Yêu thương qua những lời nói

Khi xã hội ngày càng phát triển, những giá trị vật chất được con người chú ý hơn là giá trị tinh thần. Đặc biệt trong cách ứng xử hằng ngày thiếu văn minh với nhau khiến mối quan hệ giữa người với người dần trở nên xa cách. Tuy nhiên đâu đó trong cuộc sống, tôi vẫn bắt gặp những con người “đẹp”, đẹp trong cách ứng xử rất nhân văn, trong những lời nói bình dị mà đôi khi ta đã dần lãng quên nó.

Tôi và cấp trên đang ngồi trao đổi công việc trước cửa nhà, bỗng một người hành khất tiến lại gần. Không đợi ông cụ mở lời, anh xếp vội móc túi biếu ông ít tiền lẻ kèm theo câu nói tốt lành: “con biếu cụ, chúc cụ một ngày bình an”, ông nói lời cảm ơn rồi vui vẻ bước đi. Hành động ấy khiến tôi phải suy nghĩ và học hỏi, anh không những giúp về vật chất mà còn tặng ông sự quan tâm với thái độ trọng thị nhất. Chỉ thêm một câu nói thôi mà có thể đem lại niềm vui cho người kém may mắn ấy suốt cả ngày.

Mỗi sáng ở công viên, tôi thấy thầy giáo của mình thường nói lời cảm ơn cô nhân viên vệ sinh mỗi lần cô quét lá chỗ ông đánh cầu lông. Khi tôi làm công tác giữ xe hoặc xịt khuẩn cho những người đi tham dự Thánh lễ, thỉnh thoảng cũng có người nói lời cảm ơn. Những lời nói tuy đơn giản nhưng khiến tôi cảm thấy được khích lệ và ấm áp trong lòng, họ khiến tôi phải nhìn lại bản thân, hình như rất ít khi nói lời cảm ơn đối với những người đã hy sinh thời gian giữ xe cho mình yên tâm tham dự Thánh lễ sốt sáng hơn, thờ ơ với những người đã chịu khó đứng xịt khuẩn để giữ an toàn cho mọi người…Từ đó tôi tập nói lời cảm ơn nhiều hơn, mỗi lần làm như thế, tôi thấy họ đáp lại bằng một nụ cười hoặc một câu nói khẽ “không có gì”. Chỉ một câu nói đơn giản mà giúp  mọi người xích lại gần nhau hơn.

Những lời nói tử tế có sức mạnh to lớn giúp xoa dịu nỗi đau của con người, và nó trở thành tấm gương cho người khác noi theo, đơn cử như việc bố bạn tôi mắc bệnh đãng trí, mỗi lần đi toilet xong thường quên không dội nước, nhiều lần như thế khiến bạn rất khó chịu và hay cằn nhằn, trách móc. Thấy vậy mẹ bạn bảo: “bố con lớn tuổi rồi, lúc nhớ lúc quên là chuyện bình thường, con làm hộ bố một tí thì có sao đâu, nói lời nhẹ nhàng thì hay hơn là lời cáu gắt con à” và bà luôn là người kiên nhẫn trước những sai sót của chồng, cái gì ông làm sai, bà làm lại cách âm thầm để ông không thấy tự ti, mặc cảm. Những lời khuyên của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của bạn, nên càng về sau, tôi càng thấy nó ít to tiếng hay nặng lời với người khác. Quả thật những tấm gương sáng có giá trị hơn nghìn cuốn sách mà ta đã đọc.

Lời nói tử tế còn được thể hiện qua việc an ủi người đau khổ, tuyệt vọng. Khen ngợi, động viên một ai đó cách trân thành để họ có thêm động lực làm tốt công việc của mình, điều này khác với việc nịnh bợ để mưu cầu lợi ích cho bản thân. Tử tế trong lời nói không phải là điều gì quá lớn lao, đôi khi chỉ là những câu nói đơn giản như nói lời cảm ơn, xin lỗi bằng chính tấm lòng của mình sẽ giúp cho cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc và làm cho mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên đâu đó trong cuộc sống ta thấy vẫn xuất hiện những câu nói gây chia rẽ, hận thù, thậm chí có thể tước đi sinh mạng của người khác, đơn cử như việc nói xấu nhau trên mạng xã hội. Ai cũng có những tật xấu, những lỗi lầm, nhưng khi nói những lời tổn thương nhau liệu có làm cho nhau tốt hơn được không? hay chỉ làm cho những mối quan hệ thêm rạn nứt. Điều đáng nói là có những người sẵn sàng hùa theo đám đông để “ném đá” người mình chẳng hề quen biết, hay không hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện như thế nào. “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7) là lời Chúa Giêsu đáp khi người ta hỏi Ngài có cần ném đá người phụ nữ vì tội của chị không đáng để cho ta suy ngẫm. Nhưng buồn thay trong thực tế hiện nay, việc “ném đá” nhau trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và không có dấu hiệu dừng lại.

Thế nên việc nói gì và nói như thế nào trong các mối quan hệ xã hội rất quan trọng. Một lời khen ngợi, góp ý đúng có thể giúp ta vững tâm bước tiếp, nhưng một lời chê bai, chỉ trích ác ý có thể khiến ai đó đau khổ suốt thời gian dài và gây ra những hậu quả tiêu cực, vì vậy hãy cẩn trọng trong lời nói, dẫu là những câu nói đùa. Những lời nói tốt đẹp không phải tự dưng có được, mà nó là quá trình học hỏi, rèn luyện mỗi ngày. Hãy nghĩ đến những người tử tế và cảm giác hạnh phúc họ đem đến cho mình mà thực hành những lời nói nhân ái nhiều hơn.

Là người Giáo dân Đaminh với sứ vụ giảng thuyết, thiết nghĩ mỗi đoàn viên cần có đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa, không ngừng học hỏi, trau dồi ngôn từ, lòng trắc ẩn để có thể “nói với Chúa và nói về Chúa” cho người khác, hầu những suy nghĩ, lời nói tích cực trở thành lối sống, là tiếng ngân nga và nhịp điệu liên hồi của bài hát tình yêu mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng mỗi người. Và khi bạn biết nói những lời tử tế là bạn đã đáp trả lại tiếng gọi mời của Thầy Giêsu: “Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

KimMary

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *