Sám hối (10.01.2022 – Thứ Hai Tuần I Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Sm 1,1-8 (năm chẵn) Hr 1,1-6 (năm lẻ), Mc 1,14-20

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 1,14-20)

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.

19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

Sám hối (10.01.2022)

“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Tin Mừng là gì? Có gì quan trọng mà người ta phải sám hối và đặt lòng tin vào đó? Sám hối và lòng tin đi đôi với nhau như hai con mắt cùng nhìn vào một đối vật, sám hối sửa soạn cho lòng tin, lòng tin khởi đầu bằng sự sám hối. Sám hối gồm hai khía cạnh: khía cạnh tiêu cực là nhận về quá khứ, nhìn lại dĩ vãng, để thấy đường mình đã đi, cuộc đời mình đã sống như thế nào, đúng hay sai, tốt hay xấu. Khía cạnh tích cực là hướng tới tương lai để sống đúng hơn và tốt hơn. Người sám hối trở nên khiêm tốn, bé nhỏ, từ bỏ mình, để đặt tất cả niềm tin vào sự công chính của Nước Trời, vào ơn cứu độ do Tin Mừng đem đến, còn tin là trao hiến, tin ai và tin điều gì? Chúng ta hãy tìm hiểu nội dung của Tin Mừng gồm những vấn đề gì mà chúng ta phải sám hối và đặt lòng tin vào đó. Chúng ta có thể tóm lược nội dung của Tin Mừng vào hai phạm vi luân lý và giáo lý.

Về phạm vi luân lý: chúng ta thấy Tin Mừng đã đề cập tới những vấn đề quan trọng sau: Thứ nhất, về hôn nhân, Chúa Giêsu đã lập luận hôn nhân bất khả phân ly và nhất phu nhất phụ: mỗi người chỉ được một vợ một chồng và phải trung thành chung thủy với nhau cho đến chết. Thứ hai, Chúa Giêsu đã đề cao tinh thần nghèo khó: người nghèo khó được Chúa chúc phúc, Chúa kêu gọi hãy nghèo của nhưng không nghèo lòng, ngược lại, người giàu của mà không giàu lòng thì khó vào nước trời như con lạc đà trước lỗ kim. Thứ ba, về luật lao động và tinh thần hợp tác, Chúa dạy: mọi người phải siêng năng làm việc để tự lực mưu sinh, lười biếng sẽ bị phạt, rồi phải biết cộng tác với nhau để cùng nhau thăng tiến. Thứ tư, vấn đề tiền của: tiền của nay còn mai mất, Chúa dạy: phải biết dùng tiền của làm phương tiện đi vào nước trời, mỗi người đừng quá đòi hỏi mà chỉ mong sao hằng ngày dùng đủ, rồi tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, các tài nguyên thiên nhiên, hãy dùng chúng để kiến tạo hòa bình và biến gươm giáo thành cày cuốc. Thứ năm, để đảm bảo luật luân lý, Chúa dạy: mọi người phải coi nhau như anh em, phải yêu thương nhau, yêu thương cả kẻ thù nghịch với mình, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, mọi người phải tha thứ cho nhau. Thứ sáu, về vấn đề giáo dục trẻ em, Chúa dạy: phải yêu mến chúng, phải hướng dẫn chúng và không được làm gương mù gương xấu cho chúng, nước trời thuộc về những ai có tâm hồn đơn sơ như trẻ em. Thứ bảy, các nhân đức luân lý được đề cao: khôn ngoan, công bằng, vâng lời, tiết độ, kiên nhẫn, can đảm chịu đựng những đau khổ, khiêm nhường, hiền lành, trong sạch, phục vụ, tránh xa dịp tội và đứng làm gương mù. Tóm lại, mọi người là anh em, là con cái Thiên Chúa, mỗi người là chi thể trong một nhiệm thể, cho nên, phải dùng tình thương mà đối xử với nhau và yêu nhau như Chúa yêu chúng ta.

Về phạm vi giáo lý: Tin Mừng đã mạc khải cho chúng ta biết bốn điều quan trọng: Thứ nhất, một Thiên Chúa có Ba Ngôi, chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa có Ba Ngôi: ngôi thứ nhất là Cha, là Đấng tạo dựng vũ trụ trời đất muôn loài, ngôi thứ hai là Con, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng xuống thế làm người để cứu chuộc mọi người, ngôi thứ ba là Thánh Thần, Đấng thánh hóa, an ủi và giúp đỡ mọi người. Cả ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, bằng nhau mọi đàng. Thứ hai, Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Thiên Chúa nhập thể, Ngài là một người như mọi người, có cha có mẹ, có quê hương tổ quốc, có sinh có tử, có sống và chết như mọi người, Ngài giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha, Ngài đến trần gian để dạy dỗ và cứu chuộc loài người, Ngài là đường, là sự thật và là sự sống, ai tin theo Ngài sẽ được sự sống đời đời. Thứ ba, về Nước Thiên Chúa, Nước Trời, đây là nước hằng sống, vĩnh cửu, là thiên đàng, muốn vào Nước Thiên Chúa phải tin và thực hành đức tin chứ không thể chỉ nói “Lạy Chúa” mà vào được, nước Chúa có giá trị vô song, người ta phải hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống để chiếm hữu nó. Thứ tư, Tin Mừng cho biết về Giáo Hội qua những dụ ngôn người gieo giống, hạt giống tự mọc, hạt cải, tấm men, kho báu, viên ngọc quý, mẻ cá, bầy chiên… Giáo Hội có phẩm trật: Phêrô là đầu, tức Đức Giáo Hoàng sau này, các tông đồ, là các giám mục sau này, những vị lãnh đạo Giáo Hội được Chúa trao quyền cầm buộc và cởi mở, ai muốn đến với Chúa phải đến với Giáo Hội.

Có cuốn sách nào được người ta ham mộ, kính trọng như sách Tin Mừng không? Có sách nào tồn tại suốt 20 thế kỷ và bán chạy như sách Tin Mừng không? Sách Tin Mừng toàn bộ đã được dịch ra 236 thứ tiếng, và còn cả 100 thứ tiếng nữa đang sửa soạn để dịch Tin Mừng, có sách nào khích lệ, đổi mới con người bằng sách Tin Mừng không? Cho nên, vấn đề đặt ra cho chúng ta là chúng ta có đọc Tin Mừng hay không? Nếu chúng ta không chịu đọc thì sách có hay mấy cũng là không hay, cũng như đã gọi là thuốc hay mà chúng ta không dùng thuốc thì làm sao khỏi bệnh được? Chúng ta hãy nhớ: sách Tin Mừng là lời Thiên Chúa hằng sống, chúng ta có đọc, có sống Tin Mừng thì chúng ta mới thấy được sự sống ấy dồi dào ra sao, nơi đâu có ánh sáng Tin Mừng nơi ấy tràn đầy hy vọng cho hiện tại và tương lai. Ước mong mỗi gia đình đều có sách Tin Mừng, chúng ta có đủ thứ sách mà lại thiếu sách Tin Mừng thì thật đáng tiếc. Nhưng có sách mà không dùng, không đọc cũng như không có. Ước mong chúng ta hãy đọc và sống theo những điều chúng ta đọc, bảo đảm bản thân chúng ta và gia đình chúng ta sẽ tốt đẹp.

Ngay lập tức (11.01.2021)

Ngay lập tức là một sự đáp trả dứt khoát, mau mắm, quyết tâm và sẵn sàng.

Khi nghe tiếng Chúa gọi: Hãy theo Ta. Các Tông đồ đều có một thái độ trả lời dứt khoát với Chúa Giêsu, và bỏ lại tất cả không do dự mà đi theo Người.

Như câu chuyện tình của Romeo và Juliet, chỉ một thoáng gặp nhau đã trở đôi tình nhân yêu say đắm, đến nỗi bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả cái chết để chứng minh tình yêu của họ, và cuối cùng họ chết bên cạnh nhau. Khi họ gặp nhau, ngay lập tức họ đã yêu nhau, tin tưởng nhau, dấn thân cho nhau và dành trọn vẹn cho nhau.

Phúc Âm thánh Mác-co (1, 14-20) đã tường thuật lại câu chuyện giữa Chúa Giêsu và bốn ông: Simon, Anre, Giacobe và Giêbêđê, Chúa nói: Hãy theo Ta. Lập tức bốn ông đã bỏ tất cả để theo Thầy Giêsu. Và các ông còn lại trong số mười hai tông đều có một thái độ “Ngay lập tức” khi Chúa mời gọi.

Theo Chúa cần phải có một thái độ dứt khoát, vì đó là điều Chúa muốn. Thái độ đó thể hiện qua một số hình ảnh người cầm cầy: Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Luca 9:62), “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta” (Mt 19, 21), thái độ của người muốn theo Chúa mà còn muốn trở về chôn cha, người thanh niên thì ủ rũ mà quay đi. Những thái độ không dứt khoát đó thì không xứng đáng vào Nước Trời.

Ngày nay có rất nhiều người Công Giáo có thái độ thờ ơ hay lưỡng lự, khi đến nhà thờ vì giữ một lề luật nào đó rồi ngồi một góc nào đó, thậm chí là ở một gốc cây ghế đá xa xa bên ngoài khu vực quy định tham dự thánh lễ, còn ngày thường hay có khi là lễ Trọng không phải ngày chủ nhật cũng không đi tham dự thánh lễ, và những người nửa vời hay lưỡng lự thì giữ đạo nào cũng tốt, cũng được không còn tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Những thái độ không dứt khoát theo Chúa thì không xứng đáng vào Nước Trời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, con cũng là một con người đầy yếu đuối mà rất nhiều tham vọng, cái tham vọng của con luôn tìm thoả mãn ý con, nên trong đời sống đức tin của con cũng có nhiều lần mang thái độ lưỡng lự với lời mời gọi của Thiên Chúa qua Hội Thánh, qua các vị chủ chiên và ngay cả tiếng lương tâm Chúa mời gọi trong lòng con. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống trên con để con sáng suốt lựa chọn ơn thánh của Chúa mà dứt khoát làm việc theo thánh ý Ngài. Amen

Hư Vô

Điệp khúc yêu thương (13.01.2020)

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, là  lời mời gọi tha thiết của Chúa Giê-su lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Và cho đến nay, sau hơn hai ngàn năm, lời mời gọi ấy vẫn còn vang vọng tới khắp cùng cõi địa cầu như một điệp khúc yêu thương xuất phát từ nỗi lòng yêu của Thiên Chúa.  Có điều gì phải sám hối? Xin đừng ai nói rằng tôi chẳng có tội gì để mà sám hối. Những nhà tu đức vẫn thường nói: “Thánh nhân kia, mỗi ngày cũng phạm ít nhất là bảy tội”.

Vâng, thánh nhân không phải là người không có tội, nhưng thánh nhân là những người biết mình có tội và có lòng chân thành sám hối. Có người nói: “Trên trời toàn là những tội nhân”. Quả đúng thế, ai mà không có tội. Các thánh là những tội nhân đã được xóa tội, nhờ lòng sám hối và tin vào Chúa Giê-su, lắng nghe và thực thi Lời người dạy, kết hiệp với Thánh Thể Người, và nhất là nhờ lòng xót thương của Thiên Chúa.

Lời mời gọi sám hối và tin vào Tin Mừng vẫn còn vang vọng mãi, tưởng chừng như đã phải thẩm thấu vào trong tận cõi lòng nhân loại. Thế nhưng, đáng tiếc thay! Con người vẫn vô tâm, thờ ơ với lời mời gọi đầy yêu thương và khát khao cứu rỗi ấy. Có phải sức cuốn hút của hồng trần ảo ảnh đã mê hoặc con người đến mức con người không dám buông bỏ, khước từ? Có phải hạnh phúc chóng vánh ở trần gian lại có sức làm cho con người dám đánh đổi cả hạnh phúc thiên thu trong Nước Trời? Tất cả đều là chiêu bài của ma quỷ. Ước gì mỗi chúng ta luôn tỉnh thức, cảnh giác, và cầu nguyện để nhận ra mình đang bị sập bẫy của ma quỷ và khẩn cấp sám hối, tin vào Chúa Giê-su.

Lạy Chúa, xin cho con  biết đáp lại lời mời gọi  yêu thương mà trở về với Thiên Chúa, trong Chúa Giê-su. Amen.

Tiếng Chúa gọi (14.01.2019)

Ghi nhớ: 

Người bảo các ông:“Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19).

Suy niệm: 

Lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho hai anh em là Phêrô và Anrê. Các ông là những ngư phủ chuyên nghiệp với nghề đánh cá là công việc chính nuôi sống bản thân cùng gia đình mình. Nhưng khi Chúa gọi các ông “Các anh  hãy theo tôi”, các ông đã từ bỏ tất cả, không hề so đo tính toán hơn thiệt, đã ra đi bỏ lại sau lưng mình nhà cửa, vợ con… để theo Ngài. Nhìn lại trong cuộc sống, xã hội hiện đại với biết bao cám dỗ của tiền bạc và lối sống xa hoa hưởng thụ đã làm cho biết bao người đánh mất bản thân mình và chạy theo tiếng gọi những thứ hào nhoáng bề ngoài đó. Và còn có bao người vì sự thỏa mãn cá nhân mà có thể  bỏ đạo, chối bỏ Thiên Chúa cách dễ dàng, hay có những người lối sống hời hợt với tinh thần tông đồ của mình.

Có thể nói, lối sống vội vàng, gấp gáp đang dần lan rộng trong giới trẻ ngày nay, làm cho các bạn đánh mất niềm tin và không cần đi tìm sự hiện diện của Thiên Chúa đang dìu dắt, phù trợ cho mình. Sống chậm lại, suy gẫm và lắng nghe tiếng Chúa gọi từ sâu thẳm trái tim mỗi người là phương cách hữu hiệu để giúp chúng ta luôn giữ gìn đức tin và ân sủng mà Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta.

Sống lời Chúa: 

Sau giờ kinh tối, hãy dành ít phút để tĩnh tâm lắng nghe tiếng Chúa đi vào trong tâm hồn ta.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa! Xin cho con luôn mau mắn, biết lắng nghe và dứt khoát khi nghe tiếng Chúa gọi. Amen.

Tiếng gọi ray rứt sâu thẳm trong tâm hồn (11.01.2016)

1. Ghi nhớ:  Người bảo họ “ Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” ( Mc 1,17)

2. Suy niệm:

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy từ những ngư phủ như ông Si-mon và người anh là ông An-rê đang quăng lưới xuống biển, Chúa đã biến họ thành những tông đồ đầu tiên, trở thành những tay chài đầu tiên trong con thuyền chài lưới người, tiếp bước theo tiếng gọi của Chúa. Nếu họ nhút nhát ích kỷ sống cho bản thân mình, cho lợi ích cá nhân hay riêng cho gia đình mình, thì đâu có những tấm gương các tông đồ tiên khởi, khơi nguồn cho biết bao lớp người tiếp bước cha anh ra đi “đánh cá”, ra đi khai phá cánh đồng truyền giáo còn bao la rộng lớn ngoài kia, thì liệu chúng ta có chinh phục các linh hồn đang cần “Những kẻ lưới người” hay không?  Thiên Chúa đã biến đổi các Ngài từ những người nhỏ bé đơn sơ nhút nhát khờ khạo hay hoảng sợ thành những tay lưới người chuyên nghiệp, như Chúa nói: “Tuy nhiên anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên Trời” ( Lc 10, 20).

Trong cuộc sống chật vật bon chen vội vã ngày hôm nay, Chúa luôn mời gọi mọi người cất bước theo Ngài, giữa bao dòng đời hối hả kẻ thì công việc bận rộn, người thì Chúa mời gọi chính ngay môi trường làm việc hàng ngày, phục vụ Ngài trong Phúc Âm hóa từ gia đình, công sở, học đường hay khu vui chơi giải trí… Trong xã hội hiện đại này, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta như từng gọi như Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Mặc dù ngoài kia vẫn còn có người ích kỷ, ươn hèn, tự cao tự phụ, đam mê vật chất của trần thế, nhưng cũng còn có nhiều người biết từ bỏ thú vui bổng lộc của đời, để chính sự hy sinh đó họ đã được Thiên Chúa trả công bằng phần thưởng nước Trời mai sau. Hãy tự hỏi lòng mình, đã bao năm trôi qua với một Kitô hữu, ta có thực sự lắng nghe tiếng Chúa gọi và đáp trả theo Ngài bằng cách nào?

3. Sống lời Chúa:

Hãy nghe tiếng Chúa luôn vang gọi ray rứt, sâu thẳm trong  tâm hồn mỗi người hôm nay, qua mọi vấn đề cấp bách của thời cuộc hay xã hội, đặc biệt nhất là ngay trong “Bàn tiệc Thánh Thể” – chính nơi đây Ngài đã và đang mời gọi chúng ta, không phải bằng lời nói nhưng bằng chính tình yêu, một tình yêu mà Ngài đã thí mạng sống vì người mình yêu. Đó chính là Mình và Máu thánh Chúa  Giêsu Kitô, đã và đang nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người chúng ta.

4.Cầu nguyện:

Lạy Chúa ! Xin cho con luôn biết nhận ra Thánh ý biết chọn Chúa và tín thác  cuộc đời mình, xin Ngài ở lại trong con, để nâng đỡ  hướng dẫn con trong hồng ân của Chúa. Amen.

M.Liên 

Việc cần làm ngay

Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. (Mc 1,17-18).

Suy niệm: Sau khi từ giã gia đình và làng quê Na-da-rét, Chúa Giê-su ra đi rao giảng một thời gian trước khi tuyển chọn môn đệ. Thế nhưng thánh Mác-cô lại kể việc này như thể xảy ra ngay lúc Chúa khởi đầu sứ vụ công khai. Theo các nhà chú giải, thánh ký muốn cho thấy rằng: việc có người tiếp nối sứ mạng của Ngài là việc quan trọng hàng đầu và những người này thiết yếu phải ở với Ngài ngay từ đầu. Quả thật có sống với Chúa Giê-su mới hiểu Ngài và mới làm chứng trung thực cho Ngài. Các môn đệ đầu tiên nghe Chúa gọi đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa ngay, sẵn sàng bước vào cuộc sống ở gần Chúa.

Mời Bạn nghe lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết ngay trong Tông huấn ‘Niềm Vui Tin Mừng’: “Tôi kêu gọi từng người Ki-tô hữu, dù ở đâu hay trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy canh tân ngay việc gặp gỡ cá nhân của mình với Đức Giê-su Ki-tô hay, ít nhất là, quyết định để cho Người gặp gỡ chúng ta, mỗi ngày luôn tìm kiếm Người” (Số 3).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày xét mình: 1/ Đối với tôi việc sống kết hiệp với Chúa Giê-su có phải là việc ưu tiên hàng đầu không? 2/ Tôi làm gì để đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân tôi với Chúa Giêsu?

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và nghĩ đến Chúa và chọn theo chân Chúa luôn… Xin đừng để những gì ngoài Chúa quyến rũ con. Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa. Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.” (Thánh Âu-tinh)

Tin và đi theo

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. … Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (Mc 1,15-18).

Suy niệm: Tin Mừng Chúa Giêsu là một con đường đòi hỏi người ta tin và đi theo. Đó là cả một quá trình phấn đấu để trở thành người thấm nhuần con đường cứu độ của Chúa. Đó là con đường cách mạng nhân bản gồm ba điểm: tu thân, sống giáo lý đạo trời, và đi theo Chúa. Để tu thân, Chúa mở ra con đường mới: sống hòa bình chứ không hiếu chiến, yêu thương chứ không tàn ác, hối hận chứ không thù hận, sửa mình chứ không bêu xấu anh em. Nhờ giáo lý đạo trời, chúng ta được giải thoát khỏi  đời sống thấp hèn, sống hòa hợp với Chúa và với anh em. Bước theo Chúa là bắt đầu lên đường và phải qua quá trình phấn đấu, thử thách, thanh tẩy, được huấn luyện và kiện toàn.

Mời Bạn: Chúng ta chỉ trở thành Kitô hữu khi chúng ta đặt đời sống của chúng ta trong đời sống Chúa Kitô. Hôm nay Chúa Giêsu vẫn cần bạn vì bạn là Kitô hữu. Thực tế gia đình và xã hội hôm nay đang đặt ra cho mỗi người chúng ta những vấn đề như băng hoại đạo đức, chà đạp nhân phẩm, bất công xã hội và đói nghèo. Không những chúng ta phải cầu nguyện nhưng còn phải dấn thân nhập cuộc nữa.

Chia sẻ: Bạn có muốn trở nên tông đồ của Chúa không? Bạn sẽ làm gì cho gia đình, cho giáo xứ bạn, nơi bạn làm việc?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một nết xấu như rượu chè, cờ bạc, cãi cọ…

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và mời gọi chúng con làm con cái Chúa. Xin giúp chúng con sống xứng danh người Kitô hữu, để nhờ đó mọi người nhận ra Chúa là tình yêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *