1. Làm việc lành phúc đức để chia sẻ và cảm thông
Làm việc lành phúc đức không phải là vì thương hại, cũng không phải chỉ là để trút gánh nặng tâm hồn, nhưng là để chia sẻ và cảm thông với đau khổ của anh chị em đồng loại. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 5 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.
Đau khổ với người đau khổ. Làm việc lành phúc đức không phải là làm một cái gì đó để trút bớt những đè nặng trong lòng, cũng không phải là làm để cảm thấy yên tâm hơn… Không chỉ thế! Làm việc lành phúc đức là để cảm thông với nỗi đau của người khác, là chia sẻ với đầy lòng trắc ẩn trong sự đồng hành. Làm việc lành phúc đức còn có nghĩa là thông cảm với những vấn đề của tha nhân. Ở đây có câu hỏi là: Tôi có biết chia sẻ như thế không? Tôi có sống quảng đại không? Khi tôi nhìn thấy một người đau khổ, một người đang gặp khó khăn, tôi có cảm thấy nỗi đau ấy? Tôi có biết đặt mình trong hoàn cảnh của người khác? Trong những hoàn cảnh đau thương của người ấy?
Giống như ông Tobia trong bài đọc thứ nhất, với lòng trắc ẩn và sẻ chia, khi làm việc lành phúc đức, chúng ta sẵn lòng đón nhận những rủi ro bất trắc. Có nhiều rủi ro. Ở đây ở Roma trong thời chiến tranh, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã liều lĩnh che giấu những người Do thái. Vì nếu không, những người ấy sẽ bị bắt. Nhưng khi làm việc lành để cứu người, chúng ta phải đối diện với nhiều rủi ro.
Khi làm việc lành, ông Tobia bị người ta chê cười chế nhạo. Họ cho rằng ông không chịu ở yên mà lại đi làm những chuyện gây phiền hà rắc rối. Như thế, khi làm việc lành, chúng ta có thể gây cho người khác cảm giác khó chịu, ngay cả có khi chúng ta cũng cảm thấy khó chịu. Ví dụ như trường hợp này: “Tôi có một người bạn, người bạn ấy bị bệnh, tôi cần đến thăm anh ấy, nhưng tôi lại cảm thấy thích nghỉ ngơi hoặc xem tivi hơn… tóm lại tôi thích cái gì đó an toàn bình yên”. Thế đó, khi làm việc lành phúc đức, luôn có những đau khổ và rắc rối nào đó. Nhưng Chúa đã tự nguyện đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả những rắc rối của chúng ta, để rồi Người lên thập giá để ban cho chúng ta lòng thương xót của Người.
Ai có thể thực thi lòng thương xót, đó là người cảm nhận được rằng Chúa xót thương mình trước. Chúng ta có thể sống thương xót là vì chúng ta đã được Thiên Chúa xót thương trước. Chúng ta cứ thử nghĩ về những sai lầm, tội lỗi của chúng ta, nghĩ về con đường tha thứ mà Chúa dành cho chúng ta, từ đó chúng ta biết cách làm như thế với anh chị em mình. Để rồi, chúng ta có thể ra khỏi sự ích kỷ của bản thân và bước theo sát chân Chúa Giêsu hơn
2. Câu Chuyện Thánh Hiến Nước Ba Lan cho Đức Mẹ
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Người dân Ba Lan có lòng sùng kính Đức Mẹ rất đặc biệt. Đất nước này có một ngôi đền nổi tiếng bậc nhất vùng Đông Âu được dành riêng để kính Đức Trinh Nữ Maria, gọi là đền thánh Đức Mẹ Częstochowa. Các tín hữu tấp nập hành hương quanh năm vì nhiều người nhận được những ơn lạ hồn xác sau khi kính viếng tượng ảnh Đức Mẹ tại đây.
Vì có lòng sùng kính Đức Mẹ như thế nên trong tuần qua có một diễn biến rất ngoại thường, có lẽ không có tại một quốc gia thứ hai trên thế giới.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Như Ý muốn nhắc đến việc thánh hiến Ba Lan cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
Trong một diễn biến ngoại thường, hôm thứ Ba 6 tháng Sáu, 3 vị Hồng Y, 30 Tổng Giám Mục và 120 Giám Mục Ba Lan từ khắp các giáo phận trên cả nước đã tề tựu tại Đền thờ Đức Mẹ Fatima ở Zakopane, để cùng với tổng thống Andrzej Duda và thủ tướng Beata Szydło dâng Ba Lan cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là một nghi lễ long trọng, trong đó, trước tượng Đức Mẹ Fatima, Đức Tổng Giám mục Stanisław Gądecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan đã long trọng đọc một bản cam kết của hàng giáo sĩ và các tín hữu Công Giáo nước này tuyên hứa với Đức Mẹ sẽ bảo vệ hôn nhân, bảo vệ quyền sự sống con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên, và chống lại sự “suy thoái đạo lý” trong xã hội.
Bên cạnh tổng thống Andrzej Duda và thủ tướng Beata Szydło, còn có các thành viên chính phủ, các nghị sĩ và đại diện của chính quyền địa phương.
Mỗi giáo phận và giáo xứ trong nước cũng sẽ thực hiện việc dâng hiến cho Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9 tới đây, là lễ Sinh Nhật của Đức Mẹ.
Tháng 11 vừa qua, tổng thống Duda cũng đã có mặt khi các giám mục của Ba Lan tuyên bố Chúa Kitô là Vua Ba Lan.
Bắt chước gương sáng của dân nước Ba Lan, chúng ta cũng hãy thánh hiến bản thân và gia đình cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria để khi cơn bệnh hành trong xác, hay là buồn bã linh hồn, khi phải khinh bỉ, khi mất của cải, khi chịu tang chế, khi buồn bực trong gia đình, khi buồn bã áy náy trong lòng, và những khi hết còn trông cậy, khi lương tâm xao xuyến mịt mù; trong những lúc như thế xin cho chúng ta biết chạy đến cùng Đức Mẹ để giữ được bình an linh hồn và lòng trông cậy Chúa.
3. Cầu xin cho chúng ta đừng sống đạo đức giả
Thói đạo đức giả không phải là loại ngôn ngữ của người Kitô, và thói đạo đức giả có thể giết chết cộng đoàn. Tiếng nói của Kitô hữu phải đúng sự thật theo gương Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 6 tháng 6 tại nhà nguyện Santa Marta.
Các luật sĩ nói năng và phán đoán một đàng nhưng thực ra họ đang âm mưu một nẻo. Họ nói không thật lòng. Họ sống theo thói đạo đức giả.
Thói đạo đức giả không phải là ngôn ngữ của Kitô hữu. Một Kitô hữu không thể là một kẻ đạo đức giả và một kẻ đạo đức giả không thể là một Kitô hữu. Điều ấy thật rõ ràng. Chúa Giêsu đã nói điều ấy cho nhiều người. Nhiều lần Chúa nói: Đồ giả hình, chúng ta hãy nhìn xem những gì họ làm. Những kẻ đạo đức giả chỉ ưa nịnh hót, dù ít hay nhiều, nhưng nói chung đều là nịnh hót và tâng bốc nhau. Họ không nói sự thật nhưng tìm cách thổi phồng và gia tăng sự hư ảo.
Những kẻ đạo đức giả đi tâng bốc người khác vì họ nhắm đến mục đích xấu xa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, các luật sĩ bắt đầu bằng cách tâng bốc Chúa Giêsu để rồi họ tìm cách gài bẫy Chúa bằng câu hỏi: Có nên nộp thuế cho Xêda không? Có hay không?
Thế đó, thói đạo đức giả là cách sống hai mặt. Chúa Giêsu biết thói giả hình của những kẻ đang thử mình, nên Chúa nói với họ: Tại sao các người lại thử tôi? Đem một quan tiền cho tôi coi! Chúa Giêsu luôn luôn đáp lại sự giả hình bằng điều chân thật. Sự thật là sự thật, chứ không phải là thứ đạo đức giả, cũng không phải là ý thức hệ. Khi họ đưa cho Chúa đồng tiền, Chúa hỏi: Hình và danh hiệu này là của ai đây? Họ đáp: Của Xêda. Chúa nói: Của Xêda, trả cho Xêda; của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa.
Ngôn ngữ của thói đạo đức giả là tiếng nói dối lừa. Đó là tiếng nói của con rắn đi lừa dối bà Eva. Khi bắt đầu, con rắn cũng lên tiếng tâng bốc con người, và rồi nó nhắm đến hủy diệt con người, thậm chí con rắn cắn xé và phá hủy nhân cách và tâm hồn con người. Điều ấy còn phá hoại cả cộng đồng. Khi thói giả hình len lỏi vào trong cộng đoàn, thì đó là mối nguy hiểm lớn, là điều tồi tệ. Chúa Giêsu đã nói rằng: Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
Thói đạo đức giả có thể giết chết cộng đoàn. Bởi vì họ nói thì rất ngọt nhưng lại xét đoán xấu xa về tha nhân. Thói đạo đức giả tựa như một thứ giết hại. Hãy nhớ điều này: khi nó bắt đầu nịnh bợ, thì hãy đáp lại bằng điều chân thực. Bởi vì cùng với một cái lưỡi mà thần dữ gieo rắc sự phá hoại vào trong cộng đoàn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa canh giữ chúng ta, để chúng ta không bị rơi vào thói đạo đức giả: Xin Chúa ban cho con ơn ấy. Xin cho con đừng bao giờ trở thành kẻ đạo đức giả. Xin cho con chỉ biết nói sự thật, và khi con không thể nói sự thật, xin cho con biết lặng thinh, chứ không bao giờ, không bao giờ trở thành kẻ đạo đức giả.
4. Khi buồn bã áy náy trong lòng, và những khi hết còn trông cậy
Ngay cả trong những thời khắc đen tối, buồn thảm và đau thương nhất, ngay cả khi bị lăng mạ sỉ nhục cáo gian, chúng ta vẫn phải chọn con đường của cầu nguyện của kiên nhẫn và đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa; chứ không chạy theo trò lừa dối của những thứ phù vân. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 9 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta
Đừng để cho mình bị đánh lừa bởi cái hào nhoáng bề ngoài của những thứ phù vân, nhưng hãy để cho lòng mình biết mở ra đón nhận niềm vui đến từ Thiên Chúa, biết tạ ơn Ngài vì những ơn lành, vì ơn chữa lành mà Ngài ban cho chúng ta.
Bài đọc trích sách Tobia kể lại câu chuyện rất đời thường. Ông Tobit chuyên làm việc lành phúc đức là đi chôn xác kẻ chết. Nhưng rồi ông bị mù, và có lần do vợ chồng chưa hiểu ý nhau, mà bà vợ đã la mắng ông Tobit rằng: ông coi, ông làm việc lành mà giờ lại bị mù như thế. Ông Tobit có con trai là Tobia. Vợ của Tobia là Sara. Cô Sara cũng chịu nhiều đau khổ, vì bị mang tiếng là sát chồng. Vì thực sự trước khi lấy Tobia, cô Sara đã có nhiều đời chồng, các người chồng ấy đều chết, nhưng lý do không phải do Sara. Như thế, cả ông Tobit và con dâu là Sara đều phải chịu nhiều thử thách và bị sỉ nhục, nhưng cả hai đều đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.
Mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm từng trải những thời khắc khó khăn cùng cực. Có thể kinh nghiệm ấy chưa phải là tột độ, nhưng cũng đủ để chúng ta biết được kinh nghiệm ấy có cảm giác thế nào, thế nào là bóng tối, là đau buồn, là khó khăn, chúng ta biết những điều ấy.
Khi đối diện với sự khủng hoảng, cô Sara từng nghĩ: nếu tôi treo cổ tự tử thì tôi sẽ làm cho cha mẹ đau khổ. Cô đã dừng lại và cầu nguyện. Khi gặp cay đắng, ông Tobit nói: đây là cuộc sống của tôi, nào chúng ta hãy tiến bước, tiến bước trong cầu nguyện và cầu nguyện. Đó là thái độ có thể cứu chúng ta trong những đêm đen: thái độ cầu nguyện. Cả cô Sara và ông Tobit đều đau khổ nhưng biết kiên nhẫn trong cầu nguyện, vì hy vọng Thiên Chúa sẽ lắng nghe, vì hy vọng rồi đây mình sẽ có thể vượt qua những khổ đau ấy. Những khi buồn bã chán nản và đen tối nhất, đừng quên: cầu nguyện, kiên nhẫn và hy vọng.
Câu chuyện trong sách Tobia kết thúc rất có hậu, nhưng không phải như những cái kết của tiểu thuyết. Sau thời gian chịu thử thách và đau khổ, Thiên Chúa đã lắng nghe họ, đã chữa lành họ, và các vị ấy cảm tạ Thiên Chúa, mở rộng tâm hồn với lời nguyện tạ ơn.
Trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, chúng ta có biết nhận diện những chuyển động khác nhau trong tâm hồn hay không. Làm như thế để nhận biết những thời điểm khó khăn thách đố, để biết cầu nguyện, biết kiên nhẫn và một chút hy vọng. Làm như thế, để tránh bị rơi vào sự trống rỗng hư vô, để trong cầu nguyện chúng ta biết rằng có Chúa luôn đồng hành và Ngài sẽ sớm ban niềm vui cho chúng ta. Cô Sara đã sống điều ấy. Cô không tự vẫn, nhưng biết cầu nguyện. Tobit cũng thế, ông chờ đợi trong cầu nguyện và hy vọng Chúa sẽ cứu. Và rồi Thiên Chúa đã cứu cô Sara, Thiên Chúa cũng cứu ông Tobit.
Dịp cuối tuần này, chúng ta hãy đọc sách Tobia, hãy nài xin ân sủng của Thiên Chúa, để biết cách sống trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống, để biết cách sống trong những thời điểm tươi sáng, để không bị lừa gạt bởi những thứ phù vân hư không.