Tôn chỉ của Dòng là Chân Lý và sứ vụ của Dòng là rao giảng chân lý. Ðiều đó cho chúng ta thấy, tự bản chất, sứ vụ của Dòng cần đến tinh thần học hỏi của mọi thành viên, không trừ ai. Dĩ nhiên, chân lý không chỉ là những suy tư thần học và rao giảng không phải chỉ là bằng cách nói trên tòa giảng hay trong các lớp học. Có những thứ chân lý của cuộc đời, chân lý trong cách sống, chân lý trong cách cư xử hằng ngày. Có những “lời rao giảng” bằng chứng tá còn hữu hiệu hơn lời nói nhiều, như tục ngữ Việt Nam đã nói : “Lời nói như gió thoảng bay – Gương lành như tay lôi kéo”.
Nhưng dù là chân lý thần học hay chân lý trong cuộc sống, dù là nói trên bục giảng hay lời giảng bằng gương lành tất cả đều cần đến việc học hỏi một cách nào đó : học trong cầu nguyện, học trong việc đọc Kinh Thánh, học trong cuộc đời, học trong lớp. Ðể rao giảng chân lý, dù là chân lý nào đi nữa, người Ða Minh cũng phải học, phải có tinh thần học hỏi, chứ không phải chỉ cần nhiệt thành, không chỉ cần thành tâm thiện chí. Những người lạc giáo thời thánh Ða Minh đà những người hết sức thành tâm thiện chí, nhưng họ đã không có chân lý. Trong lương tâm, Thiên Chúa phán xử mỗi người theo sự thành tâm thiện chí, theo lòng yêu mến của mỗi người. Nhưng trong mức độ tập thể xã hội, nếu không có chân lý, sự thành tâm thiện chí có thể lại nguy hại, có ảnh hưởng xấu đến người khác, cũng y như những người lạc giáo thời thánh Ða Minh vậy.
Bởi vậy, để có thể thi hành sứ vụ tông đồ theo tinh thần của Dòng, để trở thành những nhà tông đồ của chân lý, nên những nhà rao giảng chân lý, việc học là điều không thể thiếu được.
Thánh Ða Minh đã không chỉ thấy những sai lạc về đạo lý của những người lạc giáo và cũng không chỉ đưa ra những thứ rao giảng bằng lời nói. Ngài còn nhậy cảm với những cách sống “không thể truyền đạt chân lý” : trong khi những người lạc giáo sống khắc khổ, khó nghèo thì các đặc sứ Tòa Thánh trên đường rao giảng lại đầy ngựa xe, đầy lính hầu và quần áo xúng xính, sang trọng. Sự nhậy cảm về chân lý của thánh Ða Minh đã cho ngài biết, để chinh phục bè rối cần phải có một sức sống khác, có một cách rao giảng khác đúng với chân lý hơn : sống nghèo và rao giảng trong sự thanh bần. Sự nhậy cảm đó không phải ngẫu nhiên mà có, không phải từ trên trời rơi xuống khơi khơi, nhưng chắc chắn nó đã được hình thành và nuôi dưỡng trong sự học hành, học trong thời gian ở với ông cậu, học trong thời gian ở đại học Palencia, học khi ở với Kinh sĩ Hội Osma, học trong Lời Chúa, học trong lời cầu nguyện, học trong những thực trạng của cuộc sống xã hội.
Theo gương Cha Thánh, các phần tử Ða Minh cần phải tha thiết với việc học. Học để hiểu đạo lý đúng đắn của Chúa, học để sửa đổi cách sống sai lạc; học để sống đúng như Chúa muốn và học để có thể là một người tông đồ Ða Minh đích thực, tông đồ chân lý.