Thư Tháng 10/2016 : Kinh Mân Côi : Lời Kinh Thương Xót

Lá Thư Đặc Trách Tháng 10 / 2016

Kinh Mân Côi : Lời Kinh Thương Xót

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Tháng Mân Côi đã về ! Giáo hội dành trọn tháng mười để mời gọi tín hữu đọc kinh Mân Côi hàng ngày, và cổ võ việc cầu nguyện bằng chuỗi kinh huyền nhiệm. Lời mời gọi đó càng khẩn thiết hơn với các thành viên gia đình Đa Minh, vì Kinh Mân Côi vốn là gia sản của Dòng, Kinh Mân Côi giúp chúng ta đào sâu và sống những yếu tố nền tảng trong linh đạo Đa Minh, đó là  cầu nguyện, hiệp thông, học hành và sứ vụ.

Kinh Mân Côi : lời kinh linh nghiệm

Lòng sùng kính đối với Đức Mẹ qua kinh Mân Côi, bắt nguồn từ thánh Đa Minh và được giáo hội không ngừng phổ biến. Mỗi ngày có hàng triệu lời kinh Mân Côi được Dân Chúa khắp nơi dâng lên, được sánh như vườn hồng bát ngát nức hương tươi thắm dâng lên Mẹ hiền.

Với kinh kính mừng, chúng ta tuyên đọc lại sứ điệp chính của Tin Mừng. Đó là Lời loan báo tin vui của sứ thần Gabriel, và lời chúc tụng của bà thánh Isave về Đấng Emmanuel đã đến ở cùng nhân loại, và người con đầy phúc lạ trong lòng Mẹ, chính là Đấng cứu độ nhân trần.

Vế thứ hai của kinh kính mừng là lời khẩn nguyện của giáo hội. Với ý thức về thân phận yếu đuối tội lỗi, chúng ta cậy nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Chúa Trời, xin Mẹ đoái thương phù giúp cho mọi người, cho những nhu cầu hiện tại và hướng đến hạnh phúc mai sau (khi nay và trong giờ lâm tử).

Ngoài ra, mỗi chục kinh còn đi kèm với kinh lạy cha và kinh sáng danh. Kinh Lạy Cha là lời kinh tuyệt vời nhất do chính Đức Giêsu truyền dạy. Và kinh sáng danh quy hướng mọi lời nguyện của chúng ta về Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thánh Piô Năm Dấu từng chia sẻ : “Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân Côi”.

Kinh Mân Côi : lời kinh hiệp thông

Trong kinh lạy Cha và kinh kính mừng, chúng ta được nhắc nhớ cầu nguyện cho nhau. Những lời xin “cho chúng con” chứng tỏ : kinh Mân Côi không phải là lời kinh cá nhân, mà là lời kinh của hội thánh. Lời kinh ấy bao hàm tất cả mọi người, lời kinh ấy nối kết chúng ta với cộng đoàn, với thân bằng quyến thuộc, với các tín hữu và với toàn thể nhân loại. Và vì thế, mỗi chúng ta đều có chỗ và hiệp thông trong lời kinh của anh chị em mình, đang dâng lên Mẹ từ bất cứ nơi đâu trên địa cầu.

Nhờ những tràng Mân côi của các trái tim yêu mến chân thành, Đức Mẹ không ngừng tuôn đổ mưa hoa hồng ơn thiêng cho giáo hội. Những hoa hồng ân phúc phần hồn phần xác, nhất là ơn sám hối đổi mới cuộc đời, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa, ơn sống tin mừng và cộng tác vào công trình cứu độ.

Dòng Đa Minh có truyền thống cổ võ phong trào “Kinh Mân côi sống” (1), quy tụ thành từng nhóm 20 người, mỗi người cam kết đọc mỗi ngày một trong 20 mầu nhiệm Mân Côi. Như thế mỗi ngày họ hiệp thông trong chuỗi Mân Côi trọn vẹn với tất cả các mầu nhiệm mùa vui, sáng, thương và mừng.

Xin anh chị em tích cực cổ võ phong trào đạo đức này trong huynh đoàn và cho các tín hữu trong khu vực.

Kinh Mân Côi : trường dạy đức tin

“Kinh Mân Côi là cuốn Tin Mừng tóm lược”. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta học trong ngôi trường đức tin sống động của Tin Mừng. Qua 20 mầu nhiệm, chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng, suy niệm và học hỏi. Học nơi cuộc đời và giáo huấn của Thầy Chí Thánh, học theo mẫu gương của Đức Maria, các thánh tông đồ, và các nhân vật trong tin mừng.

Qua các mầu nhiệm Mân côi, ki-tô hữu ngày càng được gắn bó sâu xa hơn vào những biến cố của công cuộc cứu độ. Ngày này qua ngày khác, chúng ta họa lại trong đời mình mẫu gương Ðức Kitô, Đấng làm người ở giữa chúng ta, đã bôn ba rao giảng Nước Trời, đã hiến mình trên Thánh Giá và sống lại vinh quang. Chúng ta học theo gương đức Maria. Mẹ luôn đồng hành với Chúa Giêsu, luôn ghi nhớ suy niệm trong lòng, luôn thưa vâng và hợp tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Hãy lưu tâm đến lời xướng trước mỗi mầu nhiệm, được kèm với một ý nguyện : ta hãy xin cho được… Anh chị em được nhắc nhớ sống các mầu nhiệm Mân Côi, bằng cách thực hành các nhân đức. Đó là sống khiêm nhường, bác ái, thanh thoát, tuân phục và giữ nghĩa cùng Chúa. Đó là kiên trung vác thập giá theo chân Chúa để được sống lại với Người, là ái mộ những sự trên trời và bước đi trong Thần Khí, theo chân Mẹ trên hành trình về Thiên quốc.

Kinh Mân Côi : lời kinh sứ vụ

Theo cha tổng quyền Timothy Radcliffe, OP, mỗi lần đọc kinh kính mừng, chúng ta đang thực hiện một bài giảng, khi nhập vai thần sứ Gabriel để loan báo tin mừng. Bài giảng ngắn gọn nhưng chứa đựng chân lý cứu độ, về tình yêu Thiên Chúa, Đấng yêu thế gian đến nỗi ban chính Con Một.

“Như vậy, tôi muốn nói kinh Kính mừng đơn giản này giống như một bài giảng mẫu nho nhỏ. Bài giảng ấy công bố một tin vui và là bài giảng rất độc đáo. Vì bài giảng này đâu phải là lời của người phàm, mà là Lời của chính Thiên Chúa, Lời vang vọng trong lời của chúng ta …” (2)

Hơn thế nữa, theo gương Đức Mẹ, sau biến cố truyền tin đã lên đường thăm viếng và đem đến ơn cứu độ cho Gioan Tiền Hô. Lời kinh kính mừng, cũng thúc đẩy chúng ta đem Chúa đến cho những ai đang cần ơn cứu độ.

Kinh Mân Côi : lời kinh thương xót

Ngày 13 tháng 10 năm 1917, khi hiện ra ờ Fatima, Đức Mẹ đã xác định danh xưng Ngài là “Mẹ Mân Côi”. Mẹ tha thiết nhắn nhủ chúng ta : hãy tôn sùng mẫu tâm, hoán cải đời sống, và siêng năng đọc kinh Mân côi, để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và cầu nguyện cho người tội lỗi ăn năn trở lại.

Vâng lời Mẹ dạy, giáo hội thêm vào sau mỗi chục kinh, lời kinh Fatima : “… Xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Rõ ràng Mẹ nhắn nhủ chúng ta phải quan tâm đến ơn cứu độ, và trở nên chứng nhân của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương. Thánh Maximilian Kolbe khẳng định : “Bao nhiều tràng chuỗi mân côi là bấy nhiêu linh hồn được cứu rỗi”

Cuối cùng trong tâm tình tin tưởng phó thác vào lòng từ ái của Mẹ, chúng ta cùng dâng lên lời kinh quen thuộc :

Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương,
Ngọt ngào cho cuộc sống, Kính chào lẽ Cậy Trông…

Ôi lượng cả khoan hồng, Ôi tấm lòng xót thương,
Ôi dịu hiền nhân hậu, Trinh Nữ Maria.

Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu op

Ghi chú :

(1) Phong trào do sáng kiến của bà Pauline Jaricot tại Lyon năm 1826. Trước đây, khi chưa có mầu nhiệm sự sáng, mỗi nhóm 15 người.

(2) Timothy Radcliffe, OP, Bài nói chuyện tại Lộ Đức, tháng 10-1998

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *