Tổng hợp những câu hỏi về Thánh Giuse

Tháng ba được dành kính thánh Giuse, có lý do gì gắn liền tháng ba với thánh Giuse?Trong một năm, lòng đạo đức bình dân thường dành ra vài tháng để kính nhớ một nhân vật nào đó, cụ thể là: tháng 5 kính Đức Mẹ, tháng 6 kính Thánh tâm Chúa, tháng 10 kính Đức Mẹ Mân côi, tháng 11 nhớ các linh hồn đã qua đời. Nói chung, nguồn gốc của các tháng dâng kính như vậy không có gì khó hiểu. Lúc đầu, người ta mừng lễ kính một vị thánh. Nhằm để chuẩn bị mừng lễ, người ta tổ chức ba ngày hay chín ngày dọn mình; và rồi tính cách long trọng của lễ còn kéo dài ra suốt tuần bát nhật. Vị chi là non 20 ngày rồi, cho nên kéo dài ra thêm một tháng cũng chẳng vất vả gì. Điều này rõ rệt với phụng vụ Đông phương: ngày 15 tháng 8 là lễ Đức Mẹ lên trời; các đan sĩ dành 15 ngày trước đó để chuẩn bị và kéo dài thêm 15 ngày sau đó. Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể hiểu được vì sao tháng 3 được dành cho thánh Giuse, bởi vì lễ thánh Giuse được mừng trong tháng 3, ngày 19. Việc dâng kính tháng 3 cho thánh Giuse được đức giáo hoàng Piô IX chuẩn nhận ngày 27/4/1865.Tại sao lễ thánh Giuse được mừng vào ngày 19 tháng 3?
Thường lễ các thánh được mừng vào ngày qua đời, được coi như ngày sinh (dies natalis) vào cõi sống trường cửu. Thế nhưng, đối với thánh Giuse cũng như nhiều thánh thời cổ, thì chúng ta không biết ngày qua đời của họ. Vì thế các ngày lễ thường được ấn định dựa theo một truyền thống địa phương nào đó, chẳng hạn như lễ cung hiến một thánh đường nào đó. Riêng đối với thánh Giuse, chúng ta nên ghi nhận một điểm quan trọng. Trong khi mà lễ kính các thánh tử đạo đã xuất hiện từ những thế kỷ đầu tiên, tiếp đến là các lễ kính Đức Mẹ từ thế kỷ IV và các thánh tu hành, nhưng nói được là trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, không nơi nào mừng lễ kính thánh Giuse hết. Quả thật thánh Giuse là một con người thầm lặng, lúc còn sống cũng như sau khi đã qua đời. Đừng kể vài chứng tích lẻ tẻ, phải chờ đến thế kỷ XIV, mới thấy lễ kính thánh Giuse được cử hành trong các dòng hành khất, chẳng hạn Dòng Tôi tớ Đức Mẹ (năm 1324), Dòng Phan sinh (năm 1339). Sang thế kỷ XV, lễ mới được bành trướng. Năm 1467, giáo phận Milano (Italia) ấn định lễ thánh Giuse vào ngày 20 tháng 3, và chuyển sang ngày 19 tháng 3 từ năm 1509. Phải chờ tới cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Trentô, do đức Piô V thì lễ thánh Giuse mới được ghi vào lịch phổ quát của Giáo hội (1568-1570). Lễ được mừng vào ngày 19 tháng 3, và trở thành lễ buộc từ năm 1621, dưới thời đức Grêgôriô XV.Xin trở lại với câu hỏi, có gì liên hệ giữa ngày 19 tháng 3 với thánh Giuse?Các sử gia vẫn chưa tìm ra mối liên hệ. Tại vài Giáo hội Hy-lạp, thánh Giuse được mừng sau lễ Giáng sinh (ngày 26 tháng chạp), nhưng ngài cùng đứng chung với các tổ phụ từ ông Abraham cho đến thánh Giuse. Bên Ai cập, người ta mừng ngày qua đời của thánh Giuse vào ngày 20 tháng 7, không hiểu dựa trên cơ sở nào. Bên Tây phương, lần đầu tiên tên thánh Giuse được xướng ngày 19 tháng 3 là một cuốn Tử đạo thư của một đan viện Biển đức ở Reichenau (trước đây thuộc tổng Zurigô Thụy sĩ) vào thế kỷ IX, có lẽ dựa theo một Phúc âm ngụy thư thế kỷ IV.Bên cạnh lễ mừng vào ngày 19 tháng 3, phụng vụ còn dành một lễ nhớ nữa, đó là lễ thánh Giuse lao động, được đức Piô XII thiết lập ngày 1/5/1955, nghĩa là vào lễ lao động. Điều này không có gì khó hiểu. Trước đó, phụng vụ còn mừng lễ thánh Giuse bổn mạng Hội thánh, được Đức Piô IX ấn định (10/9/1847), vào chúa nhật thứ ba sau lễ Phục sinh, nhưng sau đó được Đức Piô X (24/7/1913) dời vào ngày thứ tư trong tuần thứ hai sau lễ Phục sinh. Lễ này bị bãi bỏ năm 1956, khi được thay thế bằng lễ thánh Giuse lao động.

Cũng nên biết là vài nơi, người ta còn mừng lễ đính hôn của Đức Mẹ và thánh Giuse, vào ngày 23 tháng giêng. Nguồn gốc lễ này bắt nguồn từ linh mục Jean Gerson vào thế kỷ XV. Còn lễ Thánh gia (Chúa Giêsu, Mẹ Maria, thánh Giuse) thì mang tính cách phổ quát, được mừng vào Chúa nhật sau lễ Giáng sinh, cũng có thể kể như một lễ kính thánh Giuse, mặc dù không phải 100%. Lễ này được Đức Lêô XIII du nhập vào lịch chung của Giáo hội năm 1893 (hồi đó, mừng vào Chúa nhật thứ ba sau lễ Hiển linh).

Tháng Ba được dành để kính thánh Giuse, nhưng có những việc gì làm để tôn kính Người?

Có lẽ việc tôn kính mà thánh Giuse thích hơn cả là sống theo Phúc âm, cũng như Người đã cố gắng thi hành, đặc biệt trong việc tuân hành ý Chúa, và trung thành với việc bổn phận. Điều này được nhắc tới nhiều lần trong các văn kiện Toà thánh, gần hơn cả là tông huấn “Redemptoris Custos” (người gìn giữ Chúa Cứu thế) của Đức đương kim giáo hoàng, ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1989. Khi bàn về các việc đạo đức, thì có nhiều hình thức, chẳng hạn như: Kinh cầu thánh Giuse, ngắm 7 sự vui buồn thánh Giuse, kinh cầu cho Hội thánh. Có lẽ trong số này, kinh cầu thánh Giuse được nhiều người biết đến hơn cả. Kinh cầu này dựa theo sườn của kinh cầu Đức Bà, và được sử dụng trong vài hiệp hội tại Rôma từ thế kỷ XVI (khoảng năm 1597). Bố cục như sau: Mở đầu là những lời khẩn cầu dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa, và Đức Mẹ Maria; tiếp theo là những lời cầu cùng thánh Giuse dưới 25 tước hiệu. Các tước hiệu này có thể phân thành 5 nhóm. Nhóm đầu tiên nói sự thánh thiện cũng như nguồn gốc của thánh Giuse (dòng dõi vua Đavít, thuộc hàng các tổ phụ). Nhóm thứ hai nói đến các chức vụ được ủy thác (bạn Đức Maria, dưỡng phụ Đức Giêsu, Đấng che chở cho đức Kitô và thánh gia). Nhóm thứ ba ca ngợi 6 nhân đức của thánh nhân (công chính, khiết tịnh, khôn ngoan, mạnh bạo, vâng lời, trung thành). Nhóm thứ tư đề cao thánh Giuse như khuôn mẫu cho các nhân đức xã hội (nhẫn nại, thanh bần, cần cù lao động, mẫu gương cho các gia trưởng, các người khiết tịnh cũng như người có đôi bạn, an ủi kẻ âu sầu). Nhóm cuối cùng nhắc đến những tước hiệu bổn mạng (của những người lâm tử và của toàn thể Hội thánh).

Còn suy gẫm 7 sự vui buồn thánh Giuse là suy gẫm cái gì?

Kinh này dựa theo việc suy gẫm bảy sự đau đớn Đức Mẹ do các tu sĩ dòng Tôi tớ Đức Mẹ phổ biến. Việc suy gẫm bảy sự vui buồn thánh Giuse được in thành sách từ thế kỷ XVI, suy gẫm các biến cố vui buồn của thánh Giuse, dựa theo những trình thuật Tin mừng thơ ấu của thánh Mathêu và thánh Luca. Nên lưu ý là đối với Đức Mẹ thì chỉ nói tới bảy sự đau đớn, còn đối với thánh Giuse, chúng ta vừa suy gẫm bảy sự buồn cùng với bảy sự vui. Nói cách khác, mỗi biến cố đều có mặt buồn của nó và liền đó là mặt vui. Bảy biến cố là: thứ nhất, việc Đức Mẹ mang thai Chúa Giêsu, gây ra nhiều băn khoăn cho thánh Giuse, nhưng sau đó được thiên thần giải thích. Thứ hai, khi chứng kiến cảnh khó nghèo của Chúa Giêsu khi sinh ra tại Belem. Thứ ba, khi làm phép cắt bì cho Chúa Giêsu. Thứ tư, khi cụ Simêon tiên báo những đau khổ của Chúa Giêsu. Thứ năm, khi trốn qua Ai cập. Thứ sáu, khi trở về Nadarét. Thứ bảy khi lạc mất và tìm lại Đức Giêsu trong đền thờ. Sau mỗi cảnh suy niệm, đọc một kinh Lạy Cha và Kính mừng, có thể thêm kinh Sáng danh.

Giáo hội chỉ mừng thánh Giuse vào ngày lễ ở tháng ba thôi hay sao?

Như đã nói ở đầu, trong năm phụng vụ có hai ngày kính thánh Giuse: ngày 19 tháng 3 và ngày 1 tháng 5. Còn những cơ hội khác thì để tùy theo lòng đạo đức và tập tục địa phương. Chẳng hạn như nhiều nơi mỗi tuần dành một ngày kính thánh Giuse (ngày thứ tư) cũng như ngày thứ sáu dành kính Thánh tâm Chúa (hoặc cuộc tử nạn), thứ bảy kính Đức Mẹ. Có nơi chuẩn bị lễ thánh Giuse không phải với tuần bảy ngày mà là 7 Chúa nhật, nhớ đến 7 sự vui buồn của thánh Giuse. Thế rồi trong tháng 10, tháng Mân côi, đức Lêô XIII đã muốn thêm vào kinh thánh Giuse (Lạy ơn ông tháng Giuse, chúng tôi chạy đến cùng người), kinh do người soạn ra và đăng ở cuối thông điệp Quamquam pluries (15/8/1889).

Tại sao ngày thứ tư mỗi tuần được dành để kính thánh Giuse?

Dưới khía cạnh lịch sử, các học giả không thấy có một mối liên hệ nào hết. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu ăn chay mỗi tuần hai ngày, (thứ tư và thứ sáu), khác với người Do thái cũng ăn chay mỗi tuần hai ngày, nhưng là vào thứ hai và thứ năm. Theo sự giải thích của vài giáo phụ, ngày thứ sáu tưởng niệm Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, còn ngày thứ tư tưởng nhớ ngày Chúa bị Giuđa phản bội. Không rõ từ hồi nào người ta dành thứ tư để kính thánh Giuse, và vì lý do gì. Tuy vậy, cũng có người bóp trán để giải thích thế này. Ngày thứ tư là ngày ở giữa tuần lễ, với nhịp độ làm việc cao, khác với nhịp độ uể ỏai hay cầm chừng của đầu tuần hay cuối tuần. Như vậy đáng để dành cho thánh Giuse, gương mẫu của sự cần cù làm việc.

Dù sao, cũng nên biết là đối với người kính mến thánh Giuse, thì họ vẫn nhớ đến tên của ngài mỗi ngày, cùng với việc kêu cầu Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria. Ngoài ra, tại vài nơi, người ta còn đọc một kinh riêng kính thánh Giuse dưới hình thức bổn mạng của người chết lành. Truyền thống cho rằng thánh Giuse là người có phúc nhất trên đời, bởi vì lúc lâm chung, người có Chúa Giêsu và Đức Mẹ đứng bên cạnh. Từ đó một hiệp hội được thành lập với trụ sử đặt tại Rôma, cầu xin thánh Giuse giúp cho mọi người được chết lành. Tại Việt Nam, ở nhiều nhà thờ và gia đình, người ta đọc mỗi ngày hai lần kinh nguyện vắn tắt như sau: “Lạy ông thánh Giuse, là cha nuôi Đức Chúa Giêsu cùng là bạn thanh sạch rất thánh đồng trinh Đức Bà Maria, xin Người cầu nguyện cho chúng tôi và cho các kẻ mong sinh thì trong ngày (đêm) hôm nay”.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Trong tháng 3 dương lịch, tại nhiều nhà thờ, người ta trưng bày ảnh của thánh Giuse để tôn kính vị đã được Chúa chọn làm cha nuôi của đức Giêsu. Nhưng mà tại sao hầu như hết các bức tranh đều vẽ thánh Giuse như ông cụ già? Thánh Giuse được bao nhiêu tuổi khi Chúa Giêsu ra đời?Thiết tưởng nên lưu ý là các hoạ sĩ không phải là nhiếp ảnh viên: họ không chụp lại tấm hình căn cước một nhân vật. Khi vẽ một bức tranh, kể cả bức tranh chân dung, các hoạ sĩ thường tô thắm thêm những nét diễn tả một tư tưởng hay cảm nghĩ gì nữa đó. Vì thế mà họ sẽ lựa chọn màu sắc của y phục, cũng như bày trí cảnh vật vân vân. Dù sao đi nữa, để hoạ lại chân dung của thánh Giuse, thì không hoạ sĩ nào có thể đóng vai của nhà nhiếp ảnh được, vì hai lý do: a) thứ nhất là thánh Giuse không có để lại một di ảnh nào, vì thế chẳng ai biết mặt mũi của ngài ra sao; b) nhất là, lý do thứ hai, không ai biết gốc gác lai lịch của thánh Giuse hết.Phúc âm có nói về thánh Giuse đấy chứ?Đúng như vậy, đặc biệt là Matthêu nói tới thánh Giuse khá nhiều trong hai chương đầu, vì vậy có người gọi Matthêu là thánh sử của Giuse (đối lại với Luca là thánh sử của đức Maria). Nhưng mà qua Phúc âm của Matthêu chúng ta chỉ biết được rằng Giuse là con ông Giacob (1,16) cũng giống như tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Giuse đã đính hôn với Maria, nhưng mà Chúa Giêsu không phải sinh ra do sự giao hợp tự nhiên. Sang đến chương 2, thì chúng ta lại gặp Giuse ở cạnh đức Maria tại Bêlem khi ba vua đến tìm gặp Hài nhi Giêsu; và tiếp đó Giuse lại phải đưa hài nhi với bà mẹ lánh nạn sang Ai cập và từ đó trở về Nadarét. Có vậy thôi: chúng ta không biết được Giuse qua đời lúc nào, cũng như chúng ta không biết Giuse được bao nhiêu tuổi.Dựa vào đâu mà vẽ thánh Giuse đầu râu tóc bạc như vậy?Dựa vào những tác phẩm ngụy thư. Như vừa nói, trong toàn bộ Tân ước, Matthêu là người nói tới Giuse nhiều hơn hết, nhưng thánh sử chẳng cho ta biết nhiều chi tiết về tông tích Giuse, vì thế mà không khỏi để lại trong đầu óc chúng ta nhiều câu hỏi, khêu gợi tính tò mò muốn biết hơn về lai lịch của thánh Giuse. Các nhà chú giải Kinh thánh cận đại đã không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng mục tiêu của bốn tác giả Phúc âm không phải là viết tiểu sử của Chúa Giêsu, nhưng tiên vàn là để loan báo một Tin mừng, tin mừng cứu độ. Trọng tâm của Tin mừng là cuộc tử nạn và phục sinh của đức Kitô, như chúng ta đọc thấy trong những bài giảng của thánh Phêrô trong sách tông đồ công vụ; kế đó, người ta kéo dài thêm một chút, tới những lời giảng và hoạt động của đức Kitô (quen gọi là cuộc đời công khai). Mãi về sau, người ta mới kéo dài thêm một phần gọi là nguồn gốc và cuộc đời thơ ấu của Chúa. Dù sao, trong Phúc âm của Matthêu, thánh Giuse chỉ xuất hiện như nhân vật phụ chứ không phải là nhân vật chính: Giuse được mời vào sân khấu bởi vì ông là con vua Đavít, nhờ vậy mà Chúa Giêsu cũng thuộc dòng dõi Đavit, và như vậy những lời tiên tri về Đấng Cứu thế thuộc dòng Đavit được thực hiện. Đó là lý do mà Matthêu kể lại gia phả của Giêsu từ đầu Phúc âm. Mặt khác, Matthêu cũng nhấn mạnh ngay từ khi thuật lại gia phả rằng Chúa Giêsu không phải là con của ông Giuse sinh bởi giao hợp vợ chồng. Vì thế ta thấy có sự gián đoạn mạch văn. Từ đầu, mạch văn của gia phả là ông A sinh ra ông B, ông B sinh ra ông C; thế nhưng tới cuối thì thay vì nói ông Giuse sinh ra ông Giêsu, thì Matthêu lại viết: “ông Giacop sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu”. Cảnh thiên thần hiện đến cho ông Giuse từ câu 18 đến 25 sẽ giải thích điều đó.Những chuyện này có ăn thua gì đến ông thánh Giuse già hay trẻ đâu?Có chứ! Chúng ta có thể tưởng tượng những người yếu bóng vía thì sẽ e ngại rằng nếu để ông thánh Giuse quá trẻ mà ở chung với cô Maria cũng còn trẻ, thì e rằng hai người khó mà giữ mình khiết tịnh được. Vì vậy, cho ông Giuse già đáng tuổi bố của cô Maria thì cô ta sẽ an tâm hơn. Tuy nhiên, như vừa nói, đó chỉ là mối bận tâm của những người yếu bóng vía, suy bụng ta ra bụng người. Các Kitô hữu đời xưa thì có mối bận tâm khác. Họ thấy rằng Phúc âm có nói tới các anh em của Chúa Giêsu. Tại sao có chuyện ấy được, khi mà tục truyền tin rằng đức Maria trọn đời đồng trinh, trước cũng như sau khi sinh Chúa Giêsu? Vì thế để giải quyết vấn đề, một số tác giả bèn nghĩ rằng những anh em đó phải được hiểu là các anh cùng cha khác mẹ với  Chúa Giêsu; nói cách khác, ông Giuse đã có một đời vợ rồi và đã có con; sau đó vợ mất, ông Giuse ở góa một thời gian thì tục huyền với cô Maria.Đến đây thì chúng ta bước sang các Phúc âm ngụy thư phải không?

Đúng vậy. Như đã nói trên đây, các Phúc âm nói rất vắn tắt về cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu kéo dài hơn 30 năm, đang khi mà cuộc đời công khai chỉ hơn kém 3 năm. Kế đó, người ta cũng muốn biết lai lịch, gốc gác của đức Maria và thánh Giuse nữa. Vì thế mà hàng lô truyền kỳ đã ra đời từ thế kỷ II, quen gọi là “ngụy thư”. Thực ra, theo nguyên gốc Hy-lạp “ngụy thư” (apocrypha) lúc đầu có nghĩa là sách giấu kín; và kế đó, nó ám chỉ những sách không được ghi vào sổ bộ Sách thánh; chứ không phải lúc nào ngụy thư cũng có nghĩa là sách nói bậy bạ. Chúng ta lấy một thí dụ: tác phẩm mang danh là “Tin Phúc âm ca Giacôbê” là một ngụy thư; thế nhưng chính từ tác phẩm đó, mà chúng ta biết được danh tánh của song thân đức Maria là Gioakim và Anna; cũng từ tác phẩm đó mà phụng vụ đón nhận lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ.

Tác phẩm ấy có nói gì về thánh Giuse không?

Dĩ nhiên rồi. Thực ra phần lớn của tác phẩm “tiền phúc âm của Giacôbê” dành để nói tới nguồn gốc lai lịch của đức Maria. Thánh Giuse xuất hiện vào lúc đức Maria thành hôn và mang thai. Theo đó, thì từ hồi 3 tuổi, đức Maria đã được dâng mình vào đền thờ. Đến tuổi dậy thì, thì thầy cả thượng phẩm phải tính chuyện lập gia đình cho cô. Nhờ ơn trên soi sáng, thượng tế hô hào các chàng trai tới, mỗi người mang một cái que và đặt trong đền thờ. Sáng hôm sau, thượng tế vào đền thờ cầu nguyện thì thấy các que còn y nguyên như trước, và mỗi chàng lại vác que về nhà. Thế nhưng còn sót lại một que của Giuse và chủ nhân được gọi tới; khi Giuse vừa lấy lại cây que của mình thì một con chim bồ câu thoát ra và đáp xuống trên đầu của Giuse. Thật đúng là dấu lạ. Nhưng Giuse không dám nhận Maria, viện cớ là mình đã già lại phải nuôi nấng một đàn con. Thầy cả phải doạ rằng nếu ai không tuân theo ý Chúa thì sẽ bị trời phạt; ông cụ sợ quá đành rước Maria về nhà.

Như vậy cụ Giuse lúc ấy đã già rồi hay sao?

Tác phẩm “tiền Phúc âm của Giacôbê” chỉ nói là Giuse góa vợ và đã có con, chứ không nói bao nhiêu tuổi. Nhưng câu chuyện chưa hết. Giuse nhận Maria về rồi thì để cô ta ở nhà, rồi ông ra đi kiếm việc làm. Đang khi đó, thiên thần hiện đến báo tin cho đức Maria về việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Sáu tháng sau đó, ông Giuse trở về nhà thấy bạn mình mang bầu: chúng ta có thể tưởng tượng được bi kịch đã diễn ra. May thay, đến đêm thiên thần hiện ra giải thích đầu mối nguyên do. Nhưng đó mới là chuyện nội bộ; đến lượt hàng xóm và nhất là vị Thượng tế trong đền thờ kêu Giuse lại mắng một trận vì đã xâm phạm tiết hạnh của bà Maria. Cả Giuse lẫn Maria đều một mực thanh minh thanh nga. Sau cùng để kiểm chứng, thượng tế bắt cả hai phải uống nước đắng theo luật của sách Dân số (chương 5) đã truyền khi có ai bị tố cáo về tội ngoại tình. Cả hai đều uống mà không bị nước hành: cả làng mừng rỡ tung hô Chúa. Và Giuse đưa Maria về nhà cho tới ngày đi Bêlem.

Có tác phẩm nào nói tới tuổi của cụ Giuse không?

Dĩ nhiên còn nhiều ngụy thư khác nói tới Giuse. Xét về tuổi thì có tác phẩm tựa đề “Tiểu sử của Giuse thợ mộc” xuất phát từ Ai cập vào khoảng thế kỷ IV-V, thuật lại những giây phút cuối đời của Người. Theo đó, Giuse qua đời lúc 111 tuổi. Tại sao lại già quá như vậy? Theo cha Benoit, nguyên giám đốc học viện thánh kinh ở Giêrusalem, thì tại vì Giuse trong Cựu ước qua đời lúc 110 tuổi, nên Giuse trong Tân ước phải cho cao hơn 1 tuổi. Cuộc đời của thánh Giuse diễn ra như sau: người lập gia đình lúc 40 tuổi; và sống với bà này được 49 năm, sinh được bốn trai hai gái. Như vậy, khi vợ mất thì cụ đã được 89 tuổi rồi; và ở vậy được một năm thì cụ được lệnh phải lấy cô Maria lúc đó mới có 12 tuổi. Hai năm sau thì cô Maria có thai. Và cụ qua đời khi Chúa Giêsu lên 19 tuổi. Và để cho tình sử thêm mặn mà thì tác giả thêm rằng trước khi nhắm mắt, thánh Giuse đã xin lỗi đức Maria bởi vì đã có lúc nghi ngờ người bạn của mình khi thấy bụng lớn.

Như vậy, nếu chuyện thánh Giuse già bạc đầu là do các ngụy thư đã bịa ra chứ không dựa theo chứng tích lịch sử, thì các hoạ sĩ tân thời có thể vẽ thánh Giuse trẻ trung tí chút có được không?

Như đã nói ở đầu, các nhà hoạ sĩ không phải là nhiếp ảnh viên, nên họ muốn vẽ thế nào là tùy sở thích của họ. Chúng ta đã thấy rằng các truyền kỳ về thánh Giuse lão bộc đã ra đời nhằm giải quyết vấn nạn về các anh em của Chúa Giêsu. Ngày nay, khoa chú giải kinh thánh tìm cách giải thích cách khác (anh em theo nghĩa là anh em họ), nên không cần tới giả thuyết anh em cùng cha khác mẹ nữa. Ngoài ra cũng nên biết là ngay từ thời Trung cổ, thánh Toma Aquinô đã bác bỏ những truyền kỳ đó, và quả quyết rằng thánh Giuse trinh khiết suốt đời (Summa Theol. III, q.28, a.3, ad 5m). Nhiều bức tranh cũng cho thấy thánh Giuse cầm cây bông huệ tượng trưng sự trinh khiết. Tuy nhiên, có lẽ nhân đức mà truyền thống đề cao hơn cả nơi thánh Giuse là sự vâng lời trong thinh lặng. Hình như tại Việt Nam cũng có bài ca “Giuse người âm thầm”: thực sự chúng ta không biết gốc tích của Người; như một nhân vật phụ trên sân khấu; xong việc rồi, thì Người rút lui vào hậu trường biệt tăm.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

TẠI SAO THÁNH GIUSE ĐƯỢC GỌI LÀ THÁNH CẢ?

Tại sao Thánh Giuse được gọi là Thánh Cả? Phụng vụ còn gọi ai là thánh cả nữa không?

Trước khi trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng nên xác định từ ngữ. Trong tiếng Việt, tiếng “cả” thường được hiểu về một người lớn, chẳng hạn như trong gia đình, “anh cả” là người con trai lớn nhất; “chị cả” người con gái lớn nhất. Xưa kia, trong chế độ đa thê, thì vợ cả là người vợ thứ nhất (đi trước các bà vợ bé, vợ lẽ). Phải chăng Thánh Giuse được gọi là thánh cả bởi vì là thánh lớn nhất không? Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì khó xác định được vị thánh nào lớn nhất trong Nước Trời: có thể là Thánh Phêrô, thủ lãnh Hội Thánh? Hoặc Thánh Phaolô, vị tông đồ đã mở rộng biên cương Giáo Hội? Nói cho đúng, khi gọi Thánh Giuse là thánh cả, thì chẳng qua là tại vì mình dịch sai. Trong nguyên ngữ La-tinh, không có chỗ nào gọi Thánh Giuse là “thánh lớn nhất” trong các vị thánh. Tước hiệu danh dự gán cho người là “tổ phụ” (patriarcha), danh xưng mà Kinh Thánh đã dùng để gọi các cụ tổ Abraham, Isaac, Giacop. “Tổ phụ” được hiểu về những người khai sáng một dòng họ, một dân tộc (cũng tựa như tổ Hùng vương ở nước ta); ở đây hiểu là tổ của dân tộc Do Thái. Những chương chót của sách Sáng Thế (chương 37-50) được dành cho ông Giuse. Ông Giuse cũng có thể được liệt vào hạng tổ phụ, bởi vì ông đã đưa gia đình sang lập nghiệp bên Ai-cập, để rồi từ đó bắt đầu cuộc giải phóng và Xuất hành hướng về Đất hứa. Nếu trong Cựu Ước đã có một tổ phụ Giuse, thì việc gán tước hiệu “tổ phụ” cho vị dưỡng phụ của Chúa Giêsu chẳng gì khó hiểu, bởi vì phần nào nhờ có Thánh Giuse mà Chúa Giêsu được đón nhận vào đại gia đình nhân loại và trở thành trưởng nam của một gia đình mới, tức là dòng dõi nhân loại được hoà giải với Thiên Chúa.

Như vậy, nếu muốn dịch cho đúng nguyên văn, thì phải gọi Thánh Giuse là “tổ phụ” chứ không phải là “thánh cả”. Tuy nhiên, lịch phụng vụ cũng kể ra nhiều vị thánh cả, chẳng hạn trước đây, vào ngày 12 tháng Ba, có lễ kính thánh Grêgôriô Cả. Hay là cũng lại dịch sai nữa!

Dịch đúng hay sai là tuỳ theo từ ngữ “cả” được hiểu theo nghĩa nào. Như vừa nói, trong gia đình, “cả” có nghĩa là “đứng đầu, thứ nhất”. Hiểu theo nghĩa này thì dịch Thánh Grêgôriô Cả là sai, bởi vì trong nguyên bản La-tinh, tên của Người là Gregorius Magnus (Pháp: Grégoire le Grand, và tiếng Anh, Gregory the Great). Dịch nôm na là Grêgôriô “Bự”, chứ không phải “Cả”.

Thánh Grêgôriô được đặt biệt hiệu là “Bự” vì có thân xác to lớn, phải không?

Không phải thế, bởi vì chúng ta không biết hình thù của người ra sao hết. “Bự” ở đây được hiểu về nghĩa tinh thần, một người lừng danh. Nếu tôi không lầm thì biệt hiệu này đã được dùng cho hoàng đế Alexandre, trong tiếng La-tinh là Alexander Magnus (được dịch là “A-lịch-sơn Đại đế”), sống vào thế kỷ IV trước Công Nguyên (356-323). Như vậy, “Bự” có nghĩa là “lớn, vĩ đại”.

Có mấy thánh được mang tước hiệu “bự, vĩ đại”?

Trong lịch phụng vụ, chúng ta đếm được 4 vị tiến sĩ Giáo Hội được mang biệt hiệu “vĩ đại”, xếp theo thứ tự thời gian như sau. Thứ nhất, Thánh Basiliô Cả giám mục (qua đời năm 379; lễ kính ngày 2 tháng 1) có lẽ đã được người đương thời gọi là “Bự” vì muốn bày tỏ lòng quý trọng đối với một người nghiêm trang đạo mạo. Kế đến là hai vị giáo hoàng Lêô Cả (lãnh đạo Hội Thánh từ năm 440 đến năm 461; lễ kính vào ngày 10 tháng 11) và thánh Grêgôriô Cả (giáo hoàng từ năm 590 đến năm 604; lễ kính vào ngày 3 tháng 9). Hai vị này đứng đầu danh sách của 13 giáo hoàng Lêô và 16 giáo hoàng Grêgôriô, nhưng có lẽ được gọi là “Cả” vì tầm ảnh hưởng đối với việc xác định đạo lý Kitô học và vai trò của giáo hoàng. Vị tiến sĩ thứ 4 mang biệt hiệu “Magnus” là Thánh Albertô giám mục (qua đời năm 1280, lễ kính ngày 15/11); Người được gọi là “vĩ đại” có lẽ do học thức uyên thâm về thần học, triết học và khoa học thực nghiệm. Dù sao, chúng ta cũng đừng quên một truyền thống lâu đời dành tước hiệu “đại tiến sĩ” cho 4 vị: Ambrôsiô, Hiêrônimô, Augustinô và Grêgôriô.

Ở Rôma, có đền thờ Đức Bà Cả. “Cả” có phải là to lớn không? Sự to lớn được áp dụng cho “đền thờ” hay là cho “Đức Bà”?

Lúc nãy tôi có nhắc đến tục lệ đa thê ở Việt Nam thời xưa, “bà cả” được dành để gọi bà vợ chính, phân biệt với các bà vợ bé. Dĩ nhiên, Đức Maria thì chỉ có một, cho nên không có chuyện phân biệt “bà cả, bà bé”. Tiếng “cả” phải hiểu về đền thờ. Đến đây chúng ta cũng gặp vấn đề dịch thuật nữa. Trong tiếng Ý, Santa Maria Maggiore, (tiếng Pháp Sainte Marie Majeure) được hiểu về nhà thờ lớn nhất trên thế giới dâng kính Đức Mẹ. Dĩ nhiên đó là hiểu vào lúc xây cất thời Trung Cổ, chứ ngày nay có lẽ còn nhiều thánh đường rộng lớn hơn. Dù sao, điểm độc đáo của đền thờ ở Rôma ở chỗ là được xây cất liền sau khi công đồng Êphêsô tuyên bố tín điều “Thân Mẫu Thiên Chúa” và lưu giữ một di tích quý giá đó là máng cỏ của Chúa Giêsu.

Trong các dòng tu, có chức vụ bề trên cả. Có phải bởi vì là bề trên lớn nhất không?

Bạn nên biết là ở nơi vài dòng nữ, bề trên được gọi là Chị Nhất; vì vậy “bề trên cả” không phải “người nhất trong số những người nhất”. Theo tôi nghĩ, “bề trên cả” được hiểu là bề trên của tất cả dòng, khác với những bề trên của một tu viện hoặc của một tỉnh dòng.

“Bề trên cả” cũng được gọi là “bề trên tổng quyền” phải không?

Đúng thế, tuy dịch không được chỉnh lắm. Trong lịch sử các dòng tu, tiếng “bề trên” đã gây khá nhiều dị ứng cho nhiều vị thánh sáng lập; nói đến “tổng quyền” thì càng làm cho họ đứng tim hơn nữa. Thực vậy, trong các dòng tu cổ điển, vị đứng đầu được gọi là “abbas” có nghĩa là “cha” theo nghĩa tinh thần, tức là sư phụ hướng dẫn đường tu đức. Sang thời Trung Cổ, nhiều dòng đổi danh xưng abbas (cha) xuống “prior”, nghĩa là người thứ nhất, anh cả, thủ trưởng. Thánh Phanxicô Assisi muốn cho các vị lãnh đạo mang danh là minister, nghĩa là “kẻ phục vụ”. Những dòng ra đời vào cận đại gọi người lãnh đạo là praepositus, nghĩa là kẻ được đặt làm đầu (ở đàng trước). Từ “generalis” thì không có nghĩa là “tổng quyền” (nắm trong tay tất cả mọi quyền hành), nhưng chỉ có nghĩa là bề trên của hết tất cả mọi phần tử của dòng, chứ không chỉ riêng một tu viện hoặc một tỉnh dòng. Có nơi chỉ gọi gọn ghẽ là “bề trên tổng” (hoặc chị tổng).

Nói thế thì dịch “tổng quyền” cũng được thôi, cũng như “Tổng giám đốc” thì ở trên các giám đốc vậy. Trong Giáo Hội cũng có chức “Tổng giám mục” đấy chứ?

Nếu đặt lại vấn đề dịch thuật thì nói “tổng giám mục” là không đúng. Theo nguyên ngữ Hy-lạp, archiepiscopus không có nghĩa là một vị giám mục đứng ở trên các giám mục khác, mà chỉ có nghĩa là vị giám mục đứng đầu: arche có nghĩa là thứ nhất, tương đương với tiếng La-tinh là primus (rồi từ đó mới ra danh từ primatus). Vì vậy thiết tưởng nên gọi là giám mục “trưởng” hoặc “cả”, nghĩa là giám mục niên trưởng trong giáo tỉnh, chủ toạ các buổi hội họp của các giám mục.

Nghe nói còn có chức “tổng linh mục” và “tổng phó tế” nữa phải không?

Ở Việt Nam không có ai mang chức vụ “tổng linh mục” hay “tổng phó tế”, nhưng trong lịch sử giáo hội, người ta thấy có các chức vụ archipresbyter và archidiaconus. Thoạt nghe nói đến “tổng linh mục” có lẽ có người sẽ liên tưởng ngay đến Cha Chính địa phận (nay gọi là “Tổng đại diện”). Sự thực không phải như vậy. Theo lịch sử, archipresbyter không phải là một linh mục đứng trên các linh mục khác, nhưng chỉ là linh mục “trưởng”, tương đương với chức vụ “quản hạt” hiện nay. Nói cho đúng, vai trò của archipresbyter đã biến chuyển nhiều trải qua thời đại. Vào lúc đầu, chức vụ này tương đương với linh mục phụ trách một họ đạo chính, với quyền cử hành tất cả các bí tích (khác với các nhà thờ họ lẻ). Từ thời Trung Cổ, khi các giáo xứ được gom thành các hạt, vì linh mục quản hạt được gọi là “tổng linh mục”. Sau công đồng Trentô, các quản hạt được gọi là vicarius foraneus, nhưng nhiều nơi vẫn còn giữ gốc cổ, chẳng hạn như trong tiếng Anh, cha quản hạt được gọi là “Dean”, có nghĩa là niên trưởng. Riêng tại Rôma, các hồng y đặc trách bốn đại thánh đường cũng được gọi là “tổng linh mục”.

Tổng phó tế là người đứng đầu các phó tế phải không?

Tước hiệu archidiaconus thay đổi ý nghĩa tuỳ thời tuỳ nơi. Có lẽ vào thời xưa, archidiaconus là người đứng đầu các phó tế. Nhưng vào thời Trung Cổ, chức vụ này được hiểu về tổng quản lý giáo phận. Nên biết là diaconus không phải là “phó tế” (giúp việc tế lễ), nhưng là người “phục vụ”, cách riêng là phục vụ người nghèo theo như nghĩa đã ấn định ở chương 6 sách Tông Đồ Công Vụ. Để phục vụ thì phải có tài sản; từ đó không lạ gì mà các giám mục giao việc quản lý tài sản cho các diaconus (dịch là “trợ tá” thì đúng hơn là “phó tế”), và “tổng trợ tá” giám sát công việc của các trợ tá. Sang thời Trung Cổ, cách riêng vào những thế kỷ XI-XII, chức vụ “Tổng trợ tá” trở thành nhân vật số 2 trong giáo phận, chỉ sau giám mục. Tổng trợ tá cũng có chức linh mục, và giám sát kỷ luật cũng như việc quản lý trong toàn giáo phận. Nói khác đi, chức “Tổng trợ tá” (tổng phó tế) còn lớn hơn chức “tổng linh mục” (nghĩa là các cha quản hạt) nữa. Kể từ công đồng Trentô, giáo luật đặt ra chức “Tổng đại diện”, vì thế chức vụ “tổng phó tế” mất chỗ đứng. Tuy nhiên, Giáo Hội Anh giáo vẫn còn giữ lại chức vụ “tổng phó tế”, được coi như một nhân vật thân tín của giám mục, và được ủy thác việc cai quản một vài lãnh vực trong giáo phận. Dù sao, thiết tưởng cũng nên biết là trong giáo triều Rôma, vị hồng y trưởng đẳng phó tế được gọi là Protodiaconus, chứ không phải là “archidiaconus”: “proto” chỉ có nghĩa là “thứ nhất” (“trưởng”, “cả”; chứ không phải là “tổng”).

Lm. Phan Tấn Thành, O.P.

Trong lịch sử thần học, chức vụ làm cha của thánh Giuse đã được đặt với nhiều tên gọi khác nhau. Đó là pater putativus – cha giả định, pater adoptivus – cha nuôi, pater legalis – cha theo pháp lý, pater spiritualis – linh phụ, v.v. Tuy với nhiều tên gọi khác nhau nhưng chắc rằng tình nghĩa cha con giữa thánh Giuse và Chúa Giêsu chỉ là một mà thôi.
Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu mối tình cha con này để từ đó tái khám phá tình cha ở thời đại hôm nay.
1/ Tình cha của thánh Giuse.
Trong hành trình dương thế, nhiều lần Chúa Giêsu nhắc đến Chúa Cha; hay có khi dạy các môn đệ rằng “anh em đừng gọi ai dưới thế là cha vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời”. Điều này không có ý phủ nhận vai trò làm cha của thánh Giuse, song muốn nêu bật một thứ tự trong liên hệ phụ tử mà đứng đầu là Thiên Chúa Cha vốn là nguồn gốc của mọi thứ phụ hệ. Trong bối cảnh này, vai trò làm cha của thánh Giuse không những không xung khắc với Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu, nhưng còn cho thấy thánh Giuse là hình ảnh của Chúa Cha dưới đất qua việc yêu mến, chăm sóc, dưỡng dục Chúa Giêsu.
Thánh Giuse đã yêu mến Chúa Giêsu với tâm tình của một người cha đối với con mình. Tâm tình này đã được thanh luyện và nâng cao vì được chia sẻ vào chính cội nguồn của tình phụ tử là Thiên Chúa Cha. Quả vậy, Tin Mừng cho thấy thánh Giuse đã đem hết tâm tình để phục vụ Chúa Giêsu qua biến cố Nhập thể, trong thời kì sinh hạ, và những công việc dưỡng dục nhân bản trong suốt thời kì Chúa Giêsu sống ẩn dật.2/ Tình con của Chúa Giêsu. Thánh Luca thuật lại rằng sau khi lên Đền thờ, Chúa Giêsu theo cha mẹ trở về Nazarét và “hằng tuân phục các ngài”. Điều này cho thấy, Chúa Giêsu đã dành cho cha mẹ tất cả tâm tình hiếu thảo của một người con. Người đã hấp thụ nền giáo dục của song thân, đã “tăng trưởng về khôn ngoan và ân nghĩa” (Lc 2,52), đã hấp thụ cả danh phận nghề nghiệp của thánh Giuse, chẳng thế mà Người đã từng được nhìn nhận là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55) hay là “thợ mộc” (Mc 6,3).3/ Tình cha trong thời đại hôm nay. Tông huấn Redemptoris Custos – Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế, số 8 viết: “Trách nhiệm làm cha của thánh Giuse được diễn tả cụ thể trong sự kiện: Người đã biến cuộc đời mình thành một sự phục vụ, một sự hy sinh cho mầu nhiệm Nhập thể và cho sứ vụ cứu độ gắn kèm theo đó; đã sử dụng uy quyền pháp lý đối với thánh gia để trao ban bản thân, cuộc sống và công tác; đã biến đổi ơn gọi tự nhiên trong tình yêu gia đình thành một hiến tế siêu nhiên chính bản thân mình, trái tim và tất cả sức lực của mình cho tình yêu phục vụ Đấng Cứu Thế đã sinh ra trong nhà mình”.
Từ vai trò làm cha của thánh Giuse, chúng ta thấy rằng trong xã hội ngày nay chức vụ làm cha không chỉ giới hạn vào chuyện sinh con. Người cha còn có vai trò quan trọng hơn nữa trong việc giáo dục con cái như: truyền thụ gia sản tinh thần (kinh nghiệm bản thân, nghề nghiệp,…); tập cho đứa con tiếp xúc với xã hội; biết chấp nhận những khó khăn trong cuộc sống. Chắc chắn rằng, tình thương của người cha được biểu lộ khác với tình thương của người mẹ, thậm chí có đôi khi khó có thể nhận biết. Do đó, người cha cần có một sự gần gũi và quan tâm đến con cái với tất cả tình yêu thương, chứ không phải cứ bù đầu vào chuyện công ăn việc làm để chu cấp vật chất cho con cái như nhiều người vẫn nghĩ.
Kết luận. Bị cuốn vào vòng quay của nền kinh tế thị trường, nhiều bậc cha mẹ không còn dành đủ thời gian cho con cái. Họ tưởng rằng chu cấp cho con cái đầy đủ về vật chất là làm tròn trách nhiệm của mình, còn việc giáo dục thì dành cho nhà thờ, trường học. Với lối suy nghĩ thiển cận như vậy, xã hội chúng ta đã đẩy không ít trẻ em vào trong tình trạng phát triển cách lệch lạc, cả về thể chất lẫn nhân bản.
Ước mong sao, mối tình cha con giữa thánh Giuse và Chúa Giêsu luôn chiếu sáng trên mỗi gia đình Kitô hữu chúng ta, đặc biệt trong các gia đình trẻ, để từ đó lan tỏa rộng khắp cộng đồng xã hội.
Học viện Đa Minh

THÔNG ĐIỆP “QUAMQUAM PLURES” CỦA ĐTC LÊ-Ô 13 (15-08-1889) VỀ VIỆC TÔN SÙNG THÁNH GIUSE

Những lý do đặc biệt vì đó mà Thánh Giuse được tuyên xưng là Quan Thầy Hội Thánh và vì đó mà Giáo Hội tìm kiếm lợi ích phi thường từ sự che chở của ngài, đó là vì Thánh Giuse là hôn phu của Đức Maria và là Cha nuôi Chúa Giêsu Kitô. Từ những nguồn này đã phát xuất phẩm giá, sự thánh thiện và vinh quang của ngài. Sự thực, phẩm giá cao quý của Mẹ Thiên Chúa cao cả đến độ tạo vật hư không có thể trổ vượt lên trên. Nhưng bởi vì Thánh Giuse đã được liên kết với Đức Trinh Nữ Được Chúc Phúc bởi dây hôn nhân, không còn nghi ngờ gì nữa, là Người đã tiến gần hơn bất cứ ai tới phẩm giá tột đỉnh mà vì thế Mẹ Thiên Chúa vượt xa trên tất cả mọi tạo vật một cách cao sang nhường ấy.

Bởi vì hôn nhân là điều mật thiết nhất trong mọi mối liên hệ, mà từ bản chất nó truyền đạt một cộng-đoàn trao ban giữa những người được nối kết với nhau. Vì thế khi ban Đức Trinh Nữ Maria cho Giuse, Thiên Chúa đã chỉ định ngài không chỉ làm bạn trăm năm, chứng cớ cho thời kỳ thiếu nữ của Mẹ, người bảo vệ danh dự của Mẹ, mà vì sự ràng buộc hôn nhân, ngài còn là một người dự phần vào phẩm giá cao vời của Mẹ. Và Thánh Giuse toả sáng giữa tất cả nhân loại vì phẩm giá uy nghi của ngài từ khi do ý muốn của Thiên Chúa, ngài đã là Đấng coi sóc Con Thiên Chúa và là cha của Chúa Giêsu giữa con người.

Kể từ đó xảy ra là Ngôi Lời Thiên Chúa khiêm nhường lệ thuộc vào Giuse, vâng lời thánh nhân và làm trọn đối với Thánh Nhân tất cả những nhiệm vụ mà mọi con cái bị ràng buộc với cha mẹ. Từ phẩm giá này phát xuất nghĩa vụ mà thiên nhiên giao trách nhiệm cho người chủ gia đình, đến độ Thánh Giuse đã trở nên người canh giữ, điều khiển và là người bảo vệ hợp pháp của Thánh Gia Thất mà ngài đứng đầu. Và trọn cuộc sống, ngài đã chu toàn những trách nhiệm và công việc ấy. Ngài quyết tâm bảo vệ vị hôn thê của ngài và Hài Nhi Rất Thánh với một tình yêu lớn lao và sự quan tâm lo lắng ngày ngày.

Rất đều đặn, ngài đã kiếm tiền bằng công việc của mình để chăm lo cái ăn cái mặc của hai mẹ con. Ngài bảo vệ giữ gìn Hài Nhi bị bạo vương Hê-rô-đê đe doạ vì ghen ghét và tìm cho Hài Nhi Giêsu một chốn tị nạn. Ngài luôn là một bạn đồng hành, trợ giúp và trụ cột cho Đức Trinh Nữ và Hài Nhi trong những khổ cực của cuộc hành trình và nỗi cay đắng của cuộc biệt xứ.

Bây giờ, gia đình mà Thánh Giuse điều khiển với quyền uy của một người cha, chứa đựng trong các giới hạn của nó Hội-Thánh Chúa Kitô. Từ cùng sự việc Đức Trinh Nữ Rất Thánh là Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Mẹ cũng là mẹ của mọi Kitô-hữu mà Mẹ đã sinh ra trên Núi Can-vê, giữa những nỗi thống khổ tột cùng của Đấng Cứu Chuộc. Chúa Giêsu Kitô, một cách nào đó, là con đầu lòng giữa các Kitô-hữu vốn trở nên anh em nhờ sự nhận nuôi và nhờ Ơn Cứu Chuộc.

Và vì những lý do ấy, Vị Tổ Phụ Thánh Thiện coi đông đảo Kitô-hữu lập nên Giáo Hội như là được trao phó đặc biệt cho ngài trông coi – cái gia đình không biên giới này lan toả khắp thế gian, mà vì là hôn phu của Đức Maria và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, ngài nắm giữ, như đã từng, quyền uy của một người cha.

Với Thánh Giuse, dòng dõi vương tộc, được nối kết bằng hôn nhân với người nữ cao sang va thánh thiện nhất trong mọi người nữ, được gọi là cha của Con Thiên Chúa, đã trải qua cuộc đời lao động và bằng công việc vất vả nặng nhọc mà tìm miếng cơm manh áo cho gia đình.

Như vậy, đúng là điều kiện thấp hèn chẳng có gì là đáng xấu hổ và công việc của người lao động chẳng những không làm mất danh giá, mà nếu được kết hợp nhân đức, sẽ làm cho cao quý một cách phi thường. Thánh Giuse, hài lòng với những tài sản ít oi của mình, chịu những thử thách hậu quả tất nhiên của một gia tài nhỏ mọn dường ấy, với sự cao cả của tâm hồn, bắt chước Con của ngài, Đấng sau khi đã mặc thân phận nô lệ, dù là Thiên Chúa của sự sống, đã từ bỏ ý riêng để chấp nhận bị hủy diệt và mất hết mọi sự…

 

Ngắm bảy sự đau đớn cùng vui mừng Ông thánh Giuse

(theo Kinh giáo phận Hà nội)

1. Thánh Giuse thấy Đức Bà có thai

Thứ 1. Ngắm khi ông Thánh Giuse thấy Đức Bà có thai, mà chẳng hiểu sự ấy làm sao, thì lấy làm đau đớn khốn cực lắm. Nhưng mà khi thánh Thiên thần hiện đến bảo cho Người biết Đức Bà có thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, và Con Đức Bà sinh ra là Chúa Cứu thế ra đời chuộc tội thiên hạ, thì Ông Thánh Giuse lấy làm yên ủi vui mừng biết là dường nào.

Khi ngắm bấy nhiêu sự, thì nguyện một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, một kinh Sáng Danh, xin Ông Thánh Giuse  vì đau đớn cùng sự vui mừng ấy, yên ủi chúng con trong mọi sự khốn khó đời này. Amen.

 

2. Thánh Giuse đem Chúa Giêsu vào hang đá

Thứ 2. Ngắm khi Đức Bà ở thành Belem đã đến ngày sinh mà ông thánh Giuse chẳng tìm được nhà trọ, phải đem Đức Bà vào hang đá, ở làm một với bò lừa, thì lấy làm buồn bã khốn cực lắm; nhưng mà khi Người nghe tiếng các thánh thiên thần bởi trời mà xuống hát mừng Chúa Cứu thế ra đời, thì vui mừng biết là dường nào.

Khi ngắm bấy nhiêu sự thì nguyện một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, một kinh Sáng danh, xin ông thánh Giuse vì sự đau đớn cùng sự vui mừng ấy, mà cầu bầu cho chúng con được chê bỏ của cải, cùng sự sang trọng thế gian và mến sự khó khăn cùng sự khiêm nhường. Amen.

3. Thánh Giuse thấy Chúa Giêsu chịu cắt bì

Thứ 3. Ngắm khi đức Chúa Giêsu chịu phép cắt bì, mà ông thánh Giuse thấy máu đức Chúa Giêsu chảy ra, thì thảm thiết thương xót đức Chúa Giêsu lắm lắm, nhưng mà khi Người đặt tên Giêsu cho con trẻ, cùng suy tên ấy êm ái dịu dàng cực cao cực trọng, phép tắc vô cùng, thì lấy làm vui mừng là dường nào.

Khi ngắm bấy nhiêu sự thì nguyện một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, một kinh Sáng danh, xin ông thánh Giuse, vì sự đau đớn cùng sự vui mừng ấy, mà cho chúng con được lòng sốt sắng cung kính mà kêu tên cực trọng đức Chúa Giêsu  khi sống và lúc sinh thì. Amen.

4. Thánh Giuse nghe ông Simeon nói tiên tri

Thứ 4. Ngắm khi ông thánh Giuse đem Đức Chúa Giêsu vào đền thờ, mà thấy ông thánh Simêong nói tiên tri những sự thương khó Đức Chúa Giêsu sẽ phải ngày sau, thì lấy làm đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy; nhưng mà khi thấy ông thánh Simêong lại nói rằng: Có nhiều kẻ sẽ được rỗi linh hồn bởi công nghiệp Đức Chúa Giêsu mà ra thì Người lấy làm vui mừng kể chẳng xiết.

Khi ngắm bấy nhiêu sự thì nguyện một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, một kinh Sáng danh, xin ông thánh Giuse vì sự đau đớn cùng sự vui mừng ấy, mà cầu bầu cho chúng con được rỗi linh hồn vì công nghiệp Đức Chúa Giêsu . Amen.

 

5. Thánh Giuse đem Chúa Giêsu trốn qua Ai cập

Thứ 5. Ngắm khi ông thánh Giuse thấy Đức Chúa Giêsu là Chúa trời đất muôn vật, phải trốn đi khách đày trong nước Aicập, cùng chịu khó khăn thiếu thốn và khó nhọc vất vả liên, thì đau đớn  thương xót Đức Chúa Giêsu lắm; nhưng mà Người hằng vốn vui vẻ tươi tỉnh, vì hằng ở làm một cùng Đức Chúa Giêsu liên chẳng lìa ra khỏi Đức Chúa Giêsu bao giờ.

Khi ngắm bấy nhiêu sự thì nguyện một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, một kinh Sáng danh, xin Ông thánh Giuse vì sự đau đớn cùng sự vui mừng ấy, cho chúng con được làm mọi việc chúng con vì Đức Chúa Giêsu và được giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu liên. Amen.

6. Thánh Giuse đem Chúa Giêsu về Nagiaret

Thứ 6. Ngắm khi ông thánh Giuse đem Đức Chúa Giêsu ở nước Aicập về thành Nazaret mà nghe tin con vua Erode nối quyền cha mình mà trị nước Dothái, thì lấy làm đau đớn sợ hãi lắm; nhưng mà khi thấy thánh thiên thần bảo mình đừng sợ hãi, một cứ đem Đức Chúa Giêsu cùng Đức Bà về, thì Người lấy làm vui mừng lắm, cùng vâng lời thánh thiên thần ngay.

Khi ngắm bấy nhiêu sự thì nguyện một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, một kinh Sáng danh, xin Ông thánh Giuse vì sự đau đớn cùng sự vui mừng ấy, mà bầu cử cho chúng con khỏi giặc giã, ôn dịch, thần khí, được bằng yên cùng yên lòng yên trí mà giữ đạo thánh Đức Chúa Trời liên. Amen.

7. Thánh Giuse xa Chúa Giêsu ba ngày

Thứ 7. Ngắm  khi ông thánh Giuse lạc mất Đức Chúa Giêsu ba ngày, thì lo buồn đau đớn biết là dường nào; nhưng mà khỏi ba ngày, khi lại tìm thấy Đức Chúa Giêsu trong đền thờ, thì biết người vui mừng là chừng nào.

Khi ngắm bấy nhiêu sự thì nguyện một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng, một kinh Sáng danh, xin Ông thánh Giuse vì sự đau đớn cùng sự vui mừng ấy, mà bầu cử cho chúng con đừng có phạm tội trọng lạc mất Đức Chúa Giêsu bao giờ. Amen.

Thánh Giuse luôn nói với Chúa và nói về Chúa

Đặt tựa đề cho bài viết này xong, mình đã lần giở 4 tác giả sách Tin Mừng thì: Macco và Gioan mần thinh không đề cập gì đến thánh Giuse, chỉ có Matthêu và Luca có nhắc đến thánh Giuse trong một số biến cố đầu đời của Đức Giêsu, nhưng rất giống nhau và rất lạ là hai ông chỉ nói đến những công việc thánh Giuse đã làm, mà không thấy Giuse phát ngôn một lời nào, dẫn chứng:

1. Chỉ mới đính hôn chưa về chung sống với nhau, Giuse biết Maria có thai, chàng vẫn không một lời oán trách, tố giác hoặc than thân trách phận gì hết, chỉ định tâm bỏ nàng cách kín đáo. Tài thật, sự việc chết người như thế mà Giuse vẫn yên lặng được. Khi nghe Sứ Thần giải thích là Maria thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần và bảo chàng đừng ngại đón Maria về, Giuse chấp hành không một lời thắc mắc.

2. Vợ đang bụng mang dạ chửa, sắp đến ngày mãn nguyệt khai hoa, lệnh vua truyền phải trở về quê cha đất tổ để kê khai hộ khẩu, Giuse đã mau mắn nhấc vợ lên lưng lừa, còn mình đi bộ hộ tống, không một lời phàn nàn hoặc khiếu nại.

3. Maria sinh Cứu Chúa, các Thiên Thần ca vang, mục đồng bái lạy, ba nhà chiêm tinh đến thờ lạy Hài Nhi, chúc tụng hai ông bà và dâng những lễ vật quý giá, vẫn không thấy Giuse có một lời đáp từ, tất cả vẫn trong im lặng.

 

4. Khi Mẹ Con Hài Nhi còn non nớt, có lệnh Sứ Thần phải đưa con trốn sang Ai Cập và khi bạo chúa Herode đã qua đời, Sứ Thần lại ra lệnh đưa Hài Nhi về nước, Giuse luôn mau mắn chấp hành không bàn hỏi, không do dự.

5. Khi hai ông bà bị lạc trẻ Giêsu 3 ngày, lúc tìm thấy, Đức Maria còn trách yêu: “Con ơi! Sao con lại xử với cha mẹ như vậy?” (Lc 2,48), nhưng Giuse vẫn không hé miệng nửa lời.

6. Giuse đã sống âm thầm đến mức độ là người đương thời, không ai quan tâm đến danh  tính của Ngài, không ai đã nhận ra cái vĩ đại của Ngài, vì thế mà họ cũng nhầm cả khi nhận định về Đức Giêsu: “Ông không phải là con bác thợ mộc sao?” (Mt 13,55).

Tới đây mình đã nhận ra rằng: chính những lúc yên lặng đó Giuse đang say sưa kết hợp và làm theo ý của Thiên Chúa, và từng phút từng giây kết hợp với Thiên Chúa đã làm nên cả một đời sống nội tâm của Ngài, nói cách khác: từng giây từng phút của cuộc đời, Ngài đã luôn luôn tìm hiểu đâu là ý của Thiên Chúa để rồi mau mắn thi hành. Thảo nào mà Thánh Matthêu trong chương 1 câu 19 đã tóm tắt cả con người của Ngài là:  Giuse chồng Bà là người CÔNG CHÍNH”.

Như vậy là mình đã an tâm và tự cho là có lý khi nói : Thánh Giuse luôn nói với Chúa.

Còn vế thứ hai: Thánh Giuse luôn nói về Chúa, thiết nghĩ chúng ta cũng rất dễ nhận ra qua đời sống cần cù lao động, chu toàn trách nhiệm một người Cha, một người Chồng một người chủ trong gia đình, nhất là khiêm tốn, tin tưởng và luôn làm theo thánh ý của Thiên Chúa, cho dù tất cả chỉ trong yên lặng. Đó là cách nói về Chúa qua đời sống của chính mình. Ước chi mọi đoàn viên Đa Minh chúng mình thực hiện cách đó để chu toàn sứ vụ mà Thánh Tổ Phụ đã truyền dạy: luôn nói với Chúa và nói về Chúa, và mình muốn thêm ý nghĩ của riêng mình là luôn nói với Chúa và nói về Chúa theo gương thánh Giuse.

Kiều Khoát – Hưng Hóa

(CSTMHĐGDĐM tháng 03.2012)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *