Chúa Phục sinh đang ở giữa chúng ta (14.04.2023 – Thứ Sáu tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 4,1-12, Ga 21,1-14

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 21,1-14).

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa không.” 6 Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Chúa Phục sinh đang ở giữa chúng ta (14.04.2023)

Bạn có cảm nhận Chúa luôn ở bên chúng ta không? Có lần xe máy tôi trục trặc không nổ máy, lúc ấy đã hơn 23g khuya, tôi còn trên đường Lê Văn Sỹ quận 3, dắt bộ đến đường Kỳ Đồng, hàng quán hai bên đường đóng cửa, xe cộ thưa dần, chỉ còn ánh đèn đường. Vừa đẩy xe tôi vừa cầu cứu Chúa giúp con cách nào để về nhà. Điện thoại thì hết pin không gọi được, cả người bắt đầu mệt mỏi và lo sợ, khi đi tới nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thì bất ngờ phía sau có ba xe gắn máy của ba đôi nam nữ chạy đến, các em vừa xem xong chương trình ca nhạc và trên đường về. Thấy tôi dẫn bộ xe, có đôi bạn dừng lại hỏi thăm, thật là hy hữu, tuyến đường các em về là quận 11, sẽ thuận đường đi qua khu vực nhà tôi, thế là các em đẩy xe tôi về, mừng quá đến nhà rồi, cám ơn các em thật nhiều, và tôi thầm tạ ơn Chúa, cảm tạ Mẹ, Người đã nghe lời khẩn nài của tôi.

Sứ điệp Tin Mừng theo Gioan (Ga 21,1-14), “Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông Tôma, Nathanael, các con ông Giêbêđê và hai môn đệ nữa đang ở với nhau nói rằng: “ Chúng tôi cùng đi với ông”. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào.” Có thể nhận ra tinh thần của các tông đồ đã mất phương hướng khi không còn Chúa bên cạnh? Các ông đã nản lòng và muốn quay trở lại tiếp tục nghề nghiệp ngày trước để sinh sống? Điều gì đã xảy ra ?  Với kinh nghiệm dày dạn trong nghề ngư phủ, thế mà cả đêm các ông vẫn không bắt được mẻ cá nào. Chúng ta có cảm nhận rằng nếu chỉ dựa vào sức lực con người mà thiếu ân ban của Chúa, chúng ta sẽ chẳng làm được điều gì.

Các môn đệ đã có thời gian sống với Chúa, được nghe Ngài giảng dạy rất nhiều nhưng bản chất của loài người vốn mỏng dòn dễ sa ngã, ngại khó khăn hay chùn bước trước gian nan vẫn tồn tại trong mỗi người. Chúa Giêsu rất hiểu sự yếu đuối đó, nên vẫn luôn ở bên các ông để kịp thời nâng đỡ, bảo ban. “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được” người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: “ Chính Chúa đó”. Chúng ta có cảm nghiệm Chúa đang dõi theo và phù giúp khi chúng ta đặt niềm tin cậy phó thác vào Ngài.

Mừng Chúa Phục sinh, thánh lễ vọng Phục sinh thứ bảy lúc 17g00 tại giáo xứ tôi giáo dân đến đầy cả nhà thờ, trong tâm tình sốt sắng mọi người cùng chuyền nhau thắp sáng ngọn lửa phục sinh. Chúa Phục sinh là một biến cố quan trọng làm dấy lên tâm hồn mỗi người niềm vui và hy vọng, tình yêu thương của Chúa giúp chúng ta nhận ra phải thay đổi lối sống của mỗi người, sống chan hòa yêu thương như tấm lòng rộng mở của Chúa.

Lạy Chúa Phục sinh, dù ngày nay chúng con không thấy Chúa, nhưng qua Kinh Thánh, các Bí Tích chúng con đã lãnh nhận, chúng con vẫn đặt niềm tin tưởng vào Ngài. Chúng con cảm tạ ân huệ Chúa đã ban cho thế gian, một tình yêu từ mầu nhiệm thập giá, Con Chúa xuống thế gánh vác bao tội lỗi của con người. Chúng con rất tội lỗi nhưng vẫn được Chúa Phục sinh tha thứ, thương ban cho nhiều cơ hội để được làm con cái của Người. Xin giúp chúng con biết tỏ lòng tri ân Chúa bằng những việc làm tốt lành, bằng đời sống thánh thiện, làm sáng danh Chúa mọi nơi.

Anna Anh

Chúa Phục Sinh mở lối lên Nước Trời (22.04.2022)

Trong suốt tuần bát nhật Phục sinh, mừng ngày Con Thiên Chúa chiến thắng khải hoàn, rất nhiều bài thánh ca mừng Chúa Sống lại, ca ngợi tình yêu bao la của Thiên Chúa, lan tỏa khắp trong cộng đoàn dân Chúa. Chúng ta cùng hát bài NÀO HÃY MỪNG VUI của linh mục Phêrô Nguyễn Kim Long: “Nào ta hãy mừng vui, Chúa chiến thắng tử thần rồi, nguồn sống mới chiếu sáng tuyệt vời, Alleluia. Nào ta hãy mừng vui, Chúa đã sống lại rạng ngời, và Máu thánh xóa hết tội đời, Alleluia..” 

Trong bài Tin Mừng hôm nay thánh Gioan viết về việc Chúa Giêsu chăm sóc các môn đệ, Chúa Phục sinh không ở xa các môn đệ, khi các ông ở ngoài biển đánh cá, Chúa trên bờ biển gần đó, Người hỏi thăm kết quả công việc, và Người đã chỉ dẫn cho các ông bắt được cá. “ hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được.” Ga 21,6. Người chuẩn bị lửa và nước, bánh với cá.” Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh”  Ga 21,9. Người tự mình trao bánh và cá cho mỗi người như lúc Chúa Kitô đang sống để yêu thương và phục vụ. Thật ấm lòng khi biết Chúa vẫn đồng hành với các ông trong công việc chỉ có điều là chưa ai nhận ra Người, cho đến khi Chúa làm một dấu lạ quen thuộc là giúp các ông lưới được nhiều cá. Thánh Anphongsô cho biết; “ Bạn cần nhận thức rằng Chúa luôn ở trong bạn. Nhưng việc Chúa ở trong bạn khác hẳn với việc Chúa ở trong các loài thọ tạo khác. Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn ta như Ngài đang cư ngụ trong đền thờ Ngài và như đang ở ngay trong nhà Ngài.”

Chúa thể hiện tình yêu thương qua việc cùng đồng bàn với các môn đệ. Điều chúng ta nhận biết một tình yêu thương chân thành là sự quan tâm đến nhau. Nhìn lại cuộc sống của các thành viên trong gia đình Kitô hữu, đã là điểm tựa cho nhau chưa? Mối tương quan giữa cha mẹ con cái có sự thấu hiểu, cảm thông và hy sinh cho nhau khi có chuyện không may xảy đến trong gia đình? Ngược lại, con cái sẽ có trách nhiệm gì khi cha mẹ đến tuổi già? Và trong Huynh đoàn sự liên đới bền chặt khi Ban Phục Vụ đến các đoàn viên biết lắng nghe nhau, và đồng cảm với những khó khăn, cảm nhận nỗi đau buồn mà người anh em đang gặp phải, để kịp thời nâng đỡ, ủi an nhau, như chính là Chúa Phục sinh đã từng làm cho các môn đệ.

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Cô-rin-tô thánh Phao-lô nói: “ Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng 1Cr 15,14. Chúa Kitô phục sinh đem đến niềm vui tột bực và làm niềm tin tưởng của các tông đồ thêm bền vững, sự phấn khởi trong tâm hồn làm tinh thần các ông mạnh mẽ hơn. Niềm vui của sự chiến thắng cái chết mang đến cho con người niềm hy vọng đời sau sẽ được hưởng vinh phúc muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, tội lỗi nhân loại được tha, chúng con được làm con cái của Chúa Cha , xin giúp chúng con biết lan tỏa niềm vui Chúa Phục sinh và biết quan tâm chăm sóc mọi người chung quanh, để họ cảm nhận được như chính Chúa đã yêu thương họ, thánh Ausgutino từng chia sẻ: ”Kẻ không có Thiên Chúa thì chẳng có gì cả; kẻ có Thiên Chúa thì có mọi sự.”

 Anna Anh

Lưới đầy những cá (09.04.2021)

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay người ta còn gọi là “mẻ cá lạ”, kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ ở bờ biển hồ Tibêria sau khi Người từ cõi chết sống lại.

Sau những ngày buồn thương ly biệt người Thầy, hôm nay các môn đệ phải trở về với công việc mưu sinh của mình. Chắc chắn các ông chưa  thất vọng về Thầy mình, nhóm các ông chưa bị tan rã, mà các môn đệ có tiếng, có tên tuổi hôm nay vẫn yêu thương gắn bó bên nhau trong việc mưu sinh ấy. Có điều Tin Mừng cho ta thêm cái không khí nặng nề, chán chường của các môn đệ sau một đêm vất vả thả lưới “nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả”. Thật đáng thương, nỗi buồn lại tiếp nỗi buồn. May thay Chúa Giêsu, là Chúa, là Thầy yêu thương vừa bị người ta giết vẫn sống và bám sát các ông. Chúa đã đến với các ông “đứng trên bãi biển”. Thật là đúng lúc, Người thấu suốt những lo lắng chán chường nơi các ông mà hỏi: “Này các chú, không có gì ăn ư ?”. Rồi Người hướng dẫn cho các ông thả lưới để được một mẻ cá lạ lùng “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá”.

Niềm vui tiếp nối niềm vui: làm theo lời Chúa dạy, các ông có cá để nuôi phần xác, lại được thấy Chúa phục sinh, các ông đã bảo nhau: “Chúa đó”. Khi ấy các ông đã mừng vui biết chừng nào? Trái với đêm qua vắng Chúa: lo lắng, tối tăm, vất vả… biết bao? Chúa Giêsu tiếp tục thân thương dạy dỗ, khích lệ các ông: “đem ít cá mới bắt được tới đây”, Chúa như khẳng định cái mẻ cá vừa xong là chính quyền phép và tình thương của Thầy ban cho các con đấy, chứ tự nhiên thì không có vậy đâu. Đồng thời Chúa như nói lại với các môn đệ: “Thầy vẫn ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

 Chúa Giêsu như đã chuẩn bị kỹ càng để gặp gỡ, để củng cố niềm tin cho các môn đệ: “có sẵn than hồng, với cá đặt ở trên và có cả bánh nữa”. Không rõ ai đã lo trước các thứ đó? Chúa như nhắc lại cho các ông cái phép lạ hôm nọ mà các ông đã chứng kiến ấy, chỉ có hai con cá và năm chiếc bánh thôi mà Thầy đã cho hơn năm nghìn người ăn no mà còn dư mười hai thúng đầy (Ga 6,5-11).

Cuối cùng với cử chỉ yêu thương quen thuộc: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá Người cũng làm như vậy”, Chúa muốn các ông nhớ đến bữa tiệc tối yêu thương muôn đời trước khi Người đi chịu chết, mà Chúa đã cam kết tỏ bày với các ông. Còn đối với các ông không những có bổn phận chài lưới mà nuôi thân xác mình, nhưng còn phải “chài lưới người như lưới cá” (Mt 4,12-20). Các ông còn phải thực thi Lời Chúa truyền dạy trong đêm tiệc ly ấy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 9,11b-17 ), mà đem ơn cứu độ của Chúa cho khắp muôn dân.

Nghe Lời Chúa, theo gương các tông đồ, bao đời nay người Công Giáo chăm lo làm ăn không để đói rách phần xác, mà cũng chẳng xao nhãng phần hồn. Một người Công giáo nói với người cán bộ cùng mình tập thể dục: “Buổi sớm tôi tới nhà thờ để cảm tạ Chúa – Trời đã cho tôi được làm người, sống thêm ngày mới, cùng là đi dạo thể dục, rồi về làm ăn thì tâm hồn thấy quả là an vui”.

Lạy Chúa Giêsu! Con tin tưởng tình thương Chúa dành cho các tông đồ xưa cũng vẫn dành cho chúng con ngày nay. Xin cho con vững tin vào tình thương ấy, dù khi gặp bình yên cũng như khi gặp sóng gió. Xin cho con luôn vui mừng mà thực thi những bổn phận nơi gia đình con và còn góp phần loan truyền tình thương cứu độ của Chúa cho người khác nữa. Amen.

 Giuse Ngọc Năng

Cha sẽ luôn ở bên con (21.04.2017)

Cha sẽ luôn ở bên con 

Vào năm 1989 tại Armenia có một trận động đất lớn 8,2 độ Richter đã san bằng toàn bộ đất nước và giết hại hơn ba mươi ngàn người trong vòng chưa đầy bốn phút.

Giữa khung cảnh hỗn loạn đó, một người cha chạy vội đến trường học mà con ông đang theo học. Tòa nhà trước kia là trường học nay chỉ còn là đống gạch vụn đổ nát.

Sau cơn sốc, ông nhớ lại lời hứa với con mình rằng “Cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa, cha sẽ luôn ở bên con! “Và nước mắt ông lại trào ra. Bây giờ mà nhìn vào đống đổ nát mà trước kia là trường học thì không còn hy vọng. Nhưng trong đầu ông luôn nhớ lại lời hứa của mình với cậu con trai.

Sau đó ông cố nhớ lại cửa hành lang mà ông vẫn đưa đứa con đi học qua mỗi ngày. Ông nhớ lại rằng phòng học của con trai mình ở phía đằng sau bên tay phải của trường. Ông vội chạy đến đó và bắt đầu đào bới giữa đống gạch vỡ.

Những người cha, người mẹ khác cũng chạy đến đó và một số người khác với lòng tốt cố kéo ông ra khỏi đống đổ nát và nói đi nói lại:

“Đã muộn quá rồi!”

“Bọn nhỏ đã chết rồi!”

Với mỗi người, ông chỉ đặt một câu hỏi “Anh có giúp tôi không?” Và sau đó với từng miếng gạch, ông lại tiếp tục đào bới tìm đứa con mình.

Ông đào tiếp… 12 giờ… 24 giờ…,sau đó ông lật ngửa một mảng tường lớn và chợt nghe tiếng con trai ông. Ông kêu lớn tên con “Armand!” Ông nghe “Cha ơi?! Con đây, cha! Con nói với các bạn đừng sợ vì nếu cha còn sống cha sẽ cứu con và khi cha cứu con thì các bạn cũng sẽ được cứu. Cha đã hứa với con là dù trường hợp nào cha cũng ở bên con, cha còn nhớ không? Và cha đã làm được, cha ơi!!”

“Có chuyện gì xảy ra vậy? Ở đó ra sao rồi?” Người cha hỏi.

“Tụi con còn lại 14 trên tổng số 33, cha ạ. Tụi con sợ lắm. Đói, khát… Nhưng bây giờ tụi con đã có cha ở đây. Khi tòa nhà đổ, ở đây tạo ra một khoảng không nhỏ và thế là tụi con còn sống.”

Suy niệm

Sau khi Chúa Giêsu chết, các tông đồ buồn chán và thất vọng ê chề, không biết cuộc sống sẽ ra sao, tương lai mù mịt không biết đi về đâu. Các tông đồ đành quay về với nghề chài lưới ngày xưa của mình. “Tôi đi đánh cá đây.” Ông Phêrô nói giữa đám anh em mà tiếng nói như vô vọng, ông nói như chẳng còn chút suy nghĩ, ai nghe cũng được, ai không nghe cũng chẳng sao: “Tôi đi đánh cá đây.” Không biết ông có muốn kêu gọi anh em đi hay không? Nhưng các tông đồ cũng đi với ông: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Các ông cũng đang buồn rầu như ông vậy. Các ông mong nhớ Thày, các ông đi thả lưới cho quên đi ngày tháng,trở về với đời thường xưa kia, để rồi các ông thả lưới cũng chẳng bắt được con cá nào.

Đang buồn rầu, lại đánh cá cả đêm chẳng được con nào. Chúa Giêsu hiểu thấu điều thất vọng ấy, nên Ngài bảo: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá.” Chúa bảo các ông thả “Bên canh mạn thuyền” vì các ông đã vất vả mệt nhọc cả đêm. Mặc dầu các ông chưa nhận ra Chúa, nhưng vang vọng trong thâm tâm các ông nghe tiếng của Chúa, vì đã có lần Chúa nói với các ông như thế. Đang khi đánh cá thì ông Gioan lo nhìn lên bờ và nhận ra Chúa, nên nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” nhưng vẫn ngồi yên trên thuyền. Còn ông Phêrô nghe nói như thế, thì chẳng màng đến mẻ cá nhiều hay ít nữa, mà vội vàng mặc áo rồi nhảy ùm xuống biển bơi vào bờ mong được gặp Chúa.

Chúa đến vì Chúa luôn quan phòng, chăm lo săn sóc cho các ông, nhất  là lúc này, trong cơn hoảng loạn; 12 Ðức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” Chúa đến để an ủi vỗ về, đến để củng cố niềm tin vào sự Phục Sinh Vinh Hiển, đến để các ông biết rằng Chúa luôn ở bên các ông mọi lúc mọi nơi. “Và đây, Thày ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Chúa đến để ban phát thần lương nuôi sống các ông, Chúa dọn sẵn cá cùng bánh cho các ông và mời gọi các ông đến mà ăn. 13 Ðức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

Chúa yêu thương các ông vô bờ bến, mặc dù các ông đã từng bỏ Chúa khi quân dữ đến bắt trong vườn cây dầu, mặc dầu ông Phêrô đã chối Chúa ba lần. Nhưng Chúa vẫn tìm đến bên các ông, dọn cỗ cho các ông, gọi mời các ông đến mà ăn.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi chúng ta đều từng gặp rất nhiều gian nan thử thách, những đau khổ thất vọng, những chán chường mỏi mệt, những bạc đãi vô ơn, những xúc phạm tủi hờn, … Chúa luôn đồng hành cùng ta, luôn ở bên ta. Ta có nhận ra Chúa không! Từng giây từng phút ta có mong chờ Chúa đến bên chúng ta hay không? Thật lòng chúng ta đã không mong chờ Chúa, chúng ta cũng chẳng mong muốn hoặc thờ ơ không ăn cỗ Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta.

Trong từng ngày, Chúa Giêsu vẫn mời gọi ta đến mà ăn: Đó là Thánh Thể.

Cầu nguyện:

Lay Chúa Giêsu, Xin cho chúng con nhận biết Chúa luôn ở bên chúng con, đồng hành với chúng con trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, để chúng con luôn hân hoan đón nhận bánh Hằng Sống là Thánh Thể, và chúng con luôn vui tươi trên đường lữ thứ trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Gã Đầu Bạc

Tin vào Đấng Phục Sinh (01.04.2016)

“Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Chúa Giê-su bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21,5-6)

Ngay khi sống lại Chúa đã sai các phụ nữ báo tin cho các môn đệ và hẹn gặp các ông tại Ga-li-lê (Mt 28,10) như Ngài đã báo trước khi chịu khổ nạn (Mt 26,32). Vì lời hẹn này, các ông đã trở về Ga-li-lê. Thế nhưng, trở về chốn xưa, các môn đệ lại rơi vào nếp sống cũ. Họ chẳng nghĩ ra điều gì tốt hơn là đi đánh cá như thuở còn chưa biết Đức Giê-su là ai. Thế rồi họ thất bại. Chúa Giê-su phục sinh hiện đến cho họ biết lý do của sự thất bại đó. Chúa bảo họ thả lưới bên phải thuyền, và tin vào lời Chúa, họ đã bắt được nhiều cá. Chứng kiến mẻ cá lạ lùng đó, họ đã tỉnh ngộ: Tin vào Đấng Phục Sinh thì sẽ thấy quyền năng của Ngài. Và niềm tin đó mời gọi họ nhớ lại sứ mạng mới của họ: sứ mạng loan báo Tin Mừng Đấng đã sống lại từ cõi chết.

Đức tin vào Chúa Ki-tô phục sinh đã biến đổi con người chúng ta đến một cuộc sống mới luôn tràn đầy niềm hy-vọng và tin yêu trong cuộc sống. Đức tin vào Chúa Phục Sinh đã cho tôi yêu mến và dấn thân theo Chúa hơn mỗi ngày… Đức tin đó đã thôi thúc tôi tìm phương kế để giúp người khác biết về Thiên Chúa là nguồn : Chân- Thiện- Mỹ.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống lại và đang sống giữa chúng con. Những biến cố xảy ra trong thế giới và Giáo Hội, cả trong cuộc đời của con, luôn ở trong chương trình của Chúa và diễn ra trong quyền năng của Chúa. Xin cho chúng con vững tin và sống đẹp lòng Chúa trong mọi hoàn cảnh. Xin Chúa tỏ hiện quyền năng của Chúa trong đời con và Huynh Đoàn Đa-Minh VN ngày  nay, để chúng con được trở nên những chứng tá cho Tin Mừng Phục Sinh vinh hiển ChúaAlleluia..Aleluia.

BCT

Đức Giê-su vẫn “tỏ mình ra…”

Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Ti-bê-ri-a. (Ga 21,1)

Suy niệm: Thiên Chúa là “Đấng vô hình” (Dt 11,27); Ngài vốn “ẩn mình” nhưng khi Ngài phán dạy thì không “ẩn mình” nữa (x. Is 45,15.19). Thật thế, “vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1), vị Thánh Tử đó là Đức Giê-su Ki-tô, là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Như vậy, Thiên Chúa “vô hình” (“ẩn mình”) đã trở nên “hữu hình” (“tỏ mình”) để hiện diện với chúng ta qua Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể. Cái chết của Ngài đã khiến các môn đệ “không trông thấy Thầy” trong một ít lâu, nhưng rồi “lại trông thấy Thầy” khi Ngài từ cõi chết chỗi dậy (x. Ga 16,16). Ngài hằng sống, nên hôm nay, tại biển hồ Ti-bê-ri-a, tức là trên biển trần gian này, Ngài “lại tỏ mình ra cho các môn đệ”, nghĩa là cho cả chúng ta nữa. Và Ngài “tỏ mình ra” như thế “để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (Kinh nguyện tạ ơn IV).

Mời Bạn: “Thiên Chúa im lặng không có nghĩa là Thiên Chúa vắng mặt” (Đức Bê-nê-đi-tô XVI). Ngài vẫn hiện diện bên ta trong Lời Chúa, nơi Thánh Thể và nhiều hình thức khác nữa. Bạn có tin tưởng Ngài vẫn hiện diện Chúa “với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), nhất là trong lúc chúng ta gặp gian nan thử thách không? Nếu đã tin vào một Thiên Chúa “tỏ mình” cho con người, thì bạn cũng hãy mạnh dạn “tỏ mình” ra là người tin vào Đức Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Thực hành Lời Chúa dạy là cách thể hiện lòng tin của bạn vào Chúa Ki-tô phục sinh.

Cầu nguyện: Lạy Đức Ki-tô Phục sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con.

Trên bờ biển với Chúa

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa… (Ga 21,9)

Suy niệm: Bảy môn đệ rủ nhau đi đánh cá, nghề cũ của họ. Thầy đã sống lại, đã hiện ra với nhóm các bà, rồi với nhóm các ông. Nhưng… rồi sao nữa? Liệu có gì sáng sủa hơn không? Thôi thì, chi bằng quay về nghiệp cũ! Họ cần kiếm cái gì để ăn, ‘làm một cái gì đó cho qua ngày’ – trong khi chờ đợi nghe ngóng tình hình. Nhưng ‘nghiệp cũ’ xem chừng không mỉm cười với các ông. Suốt đêm hì hục chẳng bắt được con cá nào! Thế rồi Thầy đến mà không ai nhận ra. Lời Thầy nói “cứ thả lưới” khiến bao hồi ức lại ùa về. Và lưới đầy cá, đến độ không kéo lên thuyền được. Và họ nhận ra Thầy. Nhưng kìa, còn bất ngờ hơn nữa: trên bờ đã có sẵn bánh, và cá trên than hồng. Cá dưới biển góp với cá trên bờ, của trò góp với của Thầy, thành một bữa điểm tâm thân tình thú vị.

Mời Bạn chia sẻ: Cảm nghiệm của bạn qua câu chuyện ‘Trên Biển Hồ’ về:
(1) không có Chúa, người môn đệ Chúa chẳng làm được gì;
(2) sứ mạng là việc của Chúa, Chúa có thể làm trọn, nhưng Chúa muốn các môn đệ cộng tác – và đây là vinh dự của người môn đệ;
(3) cá quá nhiều, thuyền không kham nổi, nhưng bờ thì khả kham => Giáo Hội hữu hình không bao trùm được hết những người được cứu độ; và Nước Thiên Chúa thật sự lớn hơn Giáo Hội.

Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ với ý thức sống lại cảm nghiệm này của các môn đệ với Đức Ki-tô phục sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, chúng con xin tạ ơn Chúa vì đã cho chúng con được vinh dự cộng tác vào sứ mạng của Ngài. Xin Chúa luôn hiện diện và hướng dẫn mọi công cuộc tông đồ của chúng con. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *