Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Is 58,1-9a, Mt 9,14-15
Bài đọc 1: Is 58,1-9a
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau :
“Cứ lấy hết gân cổ mà kêu lên, đừng kìm hãm,
kêu lớn tiếng lên như tù và,
báo cho dân Ta hay tội ác của chúng,
cho nhà Gia-cóp biết những lỗi lầm đã phạm.
Ngày lại ngày chúng kiếm tìm Ta,
chúng ao ước biết đường lối của Ta,
như thể một dân tộc vẫn thực hành sự công chính
và không bỏ luật pháp của Thiên Chúa mình.
Chúng xin Ta ban những điều luật công minh,
chúng ước ao được đến gần Thiên Chúa.
Chúng nói : ‘Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy,
chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay ?’
Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi,
vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.
Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã,
để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.
Chính ngày các ngươi muốn ăn chay
để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm,
thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.
Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng
trong ngày con người phải thực hành khổ chế ?
Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau,
nằm trên vải thô và tro bụi,
phải chăng như thế mà gọi là ăn chay
trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa ?
Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao :
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,
trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm ?
Chẳng phải là chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ?
Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương ngươi sẽ mau lành.
Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước,
vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.
Bấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại : ‘Có Ta đây !’”
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 9,14-15)
14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 15 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.”
Cách ăn chay (16.02.2024)
Cậu bé Teddy cùng gia đình đi hành hương Đức Mẹ Fatima, khi trở về bị lạc cha mẹ. Cậu được cảnh sát đưa về nhà ông cảnh sát trưởng, cậu được chăm sóc chu đáo, được cùng các con ông ăn uống vui chơi, trong khi chờ đợi ngày bố đến đón.
Ngày nào cậu Teddy cũng hỏi ông chủ: ba cháu đã đến chưa? Nét mặt cậu u buồn, ánh mắt cậu khắc khoải, dù có bao lời khuyên nhủ, dù có bao nhiêu sự ưu ái, dù có bao nhiêu bạn bè và những đồ chơi thoả thích. Nhưng cậu vẫn buồn.
Một hôm, ông chủ báo đã tìm được cha cậu, và ít giờ nữa thôi thì cha cậu sẽ đến đón cậu. Cậu vui tươi nhảy nhót, từng giây phút cậu ngóng ra cổng, nỗi trông chờ khắc khoải. Rồi cậu nhìn thấy bóng dáng cha đang đến ngoài cổng, cậu bất chấp mọi thứ, chạy thật nhanh ra cổng và ôm choàng lấy cha. Cậu vô cùng sung sướng.
Vâng, khi có ba bên cạnh Teddy mới cảm thấy an toàn hạnh phúc.
Cũng vậy, hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh rất đời thường đó là tiệc cưới và chú rể để nói về Nước Trời và bản thân Người. Trong tiệc cưới, chú rể và cô dâu luôn là vai chính, mọi niềm vui, vinh dự và những lời chúc tụng đều hướng về chú rể và cô dâu. Tiệc cưới mà Chúa nói đến là Tiệc trên Nước Trời, chàng rể chính là Chúa Giêsu, các Tông đồ còn đang ở bên Chúa Giêsu thì không cần phải ăn chay riêng, vì các ông đang tận hưởng niềm vui bên Chúa. Các Tông đồ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Đến một ngày chàng rể là Chúa Giêsu sẽ chịu chết và về trời, thì lúc đó các Tông đồ sẽ phải ăn chay.
Trước sự chất vấn của các môn đệ Gioan, Đức Giêsu mở ra một cái nhìn mới về việc ăn chay: Ngài đặt việc ăn chay trong mối tương quan với sự hiện diện của Ngài. Ngày nào “chàng rể” Giêsu đang ở giữa tiệc cưới, đồng hành với các môn đệ là bạn hữu chàng rể, thì họ sống trong niềm vui, không thể ăn chay được. Chỉ khi chàng rể bị đem đi, nghĩa là trong cuộc Khổ Nạïn, họ mới ăn chay trong sự thiếu vắng, khắc khoải và mong ước được gặp lại Thầy mình.
Ngày nay, với nền văn minh vật chất này, việc cung cấp của cải vật chất không chỉ để phục vụ con người thực hiện những hoạt động sáng tạo và hữu ích, mà còn hơn thế nữa …để làm thỏa mãn giác quan, thỏa mãn sự kích động từ giác quan, thỏa mãn thú vui tạm thời, thỏa mãn nhiều loại cảm giác tuyệt vời hơn …
Vì thế, con người hiện đại cần phải ăn chay, nghĩa là, không chỉ kiêng cữ đồ ăn, thức uống mà thôi, mà còn bao gồm nhiều những thứ khác như mức tiêu thụ, sự kích động, sự thỏa mãn của các giác quan. Chay tịnh là kiêng cữ, là từ bỏ cái gì đó. Như vậy, chay tịnh là để hãm dẹp xác thịt, để kiềm chế dục vọng và để loại trừ tính hư tật xấu. Nghĩa là từ bỏ cái tôi của mình và để cho Thiên Chúa ngự trị.
Lạy Chúa. Chúa muốn chúng con mỗi ngày phải trở nên hoàn thiện hơn để xứng đáng làm con cái Chúa. Xin cho chúng con mỗi ngày biết tiết chế con người của mình, không để cho người đời hay tính xác thịt và quỷ ma điều khiển chi phối sự suy nghĩ cũng như hành động của chúng con. Xin cho chúng con biết ăn uống chừng mực. biết nói năng đúng mực, chuẩn xác, cùng biết yêu thương chia sẻ với những anh em gặp khó khăn.
Lạy Chúa! Xin cho chúng con đừng chỉ ăn chay vì luật, vì hình thức bên ngoài, nhưng xin giúp chúng con ăn chay bằng cách từ bỏ các tính hư tật xấu trong lòng, để tâm hồn và cuộc sống của chúng con luôn được trong sáng, sống thân mật với Chúa và với mọi người. Amen.
TÊRÊSA TRỊNH THỊ HẢO
Sống Mùa Chay (24.02.2023)
Chị bạn hàng xóm kể chuyện cách đây 20 năm khi vợ chồng chị và con nhỏ về Giáo xứ Bắc Hà, dãy nhà của gia đình chị thuộc Giáo khu Thánh Tâm, chung quanh là các gia đình Công giáo, vào ngày Chay là mọi người nhắc nhau trong ngày không được ăn vặt, chỉ ăn no 1 bữa và bữa còn lại ăn ít hơn. Thời ấy các bà còn giữ luật kiêng thịt ngày thứ sáu, nên khi chị ra chợ ghé vào hàng thịt, có bà nhắc: “ thứ sáu kiêng thịt, cháu quên sao?”. Điều đó cho thấy ông bà ta ngày xưa đã thực hiện rất nghiêm túc về luật của Giáo hội. Thánh Gioan Thánh Giá từng chia sẻ: “Con nên nhìn nhận mọi người chung quanh như thừa tác viên của Chúa, vì họ được Chúa dùng như phương thế thánh hóa chúng ta”
Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Mathêô, các môn đệ Gioan đến gặp Chúa: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ Ngài lại không?” Mt 9,14. Vì họ giữ chay theo Luật Môsê cách nghiêm ngặt, nên luôn thắc mắc khi nhận thấy môn đệ Thầy Giêsu không giữ luật. Có phải họ đang đề cao chính họ giữ Luật truyền thống hơn là môn đệ Chúa hay họ đang chê trách chính Chúa đã không giữ Luật? Qua câu trả lời của Chúa: “Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ?” Mt 9,15. Chúa muốn nói lên điều gì trong ẩn dụ này? Người đã đến và ở giữa họ và Ngài đã thấy cách họ giữ chay chỉ là hình thức theo Luật. Đối với Chúa Giêsu, ăn chay là việc làm tự nhiên, với ước muốn trở thành con người tốt hơn.
Hàng năm vào Mùa Chay, Ban Phục Vụ Huynh đoàn tôi kêu gọi các anh chị tiết kiệm dành một khoản tiền giúp cho những người dân tộc nghèo ở vùng xa Kontum và các mái ấm trẻ em mồ côi, khuyết tật. Đó cũng là một trong ba việc làm trong Mùa Chay: cầu nguyện – ăn chay – bác ái, giáo dân được nhắc nhở sống tâm tình thống hối, làm một việc thiết thực như chia sẻ vật chất và tinh thần, hướng lòng về anh chị em đang trong cảnh túng nghèo, cô đơn. Qua những hy sinh nho nhỏ, giúp mọi người có ý thức biết sống cho người khác, quảng đại hơn, biết sống tiết độ và làm chủ những nhu cầu. Mặt khác, thánh Augustino cho biết việc hãm mình trong mùa Chay còn giúp mỗi người điều chỉnh tính cách của bản thân: “Nào có ích gì khi ta kiêng rượu mà lại bị đầu độc bởi nóng nảy giận hờn! Nào có hay gì khi ta kiêng thịt mà lại như con thú hoang làm hại danh giá tiếng tốt của người lân cận”. Thánh nữ Gioana Chantal cũng chia sẻ về đức tính: “Tôi đã thử mọi cách giáo dục; sau cùng, tôi chỉ thấy cách ở hiền hòa, nhịn nhục là thần diệu hơn cả”. Trong thực tế, việc giữ chay dù đã được nhắc nhở, nhưng đôi khi do sự thờ ơ, chểnh mảng để hoạt động bên ngoài lôi kéo khiến chúng ta vẫn lỗi phạm, như bạn tôi, ngay ngày chay, nhưng anh lại quên và vui vẻ dùng điểm tâm với nhóm bạn ngoài quán, đang khi ăn, chợt nhớ ra là ngày ăn chay kiêng thịt.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức rằng việc ăn chay chỉ có giá trị khi thực hiện với lòng tin và yêu mến. Xin đừng để chúng con chỉ giữ đạo theo thói quen và hình thức, nhưng xin giúp chúng con biết thể hiện đức tin bằng việc làm cụ thể.
Anna Anh
Thái độ dứt khoát (04.03.2022)
Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.
Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.
Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.
Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Sao lại than khóc? (19.02.2021)
Hội Thánh hoàn cầu vừa bước vào mùa chay thánh. Hôm nay Tin Mừng lại cho ta câu chuyện xích mích, soi mói giữa những người Pharisêu và các môn đệ Chúa Giêsu về vấn đề ăn chay. Họ hỏi mà trách Chúa Giêsu: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”. Thực ra luật Chúa thời đó chỉ buộc giữ chay ngày lễ sám hối, nhưng rồi do tục lệ, những nhà lãnh đạo Do Thái đã giữ thêm các ngày và những nghi thức khác nữa. Chúa Giêsu đã nhìn thấu tâm hồn của họ, Người cực lực phản bác lối giữ luật bề ngoài, hình thức mà thiếu cốt lõi nơi tâm hồn của họ.
Qua Tin Mừng hôm nay, xin được nhắc lại những điều do bất mãn với những người Pharisêu về việc giữ luật mà Chúa đã dạy các môn đệ: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em… chớ có phô trương… Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích cầu nguyện… ngoài các ngã ba ngã tư cho người ta thấy… Khi ăn chay anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay… Còn anh khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,1-6).
Bởi những thành kiến trên, nên hôm nay khi bị người Pharisêu trách móc các môn đệ Chúa “không ăn chay”, dù ăn chay là một việc tốt, nhưng Chúa đã đương nhiên công nhận và trả lời như bênh vực các ông: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay”. Chúa đã công bố một điều trọng đại nhất mà họ không biết:“Chàng rể”là chính Chúa Giêsu KiTô, đã đến trần gian, đang ở bên họ mà yêu thương họ, mà cứu chuộc họ. Đáng lẽ họ phải vui mừng khôn tả mà tạ ơn Thiên Chúa. Đáng lẽ họ phải ghi lòng tạc dạ từng lời nói việc làm của Người đã dạy, như cô Maria em Mácta (Lc 10,38-40) mà đem lại cho họ hạnh phúc muôn đời. Đằng này họ cứ mãi u mê mà soi mói, chê bai mọi người, lại dại dột mà chê bai cả Đấng “Làm ra cái bên ngoài, lại đã không làm ra cái bên trong sao?” (Lc 11,40). Họ dám chê bai cả Đấng đã làm nên đôi mắt, lẽ nào lại không nhìn thấy.
Một cha giáo đã khẳng định trong khóa học sư phạm giáo lý: “Từ mở đầu cho đến kết thúc bộ Kinh Thánh đều là những tiệc cưới vui mừng hoan hỷ”. Thật vậy, mở đầu là tiệc cưới hai cụ nguyên tổ trong sách Khởi Nguyên rồi cho đến kết thúc là sách Khải Huyền toàn nói về tiệc cưới Con Chiên – Con Thiên Chúa, Chàng Rể yêu thương Hội Thánh và đã chết vì Hội Thánh.
Lạy Chúa! Giờ đây “Chàng Rể” là Chúa Cứu Thế của chúng con đã “bị đem đi rồi”, xin cho con ngày càng thấm nhuần sâu sắc lời Chúa dạy hơn, mà sống Lời Chúa trong suốt đời con, nhất là sống tinh thần của mùa chay thánh này. Để con đừng phải sa vào vũng bùn lầy của người Pharisêu xưa, mà được kết hợp làm một cùng Chúa đời này và đời sau. Amen.
Giuse Ngọc Năng
“Em à, chay nhé!” (28.02.2020)
Ghi nhớ:
“Nhưng khi chú rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15)
Suy niệm:
Trên mạng facebook có người chia sẻ những dòng như sau: “ Đôi bạn kia yêu nhau. Vào Mùa chay, anh nhắn tin cho cô bạn gái: “ Em à, chay nhé”. Và việc họ cùng nhau thực hiện trong mùa chay đó là ; bớt nhắn tin hàng ngày để mỗi người có thời gian và tâm trí dành cho Chúa, sống với Chúa nhiều hơn.
Hai vợ chồng nọ, đến mùa chay vợ nói với chồng: “ Anh à, chay nhé”. Mùa chay với họ là bớt chuyện “ cái chăn với cái gối” để vợ chồng cùng nhau hy sinh hãm mình, dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện, sống mật thiết với Chúa hơn.
Mùa chay đến, người mẹ nói với cả nhà: “Chay nhé”.Mùa chay với gia đình này đơn giản là mỗi người trong nhà sẽ tiết kiệm tiền chợ để chia sẻ cho những người túng thiếu.
Bắt đầu Mùa Chay hai người bạn nói với nhau:
– “ Chay nhé”. Mùa chay với họ cũng chỉ đơn giản là bớt đi cà phê, bớt đi nhậu nhoẹt để dành dụm tiền mà chia sẻ với những người bất hạnh.
Mùa chay đến, hai bà hàng xóm nói với nhau.
– “Chay nhé”.Mùa chay đối với họ là một sự cố gắng không tám chuyện thiên hạ, để dành thời gian tâm tình với Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu kể lại rằng: Bấy giờ, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “ Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà các môn đệ ông lại không ăn chay?”Đức Giê-su trả lời: “ Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng tới ngày chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay” Như vậy, trong thời gian đó Đức Giê-su là Đấng từ trời xuống thế đem đến cho nhân loài Tin Mừng ơn giải thoát, sự hiện diện của Người là niềm vui mừng, niềm hân hoan cho mọi người, và thời điểm đó ví như một tiệc cưới đang được diễn ra, vì thế thời gian này mà ăn chay, đau buồn là một điều không thích hợp. Nhưng khi “chàng rể bị bắt đem đi”. Nghĩa là lúc Đức Giê-su bị quân dữ bắt đem đi, và bước vào cuộc thương khó, chịu nạn để cứu chuộc nhân loại thì là lúc đó việc ăn chay mới thích hợp.
Như vậy, Chúa Giê-su muốn kêu gọi chúng ta hãy cùng kết hiệp với Người trong cuộc thương khó bằng việc ăn chay, hãm mình và sám hối.
Hằng năm, vào Mùa Chay, Giáo Hội muốn các tín hữu chuẩn bị tâm hồn của mình để cùng bước theo Chúa Giê-su vào Đại lễ Tam Nhật Vượt. Tinh thần sống mùa chay này được Giáo Hội khuyên nhủ các tín nên thực hiện là làm những việc lành cụ thể như; siêng năng cầu nguyện, sám hối, ăn chay, hãm mình và làm việc bác ái…
Bao lâu chúng ta còn sống trên trần gian này thì bấy lâu chúng ta phải chiến đấu với ba kẻ thù; Đó là thế gian, xác thịt và ma quỷ, nhưng nếu muốn chiến thắng được thì chúng ta phải có một cuộc sống gắn bó mật thiết với Chúa bằng cách siêng năng cầu nguyện, ăn chay hãm mình và là việc tông đồ bác ái. Chỉ như thế chúng ta mới tiếp nhận được sức mạnh từ nơi Chúa để vượt thắng mà thôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa. Chúa muốn chúng con mỗi ngày phải trở nên hoàn thiện hơn để xứng đáng làm con cái Chúa. Xin cho chúng con mỗi ngày biết tiết chế con người của mình, không để cho người đời hay tính xác thịt và quỷ ma điều khiển chi phối sự suy nghĩ cũng như hành động của chúng con. Xin cho chúng con biết ăn uống chừng mực. biết nói năng đúng mực, chuẩn xác, cùng biết yêu thương chia sẻ với những anh em gặp khó khăn. Có như vậy chúng con mới xứng đáng với danh hiệu là người Ky- tô hữu. Amen.
Sống Lời Chúa:
Lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành.
Đaminh Trần Văn Chính.
Niềm vui khi có Chúa ở bên cạnh chúng ta (08.03.2019)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ của ông Gioan hỏi Chúa Giêsu: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?“, Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ họ mới giữ chay“. Qua câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng: Ngài muốn nói đến một cách thức mới về việc ăn chay. Các môn đệ sẽ không phải ăn chay khi họ đang ở bên Chúa. Họ chỉ ăn chay khi Ngài ra đi chịu khổ nạn và chịu chết. Việc chay tịnh khi đó mới thực có ý nghĩa, để chờ đón Ngài, để được gặp lại Ngài.
Biệt phái, luật sĩ nói rằng
Môn đồ của họ luôn hằng giữ chay
Còn những đệ tử của Thầy
Vui vẻ ăn uống thế này được không?
*
Chúa liền giải thích thực lòng
Bạn hữu dự tiệc thì không nên buồn
Tâm tư tình cảm vui luôn
Tân lang còn đó là nguồn hân hoan
Ðức Giêsu đã lấy hình ảnh tân lang để diễn tả việc Người hiện diện nơi trần gian. Bao lâu Chúa còn trên trần gian, bấy lâu Người là chàng rể trong tiệc cưới. Các môn đệ ở bên Chúa chính là khách dự tiệc cưới bên chú rể và vì thế họ không thể đau buồn, than khóc được. Chúa đã giải thích cho các môn đệ của ông Gioan như vậy. Nhưng Chúa cũng quả quyết rằng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chàng rể bị đem đi ám chỉ cuộc Thương Khó của Chúa và như vậy ăn chay là kết hợp với sự chết và sự Phục Sinh của Chúa. Chỉ bằng cách ấy chay tịnh mới chế ngự được nết xấu, mới nâng cao được tâm hồn.
Cuộc sống thì phải kết liên
Hài hòa thân thiện nối liền yêu thương
Nghĩa tình chan chứa vấn vương
Giúp nhau thăng tiến trên đường hoan ca
*
Đời sống của mỗi chúng ta
Thường xuyên đổi mới chính là canh tân
Thích nghi phù hợp góp phần
Để cho tâm trí, tinh thần vươn cao
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy biết tìm đến với Chúa là niềm vui đích thực của cuộc đời. Tất cả những gì xuất phát từ nơi Chúa đều là hạnh phúc. Đồng thời giúp chúng ta từ bỏ những thứ hạnh phúc giả tạo, những niềm vui chóng qua ở đời này. Mùa Chay mời gọi chúng ta trở về với Chúa trong chay tịnh và sám hối. Xin Chúa hãy tha thứ vì những lần chúng ta lạc xa tình Chúa, những lần chúng ta gây nên những bất công cho anh em hoặc đã gây tổn thương đến tha nhân. Từ đó, chúng ta biết trở về với Chúa và làm hoà với nhau trong tình yêu thương chân thành và thân thương thắm thiết.
Lạy Chúa! Xin cho chúng con đừng chỉ ăn chay vì luật, vì hình thức bên ngoài, nhưng xin giúp chúng con ăn chay bằng cách từ bỏ các tính hư tật xấu trong lòng, để tâm hồn và cuộc sống của chúng con luôn được trong sáng, sống thân mật với Chúa và với mọi người. Amen.
HOÀI THANH
Chàng rể trong Nước Trời (03.03.2017)
Cậu bé Teddy cùng gia đình đi hành hương Đức Mẹ Fatima, khi trở về bị lạc cha mẹ. Cậu được cảnh sát đưa về nhà ông cảnh sát trưởng, cậu được chăm sóc chu đáo, được cùng các con ông ăn uống vui chơi, trong khi chờ đợi ngày bố đến đón.
Ngày nào cậu Teddy cũng hỏi ông chủ: ba cháu đã đến chưa? Nét mặt cậu u buồn, ánh mắt cậu khắc khoải, dù có bao lời khuyên nhủ, dù có bao nhiêu sự ưu ái, dù có bao nhiêu bạn bè và những đồ chơi thoả thích. Nhưng cậu vẫn buồn.
Một hôm, ông chủ báo đã tìm được cha cậu, và ít giờ nữa thôi thì cha cậu sẽ đến đón cậu. Cậu vui tươi nhảy nhót, từng giây phút cậu ngóng ra cổng, nỗi trông chờ khắc khoải. Rồi cậu nhìn thấy bóng dáng cha đang đến ngoài cổng, cậu bất chấp mọi thứ, chạy thật nhanh ra cổng và ôm choàng lấy cha. Cậu vô cùng sung sướng.
Ăn chay: Là việc làm bác ái và chay tịnh để bản thân trở nên tinh tuyền, trong sạch, thánh thiện, khôn ngoan và khiêm nhường.
Mục đích của việc ăn chay là làm cho bản thân kiên định trung thành với lý tưởng theo Chúa, sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau vác thánh giá của mình và dẹp bỏ tính kiêu căng của bản thân.
Ăn chay là một việc tốt lành như đã nói trên. Nhưng hôm nay các môn đệ của ông Gioan lại tranh luận với Chúa Giêsu về việc ăn chay. Tại sao như vậy? Chúng ta tìm hiểu sơ qua việc ăn chay thời bấy giờ để có thể hiểu ý Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Theo sách Lv 16, 19-31 thì luật cũ chỉ buộc ăn chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội. Đến thời Chúa Giêsu, ngoài việc giữ chay mỗi năm một lần, thì những người đạo đức hay nhóm Pharisêu họ còn giữ chay riêng một tuần hai lần.
Như vậy, các môn đệ của ông Gioan tranh luận về việc giữ chay riêng chứ không phải chay theo luật buộc. Chúa Giêsu cũng công nhận việc ăn chay là một việc làm tốt đẹp. Trước khi đi rao giảng Chúa Giêsu cũng đã ăn chay suốt 40 đêm ngày và chịu cám dỗ của ma quỷ.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu muốn nói đến mục đích của người Do Thái xưa ăn chay là để chờ đón Đấng Mêsia. Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu. Việc họ ăn chay là tốt, nhưng Chúa muốn họ nhận ra còn một điều tốt hơn: Đó là nhận biết Chúa Giêsu Nazazet, chính là Đấng Mêsia đang đến trong trần gian.
Hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh rất đời thường đó là tiệc cưới và chú rể để nói về Nước Trời và bản thân Người. Trong tiệc cưới, chú rể và cô dâu luôn là vai chính, mọi niềm vui, vinh dự và những lời chúc tụng đều hướng về chú rể và cô dâu. Tiệc cưới mà Chúa nói đến là Tiệc trên Nước Trời, chàng rể chính là Chúa Giêsu, các Tông đồ còn đang ở bên Chúa Giêsu thì không cần phải ăn chay riêng, các ông đang tận hưởng niềm vui bên Chúa. Các Tông đồ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêsia. Đến một ngày chàng rể là Chúa Giêsu sẽ chịu chết và về trời, thì lúc đó các Tông đồ sẽ phải ăn chay. Chúa cũng muốn nói về cái chết của Người đến bất thình lình.
Khi Chúa Giêsu về trời, các Tông đồ còn lại nơi trần thế, lúc này các ông cần phải ăn chay để tâm hồn luôn hướng về Chúa trên trời, phải luôn cố gắng thanh tẩy và canh tân chính bản thân để trở nên xứng đáng hơn. “Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay”. Trên con đường lữ thứ trần gian tiến về tiệc cưới trên trời còn rất xa, rất nhiều trông gai thử thách, rất nhiều cám dỗ đam mê, nên chúng ta cần phải ăn chay nhiều hơn nữa để ơn Chúa luôn ở cùng chúng ta. Chính Chúa Giêsu cũng nhờ vào việc ăn chay 40 ngày đêm để vượt thắng 3 cơn cám dỗ. Như vậy, không phải chúng ta ăn chay theo luật buộc mà thôi, mà còn phải ăn chay từng ngày trong cuộc đời. Cho đến một ngày chúng ta cùng chết với Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con và ở lại với chúng con mọi ngày, để chúng con nhận biết Chúa chính là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng chúng con tôn thờ. Xin cho chúng con luôn luôn có tâm hồn chay tịnh và lòng bác ái, để chúng con sống xứng đáng là con cái của Chúa, sau này được dự tiệc cưới với Người trên Thiên Quốc.
Mùa chay mùa sám hối
Mau mau trở về thôi
Bằng chay tịnh bác ái
Đẹp lòng Chúa trên trời.
Gã Đầu Bạc
Luật yêu thương (12.02.2016)
Các môn đệ của Gio-an, những người giữ luật, họ sợ mình đang làm sai? Hoặc giả họ băn khoăn, vì ghen tỵ: mình thì “bị” luật giữ còn môn đệ Giê-su thì không? Đức Giê-su có đang gây “gương mù gương xấu” khi thả lỏng cho các môn đệ trong chuyện tịnh chay? Hay đời sống chan hòa giữa Đức Giê-su và các môn đệ có lôi cuốn họ đến để tìm hiểu về mối tương quan thầy trò này? Để trả lời một vấn nạn, Đức Giê-su lại đưa ra một vấn nạn khác, qua Chúa minh định rằng: Ngài chính là vị Tân Lang, và các môn đệ là khách mời dự tiệc cưới: “Chẳng lẽ khách dự tiệc – là các môn đệ – lại than khóc khi chàng rể – là chính Ngài – còn đang ở với họ” sao?
“Rượu mới phải đổ vào bầu da mới” (Mt 9,17). Chúa là Rượu Mới của Giao Ước mới. Ngài mời gọi chúng ta hãy “thức thời”, mặc lấy tinh thần mới để thực thi luật mới của Ngài là luật yêu thương.
Những việc làm nào của tôi còn theo thói nệ luật, chưa được thúc đẩy bởi lòng thương xót như Chúa dạy? Ví dụ : Trong mùa Chay Thánh, các ngày thứ sáu tưởng nhớ Chúa chịu chết, tôi có vì lòng sám hối ăn năn tội lỗi của mình, rồi thành tâm yêu mến Chúa mà giữ chay kiêng thịt và làm việc bác ái một cách chân tình, hay là tôi chỉ giữ vì luật lệ, vì thói quen hình thức bên ngoài, nhưng trong tâm hồn lại rỗng tuếch thì chẳng ích lợi gì, chẳng còn ý nghĩa nội tâm chút nào. Mỗi ngày, tôi cố gắng sống chậm lại, nhìn sâu hơn những dấu chỉ của Chúa để nhận ra tiếng nói và sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống đời tôi.
Lạy Chúa, có những lề luật chúng con phải tuân giữ, có những lúc chúng con phải sống yu thương theo Lời Chúa mà bỏ qua luật khơ cứng. Xin cho chúng con biết sng suốt để nhận ra đâu là những gì chúng con cần làm hầu mang lại vinh quang Thiên Cha trọn hảo. Amen.
BCT
Ăn chay đúng nghĩa
“Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9,15).
Suy niệm: Người Do Thái có ba lý do ăn chay: bắt buộc (vào ngày lễ đền tội);
tự nguyện (vào dịp lễ chung, như để cầu mưa); riêng tư (vì lòng đạo đức, như nhóm Pharisêu hai lần/tuần).
Trước sự chất vấn của các môn đệ Gioan, Đức Giêsu mở ra một cái nhìn mới về việc ăn chay: Ngài đặt việc ăn chay trong mối tương quan với sự hiện diện của Ngài. Ngày nào “chàng rể” Giêsu đang ở giữa tiệc cưới, đồng hành với các môn đệ là bạn hữu chàng rể, thì họ sống trong niềm vui, không thể ăn chay được. Chỉ khi chàng rể bị đem đi, nghĩa là trong cuộc Khổ Nạïn, họ mới ăn chay trong sự thiếu vắng, khắc khoải và mong ước được gặp lại Thầy mình.
Mời Bạn: Tiệc cưới mà Đức Giêsu nói với chúng ta chính là Nước Trời đã khai mở qua con người của Ngài. Là công dân của tiệc cưới Nước Trời ấy, bạn vui mừng vì có Chúa Giêsu là nguồn vui, bước đi với Ngài là bước đi trong vui mừng hy vọng. Có Chúa Giêsu đồng hành, bạn không thể nào là một Kitô hữu ủ dột, buồn tẻ. Dù cuộc sống hằng ngày có lúc mây mù hay gian nan vất vả, nhưng không gì có thể lấy đi niềm vui sâu xa ấy nơi bạn.
Chia sẻ: Tôi sẽ từ bỏ gì để bày tỏ tâm tình thờ phượng và chia sẻ trong Mùa Chay này?
Sống Lời Chúa: Mùa Chay năm nay, tôi sẽ ăn chay qua hình thức chia sẻ vật chất, thời gian, sự quan tâm với những người đang cần sự chia sẻ này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn hiện diện trong cuộc sống con, mà nhiều khi con không nhận ra. Xin cho con khám phá ra vẻ đẹp của tình yêu Chúa qua mối tương quan và sẻ chia với Chúa và mọi người. Amen.