Xin vâng theo ý Cha trên Trời (15.12.2023 – Thứ Sáu Tuần II Mùa Vọng)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 48,17-19, Mt 11,16-19

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 11,16-19)

16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông rằng : “Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, 17 và nói :‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa ;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh không đấm ngực khóc than.’

18 Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo : ‘Ông ta bị quỷ ám.’ 19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo : ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”

Xin vâng theo ý Cha trên Trời (15.12.2023)

Trong bài đọc I trích sách Isaia Thiên Chúa nói cho dân Israel biết những điều Ngài dạy dỗ dân đều hữu ích, nếu dân nghe theo thì họ sẽ tràn đầy hạnh phúc. Chúa Giêsu đến thế gian cũng với mục đích đem hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu cho nhân loại. Lời của Ngài rao giảng là Lời đem lại sự sống đời đời.

Ông Gioan Tẩy Giả, một Êlia mới, đã đến trước để loan báo cho dân chúng biết “Có đấng đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi” (Mc 1,7) và ông đã giới thiệu Chúa Giêsu : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 3,30).

Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng khắp xứ, người báo cho dân biết rằng Nước Trời đã đến gần, dân hãy sám hối, hãy quay về thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương tha nhân một cách đích thực để đón ngày Chúa quang lâm.

Nhưng những người lãnh đạo Israel đã chẳng nghe cả Chúa Giêsu và ông Gioan. Họ vẫn cố thủ trong những tư tưởng, quan niệm vụ lợi của họ. Họ muốn mọi người phải nghe họ, làm theo họ, y như như những đứa trẻ ngoài phố chợ chơi trò chơi của trẻ con và bắt người khác phải làm những điều như chúng muốn.

Nhưng lối sống và những việc làm phục vụ con người của Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tẩy Giả đã minh chứng lẽ phải của các Ngài.

Việc Chúa Giêsu so sánh thế hệ thời của Ngài với đám trẻ chơi trò chơi ngoài phố chợ cũng mời gọi ta xét lại mình. Phải chăng thái độ của những luật sĩ biệt phái xưa cũng là thái độ của chính chúng ta ? Chúa cũng nhắc nhở tôi về mối quan hệ của tôi với Thiên Chúa và với tha nhân. Tôi biết Lời Chúa đem lại sự sống đời đời, nhưng tôi vẫn muốn Chúa đáp ứng những nguyện vọng về tiền bạc, của cải, tiện nghi vật chất trong đời sống của tôi. Còn với tha nhân tôi vẫn luôn chủ quan trong ý kiến, vẫn muốn người khác phải làm theo cách suy nghĩ của tôi.

Tôi cũng giống đám trẻ ngoài phố chợ chơi trò chơi giả bộ, cũng cứ muốn người khác phải thể hiện theo sự dẫn dắt của tôi. Tôi còn muốn cả Chúa cũng phải chiều theo những ý kiến, những ước muốn thiển cận, nhất thời của tôi. Tệ hơn nữa tôi còn mâu thuẫn với chính tôi, như Thánh Phaolô đã chỉ ra : “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu : vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15).

Hôm nay đã gần hết hai tuần mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa trông đợi Chúa Giêsu đến, nhưng tôi đã thực sự trông đợi Chúa đến chưa ? Xét mình tôi thấy con đường tôi chuẩn bị đón Chúa hãy còn đầy những quanh co của những ý nghĩ xấu xa, còn những hố sâu của tham lam, của dục vọng trần thế thì làm sao Chúa đến được ? Tôi đã nghĩ tới những món quà Giáng Sinh tôi chuẩn bị cho người thân, thậm chí tôi lo đến cả những món quà tết. Thế còn quà mừng Giáng Sinh của Chúa đâu ? Tôi đã bị những ánh đèn nhấp nháy, những cây thông đắt tiền trang hoàng lộng lẫy, những hang đá đồ sộ, bữa tiệc nửa đêm thịnh soạn lôi kéo vào con đường tục hoá ngày lễ Giáng Sinh mất rồi.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng y như lũ trẻ nơi phố chợ, chỉ muốn Chúa và mọi người chiều theo ý chúng con. Xin cho chúng con biết học theo Chúa nơi Vườn Cây Dầu mà chỉ xin vâng theo ý Cha, để ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên Trời.

Xin cho chúng con biết lắng nghe và nhìn nhận những ý kiến của các anh chị em khác, để chúng con đáp ứng và phục vụ họ như phục vụ chính Chúa.

Xin cho chúng con chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón Chúa đến ở với chung con. Amen.

Jos. NM Tưởng 

Mời gọi hiệp thông với Chúa, với anh em (09.12.2022)

Ngày 09.12: Lễ Kính KỶ NIỆM CUNG HIẾN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG SÀI GÒN

Trong một tập thể lớn bao giờ cũng có những nhóm nhỏ, hình thành từ những người hợp tính cách và hiểu ý nhau. Cũng có mặt thuận lợi nhưng đôi khi một vài nhóm nhỏ ấy lại gây nên trở ngại trong hoạt động chung của một tập thể, thành ngữ “chín người, mười ý” cho chúng ta thấy ngay từ thời ông bà ta cho đến đời sống hiện tại, không phải lúc nào cũng có sự dễ dàng đồng thuận hay chấp nhận những thay đổi dù biết rằng điều ấy có thể sẽ trở nên tốt hơn. Giờ Nguyệt Hội hàng tháng của Huynh đoàn, dù đã được thông báo trước, nhưng vẫn có các anh chị đi trễ hơn, với nhiều lý do, buổi họp bị kéo dài hơn dự kiến. Hoặc trong giờ thảo luận để đưa ra biểu quyết thống nhất một việc gì, thì không có ý kiến tại lúc ấy nhưng vừa ra khỏi phòng họp lại tụ nhau vào bàn tán.

Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Matthêô (Mt 11, 16-19), Chúa Giêsu đã so sánh thế hệ của Người với lũ trẻ ở ngoài phố chợ: chúng chỉ muốn người ta làm theo ý chúng. “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không nhảy múa; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!” (Mt 11, 17). Thời điểm Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, những nhà luật sĩ, biệt phái đều nhận biết sẽ có Đấng Mêsia đến như lời loan báo của ông Gioan Tẩy Giả. Nhưng khi Chúa thực sự đến, thay vì họ vui mừng đón nhận Người, và ăn năn hoán cải, thì họ không chấp nhận còn chỉ trích Người, vì lối sống giả hình của họ đi ngược lại với những điều Chúa giảng dạy các môn đệ.

Làm sao để chúng ta không có hành động như những người luật sĩ thời ấy? Họ chê Gioan là bị quỷ ám; cũng như chê Chúa Giêsu là người mê ăn tham uống, làm bạn với quân thu thuế và phường tội lỗi. Ai làm trái ý họ thì bị chê trách. Qua câu chuyện Chúa đồng bàn với những người thu thuế, và những người tội lỗi, Người đã gọi Da-Kêu sám hối trở về và ông trở thành môn đệ của Chúa. “Sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình” Mt 11,19. Người đã chỉ dẫn chúng ta biết hiệu quả các công việc của mình làm để minh chứng.

Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta dọn lòng đón Chúa bằng cách vâng theo thánh ý Thiên Chúa và quyết tâm hoán cải đời sống để trở về với Chúa. Trích thư Mục Vụ Mùa Vọng và Mùa giáng Sinh năm 2022 của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng: “Đáp lại lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư Chung năm 2022, xin anh chị em củng cố sự hiệp thông với Chúa bằng cách gia tăng đời sống nội tâm, chuyên chăm học hỏi và cầu nguyện với Lời Chúa, sốt sắng tham dự thánh lễ và chầu Thánh Thể riêng tư trong thinh lặng”. Hằng năm vào Mùa Vọng, các Cha chánh xứ đều mời quý Cha trong giáo hạt đến nghe giải bày của các con chiên, qua Bí tích Hòa Giải giúp giáo dân sám hối trở về với Thiên Chúa, lời mời gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn thanh sạch cho ngày Đại lễ Giáng Sinh để được đầy hồng ân của Chúa Hài Đồng Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống và hiệp hành theo hướng dẫn của Hội Thánh, để trong Mùa Vọng này chúng con mang tâm tình niềm vui như Thánh Phaolô mời gọi: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa(Pl 4, 4).

Anna Anh

Chớ cứng lòng (10.12.2021)

Khi thời tiết cuối năm chuyển sang se lạnh là dấu hiệu sắp hết một năm cũng là chuẩn bị vào Mùa Giáng sinh, mùa hồng ân cứu rỗi của Ngôi Hai xuống thế làm người phàm, chúng ta được mời gọi dọn tâm hồn thanh sạch đón nhận niềm vui và hy vọng. Huấn từ của Cha giáo Vinh Sơn Đặc trách Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh giáo phận Sài Gòn trong buổi tĩnh tâm trước ngày lễ thánh Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên bổn mạng của Huynh đoàn GD Đa Minh giáo xứ Hòa Hưng hạt Phú Thọ, nhấn mạnh hai điều các đoàn viên cần ghi nhớ: luôn giữ tình thương giữa người với người và làm chứng cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trong thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philipphê cũng nhắn nhủ:” Tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Đức Giêsu Kitô. Điều làm tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu…” Pl 1,8-9

Hôm nay Lời Chúa Giê su phán cùng dân chúng rằng:” Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? “Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên” Chúa Giê-su đã so sánh thế hệ của Người với lũ trẻ chơi ở ngoài phố chợ: họ chỉ muốn người khác làm theo ý họ. Cũng như sự thờ ơ lãnh đạm của nhà lãnh đạo Do Thái trước những lời rao giảng của các ngôn sứ được Thiên Chúa phái đến, bước ngoặc của thời kỳ suy thoái về đạo đức, con người không còn tôn kính thờ phượng duy nhất một Thiên Chúa như cha ông họ, sự xa lạ trước các lời giáo huấn khuyên răn hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời gần đến, cũng không làm con người hồi tâm, mở lòng tiếp nhận, Chúa đã đến nhưng họ vẫn không nhận ra Người, vì sự cứng lòng của họ. Thánh Giêrônimô đã nói: “Ích lợi gì: ăn chay hao mòn người đi, mà lòng đầy kiêu ngạo”.

Chúng ta có nhận ra mình cũng như dân Do Thái ngày xưa chăng? Ngày nay cũng vậy, con người không dễ dàng chấp nhận điều người khác góp ý cho mình. Chúng ta cũng luôn bảo vệ ý kiến của mình và không thích ai chỉ ra cái sai, điều chưa đúng, chỉ vì chúng ta không muốn thừa nhận những thiếu sót của bản thân. Ngay cả những người có chức vụ, địa vị trong xã hội, trong giáo xứ, hội đoàn lại càng khó mở lòng để tiếp nhận những gì người khác nói với mình. Họ cố chấp không muốn thay đổi và cố tìm lý do để bác bỏ ý kiến đó. Ai làm trái ý thì họ chê trách, như chê ông Gioan là bị quỷ ám; họ chê Chúa Giêsu là người mê ăn tham uống, làm bạn với quân thu thuế và phường tội lỗi. Kinh nghiệm của Thánh Maria Mađalêna Pazzi:“Tính tự ái làm hại linh hồn cũng như con sâu đục rễ cây; vì con sâu mà không những cây không đâm quả, lại còn khô héo và chết”. Bài Tin Mừng Mùa Vọng tuần 2 hôm nay mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn chờ đón Chúa bằng cách vâng theo thánh ý Thiên Chúa và quyết tâm hoán cải đời sống để trở nên hoàn thiện qua những công việc nhỏ hàng ngày trong gia đình như cùng nhau cầu nguyện, chăm sóc cho nhau, lắng nghe lời giáo huấn của các vị Mục tử để biến đổi trong suy nghĩ, lời nói, hành động của mình ngày một tốt lành hơn, nhắc nhở mọi thành viên của gia đình, trong hội đoàn cùng giúp nhau thăng tiến trong đời sống thánh thiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống theo Thánh Ý Chúa hơn là theo ý chúng chúng con. Xin cho chúng con biết: “ Hãy hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con (Cn 3,5), để chúng con có thể góp phần làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Anna Anh

Tín thác nơi Chúa trong khiêm tốn (11.12.2020)

Ghi nhớ:

 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với phường tội lỗi.” (Mt 11, 19).

 Suy niệm:

 Bà nội năm nay tuổi đã tròn tám mươi, bà con khỏe nhưng chỉ có đôi tai thì bị điếc nặng. Vì thế, nhiều khi muốn nói gì với bà thì con cháu phải nói to và sát vào tai thì bà mới nghe được. Bà rất khó tính, mỗi khi đi đâu về con cháu chào bà nhỏ tiếng thì bà không nghe bà rầy bọn chúng:

  • Chúng nó coi thường tôi, không chào hỏi gì cả mỗi khi đi đâu về!

Nhưng để bà nghe được, về sau các cháu chào bà to tiếng thì bà lại than phiền:

  • Chúng nó chào tôi mà như là la hét vào mặt tô vậy!.

 Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Matthêu thuật lại thái độ của người Do Thái đối với Đức Giê-su. Thái độ đó là sự cố chấp, họ áp đặt cho Đức Gê-su theo não trạng của họ. Họ cho rằng Đấng Cứu Thế thì phải rất nghiêm nghị, sống cao sang, tách biệt với con người, đặc biệt là phải xa tránh người tội lỗi và quân thu thuế. Họ bắt Đức Giê-su phải đi đứng hành động, nói năng theo ý của họ. Có như vậy thì họ mới vâng phục và công nhận Ngài. Chính vì thái độ như vậy nên Đức Giê-su đã nhiều lần than thở rằng: “ Ôi, những kẻ cứng lòng, ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ”.

Đó là câu chuyện của ngày xưa, thời Chúa Giê-su. Nhưng ngày nay cũng vẫn còn những kẻ mang não trạng cổ hủ như thế. Họ cầu nguyện xin Chúa điều này điều kia, khi không được Chúa ban cho như ý họ muốn thì họ ngã lòng, họ đưa ra những nhận xét rất trần  thế như: Ông này bà nọ tôi lỗi nhưng lại được Chúa ban cho hết ơn lành này đến ơn lành khác, còn họ theo Chúa giữ đạo sốt sắng mà Chúa lại chẳng ban ơn, có khi còn bắt họ chịu nhiều thiệt thòi, thử thách…

Qua thái độ của dân Do Thái xưa. Khiến chúng ta suy nghĩ và tìm ra bài học. Chúng ta phải xác định rằng Thiên Chúa là Đấng quán thông, như trời cao hơn đất thế nào thì nhưng tư tưởng của Thiên Chúa hơn loài người cũng như thế, không ai hiểu thấu được thiên ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Do vậy chúng ta phải có lòng khiên tốn để nhìn nhận trong niềm tín thác vào Chúa. Đấng rất yêu thương và luôn muốn cho chúng ta những điều tốt đẹp. Vì vậy, có thể những sự việc xảy đến cho chúng ta theo suy nghĩ chủ quan của mình thì có vể như Thiên Chúa không đáp ứng những ước mong được coi là chính đáng của chúng ta, nhưng đó là suy nghĩ của Chúng ta. Còn đối với Thiên Chúa thì lại khác. Ngài biết nếu ban cho chúng ta điều này điều nọ theo ý chúng ta cầu xin thì sau này sẽ có hại cho phần rỗi của chúng ta nên Ngài không đáp ứng lời cầu xin đó. Vì thế thái độ tốt nhất là chúng ta hãy một lòng tín thác vào Chúa và sẵn sàng thưa lên với Ngài hai tiếng: “xin vâng”

 Cầu nguyện:

 Lạy Chúa Giê su, nhiều khi chúng con cũng có những suy nghĩ lệch lạc về Chúa. Xin Ngài ban Chúa Thánh Thần đến để Ngài khai mở tâm trí chúng con để chúng con hiểu biết Chúa hơn hơn, yêu mến Chúa hơn. Xin khai mở tâm trí để chúng con tiếp nhậm được những chân lý mà Chúa muốn mặc khải cho chúng con. Amen

 Sống Lời Chúa:

Tin yêu Chúa trong tâm tình khiêm tốn

Đaminh Trần Văn Chính.

Đức khôn ngoan được chứng minh bằng hành động (13.12.2019)

Ngày 13.12: Lễ Nhớ Thánh Luxia

Ghi nhớ:

“Ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “ Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” (Mt.11.18,19)

Suy niệm:

Tại một giáo xứ nọ, có một vị Linh mục già coi sóc, cha có thói quen là ít khi đi ra khỏi nhà xứ, chỉ khi nào có việc cần hay là đi giúp kẻ liệt cha mới đi khỏi mà thôi. Cha không biết uống rượu và cũng chẳng ghiền thuốc lá. Thế nhưng kể từ khi cha đi hưu, có cha trẻ về vị này lại khác hẳn. Khi giáo dân có lời mời là cha đi ngay, các đám giỗ, đấm cưới cha đều hiện diện. Đã vậy, đôi khi cha còn văn nghệ, hát những bài hát như: “ Tóc em đuôi gà, về đâu mái tóc người thương”…Tửu lượng cha cũng khá và còn thường xuyên phì phà thuốc lá.

Có nhiều giáo dân phản ảnh rằng:

– Cha cụ gì mà nghiện ngập như vậy?!

Nhưng cũng có nhiều người thông cảm. Họ đáp lại rằng.

– Các ngài tu trì, bỏ hết mọi sự, không vợ không con! Thì cũng phải để cho các ngài được hưởng những thú vui chính đáng chứ?.

  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su than thở về cái thế hệ mà Ngài đang sống. Thế hệ đó có sự nhận thức rằng: Mọi sự xảy ra chung quanh việc Chúa Cứu Thế đến phải được xảy ra theo đúng ý họ: “ Tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.” Chúa Giê-su đến giao tiếp với những người thu thuế và người tội lỗi thì họ bảo Chúa “ Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Như thế đối với họ Đấng Cứu Thế phải là một Vị nghiêm nghị! Không được giao du, qua lại với những người thu thế và phường tội lỗi!

Như vậy con người của thế hệ đó đã“nặn”ra một khuôn mẫu và“bắt” Chúa phải đi vào cái khuôn mẫu đó và chỉ khi thỏa mãn được ý muốn của họ thì họ mới chịu tin Chúa!

Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta có thể trách cứ người Do Thái đương thời với Chúa Giê-su. Song xét lại ngày nay chúng ta nhiều lúc cũng đi vào vết xe ấy. Khi cầu nguyện chúng ta xin Chúa ơn này ơn khác, chúng ta “ bắt” Chúa phải thực hiện theo ý muốn của mình chứ chúng ta không tự nguyện sống theo thánh ý Chúa. Có người cầu xin mà không được Chúa ban ơn thì rồi hờn dỗi, mất niềm tin, bỏ không đi lễ đi nhà thờ nữa! Như vậy chúng ta có khác chi người Do Thái xưa đâu?

Chúa là Đấng thượng trí vô cùng, Chúa biết điều gì tốt cho con cái Người, vậy nên Chúa chỉ ban những ơn giúp cho chúng ta nên tốt. Vả lại Chúa là Chủ tể hoàn vũ, phận làm con chúng ta phải tôn trọng và thi hành những điều Chúa muốn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa. Đấng siêu việt ngàn trùng, chúng con chỉ là một tạo vật mọn hèn, nhưng đôi khi chúng con lại muốn Chúa thực hiện những “ yêu sách” của mình. Chúng con xin lỗi Chúa và từ nay chúng con sẽ sống hoàn toàn vâng phục Chúa trong mọi hoàn cảnh. Để trọn đời chúng con sẽ nên như một bài ca tạ ơn không ngừng dâng lên Chúa. Amen.

 Noi gương Đức Mẹ luôn sống trong tâm tình xin vâng.

Đaminh Trần Văn Chính.

Vững lòng bước đi theo Chúa (14.12.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu so sánh thế hệ đương thời với Ngài giống như lũ trẻ trái tính trái nết: khi chúng chơi trò đám cưới, có “thổi sáo” thì đòi người ta cũng chơi theo trò đó “sao các anh không nhảy múa”; nhưng khi chúng chơi trò đám ma có “bài hát đưa đám” thì chúng bắt người chơi phải than vãn, khóc lóc… Nghĩa là chúng chỉ muốn bắt người ta theo ý riêngcủa chúngai không theo thì chúng phê phán, trách móc. Ông Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu đến để chỉ cho dân Do Thái con đường cứu rỗi. Nhưng vì điều đó không hợp với sở thích của họ, nên họ luôn khước từ, phê phán, có khi còn chống đối. Thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu làm gì cũng bị họ chê. Khi Gioan đến với họ trong lối sống khắc khổ, thực hiện việc chay tịnh, ăn uống nhiệm nhặt, kiêng khem, thì họ chê là “bị quỷ ám”; Còn Chúa Giêsu sống gần gũi, hoà mình với mọi người, thì họ chê là“tay ăn nhậu”. “Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình”.

Con thấy Chúa ở cùng nhân thế

Ngày qua ngày nối kế tiếp nhau

Thời gian vùn vụt qua mau

Chúa luôn hiện diện nặng sâu nghĩa tình

*

Con thấy Chúa quang minh ngời sáng

Mãi còn đây năm tháng bình yên

Có Ngài cuộc sống ấm êm

Lòng con cảm thấy êm đềm sướng vui

Giá trị thật của một con ngườikhông bị lệ thuộc vào những lời phê phán, chỉ trích của người khác về người đó, nhưng tuỳ thuộc vào chính hành độnglối sống thực tại của người đó như thế nào. Người ta nói Gioan tẩy giả “bị quỷ ám”, nói Chúa Giêsu là “tay ăn nhậu”, không sao, chính hành động và lối sống của hai Ngài sẽ biện minh cho hai Ngài. Là Kitô hữu, chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, vì thế, những lời của Chúa không thể bị bóp méo hay bỏ qua. Chúng ta chỉ có Chúa khi chúng ta biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Con thấy Chúa muôn nơi mọi lúc

Cho lòng con rộn khúc hoan ca

Tình Ngài rộng lớn bao la

Yêu thương nhân thế mãi là không thôi

*

Con thấy Chúa với lời tha thiết

Từng phút giây, Ngài biết đoàn con

Ngày đêm sáng tối sớm hôm

Có Chúa trợ giúp trông nom phù trì 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy nhìn lại chính mình như : cách sống,  cách suy nghĩ, cách hành động… Bởi vì do vô tình hay hữu ý, có những lúc chúng ta đã đi ngược lại với Tin Mừng của Chúa. Chúng ta phải biết tỉnh thức, để đừng rơi vào thái độ của những người mà Chúa Giêsu đề cập tới trong bài Tin Mừng hôm nay, nhưng luôn biết sống hy sinh khổ hạnh như thánh Gioan và sống đơn sơ giản dị như Chúa Giêsu, để xứng đáng được Chúa chúc phúc và ban ơn cho chúng ta.

Con thấy Chúa cùng đi cùng bước

Giúp đoàn con nguyện ước cầu mong

Ngài cho thỏa chí toại lòng

Được gần bên Chúa mãi không xa rời

*

Con thấy Chúa sáng ngời tâm trí

Nguyện một lòng, ý chí trung kiên

Theo Ngài luôn mãi triền miên

Để được hạnh phúc bình yên cùng Ngài

 

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tâm hồn thiện chí và mở lòng trí của chúng con, để chúng con biết khiêm tốn nhận ra thân phận nhỏ bé của mình, giúp chúng con dễ dàng đón nhận sự khôn ngoan của Tin Mừng. Xin ban cho chúng con biết can đảm để chúng con thực thi tiếng Chúa mời gọi và dấn thân đi trên đường lối của Chúa. Amen.

HOÀI THANH

Đức khôn ngoan nhận biết Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa (15.12.2017)

Thằng Bờm

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè,

Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi:

Bờm cười.

Câu truyện dân gian phảm ánh một thực tại về sự chọn lựa của con người. Sự chọn lựa ấy luôn tìm theo thỏa mãn cá nhân, lúc đầu có những suy nghĩ tưởng chừng là chin chắn, chắc ăn trong sự chọn lựa như ông phú ông vậy. Cái thích của ông là cái quạt mo, ông muốn đổi cho bằng được, nên ông nghĩ cái quạt mo đổi lấy ba bò chín trâu thì chắc chắn thằng Bờm sẽ đổi. Đâu ngờ, Bờm từ chối. Những tưởng cái quạt mo giá trị rất lớn đối với thằng Bờm, mà của của cải phú ông thì dư thừa, nêm đổi thêm cái giá trị lớn hơn: ao sâu cá mè. Bờm cũng chẳng lấy.

Đến đây, phú ông không đặt đến giá trị cái quạt mo nữa, mà suy nghĩ đến cái thích của thằng Bờm, nên ông đã đổi con chim đồi mồi. Bờm cũng không. Nghĩ về một thực tại Bờm đói, nên ông đổi nắm xôi. Chính cái nắm xôi thằng Bờm mới mong ước. Chính cái nắm xôi mới cho thằng Bờm thoát cơn đói khát.

Đây có phải là sự lựa chọn khôn ngoan của Bờm.

Đúng vậy, Bờm lấy ba bò chín trâu để làm gì, trong khi mình không có tấc đất cắm dùi. Bờm lấy ao sâu cá mè làm gì, con chim làm gì, có giá trị gì đâu với Bờm, đâu đâu cũng có cá có chim. Bờm chọn nắm xôi là đúng, vì nắm xôi nuôi sống được Bờm. Bờm cần sự sống.

Suy niệm:

Tiên tri Malakia đã tiên báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế trong đền thánh: Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta! Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người (Mal 3, 1).

Khi đọc lời tiên tri, người khôn ngoan đã có cách lựa chọn để tìm đến với sự sống đời đời. Đó là Đức Giêsu Kito. Sự lựa chọn khôn ngoan đã trở nên hành động. Khi Đức Maria và Thánh Giuse dâng Chúa trong đền thờ: Ông Simêon đã chúc tụng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa (Lc 2, 29-30).

Trong đền thờ, cũng có bà tiên tri Anna, cùng đến: Bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel (Lc 2, 38).

Sự sống là điều quý trọng nhất của con người. Từ khi con người phạm tội, thì sự sống trở nên mong manh, như một cơn gió thoảng, đến rồi lại qua, đời người ngắn ngủi. Những ai không khôn ngoan lựa chọn sự sống đời đời, sẽ không nhận biết ra Con Người đến. 19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ (Mt 11, 19). Cuộc sống nơi trần gian, nhận biết Thiên Chúa là một điều khôn ngoan. Sống và thực hiện Lời Chúa là hành động khôn ngoan. Khôn ngoan vì ngay ở đời này ta có sự sống và sự sống vĩnh cửu đời sau.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, xin ban Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con biết chọn lựa khôn ngoan những điều thuộc về Thiên Chúa ngay trên trần gian này, và thực hiện những điều đó trong cuộc sống hằng ngày. Nhận biết Chúa chính là nguồn sống đời đời và là hạnh phúc vĩnh cữu của chúng con. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Chứng nhân trung kiên của Chúa (09.12.2016)  

“Ông Gio-an đến không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.” (Mt 11,18-19)

Trong bổn phận của mình, Đức Bê-nê-đi-tô XVI nhắc nhở, Ki-tô hữu là người đáp ứng một nhu cầu cấp thiết cho mọi thời đại, đó là nói với thế giới về Thiên Chúa và trình bày với Thiên Chúa về thời đại. Con người thời đại chỉ cần nơi Ki-tô hữu điều đó và yêu cầu Ki-tô hữu hãy là Ki-tô hữu đến cùng, chứ không đòi hỏi điều gì khác. Bởi thiên hạ tìm thấy nơi biết bao người khác điều mà họ đang cần về mặt tự nhiên, nhưng chỉ nơi Ki-tô hữu họ mới có thể nghe Lời Chúa và biết về Ngài. Lời này ở trên môi của Ki-tô hữu và rõ ràng trong lối sống của Ki-tô hữu.

Muốn được thế, Ki-tô hữu không chiều theo thị hiếu phù du của thời đại hay ngả theo những khuynh hướng thế tục thịnh hành; trái lại, Ki-tô hữu cần thuộc về Thiên Chúa cách kiên vững, đúng với tư cách một người được thánh hiến riêng cho Ngài.

Chúng ta có biết dành thì giờ gặp riêng với Chúa và xét lại xem những hành động, lời nói và lối sống của chúng ta có đem lại lợi ích thiêng liêng cho con người thời đại như lòng Chúa mong muốn hay không?? Chúng ta đang chiều theo tinh thần thế tục hay đang làm chứng cho Chúa giữa đời?

Mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy cố gắng Kiên trì thực hiện điều đã hứa với Chúa hằng ngày, nỗ lực vượt qua mọi trở ngại và dâng lên Chúa những cố gắng ấy, bằng tất cả lòng thành kính mến yêu.

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con trở nên những chứng nhân cho Chúa giữa đời, vì người đời cần được nghe Lời Chúa và cần được thấy những chứng nhân trung kiên của Chúa, không chỉ bằng lời nói mà kèm theo là cách sống tốt cụ thể thì mới có hiệu quả , vì “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”.

BCT

Năm Thánh Lòng Thương Xót (11.12.2015)

“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa’.” (Mt 11,16-17)

Trong một tác phẩm đề cập đến lòng thương xót, đức hồng y Sarah đã nêu câu hỏi: Lòng thương xót mà Giáo Hội phải loan báo và sống theo là loại lòng thương xót nào? Đặt câu hỏi như thế để đánh thức mọi người đừng ảo tưởng tìm kiếm nơi Giáo Hội một loại lòng thương xót nhằm thỏa mãn thị hiếu của con người thời đại, chẳng khác gì phải nhảy múa theo tiếng sáo của lũ trẻ nơi phố chợ; trái lại, Giáo Hội nhận thức rằng, nhiệm vụ của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Chúa, một lòng thương xót đưa con người ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi để cứu độ con người, chứ không phải thương xót để mặc con người lún sâu hơn trong tội lỗi. Như Chúa Giê-su, Đấng đến để làm theo thánh ý Chúa Cha, thì Giáo Hội phải khước từ tiếng khen “có lòng thương xót” của truyền thông hay tiếng vỗ tay của đám đông; thay vào đó, diễn tả lòng Chúa thương xót cụ thể và đích thực trước tội lỗi của con người, một lòng thương xót đòi hỏi con người cải hối: “Về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.”

Là Ki-tô hữu, chúng ta thuộc về Chúa Giê-su, vì thế, những lời của Chúa không thể bị bóp méo hay bỏ qua. Bóp méo hoặc bỏ qua lời Chúa chẳng giúp chúng ta đạt tới Ngài đâu. Chúng ta chỉ có Chúa khi chúng ta tuân theo lời Chúa hoàn toàn. Mỗi ngày ta cố gắng thực hành theo lời Chúa chỉ dạy.

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã xót thương và cứu độ chúng con. Xin giúp chúng con biết đón nhận và thực hành lời Chúa dạy, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Chúa Xót Thương  mới được Đức Thánh Cha làm lễ khai mạc sáng thứ ba vừa qua tại Rôma, để nhân dịp Năm Thánh hồng phúc này, chúng con được kín múc Lời Chúa là lời hằng sống, có sức cứu độ chúng con trọn đời. Amen.

BCT

Có quả tim thông cảm

Đức Giêsu nói: “Ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo ‘ông gta bị quỉ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo ‘đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’.” (Mt 11,18-19).

Suy niệm: Ngày nay, ba căn bệnh đáng sợ là HIV-AIDS, ung thư và tim mạch. Về phương diện tinh thần, có một căn bệnh đáng sợ không kém là bệnh “đeo kính đen” khi nhìn người khác. Đó là chứng bệnh nhìn người khác với một màu đen, lúc nào cũng nhìn thấy người khác sai lỗi, còn mình lúc nào cũng đúng. Triệu chứng của căn bệnh nan y này là hễ ai làm gì khác với ý kiến, quan điểm, sở thích của tôi thì tôi quả quyết rằng chắc chắn họ sai lầm. Đức Giêsu chẩn bệnh và nói cho giới lãnh đạo Do Thái biết họ đang mắc chứng bệnh ấy. Chỉ vì muốn bắt thiên hạ phải theo ý mình, nên họ lên án Gioan Tẩy Giả là quỷ ám, Đức Giêsu là “tay ăn nhậu, bạn bè với người tội lỗi”.

Mời Bạn: Có một cái nhìn bao dung hơn với người lân cận, chấp nhận những khác biệt trong quan điểm, sở thích, phương cách hành động… Bạn đừng phê phán, chỉ trích anh em, chỉ vì họ khác với bạn.

Chia sẻ: Tôi có thường chỉ trích người khác vì họ có những khác biệt với tôi không? Tôi sẽ làm gì để sửa đổi?

Sống Lời Chúa: Trong mùa Vọng này, tôi sẽ tập sự sẵn sàng, vui với người vui, chia sẻ nỗi buồn với người đau khổ. Tập có một trái tim thông cảm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, có những ngày chúng con không thể nào kính trọng kẻ khác được, vì ý kiến, sở thích, vì cái nhìn của người ấy. Lúc ấy, xin cho chúng con nhớ Lời Chúa: “Điều gì chúng con làm cho một kẻ bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta”  (Prier).

Nhận biết Chúa

“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói …” (Mt 11,16)

Suy niệm: Chúa Giê-su đã chỉ ra hai việc phải làm để chiếm hữu sự sống vĩnh cửu: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Người Do thái đương thời với Chúa Giêsu (và cho đến nay) chỉ làm việc thứ nhất: nhận biết Cha, còn việc thứ hai, họ không tin và thậm chí còn công kích, loại trừ Chúa Giê-su. Họ yêu cầu Chúa phải hành xử theo ý họ giống như hai nhóm trẻ chơi với nhau, nhóm này thổi sáo thì bắt nhóm kia phải múa nhảy để thành trò chơi đám cưới; hay nhóm này thổi kèm bắt nhóm kia phải khóc lóc cho ra trò chơi đám ma.

Mời Bạn: Ơn cứu độ là quà tặng Chúa ban không cho ta. Ngài không ban ơn cứu độ theo một kịch bản của ai đó. Ơn cứu độ của Chúa Giê-su có giá trị với tất cả mọi người vì chu toàn thánh ý Chúa Cha chứ không phải theo những chỉ định của con người. Thiên Chúa mong muốn chúng ta nhận biết và đáp lại ơn Ngài ban cho ta trong Đức Giê-su Ki-tô.

Sống Lời Chúa: Hạnh phúc cho chúng ta, những người tin nhận Đức Giê-su Ki-tô và được dòng nước thanh tẩy rửa sạch tội lỗi và tháp nhập ta vào trong thân thể của Ngài, khởi đầu đời sống mới. Đời sống Ki-tô hữu phải lan tỏa niềm vui được Thiên Chúa yêu thương và ban ơn cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. Dưới ánh sáng Lời Chúa, con nhận ra được những ân huệ cao quí Chúa ban cho con. Con muốn làm những người bé nhỏ khiêm nhường, luôn đặt niềm tin nơi Chúa và sẵn sàng sống theo những gì Chúa dạy dỗ chúng con. Xin cho con ơn trung thành theo Chúa và làm chứng cho tình yêu Chúa cho anh em.

Chỉ thuộc về Thiên Chúa

Ghi nhớ: “Tôi phải ví thế hệ này với ai”. (Mt 11,16).

Suy niệm: Đức Giêsu vừa khen ngợi Gioan Tẩy Giả xong, Ngài nghĩ ngay đến các luật sĩ, biệt phái và những kẻ cứng lòng tin: “ Tôi phải ví thế hệ này với ai ” . khi đặt tâm tình của chúng ta vào bầu khí mùa vọng, chúng ta được kêu mời dọn lòng đón Chúa bằng cách hoán cải đời sống, ăn năn sám hối, và quyết tâm trở về với Chúa trong vai trò là người con Chúa. Vì thế, chúng ta chỉ thuộc về Thiên Chúa khi chúng ta biết sống niềm tin, nghe lời Ngài và thực hành Lời Ngài trong cuộc sống.

Sống lời Chúa: Siêng năng tham dự thánh lễ mỗi ngày.

Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con ý thức rằng: tin có sự sống đời sau để con chuẩn bị cuộc sống đời này cho tốt đẹp trong mùa vọng này. Amen

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *