Từng bước vị tha như Ngài (20.06.2024 – Thứ Năm Tuần XI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Hc 48,1-14 (năm chẵn), 2 Cr 11,1-11 (năm lẻ), Mt 6,7-15

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 6,7-15)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :
‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con ; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’
“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Từng bước vị tha như Ngài (20.06.2024)

“Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này.”

Nếu đặt câu hỏi như thế này: câu Lời Chúa nào được dùng nhiều nhất trong đời sống tín hữu, chắc hẳn mỗi người chúng ta sẽ phân vân nhưng sẽ có cùng câu trả lời, đó chính là lời Kinh Lạy Cha, lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã sử dụng và truyền dạy cho các môn đệ của Ngài.

Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công Giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa.

Kinh Lạy Cha đã không còn xa lạ trong đời sống Kitô hữu. Mỗi ngày chúng ta cầu nguyện bằng chính lời kinh này, một lời nguyện đẹp lòng Thiên Chúa. Hơn thế nữa, trong thánh lễ lời kinh này là một lời cầu nguyện xuyên suốt. Chúng ta đã không dừng lại như một kinh nguyện thông thường bằng chữ “Amen”, nhưng hiệp lễ tiếp tục với lời nguyện của linh mục, lời kinh Lạy Cha không phải được thêm vào nhưng đã trở thành một phần của thánh lễ. Trong lời nguyện đó, chúng ta không những thân thưa cùng với Chúa Cha như những người con yêu dấu, nhưng còn hướng lòng trí về danh Chúa và vương quốc của Người. Chúng ta ước mong được lãnh nhận thức ăn bổ dưỡng cho linh hồn là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa Giêsu mỗi ngày. Chúng ta cũng được mời gọi xin ơn tha thứ và biết tha thứ cho những người anh chị em xung quanh mình.

Lời kinh Lạy Cha xem ra không còn xa lạ, nhưng đôi khi lời nguyện đã trở nên tầm thường, do một lẽ nào đó, người tín hữu đã dùng lời kinh như một lời lải nhải thay vì là lời cầu nguyện. Chúng ta đã lặp đi lặp lại không phải để Lời Chúa đi vào tâm hồn, nhưng lại tính cho đủ số. Và đôi khi, chúng ta quá nặng vào việc cầu xin hơn là trò chuyện với Chúa.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa biết rõ những gì chúng ta cần cả trước khi chúng ta cầu xin. Nhưng không phải vì thế mà Chúa Giêsu không cầu xin. Đúng hơn là, Chúa dạy các môn đệ cầu xin điều gì, và trò chuyện với Thiên Chúa như thế nào. Quả là thế, nhiều khi chúng ta xem Chúa là một vị vua, một vị thẩm phán hơn là một người Cha nhân lành. Chúng ta xin cho danh chúng ta hơn là nguyện ước cho Danh Thiên Chúa cả sáng. Chúng ta muốn cai trị người khác hơn là để cho Nước Thiên Chúa hiển trị. Chúng ta chạy theo lương thực đời này hơn là lãnh nhận Mình Thánh Chúa, và chúng ta mong được tha thứ, nhưng chính chúng ta lại không biết thứ tha. Chúng ta chôn vùi đời mình trong những cơn cám dỗ hơn là nhờ ơn Chúa giúp mà lánh xa tội lỗi.

Lời Kinh Thánh cũng là lời kinh nguyện thường ngày đã, đang và sẽ trở thành một phần của cuộc sống người Kitô hữu. Vì lời kinh đó được truyền dạy từ Chúa Giêsu và nhiều điều ẩn chứa trong lời dạy đó. Đó cũng là lời mọi gọi chúng ta đọc Lời Chúa với tâm tình yêu mến, cảm nhận Lời Chúa với tất cả tâm hồn và để Lời Chúa đi vào trong tâm hồn, đồng thời thể hiện ra trong đời sống hằng ngày. Ước mong sao, lời kinh Lạy Cha sẽ luôn là lời nguyện đẹp lòng Thiên Chúa, và chúng ta biết sống theo tinh thần của các ý nguyện trong kinh ấy.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Joston

 

Từng bước vị tha như Ngài (22.06.2023)

Con người luôn luôn có nhu cầu thể hiện bản thân, đây là nhu cầu cao nhất trong tất cả những cần thiết của chúng ta. Mỗi ngày, ai ai trong chúng ta cũng đều có những thứ để thể hiện. Từ kiến thức trong học hành, đến kinh nghiệm trong công việc, và cả ngay trong đời sống đức tin cũng thế.

Đôi lúc, ta đến nhà thờ không chỉ để tham dự thánh lễ, mà còn là khoe khoang quần áo mình mới mua, hay đơn giản là một kiểu tóc mới. Khi cầu nguyện với Chúa, hầu như chúng ta cũng chỉ có cầu xin ơn thiêng. Vì ta nghĩ rằng, mình đã sống thánh thiện, mình đến cầu nguyện với người mỗi ngày, chắc chắn Người sẽ ban. Dường như ta đang ra lệnh hơn là cầu khẩn một ơn lành của Đấng Tối Cao.

Người ta vẫn thường nói: “Lời nói cao quý nhất là lời nói xuất phát từ con tim”, ắt hẳn nó sẽ không bay bướm, không lê thê, không nịnh hót, vì con tim chỉ nói ra những lời chân thành mà thôi. Và Chúa Giê su hướng dẫn chúng ta cầu nguyện như thế. Không vòng vo, không kể lể, không ra lệnh. Mọi thứ chỉ đơn giản là ngợi khen Thiên Chúa và phó thác mọi sự trong tay Ngài, chính Ngài sẽ ban cho chúng ta đầy đủ hằng ngày. Chúa không dạy chúng ta xin dư, vì đừng bao giờ để dư thừa bất kì điều gì, vì khi tôi dư thì ắt hẳn một trong anh chị em tôi đang thiếu.

Và điều quan trọng không kém trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là sự vị tha, sẵn sàng bỏ qua cho anh em:

“Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Thật khó khăn để tha thứ cho kẻ làm lỗi với mình. Nếu chỉ nghe câu nói trên mà có thể thực hành ngay tức khắc thì thật chúng ta đã gần với bậc hiển thánh. Nhưng cũng không phải là bất khả thi. Hãy tập dần dần từng bước. Khi một người làm lỗi với mình, thay vì mình ghét họ thì hãy giận họ thôi, vì giận có thể bỏ qua. Khi gặp người chọc giận, hãy chửi một lần cho nguôi rồi không nói nữa, chứ không phải nói đi nói lại một ngày chục lần. Trong lúc cầu nguyện chúng ta không cần chỉ đích xác ai, nhưng hãy xin Chúa một điều: Xin cho những người con ghét được dễ thương, vì nếu ai cũng dễ thương thì con đâu còn gì để ghét họ nữa.

Hãy nhẹ nhàng, hãy khiêm tốn, và hãy vị tha. Từng bước nhỏ thôi cũng là hành trình ta tiến gần với lòng thương xót và tấm lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa. Sở dĩ ta cũng tội lỗi như bất cứ ai, ta là “đồng bọn phạm tội” với Chúa, vậy cớ sao phải ganh ghét nhau mà không cầu nguyện cho nhau cùng thay đổi.

Ngọn cỏ ven đường.

Lạy Cha chúng con! (16.06.2022)

Đây là lời kinh duy nhất Chúa Giêsu dạy các môn đệ và mọi người khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Điều mà Chúa Giêsu mong muốn vì đẹp lòng Chúa Cha. Hơn nữa là Người muốn các môn đệ và mọi người phải vừa cầu xin và vừa phải  góp phần làm cho những điều cần thiết nhất ấy thành hiện thực.

  • Chúa Giêsu đã chỉ dạy cho mọi người được biết Thiên Chúa là Cha mọi người, mọi người là anh em, nên phải yêu thương nhau: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Đấng đã dựng nên “chúng ta” và yêu thương ta đến muôn đời nữa. Đây là tình yêu đặc biệt vượt lên trên các tôn giáo độc thần, mà chỉ thấy có ở đạo Chúa. Có đứa trẻ nào, có thể hiểu hết được tình yêu thương của người bố đối với nó? Trừ khi chúng thành người cha người mẹ. Cũng vậy tình yêu thương của Thiên Chúa mà ta được làm con, cũng chẳng bao giờ ta hiểu hết được trừ khi ta được về trời hưởng Chúa.
  • Chúng con nguyện cho danh Cha cả sáng nước Cha trị đến:

Cho dù “ Trời đất đầy vinh quang Chúa (Is 6,3), “Không trung loan báo việc tay Người làm” ( Tv 19,2). Nhưng số người trong nhân loại nhận ra điều vinh quang cả sáng Chúa ấy vẫn chưa tất cả, nên ta phải cầu xin và góp phần bằng hành động, vật chất, yêu thương để làm cho họ nhận ra vinh quang Chúa nữa.

  • Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời:

Cầu cho nhân loại nhận ra Chúa nhưng còn biết thực thi lời Chúa dạy, để Lề Luật Chúa được tôn trọng khắp nơi, tình yêu thương của Chúa được lan tràn mặt đất. Để Thiên Đàng Chúa mọi người được nếm ngay từ thế gian này.

  • Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày:

Cho dù đã có lần Chúa dạy ta: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân xác lấy gì mà mặc… Hãy xem chim trời chúng không gieo, không gặt…thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6, 25-26). Nhưng ở đây Chúa vẫn dạy ta phải cầu xin “ Lương thực hàng ngày”, chứ không phải ngày mai, ngày kia hay lâu dài, vì Chúa đã nói “Ngày nào có đủ sự khốn khó cho ngày ấy”. Điều quan trọng để Chúa dạy ta là: ta lệ thuộc vào Chúa tất cả: “Không có Thầy anh em không thể làm gì được”(Ga 15,1-8 ). Ở đây Chúa cũng còn muốn ta xin để linh hồn ta được của ăn là Thánh Thể Chúa hàng ngày.

  • Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con:

Chúng ta đều là những người có tội với Chúa, nên phải nhờ vào tình thương công ơn cứu chuộc của Thiên Chúa. Xin cho ta được Chúa tha tội với điều kiện ta cũng phải biết tha cho anh em.

  • Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi dự dữ:

Là xin cho ta khỏi bị đi theo lời mời gọi của ma quỷ thế gian xác thịt mà phạm tội mất lòng Chúa. Cuối cùng xin cho ta khỏi mọi sự dữ cả về linh hồn và thân xác và nếu có thì xin Chúa thêm sức cho ta chịu đựng được.

Một cán bộ dò hỏi một đoàn viên huynh đoàn: “Cụ già yếu vậy sao còn chăm chỉ cầu xin Chúa nhiều thế?”- Vâng tôi già yếu chẳng cần gì nhiều đến của cải thế gian này. Nhưng còn sống ngày nào tôi phải đi để ca tụng, thờ phựợng, cảm tạ Người, là Cha yêu thương đã tạo dựng cho tôi được làm người làm con Chúa đời này và đời sau. Tôi cũng cầu xin thay cho con cháu tôi và những người còn khô khan biết nhận ra Thiên Chúa mà phụng thờ…

Lạy Chúa ! Xin cho con biết nghe lời Chúa dạy mà chăm chỉ cầu nguyện để đem lại hạnh phúc đời này và đời sau cho con mà thôi- Amen.

Giuse Ngọc Năng                     

Chúa Giê-su dạy môn đệ cầu nguyện (17.06.2021)

Ngày trước bạn có từng nghe bài hát CON QUỲ LẠY CHÚA TRÊN TRỜI sáng tác của cố Nhạc sĩ Phạm Duy, lời bài hát là nỗi niềm trăn trở lo âu của người thanh niên nghèo muốn kết hôn với người mình yêu, anh cầu xin Chúa chúc phúc cho mối lương duyên của mình được hạnh phúc lâu dài. “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con thương. Bây giờ con đã gặp nàng, không giàu, không đẹp, không màng lợi danh. Chúng con hai mái đầu xanh, chắp tay khẩn nguyện trung thành với nhau. Chúa ơi ! Chúa ơi!”.

Theo thánh Mát-thêu Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giê-su dạy các môn đệ: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin”. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, hằng dõi theo đời sống của chúng ta và luôn thấu hiểu nhu cầu của con cái Người, hàng ngày với bao bận bịu lo toan công việc, nhiều khi chúng ta không nhận ra là có bàn tay quan phòng của Chúa giúp chúng ta gặt hái được nhiều thành công như mong ước.

Chúa Giê-su đã hướng dẫn lời nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến… xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Lời nguyện là sự mở lòng chân thành tôn kính của người con, làm tăng thêm thân tình với Thiên Chúa, là Cha trên trời. Chúa Giê-su đã kết nối chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, trở nên con cái và được sự bảo ban che chở của Ngài. Những lời cầu nguyện hàng ngày của những người con đang sống trong hồng ân của Chúa Cha rất nhân từ, thể hiện sự tôn vinh Cha được lan tỏa khắp nơi như lời thánh Tôma Aquinô chia sẻ: “Kinh LẠY CHA là kinh tuyệt hảo… Với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của ta nữa”. Theo kinh nghiệm thánh Augustino thì: “Bất cứ khi nào ta đọc kinh Lạy Cha cách sốt sắng thì các tội nhẹ ta đã phạm đều được tha hết”.

Chúa Giê-su còn nhắc nhở chúng ta: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”. Bài học yêu thương nhau, không thể nói yêu thương mà lại không tha thứ cho nhau. Chúa Giê-su khi bị treo trên thập giá vẫn nguyện xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm” Lc 23,34. Thiên Chúa không ngừng tha thứ mỗi khi chúng ta phạm lỗi với Ngài, vậy chúng ta cũng sẽ học làm như Ngài là tha thứ cho nhau, để tâm hồn chúng ta luôn bình an và hạnh phúc như thánh Vinh Sơn Phao lô đã nói: “Tha thứ một oán thù là tự chữa lành vết thương lòng của mình”.

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa giúp chúng con ý thức rằng: cầu nguyện là tâm tình thưa chuyện với Thiên Chúa một cách tự nhiên, là phương thức nuôi dưỡng đức tin, cầu nguyện liên lỉ sẽ làm tâm trí luôn hướng về Chúa, tâm trạng luôn bình an dù trong cơn thử thách.                                                                                                                                                              

Anna Anh

Anh em hãy cầu nguyện như thế này (20.06.2019)

Ghi nhớ:“ Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho Danh Cha vinh hiển”(Mt 6, 9)

Suy niệm: Con cháu tổ chức  mừng lễ thượng thọ cho ông cố. Năm nay cố Trực tròn tám mươi tuổi, nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh, hồng hào và vui vẻ lắm. Trong giáo xứ này ai nấy đều dành cho ông cố một tấm lòng quí mến và trọng nể.

Sau ngày “giải phóng” được một năm thì  bà cố qua đời  vì bệnh, ở cái tuổi còn trẻ, bồn mươi năm. Ông cố hơn bà hai tuổi! Thế mà ông cố đã hy sinh, ở vậy nuôi dạy tám người con nên người, dựng vợ gả chồng và cho mỗi người mười công đất để làm ăn sinh sống. Riêng cậu con trai thứ ba tên là Phạm văn Hào thì theo tiếng Chúa gọi sống bậc tu trì, và đã trở thành linh mục:

Hồi ấy có lần một người bạn thân hỏi rằng:

– Anh có đi thêm“ bước nữa” không?!

Thì được trả lời:

– Mỗi ngày tôi đi hàng trăm bước ấy chứ!

Có một lần, không biết vì vô tình hay cố ý, vào dịp tết người ta mang tặng cho ông một quyển lịch tờ mà trong đó in toàn là hình những cô người mẫu rất đẹp ăn vận lại “ thiếu vải”. Nhưng ông nói rằng:Chúa Giê-su đến thế trần Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết: Chúng ta có một Người Cha nhân hậu hay xót thương và vô cùng thánh thiện và Ngài đang ngự trên trời cao.Vì vậy.Với tâm lòng con thảo chúng ta phải đáp lại tấm thịnh tình của Chúa Cha bằng cách dùng cả cuộc đời của mình để làm cho Danh Ngài được cả sáng. Nhưng với sự yếu đuối của mình, chúng ta không thể thực hiện được ước mơ trên nên chúng ta cần phải có ơn của Ngài phù trợ. Vì thế, Đức Giê-su đã dạy cho chúng ta kinh “ Lạy Cha” để cầu nguyện:

– Phải nhận rằng các cô rất xinh đẹp, nhưng vì tôi có lý tưởng nên xin các cô thông cảm đi vào bếp cho!

Con cháu rất hãnh diện và cảm phục ông cố. Họ hiểu răng chỉ vì tương lại, chỉ vì hạnh phúc của mình mà ông cố đã cả đời hy sinh, chối từ những thú vui, cam chịu vất vả để họ có được những thành tựu của ngày hôm nay!Để được sống tốt, sống đúng với nhân phẩm của mình, chúng ta cần có lương thực. Không chỉ là lương thực nuôi sống phần xác, mà còn cần cả lương thực phần hồn nữa. Như có lần chính Chúa Giê-su đã nói: “ ”( Ga 4, 34). Chính vì thế chúng ta phải khẩn thiết nài xin Chúa Cha ban cho chúng ta lương thực hàng ngày để chúng ta có sức mạnh mà hoàn thành công việc làm sáng danh Ngài.

Trong cuộc sống hàng ngày cho dù chúng ta rất cố gắng sống tốt. Nhưng vì sự yếu đuối mỏng dòn của thân phận con người, chúng ta khó tránh khỏi  những xúc phạm đến Chúa và  những lỗi phạm đế anh em, Bởi vậy , chúng ta rất cần đến sự tha thứ của Chúa. Nhưng muốn được Chúa thứ tha, thì điều kiện tiên quyết là chúng ta cũng phải bỏ qua mọi lỗi lầm, mọi xúc phạm mà anh em xúc phạm đến mình.

Hiện tại ông cố đang đảm trách hai công việc trong giáo xứ; Thừa tác viên cho rước lễ và chăm sóc bệnh nhân!Và sau hết chúng ta xin Chúa Cha ơn để vượt qua mọi sự dữ. Vâng! chỉ có Chúa Cha là đấng quyền năng trọn hảo mới có thể gìn giữ chúng ta thoát khỏi những sự dữ mà ma quỷ luôn rình rập, giăng mắc quanh chúng ta mà thôi!.

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đát cũng như trên trời…”

Lương thực của tôi là làm theo ý Đấng đã sai tôi

Nguyện kinh Lạy Cha hàng ngày với tâm tình sốt sắng. Và triệt để sống tinh thần làm cả sáng Danh Cha.

Cầu nguyện:

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ Amen.

Sống Lời Chúa:

Đaminh Trần văn Chính

“Lạy Cha…” (21.06.2018)

1. Ghi nhớ:

“Vậy, anh em phải cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin làm cho danh Cha được vinh hiển.” (Mt 6, 8).

2. Suy niệm:

Federic Ozanam bị khủng hoảng niềm tin. Một hôm vào khoảng giữa trưa, khi đi ngang qua thánh đường, anh thấy cửa nhà thờ rộng mở, anh nghĩ trong bụng, giờ này mà có ai đến đây làm gì nhỉ?. Thế rồi vì tò mò anh đi vào trong nhà thờ, anh thấy có một người đàn ông đang sốt sắng cầu nguyện, tiến lại gần hơn anh nhận ra người đang quỳ cầu nguyện là nhà bác học Ampere, người thầy dạy anh.

Sau khi nhà bác học rời khỏi nhà thờ đi về thì Ozanam cũng lặng lẽ theo sau. Về đến nơi làm việc nhà bác học thấy có một thanh niên đang rụt rè đứng trước cửa bèn lên tiếng hỏi:

  • Anh cần gì? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán không?

Ozanam đáp: Thưa thầy, con là một sinh viên khoa văn, con dốt khoa học lắm. Xin cho phép con hỏi thầy một vấn đề liên quan đến đức tin.

Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn.

  • Anh nhầm rồi, đức tin là môn tôi yếu nhất. Nhưng nếu có thể giúp được anh thì tôi sẵn sàng.
  • Thưa thầy có thể vừa làm một nhà bác học vĩ đại, vừa làm một tín hữu cầu nguyện bình thường được không?.

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của anh sinh viên, lòng đầy cảm động ông trả lời:

  • Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi.

Hôm nay Chúa Giê-su dạy chúng bản văn để cầu nguyện. Qua kinh “ Lạy Cha” mà Chúa dạy chúng ta; Đó là lời kinh tuyệt vời mà chúng ta dùng để dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa.

Hằng ngày chúng ta đọc nhiều lần kinh lạy Cha, nhưng có khi vì quá quen thuộc nên chúng ta không miệng đọc trí suy!.

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”

Như vậy chúng ta thấy kinh nguyện được chia làm hai phần.

Phần thứ nhất: Chúng ta dâng lời chúc tụng ngợi khen Cha và ước mong cho danh Cha được hiển vinh, cả sáng; nước Cha mau trị đến và ý muốn của Cha được thực thi dưới đất cũng như trên trời.

Phần thứ hai: Chúng ta xin được có lương thực để dùng cho cuộc sống hàng ngày. Lương thực ở đây không chỉ là thức ăn nuôi phần xác mà cả lương thực nuôi dưỡng phần hồn; Đó là Lời Hằng Sống và Bánh Trường Sinh! Kế đến chúng ta xin Cha tha tội cho chúng ta, đồng thời chúng ta cũng nói lên tấm lòng sẵn sàng tha thứ mọi lầm lỗi cho anh em mình, và sau hết\ chúng ta xin được ơn vượt thắng mọi cơn cám dỗ cũng như xin Ngài bảo vệ, giữ gìn chúng ta thoát khỏi những sự dữ đang vây quanh chúng ta!.

Kinh Lạy Cha mà Đức Giê-su dạy chúng ta hôm nay cũng là một bài tâm niệm mà suốt cuộc đời chúng phải luôn suy ngẫm và mang ra thực hành.

Chúng ta là những người rất diễm phúc và vinh hạnh vì được gọi  Thiên Chúa là Cha. Một người Cha nhân từ rất yêu thương con cái mình. Và vì tấm lòng yêu thương cao cả đó, là người con chí hiếu thì phải có bổn phận làm sáng danh Cha, bởi thế chúng ta  phải dùng hết đời sống của mình mà làm cho triều đại của Cha mau đến, và để được như thế thì chúng ta phải thực thi  thánh ý Ngài.

Chúng ta mỗi người không nhiều thì ít, đều là tội nhân trước mặt Chúa, thế nên chúng ta cần được Chúa thứ tha và điều kiện để được Ngài tha thứ thì chúng ta cũng phải biết thứ tha cho nhau.

3. Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, chính Ngài đã dạy chúng con kinh lạy Cha để dùng mà dâng lời cầu nguyện, xin cho chúng con biết dùng lời kinh đó để trân trọng đọc lên thường xuyên, và đồng thời biết sống đúng tinh thần và nội dung những lời kinh mà Chúa muốn chúng con phải thi hành trong đời sống của mình. Amen.

4. Sống Lời Chúa:

Mỗi lúc nhớ đến Chúa, tôi đọc kinh Lạy Cha trong tâm tình sốt sắng.

Đaminh Trần văn Chính.

Cầu nguyện như thế nào? (22.06.2017)

Đức Giêsu đã từng khuyến cáo các môn đệ đừng cầu nguyện theo cung cách của những người “đạo đức giả”. Họ thích cầu nguyện chỗ đông người để phô trương phong cách đạo đức của mình. Trong lúc ấy, không biết họ có tâm tư gì với Thiên Chúa không? Có những người tay chắp gối quỳ, miệng đọc râm ran nhưng không ý thức mình đang nói với ai, đọc như cháo chảy xong không còn nhớ mình đã nói gì và Chúa muốn gì nữa.

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8).

Ở đây Đức Giêsu muốn nói đến cách cầu nguyện riêng, là đi vào cõi riêng tư với Chúa, trong tình thân mật Cha con. Nếu có tình yêu đậm đà thì dù nói ít nhưng hiểu nhau nhiều, đâu cần lải nhải dài dòng hết kinh này đến kinh kia? Cầu nguyện mật thiết có khi chỉ là diện đối diện, là giờ của con tim, không cần nặn óc bóp trán để trình bày, không nói gì mà mọi nỗi niềm được thông chia hết.

Hôm nay Đức Giêsu dạy một kinh để cầu nguyện thật ngắn gọn mà đầy đủ ý nghĩa, những việc cần làm và cần xin với Cha. Kinh Lạy Cha mở đầu bằng câu “Lạy Cha chúng con”, diễn tả tâm tình của các con với Cha mình thật đậm đà ấm áp: Cha của chúng con, chúng con là con của Cha, tất cả chúng con là anh em con một Cha với nhau. Con yêu Cha thì trước hết phải cầu mong cho danh Cha được cả sáng bằng cả đời sống thực hành của con. Chúng con mong Nước Cha được hiển trị như Thánh Ý của Cha. Con được biết Ý của Cha khi gẫm suy Lời Cha để thực hành và sinh hoa trái tốt đẹp trong đời mình.

Chúa ơi! Chính Chúa là mẫu gương và là Thầy dạy chúng con cầu nguyện. Chúa dành rất nhiều thời giờ tâm tư để cầu nguyện và tìm Thánh Ý Cha. Chúa cầu nguyện bốn mươi ngày trong sa mạc, cầu nguyện trên núi, Chúa cầu nguyện trong vườn dầu cách thâm sâu trong tâm tình ngợi khen, cảm tạ, giãi bày, cầu xin, nhưng cuối cùng là “xin vâng theo ý Cha”. Ước chi con biết sống mối tương quan mật thiết với Chúa trong mọi lúc, mọi nơi, để đời con sinh hoa trái, làm danh Cha sáng lên trong chính cuộc đời của con.

Én Nhỏ

Lời cầu nguyện hữu hiệu nhất (16.06.2016)

1- Ghi nhớ:

“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,  triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.  Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;  xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;  xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. (Mt 6, 9 – 13).

2- Suy niệm:

Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, Chúa đã dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha là lời kinh đẹp nhất vì đó là lời kinh xuất phát từ chính trái tim Chúa Giêsu, một trái tim luôn hướng về Chúa Cha với tiếng gọi thân thương và tha thiết : “Abba ! Cha ơi!”.

Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Ngài tìm đến nơi thanh vắng để cầu nguyện sau mỗi lần đi rao giảng Tin Mừng. Ngài cầu nguyện trước khi tuyển chọn mười hai Tông đồ. Ngài cầu nguyện trước khi chữa các bệnh nhân, trước khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngài cầu nguyện trước khi từ giã các Tông đồ để đi vào cuộc tử nạn. Ngài cầu nguyện với giọt mồ hôi máu đổ ra trong Vườn Cây Dầu. Ngài cầu nguyện ngay cả khi hấp hối với thân xác trần truồng trên thập giá “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Kinh Lạy Cha là bậc thang đưa ta lên tới Thiên Chúa, nhưng cũng còn là nhịp cầu dẫn ta đến với anh chị em. Qua Kinh Lạy Cha, chúng ta gặp gỡ tha nhân với tấm lòng nhân hậu và sự tha thứ. Thiên Chúa không thể tuôn đổ ân huệ vào một tâm hồn đầy ứ hận thù ghen ghét. Người cũng không thể ban ơn cho những đôi tay nắm chặt với những tham lam ích kỷ. Thiên Chúa thích ban ơn cho những tấm lòng quảng đại và đôi tay biết cho đi. Qua Kinh Lạy Cha, chúng ta còn cầu nguyện cho những anh chị em đang sống xa lìa tình thương của Chúa và cầu nguyện cho chính chúng ta nữa.

Tóm lại: Chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha chúng ta, vì Đức Giêsu đã dạy ta như thế. Trong Kinh Lạy Cha, ba lời nguyện đầu hướng về vinh quang của Cha : Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện. Bốn lời xin sau trình lên Người những gì cần thiết cho đời sống của mình: lương thực, ơn tha tội và ơn phù trợ để đạt tới điều thiện, và thắng được sự ác. Chúng ta cầu xin Chúa vì Chúa là Cha toàn năng và hằng yêu thương săn sóc chúng ta. 

3- Cầu nguyện : 

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự thật về Chúa để con có thể an tâm phó thác cuộc đời mình trong vòng tay yêu thương của Chúa. Và xin cho con biết cách cầu nguyện sao cho đẹp lòng Chúa. Nhưng trên hết mọi sự, xin cho con biết làm theo thánh ý Chúa. 

4- Sống Lời Chúa :

Tiên vàn chúng ta hãy lo sao cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được trị đến, ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Khi đã làm như thế, Thiên Chúa chắc chắn sẽ không từ chối chúng ta một điều gì khi chúng ta kêu xin Ngài

 HOÀI THANH

Điều cốt yếu khi cầu nguyện

“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8).

Suy niệm: Hằng năm, đến dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán người ta tuôn đến các đền chùa, hết chùa Hương lại đền Trần, đền bà chúa Kho…, chen lấn nhau khấn vái trong cảnh khói hương nghi ngút, cố nhét cho được tiền vào tay các tượng… và bao cảnh nhếch nhác khác mà báo chí năm nào cũng tường thuật. Chúa Giêsu dạy cầu nguyện nhưng đừng cầu nguyện như thế. Người Kitô hữu tin vào một Thiên Chúa duy nhất, nên không phải chạy ngược xuôi đến với thần này hay thần khác. Tin tưởng và khẩn cầu chỉ một mình Thiên Chúa là nét độc đáo trong lối cầu nguyện Chúa Kitô dạy, vì chỉ một mình Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành có thể đáp lại lời khẩn nguyện của chúng ta mà thôi. Chúa Giêsu dạy khi cầu nguyện “đừng lải nhải”. Không cần làm như thế vì cầu nguyện là thưa chuyện với Thiên Chúa là Cha và là Thiên Chúa, nên Ngài luôn lắng nghe lời cầu khấn của con cái và “biết rõ anh em cần gì.” Điều cần thiết khi cầu nguyện là niềm xác tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn ban cho con cái điều tốt lành. Tin Chúa và chỉ cầu nguyện với Chúa là điều căn bản trong đời sống cầu nguyện Ki-tô hữu.

Mời Bạn: Bạn chỉ cầu nguyện với Chúa mà thôi hay còn chạy ngược chạy xuôi khấn vái thần này, thần khác?

Sống Lời Chúa: Gặp gỡ Chúa nhiều lần trong ngày qua lời cầu nguyện và dâng Chúa những gánh nặng cuộc đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tin tưởng vào một mình Chúa và chỉ chạy đến với Chúa mà thôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *