Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6, 39 – 42)
39 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho môn đệ dụ ngôn này : “Mù mà lại dắt mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ? 40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? 42 Sao anh lại có thể nói với người anh em : ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !”
Xénophon, nhà triết lý Hy lạp sống vào giữa thế kỷ thứ 5 TCN đã nói như sau: “Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị: một cái đàng trước và một cái đàng sau. Cái bị đàng sau chứa đựng tất cả cái xấu của chính con người mình, còn cái bị đằng trước thì đầy dẫy những cái xấu của người khác. Do đó, con người khó mà thấy được những thiếu sót của mình, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy những khuyết điểm của người khác”. Bài học dạy đời của ngụ ngôn này đúng như câu tục ngữ của người Việt chúng ta:
“Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”
Hoặc: “Chân mình thì lấm bê bê, Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”.
Và đây cũng chính là bài học Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay: “Cái xà to tướng trong mắt mình thì không thấy mà lại đòi lấy cái rác nơi mắt anh em”.
Vâng, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần phải dựa vào tư duy phán đoán rất nhiều việc trong cuộc sống, để giao tiếp với mọi người:
Thấy ly nước bốc khói, ta nghĩ ngay đến nước trong ly rất nóng, phải cẩn thận khi uống…Khi chiếc xe đang chạy như bay về phía ta, ta phải né nhanh kẻo bị đụng..v.v…
Đúng vậy, chúng ta sống trong một thế giới nơi có nhiều tình huống đòi hỏi chúng ta phải đưa ra những nhận xét và suy đoán, nhưng thường rất khó để suy xét đúng. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải cân nhắc khi nhận xét hay suy đoán vì rất có thể chúng ta chủ quan mà đưa ra kết luận nhầm lẫn…
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu không chỉ khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác. Ngài còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người. Nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, con người cũng sẽ nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình. “Hãy lấy cái dằm ra khỏi mắt ngươi trước đã,” nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước.
Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, khi còn dạy học, tôi đã gặp một học sinh đặc biệt. Lúc nhận em, tôi có cảm tưởng em là một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ: Người thì nhỏ thó, gầy còm, chân tay lọng cọng, nói năng ngọng nghịu…Thế nhưng, ngoại trừ việc học hành ra, tư cách của em rất bình thường. Bình thường một cách phi thường! Một lần trong giờ ra chơi, em thấy một bạn bị ngã. Lập tức em ấy chạy ngay tới, khuỳnh tay như muốn ôm lấy, muốn bảo vệ bạn, miệng lắp bắp như muốn nói gì với bạn…Em đã mở mắt cho tôi thấy rằng tôi đã đánh giá sai một con người, rẳng thể xác em yếu ớt, trí óc em chậm chạp, nhưng tâm hồn của em thật đẹp, trái tim của em thật hào hùng…Vâng, tôi chỉ chăm chăm tìm cái rác nơi em khi đánh giá con người em theo cảm nhận về dáng vẻ bề ngoài, về năng lực trí tuệ của em, còn vẻ đẹp của tâm hồn, nét trong sáng của trái tim em thì đã bị cái đà trong mắt tôi che khuất!!!
Cám ơn em đã dạy cho cô giáo của em một bài học…
Một lần nữa Lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay đúng là bài học lớn nhắc nhở riêng tôi, cũng như tất cả chúng ta rằng, phải nhìn lại mình, trước khi xét đoán người khác.
Chúa đã đưa ra hai hình ảnh thật tương phản: cọng rác và cái đà.
+ Cọng rác được ví như lỗi lầm của người người khác, nó rất nhỏ…
+ Cái đà được ví như lỗi lầm của mình, nó rất lớn…
+ Cả cọng rác lẫn cái đà đều nằm ở trong mắt, nằm sâu trong nội tâm của từng người.
+ Khó thể có một con người phàm trần này hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu…
Và sở dĩ Đức Giêsu đã cho các lỗi lầm chúng ta phạm phải nằm trong mắt mình, vì Ngài muốn nói đến sự muốn nhìn thấy hay không muốn nhìn thấy của chính chúng ta…
Chúa nhắc nhở chúng ta tự xét mình về thói đạo đức giả ở những điểm sau:
Khi tôi không nhìn thấy cái đà trong mắt tôi mà chỉ chú ý đến cọng rác trong mắt người anh em. Cái đà to như thế, gần tôi như thế, tôi lại không để ý nên không thấy, nhưng tôi lại chăm chăm chú chú soi, rọi nên thấy rất rõ cái rác vừa bé xíu vừa ở rất xa tôi!
– Khi tôi thích chú ý đến khuyết điểm của người khác mà không quan tâm đến khuyết điểm của mình.
– Khi tôi xét đoán anh chị em tôi hầu như suốt cả ngày, còn thời gian để tự xét đoán mình chỉ chừng vài phút, mà nhiều khi tôi cũng để nó trôi qua một cách trống rỗng.
– Khi tôi dễ đưa ra những lời xét đoán, nhưng tôi thường không nghĩ tới hậu quả của việc tôi làm. Một quan tòa kết án sai thì khiến nạn nhân khổ oan trong một thời gian lâu dài. Khi xét đoán, tôi cũng là quan tòa, sao tôi lại không nghĩ tới nỗi oan của người khác nếu tôi sai?
Lạy Chúa, khi bình tâm nhìn lại mình, chúng con nhận thấy mình đã phạm lỗi về việc xét đoán rất nhiều. và có lẽ chúng con cũng sẽ bị xét đoán thật nhiều trước tòa Chúa vì lối sống thiếu bác ái và hay xét đoán anh chị em của chúng con. Xin cho chúng con luôn biết học theo lời cầu nguyện của Thánh Augustinô: “ Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, và lạy Chúa, xin cho con biết con.” Chỉ khi nào chúng con biết Chúa thực, thì chúng con mới biết đích thực về anh chị em chúng con. Chúng con biết Chúa để yêu mến, biết mình để khiêm hạ, biết anh chị em con để yêu thương. Nếu khi nào chúng con biết sống như thế, thì lúc đó chúng con mới có bình an và hạnh phúc. Amen.
Têrêsa Hảo
Lỗi của ai? (09.09.2022)
Cùng làm việc chung với nhau nhiều năm liền, chúng tôi nghĩ rằng đã hiểu được tính cách của nhau, vậy mà cũng không thể nào tránh khỏi những lần xúc phạm đến nhau, xích mích từ lời nói, hoặc qua kết quả công việc không được như dự định, từ việc nhỏ nhưng lại trở nên chuyện lớn, khi nói với nhau bằng giọng nói hằn học, dữ dằn, làm sôi lên trong lòng người nghe sự bực tức và bật ra lời nói không vui, dễ gây tổn thương, làm buồn lòng nhau. Thánh Bênađô đã từng chia sẻ : “Trước khi để các lời con nói đi qua miệng, hãy gọt giũa nó vài lần đã”. Chuyện vẫn thường xảy ra hàng ngày trong công sở, trong gia đình, trong hội đoàn, bắt nguồn từ sự không lắng nghe nhau, đổ lỗi cho nhau, người nào cũng biện minh mình làm đúng. Chính từ trong mỗi người vốn có sẵn lòng kiêu hãnh, không chịu thua người khác và đề cao cái tôi của mình.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca: “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?” Lc 6,41. Hình ảnh cái rác và cái đà tương phản về hình dáng lớn nhỏ khác nhau, Chúa Giêsu đưa ra trong dụ ngôn ám chỉ đến cái xấu mà con người hay mắc phải, người ta thường coi lỗi nhỏ của người khác là lớn, trong khi những khuyết điểm tày trời của mình là nhỏ. Một so sánh cho chúng ta nhìn ra giới hạn của mình và khuyết điểm của người anh em mình. Sự trung thực khi nhìn nhận về khuyết điểm của bản thân mình trước khi phê phán một ai đó, giúp cho chúng ta nhận ra con người mình bất toàn, mình cũng có tội lỗi sao lại phê phán gay gắt người khác được. “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”. Lc 6,42.
Chúa Giêsu cảnh báo đừng chỉ thấy lỗi của người khác, mà quên xét lại bản thân mình, “nhân vô thập toàn”, chỉ có Chúa mới phán xét những việc con người đã làm, phân định đúng hay sai. Chúng ta cầu nguyện với Chúa để Người biến đổi tâm trí chúng ta, thánh Eprem cho biết: “Hãy nói chuyện nhiều với Chúa, còn với người ta, hãy nói ít thôi”. Chúng ta được mời gọi thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, nhân hậu, thay vì chúng ta trách cứ, than phiền với nhau mãi, thì chúng ta tâm tình với Chúa, xin Người cất đi những nỗi buồn bực đang diễn ra trong lòng chúng ta.
Một tật xấu khác là hay thích nghe chuyện bàn tán về việc làm của một ai đó, sau đó kể lại cho người khác, câu chuyện cứ xoay vòng và đến tai người mình nói xấu, chuyện gì sẽ đến: làm mất hòa khí, không muốn nhìn mặt nhau… thánh Anphongsô cho chúng ta lời khuyên: “Nghe thấy kẻ nói xấu về chị em nào con đừng đem nói lại với chị em ấy: đó là căn cớ sinh nhiều chuyện sự bất thuận, hằn thù nhau hằng tháng, hằng năm”.
Lạy Chúa, chúng con biết mình hay phạm lỗi, dù không cố tình nhưng cạm bẫy vẫn cứ giăng sẵn, xin giúp chúng con luôn can đảm nhìn nhận và sửa đổi lỗi lầm của chính mình hơn là phê phán người khác. Xin cảm hóa để chúng con biết mở lòng tha thứ cho tất cả những ai xúc phạm đến chúng con.
Anna Anh
Mù mà lại dắt mù được sao (10.09.2021)
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy mọi người sống khiêm nhường, không nên xét đoán, phê bình chỉ trích anh em mình, mà nên tự xét mình mà canh tân thăng tiến.
Đoạn Tin Mừng đây ta thấy Chúa như phản bác, bất đồng qua những điều Người đã thấy nơi người đời, nhất là những người Pharisêu nên Người đã thốt lên: “Mù lại dắt mù được sao?”.Chúa Giêsu dùng hình ảnh người mù thể lý để dạy các tông đồ những điều lớn lao hơn.
Có lẽ Chúa đã nên dận dữ vì thấy các người Pharisêu, hay vỗ ngực tự hào ta là những thầy dạy của dân, lên mặt dạy đời, lại còn bới lông tìm vết, hạch sách phê bình người ta…
Mặt khác việc phê bình xét đoán đó hay sai lầm, vì ta không ở trong họ mà hiểu hết mục đích, hành động của họ được mà chỉ có Chúa mới thấu hiểu hết lòng người thế gian. Những người hay chỉ trích bới móc trên đây, Chúa như muốn gọi họ là những kẻ“mù”. Thực ra, con người dù là thông minh tài giỏi hay là dốt nát đớn hèn thì họ đều là tạo vật của Thiên Chúa tao dựng. Họ đều “chưa có ai được thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1,18), họ. Vì vậy sự sáng suốt, thông hiểu của họ trước mặt Thiên Chúa thì cũng chỉ là những “kẻ mù” mà thôi, cớ sao vỗ ngực dạy đời. Vả lại Chúa Giêsu còn nhắc đến: “Học trò không hơn thầy”, làm ta nhớ đến lời Chúa: “Anh em đừng gọi ai là thầy vì chỉ có một người thầy là Đức KiTô”(Mt 23,8).Đúng vậy, chỉ có người thầy Giêsu, Người là Thiên Chúa, mới là thầy xét đoán chính xác và công bằng tuyệt đối được. Ngày nay ở các trường sư phạm người ta đào tạo để các thầy phải có khả năng gấp mười lần học trò, biết mười dạy một. Con Chúa Giêsu, Thiên Chúa, Người hơn trò không biết bao tỉ tỉ lần, một con sô
vô cùng vô tận.
Chúa muốn ta tự sửa mình vì ta biết ta nhiều nhất: “Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong mắt của mình thì lại không để ý tới”. Người cực ghét thái độ bới lông tìm vết người ta một cách bất công sai lầm, nên đã dùng cách nói quá khích: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ở trong con
mắt người anh em”.Mặt khác để thực thi luật bác ái Chúa muốn ta phải đi bước trước: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”(Mt7,7). Ở đây Chúa muốn mình phải sửa mình trước,rồi mới đến anh em.
Con người ngày nay cũng đã ý thức được lời Chúa Giêsu dạy xưa, nên đã để lại câu phương ngôn: “Chân mình thì lấm lê thê, còn đem bó đuốc mà rê chân người”. Ý thức được như vậy, nhưng mỗi người quyết tâm sửa đổi mình trước vẫn còn không là việc dễ.Họ vẫn thích tự đưa mình lên và hạ thấp người khác.
Việc phê phán, bới móc tội người khác là ta rất dễ bị sai lầm. Nhớ câu chuyện một người giúp việc cho một đại gia chủ giữa thời kỳ đói kém. Một lần nấu cơm anh đã sơ ý đẻ một ít tro bếp rơi vào, vì tiết kiệm lo cho chủ, anh đã lấy ăn phần cơm có tro ấy để thay cho bữa của mình. Khi chưa hiểu gia chủ đã kết anh trọng tội vì đã dám ăn trước cả gia chủ. Nhưng Khi hiểu được tấm lòng người giúp việc, gia chủ đã yêu thương anh hơn trước.
Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con luôn tin tưởng và yêu mên Lời Chúa đã dạy con. Cho con biết luôn xét mình mà sửa lỗi mình trước, như mở đầu thánh lễ hàng ngày đã nhắc con: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Để những người anh em nhìn đến mà yêu mến con, mà họ cũng ra sức sửa mình nữa- Amen.
Giuse Ngọc Năng.
Luôn khiên tốn kiểm điểm chính mình (11.09.2020)
Ghi nhớ:
“Mù lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6, 39)
Suy niệm:
Bà Helen Keller bị mù và điếc từ lúc 19 tháng tuổi. Bà có tâm sự như sau: “Một hôm, có cô bạn của bà đi dạo trong rừng về. Bà liền hỏi cô ấy rằng:
– Bạn vừa đi dạo trong rừng về, thế thì bạn đã thấy được gì?
Cô bạn trả lời:
– Chẳng có gì đặc biệt, hay ho và đáng nói cả!
Nghe cô bạn trả lời như thế làm bà Keller rất đỗi ngạc nhiên, bà tự nhủ: Không thể nào như thế được, bản thân tôi đây vừa mù vừa điếc thế mà chỉ với đôi tay sờ soạng tôi vẫn cảm nhận được hàng trăm điều thích thú đang diễn ra quanh tôi. Tôi cảm thấy được hình dáng dễ thương và mềm mại của chiếc lá, chỉ cần đặt bàn tay lên một cành cây nhỏ đang đu đưa trong gió, tôi cảm nhận được tiếng hót líu lo của một chú chim nhỏ đang đậu trên cành.
Bất hạnh lớn nhất của con người không phải là bị mù, nhưng mà là có mắt mà không nhìn thấy cái hay, cái đẹp của thiên nhiên”.
Bài Tin Mừng hôm nay đặt ra cho mỗi người chúng ta hai hướng suy nghĩ.
– Hướng thứ nhất. Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta có để cho Đức Giê-su làm Thầy và luôn tuân theo các hướng dẫn, chỉ bảo của Thầy hay không?
– Hướng thứ hai. Bản thân chúng ta hiện tại có được đôi sáng mắt để xứng đáng dẫn đường cho những người mà trong bậc sống của mình có trách nhiệm dẫn dắt hay không? Nếu chưa thì ta phải chỉnh sửa cho phù hợp với nhiệm vụ đó, Nghĩa là phải tự rèn luyện mình mà cụ thể là: “lấy cái đà trong mắt mình ra trước đã”.
Chúa Giê-su đến thế gian, Ngài là Vua của sự khôn ngoan thông thái. Ngài dạy chúng ta những điều hay lẽ phải, ngoài Ngài ra không có ai! Không có một ông thầy trần gian nào có thể thay thế được. Chính thánh Phê-rô đã quả quyết: “Bỏ Thầy con biết theo ai? Vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”(Ga 6, 68). Vậy thì chúng ta sẽ trọn đời nguyện đi theo Thầy và thực thi tất cả những điều Thầy dạy vì lời Thầy dạy bảo sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự sống vĩnh cửu.
Bất kể là ai trong chúng ta, mỗi người đều có bổn phận và trách nhiệm dẫn dắt người khác. Mục tử thì dẫn dắt đoàn chiên. Cha mẹ thì dẫn dắt con cái, anh chị thì dìu dắt các em …Nhưng để xứng hợp với vai trò đó thì trước hết chúng ta cần phải là những người “sáng mắt” để không đưa những người mà chúng ta có trách nhiệm xuống hố cùng với chính bản thân mình… Bằng cách luôn luôn rèn tập các nhân đức, trau dồi đạo hạnh, tóm lại là luôn phải biết canh tân sửa mình để mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn như lời kêu gọi của Thầy Giê-su: “Các con phải nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”( Mt 6,48 ). Như vậy thì chúng ta mới có sức hấp dẫn, sức lôi cuốn để có thể thu phục được người khác đi theo mình mà đến với Đức Giê-su.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, thường tình thì chúng con hay xề xòa với bản thân mình và hay khó khăn với những người khác. Xin giúp chúng con từ nay biết đổi thay để nghiêm khắc với chính bản thân mình và khoan dung, độ lượng với anh chị em mình hơn. Xin giúp chúng con mỗi ngày biết khử trừ đi nhưng thói hư tật xấu, tập luyện các nhân đức để chúng con hoàn thành cách tốt đẹp nhiệm vụ của chúng con là nên men trong bột và như vậy chúng con mới có thể đem những người mà chúng con có trách nhiệm đến với Chúa. Amen.
Sống Lời Chúa:
Khoan dung với mọi người và nghiêm khắc với chính mình.
Đaminh Trần Văn Chính.
Luôn khiên tốn kiểm điểm chính mình (13.09.2019)
Ghi nhớ:
“Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em” (Lc. 6, 42)
Suy niệm:
Ca dao Việt Nam có câu:
Chân mình thì lấm bê bê.
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
Vào một buổi tối nọ, có người đàn bà phải chờ đợi chuyến bay mất nhiều thời gian. Trong lúc chờ đợi, bà đi mua một quyển sách và một bịch bánh, rồi tìm chỗ yên tĩnh ngồi đọc.
Đang cắm cúi đọc, người đàn bà nhận ra có một người đàn ông ngồi bên cạnh, ngoài cái đầu hói ra thì chẳng có cái gì gây được sự chú ý. Tuy nhiên, có một điều khiến bà khó chịu là chốc chốc ông ta lại đưa tay vào bịch bánh của bà và lấy ra một hai cái. Tuy bực bội, nhưng bà ta cố tình vờ đi như không hề hay biết để tránh cho người đàn ông kia khỏi ngượng nghịu. Bà ta cố gắng quên đi sự hiện diện của người đàn ông mất lịch sự ấy. Thỉnh thoảng, bà ta lại đưa tay vào bịch bánh lấy ra một cái và người đàn ông cũng làm theo. Cuối cùng, khi bịch bánh chỉ còn lại vỏn vẹn một cái, bà yên lặng chờ xem người đàn ông“ mất dạy” này sẽ làm gì? Ông ta mỉm cười, lấy chiếc bánh cuối cùng bẻ ra làm đôi, trao cho bà một nửa, nửa còn lại ông cho vào miệng! Người đàn bà thầm nghĩ; đây quả là một con người vô liêm sỉ, đã không biết xấu hổ thì chớ lại cũng chẳng nói được một lời cám ơn.
Khi chuyến bay được thông báo. Bà thu dọn hành lý và lên máy bay, chẳng thèm quay lại chào người đàn ông bên cạnh.
Sau khi thắt giây an toàn, người đàn bà bắt đầu kiểm tra lại hành lý, bà ta ngạc nhiên khi thấy cuốn sách mình vừa mua đang nằm trong tay xách, bên cạnh nó là bịch bánh vẫn còn nguyên. Như vậy, cuốn sách mà bà vừa đọc là của người đàn ông, và số bánh mà bà vừa dùng cũng là của ông ta! Bà muốn quay lại để nói lời xin lỗi. Nhưng không được! Bà thở dài vì nhận ra rằng: Kể ăn cắp bánh, kẻ vô liêm sỉ chính lại là bà ta!
Bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su kêu gọi chúng ta phải trở nên người hoàn thiện đã rồi mới có thể sửa lỗi cho anh em mình. Chúa muốn chúng ta phải nghiêm khắc với bản thân: “ Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã”. Như vậy, mỗi ngày chúng ta phải loại trừ đi những tính hư tật xấu cho được trở nên hoàn thiện rồi sau đó chúng ta mới có thể : “Lấy cái rác trong con mắt của người anh em” nghĩa là có thể góp ý, xây dựng tốt cho những người mà chúng ta có trách nhiệm coi sóc, bảo ban vì khi đó lời nói của chúng ta mới có giá trị, mới có sức thuyết phục được.
Thường thì theo lẽ tự nhiên chúng ta có khuynh hướng chỉ nhìn thấy những lầm lỗi, khuyết điểm của người khác, trong khi đó chúng ta lại chẳng thấy hoặc chẳng muốn thấy những điều bất toàn, sai sót của mình. Người ta thường nói: Con người ta có hai cái giỏ, một cái đeo đàng trước, cái còn lại đeo đàng sau, cái giỏ đàng trước thì để chứa những lỗi lầm của kẻ khác, còn cái sau lưng là để chứa những thói hư, tật xấu của mình! Bởi vậy, có khi chúng ta làm điều sai trái, càn quấy nhưng vẫn cho rằng là mình làm đúng! Mình không sai, do đó không cần phải sửa đổi…
Muốn thực hành được Lời Chúa dạy hôm nay, chúng ta phải quyết tâm thường xuyên khiêm tốn tự kiểm điểm chính mình, rút ra ưu khuyết điểm trong con người của mình để rồi, những điều gì tốt đẹp thì phải gìn giữ duy trì. Những tính xấu, tật hư, những điều không phù hợp với điều Chúa dạy thì chúng ta sẽ cương quyết tẩy trừ.
Song nói thì dễ, nhưng khi áp dụng vào cuộc sống đời thường mới thấy khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ cậy trông vào Chúa xin Ngài ban ơn Thánh Thần xuống để chúng ta có sự khôn ngoan cùng với sức mạnh mà thực hiện được những điều Chúa Giê-su dạy bảo.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, theo như Lời Chúa dạy hôm nay, thì xét lại mình thì chúng con thấy đáng bị Chúa kết án nhiều lắm, vì nhiều khi chúng con đã chẳng e dè, chẳng ngần ngại khi xét đoán, lên án anh em. Xin cho chúng con biết mình là những người bất toàn, tội lỗi mà đừng bao giờ xét đoán, lên án anh em nhưng biết trau dồi đời sống đạo đức bản thân để cho mỗi ngày được trở nên hoàn hảo hơn như lòng Chúa mong muốn. Và nhờ đó chúng con biết cách hướng dẫn những người chúng con có trách nhiệm để họ cũng mỗi ngày trở nên hoản hảo hơn. Amen.
Sống Lời Chúa:
Sống nghiêm khắc với chính bản thân và bao dung với hết mọi người.
Đaminh Trần văn Chính
Biết mình – biết sửa – nên gương sáng (09.09.2016)
1. Suy niệm
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một nguyên tắc để sửa lỗi anh em đó là: bản thân mình phải cố gắng luyện tập sửa đổi bản thân nên tốt mới có thể sửa dạy người khác.Tiếng Việt của chúng ta dùng từ “sư phạm” để ám chỉ người dạy học. Sư là thầy, phạm là cái khuôn. Ý nói người làm thầy phải nên gương mẫu để học trò noi theo. Người thầy không chỉ là người truyền thụ một số kiến thức nhưng quan trọng còn là người phải nêu gương về cách sống, đạo đức.
Vì thế, kẻ muốn làm thầy người khác thì trước hết phải biết mình. Biết mình với những tính xấu, tật hư để tự sửa sai bản thân mình: “Tiên trách kỷ” sau đó mới có thể làm thầy, sửa dạy người khác “hậu trách nhân”. Nếu không biết mình để tu thân thì giống như Chúa Giêsu nói: “Mù dắt mù” thì kết quả là cả hai thầy lẫn trò sẽ sa xuống hố.
Đôi mắt của chúng ta thường dùng để nhìn người khác chứ ít khi nhìn mình. Do đó, chúng ta ít thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại dễ dàng nhận ra những sai sót của tha nhân: “Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?”. Trong nhà thờ, người Công giáo hay đấm ngực mình: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng“, nhưng khi ra ngoài nhà thờ thì đấm ngực người khác: “Lỗi tại nó…”.
Chúa Giêsu không ngại quở trách những người không “biết mình”, mà chỉ soi mói anh em giống như những Pharisêu, luật sĩ là những kẻ giả hình: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”.
2. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con phải là những con người biết nhìn nhận lỗi lầm của mình, biết tự sửa sai chính mình trước khi sửa sai người khác. Xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra những thiếu xót, tội lỗi của bản thân và can đảm sửa đổi. Để nhờ cuộc đời thánh thiện, chúng con góp ý cho nhau trong tình huynh đệ chân thành nhằm làm lợi cho Nước Chúa. Amen.
Biết mình (10.09.2015)
Ở câu lạc bộ của những người khuyết tật, có những hình ảnh thật đẹp, cảnh tượng dẫn dắt chỉ đường khéo léo và thắm đượm tình thương: Người mù đẩy xe lăn cho người khuyết tật chân tay, người ngồi trên xe lăn sáng mắt thì chỉ đường cho người đẩy xe.
Không ai có thể cho người khác điều mình không có. Ở đây họ bổ túc, sẻ chia cho nhau phần thiếu khuyết của nhau, kết quả thật êm xuôi, người mù không bị chệch đường, kẻ yếu thì đủ sức tới nơi, quá hay!
Hôm nay Thầy Giê-su cảnh báo các môn đệ trong dụ ngôn: “Mù mà lại dắt mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Với câu hỏi thách thức này, bất cứ ai cũng sẽ trả lời rõ ràng rằng không thể dắt được. Đã mù làm sao thấy đường mà dắt người ta? Tôi phải có đôi mắt sáng mới có thể giúp cho người đi trong bóng đêm, có sáng mắt mới thấy đường mà dẫn dắt người khác.
Ấy là cảnh mù thể lý thì dễ nhận thấy hệ lụy của nó. Còn mù về tâm linh thì sao? Cái khó là mù bên trong lại thật khó để mà nhận ra. “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?”
Biết mình không phải là chuyện dễ, biết được lầm lỗi của mình lại càng khó hơn. Chính con mắt của ta, nó gần mình nhất mà lại khó thấy nhất. Ta không thể biết mắt mình đẹp hay xấu nếu không soi gương hoặc nhận biết từ người khác. Thầy Giê-su dạy muốn “dẫn dắt người” thì phải tự xét mình, phải biết mình trước đã.
Khổ nỗi nhìn người khác thì chỉ thấy rõ những cái xấu chình ình mà không thấy điều tốt lành của họ. Nếu có nhìn vào mình thì chỉ thấy “ngon cơm”, chẳng thấy được “cái tôi to đùng” như cái xà đang che kín mắt. Những xà, rác rưởi khiến ta thành người “có mắt như mù”, khi ấy có dắt người khác coi chừng lại “đưa nhau xuống hố”!… Vậy làm sao để biết được mình?
Thánh Augustinô cho biết không tự mình biết được mà bởi Chúa: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Chỉ có trở về với Chúa, trong ánh sáng Người soi chiếu vào mọi ngõ ngách sâu thẳm hồn ta, mới thấy rõ mọi thứ xà rác trong mắt mình. Chính Chúa sẽ hoán cải, đổi thay, chữa lành, thanh tẩy bụi bẩn, giải thoát ta khỏi mù lòa và làm cho ta có sức thay đổi cách sống của người khác. Trong khiêm nhường, ta sẽ biết được phận mình mà không dám phê bình, chỉ trích tha nhân.
Cần trở về mà học “biết mình” trong mối tương quan với Chúa. Thánh Phao-lô đã “biết mình” mà thú nhận sự mù lòa của mình: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.”
Nhưng Ngài đã được sáng mắt ra nhờ Thầy Giê-su soi dọi dẫn đường cho “biết Chúa”: “Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người.” Và Ngài đã trở nên cột trụ Giáo Hội, nên ánh sáng chỉ đường, hướng dẫn mọi Ki-tô hữu trong cuộc lữ hành trần thế hôm nay.
Én Nhỏ
Đi trong ánh sáng
“Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39)
Suy niệm: Ngày nay trong hầu hết các lĩnh vực người ta đều nhờ đến các chuyên viên tư vấn. Nếu không được những người này cập nhật thông tin, đề nghị giải pháp, người ta rất dễ đưa ra quyết định sai lầm hay các phương án lỗi thời, kém hiệu quả. Ai muốn đến với Thiên Chúa, muốn được sống trong chân lý và ơn cứu rỗi rất cần được Giáo Hội dẫn dắt dưới ánh sáng Lời Chúa. Nếu họ tự mình mò mẫm hay nhờ cậy những người dẫn đường sai lạc, thì như Chúa nói, mù dẫn mù, cả hai sẽ sa xuống hố mà thôi.
Mời Bạn: Thế giới ngày nay tiến bộ nhiều về khoa học, kỹ thuật và tràn ngập thông tin. Nhưng con người quá đề cao cái tôi chủ quan, chạy theo những hệ tư tưởng sai lầm và quan niệm sống lệch lạc về luân lý đạo đức. Từ đó biết bao nhiêu tệ nạn, hỗn loạn xảy ra trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Bạn ghi nhớ lời Chúa nói: “Học trò không hơn Thầy”; chỉ có Đức Ki-tô, Đấng có Lời ban sự sống mới là người dẫn đường đích thực.
Sống Lời Chúa: Siêng năng suy gẫm Lời Chúa, học hỏi giáo lý, và đào sâu đức tin nơi giáo huấn của Hội Thánh, đó là con đường chắc chắn để khỏi rơi vào hố sâu lầm lạc như Chúa cảnh báo.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa, ánh sáng phá tan bóng tối trong con và đòi buộc con hoán cải. Xin cho con đừng cố chấp ở trong bóng tối chỉ vì chút tự ái cỏn con. Xin cho con khiêm tốn để đón nhận những tia sáng nhỏ mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày. Cuối cùng xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý để Chân lý cho con được tự do.” (Thắp Sáng Niềm Tin, 170)