Hiển Linh bước hiệp hành trên sóng (05.01.2022 – Thứ Tư sau lễ Hiển Linh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Ga 4,11-18, Mc 6,45-52

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 6,45-52)

45 Sau khi cho năm ngàn người được ăn no nê, lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, về phía thành Bết-xai-đa, trong lúc Người giải tán đám đông. 46 Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện. 47 Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. 48 Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông, và Người định vượt các ông. 49 Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. 50 Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” 51 Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, 52 vì các ông đã không hiểu phép lạ bánh hoá nhiều : lòng các ông còn chai đá !

Hiển Linh bước hiệp hành trên sóng (05.01.2022)

“Họ thấy Người đi trên mặt biển” (Mc 6, 49)

Tin  Mừng  hôm nay,  Chúa  Giê-su  hiển  linh  uy quyền của Thiên Chúa trước thiên nhiên, khi người đi trên mặt biển cuồn cuộn sóng trào, mà đến với các môn đệ đang trên thuyền ngã nghiêng chao đảo! Hiển linh bước hiệp hành trên sóng! “Hãy yên tâm. Có Thầy đây. Đừng sợ!”. Đây không phải là lời trấn an mơ hồ, nhưng là lời mời gọi xác tín uy quyền của Thiên Chúa trong Chúa Giê-su. Việc Người “đi trên biển sóng” đến với các môn đệ và “làm cho biển yên sóng lặng” là việc của quyền uy Thiên Chúa. Chúa hiển linh bước hiệp hành trên sóng. Uy quyền của Thiên Chúa hiển linh trong dòng đời của mỗi chúng ta, trong hành trình dương thế của các gia đình, trong lịch sử của một cộng đoàn và cả nhân loại. Điều quan trọng là chúng ta có khiêm nhượng mà nhận cho ra sự can  thiệp  của Thiên Chúa và hân hoan vui mừng tạ ơn Ngài.

Bởi có biết bao người, khi gian truân khốn khó, lúc bão táp phong ba, thì kêu la cầu khẩn, thì van vái khấn xin…và đến hồi bình an thanh nhàn, thảnh thơi thoải mái, thì vỗ ngực xưng tên ta đây tài, ta đây giỏi! Được mấy người vượt qua cơn bệnh covid kinh hoàng mà nhận ra sự can thiệp của Chúa “cho còn ở lại trần gian này để có thời gian mà dưỡng tánh, tu tâm, mà sống đời công chính và cao rao ca tụng danh Chúa?!”. Vẫn còn có những người tự hào về kiến thức y học của mình, hoặc về chuyện xông mũi, sát khuẩn, kịp chạy chích vaccin, nên tránh được con virus quái ác… mà quên đi bước hiệp hành kỳ diệu của Thiên Chúa quan phòng! Ước gì các gia đình nhận ra sự hiện diện, sự can thiệp của Thiên Chúa trong dòng đời chúng ta, luôn khẩn cầu Thiên Chúa cứu giúp và luôn cảm tạ hồng ân Chúa từng phút giây.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình chúng con vui sống trong tâm tình tín thác vào uy quyền và tình thương vô biên của Chúa. Amen.

BCT

Hiển linh uy quyền của Thiên Chúa (06.01.2021)

“Họ thấy Người đi trên mặt biển”. Trên biển, thuyền của các môn đệ chao đảo. Chúa Giê- su đi trên mặt biển mà đến với họ, và nói: “Hãy yên tâm! Có thầy đây, đừng sợ!”. Biển yên, sóng lặng. Có Thầy đây, đừng sợ. Uy quyền vĩ đại của Thiên Chúa đang  hiển  linh  nơi  Chúa  Giê-su.  Lời  Chúa  muốn  nhắc  nhớ chúng ta hãy đặt niềm tin vững vàng vào Chúa Giê-su. đấng có quyền khiến phong ba bảo táp cuộc đời phải ngưng ngay cho sóng yên biển lặng, đấng duy nhất có quyền mang lại bình an cho cuộc sống con người chúng ta.

Có những cơn sóng dữ  trong  cuộc  sống  gia  đình  hôm nay: cơn sóng dữ mang tên “nhu cầu vật chất gồm cơm áo gạo tiền,  đua  đòi  mua  sắm,  trang sức,  phương  tiện,  cơn  sóng  dữ mang tên “tiêu khiển, giải trí, du lịch, hưởng thụ bằng người hay hơn người”, cơn sóng dữ mang tên danh lợi dục. Thế mà, nhiều gia đình hôm này cần có cái  “danh lợi dục” hơn là cần Lời Chúa. Mở mắt ra là đã nghĩ ngay việc làm sao có cái ăn, có cái tên, có sức khỏe, nghĩ ngay đến cái “danh, lợi, dục” rất trần gian, mà chẳng bận tâm hôm nay Lời Chúa dạy gì,  Chúa muốn chúng ta làm gì!

Có phải tự chúng mình làm nên con sóng dữ, rồi lao vào con sóng dữ để lao đao, quỵ ngã? Còn có cả những cơn sóng ngầm của cách sống lừa dối nhau, làm những thước phim bình an hạnh phúc, mà thật lòng chẳng có chút yêu nhau! Thật vui  mừng  vì trong  chúng  ta, ngay nơi  người trẻ, còn đang có nhiều gia đình đặt trọn niềm tin vào Chúa, nhờ Lời Chúa, nhờ tham dự thánh lễ và tiệc Thánh Thể, mà cuộc sống của họ thực sự bình an hạnh phúc trước những phong ba.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết giữ Người ở lại trên thuyền đời, trong lòng, và trong nhà chúng con. Amen.

BCT

Chính Thầy đây đừng sợ (08.01.2020)

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu như muốn lánh khỏi dân chúng: “Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia…”. Rồi từ biệt các ông, “Người đã lên núi cầu nguyện”. Người muốn dạy các tông đồ việc cầu nguyện phải cần thiết như cơm ăn, như hơi thở cho phần xác con người. Nghỉ ngơi, cầu nguyện để lấy lại sức phần xác, để tạ ơn Chúa về những việc làm vừa qua và xin ơn soi sáng, thêm sức cho công việc ngày mai. Dù không cùng ở với các ông, nhưng Người đã “Thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông”.

Đây chính là một tình yêu thương, lo lắng đặc biệt cho các ông vì là những người cùng đồng hành sứ mệnh với Người. Người cũng bắt đầu hé lộ quyền năng của người để nâng đỡ, khích dẫn tinh thần cho các ông bằng việc “Người đi trên mặt biển mà đến với các ông… ”. Qua đây ta thấy rằng quãng đời theo Chúa của các tông đồ, hoặc của chúng ta hôm nay cũng sẽ gặp nhiều gian nan khốn khó, phải “vất vả chèo chống”. Nhưng người có đức tin sẽ nhận ra rằng Chúa vẫn đang theo dõi, vẫn thấy đời mình như các tông đồ xưa “phải vất vả chèo chống vì gió ngược”. Rồi Người sẵn sàng tra tay cứu giúp khi cần thiết như đã nâng đỡ các tông đồ. Có điều hôm nay ta thấy câu chuyện các tông đồ, khi phải vất vả chèo chống như vậy trong đêm, mà chẳng hề thấy các ông nhắc tới Chúa, trong khi Chúa thì thương và lo cho các ông. Tâm hồn các ông hình như chỉ nghĩ đến làm sao để có nhiều bánh, nhiều cá, có người thầy dũng mãnh uy lực làm bá chủ thiên hạ. Họ chưa nghĩ được rằng Thầy Giêsu đang ở cạnh mình đây, không những có khả năng ban cho mình thỏa mãn bánh cá và mọi thứ vật chất ở đời này, nhưng còn có khả năng ban cho họ những sự cao siêu vượt trí lòng của họ nữa. Chẳng vậy khi Chúa đến cứu giúp, “các ông lại tưởng là ma”. Cuối  cùng Tin Mừng đã kết luận: “Người lên thuyền với các ông và gió lặng. Các ông thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa nhiều: Lòng trí các ông con ngu muội”. Các ông mới là những kẻ chập chững theo Chúa, lời Chúa chưa thấm được vào các ông là bao, nhất là sức mạnh Thánh Thần các ông lại càng chưa biết đến.

Chuyện một ông bố thấy gia đình mình thời gian qua khô khan  nguội lạnh trong đời sống đạo và đã gặp nhiều điều bất hạnh phần xác, phần hồn. Trong bữa cơm cuối tuần với vợ con, ông đã tâm sự: “Ở đâu vắng cầu nguyện, vắng lời tạ ơn Chúa là vắng Thiên Chúa. Mà ở đâu vắng Thiên Chúa thì ở đó ma quỷ nó sẽ chen vào và đem mọi sự khốn nạn cho gia đình và mọi người”,  nghe cũng thấm thía.

Lạy Chúa! Nếu không có Chúa chúng con sẽ chẳng làm gì được. Xin Chúa luôn đồng hành trong mọi bước đường đời con. Dù khi thanh thản hay trong cảnh gian truân. Nếu có Chúa con sẽ chẳng sợ, chẳng thiếu thốn gì.  Amen.

Gs. Ngọc Năng

Đấng quyền phép yêu thương đang ở ngay giữa (09.01.2019)

Tin Mừng hôm nay tiếp sau phép lạ Chúa Giêsu đã làm với năm cái bánh và hai con cá, đã làm cho hơn năm ngàn người ăn no nê mà còn dư được mười hai thúng đầy. Tin Mừng cho thấy các Tông đồ phải trải qua một đêm đầy gian khổ bất lực bất an. Vì sao vậy? Chính câu cuối đoạn Tin mừng đã trả lời: “Vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hóa ra nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội”.

Không hiểu phép lạ bánh hóa ra nhiều” chứng tỏ các ông chưa đủ một đức tin để nhận ra Đức Giêsu đang ở với mình chính là con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Ngài có đủ quyền năng, tình yêu thương đã đến thế gian để cứu chuộc các ông và để mọi người được cậy nhờ. Có lần Chúa đã nói với các Tông đồ: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi thì dù anh em có bảo núi này rời khỏi đây qua bên kia nó cũng sẽ qua.” (Mt 17,20).

Cần nói thêm về phép lạ bánh hóa ra nhiều. Sau khi làm phép lạ một ngày, Chúa Giêsu lại gặp những người được “no nê” hôm trước tìm Người. Không phải họ đến vì phép lạ mà yêu mến Chúa, nhưng vì họ lại muốn được no nê. Cơ hội ấy Chúa đã dạy về sự sống đời đời và bánh hằng sống, mà phép lạ Chúa muốn dẫn mọi người đến điều ấy: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh…”(Ga6,27). Sau khi làm phép lạ, trong Tin mừng hôm nay, “Người lên núi cầu nguyện”. Đúng là trong mọi công việc Người hằng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha.

Còn các Tông đồ thì sao, không thấy nói đến cầu nguyện, cũng chỉ thấy như dân chúng hăm hở “ra công làm việc” chỉ vì để được những con cá, để được cái bụng “no nê” như họ. Các ông như đã loại Chúa, loại lời dạy về lẽ sống của Chúa ra khỏi các việc của các ông mà cậy nhờ vào chính mình. Thật thương cho các ông. Kết cục phải “vất vả chèo chống vì gió ngược”. Đấng quyền phép yêu thương ở ngay bên cạnh mà không biết “lại tưởng là ma thì la lên”. May thay tình thương của Chúa không chấp chiếm, đã bao phủ hết những ngờ vực, yếu kém của các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ”. Thế là các ông được sung mãn khi được Chúa ở cùng.

Ngày xưa dân Do Thái được Chúa yêu thương, sai Môsê đưa dân ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập về Đất hứa. Khi qua rừng vắng, Chúa đã để họ gặp phải nhiều tai ương thử thách. Họ đã trách Môsê, trách Chúa. Nhưng khi Chúa ban ơn cứu giúp họ mới nhận ra Thiên Chúa tình thương dẫn dắt họ. Ngày nay mỗi chúng ta cũng như dân Do Thái đang vượt “rừng vắng” thế gian, cũng như các Tông đồ đang vượt biển trần đời. Dù lúc thuận buồm xuôi gió hay vất vả gian lao, mỗi chúng ta có nhận ra Chúa luôn đồng hành và yêu thương mình không?

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con, vì con chắc rằng, bởi thân phận yếu đuối nên cũng chẳng hơn gì dân Do Thái hay các Tông đồ xưa. Để trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, con luôn vui tươi, tin tưởng Chúa đang yêu thương dẫn dắt cuộc đời con. Amen.

Gs. Ngọc Năng (BC).

Tâm an (06.01.2016)

Gần đây trong giới Phật tử thường hay nói về chữ TÂM trong các khóa an cư kiết hạ, các dịp tịnh tâm, hoặc những buổi nghe thuyết giảng Phật pháp, đó là:

“Tâm an vạn sự an

Tâm bình thế giới bình

Tâm động vọng thì đời bão nổi

Tâm yên bình gió bão xa rời…”

Phật giới chủ trương Đạo và Đời góp lại trong một chữ TÂM. Từ đó, hiệu triệu làm thế nào để “Sống là động nhưng lòng không động”. Nói cách khác là “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Trong nhịp sống hối hả như hiện nay, việc giữ Tâm luôn tĩnh lặng, sáng suốt, vô ưu là một việc làm xem ra vô cùng khó khăn. Bởi vì, chúng ta đang sống trong thời đại mà chủ nghĩa khoái lạc, và chủ nghĩa duy vật chất đang ở thế thương phong, đang hết sức cường thịnh, và đang lôi cuốn mạnh mẽ con người ta lao vào guồng máy của nó. Mọi chuyện trong cuộc sống dù lớn hay nhỏ đều tác động ít hay nhiều đến với chúng ta. Lắm lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi tất cả. Và khi hoàn cảnh đưa đẩy, ta bàng hoàng nhận ra, hình như mình đã không còn là mình, và mọi chuyện không còn nằm trong tầm kiểm soát của mình nữa. vì thế, tâm bất an, lo lắng, hoài nghi đi đến chỗ sợ đủ thứ… ăn không ngon, ngủ không yên, mệt mỏi, chán chường…

…Cách nay hơn 2000 năm, Đức Giêsu đã để các đồ đệ của mình hành trình trên biển một mình vào lúc chiều tối. Trời bỗng nổi gió to và thổi mạnh, biển động, sóng to ập vào thuyền, các đồ đệ loay hoay chèo chống vất vả vì ngược gió.

Tâm bất an trước nghịch cảnh. Các ông hoảng sợ.

Tâm hèn tin vào Thầy Giêsu. Các ông hoảng sợ

Tâm lo lắng. Các ông không nhận ra thầy Giêsu của mình đang cỡi trên sóng to gió lớn để đến cứu giúp mình.

Nhưng Đức Giêsu đã đến và nói với các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”.

Thế mới biết, “Nhứt thiết duy tâm tạo”, nghĩa là: “Mọi sự việc đều do tâm tạo ra”

Cùng một sự việc xảy ra có người thì cảm thấy bình thường, là chuyện nhỏ bé; nhưng có người lại cảm thấy như đất bằng sụp xuống, là chuyện lớn lao động trời. Ấy là do bởi, Tâm không tỉnh. Tâm bất an. Thì giông bão trong lòng nổi lên, rồi hoảng loạn, sợ hãi đủ điều.

Hành trình đến với Thiên Chúa luôn ẩn chứa những bất trắc, hiểm họa, với muôn vàn khó khăn thách đố luôn chực chờ…. Những điều này cần phải xảy ra để giúp chúng ta ý thức hơn về sự yếu đuối, mỏng giòn, và bất toàn của thân phận con người. Cuộc đời của bất cứ ai trong chúng ta cũng phải gặp phong ba, bão táp… Chỉ khi nào chúng ta hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa, nép mình vào Chúa, cậy dựa vào Chúa, phó thác cuộc đời cho Chúa… thì chúng ta mới được bình an thật sự trong tâm hồn.

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mc 6, 50). Lời Chúa vẫn đang trấn an chúng ta ngay trong lúc này đây. Nhưng liệu chúng ta có vững tin, dám phó thác hoàn toàn cuộc đời mình cho Chúa định đặt, dẫn dắt, an bài hay không ? Hay chúng ta vẫn mãi hoài nghi, lo lắng chuyện thế sự cuộc đời ?

Thiên Chúa là người cha đầy quyền năng, và cũng đầy lòng nhân ái bao dung. Lòng thương xót Chúa trải dài qua muôn thế hệ, từ đời nọ cho đến đời kia… mãi mãi không cùng.  Chúng con xin phó thác cuộc đời trong tay Cha. Chúng con xin dâng lên Cha hiện tại, tương lai đời mình với bao buồn vui và hy vọng. Xin Cha luôn là thành lũy bảo vệ cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, giữa phong ba thử thách cuộc đời, xin cho chúng con luôn tin tưởng vào sự hiện diện quyền năng và yêu thương của Chúa; nhờ đó chúng con sẽ an tâm đi trọn cuộc hành trình, và đạt tới bến bờ bình an. Amen.

CÁT BIỂN

Có Chúa hiện diện

Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. (Mc 6,51).

Suy niệm: Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, Đức Giê-su phải vất vả giải tán đám đông muốn tôn Ngài làm vua, sai môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia, rồi lên núi cầu nguyện. Lúc đó sắp đến lễ Vượt Qua, tức là thời kỳ trăng tròn (khoảng giữa tháng tư). Trong ánh trăng rằm, từ trên núi Ngài có thể nhìn thấy con thuyền của các môn đệ phải vất vả chèo chống vì gió ngược. Ngài liền chấm dứt cầu nguyện, đi trên mặt biển đến với các ông, làm cho sóng êm gió lặng. Như vậy, qua ba sự kiện này, ta nhận thấy: Ngài là vị Thầy luôn chạnh lòng thương dân chúng (c. 34), quan tâm đến những nỗi vất vả của môn đệ (c. 48) và đầy quyền năng trên sóng nước (c. 51). Đức Giê-su, hiện thân của Thiên Chúa ở giữa con người, để che chở và giải thoát con người.

Mời Bạn: Luôn nhớ đến sự hiện diện yêu thương của Chúa nơi bạn, để rồi tin tưởng, phó thác mọi sự trong tay Ngài, làm mọi sự dưới cái nhìn trìu mến của Ngài. Điều đáng sợ nhất trong cuộc đời là bạn đánh mất Thiên Chúa, mất cảm thức về sự hiện diện liên lỉ của Ngài trong ngày sống của mình.

Chia Se: Đâu là những nỗi sợ hãi của bạn trong cuộc sống? Bạn đã làm gì để có thể tìm thấy sự bình an trong tâm hồn?

Sống Lời Chúa: Tôi thường xuyên  dâng lời nguyện tắt sau: “Lạy Chúa, Chúa luôn ở với con và yêu mến con.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc đời con lúc nào cũng đầy những sóng gió trong công việc, trong bổn phận, trong các mối tương quan… Xin cho con nhận ra Chúa đang ở với con, nâng đỡ và giúp con vượt qua những sóng gió cuộc đời ấy. Amen.

Đừng sợ

Chúa Giêsu bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mc 6, 50b).

Suy niệm: Biển sâu, đêm đen, gió ngược là những hình ảnh nói lên hoàn cảnh các môn đệ đang phải vất vả chống chọi với những mãnh lực và cạm bẫy của thế gian, ma quỷ. Bị bủa vây giữa muôn vàn nguy hiểm nhưng các ông dường như không ý thức; còn khi trông thấy Chúa đi trên biển để đến với các ông, các ông lại kinh hoảng vì tưởng Chúa là quỷ ma hiện hình. Trước sự sợ hãi của các môn đệ, Chúa Giêsu đã lên tiếng trấn an các ông: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Chúa muốn dạy các ông biết nhận ra Chúa giữa muôn vàn cạm bẫy của biển cả thế gian và biết tín thác vào Chúa là nguồn sức mạnh giúp các ông vượt thắng mọi sợ hãi.

Mời Bạn: Sợ là phản ứng tự nhiên của bản năng con người khi họ cảm thấy sự an toàn, sự sống còn của bản thân mình bị đe doạ. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy sự an toàn bền vững nơi Đức Kitô, là Đấng đã nói với chúng ta “Đừng sợ!” Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích: “Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô!” “Mở ra” để “đón lấy” là hai hành động thiết yếu của đời sống đức tin. Có “mở ra” mới có thể “đón lấy” Chúa Kitô, là nguồn sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi của con người.

Sống Lời Chúa: Dù bạn rất bận rộn, ngày nào bạn cũng dành thời gian suy niệm Lời Chúa, nhất là khi bạn đang phải chiến đấu với cám dỗ, thử thách.

Cầu nguyện: Xin giúp con luôn biết hướng lòng về Chúa, luôn nhận ra Chúa đang cùng đồng hành với con giữa những đau khổ, thử thách của cuộc đời, để con không còn sợ hãi trước bất cứ nghịch cảnh nào và bước đi trong ánh sáng của Chúa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *