vì đại dịch Covid-19, chúng ta những tưởng rằng nhân loại sẽ dần dần hồi sinh, nhưng rồi chiến tranh lại xuất hiện tại Ukraine, rồi mới đây tại Gaza và nhiều nơi trên thế giới. Thất nghiệp, nghèo đói, nợ nần, bệnh tật, muôn vàn khó khăn vẫn đè nặng cuộc sống của rất nhiều người. Từ đó chúng ta dễ rơi vào thất vọng, buông xuôi và nghi ngờ Thiên Chúa. Chúa ở đâu? “Tình yêu Chúa phải chăng nay cạn hẳn?” (Tv 77, 9)

Bước vào Mùa Vọng, Hội Thánh mời gọi các tín hữu sống nhân đức trông cậy. Đây không phải chỉ là niềm hy vọng vào ngày mai, “sau cơn mưa trời lại sáng”; cũng không phải chỉ là thái độ lạc quan ngây ngô ảo tưởng. Còn hơn thế, đây là nhân đức trông cậy, một trong ba nhân đức đối thần. Nhân đức trông cậy đặt nền tảng trên đức tin. Như lời kinh thường đọc, chúng ta “trông cậy vững vàng vì Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng”. Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu, vì thế, theo gương tổ phụ Abraham, chúng ta “trông cậy và vững tin ngay cả khi không còn gì để trông cậy, … chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa” (Rm 4, 18.20).

Nhân đức trông cậy là thái độ của người tín hữu tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, nhưng đồng thời vẫn nỗ lực hết sức để chu toàn bổn phận và sứ vụ trong cuộc sống hằng ngày. Trông cậy không có nghĩa là lười biếng, ỷ lại, tránh né bổn phận. Người sống nhân đức trông cậy là người hoàn toàn cậy dựa vào Chúa, vì chỉ có Chúa mới làm được, nhưng đồng thời cũng nỗ lực hết sức như thể duy chỉ có mình làm.

Để sống Mùa Vọng đúng đức tin Kitô giáo, anh chị em hãy khao khát mong đợi và sốt sắng cầu nguyện để xin Chúa biểu lộ quyền năng cứu độ nhân loại, đồng thời hãy quảng đại giúp đỡ những người nghèo đói, người đau khổ thể xác cũng như tinh thần, các nạn nhân của bất công và bóc lột, và đẩy lui sự ác, sự dữ trong xã hội.

II. Như vậy, bước vào Năm Phụng vụ mới cũng có nghĩa là với lòng trông cậy vững vàng, Hội Thánh càng nhiệt thành thực thi sứ vụ Phúc Âm hoá hơn. Để cụ thể hoá lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong thư Mục vụ 2023 về việc toàn Dân Chúa tham gia vào sứ vụ của Hội Thánh, Hội đồng Mục vụ của tổng giáo phận đã đề nghị chương trình mục vụ 2024 và đã được toàn thể linh mục đoàn thống nhất như sau :

  1. Nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả anh chị em đều có một phẩm giá bình đẳng với nhau và đồng trách nhiệm về sứ vụ của Hội Thánh. Anh chị em giáo dân LÀ Hội Thánh. Các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu tiếp tục thực tập lối sống hiệp hành. Hội Thánh hiệp hành chính là một gia đình, trong đó mỗi thành viên ý thức mình LÀ gia đình, yêu thương cảm thông nâng đỡ nhau, nhiệt tình chu toàn phận vụ của mình với tinh thần đồng trách nhiệm, và nỗ lực bảo vệ sự hợp nhất và bình an.

Đặc biệt các Hội đồng mục vụ và các đoàn thể Công giáo tiến hành cần tham dự các khoá huấn luyện để nhận thức về vai trò của mình trong Hội Thánh và tích cực chu toàn sứ vụ của mình.

  1. Loan báo Tin Mừng cho muôn dân(“ad gentes”) là sứ mạng thiết yếu của Hội Thánh, là sứ vụ đầu tiên và là hoạt động chính. Hướng tới năm 2033 là dịp kỷ niệm 500 năm Tin Mừng đến Việt Nam, mọi thành phần Dân Chúa hãy tích cực loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Chúng ta thường nói là truyền giáo, nhưng không có nghĩa là tuyên truyền, chiêu mộ tín đồ hoặc ép buộc theo đạo, mà chỉ có nghĩa là thông truyền, giới thiệu Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài cho người chưa biết Chúa. Những anh chị em chưa biết Chúa có quyền nghe Tin Mừng, và chúng ta có bổn phận loan báo Tin Mừng cho họ. Anh chị em giáo dân hãy kể chuyện niềm vui Tin Mừng ngay trong môi trường sống của mình. Thật là sai lầm và có lỗi thật lớn khi coi loan báo Tin Mừng là việc thứ yếu, một việc làm thêm. Chúng ta đã làm sai ý Chúa! Chúng ta thiếu lửa Thần Khí!

Để có thể loan báo Tin Mừng cách hiệu quả, anh chị em cần có đời sống nội tâm sâu xa, học hỏi phương pháp loan báo Tin Mừng, và toả chiếu sự hấp dẫn của Tin Mừng qua việc sống theo Lời Chúa, nhất là thực thi đức bác ái, sống tình bạn chân thành với người mình gặp gỡ.

Hơn ai hết, chính các linh mục và tu sĩ phải là những người tiên phong, có tâm hồn truyền giáo và đầy nhiệt tình để truyền lửa cho các tín hữu.

  1. Sứ vụ Phúc Âm hoá không chỉ giới hạn trong việc cứu độ linh hồn, mà là con người toàn diện, vì thế Hội Thánh phải lưu tâm tới những vấn đề mới của nhân loại hôm nay. Trước hết là đạo đức môi sinh. Trái đất đã bị tàn phá quá nhiều, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng. Cần khẩn trương cứu ngôi nhà chung trái đất này. Huỷ hoại môi trường là một tội luân lý.

Tổng Giáo phận chúng ta cam kết nhập cuộc để cải thiện môi trường sống. Cụ thể là cần học hỏi giáo lý về môi sinh, và thực hiện những hành vi nhỏ bé: các gia đình và giáo xứ giảm rác, không xả rác bừa bãi, phân loại rác, giảm bớt đồ nhựa dùng một lần, tiết kiệm điện nước. Cứ kiên trì thực hiện nhiều năm, dần dần sẽ thành thói quen tốt và lan toả sang mọi người trong cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, Hội Thánh đang lưu tâm tới một chiều kích mới là loan báo Tin Mừng trong các không gian kỹ thuật số. Đây là một lục địa mới, cần những nhà thừa sai trong lục địa kỹ thuật số.

  1. Để thực thi sứ vụ, điều tối quan trọng là phải có Chúa trong lòng. Anh chị em hãy tiếp tục học hỏi, cầu nguyện và thực hành Lời Chúa, để nhờ đó sống đức tin cách xác tín và có hồn tông đồ. Làm sao có thể loan báo Tin Mừng khi chính mình không đầy Tin Mừng trong lòng! Mỗi ngày anh chị em hãy dành ít phút suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa trong thinh lặng, lắng nghe Chúa nói trong tâm hồn để thực hành trong cuộc sống. Các cộng đoàn giáo xứ hãy Chầu Thánh Thể mỗi tháng một giờ, vào tối thứ Năm đầu tháng hoặc vào một thời điểm khác phù hợp với cộng đoàn.
  2. Sau hết, cộng đoàn Dân Chúa có nghĩa vụ chăm sóc các linh mục suốt cả đời đã thi hành sứ vụ Phúc Âm hoá và nay đang tĩnh dưỡng. Đây là sự thể hiện lòng biết ơn cách cụ thể đối với các vị ân nhân trong đời sống đức tin. Nhà Tĩnh dưỡng Chí Hoà đã xuống cấp và không còn đủ chỗ đáp ứng cho số linh mục tĩnh dưỡng ngày càng tăng. Vì thế sau Tết âm lịch, Tổng giáo phận sẽ khởi công xây dựng Nhà Tĩnh dưỡng Chí Hoà. Trong Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh này, xin tất cả anh chị em rộng tay giúp đỡ để công việc xây dựng mau hoàn tất.

Anh chị em thân mến,

Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng đổ tràn trên anh chị em ơn bình an, ân sủng, chân lý và tình yêu của Chúa, và đến phiên mình, anh chị em hãy tham gia sứ mạng làm lan toả phúc lành của Chúa sang những người chung quanh. Chúc anh chị em Mùa Giáng sinh đầy tràn niềm vui và bình an. Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi!

Toà Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, ngày 02 tháng 12 năm 2023

+ Giuse Nguyễn Năng
Giám mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn

Nguồn: tgpsaigon.net (02.12.2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *