1. Chúa Giêsu chọn một tội nhân để chăn dắt đoàn chiên
Chúa Giêsu đã trao phó đoàn chiên của Chúa cho thánh Phêrô, một người từng phạm tội chối Chúa ba lần. Chúa mời gọi Phêrô hãy chăn dắt đoàn chiên trong khiêm nhường và yêu thương, ngay cả khi đoàn chiên có đầy những sai lầm và tội lỗi. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 2 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Phục Sinh đã trò chuyện với Phêrô trên bờ biển hồ. Người hỏi ông ba lần câu hỏi về lòng yêu mến, và Người đã trao phó đoàn chiên cho ông chăm sóc dẫn dắt. Chúa Giêsu đã chọn như thế, chọn kẻ tội lỗi nhất giữa các tông đồ: các tông đồ khác thì chạy trốn, còn Phêrô thì chối Chúa. Khi trao đoàn chiên cho Phêrô, Chúa chỉ hỏi ông về tình yêu mến.
Người chăm sóc đoàn chiên của Chúa, không phải là bậc đứng đầu cao nhất, cũng không phải là bậc cai trị vĩ đại. Không, không phải thế. Người ấy phải chăn dắt chiên với lòng khiêm nhường, với lòng yêu thương giống như Chúa Giêsu đã làm. Đây là sứ mạng mà Chúa Giêsu trao cho Phêrô. Sứ mạng ấy được thực thi với đầy tình yêu mến, ngay cả giữa những sai lầm và tội lỗi của đoàn chiên. Có thể người mục tử sẽ nói: Tại sao những con chiên ấy không phải là con chiên của Ngài, mà lại là con chiên của con? Nhưng Chúa sẽ đáp lại: “Nếu con là bạn của Ta, thì con cũng phải làm bạn với những con chiên ấy”.
Phêrô là người mạnh mẽ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa. Ông cũng là người chối Chúa cách quyết liệt ba lần. Và ông cũng là người sám hối khóc lóc thảm thiết. Sau cả cuộc đời phục vụ Chúa, ông đón nhận cái chết giống như Chúa. Đó là bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng ông không dám được đóng đinh giống như Chúa, mà ông xin cho được đóng đinh ngược, để diễn tả lòng khiêm hạ rằng, chỉ có một Chúa mà thôi, còn ông chỉ là người tôi tớ chỉ là người phục vụ. Nguyện xin Chúa đổ tràn ân sủng xuống trên chúng ta, để chúng ta nhận ra rằng: chúng ta chỉ là tội nhân, và chỉ có một Chúa là Chúa Giêsu, còn chúng ta chỉ là người đầy tớ người phục vụ.
2. Câu chuyện Thánh Piô Năm Dấu Thánh Trừ Quỷ
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Thánh Kinh đã ghi lại những trường hợp Chúa Giêsu trừ ám. Tuy nhiên, tờ Catholic Herald trong số ra ngày 1 tháng Sáu vừa qua tường thuật rằng bất chấp những trình thuật trong Phúc Âm nhiều người Công Giáo lại tin rằng ma quỷ chỉ là một “khái niệm” do các Kitô hữu tưởng tượng ra chứ không có thật.
Cha Germano Ventura, Linh Mục dòng Thương Khó, thực thi trách vụ trừ quỷ tại Rôma trong 30 năm qua khẳng định ma quỷ là có thật.
Cha cho biết thêm như sau: “Ma quỷ có thể phá hại con người bằng nhiều cách. Có nhiều người mắc những chứng bệnh kỳ lạ, chạy chữa đủ mọi phương thuốc nơi đủ mọi y sĩ, nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh.
Lúc trước, tôi vẫn dè dặt mỗi khi phải chính thức đề cập đến vấn đề quỷ ám và trừ quỷ với giới báo chí, vì đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Nay thì tôi nghĩ khác. Ma quỷ hiện diện khắp nơi và luôn tìm cách quấy phá, ám hại con người: cuộc sống, thể xác và tinh thần. Hơn ai hết, chúng tôi là Linh Mục trừ quỷ, hàng ngày đối đầu với quỷ dữ, chạm trán với những trường hợp ám hại thương đau, chúng tôi cần phải nói to, nói rõ cho mọi người biết về sức tung hoành tàn phá của quỷ dữ, và nhất là, minh chứng cho mọi người thấy:
– Quyền năng lớn lao của Giáo Hội Công Giáo, duy nhất, thánh thiện, tông truyền, khi nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ và Đức Mẹ MARIA để trừ quỷ.
– Các tín hữu Công Giáo cần ý thức sâu xa rằng, khi gặp những trường hợp nan giải, mắc những chứng bệnh kỳ lạ, không bác sĩ nào giải thích được và không phương thuốc nào chữa trị được, thì nên tìm đến với Linh Mục, hỏi han ý kiến của ngài. Chỉ có Linh Mục Công Giáo, nhân danh Giáo Hội Công Giáo và dùng những phương thức của chính Giáo Hội Công Giáo, mới giải thoát con người khỏi những bệnh tật do sức phá hoại của ma quỷ. Trong mọi trường hợp, tín hữu Công Giáo không được phép chạy đến với thầy pháp, thầy phù thủy hoặc với những bà đồng bóng.”
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Cha Alberto là một linh mục dòng Anh Em Hèn Mọn và đã từng giúp lễ cho cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh đã kể lại rất nhiều chuyện về cha Thánh Piô. Nhiều truyện đã được dựng thành phim như câu chuyện Thánh Piô Năm Dấu Thánh Trừ Quỷ sau đây:
Hương thơm thánh thiện của Thánh Piô Năm Dấu Thánh và quyền năng trừ quỷ của ngài vang khắp Italia. Người ta thường mang đến tu viện những người bị quỷ ám để cha chữa lành.
Nhiều bệnh nhân có những phản ứng kỳ lạ như run lẩy bẩy, chửi bới, đe dọa, tìm cách tẩu thoát hoặc nhảy bổ vào cấu xé ngài như thể đang bị một quyền lực vô hình điều khiển.
Khi thi hành tác vụ trừ quỷ cha thánh Piô giữ một thái độ luôn luôn điềm tĩnh trước tất cả những hiện tượng quái dị do ma quỷ tác động nơi người bị ám hại. Mặt ngài tỏ lộ lòng thương cảm nhưng không tỏ ra có chút gì sợ hãi. Ngài tỏ ra đầy uy quyền đối với mọi thứ quỷ dữ.
Cha Alberto là một trong hai phó tế đã xốc nách người đàn bà này và dẫn đến trước mặt cha Piô. Người đàn bà la hét chửi bới nhưng cha Piô thản nhiên đọc các lời cầu nguyện và cuối cùng người đàn bà được chữa lành.
3. Chân dung người mục tử tốt lành
Người mục tử tốt lành biết cách làm thế nào để Giáo Hội được tốt đẹp, bởi vì vị mục tử ấy biết rằng mình không phải là trung tâm của lịch sử, nhưng chỉ là người phục vụ, phục vụ mà không cần những thỏa hiệp, cũng chẳng chiếm đoạt những gì thuộc về đàn chiên. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 30 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.
Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ, thánh Phaolô đã lên đường rời xa Giáo đoàn Êphêxô. Đây là giáo đoàn chính thánh nhân đã lập nên, nhưng bây giờ ngài phải lên đường, phải ra đi.
Tất cả các mục tử đều phải nói lời tạm biệt để sẵn sàng lên đường. Giây phút ấy sẽ đến khi Chúa nói với chúng ta: hãy đi về bên kia, hãy đi qua đó, hãy đến đây, hãy đến với Ta. Và như thế, một trong những điều mà các mục tử phải làm, đó là luôn sẵng sàng lên đường, sẵn lòng buông bỏ tất cả chứ không nửa vời. Người mục tử nào mà không học cho biết phải ra đi, thì mối dây liên kết giữa vị ấy với đàn chiên cũng không tốt, và mối dây ấy chưa được tinh luyện bởi Thập giá Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô nói rằng, ngài lên đường đi Giêrusalem, bởi vì ngài được Thần Khí thúc đẩy. Thánh nhân cũng chưa biết điều gì sẽ xảy ra cho mình tại Giêrusalem, nhưng ngài vẫn lên đường, vẫn đi. Đó chính là vâng phục Thần Khí. Như thế các mục tử biết rằng mình phải lên đường.
Thánh nhân tiếp tục lên đường, bởi vì ngài không lo cho bản thân, ngài cũng không lấy đi những gì thuộc về đàn chiên. Ngài chỉ sống phục vụ. Giờ đây Chúa có muốn tôi lên đường không? Tôi đi mà không biết chuyện gì sẽ đến với mình. Tôi chỉ biết rằng Thánh Thần mách bảo tôi điều ấy. Thánh Phaolô là thế. Ngài lên đường, ngài không biết đến nghỉ ngơi, ngài ra đi phục vụ nơi những giáo đoàn khác. Trái tim ngài luôn rộng mở cho tiếng nói của Thiên Chúa. Phaolô là người mục tử luôn mau mắn lên đường như Chúa gọi mời.
Thánh Phaolô nói: tôi không kể mạng sống tôi làm quý. Đây là cung cách của một người không coi mình là trung tâm của lịch sử cho dù là lịch sử vĩ mô hay vi mô, không coi mình là trung tâm, nhưng chỉ coi mình là người phục vụ. Thánh nhân đã lên đường như thế, đã tạm biệt như thế, cho dù là sống hay chết. Điều quan trọng là hoàn toàn tự do và lên đường theo tiếng Chúa gọi.
Đây là lời cầu nguyện mẫu mực tốt đẹp cho các mục tử, cho các mục tử của chúng ta, cho các cha sở, cho các giám mục, cho Đức Giáo Hoàng, bởi vì cuộc sống của các mục tử phải là một cuộc sống không chút thỏa hiệp, nhưng luôn sẵn sàng lên đường, là một cuộc sống không coi mình là trung tâm lịch sử. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị mục tử của chúng ta.
4. Lắng nghe thần khí
Chúng ta cần để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để học cách lắng nghe trước khi đưa ra quyết định. Nếu chúng ta không biết nhận định những gì đang diễn ra trong tâm hồn mình, thì đức tin của chúng ta đóng băng kiểu ý thức hệ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 29 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.
Chúa Thánh Thần là Đấng tác động và thúc đẩy các tâm hồn như chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng, ví như trường hợp của ông Nicodemo, của người Samari nhân hậu, của những người tội lỗi sám hối. Những người ấy được Thánh Thần thúc đẩy, họ nghe được tác động ấy, và họ tiến đến gặp gỡ Chúa Giêsu.
Tôi có thể lắng nghe thấy những tác động ấy không? Tôi có thể kiếm tìm cội nguồn thôi thúc tôi, trước khi đưa ra một quyết định, hoặc trước khi nói một lời hoặc trước khi làm điều gì đó hay không? Hay là con tim tôi là một con tim yên tĩnh đến lạnh giá và không cảm xúc, một con tim chai đá? Cũng có những trái tim rung lên nhịp đập với một tinh thần tự động như cái máy và không còn cảm xúc. Các sách Phúc Âm kể cho chúng ta về các luật sĩ: họ tin nơi Thiên Chúa, họ biết tất cả các điều răn, nhưng trái tim họ kép kín và đóng băng, trái tim họ không còn biết lắng lo.
Hãy để cho chính lòng bạn bị Chúa Thánh Thần tác động? Nhưng bạn có thể nói: Vâng, thưa cha, con nghe thấy điều ấy, con cảm nhận thấy… nhưng thưa cha, đó chỉ là cảm tính mà thôi? Đúng, có thể chỉ là cảm tính, nhưng cũng có thể không chỉ là cảm tính. Nếu bạn đang đi đúng đường, thì đó không chỉ là cảm tính. Ví dụ, bạn cảm thấy được thôi thúc để viếng thăm người ốm bệnh, để thăm viếng người sắp qua đời…
Để có thể lắng nghe và phân biệt, để có thể phân định những gì tôi cảm thấy trong cõi lòng mình, thì tôi cần đến Chúa Thánh Thần, vì Ngài là bậc thầy của khôn ngoan sáng suốt. Một người không có những chuyển động trong tâm hồn, một người không nhận ra, không biết phân định, không biết nhận định những gì đang diễn ra trong lòng mình, thì đó là những người có đức tin lạnh giá, đức tin ấy theo kiểu ý thức hệ. Đức tin kiểu ấy chỉ là ý thức hệ vì tất cả như thể đã rõ và đã có, chẳng cần cảm nhận, chẳng cần biết thêm, chẳng cần phân định.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn con trên bước đường đời trong từng chọn lựa hằng ngày. Xin ban cho con ân sủng để con có thể phân định và nhận ra những gì là tốt và những gì là ít tốt, phân biệt những gì là tốt và những gì là xấu, những gì là xấu nảy sinh từ những thứ ít tốt, những gì là xấu đang ẩn ngầm. Các bạn có xin ơn ấy không? Đây là câu hỏi mà tôi muốn mời gọi các bạn tự hỏi lòng mình trong ngày hôm nay.
Nếu trái tim ta có nhiều chuyển động khác nhau, nếu lòng ta đang muốn làm điều gì đó, chúng ta hãy gọi hỏi Chúa Thánh Thần để Ngài tác động và hướng dẫn, để chúng ta có thể biết nói có hoặc không. Chúng ta cũng hãy xin ơn biết lắng nghe Chúa Thánh Thần, cho Giáo Hội, cho cộng đoàn, cho xứ đạo, cho gia đình, và cho từng người chúng ta.