Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến hành hương đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức

1. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến hành hương đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức

Một tổng thống Pháp của nền Ngũ Cộng hòa Pháp đến kính viếng đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Biến cố này xảy ra lần đầu tiên vào chiều thứ Sáu 16 tháng 7 vừa qua, trong chuyến đi kéo dài hai ngày của ông Emmanuel Macron tới dãy núi Pyrenees.

Báo La Croix gọi đây là một “chuyến thăm lịch sử”. Người đứng đầu điện Elysée đã đến trên lối đi dạo của đền thánh Đức Mẹ vào giữa buổi chiều, và được chào đón bởi Đức Cha Antoine Hérouard, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Lille, và Đức Ông Olivier Ribadeau Dumas, Giám Đốc đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức.

Tổng thống ở lại khoảng một tiếng rưỡi để thảo luận về tôn giáo và các vấn đề khác như tiêm chủng, lương hưu, tàn tật, nông nghiệp với các tín hữu, trên bờ đối diện với hang đá Massabielle.

Tuy nhiên, ở cấp độ chính thức, không có tuyên bố nào được đưa ra. Tổng thống cũng xem vở nhạc kịch Bernadette de Lourdes kể lại chuyện Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức. Khoảnh khắc yên bình này bất ngờ bị xáo trộn bởi tiếng hét của một người biểu tình chống ông Macron, gọi ông là “kẻ vô thần cấp thấp”, trước khi bị chặn lại.

Chuyến hành hương đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức của ông Macron gây ngạc nhiên cho nhiều người. Đó là một vấn đề nhạy cảm trong một xứ sở nơi tôn giáo và nhà nước đã bị luật pháp tách biệt vào năm 1905. Bên cạnh đó, giờ đây Pháp cũng là nơi sinh sống của cộng đồng Hồi giáo và Do Thái lớn nhất Âu Châu.

Lớn lên trong một gia đình chẳng theo tôn giáo nào, Macron đã tự mình xin được chịu phép Rửa Tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo khi lên 12 tuổi.

Trước đó, ông Macron đã từng tham dự một cuộc họp của Hội đồng Giám mục Pháp tại trường đại học Bernardins ở Paris, vào ngày 9 tháng 4 năm 2018. Diễn biến này cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Ông Macron còn đi xa hơn thế khi thường xuyên kêu gọi có các mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa nhà nước và Giáo Hội Công Giáo.


Source:Avvnire

2. Đức Thánh Cha Phanxicô đau buồn vô hạn về vụ đánh bom một ngôi chợ Baghdad

Đức Thánh Cha Phanxicô “vô cùng đau buồn” về một vụ đánh bom tại một khu chợ ở thủ đô Baghdad của Iraq, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng.

Trong một bức điện do Tòa thánh Vatican công bố ngày thứ Ba 20 tháng 7, Đức Giáo Hoàng gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của những người thiệt mạng trong vụ nổ ở chợ al-Wuhailat khi các gia đình chuẩn bị tổ chức lễ hội Eid al-Adha của người Hồi giáo.

Trong bức điện được gửi thay cho Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh viết:

“Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau buồn khi biết về thiệt hại nhân mạng trong vụ nổ tại chợ al-Wuhailat ở Baghdad và ngài gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của những người đã qua đời”.

Nhóm nhà nước Hồi giáo dòng Sunni đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom ở khu vực phía đông Thành phố Sadr của Baghdad, nơi chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite.

Phụ nữ và trẻ em được báo cáo nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ nổ kinh hoàng này.

Đây là vụ đánh bom thứ ba nhằm vào một khu chợ ở Thành phố Sadr trong năm nay.

Vào tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Iraq.

Tuần trước, Giáo hoàng đã gửi lời chia buồn sau khi 92 người thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại khu cách ly coronavirus tại một bệnh viện ở thành phố Nasiriya, miền nam Iraq.

Bức điện mới nhất của Đức Giáo Hoàng, gửi cho Đức Tổng Giám Mục Mitja Leskovar, Sứ thần Tòa thánh tại Iraq, kết luận: “Giao phó linh hồn các nạn nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa Toàn năng, Đức Thánh Cha tái lập lời cầu nguyện nhiệt thành rằng không có hành động bạo lực nào có thể làm giảm nỗ lực của những người mưu tìm hòa giải và hòa bình ở Iraq”.


Source:Catholic News Agency

3. Thông Báo của Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn

Về việc tích cực tham gia phòng chống dịch

Thừa lệnh Đức Tổng Giám Mục Giuse, Văn phòng Tòa Tổng Giám mục xin thông báo đến quý cha và cộng đoàn dân Chúa:

1. Đại dịch Covid-19 đang trong tình trạng nguy cơ rất cao và phức tạp, đặc biệt tại thành phố của chúng ta. Vì thế đề nghị mọi người thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, đặc biệt việc giãn cách gia đình với gia đình, để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Chúng ta thực hiện giãn cách càng nghiêm túc, sự lây lan càng mau dừng lại. Xin tất cả mọi người ý thức điều rất quan trọng này.

2. Ngoài việc tương trợ chia sẻ lương thực hằng ngày cho các gia đình thiếu thốn khó khăn, Giáo Hội Công Giáo còn mong ước cộng tác vào lãnh vực y tế. Trong những ngày sắp tới, sẽ có 430 tu sĩ tình nguyện đến các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 theo sự hướng dẫn của ngành y tế. Đây là một cơ hội rất tốt để các tu sĩ Công Giáo thực thi sứ mạng của ơn gọi thánh hiến. Xin cầu nguyện cho các tu sĩ này cũng như cho tất cả các y, bác sĩ và các thiện nguyện viên y tế được bình an và có nhiều sức khỏe để phục vụ.

3. Do virus rất dễ lây nhiễm, các linh mục không được vào bệnh viện cử hành bí tích xức dầu cho các bệnh nhân mắc Covid-19 hấp hối. Trong trường hợp bệnh nhân qua đời do Covid-19, chính quyền thành phố chấp thuận để các linh mục đến cử hành nghi thức cuối cùng cho người quá cố trước khi được hỏa táng. Đây là một việc tuy nhỏ nhưng đem lại niềm an ủi cho các tín hữu Công Giáo. Tòa Tổng giám mục sẽ tổ chức một nhóm linh mục thay phiên nhau thi hành nhiệm vụ này. Giáo hội luôn đồng hành với anh chị em trong mọi biến cố cuộc đời, không chỉ qua lời cầu nguyện mà còn bằng sự hiện diện bên người quá cố trong giây phút cô đơn nhất vì thiếu vắng người thân yêu.

Xin quý cha và cộng đoàn dân Chúa tiếp tục dâng hy sinh cùng lời cầu nguyện xin Chúa đoái thương toàn thể nhân loại trong cơn đại dịch này.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 19 tháng 7 năm 2021

Lm. Phêrô Kiều Công Tùng

Chánh văn phòng

4. Tự Sắc Traditionis Custodes của Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm hệ quả của Tự Sắc mới hạn chế Thánh lễ Latinh

Đức Giáo Hoàng hy vọng sẽ thúc đẩy sự hợp nhất của Giáo hội bằng quyết định của mình, nhưng điều này khó có thể xảy ra ngay lập tức sau khi Đức Thánh Cha ra lệnh hạn chế cử hành Hình thức Ngoại thường của Thánh lễ. Đó là nhận định của Cha Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Ở đâu có hương, ở đó có lửa, ít nhất là khi người Công Giáo xung đột về phụng vụ. Hôm nay đã xảy ra nhiều xung đột, với việc Đức Thánh Cha Phanxicô bãi bỏ sáng kiến phụng vụ chính của người tiền nhiệm, là Đức Bênêđíctô XVI. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn sẽ có ít hương hơn, ít nhất là loại đặc biệt.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra “quyết định quyết liệt bãi bỏ tất cả các quy định, hướng dẫn, quyền hạn và phong tục” do Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI ban hành liên quan đến “Hình thức Ngoại thường của Nghi thức Rôma”, thường được gọi là “Thánh lễ Latinh truyền thống” sử dụng Sách Lễ Rôma năm 1962 do Thánh Gioan XXIII ban hành.

Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng sẽ thúc đẩy sự hợp nhất của Giáo hội bằng quyết định này. Điều đó khó có thể xảy ra ngay lập tức, vì những người biết ơn Đức Bênêđíctô XVI đã cho phép mọi linh mục có năng quyền cử hành Hình thức Ngoại thường trong Tự Sắc Summorum Pontificum của ngài vào năm 2007, sẽ thất vọng, có thể là rất đau lòng, và cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoàn toàn đảo ngược luật phụng vụ của Đức Bênêđíctô..

Trận động đất Tự Sắc hôm nay có thể giải thích, khi nhìn lại, tại sao các cử hành gần đây tại Vatican trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày được phong chức linh mục của Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI lại lặng lẽ như thế, dù rằng một lễ kỷ niệm như vậy chưa từng xảy ra trước đây trong toàn bộ lịch sử của Giáo hội. Không thể không cho rằng quyết định này là một viên thuốc đắng mà Đức Bênêđíctô phải nuốt.

Không gì có thể phủ nhận tầm quan trọng trong quyết định của Đức Thánh Cha, được thể hiện trong Tự Sắc Traditionis Custodes, ngày XVI tháng 7 năm 2021.

Đức Thánh Cha Phanxicô đánh giá rằng nhiều người trong số những người gắn bó với Hình thức Ngoại thường của thánh lễ thể hiện bằng “ lời nói và thái độ… [a] từ chối Giáo hội và các thể chế của Giáo hội nhân danh cái được gọi là ‘Giáo hội chân chính’. Chúng ta đang đối diện với cách ứng xử mâu thuẫn với sự hiệp thông và nuôi dưỡng xu hướng chia rẽ”.

Có thể là những người có khuynh hướng như vậy có thể lại còn gia tăng sự “từ chối Giáo hội” hơn nữa vì giờ đây cách diễn đạt phụng vụ ưa thích của họ đã bị hạn chế. Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô chắc chắn nhận thức được điều này, nhưng quan điểm của ngài là những người Công Giáo như vậy “cần phải quay trở lại đúng lúc với Nghi thức Rôma do các Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Gioan Phaolô Đệ Nhị ban hành”.

Bắt đầu có hiệu lực ngay lập tức, tất cả các cử hành theo Hình thức Ngoại thường cần phải có sự cho phép rõ ràng của Giám Mục giáo phận, là người được hướng dẫn “chỉ định một hoặc nhiều địa điểm” nơi có thể cử hành các thánh lễ như thế, nhưng đây không phải là “nhà thờ giáo xứ”, và cũng không được phép “xây dựng thêm của các giáo xứ tòng nhân mới”.

Sẽ có rất nhiều phản ứng để kiểm tra trong những ngày tới nhưng năm vấn đề ban đầu đã xuất hiện.

Mâu thuẫn giữa Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thu hồi một cách rõ ràng, cố ý và đầy kịch tính các quyền và luật pháp do những người tiền nhiệm của ngài ban cấp. Ngài đã bác bỏ rõ ràng lập luận của Đức Bênêđíctô cho rằng hai hình thức của Nghi thức Rôma – Ngoại thường và Bình thường – sẽ không thúc đẩy sự chia rẽ. Chính vì những chia rẽ mà ngài đã xác định – sau một cuộc khảo sát các Giám Mục trên thế giới – mà ngài đánh giá rằng Hình thức Ngoại thường cần phải được cắt giảm.

Rôma tăng cường quyền lực

Trong khi Summorum Pontificum trao cho các linh mục quyền cử hành Hình thức Ngoại thường mà không cần sự cho phép của các Giám Mục bản quyền, thì Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định đi theo hướng tập trung hóa. Giám Mục phải có “độc quyền” điều hòa Hình thức Ngoại thường trong giáo phận của mình, nhưng Rôma sẽ hạn chế cách thức ngài có thể điều hòa. Các quy định dễ dãi hơn bị cấm; những cái hạn chế gắt gao hơn được khuyến khích.

Thật vậy, đối với tất cả các linh mục mới được thụ phong, Giám Mục không được cho phép các vị tân linh mục năng quyền cử hành Hình thức Ngoại thường mà không hỏi ý kiến Tòa thánh trước. Traditionis Custodes củng cố quyền hạn của Giám Mục đối với các linh mục của mình, và củng cố quyền lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với các Giám Mục.

Đây là một sự phát triển phụng vụ bất ngờ, vì trước đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuyển thẩm quyền về các vấn đề phụng vụ, đặc biệt là các bản dịch, cho các Hội Đồng Giám Mục, chê bai sự kiểm soát quá nhiều của Rôma.

Khảo sát xã hội học

Traditionis Custodes không đặt vấn đề về “phẩm giá và sự vĩ đại của Sách lễ Thánh Piô V”. Các lập luận cho việc cắt giảm Thánh lễ Latinh Truyền thống mang tính xã hội học hơn là thần học, cụ thể là được đưa ra dựa trên một nhận định liên quan đến những loại người có xu hướng thích truyền thống cũ hơn.

Đây không hoàn toàn là mới. Bản thân Đức Bênêđíctô XVI cũng nại đến những ấn tượng xã hội học của chính mình về sự nở rộ các cộng đồng được thu hút bởi Hình thức Ngoại thường. Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt ra một gánh nặng cho các Giám Mục địa phương phải xác định xem liệu các cộng đồng gắn bó với Hình thức Ngoại thường của các ngài có “đặt Giáo hội trước nguy cơ chia rẽ” và “từ chối Giáo hội hay không”.

Diễn biến mới nhất

Nếu họ làm vậy, thì rõ ràng Đức Thánh Cha Phanxicô có ý định muốn các Giám Mục đàn áp họ, sớm hơn và nghiêm khắc hơn. Nhưng nếu cộng đồng địa phương không có chút nào giống với ấn tượng xã hội học đó, thì Giám Mục địa phương có nên cho phép họ tiếp tục, thậm chí phát triển hay không?

Linh mục hay Giáo dân?

Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu các Giám Mục “ngừng việc xây dựng các giáo xứ tòng nhân mới gắn liền với ao ước và mong muốn của cá nhân các linh mục hơn là nhu cầu thực sự của ‘Dân thánh Thiên Chúa’”. Hàm ý rõ ràng là Hình thức Ngoại thường là thứ mà các linh mục mong muốn và các tín hữu giáo dân phải tuân theo – một kiểu chủ nghĩa giáo sĩ trị trong Phụng Vụ.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ XVI có cách tiếp cận ngược lại, cụ thể là chính các linh mục phải quảng đại đáp lại những nhóm tín hữu mong muốn những Hình thức Ngoại thường của thánh lễ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các tín hữu là người khởi xướng và các linh mục đang đáp lại? Trong trường hợp đó những hạn chế mới phải chăng lại chính là một hình thức khác của chủ nghĩa giáo sĩ trị trong Phụng Vụ?

Huynh Đoàn Thánh Piô X

Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng các quyết định của Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị và Bênêđictô thứ XVI nhằm làm cho Sách lễ năm 1962 trở nên dễ tiếp cận hơn “trên hết được thúc đẩy bởi mong muốn đẩy mạnh việc hàn gắn cuộc ly giáo với phong trào của Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre”, là người đã thiết lập Huynh Đoàn Thánh Piô X. Như thế, Huynh Đoàn Thánh Piô X vẫn ở trạng thái bất quy tắc về giáo luật.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất hào phóng với Huynh Đoàn Thánh Piô X, cho phép các linh mục của họ có thể giải tội và chứng hôn. Thánh lễ của họ là hợp lệ.

Có thể những hạn chế đối với Hình thức Ngoại thường, kết hợp với sự đối xử rộng rãi hơn của Đức Thánh Cha đối với Huynh Đoàn Thánh Piô X, có nghĩa là những người Công Giáo thích Hình thức Ngoại thường sẽ có xu hướng thường xuyên đến các nhà nguyện của Huynh Đoàn Thánh Piô X vì Hình thức Ngoại thường trở nên ít được cử hành hơn trong các giáo phận của họ? Nó có thể là một hậu quả không lường trước.


Source:National Catholic Register

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *