Tình hình chiến sự tại Ukraine

1. ĐTC lên án Putin với những lời mạnh mẽ nhất

Đức Thánh Cha vừa là nhà lãnh đạo tinh thần, nhưng đồng thời, ngài cũng là quốc trưởng của quốc gia thành Vatican. Tuy nhiên, bỏ qua các giao thức ngoại giao, Đức Thánh Cha đã dùng những từ rất nặng nề để lên án Putin.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, dưới một bầu trời xám xịt, u ám, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong những ngày gần đây, chúng ta đã bị chấn động bởi một thứ bi thảm: là chiến tranh. Chúng ta đã cầu nguyện hết lần này đến lần khác rằng người ta sẽ không chọn con đường này. Và xin chúng ta đừng ngừng nói; đúng thế, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa cách mãnh liệt hơn. Vì lý do này, tôi xin tiếp tục với lời mời gọi ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, là một ngày cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình ở Ukraine. Một ngày để gần gũi với những đau khổ của người dân Ukraine, để cảm thấy rằng tất cả chúng ta là anh chị em, và cầu xin Chúa kết thúc chiến tranh.

Những kẻ gây chiến đã quên đi tình nhân loại. Họ không bắt đầu từ nhân dân, họ không nhìn vào cuộc sống thực của người dân, mà đặt lợi ích đảng phái và quyền lực lên trên hết. Họ tin tưởng vào logic ma quỷ và sự biến thái của vũ khí, thứ xa cách với logic của Chúa nhất. Và họ xa cách với những người dân thường, những người muốn hòa bình, và những người bình thường – là nạn nhân thực sự trong mọi cuộc xung đột, những người phải trả giá cho những kẻ gây chiến tranh bằng chính làn da của mình. Tôi nghĩ đến những người già, đến những người tìm kiếm nơi nương tựa trong những thời điểm này, những bà mẹ chạy trốn cùng con cái của họ. Họ là những anh chị em, những người cần các hành lang nhân đạo mở ra cho họ và là những người phải được chào đón. Với trái tim tan nát bởi những gì đang xảy ra ở Ukraine – và chúng ta đừng quên những cuộc chiến ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Yemen, Syria, Ethiopia. Tôi xin nhắc lại: hãy bỏ vũ khí xuống! Thiên Chúa ở với những người tạo dựng hòa bình, không phải với những người sử dụng bạo lực. Bởi vì những người yêu chuộng hòa bình, như Hiến pháp Ý khẳng định, “bác bỏ chiến tranh như một công cụ xâm lược chống lại tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

2. Tình hình chiến sự tại Ukraine

Tình hình chiến sự tại Ukraine

Giao tranh trên đường phố đã nổ ra tại thành phố Kharkiv là thành phố lớn thứ hai của Ukraine hôm Chúa Nhật và quân đội Nga ngày càng gây áp lực lên các cảng chiến lược ở miền nam đất nước sau làn sóng tấn công vào các sân bay và cơ sở nhiên liệu ở những nơi khác, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xâm lược của Nga.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng Chúa Nhật, là video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, Putin nói rằng sau những thành quả đạt được trên thực địa, Nga đã cử một phái đoàn tới Belarus để đàm phán hòa bình với Ukraine. Tổng thống Ukraine đề nghị các địa điểm khác, nói rằng đất nước của ông không muốn gặp Nga ở Belarus vì đây là nơi chuẩn bị cho cuộc xâm lược.

Cho đến sáng Chúa Nhật, quân đội Nga vẫn ở ngoại ô Kharkiv, thành phố 1.4 triệu dân, cách biên giới với Nga khoảng 20 km về phía nam, trong khi các lực lượng khác băng qua để đẩy mạnh cuộc tấn công sâu hơn vào Ukraine.

Trưa ngày Chúa Nhật, các video được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Ukraine và mạng xã hội cho thấy các phương tiện của Nga đang tấn công vào Kharkiv và một chiếc bốc cháy trên đường phố. Theo Oleh Sinehubov, người đứng đầu chính quyền khu vực Kharkiv, các lực lượng Ukraine đã giao tranh với quân Nga. Ông không cho biết thêm chi tiết, nhưng nói dân thường không được rời khỏi nhà của họ.

Khi Nga đẩy mạnh cuộc tấn công, phương Tây đang nỗ lực trang bị vũ khí và đạn dược cho Ukraine, đồng thời tung ra các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm cô lập Mạc Tư Khoa hơn nữa.

Những vụ nổ lớn đã thắp sáng bầu trời vào sáng sớm Chúa Nhật gần thủ đô Kiev, nơi mọi người tập trung trong nhà, nhà để xe dưới lòng đất và ga tàu điện ngầm đề phòng một cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng Nga.

Ngọn lửa bốc lên bầu trời trước bình minh từ một kho dầu gần căn cứ không quân ở Vasylkiv, nơi đã xảy ra giao tranh dữ dội. Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết có một vụ nổ khác là tại sân bay dân sự Zhuliany.

Văn phòng của Zelenskyy cũng cho biết các lực lượng Nga đã làm nổ một đường ống dẫn khí đốt ở Kharkiv, khiến chính phủ phải cảnh báo người dân tự bảo vệ mình khỏi khói bằng cách che cửa sổ bằng vải hoặc các miếng gạc ẩm.

Zelenskyy tuyên bố: “Chúng tôi sẽ chiến đấu để giải phóng đất nước của chúng tôi”.

Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em sợ hãi tìm kiếm sự an toàn bên trong và dưới lòng đất, và chính phủ đã duy trì lệnh giới nghiêm trong 39 giờ để ngăn mọi người ra đường. Hơn 150,000 người Ukraine chạy sang Ba Lan, Moldova và các nước láng giềng khác, và Liên Hợp Quốc cảnh báo con số này có thể tăng lên 4 triệu người nếu giao tranh leo thang.

Tại biên giới Ukraine-Ba Lan, hàng loạt người tị nạn chờ đợi trong giá lạnh

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết quân đội Nga cũng gây sức ép ngày càng lớn lên các cảng chiến lược ở phía nam Ukraine, phong tỏa các thành phố chiến lược Kherson trên Biển Đen và cảng Berdyansk trên Biển Azov.

Ông cho biết các lực lượng Nga cũng đã giành quyền kiểm soát một căn cứ không quân gần Kherson và thành phố Henichesk trên Biển Azov. Các nhà chức trách Ukraine trước đó đã thông báo có giao tranh ở nhiều khu vực dọc theo bờ biển.

Nga đã bao vây thủ đô Ukraine, họ cũng tập trung vào việc đẩy mạnh cuộc tấn công ở phía nam của đất nước với nỗ lực rõ ràng là giành quyền kiểm soát bờ biển của Ukraine kéo dài từ biên giới với Rumani ở phía tây đến biên giới với Nga ở phía đông.

Các nhà chức trách Ukraine thông báo giao tranh đang diễn ra gần Odesa, Mykolaiv và các khu vực khác.

Những bước tiến của Nga dọc theo bờ biển Ukraine đánh dấu nỗ lực cắt giảm khả năng tiếp cận các cảng biển của nước này, vốn sẽ giáng một đòn lớn vào nền kinh tế của nước này. Cuộc tấn công ở phía nam cũng có thể cho phép Mạc Tư Khoa xây dựng một hành lang trên bộ tới Crimea, cho đến nay được kết nối với Nga bằng một cây cầu dài 19 km, cây cầu dài nhất ở Âu Châu được khánh thành vào năm 2018.

3. Toan tính của Nga

Tổng thống Vladimir Putin không tiết lộ kế hoạch cuối cùng của mình, nhưng các quan chức phương Tây tin rằng ông ta quyết tâm lật đổ chính phủ Ukraine và thay thế bằng một chế độ của riêng mình, vẽ lại bản đồ Âu Châu và phục hồi ảnh hưởng của Mạc Tư Khoa thời Chiến tranh Lạnh.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, một phái đoàn gồm các quan chức quân sự và nhà ngoại giao Nga đã đến thành phố Hormel của Belarus để đàm phán với Ukraine hôm Chúa Nhật.

Ông nói: “Phái đoàn Nga đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán và chúng tôi đang chờ đợi những người Ukraine. Ukraine cho biết họ đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình nhưng sẽ không chấp nhận các tối hậu thư.

Tổng thống Ukraine cho biết đất nước của ông đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình với Nga nhưng không phải ở Belarus vì nước này là đồng minh của Nga trong cuộc xâm lược. Phát biểu trong một tin nhắn video hôm Chúa Nhật, tổng thống Zelenskyy nhắc Warsaw, Bratislava, Istanbul, Budapest hoặc Baku là những địa điểm thay thế. Ông cho biết các địa điểm khác cũng có thể. Trước đó, Tổng thống Ukraine đã đề nghị Tòa Thánh đứng ra làm trung gian nhưng Nga bác bỏ.

4. Nga sử dụng vũ khí nhiệt áp giết người hàng loạt

Có những mối lo ngại đang gia tăng rằng Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí nhiệt áp như một phần của cuộc xâm lược Ukraine.

Loại vũ khí này có hiệu quả đốt cháy không khí, tạo ra một làn sóng xung kích lớn và hút không khí ra khỏi phổi của các nạn nhân – được cho là đã được nhìn thấy gần thành phố Kharkiv, phía đông Ukraine, trong cuộc tấn công hôm Chúa Nhật.

Việc sử dụng chúng sẽ đánh dấu sự leo thang trong cuộc tấn công của các lực lượng Nga, đang nhắm vào các thành phố trên khắp đất nước, bao gồm cả thủ đô Kiev.

CNN hôm nay đưa tin, các bệ phóng tên lửa TOS-1 của Nga, có thể phóng tới 30 tên lửa trang bị đầu đạn nhiệt áp, đã được huy động ở miền đông Ukraine.

Vũ khí nhiệt áp là gì?

Các loại vũ khí nhiệt áp có nhiều kích cỡ khác nhau, từ lựu đạn phóng tên lửa được thiết kế để cận chiến, đến các phiên bản lớn có thể được triển khai từ máy bay.

Chất nổ đốt cháy không khí xung quanh, tạo ra sóng xung kích gây chết người và hút không khí từ phổi của bất kỳ ai ở xung quanh.

Mạnh hơn nhiều so với chất nổ thông thường, vũ khí nhiệt áp – còn được gọi là bom nhiên liệu-không khí và bom chân không – cũng có thời gian cháy lâu hơn, làm tăng khả năng hủy diệt của chúng.

5. Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhận xét về chuyến đi sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Malta

“Malta và Địa Trung Hải đang trải qua một cuộc khủng hoảng về tình đoàn kết.” Đây là những lời mạnh mẽ của Đức Tổng Giám Mục Scicluna của Malta trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, trong đó ngài kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn từ Âu Châu để Biển này, nơi thường xuyên trở thành nghĩa địa, có thể trở thành một khu vực đồng trách nhiệm cụ thể.

Những lời này được đưa ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Florence, nơi sẽ quy tụ các thị trưởng và giám mục của khoảng 60 thành phố Địa Trung Hải, và một tháng trước chuyến tông du Malta của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đối với Đức Tổng Giám Mục Scicluna, “cam kết đối thoại là con đường dẫn chúng ta đến một vùng biển chung, hòa hợp và công lý,” đồng thời đòi hỏi “sự đồng trách nhiệm của mỗi người”.

Đức Giáo Hoàng sẽ thăm Malta trong hai ngày 2 và 3 tháng 4 năm 2022. Đây sẽ là chuyến tông du thứ 36 của vị Giáo Hoàng 85 tuổi bên ngoài nước Ý kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đảo quốc Malta đang kỷ niệm một ngày lễ đặc biệt, đó là vụ đắm tàu của Thánh Phaolô.

10 câu đầu tiên của Chương 28 sách Tông Đồ Công Vụ kể lại câu chuyện đắm tàu của Thánh Phaolô như sau:

Được cứu rồi, chúng tôi mới biết đảo ấy gọi là Malta. Dân địa phương đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có. Họ đốt một đống lửa to và tiếp đón tất cả chúng tôi, vì trời đã bắt đầu mưa và lạnh. Ông Phaolô vơ được một mớ cành khô và đang bỏ vào lửa, thì một con rắn độc bị nóng bò ra, cuốn vào tay ông. Người địa phương thấy con vật lủng lẳng ở tay ông thì bảo nhau: “Chắc chắn người này là một tên sát nhân: hắn vừa được cứu khỏi chết dưới biển, nhưng Thần Công Lý đã không để cho sống.” Nhưng ông giũ con vật vào lửa mà không hề hấn gì. Họ cứ đợi ông sẽ sưng phù lên hoặc lăn ra chết; nhưng đợi lâu mà không thấy có gì khác thường xảy đến cho ông, thì đổi ý và bảo ông là một vị thần.

Gần nơi ấy, có đồn điền của viên quan lớn nhất đảo, tên là Púpliô. Ông tiếp đón chúng tôi và niềm nở cho chúng tôi trú ngụ trong ba ngày. Có ông thân sinh ông Púpliô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phaolô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi. Thấy thế, các bệnh nhân khác trên đảo cũng đến với ông và được chữa lành. Họ trọng đãi chúng tôi, và khi chúng tôi xuống tàu, họ đã đem tới những gì chúng tôi cần dùng.

Đến thăm Malta, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đầu tiên trong năm 2022 bên ngoài nước Ý. Đức Phanxicô sẽ là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Malta sau hai chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1990 và 2001, và Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2010.


Source:Vatican News

6. Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ bị giam cầm đến 9 tháng

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Đức Giám Mục của giáo phận Tân Hương (Xinxiang, 新乡) vừa được trả tự do vào ngày 21 tháng Hai sau 9 tháng mất tích. Ngài được trả về để điều trị bịnh ung thư.

Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) 63 tuổi, là giám mục giáo phận Tân Hương, thuộc tỉnh Hà Nam từ năm 1991. Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm nhưng không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận và điều này khiến ngài trở thành một tên “tội phạm”.

Đức Cha Trương và các linh mục của ngài đã bị bắt trong hai ngày 20 và 21 tháng 5 năm ngoái trong một chiến dịch cảnh sát quy mô có sự tham gia của 100 cảnh sát từ Thương Châu (Cangzhou, 沧州), Hà Gian (Hejian, 河间) và Sa Hà Cao (Shaheqiao, 沙河桥). 10 sinh viên đang theo học thần học trong một nhà máy được dùng làm chủng viện cũng bị bắt. Sau đó, ba sinh viên khác bỏ trốn được, cũng đã bị bắt. Tính đến chiều ngày 25 tháng 5, năm ngoái, tất cả các chủng sinh đã được thả về với gia đình của họ, sau khi bị đe nẹt, và bị cấm tiếp tục học thần học.

Tại Trung Quốc, Pháp lệnh tôn giáo mới chỉ cho phép các hoạt động tôn giáo, bao gồm cả các lớp thần học, diễn ra trong các cơ sở được bọn cầm quyền cho phép và kiểm soát. Các nhân viên tôn giáo chỉ có thể thực hiện các chức năng của mình nếu họ gia nhập Giáo hội quốc doanh độc lập với Tòa thánh, và phải phục tùng Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thỏa thuận giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không làm thay đổi bản chất của việc kiểm soát này: Tòa thánh đã ký thỏa thuận với bộ ngoại giao Trung Quốc. Nhưng hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc do Mặt trận Tổ quốc và Bộ Tôn giáo quản lý. Mọi thỏa thuận với bộ ngoại giao không có một chút ảnh hưởng nào đến tình hình cụ thể ở quốc gia này.

Vì lý do này, mặc dù Thỏa thuận công nhận Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, và do đó cũng là của Giáo hội Trung Quốc, nhưng điều này không dẫn đến bất kỳ hệ quả nào liên quan đến quyền tự do thờ phượng cho các cộng đồng địa phương. Ngược lại, sau Thỏa thuận, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ mà chúng tôi vừa nêu.

Việc giam giữ Đức Cha Trương – giống như nhiều nhân vật tôn giáo và phi tôn giáo khác – phủ bóng đen lên sự nhấn mạnh về tình bạn được tuyên bố trong Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, kết thúc ngày 20 tháng Hai. Khẩu hiệu của Trò chơi là “Cùng nhau vì một tương lai chung”.

Nhiều nhà quan sát quốc tế không tin rằng Trung Quốc muốn có một tương lai chung, mà chỉ là “sự khuất phục trước sức mạnh của họ”.

Từ quan điểm này, ngay cả Hiệp định Tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh dường như đã bị “phản bội”. Việc đàn áp người Công Giáo – đặc biệt là người Công Giáo thầm lặng – đã gia tăng kể từ sau hiệp định này

Ở Hà Nam, cuộc đàn áp được báo cáo là khốc liệt hơn các nơi khác vì người Công Giáo chiếm khoảng 4% dân số, một tỷ lệ cao hơn so với phần còn lại của đất nước. Giáo phận Tân Hương có 100,000 tín hữu.


Source:Asia News

7. Các Tông đồ có thiết lập Mùa Chay không?

Các nhà sử học không đồng ý về tuyên bố rằng Mùa Chay là do các Thánh Tông đồ thành lập, và chỉ ra nhiều quan điểm khác nhau trong Kitô giáo sơ khai.

Mặc dù có vẻ như Mùa Chay đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên của Kitô giáo, các sử gia vẫn tiếp tục tranh luận về việc liệu có phải chính các Thánh Tông đồ đã thiết lập Mùa Chay hay không.

Ví dụ, một cuốn sách đầu thế kỷ 20 có nhan đề “Một bài bình luận về Giáo huấn Công Giáo”, lập luận rằng các Thánh Tông đồ đã thiết lập Mùa Chay.

Nhiều Giáo phụ và Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội nói rằng các Tông đồ ra lệnh rằng Lễ Phục sinh trọng thể phải được chuẩn bị trước bởi một thời gian chay tịnh phổ quát và để tưởng nhớ đến bốn mươi ngày của Chúa Kitô trong sa mạc, các ngài đã thiết lập Mùa Chay.

Tuy nhiên, đồng thời, các tác giả của cuốn sách cho rằng không có một hình thức thống nhất để cử hành Mùa Chay trong Giáo hội sơ khai.

Trước hết, không có một hình thức thống nhất trong việc cử hành Mùa Chay. Các tín hữu trong bốn mươi ngày đã tự mình chay tịnh và cầu nguyện theo gương Thầy của họ. Ban đầu, các tín hữu Kitô áp dụng cùng một phong tục ăn chay như đã được quy định trong Luật cũ, theo đó vào những ngày ăn chay, họ chỉ được ăn một bữa và sau khi mặt trời lặn.

Nhận định này được khẳng định thêm bởi Nicholas V. Russo trong một bài báo viết cho Đại học Baylor.

Tuy nhiên, việc kiểm tra kỹ hơn các nguồn cổ xưa cho thấy một sự phát triển lịch sử dần dần. Mặc dù việc nhịn ăn trước Lễ Phục sinh dường như đã có từ xưa và phổ biến, nhưng thời gian của việc nhịn ăn đó thay đổi đáng kể giữa các nơi và qua các thế hệ. Ví dụ, vào nửa sau của thế kỷ thứ hai, Thánh Irênê thành Lyons (ở Gaul) và Giáo Phụ Tertullian (ở Bắc Phi) cho chúng ta biết rằng thời gian chay tịnh chuẩn bị chỉ kéo dài một hoặc hai ngày, hoặc bốn mươi giờ – kỷ niệm chính xác thời gian Chúa Kitô nằm trong mộ.

Mãi cho đến Công đồng Nicê năm 325, thời gian Mùa Chay mới được ấn định là bốn mươi ngày.

Một phần lý do đằng sau sự tuân thủ khác nhau của Mùa Chay trong ba thế kỷ đầu tiên của Giáo hội là các Kitô hữu thường chỉ đơn giản là cố gắng sống sót và không bị giết. Sự bắt bớ lan rộng trong Đế quốc La Mã đã không cho phép các mùa phụng vụ phổ quát.

Mặc dù các Thánh Tông đồ có thể không thiết lập Mùa Chay như chúng ta biết hiện nay, nhưng có lẽ các ngài đã thực hiện một giai đoạn chuẩn bị ráo riết trước Lễ Phục sinh, theo gương Chúa Giêsu về việc chay tịnh và cầu nguyện.


Source:Aleteia

8. Báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc: Tehran đã bắt giữ hàng chục tín hữu Kitô trong năm 2021
Từ tháng Giêng đến tháng 12 năm 2021, “ít nhất 53 Kitô hữu đã bị bắt giữ” chỉ vì “thực hành sự thờ phượng liên quan đến đức tin của họ”. Báo cáo của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Iran Javaid Rehman xác nhận các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo lặp đi lặp lại, cũng ảnh hưởng đến các tín hữu Kitô giáo.Trong một báo cáo được công bố cách đây vài ngày, trước phiên họp thường kỳ lần thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 1 tháng 4, Javaid Rehman nêu lên “lo ngại” về “sự đàn áp tiếp tục đối với các nhóm thiểu số tôn giáo”, bao gồm cả việc giam giữ tùy tiện.Trong số các vi phạm có trong báo cáo của Liên Hợp Quốc là việc “buộc đóng cửa” các địa điểm cầu nguyện, đặc biệt là các nhà thờ tư gia, với lý do bị cáo buộc là vi phạm “an ninh quốc gia”. Rehman nhắc lại lời kêu gọi “trả tự do cho những người đã bị bắt giữ” chỉ vì thực hành “quyền tự do quan điểm, biểu đạt, lập hội và hội họp ôn hòa”.

Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, trên thực tế, tuyên bố của chính phủ rằng ‘các nhóm thiểu số được tôn trọng’ và ‘các tín hữu Kitô, người Do Thái và các tín hữu Zoroast được tự do thực hành các nghi lễ của tôn giáo họ trên cơ sở Điều 13 của Hiến pháp’ đã không xảy ra trên thực tế.

Xác nhận thêm về các báo cáo lạm dụng và vi phạm tự do tôn giáo đến từ các nhà hoạt động trên Hiến Chương 18, một trang web chuyên ghi lại các vụ đàn áp ở các Cộng hòa Hồi giáo. Trong những ngày gần đây, một nhóm tín hữu Kitô, những người đã được tuyên bố trắng án vào tháng 11 năm ngoái vì tội vi phạm luật pháp và tuyên truyền chống nhà nước, đã bị buộc phải đi “cải tạo” bằng cách tham gia các lớp học và hội thảo do các chuyên gia Hồi giáo tổ chức.

Nhóm người Kitô giáo đến từ Dezful, ở phía tây đất nước, và được các nhân viên tình báo thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo liên lạc vào nửa đêm, yêu cầu họ phải trình diện vào sáng hôm sau.

Các nhà hoạt động giải thích “các buổi cải tạo” ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây đến mức chúng xuất hiện trong danh sách “các hình phạt khắc phục” trong các tài liệu chính thức của tòa án.


Source:Asia News

9. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan bày tỏ ‘mối quan tâm của tình huynh đệ’ đối với ‘Tiến Trình Công Nghị’ của Đức

Hôm thứ Ba 22 tháng Hai, Chủ tịch hội đồng giám mục Công Giáo Ba Lan đã bày tỏ “mối quan tâm huynh đệ” về hướng đi của “Tiến Trình Công Nghị” trong một bức thư ngỏ có lời lẽ mạnh mẽ gửi cho chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức Georg Bätzing.

Trong bức thư gần 3,000 từ được công bố vào ngày 22 tháng 2 trên trang web của các giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã đặt câu hỏi liệu sáng kiến tập hợp các giám mục và giáo dân của Đức có bắt nguồn từ Phúc âm hay không.

Ngài nói: “Giáo Hội Công Giáo ở Đức có vai trò quan trọng trên bản đồ Âu Châu, và tôi biết rằng giáo hội này sẽ làm rạng rỡ đức tin hoặc sự bất tín của mình trên toàn lục địa”.

“Vì vậy, tôi nhìn với vẻ không hài lòng về các hành động của ‘Tiến Trình Công Nghị’ của Đức cho đến nay. Quan sát những thành quả của nó, người ta có thể có ấn tượng rằng Tin Mừng không phải lúc nào cũng là cơ sở để suy tư”.

Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki có khả năng làm tăng cường cuộc tranh luận về Tiến Trình Công Nghị Đức, một quá trình kéo dài nhiều năm giải quyết cách thức thực thi quyền lực trong Giáo hội, đạo đức tình dục, chức tư tế và vai trò của phụ nữ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lạm dụng giáo sĩ ở Đức.

Tại một cuộc họp đầu tháng này, những người tham gia đã bỏ phiếu ủng hộ các dự thảo văn bản kêu gọi cho phép các linh mục được kết hôn trong Giáo hội Latinh, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc phúc đồng tính và những thay đổi đối với giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái.

Tiến Trình Công Nghị này cũng đã phải đối mặt với sự chỉ trích ngay trong Giáo Hội Công Giáo Đức.

Các thành viên của một sáng kiến được gọi là “Khởi đầu mới” đã bày tỏ lo sợ vào đầu tháng này rằng quá trình này sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa những người Công Giáo.

“Cuộc ly giáo tiếp theo trong Kitô giáo đang đến gần. Và nó sẽ lại đến từ Đức”, họ nói.

Nhưng Giám mục Bätzing đã nhiều lần bác bỏ những ý kiến cho rằng Tiến Trình Công Nghị sẽ dẫn đến ly giáo.

Trong lá thư của mình, Đức Tổng Giám Mục Gądecki đề cập đến các cuộc bỏ phiếu gần đây và kêu gọi Bätzing đừng chiều theo áp lực uốn nắn giáo huấn của Giáo hội cho phù hợp với dư luận.

Ngài viết: “Trung thành với giáo huấn của Giáo hội, chúng ta không nên khuất phục trước những áp lực của thế giới hoặc những khuôn mẫu của nền văn hóa thống trị vì điều này có thể dẫn đến sự băng hoại về đạo đức và tâm linh.”

“Chúng ta hãy tránh lặp lại những khẩu hiệu đã cũ và những đòi hỏi lặp đi lặp lại như bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, cho những người đã ly hôn và tái hôn dân sự được rước lễ, và chúc lành cho những người đồng tính luyến ái.”

Sự can thiệp của Đức Tổng Giám Mục Gądecki là rất quan trọng vì Ba Lan và Đức là hai nước láng giềng, có chung đường biên giới dài gần 480km.

Nhưng có những khác biệt nổi bật giữa Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan và Đức.

Hơn 90% dân số gần 38 triệu người của Ba Lan xưng mình là người Công Giáo, với 36.9% người Công Giáo thường xuyên tham dự Thánh lễ.

Khoảng 27% trong số 83 triệu dân số của Đức xác định mình là người Công Giáo, nhưng chỉ có 5.9% người Công Giáo tham dự Thánh lễ vào năm 2020. Hơn 220,000 người chính thức rời bỏ Giáo Hội Công Giáo vào năm đó.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nêu bật lịch sử chung của người Công Giáo Ba Lan và Đức, bao gồm quá trình hòa giải sau Chiến tranh thế giới thứ hai được hỗ trợ bởi vị Giáo Hoàng tương lai người Ba Lan Gioan Phaolô II và Đức Hồng Y Stefan Wyszyński.

Đức Cha Gądecki, tổng giám mục của Poznań, miền tây Ba Lan nóiL “Ghi nhớ sự hiệp thông đức tin và lịch sử này giữa Ba Lan và Đức, tôi muốn bày tỏ sự quan tâm và lo lắng sâu sắc của mình về thông tin gần đây đã nhận được từ một số lĩnh vực của Giáo Hội Công Giáo ở Đức”.

“Vì vậy, với tinh thần bác ái Kitô, tôi xin phép ngỏ lời với ngài – đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức – bức thư này, đầy sự quan tâm của tình huynh đệ và trong tinh thần trách nhiệm chung đối với kho tàng đức tin tông đồ thánh thiện được Chúa Kitô giao phó cho chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng trong suốt lịch sử, các nhân vật hàng đầu đã cố gắng tái tạo lại Kitô giáo cho thời đại của họ thông qua một quá trình loại trừ.

Ngài trích dẫn Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, người đã sản xuất ra một phiên bản Kinh thánh loại bỏ những đoạn mà ông tin rằng không phải từ Chúa Giêsu, mà là từ “những Tông đồ thất học”.

“Tin chắc rằng mình có đủ tiêu chuẩn để phân biệt câu này với câu khác, ông ta đã quyết định kiểm duyệt Kinh Thánh. Bằng cách đó, một ngụy thư hiện đại đã được sáng tác mà theo tác giả của nó là hay hơn bản gốc.”

“Không thể loại trừ rằng proprium christianum – Kitô Giáo tinh túy – điều đặc trưng cho Kitô giáo – được thể hiện một cách chính xác trong những đoạn Kinh thánh khó hiểu nhất đã bị loại trừ vì sự kiểm duyệt của Jefferson”.

Đức Cha Gądecki nói rằng một cám dỗ khác mà Giáo hội ngày nay phải đối mặt là tìm cách cập nhật giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên những phát hiện mới nhất của tâm lý học và khoa học xã hội.

Đức Cha Gądecki chỉ trích tâm lý cho rằng: “Nếu điều gì đó trong Phúc âm không phù hợp với tình trạng kiến thức hiện tại trong các ngành khoa học này, thì các môn đệ, muốn cứu Thầy khỏi bị tổn hại trong mắt những người đương thời, hãy cố gắng cập nhật Phúc âm”.

“Sự cám dỗ để ‘hiện đại hóa’ các mối quan tâm cách riêng xảy ra trong lĩnh vực bản sắc tình dục. Tuy nhiên, người ta đã quên rằng trạng thái của tri thức khoa học thay đổi thường xuyên và đôi khi đột ngột”.

Ngài trích dẫn Đạo luật Nguồn gốc Quốc gia, nhằm hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ, được Quốc hội thông qua năm 1924.

Đức Cha Gądecki lưu ý: “Lý do chính của đạo luật này là niềm tin cho rằng các dân tộc như người Ý và người Ba Lan, thuộc các chủng tộc kém cỏi.”

“Ngoài ra, dựa trên kiến thức về thuyết ưu sinh, ước tính có khoảng 70,000 phụ nữ thuộc các dân tộc thiểu số đã bị cưỡng bức triệt sản ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 20”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng lịch sử của tri thức khoa học được đánh dấu không chỉ bởi những “sai sót”, mà còn là những “ngụy biện tư tưởng”, và viện dẫn một nghiên cứu của nhà tình dục học Alfred C. Kinsey.

Ngài nói rằng những cuốn sách về tâm lý học và khoa học xã hội “được coi là không thể sai lầm” ngày nay sẽ bị các thế hệ tương lai “gạt sang một bên”.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm rằng những người Công Giáo ở Đức và cả ở Ba Lan, nên tránh sống với “một loại mặc cảm” về đức tin của họ.

Đức Tổng Giám Mục Gądecki nhìn nhận rằng một cuộc lìa bỏ đức tin của người Công Giáo và sự sụt giảm mạnh trong ơn gọi linh mục ở Đức đã thúc đẩy những lời kêu gọi nới lỏng luật độc thân linh mục.

Nhưng ngài nói rằng câu trả lời này có “nguy cơ của suy nghĩ công ty” không có đủ nhân viên, vì vậy chúng ta hãy hạ thấp tiêu chí tuyển dụng”.

Phát biểu về cuộc bỏ phiếu phong chức linh mục cho phụ nữ trong Tiến Trình Công Nghị Đức, Đức Tổng Giám Mục nói rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã “đưa ra lời chung cuộc cho vấn đề này” trong tông thư Ordinatio Sacerdotalis – nghĩa là Truyền chức linh mục – năm 1994, mà ngài nhấn mạnh rằng đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng những người tham gia trong Tiến Trình Công Nghị cũng ủng hộ một văn bản dự thảo kêu gọi điều mà ngài mô tả là một “thực hành sai lầm và tai tiếng trong việc chúc lành cho các mối quan hệ đồng tính”, cũng như “nỗ lực thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tội lỗi của các hành vi đồng tính.”

“Sách Giáo lý phân biệt rõ ràng giữa khuynh hướng đồng tính luyến ái và hành vi đồng tính luyến ái. Sách Giáo lý dạy mọi người tôn trọng người khác bất kể khuynh hướng của họ như thế nào, nhưng dứt khoát lên án những hành vi đồng tính là những hành vi chống lại tự nhiên.”

“Bất chấp sự phản đối kịch liệt, tẩy chay và không được ưa chuộng, Giáo Hội Công Giáo – trung thành với chân lý của Phúc âm và đồng thời được thúc đẩy bởi tình yêu đối với mỗi con người – không thể im lặng và dung túng cho viễn cảnh sai lầm này của con người, chứ đừng nói đến chuyện chúc phúc hay cổ vũ nó”.

Đề cập đến cuộc gặp gỡ gần đây với Giám Mục Bätzing ở Poznań, Đức Tổng Giám Mục Gądecki cho biết ngài hiểu rằng Giám Mục Bätzing “quan tâm sâu sắc” đến đàn cừu được giao phó cho mình, “và mong muốn không có con cừu nào trong số các con cừu đi lầm đường lạc bước”.

Ngài kết luận bằng cách trích dẫn thư của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho các tín hữu Êphêsô, trong đó thúc giục họ “mặc lấy áo giáp của Thiên Chúa” và “giữ vững lập trường của mình”.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *