Loan báo Tin Mừng theo tinh thần của Chúa (01.02.2024 – Thứ Năm tuần IV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 

 Lời Chúa: 1 V 2,1-4.10-12 (năm chẵn), Hr 12,18-19.21-24 (năm lẻ); Mc 6, 7-13

Bài đọc 1: 1 V 2,1-4.10-12

Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.

Khi thấy mình đã gần đất xa trời, vua Đa-vít truyền dạy Sa-lô-môn con mình rằng : “Cha sắp bước vào đoạn đường mà mọi người trên đời phải đi qua ; con hãy can đảm lên, và sống cho xứng bậc nam nhi. Hãy tuân giữ các huấn lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người, như đã ghi trong Luật Mô-sê. Như thế con sẽ thành công trong mọi việc con làm và trong mọi hướng con đi, và Đức Chúa sẽ thực hiện lời Người đã phán với cha rằng : ‘Nếu con cái ngươi sống cho phải đạo, là hết lòng hết dạ bước đi trung thực trước nhan Ta, thì ngươi sẽ không bao giờ thiếu người ngự trên ngai Ít-ra-en.’”

Vua Đa-vít đã an nghỉ với tổ tiên ông, và được chôn cất trong Thành vua Đa-vít. Thời gian vua Đa-vít trị vì Ít-ra-en là bốn mươi năm : vua trị vì tại Khép-rôn bảy năm và tại Giê-ru-sa-lem ba mươi ba năm.

Vua Sa-lô-môn ngự trên ngai vua Đa-vít, thân phụ ông, và vương quyền của ông thật là vững chắc.

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 6, 7-13)

7 Khi ấy, Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. 8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng ; 9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. 10 Người bảo các ông : “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ.” 12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. 13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Loan báo Tin Mừng theo tinh thần của Chúa (01.02.2024)

“Đức Giêsu bắt đầu sai các Tông Đồ đi rao giảng.”

Bài Tin Mừng hôm nay phác họa chân dung một người Tông Đồ của Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, đó là: tinh thần nghèo khó, chữa lành và rao giảng sự sám hối.

+Năng quyền rao giảng và chữa lành:

“Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế.” Qua việc Chúa Giêsu gọi và sai 12 Tông Đồ đi rao giảng, chúng ta nhận ra sự chia sẻ trách vụ cứu thế của Chúa Giêsu cho các Tông Đồ. Vậy người tông đồ cần cảm nghiệm vinh dự của mình khi được tham dự vào sứ vụ cứu thế của Chúa, và cũng được thi hành quyền của Chúa qua việc cử hành các Bí tích, xức dầu thánh hay trừ quỷ… Muốn được vậy, người tông đồ trước khi đi thi hành sứ vụ, Hội Thánh vẫn có thói quen tách riêng họ ra để có thời gian và không gian ở với Chúa trong bầu khí tĩnh tâm, cầu nguyện và học tập nơi môi trường chủng viện hay các dòng tu.

Có thể hiểu năng quyền được ban cho các tông đồ – các mục tử thông qua các Bí tích để sức mạnh của ma quỷ không thể cản trở được công việc loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, qua Bí tích Hòa Giải, các mục tử chữa lành bệnh tật và thương tích tâm linh cho các tâm hồn.

+Tinh thần khó nghèo:

Chúa Giêsu không bảo các Tông Đồ phải vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình.

Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc; dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.

Hơn nữa, loan báo Tin Mừng cốt yếu là làm chứng cho Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu đó đã sinh ra trong khó nghèo, sống kiếp nghèo và chết trong sự trần trụi trên Thập Giá. Vì thế, nếu đời sống của người rao giảng không thể hiện được tinh thần nghèo khó sẽ tự nó trở nên phản chứng.

+Sứ điệp rao giảng:

Mở đầu cho công cuộc rao giảng công khai, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trong lời kêu gọi là mọi người “hãy sám hối”. Bởi chỉ có sám hối nhìn nhận mình tội lỗi thì mới được hưởng ơn tha thứ; khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn mới được đổ đầy ân sủng. Sám hối là điều kiện đầu tiên phải có để đón nhận Tin Mừng. Sám hối để nhận ra mình sai mà quay về, sám hối để rũ bỏ tất cả để được Chúa ngự vào.

Như vậy, người tông đồ của Chúa phải có tâm tình sám hối, và phải luôn kêu gọi sám hối song song với việc loan báo Tin Mừng của Chúa. Bên cạnh đó, người tông đồ cũng phải đến với những người tội lỗi để hoán cải họ, bởi chưng Thiên Chúa ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ và chữa lành hơn là những người tự cho mình đạo đức không cần thống hối; nên ánh sáng cho những ai đang ngồi trong bóng tối, hơn là những kẻ tưởng là đang ngồi trong ánh sáng nhưng lại thờ ơ hoặc từ chối Tin Mừng của Chúa.

Nội dung rao giảng và công việc của người tông đồ cũng giống công việc của Gioan Tẩy Giả: rao giảng về sự sám hối; nhưng Gioan chỉ tuyên bố là Nước Trời gần đến; còn các tông đồ của Chúa phải thể hiện nước ấy cho người ta trông thấy qua cuộc sống và việc làm, trừ quỷ, ban ơn tha tội, chữa lành các thứ bệnh tật tâm linh và thể xác…

Lạy Chúa Giêsu, mọi người chúng con hôm nay cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong ơn gọi Kitô hữu. Xin cho chúng con biết hăng say làm chứng cho Chúa bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế. Amen.

Joston

Hành trang đi loan báo Tin Mừng (04.02.2021)

    – Gia tài là chiếc bịNgười mang trên vai

Hành trang đi vào đời – là tập Kinh Thánh

 – Chỗ đất đứng là nhà và tấm đá thô gối đầu

 Người lữ khách phong trần bình an bước đi.

Bài hát “Thánh Đa Minh và chiếc bị” do linh mục Giuse Phạm Quang OP sáng tác , thể hiện toàn diện hình ảnh thánh Tổ Phụ Đa Minh khi thực hiện sứ vụ truyền giáo, thánh nhân đã thực hành lời truyền của Chúa Giêsu khi sai các tông đồ đi rao giảng. Theo thánh Gioan Bosco: “Cần phải có đức khó nghèo trong lòng để thực thi ra bề ngoài”. Lời bài hát nhắc nhở các Huynh đoàn giáo dân Đa Minh nhớ về cuộc đời thanh sạch và khiêm nhường của cha thánh.

 Lời Chúa hôm nay: “Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng đi dép, và đừng mặc hai áo”. Sự dặn dò của Thầy Giêsu có khiến các tông đồ lo lắng cho hành trình loan báo Tin Mừng của mình không? Có phải Chúa muốn các ông khi đến với mọi người với một tâm thái nhẹ nhàng, chỉ một lòng hướng về Chúa, hành trang là đem Lời Chúa truyền bá cho mọi người, còn mọi sự khác Ngài sẽ lo liệu. Thánh Gioan Bécmăng chia sẻ :” Bạn cứ lo việc Chúa, Chúa sẽ lo việc của bạn”. Để hoàn thành được nhiệm vụ của Chúa Cha, Chúa Giêsu không ngừng dẫn dắt, hướng dẫn các môn đệ do Ngài  tuyển chọn làm cánh tay nối dài, mời gọi nhiều người nghe về linh đạo của Chúa mở rộng Nước Trời. Ngày nay, việc loan báo Tin Mừng được tiến hành trên nhiều phương diện truyền thông, khác với thời xa xưa, trong Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 127 Giáo Hoàng Phanxico đề cập vai trò người môn đệ của Chúa: “Là môn đệ có nghĩa là luôn sẵn sàng để mang tình yêu của Đức Giêsu đến với người khác, và điều này có thể xảy ra một cách bất ngờ và bất cứ đâu: trên đường phố, trong công viên thành phố, khi làm việc, lúc đi đường’. Chỉ là chúng ta có sẵn lòng tạo ra những cơ hội lúc giao tiếp để thực hiện sứ vụ loan truyền Lời Chúa đến mọi người hay không?

Khi sai các tông đồ thực hiện sứ vụ, Người còn căn dặn: “Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó”. Các tông đồ ra đi loan báo nước Thiên Chúa, mời gọi mọi người đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa, và con người có sự tự do để đáp lại, sự tự nguyện theo Chúa, tự cảm nhận bản thân mình yếu đuối, bất toàn. Cuộc sống hiện nay gồm nhiều lo toan, đôi lúc còn những đau khổ, tuyệt vọng, bất ngờ ập đến, nguyên do từ lòng tham, lòng sân si, ganh ghét…đưa đến, chúng ta rất cần tìm đến một người chia sẻ nỗi lòng, hãy đặt niềm tin vào Chúa là cứu cánh duy nhất,” mọi âu lo xin trút hết cho Người”. Xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ để chúng con mạnh mẽ hơn trong đời sống chứng nhân.

Anna Anh. 

Đi rao giảng Tin Mừng (01.02.2018)

Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai, sai đi từng hai người một và chỉ thị rằng: “không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;  được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ. Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 8-13).

Thầy chỉ thị cho các ông đi rao giảng, chỉ kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Nội dung không có bài vở soạn sẵn, không được tập luyện cách truyền đạt, làm sao để thu hút đám đông, nghe không dễ thực hiện. Thầy dạy vào nhà nào thì cứ ở đó cho đến lúc ra đi. Nhà nào không đón tiếp và nghe lời thì rũ bụi chân lại… Nếu ngày nay mà chúng con đi rao giảng như vậy liệu có kết quả? Người môn đệ không mang bao bị, tiền đồng giắt lưng, thể hiện tinh thần khó nghèo, thanh thoát, không lệ thuộc vào của cải vật chất, nhưng một niềm phó thác cậy trông sự trợ giúp của Chúa, để thực thi sứ mạng được trao phó.

Khi Đức Giêsu đến trần gian thì Người thiết lập Vương Quốc Tình Yêu, là Nước Trời ngay tại trần gian này. Chúng con có bổn phận mau mắn làm cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, làm cho Nước Trời được viên mãn ngay trong đời sống hiện tại. Nước Trời là chính Chúa, Chúa đã đến gần, sát ngay bên. Nhưng còn tùy thuộc vào lòng con người, có mở lòng đón nhận hay không. Việc rao giảng không phải chỉ bằng lời, nhưng bằng đời sống. Một đời sống đạo hạnh, yêu thương tha nhân, luôn đem niềm vui và hy vọng đến cho người khác, là phản chiếu một tâm hồn luôn có Chúa ở cùng. Nước Trời hiện diện ngay giữa thế trần và trong tâm hồn có Chúa ở cùng.

Lạy Chúa! Dù là ai mỗi người trong chúng con cũng được Chúa kêu gọi thi hành sứ mệnh với Chúa, tuy mỗi người một ơn gọi khác nhau: người thì được gọi trong đời sống tu trì, người thì sống độc thân hay bậc hôn nhân giữa đời để làm chứng nhân. Có lãnh nhận là có phân phát, vì con đã được lãnh nhận nhưng không, xin cho con cũng biết cho đi nhưng không, sẵn sàng phân phát tất cả. Ước gì qua cuộc sống của con mà người khác được đón nhận tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết quý trọng sự tín nhiệm của Chúa mà luôn kết hợp cộng tác với Chúa, để Chúa thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong mỗi chúng con cách hiệu quả nhất. Amen.

  Én Nhỏ

Hành trang: Lắng nghe và thực hành Lời Chúa (04.02.2016)

1 Ghi nhớ: “ Người chỉ thị cho các ông đừng mang gì đi đường…” (Mc 6,8)

2 Suy niệm: Một người khôn ngoan biết cái gì cần và cái gì không cần cho cuộc sống mình. Mang quàng mọi sự vào mình e chỉ làm bận bịu, vướng víu, ràng buộc, mất tự do, ảnh hưởng đến công việc.

Sứ đồ của Chúa hành trang chỉ cần: biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Bao nhiêu đó là đủ. Quá lo lắng về của cải vật chất chỉ nhọc công, tốn sức và lãng phí thời giờ, thậm chí nhiều lúc nó còn ảnh hưởng xấu đến sứ mạng của mình. Những thứ đó Chúa sẽ lo liệu và không để ta thiếu thốn bao giờ.

3 Sống Lời Chúa: Không để của cải vật chất ràng buộc.

4 Cầu nguyệnLạy Chúa, xin cho lòng con được tự do đối với của cải vật chất, để chúng con nhẹ nhàng bước đi trên con đường rao truyền Nước Chúa. Amen.

 

Những môn đệ thừa sai

Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. (Mc 6,6-7)

Ngày 06.02: Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo

Suy niệm: Chúa bận rộn, làm không hết việc. Nhất là trong Tin Mừng Mác-cô, ta thấy Người cần cù như con ong, có lúc thậm chí chẳng có giờ để ăn uống nữa! (x. Mc 3,20-21). Chúa xác nhận rằng Người đến là để thi hành sứ mạng (x. Mc 1,38). Công việc đầy ắp, Ngài muốn có người giúp một tay, và Người lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,13-19), để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng. Đối tượng phục vụ của Chúa là những đám đông dân chúng “bơ vơ như chiên không người chăn” vây bủa lấy Người, nhất là những bệnh nhân, những kẻ tội lỗi, những người bị quỉ ám… Chúa chạnh lòng thương họ. Khi Chúa chọn và sai các môn đệ đi đến với họ, Chúa cũng muốn các học trò chia sẻ tâm tình “chạnh lòng thương” của Chúa.

Mời Bạn: Thời nay, xung quanh chúng ta vẫn còn cả một đại dương những đám đông vất vưởng, lầm than khốn khổ, cả thể lý lẫn tinh thần. Chính vì chạnh lòng thương mà Cha Đa-miêng quyết định sống chết với những người cùi ở đảo Molokai; Tổng Giám mục Oscar Romero quyết định đương đầu với các thế lực bất công để bênh vực những nông dân nghèo bị ức hiếp ở El Salvador; Bác sĩ Lee Tae-suk quyết định trở thành một linh mục thừa sai đến sống và miệt mài phục vụ những người dân cùng khổ nhất ở Nam Sudan. Bạn có muốn trở thành một “môn đệ thừa sai” không? Danh hiệu này, theo Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, không phải chỉ dành cho nhóm ưu tuyển nào đâu, mà là của mọi Kitô hữu đó.

Sống Lời Chúa: Thăm một bệnh nhân hoặc người già neo đơn gần nhà bạn.

Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa xưa Chúa đã phán…”

Kết quả của sự vâng lời

Các ông đi rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối.
Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. (Mc 6,12-13)

Suy niệm: Chúng ta có thể mường tượng niềm vui lớn lao của các tông đồ sau khi đạt được những kết quả khả quan trong chuyến truyền giáo. Chắc chắn đây là hoa trái nhờ việc các ông vâng theo lời của Thầy mình. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có được những kết quả như các tông đồ ngày xưa, nếu chúng ta biết vâng theo lời Chúa dạy. Xưa cũng như nay, làm chứng cho Tin Mừng không bao giờ chỉ bằng lời nói, mà còn qua những hy sinh cụ thể: “không giày dép, không bao bị, không mũ nón.” Đó chính là những dấu chỉ thời đại hôm nay đang cần nơi các Kitô hữu. Nếu mỗi Kitô hữu sống tinh thần siêu thoát ấy, ắt hẳn không ít người được thoát khỏi vòng vây của quỷ ma, không người được ơn chữa lành.

Mời Bạn: Bạn và tôi hôm nay đã quen với “đôi giày sức khỏe,” “mũ nón bằng cấp,” “bao bị phương tiện” nên không dễ gì từ bỏ. Vậy bạn và tôi hãy quyết tâm không lệ thuộc vào những thứ đó khi sống chứng tá cho Chúa, để quyền năng Thiên Chúa được thực hiện qua sự thiếu thốn và cả yếu kém của chúng ta nữa.

Chia sẻ: Có bao giờ bạn thấy vui khi vì danh Chúa mà mình bị thua thiệt trước người khác? Nếu chưa thì hãy tập cho có tinh thần đó.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín tinh thần vâng phục và khó nghèo luôn cần thiết trong việc làm chứng cho Nước Trời trong mọi nơi và mọi lúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở nên yếu hèn trước mặt người đời để con được mạnh sức. Xin cho con cũng biết sống thiếu thốn để anh chị em con được sung túc trước mặt Chúa. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *