Tôn giáo của người Việt

Antoine Bourlet[1]
Thừa sai Đàng Ngoài
(Annales MEP 1935, n. 221, tr. 15-18)

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ

 Tôn giáo của người Việt

Tại Việt Nam, tông đồ cho dân ngoại là một sứ vụ cao đẹp, nhưng khó biết bao! Trên nguyên tắc, thì tự do lương tâm được ghi trên các hòa ước, song thực tế nó có tồn tại không? Người Việt có tinh thần tôn giáo không? Họ có tìm kiếm chân lý không? Đi đến đấy bằng cách nào? ….

Triết lý của chúng ta (Tây phương), cơ bản là luận lý Aristotle, khiến chúng ta nhìn chân lý như một đường thẳng mà ta không thể quay trở lại. Con đường chân lý ấy không hiện hữu trong các xứ sở Viễn Đông. Thật ra, ở đây chỉ có một tôn giáo: tôn giáo của gia đình, nhưng của một gia đình quá khứ, của truyền thống. Đó là tôn giáo mà chúng ta thường gọi là “thờ cúng tổ tiên”.

Cái nhìn đăm đăm về hướng tổ tiên đã khuất, người sống phải uốn nắn mọi hiện hữu của mình vào đấy. Cành của thân cây chôn vùi trong đất và gốc rể đâm vào trong quá khứ xa xôi, anh phải dùng trọn đời mình để tôn thờ thân cây mục nát này. Từ đấy đem lại cho anh muôn vàn hạnh phúc, mọi thịnh vượng – hạnh phúc trần thế và sung túc tạm bợ.  Đối với người phương Đông, không có thực tại nào khác ngoài đất.

Do vậy, sức khỏe, cuộc sống cái chết, thành công trong làm ăn, thăng quan tiến chức, tất cả đều tùy thuộc vào vị trí đặt mộ của tổ tiên, nhất là vị trưởng tộc. Ngôi mộ ấy có nằm theo hướng thuận lợi theo phong thủy hay không? Gió thuận, nước lành sẽ làm cho con cái người đã khuất nên giàu có, nhất là khi những người này trung thành thờ kính vong linh tiên tổ, hằng này dâng trầu lên trước tấm bài vị, dâng cúng họ vào ngày giỗ, tết nhất …, các nghi lễ tế tự theo luật hay phong tục.

Nghi thức thờ cúng được quy định tỉ mỉ từng chi tiết. Người con cả trong gia đình là ông thầy cúng. Bàn thờ tổ tiên được đặt tại nhà ông, đôi khi ở giữa có một chiếc ngai bằng vàng đặt một tấm thẻ khắc tên húy người đã khuất. Chính nơi đây được cho là nơi ngự của hồn thứ ba,[2] phần hồn linh diệu nhất của người đã khuất, ít nhất là vào những lúc thờ cúng. Trong khi đó, trên bàn thờ nghi ngút khói hương, chính người con cả đặt lên đó mâm thịt, gạo và rượu, dâng lên tổ tiên, mời họ về hưởng hương hoa và thông hiệp với con cháu.

Thường thì một số của cải được để lại do di chúc để bảo đảm cho sự bền vững của những tế tự. Những của cải này không thể chuyển nhượng; người con cả được quyền sử dụng nhưng không được bán. Người ta gọi ruộng hay đất đai như thế là của “hương hỏa”, tức mùi hương và lửa: hương của những que nhang thơm và lửa để đốt đèn nến. Nếu lợi tức của mảnh ruộng tổ tiên không đủ hay không có thì các thành viên trong gia đình phải đóng góp chi phí cho người con cả để ông lo trang trải ngày giỗ quảy.

Chỉ với việc thờ cúng trong gia đình này thôi thì cá nhân đã bị trói chặt không thể nào dứt ra được, và điều đó được lập lại mỗi ngày lễ tôn vinh người đã khuất.

Nhưng tục thờ cúng người chết không dừng lại ở đó. Thật sự mỗi ngôi làng là một gia đình mở rộng. Nó có thần thành hoàng làng, những người bảo vệ thật sự, mà hạnh phúc hay thịnh vượng của làng đều dựa vào đó: những tổ tiên đã để lại tên tuổi trong làng, hay những quyền năng huyền bí, sức mạnh bí ẩn của thiên nhiên được thần thánh hóa và ông thầy cúng biết nâng giá trị cho đức làm điều thiện của sức mạnh ấy lên. Tất cả dân làng đều quy lại sau các thánh thần này. Vào những ngày nhất định, phải dâng cúng cho họ những của lễ bằng lương thực. Các thầy cúng thần thành hoàng là các chức sắc trong làng. Với tuổi tác, họ có quyền ngồi vào những chỗ nhất; những miếng to nhất thuộc về họ mà nếu họ không đến ăn được ở đình làng thì phải mang đến nhà họ. Khi đã đứng đầu phẩm trật địa phương, họ chỉ có ăn còn chính những người trẻ, những người mới nhập làng, họ phải chịu chi phí bữa tiệc.

Hoàng đế Annam vừa mới ra sắc chỉ truyền chỉ dâng cúng hoa và nhang. Đây là sự canh tân rất ấn tượng, hẳn nhiên, còn lâu mới đi vào trong tập quán của người dân.

Nhưng quyền lực của các nhân sĩ này không dừng lại ở các nghi thức cúng tế. Họ đồng thời là những chủ nhân quyền năng của làng; chính họ ra lệnh, chính họ áp đặt ý muốn của mình và họ biết cách để ép ngay cả những người ngang bướng nhất phải phục tùng. Một cá nhân, vốn bị ràng buộc với các quyền của gia đình lại càng bị buộc chặt hơn với làng. Cá nhân anh ta không đáng kể, chỉ là một đơn tử tan chảy trong khối đám đông, làm sao anh có thể thoát ra được mà không bị rạn nứt?

Ôi! Nếu như đạo Công giáo không quá cứng rắn về quy luật chân lý của mình! Nếu như các tín đồ Công giáo, trong khi thờ kính Thiên Chúa thật, vẫn có thể tiếp tục thờ cúng các thần thành hoàng, đóng góp phần của mình để chi trả cho những lễ vật và cho phép các chức sắc trong làng ăn nhậu với chi phí của mình, thì sẽ dễ dàng hơn biết bao! Không ai còn cấm những cuộc cải đạo nữa. Đạo Phật cũng đã chồng chéo lên sự thờ cúng sơ khai này, và như thế nó hòa lẫn tốt đẹp. Người ta để nó yên. Không ai bận tâm khi thấy các bà lẩm bẩm lần tràng chuỗi kinh Phật dưới chân một tượng thần bụng to, mặt nở, tai to dài đến râu. Thế nhưng Công giáo không nhân nhượng và khỏi bàn cãi gì hết, không chấp nhận sự pha lẫn giữa chân thật và giả dối! – Nó khẳng định: “Không ai phục vụ hai chủ!” Thôi nào! Ở Viễn Đông người ta phục vụ nhiều chủ cùng lúc đấy thôi! Không nơi nào mà lời của Bossuet đúng như ở đây: “Tất cả ở đây đều là Chúa, ngoại trừ chính Thiên Chúa”. Nhưng hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn thần thánh này chỉ là sự phát triển xoay quanh hai niềm tin sơ khai: thờ cúng tổ tiên và thờ cúng thần hoàng.

Như vậy, khi một thành viên trong gia đình cải sang đạo Công giáo, lập tức một rạn nứt xảy ra. Tôn giáo của anh cấm anh tham dự vào các tế tự, đóng góp phần tiền của mình cho làng, cấm anh ngồi cùng thân thuộc dưới bàn thờ gia đình và hiệp thông cùng tổ tiên khi ăn uống dưới mắt họ bữa tiệc vừa được dâng cúng cho họ. Từ đó anh ấy sẽ bị tuyệt thông, bị thân thuộc phỉ nhổ; người ta ném vào mặt anh lời  sỉ nhục nặng nề: “Nó đã bỏ cha bỏ mẹ!”.

Thật là dễ hiểu khi những thực hành này, đã tạo nên một thói quen và một não trạng đặc biệt, là một trong những chướng ngại lớn nhất cho việc truyền bá Công giáo tại Việt Nam.
 

[1] Antoine Bourlet, tên Việt là Độ (thường gọi Cố Độ), nhập hội MEP ngày 10 tháng 8 năm 1896, thụ phong linh mục ngày 26 tháng 6 năm 1898, và nhận bài sai đi Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) ngày 3 tháng 8 năm 1898. Sau khi chia địa phận, ngài thuộc về địa phận Phát Diệm và làm cha sở Phát Diệm năm 1913. Năm 1921, ngài trở lại Thanh Hóa. Năm 1930, cha Bourlet được chọn làm đại diện Đàng Ngoài Duyên Hải để dự Công hội MEP và khi từ Pháp trở về, ngài mang theo một chiếc Citroën 5 CV để dễ dàng thăm viếng giáo dân. Vào tháng 12 năm 1946, cùng với 12 thừa sai trong địa phận, ngài bị bắt làm con tin ở Vinh. 10 thừa sai Thanh Hóa bị tù ở Vinh được trả tự do ngày 12 tháng 8 năm 1952. Cha Bourlet phải rời Vinh cùng với họ nhưng tình trạng sức khỏe kém khiến ngài qua đời ngày 6 tháng 10 năm 1952. (các chú thích trong bài là của người dịch)

[2] Hồn và vía (phách) là khái niệm của Trung Quốc, đặc biệt là của Đạo giáo. Theo Đạo giáo, ba hồn gồm: Sảng Linh (爽 靈), Thai Quang (胎 光), và U Tinh (幽 精).Do ảnh hưởng Đạo giáo, người Việt xưa quan niệm con người có ba hồn bảy vía (tam hồn thất phách). Tuy nhiên, khái niệm hồn – phách không có nghĩa xác định chung mà khái niệm này phải hiểu trong một ngữ cảnh cụ thể mà trong đó linh hồn – phần linh diệu nhất trong thế giới tâm linh của con người. Theo một số tín ngưỡng chính là phần hồn này chịu “kiếp luân hồi”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *