Tuổi thơ thật đẹp với Thần Khúc

Mình có một tuổi thơ thật đẹp. Cũng giống như bao đứa trẻ cùng cấp vùng làng quê, chúng mình thích chơi game, thích lang bạt thiên hạ, thích đi đây đi đó bằng xe đạp. Chúng mình thích đi mà không cần phải xin phép bố mẹ. Một chiều mùa hè năm lớp 8, mình trốn đi chơi game cùng với anh họ. Đây không phải là lần đầu tiên mình đi vào quán game và cũng không phải là lần cuối mình trốn học đi chơi net, nhưng đây là một ngày đáng nhớ với mình. Đi vào quán game mà nó lạ lắm.

Kế bên máy của mình là máy của anh họ. Vào quán mở máy anh đã bắt nhịp được ngay với mấy game thủ xung quanh, mấy thanh niên bên cạnh mình đang chơi đột kích, gunny hay xem phim gì đó. Riêng mình, mình vẫn ngồi ngơ ngác không biết nên chơi gì, không biết nên xem gì. Vì thực ra mình đi chơi game một phần để tỏ ra mình cũng giống mấy đứa bạn, phần khác là anh mình rủ rê. Thời ấy, vào quán net mà không chơi game, xem phim thì chỉ có thể là mấy anh chị học sinh giỏi vào tìm tài liệu để học thôi. Rất tiếc mình không thuộc diện chăm học và ham học như mấy anh chị ấy. Thế là giữa bao nhiêu anh hùng bàn phím đang hăng say bắn nhau lại lạc quẻ ra một thanh niên ngồi đọc tin tức về Tập Cận Bình làm chủ tịch nước, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đăng quang. Thấy mình ngồi đọc tin tức, anh mình ở bên cạnh mới giới thiệu cho mình đi đọc văn thơ. Không hiểu sao anh mình lại giới thiệu cho mình đọc thơ Thần Khúc của Dante Alighieri. Theo lời của anh mình thì đây là một nhà thơ vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn bên Ý. Anh mình giới thiệu thì mình đọc thử, mà lúc ấy đọc cũng được vì anh mình còn vài trận nữa mới về. Nghe thế thôi chứ thực ra mình cũng không cảm thấy ấn tượng lắm. Thế nhưng mình vẫn lên Google Chrome để search tên của ông ấy. Đọc rồi thì lại khác, nó đem lại cho mình một cảm nhận mới về văn thơ, về thế giới quan Kitô Giáo và một phần nào đó nó thay đổi cuộc đời mình.

Thời điểm ấy cả ba phần Hoả Ngục, Luyện Ngục và Thiên Đàng vừa được cố GS Nguyễn Văn Hoàn giới thiệu (2009) và đã gây tiếng vang lớn trong giới văn học bấy giờ. Đoạn thơ mình ngồi đọc trong quán net là phần đầu của Thiên Đàng. Đại khái đoạn đầu nói về ánh sáng vinh quang rạng rỡ trên Thiên Đàng. Với đầu óc non nớt 13 tuổi chưa đủ hiểu chuyện đời, chuyện đạo như mình lúc đó thì mình cũng cảm thấy có cái gì đó cuốn hút, hay hay và một chút gì đó ấn tượng vì một người ngoại đạo dịch lại tác phẩm nổi tiếng trong Đạo. Tuy nhiên, xen lẫn với sự cuốn hút ban đầu này, thú thực mình cảm thấy thơ này hơi khô. Với mình thì bản dịch của cố GS Nguyễn Văn Hoàn đủ để mình tưởng tượng về Thiên Đàng như thế nào thôi.

Sau ngày hôm đó, về nhà mình có tìm tòi đọc hết phần thơ của Thiên Đàng. Thiên Đàng thực sự hay và từ đó mình có cơ hội tìm đọc thêm về văn học, mình thích đọc thơ hơn và thích đọc sách hơn. Nói chính xác thì từ việc đọc Thần Khúc mà mình có thêm cảm hứng để đọc sách, đọc truyện. Rất tiếc là Thần Khúc đã không giúp mình có niềm cảm hứng để viết thơ, viết văn. Nếu có thì mình đã rất vui và biết ơn rồi.

Đã lâu rồi mình không có đọc lại Thần Khúc, có thể vì hết cảm hứng, có thể vì thấy bản dịch không hay nữa nên không đọc và có thể vì lười nữa. Gần đây, mình lại được mấy anh chị em trên mạng giới thiệu về một bản dịch Thần Khúc mới toanh, được Việt hóa hoàn toàn kể cả tên riêng và hơn nữa nó được dịch từ người nội đạo chứ không phải ngoại đạo. Bản dịch mới được thực hiện công phu không khác gì như của GS Hoàn, cũng mất mười mấy năm nghiên cứu, dịch thuật, chú giải. Bản dịch này đã và đang làm mưa làm gió trên các diễn đàn văn học Công Giáo lẫn ngoài đời. Vì một công trình tầm cỡ như thế nên mình nghĩ phải mua được sớm cho bằng anh chị bạn bè.

Cám ơn Chúa, tạ ơn Đức Bà! Vô cùng hoan hỉ và cảm động làm sao khi mình được tặng chứ không phải mất tiền mua. Đã thế được tặng ngay sau khi sách ra mắt. Đây là món quà trung thu vô cùng ý nghĩa với mình.

Khi mình nhận được sách, cảm xúc đầu tiên đến với mình là sự ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ dịch giả linh mục Đình Chẩn đã dày công biên dịch lại một thi phẩm to lớn như thế. Biết ơn cha vì đã làm việc mà trước nay chưa ai ở trong giới nhà đạo Việt Nam thực hiện. Hơn hết là mình cảm thấy gần gũi. Những câu chữ, câu thơ mà dịch giả sử dụng mới hay và đầy tính thi vị làm sao.

Mở đọc thiên khúc I của Thiên Đàng đọc thử, có một niềm cảm hứng cuốn hút mình chú tâm đọc nó. Đúng như cha Đình Chẩn nói “Duyên tâm linh: chuyện thật như đùa”. Đọc mấy câu thơ đầu tiên thôi:

“Hào quang giãi sóng thiêng trao
sáng lừng vạn thế, sáng bao la trời
lừng lẫy sáng! Láng tùy nơi
láng đường hoan hảo, lẫy lời diệu ngân.”

Những cảm xúc của thuở thơ ấu lại tràn về trong tâm trí của mình – cậu sinh viên đại học xa nhà. Thật gần gũi thân quen làm sao, những vần thơ mà tôi cảm nhận quen thuộc như đọc Kiều, học Kiều và thi Kiều thời cắp sách đến trường. Thân thuộc hơn là những câu thơ Thần Khúc được làm cho thuần Việt này gợi cho tôi nhớ về những câu ca của Văn Côi Thánh Nguyệt Tán Tụng thi ca. Như những câu ca:

“Vườn Rosa bao quanh trái đất
Cảnh thiên nhiên thật rất diệu hiền,
Thử truy cùng cho đến căn
Xem ai đã gây nên vậy tá?”

vốn vẫn ngân vang trong lòng giáo hữu, vẫn vang vọng trong Thánh Đường Vạn Lộc xứ tôi mỗi chiều Thánh Lễ tháng 5, tháng 10. Đọc Thần Khúc mà tôi như có cảm giác được sống lại, được thông hiệp với cuộc gặp gỡ xưa và nay. Những câu chữ của Thần Khúc bay bổng nhưng vẫn bình dị, đơn sơ nhưng lại không đánh mấy đi phần thi vị. Và hơn hết nó tâm linh hơn bạn tưởng, nó sẽ “hút hồn” bạn nếu bạn dám đọc nó! Bạn cứ thử đọc mà xem, ngấm từng câu từng chữ của Thần Khúc, bạn sẽ cảm thấy thật kỳ diệu, thật tâm linh.

Và đó là “Dịch thật” chứ không còn phải “Dịch giả” nữa. Thi sĩ Tối Cao đã dành 14 năm để đi từ Hỏa Ngục đến Thiên Đàng; còn linh mục Trần Đỉnh đã dành 14 năm để sinh ra Thần Khúc dành cho người Việt.

Cá nhân mình là người sống trong lòng Giáo Hội, được đọc thi phẩm của “Thi sĩ Tối Cao” bằng giọng và thơ của người Việt quả là thú vị hết sức. Đối với những người yêu mến và đang học tiếng Ý, những người thích đọc tiểu thuyết của Dan Brown, những người thích xem Hỏa Ngục (Inferno) để giải trí,… thì nên một lần đọc Hỏa Ngục của Dante Alighieri mà cha Đình Chẩn dịch. Có những kho báu mà bạn không ngờ tới khi bắt đầu đọc nó. Hãy Thử!

Biết ơn Người Trung Gian vì món quà Trung Thu vô cùng quý giá này! Con cảm ơn cha Đình Chẩn đã gửi sách và còn ưu ái ký và viết lời đề tặng cho con nữa. Cảm ơn dịch giả bằng tình yêu với Giáo Hội, với thơ Dante và với cả tiếng Việt đã mang đến một làn gió khơi nguồn cảm hứng cho nền văn thơ Công Giáo Việt Nam.

Dịch giả Đình Chẩn – Một con người thiêng liêng bên cạnh một thi phẩm thần thiêng.

Nguồn: FB Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *