Thánh Giáo Hoàng Martin
Khi Ðức Martin I làm Giáo hoàng năm 649, Constantinople là thủ đô của Ðế Quốc Byzantine và Ðức Thượng Phụ Constantinople là vị lãnh đạo Giáo Hội có thế lực nhất của Kitô Hữu Ðông Phương. Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và Đức thượng phụ.
Một giáo huấn được Giáo Hội Ðông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Ðức Kitô không có ý chí của loài người (*). Ðã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Ðế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Ðế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Ðức Kitô có một hoặc hai ý chí.
Trước khi được chọn làm Giáo hoàng, Ðức Martin từng là người đọc sách và là phó tế. Và sau khi nhậm chức không lâu, Ðức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc. Ðể đối phó, Hoàng Ðế Constant II cố vận động các Giám mục và dân chúng chống đối Đức giáo hoàng.
Sau khi thất bại trong mưu toan này, hoàng đế sai Olympius, quan tổng trấn Ravenna, bắt Đức giáo hoàng đưa về Constantinople xét xử. Nhưng Olympius thất bại, và đến năm 653, quan tổng trấn mới là Theodore Collipas đã xâm chiếm Rôma và bắt giam Đức giáo hoàng ở Naxos trong một năm trời. Sau khi điệu về Constantinople, Ðức Martin bị kết tội phản loạn và bị tử hình. Mặc dù các tra tấn đã được thi hành, Ðức Martin được thoát án tử nhờ sự can thiệp của Ðức Phaolô II, vị thượng phụ của Constantinope, là người đã ăn năn sám hối về hành động của mình. Bản án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân.
Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Ðức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị Giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.
Lời Bàn
Ý nghĩa thực sự của chữ tử đạo không phải là sự chết, mà là sự làm chứng. Vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mọi sự, quý giá nhất là sinh mạng của họ, và đặt đức tin lên trên hết. Tử đạo, chết vì đức tin, là một cao độ bất ngờ mà một số người phải trải qua để thể hiện đức tin của mình nơi Ðức Kitô. Một đức tin sống động, một cuộc đời theo gương Ðức Kitô bất kể những khó khăn, đó là sự đòi hỏi của tất cả Kitô hữu.
(*) Lạc thuyết độc chí (monothelitism) cho rằng Ðức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất là ý chí Thiên Chúa.
http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm