Các Thánh cùng thông công (02.11 – Cầu cho các tín hữu đã qua đời)

LỄ II



LỄ III



Tin Mừng: Ga 6,37-40

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

37 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng : “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Các Thánh cùng thông công (02.11.2024)

Khi đi viếng đám tang hoặc đọc kinh giỗ người thân, nếu được phân công đọc Lời Chúa, tôi luôn chọn bài Tin Mừng Ga 6,37-40.

Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài”. 

Thiên Chúa tạo dựng nên loài người theo hình ảnh của Ngài. Dù bị con người phản bội, Thiên Chúa vẫn yêu con người, nên đã sai Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế, chịu khổ nạn thập giá để chuộc tội cho loài người, đưa họ người trở về với Ngài. Như vậy Thiên Chúa đã ban hết loài người cho Chúa Giêsu. Mà những ai đã được Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu thì Người không để mất một ai, Người mời gọi mọi người đến với Người để được cứu chuộc và có sự sống đời đời.

Điều này là chắc chắn, bởi Chúa Giêsu đã xác nhận :  vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.  và tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.

Điều kiện duy nhất Thiên Chúa yêu cầu, nếu con người muốn được Chúa cứu, là phải tin vào Chúa Giêsu : Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Trong lúc đang đau buồn vì mới mất người thân, hoặc là thương nhớ họ trong ngày kỷ niệm họ qua đời, mà đọc lên và nghe những Lời này, tôi thấy một niềm an ủi và hy vọng lớn lao dâng lên và bao trùm, không phải chỉ với tôi, mà với tất cả những ai đang hiện diện và lắng nghe Lời, nhất là với thân nhân người quá cố.

Con người ai cũng phải đi đến cái đích cuối cùng là cái chết, dù sớm hay muộn. Nhưng với Kitô hữu, cái chết không đơn giản là dấu chấm hết cho một đời người, mà phải là “chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”.

Muốn có sự sống đời đời thì phải “thấy và tin vào người Con”, là phải bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Chúa.

Theo Chúa Giêsu là đi theo con đường thập giá của Người. Con đường đó không dễ đi chút nào, nhưng có muôn vàn cản trở, hoặc những lợi ích thế gian lôi kéo người Kitô hữu ngả sang hướng khác, thậm chí quay ngược lại, trở nên đối nghịch. Luôn cầu nguyện và gắn kết với Chúa, dùng sức mạnh của Người mà chiến đấu thì người Kitô hữu mới bền đỗ trong Đức Tin để theo Chúa đến cùng.

Những lúc chia tay, người Kitô hữu hay chúc bình an và nhắn nhủ “xin cầu nguyện cho nhau”. Khi vĩnh biệt những người được Chúa gọi về, thì lời nhắn nhủ “cầu nguyện cho nhau” càng ý nghĩa và cần thiết hơn hết.

Những linh hồn được ở “nơi luyện tội” thì đã là thánh, nhưng họ vẫn chưa hoàn toàn xứng đáng để được diện kiến Tôn Nhan Chí Thánh Thiên Chúa, nên họ cần được thanh luyện thêm cho hoàn toàn tinh tuyền. Nhưng họ đã hết thời gian tự cứu chữa cho mình, mà phải nhờ đến những người còn sống, còn có thời gian hy sinh làm những việc phúc đức và cầu nguyện cho họ, cũng là tích luỹ ân phúc cho chính mình.

Giáo hội dành riêng tháng mười một, tháng cuối cùng của năm phụng vụ, làm “tháng cầu hồn”. Ngay ngày mùng một đầu tháng, Giáo hội mừng kính các Thánh nam nữ trên Trời, thì sang ngày mùng hai, Giáo hội liền nhớ đến những linh hồn nơi luyện ngục, nơi Chúa thanh luyện các các linh hồn chưa thật hoàn hảo, để họ nên thánh đúng nghĩa và được đưa về hưởng Nhan Thánh của Ngài. Thời gian thanh luyện này bao lâu thì chỉ có Chúa biết. Nhưng nhờ lời cầu nguyện và những hy sinh của toàn thể Hội Thánh trần thế này, nhất là nhờ ân phúc từ các Thánh Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, Thiên Chúa từ bi sẽ giảm bớt thời gian đó. Đồng thời những linh hồn nơi chốn luyện ngục cũng cầu nguyện cùng Thiên Chúa giúp sức cho những người còn tại thế này được mạnh mẽ Đức Tin, sống đẹp lòng Chúa. Đó là mầu nhiệm “Các Thánh cùng thông công”, một hiện thực của các bộ phận, các chi thể trong thân thể Hội Thánh của Đức Giêsu. Hội Thánh Chiến Thắng vinh quang trên trời, Hội Thánh chiến đấu nơi trần gian và Hội Thánh thanh luyện nơi Luyện tội đều hiệp thông với nhau trong Đức Giêsu Kytô.

Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế về mầu nhiệm Giáo hội nói lên niềm xác tín: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh.”…

Là một bộ phận, dù nhỏ bé nhất trong chi thể của thân thể Hội Thánh thông công, mỗi việc làm, mỗi lời kinh, mỗi dòng suy niệm của mỗi tín hữu cũng đều góp phần giúp những linh hồn nơi chốn thanh luyện, trong đó có những người ta yêu thương, kính trọng, được Chúa thương xót và sớm đưa họ lên ở với Ngài. Và những người đó cũng sẽ cầu nguyện cho chúng ta, những người khách lữ hành trên dương thế, có đủ sức mạnh và dũng khí sống theo Chúa đến ngày được Chúa đưa trở về sum họp trên quê Trời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự sống lại và là sự sống. Xin giúp chúng con biết hy sinh, chăm làm những việc bác ái, dù là việc rất nhỏ, và hiệp thông cùng các Thánh trên trời để siêng năng cầu nguyện, xin Chúa thương xót mà tha bớt phần phạt cho các linh hồn đang còn nơi luyện ngục và sớm đưa họ lên Thiên Đàng hưởng Nhan Thánh Chúa. Amen.

Jos. NM Tưởng.

Món quà dành cho các linh hồn nơi luyện ngục (02.11.2023)

Tháng 11, Giáo Hội mở kho tàng ân phúc của Thiên Chúa, tạo thời gian để các tín hữu mở rộng tấm lòng hướng về người đã khuất. Các nguồn ân đại xá hay tiểu xá dành cho các linh hồn nơi luyện hình chính là những quà tặng của ân tình. Trao cho người đã khuất, dù chỉ là một món quà mọn cũng là vô giá, vì các linh hồn trong luyện hình giờ đây không thể làm được gì cho bản thân.

Giáo Hội định tín: “Linh hồn kẻ chết chưa đền tội hoàn toàn sẽ được thanh luyện sau khi chết với những hình phạt được gọi là ‘Thanh Luyện’” (DS 856/464). Cho nên Công đồng Vatican II trong Hiến Chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội nói lên niềm xác tín: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”

Chết là cái đích cuối cùng của một đời người mà ai cũng phải trải qua. Nhưng khi nói về cái chết thì nó muôn màu, muôn vẻ, không ai giống ai: có người sau một đêm dài yên giấc, đã từ giã cõi đời mà người bên cạnh không hay biết; có người chết vì già nua ốm yếu, nhưng cũng có người chết trong lúc tuổi còn trẻ; có người chết bởi tai ương hoạn nạn, nhưng cũng có kẻ chết trong lúc vui vẻ với người thân, bạn bè; có người chết vì bệnh tật hiểm nghèo, nhưng cũng có kẻ chết vì muốn tự kết thúc đời mình bởi không tìm được lối thoát trên dương gian…

Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn, tại Việt Nam, nhiều nơi có truyền thống dâng thánh lễ tại nghĩa trang hay nhà chờ phục sinh. Khi tham dự thánh lễ tại những nơi đó, chúng ta quây quần bên cạnh phần bụi tro còn lại của người thân, hẳn lòng không khỏi bùi ngùi khi thắp que nhang, cây nến để tưởng nhớ người đã khuất. Rồi sốt sắng tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài sớm được về nơi hạnh phúc và bình an. Với đức tin Công giáo, chúng ta biết chết không phải là hết. Chết chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu. Khi cầu nguyện cho người đã qua đời là lúc chúng ta đang sống niềm tin của mình vào Đấng đã Phục Sinh từ cõi chết và mong sao người thân của chúng ta cũng được phục sinh như vậy.

Tuy nhiên, Giáo lý cũng dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Như vậy, khi ở bên nắm bụi tro của người đã khuất, gợi cho chúng ta ý thức về sự linh thiêng và hiệp thông sâu xa trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công – một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu.

Khi suy niệm về cái chết của những người đã ra đi trước chúng ta, chúng ta cũng nhớ về thân phận tro bụi của mình, nó dễ tàn và chóng phai, có thể nay còn nhưng mai mất. Bởi vậy, chúng ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị, để khi Chúa đến gõ cửa, ta mau mắn đáp lại: “Lạy Chúa, này con đây, xin Ngài hãy phán vì con đang lắng tai nghe.” Có lẽ khi nghe những tiếng đáp trả mạnh mẽ như thế, Chúa sẽ mỉm cười và nói với chúng ta: “Ta muốn con đi theo Ta vào chung hưởng phần gia nghiệp với Ta trong Nước Trời.”

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con đi viếng nghĩa trang hay nhà chờ phục sinh, xin cho chúng con biết nhớ đến các linh hồn để cầu nguyện cho các ngài, và xin cũng cho chúng con ý thức được thân phận mỏng manh của kiếp người để từ đó biết sám hối và chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình có ý nghĩa. Ước gì mai sau chúng con cũng được hợp cùng các thánh và các bậc tổ tiên ca ngợi Chúa không ngừng trên Thiên Quốc. Amen.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.

Joston

Tin vào lòng Chúa thương xót (02.11.2022)

“ Tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6, 40)

Hội Thánh Công giáo đã dành riêng suốt tháng mười một hằng năm để cầu nguyện cho linh hồn các tín hữu đã qua đời, bắt đầu từ ngày mùng hai hôm nay, các nhà thờ đều có Thánh lễ “ Cầu hồn” để giáo dân đến dự lễ cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà cha mẹ và thân hữu của mình đã qua đời, đặc biệt còn có được nhận ơn “ Toàn xá” cho những ai thi hành theo ý của Đức Thánh Cha là “Xưng tội, rước lễ”, và ơn toàn xá này được nhường lại cho các linh hồn.

Chúng ta là người ki-tô hữu, sống bằng Đức tin mà Chúa đã dạy trực tiếp và gián tiếp qua Hội Thánh Công giáo, vì thế chúng ta ý thức cuộc sống đời này chỉ là lữ khách trần gian, là cõi tạm, “Sống là gửi, thác là về”, để từ đó mỗi người trong chúng ta luôn biết sống tốt lành, sống cho có ý nghĩa, có mục đích, để mai này được cùng nhau xum vầy hạnh phúc trên quê hương vĩnh hằng, như Lời Chúa đã nói : “Tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6, 40)

Tháng mười một là tháng báo hiếu, mỗi người chúng ta sinh ra trong đời đều nhờ có ông bà, cha mẹ thì mới có mình, rồi những mối liên kết trong gia đình như anh chị em ruột thịt, họ hàng thân quyến, bạn bè gần xa…, những ai còn sống và cách riêng những ai đã ra đi về cõi vĩnh hằng, chúng ta có trách nhiệm tưởng nhớ đến các linh hồn đó, đặc biệt trong tháng mười một “Cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời”. Ngoài việc chúng ta đi viếng mộ, dự lễ, xin Lễ cầu hồn…, chúng ta còn có thể làm được nhiều việc bác ái khác để cầu nguyện cho các linh hồn, hiệp thông cùng các Thánh thông công trong tinh thần hiệp hành của giáo hội trần gian.

          Lạy Chúa, chúng con xin tín thác tất cả vào lòng Chúa xót thương, xin vì cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, xin Chúa thương xót và cứu các linh hồn…, ban ơn cho được về hưởng tôn nhan Chúa trên quê trời, muôn đời hát ca chúc tụng tình yêu Thiên Chúa đến thiên thu vạn đại. Amen.

BCT

Đức Chúa sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần (02.11.2021)

Ghi nhớ.

Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).

Suy niệm.

Ông Tư tát đìa, bắt được một con cá lóc to, ông lấy giây chuối xiên qua mang và miệng , cột lại rồi sai thằng cháu “đích tôn” mang lên biếu cha xứ, ông dặn:

– Mày mang con cá này lên đưa cho ông cha và nói: Nội con biếu ông cha con cá ăn lấy thảo, ngày mai là ngày giỗ của“bà cóc” con, xin ông cha dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn Maria”.

Nghe ông nói xong, nó mau chóng lên đường, ngày ấy đường thôn quê còn gập ghệnh khó đi, từ nhà nó đến nhà xứ khoảng 500m mà phải qua năm cái cầu nhỏ và một cái cầu khỉ. Đường thì xa mà con cá lóc kia thì nào cam lòng chịu chết thế nên nó cứ giẫy giụa miết cho đến khi cái dây chuối kia chịu không nổi bèn đứt ra, thế ra con cá được : “ giải thoát”, nó rơi xuống mương nước trước khi kịp đến nhà cha xứ.

Còn cái dây chuối, để làm chứng khi đến nhà xứ thằng bé cũng đưa ra và phân bua cùng cha xứ.

– Cha ơi, Nội con có sai con đem cá lóc biếu cha, nhưng đi dọc đường đứt dây nên nó đã rơi xuống sông rồi! Ngày mai giỗ “ bà cóc con” xin cha dâng lễ cầu cho linh hồn Maria.

Nhìn thằng bé nhễ nhãi mồ hôi, cha xứ thấy thương, ngài vào phòng. Một lát sau đưa ra cho nó một cái bánh và một từ giấy bảo nó đưa về cho ông nội: Tờ giấy ghi: Gửi Ông Tư. Mai tôi sẽ dâng lễ giỗ cầu cho linh hồn Maria. Vậy ông nhớ thông báo cho con cháu để ngày mai chúng đi dự lễ  đông đủ mà cầu nguyện cho linh hồn Maria nhé. Lễ lúc 16 giờ 30. Thân ái, chào ông.

Ngày hôm nay Giáo Hội đặc biệt cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Trong số các tín hữu đã ly trần trước chúng ta có những người thân yêu của chúng ta; như bằng hữu, họ hàng anh em, ông bà, cha mẹ. Các ngài nay đã hết thời gian để có thể lập công lập phúc rồi, và vì còn phải ở luyện ngục để thanh tẩy lỗi lầm khi còn sống ở trần gian, nên trong hoàn cảnh đó các ngài chỉ còn biết cậy nhờ vào ơn Chúa đoái thương và  nhờ vào những công việc đạo đức của chúng ta; như xin lễ, hy sinh hãm mình, đọc kinh cầu nguyện nhờ đó Thiên Chúa sẽ thương xót mà sớm đưa các ngài vào nơi hoan lạc, yên nghỉ bên Chúa muôn đời. Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng có ngày hôm nay hay trong tháng mười một này là chúng ta nhớ đến các Đẳng linh hồn. Mà Hội Thánh trong mỗi thánh lễ hàng ngày, vẫn luôn dâng lên Thiên Chúa lời khẩn cầu: “ Lạy Chúa. Xin Chúa cũng nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời, và tất cả những ai ly trần trong ơn nghĩa Chúa, được vào nước Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới, để cùng nhau tận hưởng vinh quang Chúa muôn đời.”hoặc: “ Xin Chúa cũng nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa, xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa.”

Người ta ví von rằng: “ Bởi vì Thiên Đàng là nơi Chúa ngự rất thánh thiện, tốt đệp nên để xứng đáng vào cư ngụ tại đó chúng ta phải: “ tắm rửa” thân thể cho thật sạch sẽ; vì thế các linh hồn phải được thanh luyện cho thật hoàn hảo, thật trong sạch không còn chút tỳ vết nào!”  Và để cho quá trình thanh luyện đó sớm kết thúc các Đẳng linh hồn rất cần sự trợ giúp của chúng ta. Vì thế chúng ta phải có bổn phận cầu nguyện hy sinh là việc lành với ý chỉ xin cho các ngài sơm được yên nghỉ thanh nhàn bên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su nói về việc Ngài xuống thế gian và thi hành thánh ý Chúa Cha. Chúa Cha đã ban cho Ngài cả và nhân loại này và Ngài đã đón nhân bằng cả Trái Tim của Ngài. Để rồi Trái Tim đó đã đổ ra đến giọt Máu cuối cùng để Cứu Chuộc họ! Chúa Giê-su đã, đang và sẽ đón nhận tất cả mọi người, Ngài không từ chối bất cứ một ai. Bằng chứng là ngay bây giờ đây và mãi mãi sau này trong các thánh đường. Hãy nhìn lên Cây Thập Tự. Chúa Giê-su vẫn mãi luôn dang rộng đôi tay để đón nhận mọi người. Nhưng có điều quan trọng là con người ta có đến với Ngài không?. Có tin vào Ngài không. Nếu biết đặt niềm tin nơi Ngài thì dù nhân loại có tội lỗi bao nhiêu thì tình thương của Ngài cũng xoá bỏ mọi tội lỗi cho họ! Như vậy, muốn được sống lại trong ngày sau hết cũng như được sống muôn đời; điều này hoàn toàn nằm ở quyền quyết định của mỗi cá nhân con  người? Có đến với Chúa và có đặt niềm tin nơi Ngài hay không?

Cầu nguyện.

Lạy Chúa. Vì thương nhân loại trong đó có con, mà Chúa đã xuống thế gian, chịu bao đau khổ chỉ mong cho con và mọi người được lãnh nhận hồng ân cứu độ. Xin cho con và mọi người đều cảm nhận được tình thương bao là mà Thiên Chúa đã dành cho mỗi người chúng con mà ra sức sống sao theo đúng ý Chúa, để mai này khi lìa đời chúng con xứng đáng hưởng phần gia nghiệp Chúa đã hứa ban. Xin Chúa vì công nghiệp vô cùng của Đức Giê-su Ky-tô đã đổ Máu Đào Chuộc tội nhân loại mà ban cho các Đẳng linh hồn đang đau đớn trong luyện tội sớm về hưởng vinh phúc trong Nước Chúa.  Amen.

Sống Lời Chúa.

Tập thói quen viếng nghĩa trang để cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn.

Đaminh Trần Văn Chính.

Chuẩn bị cho giờ sau hết (02.11.2020)

Chị Maria Loan bệnh ung thư bác sĩ chê trả về lo hậu sự vì khối U đã bị vỡ, người nhà đến nhờ nhóm Lòng Chúa Thương Xót đọc kinh xin Chúa ơn chữa lành. Khi khỏe mạnh chị lười đến tham gia cùng nhóm nguyện kinh lúc 15 giờ, đời sống đạo khô khan, cơn bệnh làm chị đau đớn chỉ biết khóc. Khi nhóm Lòng Chúa Thương Xót đến. Tôi hỏi chị có tin và nếu được Chúa chữa lành chị có đi nguyện kinh không? chị gật đầu. Thế rồi nhóm Lòng Chúa Thương Xót đến đọc kinh Tuần Cửu Nhật, tôi thầm thì quỳ gối cầu xin Chúa ban ơn chị được chữa lành dù chỉ 1 năm thôi, được Chúa nhận lời chị khỏe mạnh bình thường, mỗi chiều chị đến nhà thờ nguyện kinh, rồi 1 năm trôi qua. Thời gian gần tết, chị trở bệnh, nhóm Lòng Chúa Thương Xót lại đến, tôi cầu nguyện xin Chúa ban ơn thêm 6 tháng cho chị vượt qua cơn bệnh để mọi người được vui Tết đầm ấm bên gia đình, Chúa thương nhận lời .Thời gian dần trôi qua hết mùa xuân, cơn bệnh lại tái phát. Khi hay tin tôi thưa cùng chúa giờ thì “ tùy ý Chúa định”, chúng con xin vâng.

Lời Chúa hôm nay. “Thật vậy ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy Người Con và tin vào Người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Còn Tv 16,5: “Bước tôi đi, bám chặt đường lối Ngài”.

Ai đã làm người sống trong trần thế chắc không tránh khỏi những va vấp, lỗi lầm vì thân phận yếu đuối. Hiện tại chúng ta đang sống giữa một xã hội đầy dẫy những đam mê cám dỗ; nào là danh, lợi, thú, ma quỷ luôn rình rập quyến rủ con người phạm tội.

Lạy Chúa Giêsu nhân từ. Xin ban ơn Chúa Thánh Thần soi sáng giúp chúng con hiểu. “Trần gian không phải là nhà. Thiên Đàng vĩnh phúc mới là quê hương”. Vì thế gian chỉ là Phù Vân tiếp nối phù vân , cuối cùng ta cũng chẳng có gì mang theo ngoài Tội và Phúc, xin cho chúng con biết chuẩn bị cho ngày tận thế đời mình thật cần thiết: tỉnh thức cầm đèn cháy sáng trong tay sẵn sàng ra đón Chúa.

Xin nâng đỡ đức tin yếu kém giúp chúng con can đảm từ bỏ ý riêng sống theo ý Chúa, siêng năng học hỏi Lời Chúa, sống theo Lời Chúa dạy, sốt sắng tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho các linh hồn người thân, tiên nhân và các linh hồn đã qua đời đang còn đền tội nơi luyện ngục, biết chuẩn bị như chị Maria Loan, có thời gian hoán cải hay như “Người con hoang đàng trở về”.

Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi mỗi người chúng ta thật lòng ăn năn thống hối quay về với chúa.

Lạy Chúa là Cha giàu lòng xót thương. Chúng con xin tạ ơn Cha “vì Chúa không muốn mất một con chiên nào, Chúa vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc, và niềm vui đích thực khi Chúa nhìn thấy chúng con biết chuẩn bị dầu, đèn và y phục vào dự tiệc cùng Chúa trên quê trời”.

 

Chết là đi vào cõi sống (02.11.2019)

Hằng năm, giáo hội dành cả tháng 11 để cầu nguyện cho các đẳng (cấp) linh hồn; tức là gồm mọi thành phần từ linh hồn các giáo sĩ cho tới linh hồn các tu sĩ, cả và giáo dân nữa. Dĩ nhiên trong số đó, có ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc chúng ta đã qua đời. Giờ đây, các đẳng ấy đang phải chịu thanh luyện để trở nên tinh ròng, để mang một chiếc áo cưới thật mới vào dự tiệc cưới Nước Trời, vào hưởng phước thiên đàng. Không ai có thể chia cắt, không gì làm họ mất niềm hy vọng vào đời sống vinh phúc đó. Chúng ta còn đang sống ở chốn dương thế này, nhờ lòng tin và niềm hy vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, nhờ sốt sắng tham dự thánh lễ, cầu nguyện, và làm những việc lành phước đức… có thể sẽ  thành sức mạnh chuyển cầu cho các linh hồn sớm được hưởng hạnh phúc trên cõi vĩnh hằng ấy.

Thánh Gio-an nói trong bài Phúc Âm của ngài: Chính Đức Ki-tô là sự sống lại và là sự sống; tất cả những ai sống và tin vào Người, sẽ không bao giờ phải chết, và sẽ được sống muôn đời. (x. Ga 6,40; Ga 11,25-26)

Những khi suy niệm về sự chết, khi cầu nguyện cho những người đã chết, bao giờ chúng ta cũng phải đặt trên nền tảng Đức Ki-tô Tử Nạn-Phục Sinh. Vì thiên đàng chính là cõi sống hạnh phúc tròn đầy và là cõi sống đời đời dành cho những ai tin vào Đức Giê-su Ki-tô, là Đấng đã chết để đền bù tội lỗi cho nhân loại và đã sống lại để dẫn đưa mỗi người vào sự sống đó.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn; vì Chúa là Đấng hay xót thương. Amen.

CÁT BIỂN

Nhớ đến những người thân yêu đã ra đi (02.11.2018)

Hôm nay là ngày lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. Chúng ta cùng nhau tưởng nhớ đến các Linh hồn, những người đã khuất, nhất là những người thân yêu ruột thịt, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với chúng ta như ông bà, cha mẹ, anh chị em, người thân, bạn bè…

 

Người thân con đã ra đi

Giã từ trần thế, sầu bi dâng tràn

Phải chăng, người ở Thiên Đàng

Hưởng Nhan Thánh Chúa vô vàn sướng vui

Hay trong nơi chốn ngậm ngùi

Luyện hình thiêu đốt, nói lời nài van

Nếu trong cuộc sống trần gian, chúng ta đã thực sự yêu thương anh em thì chúng ta mới có thể tiến lại cùng Thiên Chúa, Đấng có một trái tim cảm thông với đau khổ, sẵn sàng tha thứ và ân thưởng cho những người thành tâm thiện chí. Khi tâm hồn chúng ta đã giao hoà cùng Thiên Chúa, thì bấy giờ cái chết không còn nhuốm vẻ tang tóc bi ai nữa, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy an tâm vì: đối với người tín hữu thì điều an ủi và khích lệ nhất trong cuộc sống là cái chết, bởi vì cái chết sẽ chấm dứt những đau khổ phần xác, để rồi dẫn đưa chúng ta vào niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

Mọi người ở chốn dương gian

Hãy xin nhớ đến tiếng than lời cầu

Dâng lời khẩn nguyện nhiệm mầu

Để mau thoát khỏi biển sầu lửa thiêu

Được lên cõi phúc cao siêu

Cùng hàng Chư Thánh muôn điều ngợi khen

*

Ngợi khen Thiên Chúa vô biên

Yêu thương nhân thế triền miên muôn đời

Từ khi tạo dựng đất trời

Đời đời, kiếp kiếp vẫn Lời yêu thương

Dẫn đoàn con tới Thiên Đường

Hợp ca tụng Chúa yêu thương dạt dào

Chúng ta hãy thành tâm hiệp ý cầu nguyện cho các Linh hồn, bởi vì không có lời cầu nguyện nào tha thiết và cao quí hơn cho bằng lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô, qua hy tế Thập Giá của Ngài được tái diễn trên bàn thờ mỗi ngày. Qua Thánh Lễ và Thánh Thể chúng ta được liên kết với Chúa Kitô, và được hiệp thông với nhau, những người còn sống cũng như những kẻ đã qua đời nhờ mầu nhiệm các Thánh cùng thông công, qua đó chúng ta chia sẻ cho nhau những ân huệ trong kho tàng Ân Sủng của Hội Thánh.

Người thân con ở nơi nao!

Chúa mau cứu vớt đưa vào Nhà Cha

Người thân con ở chốn xa

Chúa cho gần lại một Nhà Chúa ơi!

Người thân con khuất trên đời

Chúa thương dìu dắt lên Trời phúc vinh

Người thân con chốn Luyện hình

Lửa thiêu nung đốt thân mình nóng ran

Mong sao qua khỏi nguy nan

Được lên Thiên Quốc hân hoan chúc mừng

 

Lạy Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Chúa muốn cho mọi người đều được cứu độ. Xin nhận lời chúng con cầu xin mà thương tha thứ và đón nhận anh chị em chúng con đã qua đời vào hàng ngũ Các Thánh trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

HOÀI THANH

Bên kia sự chết (02.11.2017)

Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: “Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh”.Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời… Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy. Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Đức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.

Để giúp chúng ta có dịp đáp lại thỉnh cầu của những người đã đi vào thế giới bên kia và để thể hiện mối tình thông hiệp “các thánh thông công”, Giáo Hội ngay từ buổi đầu kỷ nguyên Kitô đã cổ động việc tưởng nhớ cầu nguyện cho những người quá cố. Những thế kỷ gần đây đã dành tháng 11 hằng năm cho việc đạo đức ấy. Hai ngày lễ mừng kính các thánh và cầu cho các linh hồn được ấn định vào hai ngày mùng một và mùng hai đầu tháng với những kinh nguyện rất ý nghĩa, nhắc chúng ta về sự hiệp thông trong Giáo Hội. Công đồng Vatican II trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội đã viết như sau: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”.Nói về sự bầu cử của các đẳng linh hồn, Công Đồng viết như sau: “Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha…”. Sự trao đi nhận lại đó vừa là một việc bác ái vừa là một bổn phận thảo hiếu đáp đền, đã thực sự củng cố Giáo Hội thêm vững bền trong sự thánh thiện.

Quỳ cầu nguyện một mình trong nhà thờ, hay ngậm ngùi đốt lên một ngọn bạch lạp tại một nghĩa trang nào, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bùi ngùi xúc động khi nghĩ đến những người chết và chính cái chết. Chúng ta đang đứng giữa biên giới vô hình của sự sống và sự chết. Và một cách vô cùng huyền nhiệm và sống động, những người chết đang hiện diện với chúng ta bằng một sợi dây liên kết thâm sâu, thắm thiết… Cái chết không còn là một chấm hết cuối cùng đối với chúng ta nữa. Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chính Tình Yêu đã làm cho những người đã chết được sống và cũng chính Tình Yêu liên kết chúng tư với những người chết. Vâng, chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người được bất tử. Chỉ có Tình Yêu mới làm cho con người liên kết với những người đã chết. Chỉ có Tình Yêu mới mặc cho những nghĩa cử của con người sự bất diệt.

Mỗi lần chúng ta hy sinh cho một người nào đó, mỗi lần chúng ta săn sóc một người đau yếu, an ủi một người đau khổ, bênh vực một người cô thế, hay cùng với những người khác dấn thân để canh tân cuộc sống… Chúng ta đang tiến dần đến sự bất tử.Yêu thương chính là tái sinh, là sự thông dự vào sự sung mãn của cuộc sống. Đó phải là niềm tin của chúng ta trong ngày hôm nay khi chúng ta tưởng nhớ và cầu nguyện cho người quá cố. Xin Chúa nâng đỡ Đức Tin yếu kém của chúng ta, xin Ngài ban thêm niềm hy vọng cho chúng ta.

Cầu cho các tín hữu đã qua đời (02.11.2016)

Tiếp nối diễn từ về bánh Trường Sinh, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tất cả những người Chúa Cha đã ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi…” (Ga 6, 37-38).

Thánh Ý của Cha giàu lòng thương xót là cứu độ tất cả những ai tin vào người Con. Ngày sau hết Người sẽ cho họ sống lại. Nhưng không phải ai cũng hiểu biết Thánh Ý này, nên trước cái chết, người ta hình dung phải ra trước vị thẩm phán công minh, xét xử theo công trạng, đáng tội mỗi người nên càng sợ hãi. Lời hứa trên đây bảo đảm cho con xác tín một người Cha nhân hiền, luôn bao dung tha thứ, mở rộng cung lòng và giơ tay đón lấy từng đứa con trở về, dù quá khứ có xấu xa bẩn thỉu, để hồi sinh, làm mới lại cuộc đời và cho hưởng sự sống muôn đời.

“Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40).

Người tin vào Chúa Giêsu là người tha thiết khát mong được đến với Người, để gặp gỡ và được sống mật thiết với Người. Sự sống đời đời không phải chỉ khi nhắm mắt xuôi tay mới bắt đầu, nhưng với người tin thì đang bắt đầu từ ngay hôm nay trong cuộc sống này, khi sống gắn bó với Chúa.

Thánh lễ hằng ngày là bàn tiệc thánh của Thiên Chúa, tái diễn lễ Vượt Qua. Trong thánh lễ, chúng con được đồng bàn và thông phần vào Thịt Máu của Đấng Phục Sinh, là lương thực nuôi sống muôn đời. Chúng con tin và đón nhận với lòng cảm mến tin yêu. Nhờ siêng năng rước Chúa, chúng con được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa.

Cảm tạ Chúa đã ban chính Thịt Máu Chúa cho chúng con được nuôi sống bằng sự sống thần linh. Xin cho mỗi người chúng con đều nhận ra cơn đói khát trong sâu thẳm cõi lòng, để chúng con biết đến lãnh nhận nguồn ân phúc bất tận là chính Chúa. Ước mong mỗi lần tham dự thánh lễ và rước lễ sẽ là cơ hội quý báu, cho chúng con lãnh nhận sự sống đời đời từ chính Chúa.

Hôm nay cả Giáo Hội dâng lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. Ước mong qua tháng cầu hồn này, chúng con luôn luôn nhớ đến, dâng lễ và cầu nguyện cho thân nhân, ân nhân và mọi người đã ra đi trước chúng con. Xin cho chúng con biết sống với niềm hy vọng tuyệt đối vào Chúa, Đấng cứu độ, ủi an và sẽ lau sạch nước mắt những người khổ đau, để chúng con cảm nếm được sự dịu ngọt của tình Chúa và được sống viên mãn trong Nước Cha, như niềm hy vọng mạnh mẽ của ông Gióp trong bài đọc I (lễ I): “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị thiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người. Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (G 19, 25-27a).

  Én Nhỏ

Sự sống lại (02.11.2015)

Ghi nhớ:

Đức Chúa liền phán: “ Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết,cũng sẽ được sống” (Ga 11,25)

Suy niệm:

Con người ai ai cũng không thể thoát khỏi cái chết, thế nên trong Thánh vịnh có câu:

“Kiếp phù sinh,
tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong
chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103, 15-16).

Cứ mỗi độ xuân về, hay mỗi dịp ngày giỗ chạp, đặc biệt người Công giáo chúng ta hàng năm có ngày 2/11 là Thánh lễ “Cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời”, đồng thời cũng trong ngày này chúng ta cũng xin nhiều Thánh lễ  và cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn, hoặc những người thân yêu đã  qua đời.

Trong cuộc sống người ta thường nói có sinh ắt có tử, chết là hết, chết là đi vào cõi hư vô. Nhưng với người Công giáo thì người đã khuất là người đi về cội nguồn, tìm về nơi an bình, hạnh phúc,vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Với niềm tin Kitô hữu, chúng ta luôn tin rằng hết thảy mọi người khi trở về đều phải ra trình diện Ngài và phải trả lẽ về những gì ta đã sống và làm những gì nơi trần gian này.

Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay chúng ta cảm thấy an tâm, vững vàng nơi con người luôn mong mỏi khát khao, một niềm tin, để ta nhìn thấy cuộc đời hư ảo, tạm bợ, qua đi thật nhanh chóng vì Thiên Chúa đã minh định rõ ràng: “Thế là họ sẽ ra đi, bọn này để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời”( Mt 25,46).

Một khi ta trưởng thành trong đức tin sẽ tạo điều kiện cho đạo đức phát triển và những việc làm thánh thiện giúp cho tâm hồn luôn bình an hân hoan trong Chúa. Nhưng khi không còn đức tin, con người sẽ sống buông thả chiều theo bản thân mình dễ làm điều bất chính tội lỗi, với biết bao quyến rũ, dịp tội đang rình rập để thách đố đức tin của ta. Do vậy, để củng cố đức tin vào Thiên Chúa, mỗi người tin vào đời sống vĩnh cửu nước Trời mai sau, ngay từ bây giờ ta phải chiến thắng cái tôi của mình, từ bỏ thói hư tật xấu, gian tham, oán thù ghen ghét hay vui chơi sa đọa v.v… Với tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời, ta có thể ngẫm lại cuộc sống của mình, từ lúc chào đời cho đến khi lớn khôn, ta đã sai phạm mất lòng Chúa rất nhiều, càng sống và ý thức về sự vô thường ngắn ngủi của một kiếp người một cách sâu sắc, thì cách sống, cách hành xử của chúng ta luôn đi tìm sự yêu thương trong bàn tay nhân từ của Thiên Chúa.

Giờ đây ta không thể để gần chết mới chuẩn bị phần hồn, mà ngay bây giờ phải biết lắng lo bằng cách sửa đổi thói hư tật xấu, bao lo âu tội lỗi thời son trẻ và biết thổn thức chạy đến cùng Chúa, biến thành niềm tin tưởng đổi mới cho hoàn thiện hơn. Ta có thể bắt đầu lại từ đầu từ sự quyết tâm tận dụng những ngày còn lại của cuộc đời, để thức tỉnh và cầu nguyện như Chúa nói: “Hãy tìm kiếm nước Thiên chúa” (Mt 6, 33) để ta một lòng cậy trông, ăn năn sám hối quay trở về cùng Chúa.Trong niềm tin vào tình yêu và sự xót thương của Ngài, ta luôn an tâm, bình tĩnh đi tìm ngẫm suy về sự chết, để ngày cánh chung ta không hề hối tiếc về cách sống mình nơi trần gian này, từ đó đối với sự chết là đi về là tìm sự bình an vĩnh cửu trường tồn trong Thiên Chúa.

Được – mất gì ở cuộc sống trần gian
Khi nằm xuống cũng là về cát bụi
Tàn nắm hương nấm mồ đêm hoang lạnh
Lửa cõi trần có ấm nổi tim con?

Sống lời Chúa:

Chúa nói “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! con tin, con tin, xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con. A.men.

M.Liên

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *