Một người cao trọng (12.12.2024 – Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 41,13-20; Mt 11,11-15

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 11,11-15)

11 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng : “Tôi nói thật với anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. 12 Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. 13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. 14 Và nếu anh em muốn chấp nhận, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến. 15 Ai có tai thì nghe.”

 

Một người cao trọng (12.12.2024)

“Chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.”

Khi chúng ta suy ngẫm về thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa vì đã ban cho chúng ta một chứng nhân. Ông Gioan Tẩy Giả là vị thánh lớn đầu tiên và cũng là người cao trọng nhất bởi chính sự khiêm nhường của ngài. Ông đã xuất hiện với quyền năng và sứ vụ của Thiên Chúa bằng ý lực của tiên tri Êlia, ông hô hào toàn dân sửa đường cho Chúa đến và chuẩn bị tâm hồn đón rước Đấng Mêsia đã tới gần kề. Dân chúng đông đảo từ thành thị đến thôn quê, lũ lượt kéo đến với ông để thú tội và lãnh phép rửa tỏ lòng sám hối ăn năn, canh tân cuộc sống. Uy tín của ông thật cao rộng, đến độ ông đã có những lời khuyến cáo rất nghiêm minh với các bậc cai trị dân cả phần đạo lẫn phần đời. Quả thực, đúng như lời Chúa Giêsu đã công bố: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.”

Ông Gioan Tẩy Giả cao trọng: vì ông là ngôn sứ được Thiên Chúa thánh hiến từ trong lòng mẹ và sai đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai. Khi xuất hiện, ông kêu gọi mọi người sám hối và lãnh phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Trong khi mọi tầng lớp dân chúng đến với ông để biểu lộ lòng sám hối canh tân thì nhóm kinh sư, luật sĩ và Pharisêu vẫn trơ mặt ra đó, huênh hoang tự đắc là con cháu của tổ phụ Abraham, thì ông không tiếc lời cảnh báo họ.

Ông Gioan Tẩy Giả cao trọng: vì ông xuất hiện với thần khí của ông Êlia để sửa sang mọi sự cho Đấng Thiên Sai.

Ông Gioan Tẩy Giả cao trọng vì sự khiêm nhường: khi có người lầm tưởng và bảo ông là Đấng Cứu Thế, ông chối và chỉ nhận mình là người đi trước để dọn đường mà thôi; đồng thời ông cũng bật mí cho họ: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1,26b-27)

Ông tự xóa bản thân để nhường chỗ cho Thầy Giêsu: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.” (Ga 3,30)

Ông đã lặng lẽ âm thầm ngồi co ro trong ngục thất, sung sướng nghe tin Chúa Giêsu tiếng tăm lừng lẫy và ông dâng hiến mọi uy tín, danh dự và sự nghiệp cho Chúa Giêsu cả. Thậm chí đến lúc chết cũng không được chết công khai nơi pháp trường trước những người ái mộ, nhưng một tên lính vào ngục như một tên đánh lén chặt đầu ông. Và rồi, đầu ông cũng không được môn đệ ôm về chôn cất hẳn hoi, mà bị trao cho mụ đàn bà dâm loạn ác đức dày vò. Một cái chết đau đớn quá, nhục nhã quá. Nhưng có lẽ phải như thế ông mới mãn nguyện: “Đó là niềm vui của tôi, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.” (Ga 3, 29b)

Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại nói vị ngôn sứ lớn nhất trong số những ngôn sứ thời Cựu Ước lại chẳng là gì so với một người nhỏ bé nhất trong Nước Trời. Điều này chứng tỏ người Kitô hữu chúng ta hơn ông Gioan vì ông Gioan là người thuộc thời kỳ Cựu Ước, thời kỳ chuẩn bị cho ơn cứu độ, còn người Kitô hữu ở vào thời kỳ thực hiện ơn cứu độ. Chế độ ân sủng do Chúa Giêsu đem đến trong thời Tân Ước hơn chế độ giới luật trong thời Cựu Ước. Như vậy, người Kitô hữu chúng ta quả là giá trị và cao cả vì được thông phần vào nhiệm thể Chúa Kitô, được sự sống của Chúa qua ơn nghĩa thánh. Ôi quả thật là diễm phúc biết bao.

Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan Tẩy Giả khi xưa đã hết lòng thực thi sứ vụ dọn đường cho Chúa đến và đã chịu chết để làm chứng cho sự thật. Xin Chúa cũng ban cho chúng con mỗi ngày biết dọn dẹp tâm hồn để xứng đáng đón Chúa ngự đến qua Bí tích Thánh Thể, biết luôn giữ mình trong sạch để sẵn sàng nghênh đón Chúa trong ngày cánh chung, và biết làm chứng cho Chúa bằng sự khiêm tốn, can đảm và trung thành như thánh Gioan. Amen.

Joston

Dọn tâm hồn đón Chúa đến (14.12.2023)

Ngày 14.12: Lễ Nhớ Thánh Gio-an Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

“Chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.”

Trong mùa Vọng, hình ảnh ông Gioan Tẩy Giả được nêu bật, ông là nhân vật đã rất tích cực hoạt động trong sứ vụ rao giảng, loan báo, làm phép rửa, kêu gọi ăn năn trở lại. Người ta cảm thấy ông rất lo lắng, rất vội vã thúc bách khẩn trương: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi,… Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.”

Toàn thể dân Ít-ra-en đang trông chờ Đấng Mê-si-a xuất hiện để giải thoát họ khỏi cảnh lầm than. Do đó, dân chúng ghi khắc lời trong Sách Thánh: “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng” (Ml 3,23). Dựa vào lời này, nhiều người Do-thái nghĩ rằng tiên tri Ê-li-a vĩ đại thời xưa sẽ xuất hiện một lần nữa để dọn đường cho Đấng Thiên Sai.

Để giúp cho dân chúng hiểu đúng lời của tiên tri Ma-la-khi, Chúa Giêsu chỉ cho họ biết tiên tri Ê-li-a trong lời loan báo đó chính là Gioan Tẩy Giả. Ông là vị tiên tri cuối cùng chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến trần gian. Khi khẳng định Gioan chính là Ê-li-a, thì một cách gián tiếp, Chúa Giêsu cũng tự nhận mình là Đấng Cứu Thế, vì Gioan Tẩy Giả làm chứng về Ngài. Thế nhưng, nhiều người Do-thái vẫn không đón nhận Chúa Giêsu, họ chờ đợi một Đấng Mê-si-a khác.

Chúa Giêsu nói kẻ bé mọn nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan. Nghĩa là, một đàng, sứ mệnh của Gioan đã kết thúc vì có Đấng đã đến phục hưng nước Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, Nước Trời còn chịu nhiều bạo lực, Nước Trời này chưa đến thời toàn hảo. Chúa Giêsu cũng đã từng ca tụng Gioan với dân chúng đi theo và nghe Ngài giảng dạy. Bằng lối văn đặt câu hỏi dồn dập, Ngài nhấn mạnh đến một số đức tính của Gioan. Ta thấy thái độ cứng rắn không chịu thua sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?” Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh mình.

Thứ đến là việc từ bỏ mọi sự để sống nghèo khó. Gioan không ăn mặc mịn màng và sống xa hoa. Gioan chỉ vận tấm da thú, ăn những thức ăn đơn sơ tìm được nơi rừng hoang, như châu chấu, mật ong. Sau cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mệnh của Gioan còn hơn một vị ngôn sứ, đây là sứ thần đi trước để dọn chỗ cho Chúa đến.

Ngày nay, nhiều người trên thế giới vẫn chưa biết rằng Đấng Cứu Thế đã đến trần gian. Một số người khắc khoải chờ đợi, một số khác cậy dựa vào tiền bạc, danh vọng, quyền lực như “vị cứu tinh” của mình. Đức ái Kitô giáo thôi thúc chúng ta tiếp tục sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là dọn đường cho Chúa Giêsu đến với tâm hồn của nhiều người chưa biết Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan Tẩy Giả khi xưa đã hết lòng vì sứ vụ và đã chết để làm chứng cho sự thật. Xin Chúa cũng ban cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng sự khiêm tốn, can đảm và trung thành như thánh Gioan khi xưa. Amen.

Joston

Gioan gương sám hối bằng đời sống khổ hạnh (09.12.2021)

Ngày 09.12: Lễ Kính KỶ NIỆM CUNG HIẾN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG SÀI GÒN

Tin Mừng hôm nay chỉ có mấy câu, mà toàn những lời Chúa Giêsu khen ngợi ông Gioan tẩy giả, một nhân vật mà cứ đến Mùa Vọng được nhắc đến cách đặc biệt lời Chúa nói: “Tôi nói thật với anh em, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan tẩy giả”. Vậy ông là ai, ông đã làm những gì mà được Chúa khen nặng lời như vậy?

Đến thời  “đã mãn”, Gioan tẩy giả ông đã xuất hiện trước công chúng như một người khác thường. Ông không xưng tên tuổi, không xưng chức vị. Nhưng khi được hỏi, ông đã mượn lời ngôn sứ Isaia trong Cựu Ước trước đó mấy trăm năm đã nói về ông: “Đây Ta sai Sứ Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi, có tiến kêu trong hoang địa rằng: hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mc1,1-8).

Ông khuyên người ta ăn năn hối cải, dọn lòng để được gia nhập Nước Thiên Chúa, nước mà Chúa Cứu Thế sẽ thiết lập. Gioan nêu gương sám hối bằng đời sống khổ hạnh: mình mặc áo lông lạc đà, lưng thắt dây da, lương thực là châu chấu nướng với mật ong rừng. Ông kêu gọi người ta sám hối để được tha tội. Một người dọn đường cho Chúa Giêsu thật khiêm hạ mà ông đã tự xác nhận: “Tôi không đáng cởi dây giày cho Người”(Lc 3, 10-18 ).

Gioan con người nghị lực, đạo đức, ưa sống khổ hạnh. Nhưng Chúa Giêsu không nói đến tài đức của ông. Nhưng Người khen và nhắc đến cái chức vụ “tiền hô” đặc biệt của ông, mà ông đã thực thi hoàn toàn trọn hảo. Ông đã được thánh hiến ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Ông đã hân hạnh đại diện cho bao vị tổ phụ, cho bao đời các ngôn sứ để gặp và mừng Chúa Giêsu mà đã bao ngàn năm các ngài đã trông chờ cầu khẩn cho nhân loại.

Gioan vị ngôn sứ cuối cùng, ông được tham dự vào việc trọng đại dọn dẹp, mở đường cho Chúa Cứu Thế. Ông vừa được chứng kiến khép lại Cựu Ước lại vừa góp phần khai mở Tin Mừng Chúa Cứu Thế. Điều ông hân hạnh nhất là được tận mắt, tận tay đến với Chúa Giêsu là được làm phép rửa của ông cho Người.

Khen ngợi thánh Gioan như vậy, nhưng Chúa Giêsu hôm nay còn chỉ cho mọi người thấy: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan”. Đến đây ta mới thấy công trình cứu chuộc Thiên Chúa mà Chúa Giêsu thực thi cao trọng nhường bao. Qua câu nói trên, Chúa Giêsu cũng đã gián tiếp khẳng định điều ấy. Phép rửa của Gioan chỉ có tác dụng thúc giục  người ta đến với Chúa thôi, còn phép rửa của Chúa Giêsu mới tha được tội, mới có sức mạnh của Thánh Thần, biến đổi nên tạo vật mới để làm công dân Nước Trời. Vì vậy khi nhìn thấy viễn tượng ấy Gioan tẩy giả đã phải thốt lên, và quy hướng mọi vinh quang và thành công về cho Chúa Giêsu: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”(Ga 3,30).

Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa vì đã cứu chuộc con để cho con được làm công dân Nước Trời. Một niềm hạnh phúc mà không một thứ gì ở trần gian này có thể đánh đổi được. Xin cho con sức mạnh và gắng sức thực thi bổn phận mà Nước trời đòi hỏi trên đời này. Để đến khi lìa thế con được tấm thẻ xứng đáng vào vương quốc của Người –Amen.

Giuse Ngọc Năng. 

Tất cả vì NƯỚC CHÚA (10.12.2020)

Khi đề cập vị Ngôn Sứ cuối cùng của Cựu ước, và là người tiền trạm dọn đường cho Chúa Giê-su Ki-tô. Ai cũng đều nhớ ngay đến thánh Gioan Tẩy Giả, năm 28 sau Chúa Ki-tô, thánh Gioan công khai rao giảng tại Galilê, Giu-đa và ngài còn cử hành nghi thức Thanh Tẩy, kêu gọi mọi người thống hối. Thánh Nhân không chỉ được tôn kính bởi Giáo hội Công giáo, người Hồi giáo cũng coi thánh Gioan là một trong ba vị Ngôn sứ cuối, trước Chúa Giê-su. Thánh Gioan là vị thánh duy nhất được Giáo hội Công giáo cử hành ngày sinh nhật 24 tháng 6 với bậc Lễ Trọng.

Trong Tin Mừng hôm nay :´“ Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả“.

Ông là người cùng thời với Chúa và trực tiếp giới thiệu với mọi người Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ trần gian. Vậy mà “người nhỏ nhất trong nước Trời lại cao trọng hơn ông“. Vì Chúa đến, Người không chỉ thực hiện lời hứa ban ơn Cứu độ mà còn ban nhiều ân sủng khác như chúng ta được đón nhận Chúa ngự vào tâm hồn mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể…

Suốt thời gian Chúa Giê-su ở trần thế, Người đã cho chúng ta những bài học về sự vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, bổn phận người con hiếu thảo với cha mẹ là Thánh Giuse và Mẹ Maria. Khi Chúa ra đi khắp mọi nơi loan báo Tin Mừng là những bài giáo huấn, dụ ngôn… đều hàm ý rao giảng về Nước Trời, về lối sống khiết tịnh và lòng quảng đại yêu thương đối với tha nhân. Tất cả những dữ liệu hoạt động về cuộc đời của Chúa Giê-su đều được các thánh sử ghi chép lại và lưu truyền, cho đến ngày hôm nay được phiên dịch nhiều ngôn ngữ, phổ biến dưới nhiều hình thức : sách, báo, mạng truyền thông và các lớp giáo lý mở rộng tại các giáo phận từ trung tâm Mục Vụ tỉnh thành cho đến các giáo xứ ở Việt Nam và trên thế giới. Lời Chúa đã được rao giảng từ những nhóm ấu nhi lên dần cho đến khi trưởng thành, chúng ta hãy soi rọi lại bản thân mình sau bao nhiêu năm được vun đắp, bồi dưỡng về Lời Chúa thì đức tin, cậy, mến của mỗi người có được thấm nhuần và có làm biến đổi con người mình trở nên thánh thiện chưa?

Lời Chúa khuyến cáo chúng ta: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được“. Chúa muốn chúng ta thể hiện sự nổ lực phải chiến đấu với chính bản thân mình, khao khát tìm kiếm Nước Trời, dám từ bỏ những thói hư tật xấu, sẵn lòng hy sinh cho người thân và tha nhân, mới xứng đáng hưởng niềm vui Nước Chúa.

Lạy Chúa, xin soi sáng để chúng con cảm nhận và thực thi lời giáo huấn của Giáo Hoàng Phanxicô: “Chúng ta giúp đỡ, chúng ta dẫn dắt người khác đến với Đức Giê-su bằng lời nói, đời sống và chứng từ đời sống của chúng ta. Tôi muốn nhắc đến lời của thánh Phanxicô Assisi thường nói với các anh em của mình: “Hãy rao giảng Phúc Âm mọi lúc; và nếu cần, mới dùng đến lời lẽ”. Rao giảng bằng lời… thế nhưng chứng từ phải đến trước tiên; người ta cần xem thấy Phúc Âm, đọc được Phúc Âm, trong chính đời sống của ta”.

  LHTH

Trở nên ngôn sứ thời đại mới (12.12.2019)

12 tháng 12 Lễ Ðức Mẹ Guadalupe

Trong các chương trình văn nghệ, MC có một vai trò đặc biệt và có thể nói sự thành công của chương trình phụ thuộc rất nhiều vào tài khéo và kinh nghiệm của họ. MC phải là người có chất giọng đẹp, hoạt ngôn, có kiến thức sâu rộng và khả năng xứ lý các tình huống. Trong các tiết mục, lời dẫn phải đi sâu vào nội dung, phải truyền cảm hứng cho thính giả thì chương trình biểu diễn mới hấp dẫn.  Nhưng điều quan trọng là MC cần cố gắng làm cho người nghệ sĩ nổi bật lên, chứ không phải chính mình. Sau khi giới thiệu chương trình, MC nhường sân khấu cho người nghệ sĩ và lặng lẽ đi về phía cánh gà.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã chu toàn vai trò như một người tiền hô loan báo về Đấng Cứu Thế. Ngài cũng thành công trong việc truyền cảm hứng cho người đương thời về tinh thần sám hối, chuẩn bị cho giáo huấn của Đức Giêsu. Cuối cùng, Gioan đã lặng lẽ lui vào trong hậu trường bằng cái chết để làm chứng cho chân lý và trao lại sân khấu cuộc đời cho Đức Giêsu. Vì thế, ngài xứng đáng được Đức Giêsu khen ngợi: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ngài được Chúa viếng thăm ngay khi còn trong lòng mẹ. Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ngài thực hiện hoàn toàn chương trình của Chúa. Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ngài có một lối sống nhiệm nhặt, không dính bén đến trần gian. Gioan Tẩy Giả cao trọng là vì ngài đã trung thành rao giảng về Đấng Cứu Thế. Thánh Gioan Tẩy Giả muốn cho dân chúng thấy Đấng đến sau ngài, nhưng cao trọng hơn ngài vì Người chính là Đấng Emmanuel mà muôn dân hằng trông đợi.

Ngày nay, nhiều người trên thế giới vẫn chưa biết rằng Đấng Cứu Thế đã đến trần gian. Một số khác cậy dựa vào tiền bạc, danh vọng, quyền lực như “vị cứu tinh” của mình. Trong mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở rằng chúng ta là những ngôn sứ của thời đại mới, những người tiếp tục những gì Gioan Tẩy Giả đã loan báo về Đức Giêsu. Để làm chứng về Đấng Cứu Thế, chúng ta không chỉ dùng lời nói mà còn dùng cả cuộc sống tràn đầy niềm vui. Đó là niềm vui của sự gặp gỡ và đón nhận Chúa Giêsu, cách đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể. Niềm vui ấy cần được tỏa lan qua một đời sống sẻ chia với người nghèo khó, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh, yêu thương hiệp nhất trong gia đình và trong cộng đoàn giáo xứ. Chính khi sống tinh thần hiệp nhất và hiệp thông của cộng đoàn Thánh Thể, chúng ta đang dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến với tâm hồn của mình và của nhiều người chưa biết Chúa. Do đó, mọi việc chúng ta làm, việc lớn, việc nhỏ, từ những việc công khai hay âm thầm, đều phải có sức lôi cuốn người khác đến với Đức Giêsu.

Đối với anh chị em trong thánh phụ Đa Minh, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không chỉ dừng trên môi miệng, mà phải là một lối sống. Lời giảng thuyết của chúng ta phải là hoa trái của chiêm niệm, phát xuất từ chiêm niệm, hay nói cách khác phát xuất từ một cuộc đối thoại không ngừng với Thiên Chúa qua từng ngày sống. Giảng thuyết cũng là hoa trái từ một Thiên Chúa được cảm nghiệm hay là từ kinh nghiệm về Thánh Thần chân lý và tình yêu. Đấng biến đổi cuộc đời chúng ta, giúp chúng ta hoán cải và làm cho chúng ta trở thành những nhà giảng thuyết đem ơn cứu độ đến cho anh chị em mình. Giữa lòng cuộc đời, chúng ta được mời gọi trở thành con người của ân sủng, của sự cảm thông và xót thương. Đồng thời được mời gọi dấn thân, yêu mến hết mình với cuộc đời này, với trang bị là ánh sáng và các giá trị Tin Mừng. Và như thế nhà giảng thuyết cũng được mời gọi trở thành con người biết lắng nghe, con người của đối thoại, kiến tạo một xã hội hòa bình và tôn trọng phẩm giá của nhau, trong đó con người được quyền sống những giá trị xứng hợp với nhân phẩm, để từ đó con người có cơ hội mở ra với Thiên Chúa.

Do đó, với tư cách là những nhà giảng thuyết, nếu chúng ta không cưu mang Lời, không để Lời ảnh hưởng và biến đổi tâm hồn chúng ta, và không biến chúng ta thành con người thực sự của Tin Mừng, thì chúng ta khó lòng mong đợi đem Chúa đến cho người khác.

Lạy Chúa, chúng con đang chuẩn bị mừng ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Xin cho chúng con sửa soạn tâm hồn cho xứng đáng để đón Chúa và làm nhiều việc lành phúc đức như những món quà dâng Chúa trong lễ Giáng Sinh sắp tới. Amen./.

Bình Minh

Ai có tai thì nghe (13.12.2018 – Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng)

Ngày 13.12: Lễ Nhớ Thánh Lucia (c. 304)

Ghi nhớ:

“Ai có tai thì nghe”. (Mt 11, 15)

Suy niệm:

Ông và cháu đang ngồi chuyện trò trước sân thì có tiếng của đứa con gái nhà bên cạnh, hai tay bịt hai lỗ tai, ở trong nhà vừa chạy ra sân vừa la toáng lên:

  • Con không nghe, con không nghe.

Ông nội bảo Hậu xích lại gần rồi nói:

  • Cha mẹ luôn muốn cho con mình những điều tốt đẹp. Phải không con? Cha mẹ có thương thì mới la rầy con cái, để con nên người, vậy con không được bắt chước thói hỗn láo của con bé nhà bên kia con nhé!
  • Vâng. Ông nói tiếp.
  • Chữ thánh trong hán tự được hình thành bởi ba chữ;* chữ nhĩ nghĩa là cái tai;* chữ khẩu nghĩa là cái miệng và dưới cùng là chữ vương;* nghĩa là vua. Như vậy có thể hiểu rằng muốn nên thánh thì phải làm chủ được đôi tai và cái miệng của mình.

Thằng Hậu ngồi yên nghe ông thao thao.

  • Tội lỗi đâu tiên mà nguyên tổ phạm phải có liên quan đến tai và miệng. Sách Sáng Thế kể lại việc nguyên tổ loài người sa ngã. Khi con rắn đến cám dỗ Eva nó dùng lời dối trá để phỉnh gạt mê hoặc thì bà đã không biết là chủ đôi tai của mình, nghe theo Satan hái trái cây biết thiện ác mà ăn. Còn Adam, khi vợ hái trái cấm  đưa cho mình, thì đáng lẽ ra, nếu là kẻ biết làm chủ miệng lưỡi của mình  ông phải dùng miệng mà nói lời khuyên lơn ngăn cản để Eva không được ăn. Nhưng đàng này, trái lại không những ông không khuyên mà còn dùng cái miệng của mình để ăn trái đó! Để rồi từ lỗi phạm đó,  nguyên tổ tự căt đứt mất ân tình của Thiên Chúa, phải chịu nhiều đau khổ và cuối cùng phải chết! (x. St 3, 8).

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đề cao nhân vật Gioan Tẩy Giả. Người khen ông và nói rằng từ trước tới nay chưa từng có ai cao trọng hơn ông và nhân dịp này Ngài cũng giới thiệu cho chúng ta biết; một công dân Nước Trời dù là nhỏ bé nhất cũng còn cao trọng hơn ông Gioan nơi trân gian này! Như vậy Chúa mặc khải Nước Trời là nơi trọn hảo, vinh quang và vinh dự vô cùng! Và vì thế Nước Trời sẽ không dành cho những kẻ yếu đuối ươn hèn. Mà chỉ  dành cho những người  được Thánh Thần  ban sức mạnh mới chiếm hữu được mà thôi!

Ông Gioan vị ngôn sứ cuối cùng, có sứ mệnh rất cao cả là đi trước Chúa dọn đường kêu gọi mọi người hãy sám hối ăn năn để xứng đáng đón nhận Ơn Cứu Độ mà Ngôi Hai nhập thể sẽ đem đến cho mọi người. Để thi hành nhiệm vụ cao trọng của mình là dọn đường cho Chúa đến, trước đó Gioan đã sống cuộc đời nhiệm nhặt, khó nghèo. Ông  sống trong hoang địa, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng băng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong.

Chính ông cũng đã xác nhận sứ mệnh của mình: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1, 23). Vì thế ông còn có tên gọi khác là Gioan Tiền Hô.

Dân chúng đã nghe theo lời kêu gọi của ông, ăn năn sám hối chịu phép rửa để đón nhận Đấng Cứu Thế đến. Như vậy, ông đã hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh của mình.

Ơn Cứu Độ mà Đức Giê- su mang đến cho nhân loại không loại trừ một ai. Nhưng để lãnh nhận hồng ân đó, con người phải mở tâm hồn mình ra,  giục lòng thống hối ăn năn tội lỗi mình. Nhưng để được mở lòng ra thì con người phải biết lắng nghe tiếng “ hô trong hoang địa”; đó là tiếng nói của lương tâm kêu gọi ta làm lành lánh dữ. Đó là tiếng nói của các đấng các bậc có trách nhiệm. Và đó cũng là tiếng nói của vũ trụ, của thiên nhiên vạn vật hàng ngày xảy bên cuộc sống của mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là mỗi người  chúng ta có biết lắng nghe và nhận thức được tiếng kêu gọi  đó hầu sám hối ăn năn trở về cùng Chúa để được hạnh phúc nhận lãnh Ơn Cứu Độ hay không?

Khi mỗi người biết sám hối ăn năn và đón nhận ơn cứu độ rồi thì mặc nhiên phải trở thành những người “tiền hô mới” đi loan báo, kêu gọi những người khác để tất cả đều được nhận lãnh ơn cứu chuộc từ nơi Thiên Chúa.

Đó là sứ mệnh của mỗi chúng ta, những người Kitô hữu hôm nay.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin chúc phúc cho đôi tai và môi miệng của con, để con biết sử dụng chúng mà làm vinh danh Ngài.

Xin cho con biết lắng nghe những điều hay ý đẹp và biết nói những điều nên nói,

xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa nói với con và đồng thời cho con luôn biết nói với Chúa và nói về Chúa nơi anh em con, được như vậy thì trọn cuộc đời con luôn có Chúa ở trong  và con cũng luôn được ở cùng Ngài. Amen.

Sống lời Chúa:

Say mê nghe Lời Chúa và luôn khát khao rước Chúa vào lòng.

Đaminh  Trần  văn  Chính.

Dùng sức mạnh để chiếm Nước Trời (14.12.2017)

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định một điều về thế giá của Gioan Tẩy Giả: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.” (Mt 11, 11a). Ông Gioan Tẩy Giả là một nhân vật rất đặc biệt trong nhân loại. Ông là em họ của Đức Giêsu. Một biến cố hết sức lạ lùng đã xảy ra từ khi ông còn trong lòng mẹ. Qua cuộc viếng thăm của Mẹ Đấng Cứu thế, dù còn là thai nhi, phút giây mà Đấng Cứu thế đã “chạm” vào, làm ông được khỏi tội tổ tông truyền và nhảy lên sung sướng. Ông là người dọn đường cho Đấng Cứu thế đến cứu độ muôn dân.

Vậy mà hôm nay Đức Giêsu lại so sánh: “Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” (Mt 11, 11b). Vì sao những “công dân Nước Trời” dù là nhỏ nhất còn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả nữa? Bởi vì ngày xưa ông được Chúa viếng thăm qua mẹ, khi còn trong lòng mẹ, còn chúng con hôm nay đã được Chúa đích thân viếng thăm biết bao nhiêu lần, đặc biệt khi rước lễ. Chúng con được chính Chúa ngự vào lòng, được Chúa ở với, ở cùng chúng con, phúc trọng hơn Gioan Tẩy Giả bội phần.

Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11, 12). Quả thật từ thời Gioan Tẩy Giả loan báo Đấng Cứu thế là Đức Giêsu Kitô cho đến hôm nay, Tình Yêu của Người vẫn là sức mạnh chiến thắng. Sức mạnh ấy không phải do sự gồng mình, chiến đấu, nhưng nhờ Tình Yêu. Trong cái nhìn của con người thì Đức Giêsu đã chết, đã thất bại, nhưng Người đã sống lại chiến thắng vinh quang. Các vị anh hùng tử đạo đã phải rơi đầu dưới lát gươm, những chứng nhân đức tin hùng hồn đã chứng tỏ cho nhân loại rõ ràng với ngành lá thiên tuế.

Lạy Chúa, sức mạnh của chúng con là chính Chúa. Chúa là sức mạnh đời con. Chúa là thành lũy, là núi đá chở che con. Tự sức hèn chúng con không thể làm được gì. Nhưng khi sống với đức tin mạnh mẽ, kết hợp mật thiết với Chúa giữa cuộc đời khó khăn gian nguy, chính Tình Yêu và sức mạnh của Chúa sẽ giúp chúng con chiến thắng, để được bước vào vinh quang trong Nước  Chúa. Amen.

 Én Nhỏ

Để được vào Nước Trời (10.12.2015)

1-    Ghi nhớ: “…Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).

2-    Suy niệm: Nhờ được tái sinh bởi “Nước và Thần Khí”, chúng ta được gia nhập vào Giáo Hội và được mời gọi trở thành phần tử của Nước Trời. Nhưng để được vào Nước Trời, chúng ta phải dũng cảm chiến đấu để vượt qua những cám dỗ của bản thân và các thế lực bên ngoài luôn tìm cách chống đối và bách hại những ai muốn vào Nước Trời. Do đó, muốn chiếm được Nước Trời là quê hương vĩnh cửu muôn đời, chúng ta phải có đức tin kiên định, đức cậy bền đỗ và đức mến nhiệt thành. Thực hiện được như vậy, chắc chắn chúng ta đã có được Nước Trời ngay ở đời này và đời sau trong niềm vui an lành và hạnh phúc.

3-    Cầu nguyện: Lạy Chúa! Để được vào Nước Trời, chúng con phải đương đầu với những khó khăn, gian khổ và thách thức trong cuộc sống. Xin Chúa giúp chúng con biết can đảm làm chứng cho Chúa trong tư tưởng, lời nói cũng như việc làm hằng ngày của chúng con, ngõ hầu mai sau được vui hưởng vinh quang trong nước Chúa.

4- Sống Lời Chúa: Để đượcvào Nước Trời, chúng ta phải chiến đấu và chiến thắng: thế gian, xác thịt và tội lỗi.

HOÀI THANH

Chiến đấu như thế nào?

“Từ thời Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11,12)

Suy niệm: Gần đây, thế giới luôn hồi hộp vì những căng thẳng, những “dọa nạt” leo thang quân sự  đang xảy ra ở nhiều nơi: Trung Đông rồi Biển Đông, Bắc Hàn và Nam Hàn… với cao trào mua sắm vũ  khí, tập trận bằng đạn thật… đe doạ một cuộc chiến sẽ nổ ra bất cứ lúc nào. Tin Mừng hôm nay cho biết chúng ta đang bước vào một “cuộc chiến thiêng liêng,” trong đó chúng ta phải chiến đấu quyết liệt, không phải để tìm kiếm những “chiến lợi phẩm” mau qua ở thế gian, nhưng để đạt được Nước Chúa đời đời; một cuộc chiến đấu liên lỷ với chính mình nhờ sức mạnh của Thánh Linh để chiến thắng những cám dỗ của đam mê, thế gian và xác thịt, của những thói quen xấu và tự mãn. Trong cuộc chiến không khoan nhượng này, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nói: “Người Kitô hữu có tất cả các phương tiện cứu độ, mà bao nhiêu năm không biến đổi nếp sống vươn lên, đó là một trọng tội.”

Mời Bạn: Hãy “kiểm định” sức khỏe nội tâm: Bạn có những “rào cản” hay những khó khăn gì khi phải chiến đấu với chính bản ngã của mình trước những đòi hỏi của Lời Chúa?

Sống Lời Chúa: Bằng những hy sinh, bằng cách gánh vác lấy mọi thánh giá trong đời bạn, bạn chiến đấu liên lỷ mỗi ngày để đạt được thành quả là hạnh phúc Nước Trời.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, kẻ thù đáng sợ nhất của con là chính con. Xin dạy con biết chiến đấu với chính mình trước những đam mê, cám dỗ. Xin giúp con chiến đấu không ngại nghi nan, không ngại đau thương. Amen.

Tầm quan trọng của ngôn sứ

“Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.” (Mt 11,11).

Suy niệm: Tại sao Gio-an Tẩy Giả quan trọng như thế trong thời gian trông đợi Chúa đến? Thánh Kinh cho biết, Gio-an Tẩy Giả là tiên tri sau cùng thời Cựu Ước tiên báo Đấng Cứu Thế đến. Ông cũng là người mở đầu cho một thời đại ngôn sứ mới trong Tân Ước, thời đại của những người biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế và được mời gọi làm chứng cho Chúa Giê-su qua những lời họ loan báo và cuộc sống của họ. Nói tóm lại, những gì được loan báo trong Cựu ước, Gio-an Tẩy Giả làm chứng chúng đã được hoàn tất trong Chúa Giê-su Ki-tô và những gì hoàn tất nơi Chúa Giê-su, những ngôn sứ mới phải công bố như Gio-an Tẩy Giả đã thực thi. Vì thế, khi đề cập đến vai trò quan trọng của Gio-an Tẩy Giả trong mùa Vọng, Hội Thánh nhắc nhở cho mỗi chúng ta rằng, chúng ta là những ngôn sứ của thời đại mới, những người tiếp tục những gì Gio-an Tẩy Giả đã bắt đầu để loan báo Chúa Giê-su. Cuộc sống, lời nói và hành động của chúng ta phải làm chứng cho sự kiện siêu việt Chúa Giê-su vẫn đang đến với thế giới hôm nay. Qua đời sống đức tin, chúng ta là những Gio-an Tẩy Giả hôm nay. Mọi việc chúng ta làm, việc lớn, việc nhỏ, từ những việc công khai hay âm thầm, đều phải có sức lôi cuốn người khác đến với Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Bạn nhận thức được vai trò ngôn sứ của bạn chưa? Đừng quên bạn cũng có vai trò quan trọng, vì bạn là ngôn sứ, là người loan báo và làm chứng cho Chúa trong xã hội hôm nay.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nói về Chúa một lần cho người khác.

Cầu nguyện: Hát: “Trời cao hãy đổ sương xuống…”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *