Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Kn 6,1-11 (Năm Lẻ), Tt 3,1-7 (năm chẵn), Lc 17,11-19
Bài trích sách Khôn ngoan (Kn 6,1-11)
Hãy lắng nghe, hãy cố hiểu, hỡi các bậc quân vương ;
hãy học cho biết, hỡi những vị đang nắm quyền
trên khắp cõi trần gian.
Mở tai ra, hỡi những ai đứng đầu trong thiên hạ,
đang tự hào vì có đông đảo chư dân.
Vì chính Đức Chúa đã ban cho chư vị quyền bính
và chính Đấng Tối Cao đã ban quyền thống trị.
Cũng chính Người sẽ kiểm tra các việc chư vị làm
và dò xét những điều chư vị toan tính.
Chư vị là bề tôi phụng sự vương quyền Người,
nếu như chư vị không xét xử công minh,
không tuân giữ lề luật, không theo ý Thiên Chúa,
thì quả là kinh khủng hãi hùng,
Người sẽ kíp đứng lên chống chư vị,
vì một án quyết thật nghiêm minh
vẫn dành sẵn cho những kẻ có chức có quyền.
Quả vậy, người phận nhỏ được thương tình miễn thứ,
kẻ quyền thế lại bị xét xử thẳng tay.
Chúa Tể muôn loài không bao giờ vị nể,
kẻ quyền cao chức trọng, Người cũng chẳng kiêng dè.
Sang hay hèn đều do Người tạo tác,
đều được Người chăm sóc hệt như nhau,
nhưng kẻ quyền cao sẽ bị tra vấn nghiêm nhặt.
Vậy, hỡi các bậc vua chúa quan quyền,
những lời tôi nói đây, xin gửi tới chư vị
để chư vị học biết lẽ khôn ngoan,
mà khỏi phải sẩy chân trật bước.
Ai sống thánh và tuân giữ luật thánh,
thì được kể là bậc thánh nhân.
Ai học hỏi luật thánh, thì sẽ tìm được lời bào chữa.
Vậy chư vị hãy ước ao khao khát lời tôi,
và chư vị sẽ được chỉ bảo.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca ( Lc 17,11-19)
11 Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng : “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !” 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ : “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói : “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” 19 Rồi Người nói với anh ta : “Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
Cứu chuộc nhau để tạ ơn chúa cứu chuộc (13.11.2024)
“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.
Mười người phung cùi được Chúa Giê-su chữa lành, nhưng chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa. Người ấy lại là người xứ Samaria, dân ngoại. Hóa ra, người nhà của Thiên Chúa đáng lý phải hết lòng tạ ơn Chúa, thì lại vô ơn cách tệ hại hơn những người mà chúng ta gọi là người lương. Chuyện ngược đời! Cha mẹ cả đời vất vả hy sinh cho con, thì con lại phụ ơn bạc nghĩa, còn ai đó cho con đôi đồng, giúp con thăng quan tiến chức, ai đó cứu mạng con, thì con lại trân quý, mang ơn, đền ơn cách xứng đáng, còn kính cẩn nghiêng mình dạ dạ vâng vâng!
Câu chuyện người phung cùi xứ Samaria hôm nay nhắc nhớ các gia đình luôn sống trong niềm vui tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì ơn cao trọng hơn cả là ơn được cứu mạng khỏi chết đời đời, được sống lại và được sống muôn đời trong Nước Chúa nhờ công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô. Tạ ơn Chúa bằng cách sống công chính theo Lời Chúa Giê-su dạy, bằng cách sống bí tích Thánh Thể giữa đời là bẻ tấm bánh đời mình ra cho người khác được ăn, được sống và sống dồi dào. Tạ ơn Chúa bằng cách yêu thương người với lòng cảm thông, thấu hiểu, khoan dung tha thứ, quảng đại sẻ chia, giúp đỡ, chạnh lòng xót thương và bước xuống, xuống tay chữa lành bao thương tích cho người.
Cụ thể hơn, việc tạ ơn đẹp ý Chúa là vợ chồng yêu thương hy sinh chung thủy; là cha mẹ làm gương sáng và giáo dục con cái sống công chính để có một gia đình an bình hạnh phúc như ý Chúa muốn; là cả nhà yêu Chúa, yêu Giáo Hội, yêu nhau, yêu hết mọi người! Cha mẹ bất hòa, vợ chồng bất thuận, con cái bất nhất, anh em bất nhân bất nghĩa…là lời tạ ơn Chúa được sao?
Lạy Chúa, xin cho đại gia đình Đa minh chúng con và tất cả mọi gia đình công giáo luôn biết tạ ơn Chúa đã yêu thương cứu chuộc, bằng cách yêu thương cứu chuộc nhau khỏi chết muôn đời. Amen.
BCT
Luôn nhớ tạ ơn Chúa (15.11.2023)
“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”
Mười người phong hủi được Chúa Giê-su chữa lành. Duy chỉ có người phong cùi ngoại giáo quay trở lại cảm ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay làm nhói lòng mỗi người tín hữu chúng ta, và cũng là lời nhắc nhở khẩn thiết về bổn phận tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, vị đại ân nhân của chúng ta.
Chị là một hội viên Đa Minh tân tòng, lấy chồng có đạo nên chị cũng theo học giáo lý và được lãnh nhận đủ các Bí tích: Rửa tội, xưng tội rước lễ, thêm sức, Hôn phối, đầy đủ để trở nên một tín hữu Công giáo nay đã hơn mười năm. Chị yếu đuối hay đau bệnh vặt thường xuyên, dù thế chị vẫn cố gắng siêng năng đến nhà thờ dự lễ và cầu nguyện với tất cả lòng tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa. Bẵng đi vài tháng, mọi người chợt thấy vắng bóng chị, nhưng sau đó đã ngạc nhiên vì lại thấy cả hai vợ chồng chị cùng xuất hiện ở nhà thờ đến dự Lễ, rồi ở lại nguyện Kinh Phụng Vụ với Huynh Đoàn Đa Minh, chị tâm sự: “ Gia đình em gặp mấy biến cố nặng nề…, nhưng nhờ ơn Chúa Mẹ giúp, giờ đã vượt qua rồi, vợ chồng em đi xin Lễ tạ ơn Chúa và ủng hộ cho quỹ nhà thờ cùng hội của chúng ta làm việc bác ái…”.
Anh chị em Đa Minh chúng ta đã từng đọc đoạn Tin Mừng này …, và mỗi người tự xét mình, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở để mỗi người chúng ta luôn biết ý thức sống tâm tình “ Tạ ơn Chúa”, tạ ơn Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời…, vì từng hơi thở của ta cũng nhờ ơn Chúa ban mà có, tất cả sông núi cảnh vật thiên nhiên đều nhờ Chúa ban cho loài người được tận hưởng, nên chúng ta luôn mãi nhớ cảm tạ ơn Ngài.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn và tôn vinh Chúa trong từng giây phút của cuộc đời mình. Amen.
BCT
Còn chín người kia đang ở đâu? (10.11.2021)
Ngày 10.11 : Lễ Nhớ Thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh
“Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”. (Lc 17, 18)
Mười người phung hủi được chữa lãnh, mà chỉ có một người dân ngoại trở lại cảm tạ và tôn vinh Chúa Giê-su. Còn chín người kia đang ở đâu? Trong đời thường, nếu có ai đã từng làm phước cho chúng ta vượt qua hoạn nạn, đau khổ, bệnh tật, nghèo túng… chúng ta vẫn thường nhớ ơn họ, và tìm cách đáp đền phần nào ân nghĩa ấy. Một lời cảm ơn, một chút quà nhỏ, một lần ghé thăm…Đó là việc của “người có đạo làm người”.
Chúa Giê-su đang có ý trách người Do Thái, những con người được chọn là Dân Riêng của Thiên Chúa, mà chưa sống được cái lẽ “đạo làm người” của xã hội loài người, thì nói chi đến việc sống cái lẽ “Đạo làm con cái của Thiên Chúa”. Còn chín người dân riêng của Thiên Chúa đang ở đâu? Phải thật thà khiêm tốn mà nói rằng, có không ít người công giáo, đã không nhận ra ơn lành của Chúa tràn đầy trên mỗi người, mỗi gia đình, đã không sống tâm tình tạ ơn Chúa, lại còn luôn ta thán, rên rỉ, trách móc Chúa. Những ngày dịch bệnh bị phong tỏa ngột ngạt trong khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội, có người la lên rằng: “Trời ơi cho tôi chút không khí để thở’. “Trời ơi cho tôi chút tự do để đi lại. Tôi cuồng chân rồi”. Và cũng có người ngộ ra: “Bình thường, chẳng phải mất tiền mua khí thở. Bây giờ, phải mua từ trăm rưỡi đến triệu rưỡi một bình, để cứu người nhà, cứu cả nhà!”.
Hãy tạ ơn Chúa luôn trong mọi hoàn cảnh, vì Chúa ban muôn hồng phúc cho chúng ta, và nhất là đã ban mạng sống của Con Một Người, để cứu mạng chúng ta khỏi chết đời đời!
Lạy Chúa, xin cho các gia đình chúng con nhận ra ơn yêu thương quan phòng của Chúa, và luôn dâng lời cảm tạ Chúa. Amen.
BCT
Lạy Thầy Giêsu! Xin dủ lòng thương chúng tôi (11.11.2020)
Ngày 11.11: Lễ Nhớ Thánh Mác-ti-nô, giám mục
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu chữa cho mười người được khỏi bệnh phong hủi, và dạy ta về lòng biết ơn.
Phong hủi thời Chúa Giêsu là căn bệnh bất trị. Người mắc bệnh khổ sở vô cùng. Thân xác họ lở loét đau đớn, bị khinh dể, phải ở cách ly. Ai may ra hết bệnh thì đi trình các tư tế khám, nếu khỏi thật thì mới được về với cộng đồng.
Hôm nay, Chúa đã gặp mười người phong hủi khốn khổ này. Chắc họ đã được nghe đến danh Giêsu mà đem lòng tin tưởng, mong chờ. Họ đã “đón gặp người”. Họ cũng biết thân phận mình nên chẳng dám đến gần ai mà “đứng lại đàng xa mà kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi! ”. Lời van xin đã chạm đến trái tim yêu thương của Chúa. Khác với lần trước đã chữa một người, lần này Chúa nhận lời ngay: “Hãy đi trình diện với các tư tế” và “đang khi đi thì họ được sạch”.
Chúa dạy ta phải có lòng biết ơn. Vì khi mười người đều được khỏi bệnh mà chỉ thấy một người trở lại cám ơn. Chúa trách chín người kia mang danh dân Chúa mà vô cảm, vô ơn :“Không phải cả mười người đều được sạch sao? thế thì chín người kia đâu không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.
Có lần Chúa đã dạy ta khi làm phúc bố thí “tay phải không được cho tay trái biết” (Mt 6,1-6). “Phải tha nợ cho anh em vì ta đã được Thiên Chúa tha nhiều nợ hơn.” (Mt 18, 21-35). Nhưng hôm nay Chúa đòi mấy người bệnh phong phải biết ơn, phải “trả nợ” Chúa, điều đó có nghịch lý không? Không chút nào! Bởi vì là Thiên Chúa, là chủ mọi sự, nên Người có quyền đòi hỏi để dạy dỗ và để lại ban ơn cho ta. Hội thánh cũng thưa lên trong kinh tiền tụng: “Lời ca tụng của chúng con, không đem lại ích lợi gì cho Chúa, nhưng đem lại ơn cứu độ cho chúng con”.
Là ông chủ giàu có vô cùng, chỉ có ban phát, cho không, Chúa cần ta lòng biết ơn vì: Lòng biết ơn đem lại lợi ích cho ta, giúp ta gắn bó với người ban ơn để được hưởng mãi tình yêu, ân huệ người đó ban tặng. Nó giúp ta dẹp đi lòng kiêu căng mà sống khiêm nhường, nhận ra mình đang là những con nợ của những ông chủ mà trên hết là Thiên Chúa. Nó còn giúp ta phấn đấu không ngừng mà thêm công đức cho mình, cho con cháu, cho đời nữa.
Giờ đây ta có nhận ra những ân huệ mà Chúa dùng bao người để ban xuống cho đời ta chăng? Đó là ơn sinh thành, ơn được dưỡng dục nên người, ơn được làm con cái Chúa, được học hành trong đạo ngoài đời, được thừa hưởng sản vật nơi gia đình, xã hội, nơi thiên nhiên…
Một cụ già bị bệnh covid phải vào bệnh viện. Lúc khỏi ra viện, họ tính tiền thuốc, tiền máy trợ thở. Khi ấy cụ khóc và quỳ xuống nguyện thầm: “80 năm nay được sống được thở khí trời mà con chưa có trả Chúa một đồng nào”.
Lạy Chúa! Xin cho con luôn nhận ra những ân huệ hàng ngày Chúa đang gửi đến cho con qua mọi người, mọi biến cố thời gian. Xin cho con cũng biết sớm đáp trả những ân huệ ấy, chứ đừng muộn như cụ già kể trên, để con càng được yêu thương và hưởng ân lộc dồi dào hơn. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Lòng tin của anh đã cứu chữa anh (13.11.2019)
Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa cho mười người phong hủi được sạch. Nhưng chỉ có một người Samari trở lại tạ ơn Chúa. Chúa đã tỏ ra trách chín người kia không trở lại tạ ơn.
Bệnh phong hủi ngày nay y học thế giới đã khắc phục được. Nhưng thời Chúa Giêsu nó là căn bệnh bất trị. Người bị bệnh vô cùng đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Thân xác thì lở loét đau đớn, về tinh thần thì bị xã hội và cả đến người thân ruồng bỏ. Họ bị loại trừ ra khỏi cộng đồng xã hội, ở biệt lập một chốn và bị coi là một đối tượng luôn đe dọa đến sức khỏe đời sống cộng đồng.
Trước cảnh cơ cực ấy, Chúa Giêsu đã thương mà chữa cho mười người bệnh được khỏi. Thật là lạ lùng và vui sướng cho họ biết bao. Vì chỉ có quyền năng và tình thương của một vị Thiên Chúa mới làm cho họ được như vậy. Vậy mà chỉ có một người quay trở lại cảm tạ Thiên Chúa, mà người ấy lại là người Samari, người dân ngoại chưa được nhận biết Thiên Chúa. Chín người kia họ vui mừng quá rồi quên hay họ không nhận ra quyền năng Thiên Chúa, hay họ mắc bệnh vô cảm như bao người ngày nay đang mắc phải. Thứ bệnh khồng cần phải quan tâm đến ai, cũng chẳng cần tìm hiểu đến nguyên nhân sâu xa hay hậu quả của một sự việc gì. Hôm nay qua câu hỏi như trách chín người kia: “Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?”, Chúa đã dạy mọi người bổn phận phải tạ ơn. Mà ta phải biết ơn, tạ ơn nhiều lắm:
-Nhìn trời đất muôn loài muôn vật tôi phải tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã tạo thành và cho tôi được sống mà hưởng dùng tất cả. Tôi phải biết ơn Cha mẹ là người Chúa đã dùng thay Chúa mà yêu thương sinh thành dưỡng dục tôi tới nay.
-Tôi phải biết ơn Giáo hội Chúa, các đấng bậc xưa nay đã dạy dỗ cho tôi trong Hội thánh Chúa và đang đươc hưởng các ân huệ phần xác, phần hồn.
Tôi phải cảm ơn các anh hùng dân tộc, các nhà khoa học với bao thành tựu, các nhà cầm quyền đã bao đời mưu cầu hạnh phúc cho dân cho nước…
Phải tạ ơn, biết ơn vì việc làm ấy là “chính đáng công bằng… và dù chẳng thêm vinh quang gì cho Chúa” (Lời kinh tiền tụng), nhưng là đem lại niềm vui yêu thương, bình an cho chính tôi, là chân nhận sự bất toàn của mình mà đang còn cần sự nâng đỡ yêu thương của người khác. Khi biết ơn, tạ ơn là tôi đã chân nhận mình đang được ăn trái cây mà tôi không vất vả gieo trồng. Để tôi cũng có thể gắng công gieo trồng cho thế hệ sau những vật chất hay những điều thiện hảo. Đó cũng là cách để tôi tạ ơn những người đã qua đi mà tôi còn nợ ơn họ.
Cách đây mấy chục năm, được nghe mấy người nước ngoài đến làm việc ở miền Bắc nước ta phàn nàn rằng người dân ở đây ít thấy họ nở nụ cười và nói lên lời “cảm ơn”. Phải chăng vì khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần thời ấy mà họ nên như vậy? Còn chúng tôi giờ đây?
Lạy Chúa! Xin luôn ban cho con sinh lực, niềm vui, để con luôn nhận ra những ân huệ con đang nhận được từ Thiên Chúa và từ mọi người hàng ngày. Để con không ngừng tạ ơn mà đem lại cho con niềm vui phúc lộc, nhất là đem lại hạnh phúc đời đời cho con nữa. Amen.
Gs. Ngọc Năng
Lòng Biết Ơn (14.11.2018)
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta một điều mà nay hầu hết chúng ta đã thực thi, đó là lòng biết ơn. Chúa Giêsu đã chữa cho mười người bị phong hủi được khỏi. Nhưng chỉ thấy một người trở lại tạ ơn Chúa. Ngài đã trách chín người kia: “Thế thì chín người kia đâu?”
Việc làm phúc, bố thí có lần Chúa đã dạy các môn đệ: “Còn anh khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Còn hôm nay khi chữa cho mười người khỏi bệnh, Chúa như buộc họ phải biết trở lại tạ ơn Ngài. Hai điều đó có mâu thuẫn nhau không? Xin trả lời: chẳng mâu thuẫn chút nào. Vì việc khi làm phúc phô trương, khoe khoang là đều Chúa ghét, khác hẳn với việc bổn phận con người phải tạ ơn.
Tạ ơn là việc phải đạo, chính đáng công bằng đối với người nhận ơn. Người được ơn đã làm một việc khiêm nhường, chân nhận sự thiếu kém của mình và vẫn đang cần sự nâng đỡ của người khác. Lời cám ơn được thốt ra trên môi miệng người với người hàng ngày sẽ làm lớn thêm tình gắn bó yêu thương nơi xã hội, dễ nhận ra Thiên Chúa là cha chung mọi người. Còn việc tạ ơn Thiên Chúa thì như kinh Tiền tụng ta vẫn nghe: “Việc chúng con ca tụng Chúa chẳng đem lại thêm gì cho vinh quang của Chúa nhưng đem lại lợi ích cho phần rỗi chúng con”. Tin Mừng hôm nay Chúa chữa cả mười người được sạch bệnh hủi nhưng chỉ có một người dân ngoại trở lại cảm tạ. Còn chín người Do Thái kia, từ thời cha ông họ đã được nhận biết Thiên Chúa và lề luật của Ngài. Họ biết kêu lên “Thầy Giêsu” nhưng họ vẫn chưa nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa chăng? Sự thiếu kém ấy ta chỉ có thể giải thích rằng họ đang cần tình thương cứu độ của Đấng cứu thế. Chín người Do Thái đáng trách kia họ “gần chùa gọi bụt bằng anh”, hoặc họ như người con cả trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, ngày ngày hưởng mọi ân lộc, tình thương của người cha giàu có thế mà anh đã không nhận ra mà cảm tạ. Anh lại còn kêu ca để người cha phải mắng trách: “Lúc nào con cũng được ở bên cha tất cả những gì của cha đều là của con”.
Giờ đây chúng ta đang được sống trong ngôi nhà vũ trụ vật chất lớn lao vô tận, trong Hội thánh Chúa, với người cha là Thiên Chúa giàu có yêu thương. Ta có biết tạ ơn Chúa hằng ngày, hằng giờ như dân Chúa cách đây ba ngàn năm, họ đã biết bảo nhau: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình Thương” (Tv 118,1).
Gần đây, người ta kể về một gia đình nghèo lại đông con ở Pháp. Khi người mẹ sinh đứa con thứ 10 thì con gái lớn mới được 11 tuổi. Vì quá lo cho bố mẹ và các em, em đã cầu nguyện tha thiết với Chúa bằng một lá thư: “Chúa ơi nhà con nghèo lắm, mà mẹ con lại mới sinh thêm một em nữa. Con xin Chúa thương đến gia đình con…”. Viết rồi em cho lá thư vào chiếc bóng bay mong nó bay tới Chúa. Khi lên cao chiếc bóng bay đã bị nổ và lá thư rơi xuống, nào ngờ nó lại đến tay những người giàu có hảo tâm. Thế rồi lần theo địa chỉ, nhiều vật phẩm cần thiết đã đến với nhà em bé nghèo kia.
Lạy Chúa! Xin cho con nhận biết mọi thứ vật chất hay tinh thần hằng ngày con nhận được, đều là những ân huệ Chúa gửi cho con qua mọi người con gặp gỡ. Họ là những “tư tế” trong Giáo hội, những công quyền… hoặc cả những người nghèo khổ nữa. Xin cho con biết ơn họ, mà trên hết là cảm tạ Chúa, vì Ngài là nguyên nhân mọi phúc lộc của con. Amen.
Ngọc Năng (BC)
Tạ ơn Chúa, tạ ơn người
Đức Giêsu nói: “Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” (Lc 17,17-19)
Suy niệm: Van nài khẩn khiết, nhưng khi được chữa lành bệnh, chín người bị phong đã không đã không trở lại để cám ơn Chúa. Ngạn ngữ của người Đức nói về họ thật chính xác: “Khẩn cầu nóng bỏng, biết ơn lạnh nhạt”. Còn người ngoại Samari đã trở lại với Đấng ban ơn, quỳ sấp dưới chân Đức Giêsu để tỏ lòng biết ơn. Nhờ đó anh còn nhận được một ơn còn cao trọng gấp ngàn lần ơn lành bệnh phong, đó là đức tin, là ơn cứu độ, ơn đi vào mối tương quan thân thiết với Đức Giêsu và dĩ nhiên với cả gia đình Thiên Chúa: “Lòng tin của anh đã cứu anh.”
Mời Bạn: Đời bạn là món quà đặc biệt của Chúa. Mượn lời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao sáng từ trời”, bạn hãy tạ ơn Chúa, tạ ơn người, tạ ơn cuộc đời vì những gì bạn đang có, và nhất là vì ơn Chúa được cứu, được biết Ngài, được sống thân tình với Ngài.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy nhìn lại cuộc đời bạn và nhận ra những gì tốt đẹp bạn đã nhận từ những người thân, từ cuộc đời, từ Thiên Chúa và rồi dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn xứng hợp.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng. Con tạ ơn Cha vì mọi ơn Cha đã ban cho con, cả ơn con không biết, những ơn con không nhận ra, những ơn mà vẫn tưởng là chuyện bình thường tự nhiên. Xin cho con luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn Cha. (Rabbouni).
“cám ơn” (11. 11. 2015)
1. Ghi nhớ: “ Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này? ” (Lc 17,18)
2. Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Thiên chúa chữa bệnh cho cả người Do Thái lẫn người Samari chứng tỏ Chúa không phân biệt đối xử, vì ơn cứu độ Ngài luôn dành cho tất cả mọi người. Nhưng hình ảnh đáng lưu là trong 10 người được chữa khỏi thì chỉ một người trở lại cám ơn, người đó lại là người ngoại giáo Samari. Còn những người Do Thái đi trình diện các thầy tư tế nhưng lại không thấy trở lại cám ơn. Có hai nguyên do làm cho người Do Thái không trở lại cám ơn Chúa vì họ sống qúa lệ thuộc vào luật lệ của con người và họ cho mình có quyền được hưởng ơn ban đó. Trong thực tế, chúng ta cũng rất nhiều lần mắc lỗi vong ân như những người Do thái hôm nay, vì chúng ta tự cao tự đại cho rằng mình là người Kitô hữu thì hiển nhiên được ơn Cứu độ, được hưởng những hồng ân Chúa ban mà không cần tạ ơn. Do đó, ngay bây giờ mỗi người chúng ta hãy nhận ra những ơn lành Chúa ban trong cuộc sống mà ca ngợi tạ ơn Ngài.
3. Sống Lời Chúa: Hãy biết dùng từ “cám ơn” trong cuộc sống .
4. Lời nguyện:Lạy Chúa, cuộc sống chúng con tràn ngập những ơn lành của Chúa. Xin cho con đừng bao giờ lãng quên nhưng luôn ý thức rằng tất cả là tình thương của Chúa đã dành cho chúng con. Amen.