Nhiều lúc, vì quá nhấn mạnh đến đức tuân phục hoặc hiểu sai về đức khiêm nhường, khiến chúng ta tưởng rằng một thành viên lý tưởng trong cộng đoàn luôn luôn phải cúi đầu vâng phục, tự tỏ ra mình hèn kém, không biết gì, không thể làm gì, không dám nói, để mặc người có trách nhiệm quyết định và làm mọi sự thay cho cả tập thể.
Khi thánh Ða Minh muốn quyết định đường lối điều hành của Dòng theo cách thức dân chủ, chúng ta thấy rằng ngài hoàn toàn không muốn một kiểu “vâng lời” hay “khiêm nhường” như vậy.
Ðức vâng lời không chỉ nhằm tới một cá nhân để người vâng lời được đạo đức, nhưng là một đức tính nhằm tạo nên một sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất như vậy không phải là dẹp bỏ tất cả mọi suy nghĩ của anh chị em, chỉ lấy một suy nghĩ của bề trên làm suy nghĩ chung. Sự hiệp nhất do đức vâng phục trong cộng đoàn Ða Minh muốn nói lên rằng mỗi thành viên phải có trách nhiệm chung với cộng đoàn, mỗi thành viên phải đảm nhận trách nhiệm thực sự với cộng đoàn, cũng như bề trên, như đoàn trưởng vậy. Do đó, họ cũng cần quan tâm, suy nghĩ, góp ý, cầu nguyện cho công cuộc chung của tập thể. Nhưng sau khi đã bàn bạc, bỏ phiếu và đi đến quyết định, thì phải nhìn ra đó là thánh ý Chúa và đây là lúc thể hiện sự khiêm nhường đích thực. Khiêm nhường là nhìn nhận thật sự tài năng Chúa ban cho mình, sử dụng tài năng đó trong niềm tin tường rằng mình đã được lãnh nhận nhưng-không, và đã lãnh nhận thì không có gì phải vinh vang cả. Khiêm nhường là tin tưởng rằng Thiên Chúa có thể chọn những đường lối không như ý mình, để thực hiện điều tốt đẹp nhất.
Một tinh thần trách nhiệm như vậy, không cho phép ai đó tự mình coi như một người đừng ngoài, phê phán, chỉ trích và phủi tay cho rằng mình vô tội trước những trục trặc của cộng đoàn. Tinh thần trách nhiệm đó đòi buộc mỗi người phải coi khó khăn của cộng đoàn là khó khăn của mình, sai phạm của cộng đoàn là sai phạm của mình. yếu đuối của anh em trong cộng đoàn là yếu đuối của mình và trách nhiệm xây dựng cộng đoàn là trách nhiệm của mình, chứ không phải cứ giao khoán cho các người có trách nhiệm trực tiếp.
Tinh thần vâng lời có trách nhiệm như vậy không chỉ dừng lại ở chỗ tuân giữ những kỷ luật chung, không phải chỉ giữ trọn giờ giấc sinh hoạt, đóng góp những gì cộng đoàn đòi buộc, nhưng đòi hỏi phải có một tinh thần chủ động tích cực, một tinh thần làm chủ thực sự.
Tinh thần của Dòng, trước hết, không phải chỉ là những qui định mà là một tinh thần mà mỗi người phải có trong tâm hồn. Nếu không có được một tâm hồn “dân chủ” thì những qui định về pháp lý về cách thức điều hành dân chủ của Dòng rồi thì cũng chỉ rơi vào vết xe cũ, tức là sự giao khoán cho một số người, một số ít; còn đa số vẫn thụ động, đứng ngoài, rồi đưa đến phán xét, xét nét, chê bai, bình phẩm …