Tĩnh (靖)…(19.03 – Lễ Trọng Thánh Giu-se, Bạn Trăm Năm Đức Ma-ri-a)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

Ngày 19.03: Lễ Trọng Thánh Giu-se, Bạn Trăm Năm Đức Ma-ri-a

Lời Chúa: 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16, Rm 4,13.16-18.22, Mt 1,16.18-21.24a

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 1,16.18-21.24a)

16 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

Tĩnh (靖)…

Với Hán ngữ, Tĩnh hay Tịnh (靖) nghĩa là yên lặng, an định, sự tĩnh lặng không tiếng động. Trong tính từ còn có nghĩa là cao trọng, trong sạch.

Tĩnh hay Tịnh (靖) là một từ tượng hình hội ý; gồm bộ Lập (立 – đứng thẳng (vững chắc), đặt để, gầy dựng, thiết lập, ký kết) đi với chữ Thanh (青 – sắc xanh của thanh xuân, thanh sạch)

Tĩnh; cũng là tiếng của nhà Phật, chỉ tình trạng đã tự giải thoát được, yên lặng không còn gì.

Tĩnh; cũng dùng để diễn tả tinh thần tập trung chuyên nhất trong thuật tu dưỡng của Đạo gia.

Hồi thứ 15 – Tam quốc diễn nghĩa – Lưu Bị nói với Lã Bố: “Khuất thân thủ phận, dĩ đãi thiên thì, bất khả dữ mệnh tranh dã” (Nhún mình yên phận, để đợi thời, không thể cưỡng lại số mệnh được) Có ý nói rằng, ý trời đã sắp đặt thì không nên chống lại, tốt nhất là nhún nhường chờ thời cơ.

Hôm nay cả Giáo hội hoàn vũ mừng kính trọng thể thánh Giu-se, Bạn trăm năm của Đức Ma-ri-a. Có thể nói được rằng, Ngài là con-người-của-Tĩnh.

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cho ta biết thân thế của thánh Giu-se thuộc con cháu đời thứ 28 của vua Đa-vít (x. Mt.1,17). Ngài đã được Thiên Chúa chọn làm cha của Chúa Giê-su theo pháp lý, để Ngôi Hai xuống thế làm người đi vào lịch sử dòng tộc Đa-vít, dòng tộc Mê-si-a. Tin Mừng còn cho ta biết, sau khi sứ thần Chúa hiện đến báo mộng đừng ngại đón Đức Ma-ri-a vợ Ngài về nhà; khi con trẻ chào đời thì phải đặt tên là Giê-su (x. Mt.1,20-25). Khi tỉnh giấc, thánh Giu-se liền làm như sứ thần Chúa dạy. Quả đúng là ý trời đã sắp đặt, nên thánh nhân không chống lại, chọn thuận theo là cách tốt nhất.

Qua đó, ta thấy Thánh Giu-se là người có tâm hồn đặc biệt mạnh mẽ. Ngài cần đến sức mạnh và bản lãnh này để chu toàn vai trò gia trưởng của mình, để đảm đương việc nuôi sống gia đình, nâng đỡ Đức Ma-ri-a, bảo đảm uy thế người cha và người giáo dục trẻ Giê-su để Hài Nhi càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (x. Lc.2,40). Đặc biệt là bản lĩnh trong cách xử sự đầy khôn ngoan và lòng tự tín trầm tĩnh mà Tin Mừng gợi lên; để từ đó thánh Giu-se nhận ra Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a đến để hoàn tất mọi lề luật và lời Thiên Chúa hứa trong Cựu Ước.

Tin Mừng không ghi lại một câu nói nào của thánh Giu-se. Điều này cho thấy nét nổi bật của Thánh Giu-se, đó là con người thầm lặng. Suy cho cùng, Tĩnh (靖) cũng chính là căn tính con người của ngài !

Từ lúc được sứ thần Chúa báo cho biết về thân phận của Hài Nhi, thánh Giu-se đã hết lòng tin tưởng. Thánh nhân đã bước vào “bóng tối” cùng với Đấng mà Ngài biết sẽ là Ánh Sáng đến soi chiếu muôn dân.

Gia-đình-Thánh trải qua mọi hoàn cảnh, mọi biến cố (x.Mt. 2, 13-23; Lc.2,41-49); nhưng niềm tin vào lời thiên thần đã nói về Đức Ki-tô là Đấng Cứu Thế không ngừng được củng cố và phát triển. Niềm tin đó đã lớn dần, cùng với sự lớn lên của con người Đức Giê-su ở Na-gia-rét.

Thánh Giu-se là mẫu gương dẫn đưa các Ki-tô hữu trên con đường đức Tin, một đức Tin mạnh mẽ, táo bạo, tuyệt đối trung thành và quy chiếu vào con người Đức Ki-tô.

Trong mùa Chay Thánh này, ước gì mỗi người hằng biết chạy đến với thánh Cả, để cùng với ngài, chúng ta hằng luôn vâng phục thánh ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời mình. Amen.

CÁT BIỂN

Vị Thánh “có thần thế trước mặt Thiên Chúa” (20.03.2023)

Ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.”

Trong kế hoạch cứu độ loài người, Thiên Chúa đã sắp đặt những con người để cộng tác vào chương trình cứu độ nhiệm mầu ấy. Cơ bản là phát xuất từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vâng, vì vậy, các Đấng được cộng tác vào công trình của “Lòng Thương Xót” ấy trước tiên chính là Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse, những vị thánh đầy quyền thế nhưng khiêm nhu. Trong chương trình của Thiên Chúa, thánh Giuse đã được mời gọi trở nên người cha trần gian của Ngôi Lời Nhập Thể, nơi ngài phản chiếu một cách đặc biệt tình phụ tử của Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay nói thánh Giuse là người công chính. Nhìn vào cuộc đời thánh Giuse, ta có thể hiểu được nội dung tính từ công chính. Công chính trước hết là trả lại cho người khác những gì thuộc về họ. Nói khác đi công chính là không dám nhận những gì không phải của mình. Thánh Giuse định trốn đi khi biết Đức Maria mang thai, quả thực ngài đã rất trằn trọc, lo âu, sao xuyến vì lúc đó Chúa chưa khai mở tâm trí cho ngài. Thánh Giuse được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, hơn thế nữa, Thiên Chúa cho ngài tham dự vào sự thánh thiện của Chúa. Kinh Thánh đã đưa nhân loại đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì thánh Giuse có đầy đủ những tính cách của một con người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, hoàn toàn được Chúa thương yêu. Thánh Giuse vì là con người thánh nên đã luôn làm theo ý Chúa dù rằng định tâm bỏ Maria, nhưng khi biết được ý Chúa, ngài đã nhiệt tình nhận Maria về nhà, săn sóc, thương yêu mẹ Maria. Như vậy, ta nhận thấy người công chính là người luôn tuân theo thánh ý Thiên Chúa.

Công chính cũng là chu toàn nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ của thánh Giuse là gìn giữ Chúa Giêsu và Đức Maria. Thiên Chúa đã trao cho ngài nhiệm vụ đó và ngài đã hết sức chu toàn, chu toàn với tinh thần trách nhiệm cao, không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc, chu toàn với sự tế nhị, kính cẩn, nâng niu. Hãy nhìn cảnh Thánh Gia trốn sang Ai-cập, Đức Maria bế Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa, thánh Giuse dắt lừa đi trong đêm tối: không còn cảnh tượng nào đẹp đẽ hơn. Thánh Giuse trân trọng kho tàng mà Thiên Chúa trao cho ngài gìn giữ. Thánh Giuse kính cẩn nâng niu Đức Maria và Hài Nhi, ngài chu toàn nhiệm vụ với tinh thần dấn thân hy sinh không ngại gian khổ. Đang đêm mà sứ thần Chúa bảo thức dậy trốn sang Ai-cập, ngài cũng thức dậy lên đường ngay tức khắc.

Công chính còn là trung tín với nhiệm vụ. Thánh Giuse được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ gìn giữ Đức Maria và Chúa Giêsu, gìn giữ gia đình, ngài đã hết sức chu toàn trong hoàn cảnh thuận lợi cũng như trong hoàn cảnh khó khăn. Vì trung tín với nhiệm vụ mà thánh Giuse phải lao động vất vả để nuôi sống gia đình. Vì trung tín với nhiệm vụ mà thánh Giuse phải chung sống với súc vật trong ngày Đức Maria hạ sinh Hài Nhi Giêsu. Vì trung tín với nhiệm vụ mà thánh Giuse phải vất vả bồng bề Chúa Giêsu chạy trốn sang Ai-cập. Vì trung tín với nhiệm vụ mà thánh Giuse kiên trì tìm kiếm khi trẻ Giêsu đi lạc 3 ngày trong Đền thờ. Trung tín không hề sao nhãng, không hề lẩn tránh, không hề lùi bước trước nhiệm vụ khó khăn, thánh Giuse thật là người công chính.

Tuy là vị thánh cao cả nhưng ngài lại sống hết sức khiêm tốn, âm  thầm và lặng lẽ. Tất cả những gì chúng ta biết về Ngài đều ở Tin Mừng theo thánh Matthêu và thánh Luca, Tin Mừng theo thánh Marcô chỉ có một câu ám chỉ, còn Tin Mừng theo thánh Gioan tuyệt nhiên không có câu nào nhắc đến ngài. Thánh Kinh không ghi lại một lời nói trực tiếp nào của thánh nhân, ngài chỉ xuất hiện một vài lần cách mờ nhạt. Ngài sống ra sao, chết cách nào chẳng có bút tích nào ghi lại. Cả đời ngài chỉ sống âm thầm, khiêm tốn, cầu nguyện và lao động, hoàn toàn lo lắng phục vụ Chúa Giêsu và Đức Maria. Có thể nói lẽ sống của ngài, vinh dự của ngài, niềm vui và hạnh phúc của ngài chính là chu toàn bổn phận Chúa Cha đã giao phó cho.

Nhớ về câu chuyện Cựu Ước, khi bên Ai-cập xảy ra nạn đói, dân chúng không có gì ăn, đã chạy đến cùng vua Pharaon xin cứu giúp. Nhà vua đã trả lời cho dân chúng: “Hãy đến cùng Giuse”, vì lúc đó ông Giuse (con của tổ phụ Gia-cóp) đang giữ kho lương thực của nhà vua. Qua lời kêu xin, ông đã ban phát lương thực cho dân chúng. Ông Giuse ở bên Ai-cập xưa chỉ là hình bóng thánh Giuse ngày nay.  Chúng ta đến xin Chúa điều gì, Ngài cũng bảo chúng ta: “Hãy đến cùng thánh Giuse”. Chúa sẽ dùng thánh Giuse mà ban phát cho chúng ta muôn vàn ơn phúc.

Thánh Giuse có thần thế trước mặt Thiên Chúa như vậy không phải tự con người của ngài nhưng là vì ngày xưa, tuy là cha nuôi của Chúa Giêsu nhưng ngài đã vâng theo thánh ý Chúa như một tôi tớ trung thành, thì nay Chúa vẫn ban cho ngài quyền thế cao cả như vậy. Và như thánh Têrêsa Avila đã viết: “Tôi thấy không lần nào xin sự gì cùng thánh Giuse mà không được như ý. Dường như Thiên Chúa ban ơn cho các thánh giúp ta việc này việc nọ nhưng kinh nghiệm cho tôi biết thánh Giuse giúp chúng ta trong mọi trường hợp. Tôi lấy danh Chúa mà xin những ai không tin lời tôi hãy thử mà xem.”

Noi gương thánh Giuse là noi gương khiêm nhường, vì khiêm nhường là ánh sáng soi đường chân lý cho chúng ta, ánh sáng chân thật là Thiên Chúa. Thánh Giuse là Đấng Bảo Trợ Con Đức Chúa Trời, và Mẹ Thiên Chúa, thì ngài cũng luôn bảo Trợi Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô, và mặc nhiên, ngài cũng bảo trợ những ai chạy đến với ngài, đó là điều chắc chắn.

Lạy Thánh Cả Giuse, như khi xưa ngài đã gìn giữ Thánh Gia vượt qua bao gian truân thử thách thế nào, thì giờ đây cũng xin ngài chở che hộ phù Giáo Hội của Chúa, cách riêng Hội Thánh tại Việt Nam mà chúng con nhận ngài là quan thầy, được bình an và thăng tiến trên con đường thực thi ý Chúa. Amen.

Joston

Bài học “không lời” (19.03.2022)

Ngày hôm nay, con người ngày càng văn mình, càng có nhiều phương tiện truyền thông như Internet, smart phone và các phương tiện thông tin điện tử khác… để trò chuyện, đối thoại với nhau giúp cho con người ngày càng xích lại gần nhau, thấu hiểu nhau hơn, và càng yêu thương nhau. Thế nhưng, càng nói nhiều, càng biết nhiều vấn đề, càng hiểu nhiều về nhau thì con người ta càng đối xử tệ bạc hơn với nhau, thậm chí là muốn giết chết tiêu diệt lẫn nhau. Đây là một hình ảnh bất thường của thế giới ngày nay.

Sở dĩ, có sự bất thường như thế rõ ràng là do đạo đức con người ngày nay xuống cấp hơn con người ngày xưa rất nhiều. Thời xưa con người ta chú trọng lễ nghĩa, nhân từ, khiêm cung và luôn kính sợ trời đất. Ngày nay rất nhiều người chẳng biết trời đất thánh thần là gì. Đây là tai hại lớn nhất cho loài người mà nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn chưa hiểu ra. Một khi con người chỉ biết có mình là trên hết, không còn xem có ai trên đầu để mà kính sợ, thì con người ta sẽ trở nên kiêu căng và tham lam không có gì cản nỗi. Và đây chính là đầu mối mọi tội ác và sự dữ.

Hôm nay, Giáo hội mừng kính thánh Cả Giu-se, Bạn trăm năm của Đức Ma-ri-a và là cha nuôi của Chúa Giê-su. Gọi thánh Giu-se là thánh Cả quả thật là không ngoa chút nào. Bởi theo nghĩa tinh thần, thánh Giu-se là một vị thánh công minh, chính trực, một vị thánh lừng danh xứng đáng với tước hiệu “Cả”, một bậc thầy của “vô ngôn” (không lời).

Thật vậy, nhà sử học Edward Gibbon (Anh quốc) từng nói: “Im lặng là trường học của sự khôn ngoan”; hay “bất ngôn chi giáo” dạy mà không dùng lời của Lão Tử, hoặc “đắc ý vong ngôn” hiểu được ý quên lời của Trang Tử cũng chính là phẩm hạnh của thánh Giu-se vậy !

Phẩm hạnh cả đời im lặng, cả đời chẳng nói. Vậy mà, thiên hạ hi cập chi mọi người khó theo kịp. Thánh Giu-se đã:

Im lặng để dạy ta biết yêu thương.

Im lặng để dạy ta biết tha thứ.

Im lặng để học nhận biết thánh ý Chúa.

Im lặng để học biết cách khiêm nhường, tự hạ.

Im lặng để biết hy sinh, quên mình.

Im lặng để học biết tôn trọng người khác.

Im lặng để biết mình là khí cụ Chúa dùng trong mọi việc Ngài muốn.

Im lặng để học cách thi hành thánh ý Chúa.

Và im lặng chính là cuộc sống hoàn hảo cho những ai tìm thấy hạnh phúc khi hành động với tình yêu xuất phát từ một trái tim nhân ái mà thôi.

Thế mới thấy cái phẩm hạnh tuyệt vời của thánh Giu-se: Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri biết thì không nói, nói thì không biết.

Lạy Chúa, xin cho con biết cầu nguyện trong thinh lặng, và biết học cách tĩnh lặng để con biết khai phá tâm linh của chính đời con trong Chúa vậy. Amen.

CÁT BIỂN

Ông Giuse – người công chính (19.03.2021)

Hôm nay Hội Thánh  long trọng mừng lễ kính thánh cả Giuse, bạn trinh khiết Đức Mẹ đồng trinh, quan thầy Hội Thánh. Xưa nay gọi là thánh Cả, nghĩa là thánh lớn, thánh đứng đầu trong hàng ngũ các thánh.

Tin Mừng hôm nay cho ta không nhiều về cuộc đời thánh Giuse, nhưng cho thấy sự cộng tác của thánh nhân có tính quyết định, mở đầu cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Người ta đã lý luận rằng: nếu Mẹ Maria không ưng thuận làm Mẹ Chúa Cứu Thế thì nhân loại đâu đã nhận được ơn cứu độ. Thì ta cũng có thể suy tư: nếu thánh Giuse đã “lìa bỏ Đức Mẹ một cách kín đáo” rồi thì công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu không biết sẽ đi đến đâu? Ai sẽ là người nâng đỡ, đồng hành cùng Đức Mẹ đang bụng mang dạ chửa quãng đường đến vài trăm cây số từ Nagiaret về miền Belem khai dân số? Ai sẽ là người an ủi nâng đỡ Đức Mẹ sinh con trong cảnh nghèo hèn nơi hang đá Belem? Ai sẽ là người đem Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng trốn sang Ai Cập quãng đường tới hàng nghìn cây số để tránh cuộc truy sát của ác vương Hêrôđê? Rồi ai sẽ là người lao động để nuôi nấng Mẹ Con mà người con kia chẳng rõ từ đâu. Nhất là ai sẽ đương đầu, che chắn cho một phụ nữ không chồng mà lại có con  thoát được án tử bị ném đá thời ấy?… Tất nhiên Thiên Chúa là Đấng toàn năng sẽ có cách của Người. Nhưng suy luận như thế để thấy sứ mệnh lớn lao của thánh Giuse đã công tác vào công trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa. Thánh Giuse chẳng thấy có một lời nói nào trong Thánh Kinh. Nhưng chỉ thấy những việc làm của thánh nhân thật là đặc biệt: Khi đã nhận ra thánh ý Chúa, thánh nhân đã hành động khẩn trương kịp thời âm thầm mà mãnh liệt. Mau mắn nhận Đức Mẹ là bạn đời như hôm nay, kíp thời mang Mẹ và Chúa Hài đồng trốn đi Ai Cập. Thánh nhân đã chẳng làm lỡ, chẳng làm sai, chẳng làm hỏng một điều gì mà đã làm thành công trọn vẹn mọi việc theo thánh ý Chúa. Thánh nhân đã hết lòng yêu mến gia đình thánh mà Thiên Chúa gửi đến cho mình chăm lo. Dù Đức Maria là người đồng trinh và người con Giêsu chẳng phải là con máu thịt của mình, nhưng với tình yêu thương phục vụ ấy, người đời đã chẳng biết gì về mầu nhiệm ở cái gia đình mà thánh nhân đang là chủ ấy. Họ vẫn gọi Giêsu là con bà Maria và bác thợ mộc Giuse.

Thánh Giuse Tin Mừng gọi là người “công chính” vì đã tin, đã thực thi triệt để thánh ý Thiên Chúa. Cũng như tổ phụ Apraham hôm nay mà thánh Phaolô đã gọi là người “công chính” (Rm 4,24), vì ông đã nên cha của những người có lòng tin.

Mừng kính thánh Giuse hôm nay, nhớ đến lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Thế giới ngày nay người ta không thiếu những thầy dạy, mà thiếu những chứng nhân”.  Thánh cả Giuse là chứng nhân vĩ đại nhất của nhân loại.

Lạy Chúa! Xin cho con biết yêu mến, noi gương bắt chước nhân đức cao cả của thánh Giuse. Để con biết khiêm nhường, chăm chỉ chăm lo cho gia đình mình, nhất là nhận ra và thực thi thánh ý Chúa kíp thời trong mọi công việc nơi gia đình con, để con cũng nên người “công chính”. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Thánh Giuse trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa (19.03.2020)

Trong Kinh Thánh, và cụ thể, trong các bài lời Chúa hôm nay, cho chúng ta biết có hai người được Kinh Thánh ghi nhận là công chính, đó là tổ phụ Ápraham và Thánh Giuse. Các ngài được ghi nhận là công chính trước mặt Thiên Chúa là vì  ngài có niềm tin vào Thiên Chúa, các ngài luôn lắng nghe, đón nhận và mau mắn làm theo lời Thiên Chúa dạy. Cách riêng, trong ngày lễ mừng kính Thánh Giuse hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau chiêm ngắm đời sống đức tin của thánh Giuse được thuật lại trong Tin Mừng hôm nay, từ đó chúng ta cũng rút ra được bài học đức tin cho mình trong đời sống tương quan với Thiên Chúa.

Thật vậy, Tin Mừng hôm nay, thuật lại cho chúng ta thấy, thánh Giuse đã đính hôn với Mẹ Maria. Nhưng trước khi về chúng sống, Đức Maria đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Cuộc đính hôn của thánh Giuse với Đức Mẹ chắc chắn được Thiên Chúa quan phòng; nhưng Giuse không thể chấp nhận việc Đức Mẹ mang thai khi hai người chưa ăn ở với nhau. Chắc chắn lòng thánh Giuse rối bời và đau đớn.

Chúng ta thấy truyền thống Dothái về việc cưới hỏi cũng thật gần với phong tục của Việt Nam. Có ba giai đoạn trong việc cưới hỏi: thứ nhất là giai đoạn hứa hôn, thứ hai là giai đoạn đính hôn, thứ ba là giai đoạn kết hôn. Cái khác với phong tục Việt Nam là, theo Luật Dothái, trong giai đoạn thứ hai, tức là giai đoạn đính hôn, thì hai người chính thức thành vợ chồng, tuy chưa ăn ở với nhau; nếu muốn ly dị phải theo thủ tục pháp lý. Thánh Giuse và Mẹ Maria ở trong giai đoạn thứ hai này.

Chưa về chung sống với nhau, nhưng người đính hôn với mình đã mang thai. Một điều Giuse biết chắc chắn là bào thai Đức Mẹ đang cưu mang không phải là của mình. Là người công chính, thánh Giuse không thể chấp nhận bào thai mà Đức Maria đang mang, và thánh Giuse có hai cách để giải quyết: hoặc tố cáo và Đức Mẹ sẽ bị ném đá vì tội ngoại tình, hoặc bỏ Đức Mẹ cách kín đáo. Vì có lòng nhân từ, thánh Giuse không muốn Đức Mẹ bị ném đá, ông “định tâm bỏ bà cách kín đáo.”

Khi ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

Sau khi nghe lời sứ thần Thiên Chúa bào với ông trong giấc mộng, ngài liền chấp nhận bào thai của Đức Mẹ dẫu biết bào thai không phải là của mình, ông cũng không đòi cắt nghĩa “việc chịu thai bởi Chúa Thánh Thần;” nhưng tin Thánh Thần là nguyên nhân tạo dựng bào thai đó. Suốt cuộc đời chăm sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu, thánh Giuse luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mọi việc và vâng lời làm theo những gì sứ thần truyền.

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Kinh Thánh tường thuật ba sự kiện về cuộc đời của ngài: thứ nhất, thánh Giuse chấp nhận đính hôn với Đức Mẹ để trở thành cha nuôi của Đấng Cứu Thế; thứ hai, thánh Giuse chấp nhận đưa Đức Mẹ và Chúa Giêsu trốn sang Ai-cập lúc đang đêm; ngài không nại lý do đang đêm hay làm gì sinh sống nơi đất lạ quê người; sau cùng, ngài chấp nhận đưa gia đình hồi hương và lập nghiệp tại Nazareth; không than phiền phải di chuyển đến nơi ở mới một lần nữa.

Nhìn vào cuộc đời của thánh Giuse, thánh nhân không để lại một lời nào cho hậu thế; nhưng ngài để cho chúng ta một tấm gương luôn biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa. Ngài hoàn toàn tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa, và khiêm tốn thi hành những gì Thiên Chúa truyền, vì Ngài biết trí khôn của mình không thể hiểu nổi sự quan phòng của Thiên Chúa.

Như thánh Giuse luôn biết lắng nghe và làm theo lời Thiên Chúa dạy, xin Chúa cũng ban cho chúng ta luôn biết nhận ra tiếng Chúa mời gọi, xin cho chúng ta luôn mau mắn vâng theo lời Thiên Chúa dạy, nhờ đó chúng con được trở nên tốt đẹp hơn trước mặt Thiên Chúa. Amen.

 Thánh Giuse, người sống theo Lời Chúa (19.03.2020)

Trong năm phụng vụ, Giáo hội dành hai ngày lễ mừng kính thánh Giuse: ngày 19 tháng 3, lễ trọng kính thánh Giuse và ngày mồng 01 tháng 5, lễ thánh Giuse Thợ. Ngoài ra, Giáo hội còn dành cả tháng Ba để tôn kính ngài. Giáo hội mừng kính ngài cách đặc biệt như vậy, vì thánh ngài có một vị trí rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời ngài là mẫu gương tuyệt hảo cho các tín hữu noi theo.

Hôm nay mừng lễ trọng kính thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngắm và ngưỡng mộ thánh nhân. Nhưng điều quan trọng hơn đó là chúng ta học được gì nơi ngài? Khi suy niệm về thánh Giuse, chúng ta thấy có một điểm rất đặc biệt mà chúng ta phải học từ nơi ngài, đó là: Thánh nhân luôn sống theo lời Chúa. Đây là điều mà làm cho thánh Giuse trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa.

Thật vậy, điều đẹp lòng Thiên Chúa là sống theo lời Ngài. Với thánh Giuse, khi biết Đức Maria, vị hôn thê của mình mang thai, tâm trạng thánh nhân đầy bối rối, và trong lòng ngài bắt đầu có những dự định và toan tính. Hẳn, thánh Giuse đã nghĩ đức Maria là người thất tín. Theo luật Môsê, tội thất tín đó có thể bị xử tử. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, thánh Giuse sẽ tố giác Đức Maria hay sẽ âm thầm từ bỏ bà? Làm sao có thể chấp nhận được một người phụ nữ đã có thai trước khi về chung sống? Ban đầu, khi đối diện với tình trạng đó của vị hôn thê, thánh Giuse không muốn cưới bà. Nhưng rồi một phần vì yêu bà, phần khác vì thánh nhân là người “công chính” và đạo hạnh, nên không muốn tố giác bà. Thánh nhân quyết định bỏ Đức Maria cách kín đáo. Bỏ nhau cách kín đáo như thế để tránh hình phạt luật Môsê đã định. Thế nhưng, khi biết đó là thánh ý của Thiên Chúa, thánh Giuse không chối từ, không tỏ ý ngần ngại trước những mệnh lệnh khó khăn đó. Và thánh nhân đã làm như lời thiên thần truyền mà không một lời thắc mắc hỏi han, như Tin Mừng cho biết: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1,24a).

Đây là sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa một cách tuyệt đối. Thánh Giuse nhanh chóng thi hành lời của Chúa, dù lệnh Chúa truyền chỉ ở trong giấc mộng, dù lệnh Chúa truyền nhiều khi rất khó chấp nhận. Nếu nơi Mẹ Maria, đức tin của Mẹ được thể hiện bằng sự khiêm tốn và vâng phục để Thiên Chúa thực hiện Mầu nhiệm Nhập Thể với lời thưa “Xin vâng”, thì cũng như sự khiêm nhường ấy, sự vâng phục của thánh Giuse được diễn tả bằng một “hành động mau mắn trong thinh lặng”. Hành động mau mắn ấy của thánh Giuse là một câu trả lời “vâng phục” bằng một “đức tin” mạnh mẽ (x. Rm 1,5; 16,26). Và suốt cuộc đời, ngài vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe và thi hành lời Thiên Chúa một cách nhanh chóng như thế, như: khi Chúa muốn ngài đưa Hài Nhi Giêsu và Đức Maria trốn sang Aicập, ngài đã thức dậy và lập tức lên đường giữa đêm khuya…

Đây không phải là một đức tin mù quáng, nhưng là một đức tin của người tin rằng, Thiên Chúa có thể làm những điều mà con người không thể làm. Và chỉ có đức tin đó mới có thể làm cho chúng ta trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô hôm nay nói về tổ phụ Abraham: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Bởi vậy, ông được kể là người công chính” (Rm 4,18.22).

Luôn cố gắng sống theo lời Chúa cũng là một đặc điểm của vua Đavít. Vua Đavít mặc dù là một vị đế vương, nhưng vẫn luôn cố gắng sống theo Lời Chúa mà câu chuyện chúng ta vừa nghe trong bài đọc một là một ví dụ cụ thể. Lúc đó, sau khi đã bình ổn được đất nước, chấm dứt thù trong giặc ngoài, và đã xây dựng cho mình một dinh thự nguy nga, vua Đavít đã muốn xây một Đền Thờ cho Thiên Chúa. Nhưng thánh ý Thiên Chúa lại khác. Qua ngôn sứ Nathan, Thiên Chúa đã cho nhà vua biết rằng: không phải vua xây nhà cho Chúa, nhưng chính Chúa sẽ xây nhà cho vua, nghĩa là làm cho ngôi báu, cho triều đại của nhà vua được vững bền như lời Chúa phán: “Đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời” (2Sm 7,14a.16).

Lời hứa này trước mắt là nói đến vua Salomon, một vị vua nổi tiếng vì sự khôn ngoan. Chính vua Salomon đã xây đền thờ Giêrusalem và xây dựng một triều đại huy hoàng. Nhưng theo truyền thống từ xa xưa, dân Chúa vẫn coi đây là lời hứa tiên báo về triều đại của Đấng Messia. Như thế, nhờ luôn lắng nghe và sống theo lời Chúa, vua Đavít đã nhận được lời hứa trở nên tổ phụ của Đấng Cứu Thế. Lời hứa đó, hôm nay đã trở nên hiện thực với lời sứ thần của Thiên Chúa báo mộng cho ông Giuse: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,20-21). Với việc giao cho thánh Giuse, một người thuộc dòng dõi vua Đavít đặt tên cho Đức Giêsu, Thiên Chúa đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình với vua Đavít.

Chính nhờ đức tin mà thánh Giuse trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, chính nhờ đức tin mà ngài có thể sống phó thác hoàn toàn cuộc đời của mình trong bàn tay Thiên Chúa, sẵn sàng làm mọi điều Chúa dạy. Và nếu chúng ta cũng luôn sống theo lời Chúa với một đức tin như thế, chúng ta sẽ có một giá trị to lớn trước mặt Thiên Chúa. Noi gương thánh nhân, chúng ta hãy sống khiêm nhường, tin tưởng, phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa; luôn sẵn sàng lắng nghe, đáp trả và nhanh chóng thi hành lời Chúa mời gọi.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn có một đức tin mạnh mẽ, và có một tâm hồn nhạy bén với ơn Chúa và các dấu chỉ thời đại, nhờ đó chúng ta mới có thể thực thi Đức Ái đối với Thiên Chúa và tha nhân Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn. Amen.

Noi gương Thánh Cả Giu-se (19.03.2019)

Thánh Giu-se là một trong những vị thánh được yêu quý nhất, và luôn được xem là hình ảnh kiểu mẫu trong đời sống đạo đức của nhiều người.

Ngày hôm nay, nhiều gia đình dễ dàng rạn nứt, tan vỡ, vợ chồng ly tán… Hình tượng thánh Giu-se càng trở nên mẫu gương thiết yếu cho các gia trưởng noi gương.

Hoàn cảnh éo le của thánh Giu-se xưa kia cũng chẳng khác gì hoàn cảnh của nhiều gia đình ngày nay đang phải đối mặt.

Thay vì hoang mang, bối rối không biết xử trí như thế nào trước sự kiện vị hôn thê của mình – mẹ Ma-ri-a – bỗng dưng mang thai và cũng không nhận được một lời giải thích nào từ nơi mẹ; thì thánh nhân đã khôn ngoan giải quyết vấn đề theo thánh ý của Chúa: Ngài hăng hái đón nhận mẹ Ma-ri-a về chung sống với Ngài không một chút đắn đo nghi ngờ, và mau mắn từ bỏ ý định kín đáo bỏ ra đi để mẹ Ma-ri-a ở lại một mình.

Lạy thánh Giu-se, xin giúp con biết nhận ra thánh ý Chúa qua những biến cố xảy ra trong gia đình của con để con luôn tín thác vào Chúa, và luôn mau mắn thi hành ý Chúa trong suốt đời con. Amen.

CÁT BIỂN

Thánh Giuse là Đấng Công Chính (19.03.2018)

1. Ghi nhớ:

Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (Mt 1,18)

2. Suy niệm:

Đức Maria mang thai là do quyền năng Thánh Thần đã ứng nghiệm sấm ngôn về Đấng Em-ma-nu-en. Còn ông Giuse, người trong dòng dõi Đa-vít, là chồng của Đức Maria, có nhiệm vụ nhận người con do Đức Maria sinh ra làm con của mình qua việc đặt tên cho con trẻ, nhờ thế Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Theo phong tục hôn nhân của dân Ít-sa-en thì khi đính hôn đã thành vợ chồng trước pháp luật, nhưng việc rước dâu thường cách xa lễ đính hôn, có khi cả năm trời. Thường thì hai người không chung sống trước khi rước dâu, nhưng giả như có con với nhau trong giai đoạn này, thì đứa con vẫn là hợp pháp. “Nhưng trước khi ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền Chúa Thánh Thần”. Tuy nhiên “ông Giuse là người công chính, không muốn tố giác bà Maria, nên mới định tâm bỏ bà một cách kín đáo”. Sự công chính của ông là ở chỗ “không nhận của mình, cái gì không thuộc về mình”, đồng thời ông tôn trọng điều ông không hiểu nơi Đức Maria, và chọn cách âm thầm bỏ đi. Còn nếu trước khi Thiên Thần báo tin cho ông biết sự thật, thì sự tôn kính của ông là tôn trọng mầu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria.

Và lời Thiên Thần nói với ông Giuse là một mầu nhiệm khó tin nổi, vì bà Maria đã có thai do quyền năng của thánh thần. Nhưng tiếng xin vâng của ông Giuse và bà Maria rất cần thiết và quan trọng của kế hoạch cứu độ, nhờ đó Con Chúa mới sinh xuống thế làm người. Dù sao lời Thiên Thần nói với ông Giuse cũng chính là nói với chúng ta, là để giải thích nguồn gốc sứ mạng của Chúa Giêsu: Người từ Thiên Chúa mà đến, sinh làm người trong dòng dõi Đa-vít để cứu dân Người khỏi tội lỗi. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Giuse đã để lại cho chúng ta những tấm gương như sau:

Một người luôn làm và tuân theo ý Thiên Chúa, đã sống âm thầm và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa Giêsu, luôn cầu nguyện trong đức tin, sống bác ái, hy sinh, khiêm nhường, chịu đựng gian nan khó khăn lắng lo cho gia đình. Đúng là mẫu gương cho biết bao gia đình, sống đúng bậc làm chồng làm cha, và cho người Kitô hữu noi theo.

Thánh Giuse là người công chính, trong Kinh Thánh khen tặng Ngài và đồng thời Thánh Giuse luôn đón nhận thánh ý Thiên Chúa trao, biết phó thác xin vâng, để Thiên Chúa dẫn dắt và quan phòng để chu toàn trong chương trình cứu độ.

Trong tâm tình mùa chay Thánh, Thánh Giuse luôn đồng hành hiện diện cùng với mọi người, Ngài luôn âm thầm cầu nguyện, che chở đối với ai khốn khó chạy đến cùng Ngài, hoặc kêu cầu Ngài đều được nhận lời. Vậy chúng ta hãy noi gương, sống cùng Ngài trong tinh thần cầu nguyện, chia sẻ bác ái yêu thương đến với mọi người, dù đời sống chúng ta bôn ba trôi nổi, hay vinh hoa phú quý, hãy cùng Ngài sống chiêm niệm, sống cầu nguyện, yêu thương tha nhân hầu chúng ta mới có thể gặp Chúa, lắng nghe lời Chúa, hay để Chúa dẫn chúng ta đi trên nẻo đường bình an.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết noi gương Thánh Giuse, để chúng con biết sống cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, khiêm nhường, chịu đựng để lo toan dìu dắt cho gia đình, con cái, trở nên gương sáng như gia đình Thánh Gia theo thánh ý Thiên Chúa. Amen.

Công chính và trung tín (19.03.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay trình bày về thân thế của Đức Giêsu, Đấng cứu độ trần gian. Xét về thiên tính, Người là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Lời hằng hữu, đã mặc lấy thân xác phàm nhân mà ở giữa nhân loại và cứu chuộc nhân loại; Người trở nên Đấng trung gian duy nhất có đầy đủ tư cách làm cầu nối giữa nhân loại đầy rẫy xấu xa, tội lỗi – với Thiên Chúa là Đấng toàn năng và thánh thiện; bởi Người vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật; nhập thế, nhập thể làm người trong cung lòng Trinh nữ Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, nhưng Người cũng cần có một gia tộc phù hợp với sứ mệnh của Người. Thiên Chúa đã chọn giòng tộc thánh vương Đa-vít là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham để Ngôi lời nhập thế, và nhân vật được diễm phúc dưỡng nuôi “ Con Thiên Chúa làm người” đó là thánh Giu-se con của ông Gia-cóp và cháu của ông Mát-tan.

Qua Phụng vụ Lời Chúa lễ kính Thánh Giu-se bạn trăm năm thánh khiết của Đức Maria, Giáo hội đề cao vai trò quan trọng của thánh Giuse trong công trình cứu độ nhân loại của Đức Giêsu Kitô.

Thánh Giuse đính hôn với cô Maria là một trinh nữ đạo hạnh, hiền thục, con của ông Gio-a-kim và bà An-na. 

Trước khi hai người về chung sống với nhau thì trinh nữ Maria được sứ thần hiện ra và truyền tin cô sẽ mang thai, sinh hạ một con trai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; thai nhi đó chính là Con Thiên Chúa nhập thế, nhập thể làm người trong cung lòng Maria. Thánh Giu-se không hề biết cô Maria thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần; nên khi thấy có dấu hiệu khác thường nơi Ma-ri-a, thánh Giu-se không khỏi bị bối rối, phân vân, không biết phải làm gì, nên đã định âm thầm lìa bỏ cô. Khi thánh Giu-se đang toan tính như vậy thì sứ thần Thiên Chúa đã hiện đến trong giấc mơ, để mạc khải cho thánh nhân vai trò quan trọng của ông trong chương trình cứu chuộc nhân loại của Đấng Cứu Thế. Khi hiện ra trong giấc mơ, thiên sứ đã gọi: “Nầy ông Giu-se, con vua Đa-vít; đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”.

Lời của sứ thần đã hé mở phần nào sự thật về những sự kiện đang xẩy ra; đồng thời tỏ lộ vai trò quan trọng mà ông được Thiên Chúa trao cho trong chương trình cứu độ nhân loại của Ngài. Thánh Giuse đã mau mắn đón nhận và thi hành.

Thánh Giuse là cha nuôi Đấng Cứu Thế

Trước khi hai ông bà về chung sống với nhau thì Đức Maria đã cưu mang “Con Đấng tối cao” bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Giờ đây lệnh truyền của sứ thần: “Đừng ngại đón Maria vợ ông về” cùng với lời giải thích việc mang thai của Đức Maria, như lời mời gọi Thánh Giu-se đón nhận để bảo bọc, chở che Đức Maria và thai nhi, với trách nhiệm của người làm chủ gia đình thánh.

Thái độ mau mắn tuân phục của Thánh Giuse đã biểu lộ sự tín thác, gần gũi Thiên Chúa của thánh nhân, và ông xứng đáng được chọn làm người quản lý kho tàng ân sủng Thiên Chúa ban cho nhân loại là Đấng Cứu Thế và Đức Maria, mẹ Người.

Thánh Giuse là bạn trăm năm thánh khiết của Đức Maria và là cha nuôi của Đấng Cứu Thế.

Tuy thánh Giuse chỉ là cha nuôi, nhưng theo truyền thống của Do thái, người cha đặt tên cho con mình để xác định dòng dõi và như vậy, hài nhi Giêsu thuộc về dòng dõi vương tộc Đa-vít.

Thánh Giuse được tin Mừng xưng tụng là “người công chính”, cuộc đời của thánh nhân diễn ra hết sức âm thầm nhưng lại là một đóng góp không nhỏ trong công trình cứu độ của Đức Giêsu. Thánh nhân đã âm thầm, tận tụy chu toàn bổn phận của một gia trưởng: hằng ngày, vất vả lao động với nghề thợ mộc để chăm lo đời sống cho gia đình; khiêm tốn và nhân hậu trong cách cư xử, giao tiếp với mọi người. Sự kiện cuối cùng liên quan đến thánh Giu-se được Tin Mừng ghi chép đó là biến cố lạc mất Hài nhi Giêsu trong đền thánh Giê-ru-sa-lem khi Người lên 12 tuổi; Thánh nhân và Đức Maria đã tất bật, đôn đáo tìm kiếm khắp nơi. Sau ba ngày, cả hai ông bà trở lại đền thờ thì gặp Hài nhi ở đó giữa các nhà thông luật Do thái; thánh Giu-se chẳng nói lời nào nhưng qua lời của Đức Maria: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con”, điều ấy cho thấy tâm trạng lo lắng của thánh nhân khi không có Hài nhi bên cạnh và giờ đây đang tràn ngập vui mừng khi gặp lại Người.

Thánh Giuse phó thác hoàn toàn trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thánh nhân mau mắn thi hành lệnh truyền của sứ thần một cách tuyệt đối, mỗi khi có sự kiện quan trọng xẩy ra như: biến cố trở về quê quán xa xôi để đăng ký hô tịch; biến cố Đức Maria sinh hạ hài nhi Giêsu nơi hang đá hôi hám ngoài cánh đồng Be-lem, biến cố đem Hài nhi và mẹ Người sang Ai-cập để tránh bị vua Hê-rô-đê truy sát, rồi sau đó trở về ẩn cư nơi quê nghèo Na-da-rét ở Ga-li-lê…

Trót cuộc đời, thánh Giu-se đã trung tín với sứ mệnh làm bạn trăm năm thánh khiết của Đức Ma-ria và là cha nuôi của Đức Giêsu Kitô bằng sự khiêm tốn, tin yêu và phó thác.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi

Noi gương thánh Giuse, nỗ lực sống công chính trước nhan Thiên Chúa và trước mặt người đời; đồng thời luôn trung tín, chu toàn bổn phận Chúa trao phó và luôn biết liên kết mật thiết với Chúa bằng việc cầu nguyện.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con biết cậy nhờ ân sủng của Chúa mà chu toàn sứ mệnh của người Kitô Hữu và trung thành thực thi ơn gọi Chúa đã trao ban, để góp phần làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

SỐNG TIN MỪNG

Chu toàn bổn phận hằng ngày với niềm tin yêu và phó thác nơi Chúa quan phòng.

Đức vâng phục của Thánh Cả Giuse

Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa truyền dạy. (Mt 1,24a).

Suy niệm: Thánh Giuse không được các thánh sử cho “phát biểu” một câu nào trong cả bốn Tin Mừng, chỉ thấy Ngài làm theo những gì được truyền: nào là bỏ ý định toan tính trốn; nào là dắt Đức Maria và Hài Nhi Giêsu đi “tị nạn” bên Ai-cập… nhất nhất cái gì cũng làm theo lời chỉ dạy của Thiên Chúa. Sự vâng phục của thánh Giuse không phải là thứ vâng lời tối mặt, mù quáng. Để thực hiện sứ mạng, ngài không được Chúa ban cho sự can thiệp đặc biệt nào ngoài những lời báo tin của thiên thần. Thế nên phải thật khôn ngoan mưu lược, thánh Giuse mới hoàn thành sứ mạng đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài thoát khỏi vòng vây trùng điệp của binh lính Hêrôđê để sang tới Ai Cập. Sự khôn ngoan của thánh Giuse càng thể hiện rõ khi hồi hương từ Ai Cập, ngài đã đưa thánh gia về Nadarét thay vì Bêlem. Thánh Giuse vâng phục thánh ý Chúa cách tuyệt đối, không máy móc mà đầy khôn ngoan và sáng tạo.

Mời Bạn: Thánh Giuse được Thiên Chúa tuyển chọn làm cha nuôi Đức Giêsu, nhưng cũng vẫn phải trải qua những long đong của cuộc sống thường nhật. Ngài không “nói” lời nào nhưng luôn lắng nghe và vâng phục thi hành trọn vẹn thánh ý Chúa.

Sống Lời Chúa: Bạn đọc lại câu Phúc Âm trên đây cách chậm rãi và suy niệm về việc vâng phục ý Chúa từ những kinh nghiệm sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy thánh Giuse, Ngài đã lắng nghe và thực hành lời Chúa trong sự khiêm nhường tột bậc. Xin giúp chúng con cũng biết lắng nghe và vâng phục ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *