Sự chết làm trổ sinh hoa trái (10.08 – Lễ Kính Thánh Lôrensô, Phó tế, Tử đạo)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

Ngày 10.08: Lễ Kính Thánh Lôrensô

Lời Chúa: 2 Cr 9,6-10, Ga 12,24-26

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 12,24-26)

24 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

Sự chết làm trổ sinh hoa trái (10.08.2023)

Nguyên tổ của con người là Adam và Eva khi phản bội Thiên Chúa đã đưa tội lỗi và sự chết vào thế giới. Thiên Chúa đã đã phán xử công minh. Nhưng ngay lúc luận phạt thì Thiên Chúa đã Thương Xót con người và với Tình yêu bao la, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu chuộc cho con người.

Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì vâng phục Chúa Cha và để thực hiện kế hoạch cứu độ loài người của Chúa Cha, Ngài đã xuống thế mặc lấy xác phàm, cùng chịu chung số phận của người phàm là phải chết, hơn nữa lại chịu một cái chết nhục nhã đau đớn của một tử tội.

Sự tự nguyện vâng phục Chúa Cha của Chúa Giêsu đã làm cái chết của Ngài nên giá cứu chuộc loài người, giải thoát loài người khỏi tội lỗi và án phạt là cái chết đời đời, để loài người được giao hoà trở lại với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ. Tình yêu của Đức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi, hận thù và sự chết để phục sinh, dẫn đường cho các Kitô hữu cùng sống lại một sự sống đời đời như Ngài. Sự vâng phục đó đối nghịch với sự bất tuân của Adam.

Cái chết của Chúa Giêsu đã khai sinh ra Hội Thánh của Ngài. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Hội Thánh của Chúa có bổn phận tiếp tục sứ mạng của Ngài ở trần gian này. Lời Chúa Giêsu không chỉ nói về chính Ngài là hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để sinh những hạt mới, mà còn nói về các môn đệ của Ngài, vì môn đệ đích thực của Chúa thì phải đồng hình đồng dạng như Ngài, cũng phải chết vì tội lỗi, chết đi phần riêng con người của mình để sống cho Thiên Chúa, như Thánh Phaolô nói “Tôi sống, nhưng không còn phải tôi, là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

Từ hạt lúa Giêsu, sau khi chết đi, hạt lúa ấy đã trổ sinh một Hội Thánh phát triển và hoạt động mạnh mẽ để quy tụ loài người về một mối. Và giống Chúa Giêsu, ngay từ thời khai đạo, các Kytô hữu đã trở thành những hạt lúa được gieo vào lòng đất và đã chết đi để Hội Thánh của Chúa từ một nhóm người tại Giêrusalem, hơn hai ngàn năm sau, dù luôn bị ngăn cản, phá phách, bắt bớ, bách hại rất tàn bạo, Hội Thánh vẫn lớn mạnh phát triển như ngày nay. Hội Thánh đã gieo những tư tưởng yêu thương, tôn trọng sự sống, nhân ái, đạo đức thánh thiện và bình an vào mọi khía cạnh của văn minh, văn hoá, đời sống, xã hội… của nhân loại, để biến đổi thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn.

Các hạt giống của Thiên Chúa, đặc biệt là các hạt giống là máu các Thánh Tử Đạo còn tiếp tục sinh sôi muôn vàn Kytô hữu nhiệt thành với Đức Tin.

Thánh Phó tế Lorensô mà Giáo Hội mừng kính hôm nay là một tấm gương sáng chói về tình yêu với Thiên Chúa và với đồng loại, là hình ảnh điển hình của hạt lúa gieo vào lòng đất đã chết để sinh nhiều hạt mới. Ngay cả với kẻ thù là hoàng đế Valêrianô của Rôma và các thuộc hạ, những kẻ đang ra sức hành hạ tra tấn thánh nhân một cách cực kỳ dã man, ngài cũng xin Chúa “ban cho những người có mặt đây được trở lại cùng Chúa. Xin Chúa hãy an ủi họ trước toà phán xét”. Hạt giống Lorensô ngay lập tức đã sinh một hạt giống khác cũng vì yêu Chúa mà cam chịu tử đạo, đó là anh Rômano, một người trong toán lính đang tra tấn Thánh nhân. Anh cảm phục sự hân hoan và can trường đón nhận những cực hình và cái chết vì yêu Chúa của Thánh nhân, nên đã đến xin Thánh nhân rửa tội và cũng chịu tử đạo.

Cái chết anh dũng của Phó tế Lorensô đã là nguồn khích lệ lớn lao cho các Kitô hữu đang trốn tránh sự bắt bớ trong các hang động cùng thời, để họ kiên tâm giữ vững Đức Tin làm cho Hội Thánh vẫn mãi tồn tại và phát triển.

Với Kitô hữu ngày nay, cái chết không phải chỉ là chết về phần xác, mà còn là chết về tội lỗi, như từ bỏ những đam mê trần thế, những thói quen tổn hại Đức Tin và đạo đức của một Kitô hữu. Việc này không dễ chút nào vì “mưu ma chước quỷ” rất tinh khôn, khéo léo, với những hình thức đáng yêu, rực rỡ, ngọt ngào khiến người Kitô hữu khó thoát được nếu không luôn cầu nguyện, năng chịu các bí tích Hoà giải, Thánh Thể, chăm chỉ học và sống Lời Chúa, sống kết hợp với Chúa Giêsu để được Ngài che chở, bổ sức cho, vì “không có Thầy thì anh em chẳng làm được gì hết” (Ga 15,5)

Lạy Chúa Giêsu, con hằng suy niệm trong lòng Lời của Chúa nói với Thánh Phêrô “Phần anh, hãy theo Thầy.” (Ga 21,22). Nhưng con vẫn luôn lự chọn con đường dễ đi mà tìm cách tránh né con đường khổ giá mà Chúa muốn con phải theo.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu bầu của Thánh Lô-ren-xô, xin giúp con mạnh dạn từ bỏ chính bản thân mình để phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Xin giúp con cũng trở thành một hạt lúa gieo vào lòng đất và biết chết đi cho nảy sinh những hạt lúa mới. Amen.

Jos. NM Tưởng

Sự sống đời đời (10.08.2022)

“Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25)

Anh là một người giáo dân Đa Minh rất đạo đức và tận tâm giúp đỡ những bệnh nhân trong xứ sở của mình, đặc biệt là những hoàn cảnh neo đơn nghặt nghèo…Anh còn là một thừa tác viên giúp Cha trao Mình Thánh Chúa trong buổi lễ cộng đoàn, và anh cũng được phép đem Bánh Thánh đến tận nhà cho các cụ già đau yếu không thể đến nhà thờ để dự lễ, được nhận Mình Thánh Chúa vào mỗi thứ sáu và chúa nhật hằng tuần.

Anh hy sinh rất nhiều thời gian riêng để giúp HUYNH ĐOÀN ĐA MINH trong nhiều công tác tông đồ. Mấy năm trước trong chức vụ là trưởng LIÊN HUYNH MAI KHÔI thuộc Hạt Tân Định Sài Gòn, hằng tháng anh còn nhiệt tình chạy xe máy đến thăm viếng từng Huynh Đoàn để chia sẻ “Luật Sống” của Đa Minh, và trao đổi những thắc mắc của hội viên trong tinh thần huynh đệ rất chân thành mến yêu.

Anh lao tâm, lao lực quá sức nên đã đổ bệnh, và không ngờ bệnh rất nặng mà anh cũng không hề mở miệng than vãn lời nào, anh chị em có đến thăm hỏi thì anh cũng chỉ nói: “ Xin giúp lời cầu nguyện để em biết đón nhận ý Chúa”. Và rồi vài tháng sau căn bệnh hiểm nghèo mà bác sĩ cũng bó tay, anh đã được Chúa cất đi trong sự thương tiếc của cả LHMK và giáo xứ Vườn Xoài, hầu như ai cũng biết về anh Vicente Nguyễn Đình Tín. Sắp tới vào ngày mùng 4 tháng 9 này là giỗ năm đầu tiên của anh. Anh đã quên mình để làm việc Chúa, thì chắc chắn Chúa đã đón anh vào thiên đàng để hưởng sự sống hạnh phúc đời đời trong vương quốc tình yêu của Ngài.

Lạy Chúa, xin thương giúp cho tất cả chúng con là những người giáo dân Đa Minh, biết hướng về sự sống đời đời, để luôn tuân giữ Lời Chúa dạy, bằng cả tâm hồn yêu mến kính tin, hầu mong sau này sẽ được đoàn tụ cùng nhau trong nước trời, ngợi ca chúc tụng danh Chúa đến thiên thu vạn đại. Amen.

BCT

Sống hy sinh vì quyền lợi của tha nhân (10.08.2021)

Ghi nhớ:

Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12, 25).

 Suy niệm:

Chuyện kể rằng: Vào thời Đức Giáo Hoàng Sixtô II. Hoàng đế Roma Velerianô ra chiếu chỉ bách hại đạo Thiên Chúa. Lúc ấy Thầy phó tế Lôrenxô được bề trên giao phó cho nhiệm vụ là quản lý tài sản của Giáo Hội. Sau khi Đức Giáo Hòng bị bắt giam, thầy phó tế biết rằng số phận lao tù cũng sẽ đang chờ đợi mình. Vì thế, thánh nhân đã tập họp tất cả những người nghèo, những người góa bụa và các em cô nhi lại để phân phát hết tài sản cho họ, vì lượng người quá đông nên thánh nhân đã bán tất cả, ngay đến chén thánh dùng trong phụng tự…để phân phát cho họ.

Nghe biết sự việc trên, viên thị trưởng thành Rôma cho lính đến bắt ngài và bảo ngài phải kê khai hết toàn bộ tài sản của Giáo Hội cho y. Vị phó tế khôn ngoan này liền xin thời hạn trong ba ngày thì sẽ lập danh sách các tài sản của Giáo Hội mà đưa lên cho quan. Viên thị trưởng đồng ý.

Trong ba ngày ấy thánh nhân tập họp tất cả những người yếu đau bệnh hoạn, những người nghèo túng và các cô nhi quả phụ lại. Đúng hẹn thánh nhân xếp hàng họ lại, tập trung mà rồng rắn kéo đến trước cổng dinh quan thị trưởng và nói:

– Đây là tất cả tài sản của Giáo Hội.

Nghe thế, viên thị trưởng tức giận điên lên, vì cho rằng thánh nhân dám ngạo mạn và thách thức y, lập tức hắn sai lính thiêu sống thánh nhân trên một cái giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác thánh nhân y như họ nướng một con thú, hôm ấy là ngày 08/08/258.

 

Đoạn Phúc Âm hôm nay, Đức Giê-su dạy cho các môn đệ ngày xưa, cũng như cho chúng ta ngày nay một chân lý bất biến theo không gian và thời; đó là: Phải bước qua đau khổ, phải biết hy sinh, chết đi trong yêu thương và phục vụ thì mới sinh nhiều hoa trái và mới bước vào được vinh quang.

Những ai làm nghề nông, trồng lúa thì rất am tường sự việc này, hạt lúa nếu sau khi ngâm vào nước 24 giờ, rồi vớt ra ủ từ 24-36 giờ mà nếu như hạt lúa ấy vẫn y thinh, không nảy mầm thì coi như bỏ đi, không sử dụng được vào việc canh tác được vì hạt lúa không nảy mầm thì làm sao cho năng suất, nó chỉ còn cách bỏ đi, hay làm việc khác mà thôi.

Đức Giê-su dùng hình ảnh hạt lúa rất gần gũi và thiết thực đó để diễn tả một chân lý: Nếu hạt lúa gieo xuống đất mà không chết đi thì nó không thể nào sinh được nhiều hạt khác. Thật vậy,  Đức Giê-su mượn hình ảnh này để áp dụng cho chính bản thân Ngài; Ba năm bôn ba đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cho thiên hạ và cuối cùng chịu thương khó tử nạn trên Thập Giá và rồi sống lại vinh quang về trời để cứu chuộc nhân loại. Như vậy, nếu giả như Chúa không trải qua cuộc khổ nạn, không chiu chết và không sống lại phục sinh thì làm sao nhân loại nhận được ơn Cứu Độ?.

Noi gương Ngài để lại, trải dài qua dòng lịch sử của Giáo Hội. Đã có biết bao vị anh hùng bước theo Ngài,  bất chấp tất cả những hiểm nguy, kể cả phải hy sinh mạng sống mình vì lợi ích cho tha nhân như; Thánh Maximilianô Kolbe, thánh Đamiêng.v.v…

Cũng như hiện nay, có rất nhiều các linh mục, tu sỹ, các y, bác sỹ sẵn sàng vào nơi tâm dịch,  để săn sóc các bệnh nhân, giúp đỡ họ vựơt qua cơn dịch bệnh , qua khó khăn cả về thể xác cũng như tinh thần. Hành động của  các vị đáng được trân trọng, ngưỡng mộ và noi gương. Cách nào đó họ đang thực hành lời Đức Giê-su dạy: Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, ai hy sinh mạng sống mình vì kẻ khác thì sẽ giữ được sự sống mình đời đời.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, Đấng có lời ban sự sống đời đời, xin cho chúng con trong cuộc sống hàng ngày biết thực thi điều Ngài dạy; là phải hy sinh, hãm mình, tẩy trừ đi những tính hư, tật xấu, biết sống quảng đại sẵn lòng chịu thiệt thòi vì lợi ích của tha nhân. Xin cho chúng con luôn hướng về mục đích cuối cùng của cuộc đời; đó là phần rỗi của chính mình, cũng như của mọi người anh  em, để rồi luôn  sống trong yêu thương và phục vụ. Amen.

 Sống Lời Chúa:

 Sống yêu thương và phục vụ

 Đaminh Trần Văn Chính.

Yêu thương và phục vụ (10.08.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ một sự thật rất lạ thường về vấn đề sống và chết: có chết thì mới có sống: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi thì nó mới sinh nhiều bông hạt”“Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.”Chính Chúa Giêsu đã đi theo con đường ấy, và Ngài bảo các môn đệ cũng hãy theo Ngài trên con đường ấy: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.”

Cuộc sống đẹp mãi nhờ yêu thương

Hy sinh phục vụ, nhớ khiêm nhường

Có nhau tình nghĩa thêm sâu đậm

Chở che, nâng đỡ, đời ngát hương

Cuộc sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa, chỉ có giá trị khi chúng ta biết sống quên mình, biết nghĩ đến anh chị em đang sống chung quanh chúng ta, để yêu thương và phục vụ mọi người một cách vô vị lợi. Ước gì cuộc đời của mỗi người chúng ta là hạt lúa được chôn vùi – chôn vùi chính mình, để nẩy sinh nhiều bông hạt yêu thương cho Chúa và cho tha nhân.

Chân thành, tha thiết lòng phơi phới

Gởi gắm ân tình tới muôn phương

Tay đan, tay kết cùng thông cảm

Đời sẽ an lành, sống hiền lương

*

Cuộc sống bình yên khắp nẻo đường

Nhiệt thành tận tụy với thân thương

Hài hòa thân ái cùng chung sức

Hiệp ý đồng tâm vượt đoạn trường

Thầy phó tế Lôrenxô là người quản lý tài sản của Giáo Hội Rôma. Thầy đã sống một cuộc đời phục vụ mà không mong đền đáp. Thầy sống cho đi và cho đi không ngừng. Bất chấp cả tính mạng, Thầy bảo vệ người nghèo như là kho tàng quý báu của Giáo hội mà mỗi người đều phải trân trọng gìn giữ. Cuộc đời quản lý của Thầy thật lặng lẽ, âm thầm. Thế nhưng, bằng lời cầu nguyện, bằng lòng bác ái, nhất là cái chết tử đạo của ngài đã trổ sinh muôn vàn hoa trái nơi muôn vạn tâm hồn tín hữu.  Mừng kính thánh Lôrenxô, xin cho chúng ta biết sống quảng đại, dấn thân cho Tin Mừng. Xin đừng để cuộc đời mình chỉ là những hạt lúa trơ trụi, nhưng biết mục nát đời mình cho Tin Mừng được nở hoa giữa lòng thế giới hôm nay.

 

Tâm tim chân chất lòng thanh thản

Sống trọn kiếp người tựa mẫu gương

Buồn – vui, sướng – khổ cùng chia sẻ

PHỤC VỤ CHÂN THÀNH SỐNG YÊU THƯƠNG

Lạy Chúa! Chúng con là những người môn đệ của Chúa, chúng con đã chọn con đường đi theo Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết đi theo Chúa đến cùng, để nhiêt thành phụng sự Chúa và hết lòng yêu thương phục vụ tha nhân, hầu đem lại cho chúng con và mọi người cuộc sống tốt đẹp ở đời này và ngày sau được chung hưởng vinh quang trong Nước Chúa. Amen

HOÀI THANH

Hạt giống mục nát cho đời (10.08.2017)

“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Theo định luật tự nhiên, để có bông hoa đẹp tươi nở khoe sắc lung linh trên cành, thì nguồn gốc trước kia nó từng là một hạt nhỏ xấu xí, khô lóc. Nhưng khi gặp đất và nước, nó chương lên, nứt nẻ rồi bung ra, ngoi lên mầm sống mới, cây từ từ phát triển đến lúc nở hoa sinh trái. Hạt lúa được gieo vào ruộng bùn cũng phải chương lên, hư thối để mọc lên cây mạ, rồi thành cây lúa tươi tốt và cuối cùng sinh bông hạt trĩu nặng, từ một hạt chịu thối đi thành trăm triệu hạt mới. Đó là một cuộc đánh đổi tự nhiên mà vô cùng lời lãi. Bởi vì “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44). Chính Đức Giêsu đã từ bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, để rồi sinh ơn cứu rỗi, cho muôn người được ơn cứu độ và bước vào sự sống mới.

Đức Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa thật dễ hiểu để áp dụng cho cuộc đời của Người, đồng thời là qui luật chung cho những ai muốn bước theo Ngài. Người chính là hạt lúa được gieo vào lòng đất. Cuộc thương khó và cái chết của Người dẫn tới sự sống bất diệt, để quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành một cộng đoàn vô cùng đông đảo những người được cứu.

Trong cuộc đời người Kitô hữu, nếu tôi sẵn sàng chịu bung vẩy trày sứt vì lội ngược dòng đời, để sống theo Lời Chúa dạy, chết đi cho những tội lỗi, nết xấu, thì chính Chúa sẽ biến đổi, làm cho tôi được lại sự sống mới, như thánh Phaolô nói trong bài đọc I: “Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào (2Cr 9,10).

Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 25-26). Đức Giêsu quả quyết: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Cái được-mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh bằng luật tự nhiên: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”. Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh, “chết” đi để được “sống”. Ai chăm lo tìm kiếm lạc thú ở đời này thì sẽ mất đời sống vĩnh cửu. Còn ai dám từ bỏ bản thân vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ được hưởng sự sống đời đời mai sau. Người môn đệ- “kẻ phục vụ Thầy” cũng phải đi cùng một con đường như Đức Giêsu để đạt tới vinh quang. Như hạt lúa, chúng con cũng phải chết đi cho tội lỗi để sinh nhiều bông hạt.

Lạy Chúa! Chúa chính là hạt lúa gieo vào lòng đất, chết đi cho chúng con được sống muôn đời. Như hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để cho nhiều bông hạt, thánh Laurensô chúng con mừng kính hôm nay đã bước theo con đường của Chúa. Ngài đã hiểu và thực hành điều ấy, cho đến khi phải trải qua cực hình lửa thiêu trên một chiếc giường sắt. Như Đức Kitô đã thí mạng vì chúng con, ngài cũng thí mạng vì Chúa và Tin Mừng, nên mẫu gương hy sinh cả mạng sống mình cho muôn thế hệ. Xin cho chúng con mỗi ngày biết hy sinh, đánh đổi cho những giá trị cao cả của Tin Mừng, để mỗi ngày đời con trở nên như một của lễ đẹp lòng Chúa. Amen.

Én Nhỏ

NHƯ HẠT LÚA GIEO VÀO LÒNG ĐẤT

Mỗi khi nghe trang Tin Mừng này, có thể ta cảm thấy lòng mình không được yên ổn, vì không biết mình có sống được như Chúa đòi hỏi không. Chúa Giêsu dạy ta: phải sử dụng sự sống mình cho những mục đích cao cả, ta mới có sự sống. Hơn thế nữa, phải qua sự chết, hy sinh bản thân, ta mới có sự sống thật sự. Ngài minh họa sự thật này qua hình ảnh hạt giống: được cất giữ an toàn, nó không thể sinh hạt; trái lại, được vùi vào lòng đất lạnh, chịu mục nát, nó mới sinh hạt. Như vậy, công thức “mất = được; được = mất” đã có sẵn trong thiên nhiên rồi! Lịch sử cho thấy bao chứng nhân đã và đang dùng sự sống mình như hạt giống âm thầm mục nát, để sinh bông kết trái cho đời. Họ hiểu rằng chính khi quảng đại cho đi, chịu mất sự sống là lúc được sự sống, cũng như khi tưởng được sự sống (giữ ích kỷ cho bản thân) là lúc thật sự mất sự sống.

Chúa Giê-su mượn hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu nó không chết đi, nó không thể sinh hoa kết trái. Hạt lúa chính là hình ảnh Chúa  Giê-su đã tự hiến tế chính mình làm của lễ dâng tiến Chúa Cha, đền thay tội lỗi chúng ta “Chúa Cha đã muốn Người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ Người, Thánh Ý Chúa Cha muốn sẽ thành tựu”).

Lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ hôm xưa còn đang vang vọng mãi đến hôm nay. Thế nhưng, lời mời gọi lần này trở nên quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và dứt khoát hơn, nếu không nói đây là điều kiện để theo Chúa: Ai chấp nhận theo Thầy thì hãy phục vụ Thầy. Việc phục vụ Thầy không khác gì hơn là đi theo con đường duy nhất mà Người đã đi và đến nơi Người đã đến. Đương nhiên, con đường này sẽ dẫn người môn đệ đến đỉnh đồi Gôl-gô-tha để cùng chịu đóng đinh đời mình vào thập giá của Chúa Kitô. Chính cái chết này mới làm người môn đệ trở nên một với Đấng mình hằng mến yêu và tôn thờ. Do đó, “theo Chúa” là chấp nhận đau khổ, chấp nhận thập giá và chấp nhận cả cái chết để được ở cùng Người như lời Người nói: “Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” (Ga 12, 26).

Thánh Laurensô đã bị thiêu sống ở Rôma trên một chiếc giường sắt, sau khi ngài đã phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo. Thầy phó tế Laurensô đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô (c. 26) bằng cuộc sống và cái chết tử đạo năm 258. Được ở bên Thầy Giêsu mãi mãi và được Cha Thầy quý trọng, đó là điều Laurensô được hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.

Khi nghĩ đến cái chết sắp đến của mình, Đức Giêsu lại nghĩ đến thân phận hạt lúa mì. Ngài nói một điều mà ai cũng biết như một định luật tự nhiên, một điều chẳng làm ai ngỡ ngàng kinh ngạc. “Nếu một hạt lúa rơi xuống đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới mang nhiều hoa trái” (c. 24). Chúa Giêsu ví mình như hạt lúa đem gieo. Điều kiện để đời Ngài đơm bông kết trái, đó là cái chết. Không chấp nhận chết đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi. Đức Giêsu không muốn mình là thứ hạt lúa ấy, được bao bọc vững chắc bởi lớp vỏ, cố giữ cho mình được nguyên vẹn, vì thế cũng chẳng chịu vươn ra khỏi mình, chẳng dám đánh mất chính mình để nảy mầm sinh hạt. Đức Giêsu đã đón lấy cái chết như con đường để sự sống sinh sôi. Cái chết của Ngài trên thập giá có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12, 32), và thu hút cả vũ trụ về với Thiên Chúa.

Có một hạt lúa mang tên Giêsu. Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu mục nát, để cả thế giới trở thành đồng lúa thơm trĩu hạt. Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa, được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu. “Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó; còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (c. 25). Vấn đề là yêu hay ghét cuộc sống ở đời này. Kitô hữu không phải là những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế. Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất, không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa. Chính khi nhận ra giá trị tương đối của cuộc đời trần thế này, chúng ta mới có hy vọng giữ được nó mãi mãi. Ngược lại, thái độ bám chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc, lại dẫn đến việc đánh mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.

Sống đúng căn tính “người Kitô hữu” thì thật khó biết bao. Người tín hữu sống giữa lòng thế giới hôm nay đang chịu sự giằng co giữa lời mời gọi của Chúa với muôn ngàn lời mời đầy quyến rũ của tiền tài, danh vọng, quyền lực. Đây là một thách đố cam go trong một thời đại không chấp nhận thiệt thòi.

Thế nên, hình ảnh vị thánh tử đạo Laurensô mà Giáo Hội mừng kính hôm nay hiện lên con người hiên ngang lội ngược dòng đời như một lời khích lệ cho mỗi người chúng ta. Thánh nhân như hạt lúa gieo vào mảnh ruộng thế gian để làm trổ sinh hoa trái người Kitô hữu. Máu của thánh nhân viết nên lời chứng tình yêu sắt son dành cho Đức Kitô.

Hôm nay lễ kính thánh Laurenso, từ thế kỷ thứ ba (258) dưới thời bắt đạo của hoàng đế Valerian.  Ngài đang quản lý tài sản của Giáo Hội thì bị bắt, nhà vua truyền lệnh cho Ngài phải nộp hết gia tài của Giáo Hội cho đức vua.  Thánh nhân xin phép được trở về ít ngày để lo công việc ấy. Ngài trở về qui tụ tất cả những người nghèo khó, cô nhi quả phụ, tàn tật đau ốm, đem họ đến trước đền thờ thánh Phêrô rồi người mời các quân lính đến và trình diện.  Ngài nói:  “Đây là tất cả tài sản của Giáo Hội”.  Các quan nổi giận, bắt trói Ngài rồi nướng trên giàn sắt nung đỏ.  Như không một chút đau đớn nào, Ngài còn khôi hài: “Bên này đã chín rồi, xin hãy lật sang bên kia”.  Cái chết tử đạo anh hùng đã kết thúc cuộc đời phục vụ Giáo Hội của Ngài trong những kẻ rốt hèn của xã hội.

Ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết nhìn lên gương mẫu của Chúa Giêsu và các thánh nhân đã theo Ngài trên con đường Thập Giá, từ bỏ chính mình để phục vụ tha nhân.  Các Ngài nhìn thấy kho tàng của Giáo Hội trong người nghèo.  Nhìn thấy Thiên Đàng ngay ở trần gian đau khổ.  Nhìn thấy nụ cười trong giọt nước mắt.  Nhìn thấy tạo vật bằng con mắt yêu thương.  Xin cho chúng ta dám can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường Thập Giá, để được cùng Ngài phục sinh vinh hiển trong Nước Trời.

Huệ Minh

Tính xấu chết đi, tính tốt phát sinh (10.08.2015)

1. Ghi nhớ:“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).

2. Suy niệm: Tertulianô viết: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu”. Cùng với Đức Giáo Hoàng Sixtô II và bốn phó tế, thánh Lôrensô đã anh dũng minh chứng niềm tin vào Thiên Chúa, qua cái chết vui tươi, can đảm của mình, đã củng cố đức tin cho các Kitô hữu ở Rôma cách mãnh liệt vào thời bấy giờ. Hạt giống có chết đi, mới sinh nhiều bông hạt; con người cũ có chết đi, tôi mới có thể sống lại trong con người mới; tính xấu có chết đi, thì tính tốt mới có thể phát sinh. Có dám chết cho Đức Kitô, tôi mới có thể sống lại với Người.

3. Sống Lời Chúa: Tôi có dám bước ra khỏi chính mình để đến với anh em, dù phải khó khăn không?

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con không chỉ biết lãnh nhận cuộc sống, mà còn biết trao ban cuộc đời phục vụ cho anh em con. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *