Chọn theo Chúa để sống bình an (24.10.2024 – Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ep 3,14-21 (năm chẵn), Rm 6,19-23 (năm lẻ), Lc 12,49-53

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 12,49-53)

49 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !

51 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha ; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

 

Chọn theo Chúa để sống bình an (24.10.2024)

“Thầy không đến để ban hoà bình, nhưng là đem sự chia rẽ.”

Tin Mừng hôm nay xem ra có vẻ rất khó hiểu đến độ khó chấp nhận cho những ai mới đọc lần đầu: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta không khỏi lúng túng khi tìm cách hiểu đoạn Tin Mừng này.

Đúng thật là nghe rất khó hiểu, vì từ đêm giáng sinh, thiên thần Chúa đã ca hát: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, bình an ở đây là sự bình an nội tâm và những người thiện tâm thì luôn tìm được bình an nội tâm nơi Chúa. Còn sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giêsu dạy thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ kiểu.

Người môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giêsu đã chịu, vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong các gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ.

Sự giằng co chia rẽ cũng xảy ra trong nội tâm từng người, và cả trong cả tập thể xã hội. Có những người sẽ đứng lên chống báng một sự cứu rỗi mà họ cho là tiêu cực, là hạ đẳng, là “thuốc phiện của quần chúng”. Do đó việc loan báo và sống theo Tin Mừng không cho phép tồn tại một sự yên ổn bình thân.

Hoà bình theo đường lối Chúa Giêsu là sự hiệp nhất có được do mọi người thuận theo thánh ý duy nhất của Chúa. Để có được thứ hoà bình này, con người phải can đảm cùng bước ra khỏi bóng tối sự dữ để đến với anh em, dám dứt khoát nói không với cám dỗ, dám lội ngược dòng với khuynh hướng thấp hèn. Chúa Giêsu đến như ngọn lửa tạo ra vùng trời ánh sáng đó cho ta.

Sự xuất hiện của Chúa Giêsu đã làm lộ ra những vết đen trong đời sống con người bằng ánh sáng Lời Chúa. Ánh sáng ấy làm chói mắt những kẻ quen bóng tối và chỉ muốn an thân, nhưng ánh sáng ấy lại cần thiết để khởi sự việc thăng tiến con người. Nhờ đó, con người thấy chỗ sai của mình, mà có biết sai thì mới biết sửa sai cho đúng.

Ở phần đầu, “ném lửa vào mặt đất và ước mong lửa ấy bùng lên”: theo Thánh Kinh, lửa ở đây có thể hiểu là: sự phán xét, Thần Khí, Đức Tin và Lòng Mến.

  • Sự phán xét:Sự xuất hiện của Chúa Giêsu tự bản chất nói lên một sự phán xét thế giới giữa công và tội, giữa thiện và ác. Điều này cũng nói lên việc thanh luyện những kẻ hiếu trung với Chúa.
  • Thần Khí:Thánh hoá và ban sức mạnh cho môn đệ cũng như mọi tín hữu, để họ mạnh dạn rao giảng Tin Mừng.
  • Đức Tin:Ngọn lửa Đức Tin cần được thắp lên trong mọi người và chiếu sáng trước mặt thiên hạ.
  • Lòng Mến:Ngọn lửa yêu mến, đó là Tình Yêu nơi Thánh Tâm Chúa đã tuôn trào trên chúng ta và từ đó chúng ta cũng biết sống yêu thương bác ái với mọi người

Vậy ta có thể hiểu Chúa Giêsu mong cho ngọn lửa Thần Khí, Đức Tin và lòng yêu mến được lan toả trên trần gian.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, hãy mở rộng tâm hồn và thắp lên ngọn lửa yêu thương, xoá đi những ích kỷ nhỏ nhen, để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự, là con cùng một Cha trên trời.

Lạy Chúa Giêsu, để theo Chúa, chúng con bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Xin giúp chúng con sẵn sàng vượt lên tất cả, để dứt khoát chọn Chúa là gia nghiệp. Amen.

Joston

 

Bùng lên lửa yêu thương (26.10.2023)

“Thầy không đến để ban hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ.”

Tin Mừng hôm nay, mới thoáng nghe qua những gì Chúa Giêsu nói, chúng ta cảm thấy khó chịu và có lẽ nhiều người khác cũng cảm thấy khó hiểu như chúng ta. Tại sao Đấng được gọi là “Hoàng Tử Hòa Bình” mà lại đem đến sự chia rẽ? Thế nhưng thực tế là như vậy. Khi ta lựa chọn sống trung thành với giáo huấn của Tin Mừng sẽ gây khá nhiều mâu thuẫn giữa những người thân thương trong gia đình và cả với những người xung quanh chúng ta nữa. Lý do là vì sự khôn ngoan theo Tin Mừng khác với sự khôn ngoan của thế gian.

Nỗi lòng của Chúa Giêsu dành cho con người thật tha thiết. Ngài muốn con người nhận ra được sự thật về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và mọi người đều là con cái Chúa nên phải yêu thương nhau. Chúa Giêsu đã ném ngọn lửa Tình Yêu Thiên Chúa vào mặt đất, Ngài muốn Lời Yêu Thương – Tin Mừng – được bùng cháy khắp nơi.

Trong Kinh Thánh, lửa mang nghĩa biểu tượng thánh thiêng chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Mô-sê giữa bụi gai rực cháy nhưng không bị thiêu rụi; cột lửa đồng hành cùng dân Do-thái trong sa mạc… Trong Tân Ước, lửa là hình ảnh của Chúa Thánh Thần, là sức mạnh của Thánh Linh, khi các Tông đồ nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã trở nên con người hoàn toàn mới: can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng, hy sinh vì Tin Mừng và vì tình yêu của Chúa Kitô Phục Sinh. Lửa chính là tình yêu nồng cháy của Chúa Giêsu.

Theo các nhà chú giải Kinh thánh, lửa ấy chính là: Chân lý, là Tin Mừng, là Thần Khí và là Tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn cho “lửa” đó được bùng lên, nghĩa là muốn cho mọi người trên khắp thế giới được nhận biết Chân lý và Tình yêu của Thiên Chúa.

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao?… Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Sự chia rẽ là đối lập của sự bình an, nhưng đây là sự chia rẽ vì Chúa, một sự chia rẽ đi vào quy luật của thập giá: Khi mất đi là khi tìm thấy, khi chết đi là khi được sống muôn đời. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” Bởi thế Chúa Giêsu không đến trần gian để gieo sự bất hòa, nhưng là đem đến sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng nghĩa với sự bình an.

Sự bình an mà Chúa Giêsu mang đến là sự bình an phải chiến đấu trong chân lý, phải được xây dựng trong khó nhọc, trước hết ở trong chính bản thân ta rồi lan tỏa cho mọi người xung quanh ta: đó là dám chấp nhận những mệt nhọc, đói khát, thua lỗ, nhường nhịn vì những điều lành, biết tách mình ra khỏi những đố kị và muôn vàn những cái vụn vặt tầm thường của cuộc sống.

Thiên Chúa chiếu soi chúng ta, để chúng ta được bình an. Khi cuộc sống có những lo âu, buồn chán, tuyệt vọng, chúng ta hãy tìm đến với ơn Chúa. Người Kitô hữu đích thực là người sống trong niềm vui, bình an và ơn cứu độ của Chúa. Người Kitô hữu đích thực thắp lên ngọn lửa tình yêu của Thánh Thần trong lòng mình và nơi người khác.

Lạy Chúa, xin hãy khơi lên ngọn lửa yêu thương và đẩy lùi bóng tối chiến tranh, chia rẽ, hận thù ra khỏi lòng trí chúng con. Xin giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón nhận và ban phát yêu thương, xoá đi những nhỏ nhen, ích kỷ… để mọi người nhìn nhau là anh em thực sự và là con cái được Chúa yêu thương. Amen.

Joston

Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất (20.10.2022)

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục huấn dụ các môn đệ và những người theo Chúa.

Điều thứ nhất Chúa khẳng định: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. “Lửa” ở đây các nhà chú giải Thánh Kinh đã hiểu khác nhau. Nhiều vị hiểu là lửa yêu mến, yêu mến Thiên Chúa, yêu mến con người. Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống “Lửa” ấy đã ở trên đầu các tông đồ, và rồi các ông đã được tràn đầy sức mạnh của Thánh Thần. Sức mạnh ấy là cốt lõi của mọi hoạt động của Hội Thánh cho đến ngày tận thế.

Nhưng nhiều tác giả còn hiểu “Lửa” là những hy sinh đau khổ ở trần gian này. Chúa Giêsu tuyên bố thiên chức của Người đến thế gian này để sống cuộc đời đau khổ. Những ai muốn cộng tác với Người trong việc cứu thế, cũng phải chung chia số phận. Chúa gọi những đau khổ Người sẽ dùng để luyện lọc con cái Israel, dân riêng của Chúa là “Lửa”. Điều đó đã được ghi trong Cựu ước: “Ta sẽ trở tay chống lại ngươi, gỉ sét của ngươi Ta sẽ tẩy sạch, như người ta lấy muối luyện kim. Mọi cặn bã của ngươi, Ta sẽ loại bỏ” (Is 1,25). Tiếp nữa: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm đi vào Thánh Điện của Người. Kìa vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến- Đức Chúa các đạo binh phán. Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng như bạc”(Ml ,1-4).

Đọc những lời trên đây đã viết trước về Chúa Cứu Thế mấy trăm năm, có lẽ chẳng còn mấy ai là không hiểu: Lửa yêu mến, Lửa Thánh Thần, Lửa có sức mạnh tiêu diệt tội lỗi và làm cho con người nên công chính. Vì thế Chúa công bố, Người khát khao, mong mỏi được chịu một đau khổ tột cùng có sức cứu chuộc nhân loại là cái chết của Người trên thập giá mà Người gọi là phép rửa: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”.

Cuối cùng Chúa huấn dụ điều thứ hai mà ban đầu ai nghe cũng thấy bất bình khó hiểu: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Không phải thế đâu, nhưng là sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba…”. Nhưng rồi suy gẫm sẽ thấy mọi điều vẫn xảy ra như vậy. –Bởi vì khi tạo dựng, Thiên Chúa đã ban cho con người ý chí và tự do, một khả năng vượt trên mọi tạo vật khác và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của họ.

– Bởi vì Thiên Chúa là Đấng tối cao, Người đòi con người cũng phải dành cho Người điều tốt lành tối cao. Muốn làm môn đệ Chúa nhiều khi Chúa muốn ta phải hy sinh cả những mối tình cao quý như tình cha mẹ, anh em, bè bạn…Như bà Thánh Đê tử đạo đã bỏ chồng, bỏ con bước đi con đường khổ nạn theo Chúa.

– Bởi vì lòng mỗi người thì nhiều loại như nhiều loại đất trồng, cùng hạt giống gieo xuống nhưng thu hoạch thì khác nhau (Mc 4,1-20). vì vậy sinh ra chia rẽ. Chia rẽ , chống đối nhau có lẽ Chúa không nói về nghĩa hẹp, mà nói nghĩa rộng. Chúa muốn nói chia rẽ chống đối nhau  về mục đích, lý tưởng sống.

Lạy Chúa! Con xin ta ơn Ngài vì đã cho con được phúc học biết Lời Chúa. Xin cho con dù khi được ơn phúc của Thánh Thần, hay khi gặp được những gian khổ hy sinh mà Chúa để cho xảy đến, con vẫn vững vàng tin yêu là Chúa đã dùng nó để tôi luyện thử thách rồi ban thưởng cho con- Amen.

Giuse Ngọc Năng.

Lòng thương xót của Đấng Thiên Sai (21.10.2021)

Xin mời hát thánh ca “Đấng Thiên Sai” sáng tác của linh mục Rôcô Nguyễn Duy:

Giê-su Ki-tô là Đấng Thiên Sai, Giê-su Ki-tô là Vua nhân ái. Giê-su Ki-tô quyền uy mãi mãi, Giê-su ra tay kẻ điếc nghe được.

Giê-su Ki-tô là Chúa nhân từ, con xin tuyên xưng tình yêu của Chúa. Trong khi gian nguy lòng con vẫn nhớ, Giê-su ra tay kẻ câm nói được.”

Không thể nhớ hết, có bao nhiêu bài thánh ca ngợi khen tình yêu thương con người của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Ba Ngôi dành mọi khôn ngoan để kiến tạo thế giới tươi đẹp trao ban cho con người làm chủ. Nhiều thế kỷ trôi qua, con người dần quên đi Đấng đã tạo dựng nên mình, tội lỗi bắt đầu xuất hiện và lan rộng ra vì lòng tham lam, vì sự ích kỷ, tự đại, tự cao …. Thiên Chúa vẫn tha thứ và còn sai Con yêu dấu xuống trần gian để chuộc mọi lỗi lầm mà con người đã xúc phạm đến Ngài.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là Lời Chúa nói với các môn đệ: “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”. Tâm tình của Thiên Chúa Tình yêu thể hiện rất rõ việc Ngài sẽ làm để cứu chuộc nhân loại, đưa con người trở về với Thiên Chúa. Sự hy sinh của Chúa Giê-su trong mắt con người thời ấy là sự thua cuộc của một vị ngôn sứ như bao ngôn sứ khác từ thời Cựu Ước, nhưng giá trị hy sinh của Con Thiên Chúa lại mở đầu cho việc mở rộng Nước Chúa lan tỏa khắp vũ trụ. Các môn đệ noi theo gương của Thầy đi loan báo Tin Mừng và sẵn sàng bước trên con đường mà Thầy Giê-su trải qua. Theo thánh Phaxico Salê: “Đức Giê-su hiền lành, Đấng cứu chuộc chúng ta bằng máu của mình, đã vô cùng ước ao chúng ta yêu mến Người, để chúng ta được cứu chuộc vĩnh viễn, và ước ao chúng ta được cứu, hầu yêu Người muôn đời.”

Khi tin theo Chúa, người môn đệ quyết định lựa chọn cho mình cách sống, suy nghĩ và hành động như Chúa Giê-su và theo ý muốn của Người. Thánh Anselmô chia sẻ: “Ý muốn của Chúa là nguồn mọi sự lành; còn ý muốn của loài người là nguồn mọi sự dữ.”  Vậy khi Chúa Giê-su nói với mỗi người chúng ta là môn đệ của Người: “Thầy đã đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên.” Chúa muốn nói với chúng ta về điều gì? Lửa Thánh Thần và yêu mến đã được Chúa Giê-su đem đến cho người KiTô hữu. Chúng ta sẽ làm gì để giữ gìn ngọn lửa ấy và làm cho ngọn lửa đó luôn bừng sáng lên theo thời gian, hãy bằng những việc làm bác ái, đem tình yêu thương đến với tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa mong muốn chúng con trở thành chứng nhân cho ánh sáng đức tin và tình yêu. Xin giúp chúng con biết thực hiện những điều tốt đẹp cho anh chị em như lời thánh Anphongsô chia sẻ: “Việc con tốt bao nhiêu là do ở ý chí con muốn làm sáng danh Chúa. ”  

Anna Anh

Hiệp nhất trong đức tin (22.10.2020)

Ngày 22.10: Thánh Gio-an Phao-lô II, giáo hoàng

“Anh em tưởng Thầy đến đem hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải đâu nhưng mà mang sự chia rẽ”.

Lời Chúa hôm nay gợi cho chúng ta nhớ lại lời tiên tri của ông Simêon khi nói về trẻ Giêsu cho Đức Mẹ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítrael phải vấp ngã hay được trỗi dậy”. Đúng như thế! Đức Giêsu là lý tưởng của con người, nhưng còn là cớ vấp phạm cho đại đa số người.

Cũng là một con người Giêsu miền Nadarét, một Đấng Kitô được xức dầu, nhưng nhiều người đã nhận định về Đức Giêsu Kitô có sự khác biệt nhau, từ đó đã nảy sinh thái độ bất hòa, chia rẽ, thù hận, kết án lẫn nhau.

Chúa Giêsu rất hiểu về những nhận định của con người dành cho Ngài, có lần Chúa Giêsu lên tiến hỏi các môn đệ: “Người ta bảo con người là ai?”; và câu trả lời của các môn đệ nói rõ những nhận định rất khác biệt về một Đức Giêsu Kitô miền Nadarét: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. 

Là những người đã được đón nhận hồng ân đức tin, điều quan trọng không phải là chúng ta truy tìm lý thuyết nguồn gốc về Thầy Giêsu hay chạy theo một tư tưởng nào đó, cho dẫu nó hấp dẫn cách mấy. Đối với chúng ta sự hiệp nhất trong đức tin vào Đức Giêsu Kitô, nghĩa là phải sống rập theo khuôn mẫu như thầy của mình bằng suy nghĩ, lời nói và việc làm cách chân thật.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con luôn biết chọn Đức Giêsu Kitô là niềm vui và lẽ sống của chúng con. Amen.

Bước theo Lời Chúa mời gọi (24.10.2019)

Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta một trong những gia thoại mang ý nghĩa nhất trong cuộc đời của thánh Phanxicô Assisi. Sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, cũng như người mẹ đạo đức, Phanxicô tỏ ra quảng đại bố thí cho người nghèo. Phanxicô nghĩ rằng lòng quảng đại của người giàu có cứu vớt người nghèo, không có người giàu thì người nghèo sẽ chết.

Thế nhưng một hôm, sau cơn bệnh thập tử nhất sinh, Phanxicô bỗng khám phá ra chính người nghèo mới cứu vớt người giàu, chính người nghèo mới dạy người giàu bài học của chia sẻ, của quảng đại, kiên nhẫn, phó thác. Sự khám phá này đã khiến Phanxicô có một quyết định mới mẻ và tận căn, đó là sống như một người nghèo.

Quyết định đó đã bị mọi người xem là một hành động điên cuồng. Để tránh tai tiếng vì có một người con trai ngông cuồng và nhất là để có người tiếp tục sự nghiệp, cha của Phanxicô đã phải nhờ đến sự can thiệp của tòa án. Nhưng trước mặt mọi người, Phanxicô đã dõng dạc tuyên bố, từ nay mình không còn là con của ông Benađô nữa, mà là con của Thiên Chúa.

Có thể nói, thái độ của thánh Phanxicô thể hiện sát đúng như lời của Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ… Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

Lời tuyên bố ấy của Chúa Giêsu sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta tự hỏi: “Tại sao Thiên Chúa của bình an lại đem đến sự chia rẽ ?”

Chúng ta phải khẳng định rằng: Chúa Giêsu đem sự thật và tình yêu của Ngài đến thế gian để thánh hóa mọi sự và đem lại bình an cho con người. Nhưng bình an của Thiên Chúa khác với bình an của con người đòi hỏi và hiểu biết và cách để có bình an của Thiên Chúa cũng khác với cách của con người. Có thể nói bình an của trái đất là bình an tạm thời và không vững bền, và nó sẽ đến thời kết thúc.

Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy Ngài ban bình an cho con người không theo kiểu của thế gian: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27). Bình an của Thiên Chúa chỉ thực sự có được khi mọi người nhận ra sự thật trong Mầu Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.

Vì sự thật của Thiên Chúa khác với sự thật của con người nên những lời dạy của Chúa Giêsu sẽ tạo nên sự chia rẽ: có những người tin vào Lời Chúa giảng dạy như các Tông Đồ và môn đệ; có những người sẽ phản đối và không tin như một số Kinh sư, Biệt phái, và Luật sĩ. Hậu quả là những kẻ không tin vào Chúa Giêsu trở nên đối nghịch và tìm cách để tiêu diệt Chúa Giêsu và các Tông Đồ.

Cũng vậy, khi Lời Chúa được gieo trong cùng một gia đình: sẽ có những người trong gia đình tin; sẽ có những người không tin. Hậu quả là gia đình sẽ chia rẽ. Nhưng nếu mọi người trong gia đình đều nhận ra sự thật và tin vào Lời Chúa, lúc ấy, gia đình mới thực sự có bình an, và không một quyền lực nào có thể phá tan sự bình an đích thực này.

Lạy Chúa, xin cho lòng trí chúng con biết hướng về Thánh ý Chúa, tin tưởng vào những lời Ngài dạy, để nhờ đó, chúng con có thể đón nhận được bình an của Ngài. Amen.

Bình Minh

Luôn giữ lửa sốt mến trong tâm hồn (25.10.2018)

Ghi nhớ:

Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy những ước mong biết bao cho lửa ấy cháy bùng lên”. (Lc 12, 49).

Suy niệm:

Gia Cát Lượng bị bệnh nặng, thấy sự sống mình sắp tàn bèn nói với Khương Duy:

  • Mạng ta chỉ còn trong sớm tối!
  • Sao thừa tướng nói điều gở thế?
  • Ta xem thiên văn và biết mệnh ta nguy rồi!

Khương Duy khuyên rằng:

  • Tuy là vậy, nhưng tể tướng thử dùng phép cầu thọ xem sao?
  • Ta vốn biết phép “nhương tinh”, nhưng chưa hiểu lòng Trời ra sao. Vậy ông hãy dẫn bốn mươi chín giáp sỹ cầm cờ đen, mặc áo thâm đứng vòng quanh bên ngoài; ta ở trong trướng cầu sao bắc đẩu. Nếu như sau bảy ngày đêm mà ngọn “đèn chủ” không tắt, thì ta có thể sống thêm một thời gian nữa! Nhưng nếu nó tắt thì ta không thọ được đâu! Vì thế những người không có phận sự thì không được vào.

Khương Duy vâng lệnh, sắm sửa bài trí đâu đấy… Ông ở ngoài trông coi mọi việc. Khổng Minh ở trong trướng đặt hương hoa lễ vật, bày ra bảy cây đèn lớn và bốn mươi chín cây đèn nhỏ bao quanh, chính giữa thì đặt ngọn đèn bản mệnh. Ông vái lậy làm lễ rồi khấn rằng:

  • “Lượng sinh vào thời loạn, cam chịu chết nơi suối rừng. Nhưng cảm ơn Chiêu Liệt Hoàng đế ba lần cầu đến, lại phó thác con côi cho rất nặng, nên phải đem hết sức khuyển mã ra đánh quốc tặc. Không ngờ tướng tinh sắp rụng, số thọ hầu tàn. Vậy xin viết tờ lụa trắng, kêu lên Trời cao, cúi mong Thượng Đế rủ lòng thương, ban thêm cho ít tuổi nữa, để trên báo ơn vua, dưới cứu mạng người dân, lấy lại cơ đồ cũ, giữ cho khói hương nhà Hán lâu dài. Không dám vị kỷ xin càn, thực tâm bởi đạo làm tôi ân tình tha thiết…”

Sáu ngày êm đềm trôi qua, nhưng vào đêm  thứ bảy. Hạ Hầu Bá vâng lệnh Tư Mã Ý mang quân đi đánh Khổng Minh. Thấy có quân địch đến khiêu chiến . Ngụy Diên sồng sộc chạy bổ vào trướng cấp báo:

  • Quân Ngụy đã tới  đánh chúng ta.

Do Diên chạy mạnh quá, gió lùa vào làm ngọn lửa của cây đèn chủ vụt tắt!

Thấy thế Không Minh than  rằng:

  • Thôi! Sống chết số trời đã định. Không thể cầu được rồi.

Và đúng như vậy, chỉ một thờ gian không lâu sau đó, Khổng Minh đã qua đời! Hưởng dương năm mươi bốn tuổi. (181-234).

Trong đời sống thễ xác của con người. Ngọn lửa đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài nấu chín đồ ăn thức uống làm cho thực phẩm vừa ngon lại vừa được tuyệt trùng. Ngọn lửa còn giúp cho chúng ta có ánh sáng để bước đi trong đêm tối mà không sợ hiểm nguy, và khi thời tiết giá lạnh con người lại phải dùng đến lửa đẻ mà sưởi ấm! Như vậy chúng ta sẽ không thể sống một khi thiếu ngọn lửa!

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su khẳng định Ngài đã mang lửa xuống thế gian và mong muốn cho ngọn lửa ấy cháy bùng lên. Bài đọc 1 trong đêm Giáng Sinh, sách Tiên tri Isaia quả quyết: “ Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết” (Is 9,2). Như vậy Đấng Cứu Thế đến trần gian như một ngọn đuốc soi sáng thế gian u mê. Chúa Giê-su đến để giải thoát con người ra khỏi vòng tăm tối tội lỗi, đem đến cho nhân loại chân lý và sự thật.

Chân lý ấy là vũ trụ cùng nhân loại này được tạo dựng lên do bởi Thiên Chúa. Còn sự thật đó là Đấng Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ và muốn cho loài người được ơn cứu rỗi. Ai đón nhận chân lý và sự thật ấy thì chính là đón nhận ngọn lửa mà Ngài mang đến. Ngọn lửa đó biểu hiện cho niềm tin, lòng tôn kính Thiên Chúa  và tình yêu thương tha nhân,

Trong nghi thức thanh tẩy, người tân tòng được trao cho ngọn lửa  và qua việc nhận lãnh một ngọn nến cháy sáng với lời nhắn nhủ của vị chủ tế: “ Anh, chị đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, anh, chị  luôn sống như con cái sự sáng, để được bền vững trong đức tin. Khi Chúa Kitô đến anh, chị xứng đáng ra nghênh đón Người với toàn thể các thánh trên trời”.

Ngọn lửa mà Chúa Giê-su mang đến cho chúng ta cũng chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Trước khi về trời Ngài đã chẳng thổi hơi ban Thần Khí cho các Tông đồ để các ông thay Ngài mà đi rao giảng Tin Mừng đó sao? (Ga 20,21-23) Và vào ngày lễ Ngũ Tuần các môn đệ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra và đậu xuống trên từng người và ai nấy đều tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. (Cv 2,1).

Chúa xuống thế gian để mang ngọn lửa  và Ngài muốn ngọn lửa ấy không những phải được mãi sáng trong chúng ta mà còn phải được bừng lên lan tràn đến mọi người chung quang nữa, vì vậy chúng ta sẽ không ngừng sống đời sống chứng nhân bằng cách sống yêu thương tha nhân và luôn tôn thờ Thiên Chúa.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã xuống trần gian để gieo vào vào tâm hồn u mê tối tăm của chúng con một ngọn lửa rực sáng. Xin cho chúng con luôn biết gìn giữ cho ngọn lửa mãi cháy sáng trong tâm hồn mình, để chúng con có thể chia sẻ ngọn ấy cho mọi người chung quang và cùng nhau tiến bước về nước Chúa. Amen.

Sống lời Chúa:

Luôn sống trung thực.

Đaminh Trần văn Chính.

Thầy đem lửa đến thế gian (26.10.2017)

Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12, 49).

Ngày xưa lúc Thầy xuống thế, các Thiên Thần hát rằng: “Vinh danh thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho người thiện tâm”. Thầy được mệnh danh Hoàng Tử Hòa Bình. Vậy mà hôm nay Thầy bảo các môn đệ: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.” (Lc 12, 51-53).

Đường lối của Thiên Chúa thì khác xa tư tưởng của loài người. Đòi hỏi của Thiên Chúa thì không như sở thích của con người. Người ta mong ấm no hạnh phúc, hưởng thụ dễ dãi, Thầy bảo phải chui vào con đường hẹp khó đi. Bình thường người ta yêu kẻ yêu và sống tốt với kẻ yêu mình thôi, đằng này Thầy dạy phải yêu cả kẻ ghét mình. Hoặc “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 37). Phải yêu Thầy hơn cha mẹ, anh em, cứ nhìn người đi tu thì rõ. Thế là người tin, kẻ không tin, người chấp nhận, kẻ chống đối, người theo kẻ chạy, bất đồng chia rẽ đối nghịch nhau thì khác gì có chiến tranh với chuyện kẻ thù, dù là sống trong một mái nhà với nhau.

Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 49-50).

Qua cách nói của Đức Giêsu, lửa mà Ngài ném vào mặt đất là lửa Tình Yêu, lửa này có sức thanh luyện mọi sự. Vì Người muốn cho con người nên thánh thiện và hạnh phúc. Người đã thanh luyện chúng ta bằng cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Người. Từ đó mở ra cho nhân loại một kỷ nguyên mới, là kỷ nguyên của hạnh phúc.

Sống dưới ánh mắt của Chúa mà thực hành chỉ thị huấn lệnh sẽ được trả cho cân xứng những việc mình làm. Sống đẹp theo huấn lệnh thì đẹp lòng Thiên Chúa, tâm tư luôn hạnh phúc bình an dù sống giữa “chiến tranh” đối nghịch của thế trần. Nếu sống ngược với chỉ thị của Thầy thì cuộc sống dù xem như hạnh phúc mà chẳng có bình an thực sự trong tâm hồn.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con quá bội, yêu đến hy sinh cả mạng sống mình. Xin cho loài người chúng con biết đáp lại tình Chúa bằng một lòng tin sắt son và một lòng mến nồng nàn. Chúa ơi! ngày nay được sống trong sự Hiện Diện của Chúa, chúng con luôn an bình thư thái trong ánh mắt yêu thương âu yếm dõi nhìn của Chúa. Chúng con vui, buồn, sướng khổ hay phải gắng sức lội ngược dòng có Chúa cùng phấn đấu, hay có sao nhãng lang thang thì Chúa vẫn nhìn và không ngừng yêu thương chăm sóc từng giây. Xin đừng để chúng con dại dột xa rời Vòng Tay yêu thương ấy. Dẫu đời hiện tại chúng con có nhỏ bé âm thầm thì nó vẫn có giá trị, ý nghĩa lớn lao trong Con Tim Yêu của Ngài. Amen.

 Én Nhỏ

Chúa đến đem lửa xuống thế gian (20.10.2016)

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời của Đức Giêsu dạy các môn đệ về sứ vụ của Người và những đòi hỏi đối với những ai muốn trở nên môn đệ của Người. Sứ vụ của Đức Giêsu là đem Lửa xuống trần gian và ước mong cho ngọn Lửa đó bùng cháy lên trong lòng mọi người. Sứ vụ của Đức Giêsu còn phải chịu một Phép Rửa, đó là chấp nhận trải qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh để ban ơn cứu độ cho lòai người. Đức Giêsu cũng đòi hỏi người môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Người phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong các gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ

Nguyện ước sâu xa của Đức Giêsu là nhằm đạt được cuộc gặp gỡ cao độ, “nóng cháy” với loài người. Trái tim của Người luôn khao khát hoàn tất hành trình mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Đức Giêsu không hề có ý phá hỏng các mối dây liên kết trong gia đình, trái lại Người vẫn khẳng định rằng hiếu thảo với cha mẹ là một điều răn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong cuộc sống làm môn đệ của Người, chúng ta phải chấp nhận hy sinh tất cả mọi sự muốn ngăn cản chúng ta bước đi theo Người.

Chúa đến đem Lửa xuống thế gian

Tình Ngài cao cả thật vô vàn

Hy sinh chuộc tội cho nhân thế

Hồng phúc an lành tỏa chứa chan

*

Lửa sáng xua tan màn đêm tối

Đem nguồn chân lý tới muôn nơi

Sáng soi chỉ lối muôn người

Yêu thương hiệp nhất cho đời bình an

*

Chúa đến đem Lửa xuống thế gian

Làm cho Lửa ấy tỏa lan tràn

Mong sao khắp cả thiên hạ thấy

Đón nhận Tin Mừng sống hân hoan

*

Đoàn con hiệp sức lan Lửa sáng

Đẩy lùi “bóng tối” choán không gian

Hận thù, chia rẽ, tham lam

Được mau chấm dứt, mưu toan không còn

*

Cuộc sống tốt đẹp nhiều hơn

Nghĩa tình thắm đượm trường tồn mãi luôn

Hồng ân của Chúa tràn tuôn

Nhân loại chung hưởng, tạo nguồn an vui

*

Chúa đến: hạnh phúc cho đời

Lửa tình bừng sáng rạng ngời dương gian

Đan tay hiệp nhất kết đoàn

Trung thành theo Chúa vô vàn phúc vinh

Lạy Chúa, xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con, để chúng con luôn chiếu tỏa ánh sáng của Chúa trước mặt người đời, qua thái độ và hành động đầy tình người của chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được sự hiện diện của Chúa. Xin cho chúng con luôn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của Chúa, không những bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động chứng tá, bằng trái tim đầy tình yêu thương của Chúa. Amen.

 HOÀI THANH

Cùng ném lửa với Chúa Giêsu

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đã đến ném lửa vào trái đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy sẽ phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất.” (Lc 12,49-50)

Suy niệm: Trong Cựu ước, Đức Chúa đã hiện ra với ông Môsê trong một bụi gai bốc cháy; trong Tân ước, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới dạng lưởi lửa. Đức Giêsu đến ném lửa vào trái đất là Ngài ném Thiên Chúa, ném Thánh Thần vào thế giới để Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần ấy sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện nhân loại. LỬA sưởi ấm nhân loại khỏi thái độ lạnh lùng giữa người với người, sự dửng dưng giữa người với Thiên Chúa. LỬA soi sáng cho nhân loại biết con đường dẫn đưa đến hạnh phúc thật sự. LỬA thanh luyện con người khỏi tính ích kỷ, khỏi các tính hư tật xấu, khỏi những gì bất xứng với con cái Thiên Chúa.

Mời Bạn: Cộng tác với Thiên Chúa, với Thánh Thần để cùng ném Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần vào thế giới của bạn. Thế giới của bạn chính là gia đình, học đường, xí nghiệp, chợ búa… Bạn là trợ lý tích cực của Chúa Giêsu khi dám để Lửa Thiên Chúa biến đổi bạn và hơn nữa để chính bạn cũng biến thành lửa và tiếp tục sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện những người mà bạn tiếp xúc.

Sống Lời Chúa: Tối nay trước khi đi ngủ, bạn dành vài phút cầu nguyện và xét mình: Tôi thường lạnh lùng, dửng dưng trước người anh em, chị em nào? Tôi cư xử với người khác dựa trên động lực nào? Tôi sẽ để Lửa Thiên Chúa sửa đổi tôi thế nào?

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin thắp sáng lên trong con ngọn lửa tình yêu Chúa, để con cùng với đem lửa tình yêu đó cháy bùng lên ở giữa thế gian.

Hy sinh, hãm mình (22-10-2015)

Ghi nhớ: “ Thầy đã đến đem lửa vào thế gian, và Thầy những ước mong chi lửa ấy bùng lên”. (Lc 12, 49)

Suy Niệm: Bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điểm làm cho chúng ta khó hiểu. Nhưng khi đọc và nghiền ngẫm thì rõ ràng Chúa Giêsu loan báo về những thương khó Người sẽ phải chịu để cứu chuộc thế gian và mời gọi những ai muốn theo Ngài cũng phải tham dự vào sự thương khó đó. Chúa đã dùng cuộc thương khó: tử nạn và phục sinh để cứu chuộc chúng ta và Ngài ao ước chúng ta đón nhận để sửa đổi con người cũ thành người mới bỏ nếp sống trần tục để làm con cái Chúa. Chúng ta muốn làm môn đệ Chúa cũng phải chiến đấu chống lại khuynh hướng tội lỗi, sự quyến rũ bất chính …. . Do đó, chúng ta hãy hướng về thánh giá Chúa để tỏ lòng khâm phục và cảm tạ tình thương hy sinh của Chúa, nhờ đó chúng ta sẵn sàng hy sinh mọi sự để thể hiện lòng trung thành với Chúa.

Sống Lời Chúa: Hy sinh, hãm mình để khắc phục tính hư, nết xấu làm mất lòng Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho lửa tình yêu mà Chúa gieo vãi vào tâm hồn con mỗi ngày một bùng cháy lên lan rộng đến mỗi người con gặp gỡ. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *