Thư tháng 06.2018 : Trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng

Lá Thư Đặc Trách Tháng 06 / 2018

Trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Về tình yêu gia đình và nam nữ, tục ngữ ca dao Việt Nam là một kho tàng rất quý giá. Qua những vần điệu dễ nhớ và duyên dáng, cha ông để lại biết bao bài học gần gũi và sâu sắc. Dựa vào kinh nghiệm thành công hay thất bại, người xưa muốn truyền lại cho thế hệ mai sau hiểu biết về sự kỳ diệu của tình yêu, giá trị của tình yêu đích thực, phương thế nuôi dưỡng tình yêu vững bền theo năm tháng, về tình nghĩa thủy chung và sống sao cho đúng đạo vợ chồng.

Lá thư tháng này, tiếp nối chủ đề về tình yêu gia đình, xin khởi từ những câu ca dao quen thuộc :

Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
Dù trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

Dù trăm chỗ lệch…

Chỉ trong vài chữ, ca dao đã phản ảnh một thực tại chắc chắn không nghi ngờ. Đó là trên hành trình hôn nhân, sai lệch và khác biệt là chuyện phải có. Và mức độ sai lệch không dừng ở số lẻ hay hàng chục mà nhiều đến hàng trăm kìa.

Có những sai lệch lớn tạo nên chênh lệch, như khác biệt nhiều về tuổi tác, về học vấn hoặc gia cảnh. Tuy nhiên thường đôi bạn đã ý thức về chúng trước khi thành hôn. Nên chỉ cần bên cao cúi xuống một chút, còn bên thấp thì kiễng lên là ổn.

Đừng coi thường những sai lệch nhỏ, có thể gọi là vặt vãnh, như một thái độ thờ ơ, một câu nói xúc phạm, một phản ứng mạnh mẽ, một chọn lựa ích kỷ…. dễ đưa phiền muộn, giận hờn. Nhớ câu “lỗ nhỏ đắm tàu”, hãy sớm giải quyết thỏa đáng kẻo trở thành chuyện lớn lúc nào không hay !

Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa mấy đời cơm khê.

Bi kịch đến với một số người, hy vọng chúng ta không bị rơi vào hoàn cảnh đó, là bạo lực, ngoại tình, và tứ đổ tường, những nguyên nhân cao nhất đưa đến ly dị. Đòi hỏi một sự kiên nhẫn lâu dài, và phải cậy nhờ đến ơn trên.

Kê cho vừa bằng tình yêu

Cũng theo tục ngữ ca dao, chính tình yêu và tình nghĩa, sẽ giúp ta vượt qua những khác biệt, chấp nhận mọi gian khó, đồng cam cộng khổ, và hạnh phúc với hiện tại.

Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam

Lên non thiếp cũng lên theo,
Tay vịn, chân trèo hái trái nuôi nhau.

Vợ chồng như đũa có đôi.
Đã yêu nhau rồi gian khổ ngại chi.

Bởi vì hạnh phúc đâu cần gì những thứ cao sang. Quan trọng là thuận vợ thuận chồng thì tát bể đông cũng cạn.

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon

Tình thương quán cũng như nhà,
Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngút cao.

Yêu nhau trăm sự chẳng nề

Tục ngữ có câu : “Một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”. Muốn sống với nhau sao cho có lý có tình, thì phải biết nói đúng lúc, nói đúng cách và biết lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Để bảo vệ hạnh phúc gia đình, đôi khi im lặng là vàng, nhưng lắng nghe mới là kim cương. Để gia đình đầm ấm cần biết tha thứ cho nhau và biết phục thiện.

Đã thương nhau thì chín bỏ làm mười, đừng vì một cái sai mà quên chín cái đúng, đừng vạch lá tìm sâu hay bới lông tìm vết. Đã là vợ chồng, thì nên thông cảm với những mặt chưa tốt của nhau. Đừng lấy cớ để tìm bù đắp ở nơi khác, đừng đứng núi nọ trông núi kia cao. Hai chữ thủy chung giúp chúng ta có giận thì giận mà thương càng thương. Hãy quý trọng và bảo vệ những gì mình đang có cho hạnh phúc gia đình.

Em ơi chua ngọt đã từng,
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Tay nâng chén muối, đĩa gừng,
Gừng cay, muối mặn xin đừng bỏ nhau.

Yêu như Chúa đã yêu

Với bí tích hôn nhân, tình yêu vợ chồng được nâng lên một tầm cao mới, vì mô phỏng theo tình yêu Chúa Kitô với hội thánh. Thánh Phaolô nhắn nhủ trong thư Êphêsô : “Như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình” (Ep 5, 25.28).

Đó là thứ tình yêu vô điều kiện. Đức Kitô “đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân”, chứ không phải vì chúng ta công chính lương thiện (Xc. Rm 5, 8). Và thánh Gioan xác định : “Ngài đã thí mạng vì chúng ta. Chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em mình” (1Ga 3, 16).

Tình yêu đó được thể hiện trước tiên qua sự bao dung, nhẫn nại. “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4:2). “Hãy đối xử tốt đẹp với nhau, có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô. (Ep 4:32).

Với tình bác ái kitô giáo thì “thương nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12, 10). Đó là thứ tình yêu vị tha : “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2, 4). Và tình yêu dâng hiến, phục vụ : “Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta” (Ep 6 ,7).

Và yêu nhau trong Chúa

Tình yêu hôn nhân kitô giáo còn dựa trên một nền tảng vững chắc là Thiên Chúa. Vì “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 3-12)

Gia đình sẽ hiệp nhất nếu biết cầu nguyện chung “Anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 19-20). Và : “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người sẽ ra tay” (Tv 37:4).

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô khẳng định : “Những phần tử của mỗi gia đình, khi hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, cũng lấy lại được khả năng nhìn vào mắt của nhau, khả năng nói chuyện với nhau, khả năng tha thứ cho nhau, và khả năng nhìn thấy giao ước yêu thương của họ được canh tân trong Thần Linh Chúa”

Xin cùng nhau đọc lời kinh trong lễ kỷ niệm hôn phối : “Chúc tụng Chúa, với lòng nhân hậu Chúa đã hiện diện trong suốt cuộc sống của chúng con khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Chúng con nài xin Chúa phù trợ để chúng con luôn trung thành yêu thương nhau, hầu trở nên những nhân chứng của giao ước mà Chúa đã ký kết với loài người”. Amen

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *