Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Ngày 28.01: Lễ Kính Thánh Tôma Aquinô
Lời Chúa: Kn 7,7‑10.15‑16 (Ep 3,8‑12), Ga 17,11b‑19 (Ga 16,23b‑28; Mt 5,13‑19)
Hay:
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5, 13-19)
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”
Tin Mừng: Ga 17,11b-19
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.
Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
hay
Tin Mừng: Ga 16,23-28
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.
Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.
Con là cây đèn
Thánh Tôma Aquinô từng nói: “Luật tự nhiên không có gì khác hơn là ánh sáng trí tuệ do Chúa đặt trong ta, nhờ đó, chúng ta biết điều phải làm và điều phải tránh. Ánh sáng này hay luật này, Thiên Chúa đã ban khi sáng tạo con người”. Thánh nhân là nhà thần học Công giáo nổi tiếng, lại say mê với lý tưởng của thánh Đa Minh sống cho người nghèo và truyền bá cho những người khác chân lý về Chúa. Ngài đặt hết tâm tình và niềm tin tưởng vào Chúa là mục đích của đời mình, Ngài đã viết bộ” Tổng luận thần học” đầy giá trị, để lại cho Giáo Hội và hậu thế. Ðức Thánh Cha Gioan XXII phong Ngài lên bậc hiển thánh năm 1328. Năm 1567, Ðức Giáo Hoàng Piô V lại cất nhắc Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh với tước hiệu:” Tiến Sĩ Thiên Thần “.
Tin Mừng hôm nay: “Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Công dụng cây đèn là phát ra ánh sáng, soi rọi khắp nơi, dù chỉ là điểm sáng nhỏ nhưng trong bóng tối mọi người vẫn nhận ra. Cũng như mỗi người Kitô hữu đón nhận Tin Mừng là đón nhận ánh sáng, Mt 5, 14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”. Sự tỏa sáng của mỗi người có mức độ khác nhau, do ơn Chúa mạc khải, và lòng nhiệt thành, sự cảm nhận về Lời Chúa. Chúa đặt để trong mỗi người trái tim hướng thiện, song chúng ta có trở nên những tấm gương sáng cho gia đình mình để giáo dục con cái hay không là từ đời sống của mình. Có gì khác nhau giữa lối sống của người ngoại và người Kitô hữu, người cha, người mẹ trong gia đình Công giáo hàng ngày ngoài việc lo ổn định kinh tế, vẫn dành thời gian quan tâm con cái mình, vẫn hướng dẫn con cái mình lòng yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa, là Người đã ban cho gia đình mình có cuộc sống đầy đủ. Đối với mọi người xung quanh sự giúp đỡ nhau xuất phát từ cảm xúc chân thật là tinh thần thương yêu cho đi như không với tha nhân, để cho mọi người xung quanh nhận biết chúng ta là con cái của Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa nhắc nhở chúng ta:“Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa”. Chuyện kể về cậu bé nọ học việc trong một tiệm sửa xe đạp. Một ngày, có người khách đem đến một chiếc xe đạp hư. Cậu không những sửa lại cho thật tốt, mà còn lau chùi cho chiếc xe cho sạch đẹp.Những người học việc khác cười nhạo cậu bé dại dột, đã chẳng được thêm chút tiền công nào lại còn tốn sức. Hai ngày sau, người khách trở lại, thấy chiếc xe đạp vừa tốt vừa đẹp như mới mua, liền đưa cậu bé về hãng của ông ta để làm việc với mức lương cao. Cậu bé ấy đã làm việc với sự nhiệt tình như tài sản của chính mình và được thưởng công nhiều hơn sự mong đợi.
Trong đời sống, đôi khi chúng ta thiếu sự quan tậm nhau, có những việc mình nên làm cho người khác để giúp họ giảm bớt lo âu, sầu khổ, chỉ dành chút thời gian lắng nghe, chia sẻ giải tỏa tâm tư đủ mang lại niềm vui, sức sống cho nhau. Thánh Augustino chia sẻ: “Chỉ những ai bừng cháy mới có thể khơi lên ngọn lửa nơi người khác”. Xin Chúa giúp chúng con biết cư xử rộng lượng với nhau và trao cho nhau nhiều điều tốt đẹp.
LHTH
Kiện toàn lề luật
Ghi nhớ:
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời (Mt 5,17-19).
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa luật Môi-sê để nhắc mọi người, là luật Thiên Chúa trao cho họ, nhưng người ta đã dựa vào luật mà bóp méo, sai đi, gây khó khăn cho mọi người, nên Chúa đã đến luật Môi sê đã không bãi bỏ mà phải kiện toàn ở đây theo hai bình diện; là Chúa Giêsu đã đưa luật tới mức trọn hảo, trong ý nghĩa thật trọn hảo, ý nghĩa con người phải sống trong chân lý và sự thật, phải đạt tới mức độ sống trọn vẹn cho tới ngày cánh chung.
Lời Chúa nói: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Đây là một lập trường của Chúa rất quan trọng, Người đến cũng là đích điểm của tất cả lịch sử của dân Chúa, ở nơi Người mọi lời Thiên Chúa hứa và tiên báo qua các ngôn sứ đều được thực hiện tất cả. Người có quyền chính thức giải thích ý của Thiên Chúa về tất cả những gì Thiên Chúa phán và đã thực hiện trong quá trình mặc khải cho đến bây giờ và mãi mãi.
Thế nên, Chúa Giêsu đến để làm theo ý Chúa Cha, với lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương chúng ta. Vì vậy, Đức Giêsu đến không phải bãi bỏ lề luật, mà là để kiện toàn, mục đích giúp mọi người biết sống cho đi, sống hy sinh, sống vị tha từ đó họ biết mến yêu mọi người, biết chia sẻ cho nhau từ vật chất lẫn tinh thần để cùng nhau kiện toàn lề luật, hầu tất cả mọi người biết sống quy hướng về nước Trời mai sau.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, lời Chúa hôm nay soi sáng giúp chúng con hiểu biết lề luật, được Thiên Chúa trao ban, giúp chúng con tăng thêm niềm tin vững vàng, để chúng con sống chu toàn lề luật của Chúa trong sự yêu thương, hầu đối xử với mọi người bằng tình Chúa, lan tỏa trong tình người. Amen.
THÁNH TÔMA AQUINÔ:
“LẠY CHÚA, CHÍNH NGÀI, LÀ ĐỦ CHO CON”
Constance T. Hull
Thánh Augustinô thành Hippo đã tuyên bố trong tác phẩm Tự thú (Confessions) của ngài rằng: “Lòng con khắc khoải cho đến khi con được nghỉ yên trong Chúa”. Sau khi trải qua tuổi trẻ và tuổi trưởng thành gặt hái được nhiều thành công, và cảm nghiệm nhiều điều đáng khao khát, ngưỡng mộ, thánh Augustine vẫn còn nguyên đó sự khắc khoải. Để rồi, ngài nhận thức được rằng: con người được tạo dựng cho Thiên Chúa, và chỉ trong Ngài, thì con người mới có thể tìm thấy sự yên nghỉ, bình an, và hạnh phúc cuối cùng của mình.
Nhiều thế kỷ sau đó, thánh Tôma Aquinô, người đã tránh xa những cám dỗ của tiền tài, danh vọng, và thú vui thế tục khi sớm trở thành một tu sĩ dòng Giảng thuyết. Về phương diện tri thức, có thể nói, thánh Tôma Aquinô tiếp tục bước chân của thánh Augustinô khi đưa thế giới triết học Hy Lạp và tư tưởng Kitô giáo lên một tầm cao mới. Tuy có lối sống khác nhau, ở vào những bối cảnh văn hoá, lịch sử, và thời đại khác nhau, nhưng cả Augustinô và Tôma Aquinô đều là đều là những vị Thánh, những Tiến sĩ nổi danh của Giáo hội, và đều đi đến cùng một kết luận: Chỉ có Thiên Chúa mới là điểm đến tối hậu của cuộc đời con người. Đây cũng là điểm chung kết mà tất cả các vị Thánh đều muốn đạt tới.
Với thánh Tôma Aquinô, sau khi dành cả cuộc đời để suy niệm, viết lách, giảng dạy về mầu nhiệm Thiên Chúa, đặc biệt là bộ Tổng luận thần học (Summa Theologiae), đã nhận ra rằng, tất cả những gì ngài làm, chẳng là gì, mà nếu có, thì chỉ là “cọng rơm”, so với vị Thiên Chúa cao cả, chí thánh chí tôn. Trong một cơn xuất thần, thánh nhân nghe thấy một giọng nói cất lên từ cây Thánh giá trên bàn thờ: “Tôma, con đã viết rất hay về Ta; vậy con muốn nhận được phần thưởng gì?” Từ trong sâu thẳm lòng mình, Tôma Aquinô đã đưa ra câu trả lời: “Lạy Chúa, con không cần gì cả, vì chính Ngài, là đủ cho con”.
Có thể nói được rằng, cả thánh Augustine và thánh Tôma Aquinô, sau khi đạt tới đỉnh cao của mọi sự, đều nhận ra rằng: Cuối cùng, chẳng có bất cứ điều gì trong cuộc đời này, dù là trí tuệ sâu sắc, quyền lực, giàu sang, và tất cả những thứ khác có thể mang lại cho con người sự viên mãn tối hậu.
Thật thế, tất cả những điều tốt đẹp đó chỉ là những phương tiện phản ánh sự thiện hảo của Thiên Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa mới là Đấng chúng ta mong mỏi. Chính Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để được hạnh phúc. Và chính Thiên Chúa sẽ hỏi chúng ta, vào cuối cuộc đời, về phần thưởng mà chúng ta mong muốn.
Liệu chúng ta có thể thành thật nói rằng trong cuộc sống hàng ngày của mình, chúng ta dám sống như thể chúng ta không mong gì khác ngoài Thiên Chúa chăng?
Liệu chúng ta có thể cảm nghiệm rõ sự bồn chồn trong tâm hồn và nhận thức rằng chỉ có Thiên Chúa mới là giải pháp cuối cùng chăng?
Ai trong chúng ta cũng có thể thấy rằng, có những lĩnh vực trong cuộc sống, chúng ta không thường xuyên để Thiên Chúa chi phối tâm trí của mình. Có những điều tuy tốt lành, nhưng chúng ta đã cho phép đảo ngược vị trí, và chúng chiếm chỗ của Thiên Chúa, thay vì dẫn chúng ta đến gần Ngài hơn. Để tìm ra những vị thần giả dối, những sự thay thế, hoặc những biến dạng trong tâm hồn, chúng ta phải tự vấn câu hỏi khá đau đớn nhưng trung thực: Tôi có yêu mến tội lỗi (một tội cụ thể nào đó) hơn Thiên Chúa không?
Dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, khi tìm trả lời cho câu hỏi này, sẽ tiết lộ cho chúng ta những lĩnh vực mà chúng ta không đặt Thiên Chúa lên hàng đầu trong cuộc sống hàng ngày của mình. Đây là những lĩnh vực cần phải làm việc nghiêm túc, cầu nguyện, ăn chay, xưng tội thường xuyên và kiên trì. Chúng ta đều có những loại tội gần gũi mà mình thường xuyên mắc phải, gây trở ngại cho việc chúng ta lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta đều có những tật xấu, đôi khi chỉ là những điều rất nhỏ, mà chúng ta cho là không quan trọng, nhưng thực ra chúng lại cản trở việc chúng ta hiệp thông sâu sắc hơn với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đời sống Kitô hữu là sự cắt tỉa không ngừng những chồi, lá, và hoa héo rũ không còn khả năng sinh trưởng nhưng lại lấy đi sinh lực của chúng ta. Đó là những lĩnh vực mà chúng ta được mời gọi để cải thiện mỗi ngày. Khi cắt tỉa những điều này nơi bản thân, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để yêu mến, để hiến trao, và để khao khát Thiên Chúa một cách trọn vẹn hơn.
Sống trong một bối cảnh mà mọi thứ di chuyển liên tục, khiến chúng ta lầm tưởng rằng khi bận rộn, chúng ta đang hoàn thành một điều gì đó, thậm chí, bất cứ điều gì. Thực ra, sự bận rộn này có thể ngăn cản chúng ta không theo đuổi được ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình, đó là yêu mến và phụng sự Thiên Chúa qua đời sống thánh thiện và nhờ đó, tìm được hạnh phúc mà Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để trải nghiệm.
Hạnh phúc mà chúng ta hằng khao khát chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa. Của cải đời này, mặc dù được dùng để hưởng thụ, nhưng chỉ là tạm thời và chúng không nhằm thay thế Thiên Chúa. Khi sử dụng tiền bạc, quyền lực, thức ăn, giải trí, hoặc công nghệ… với cố gắng giảm bớt sự bồn chồn mà đôi khi cảm thấy trong lòng, chúng ta đã nhầm lẫn những điều tốt đẹp của cuộc sống này với sự Thiện hảo tối thượng. Không có một công việc nào, một nhân vật nào, một thú vui nào, một của cải nào trong vũ trụ này có thể dập tắt được sự bồn chồn này.
Thánh Augustinô đã từng cố gắng xoa dịu con tim khắc khoải của mình bằng những thú vui xác thịt nhưng lại toàn thấy sự muộn phiền. Chỉ khi nhận ra hạnh phúc ở trong Thiên Chúa, ngài mới có thể tìm thấy bình an và niềm vui đích thực. Thánh Tôma Aquinô đã dành cả cuộc đời để chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa qua Sách Thánh, qua các Giáo phụ, và qua các Triết gia Hy Lạp. Hai vị đã đi trên những nẻo đường rất khác nhau, nhưng cả hai, nhờ sự hoán cải tâm hồn, cầu nguyện, sống nhân đức, lãnh nhận các Bí tích, đều đã hiểu và học biết rằng hạnh phúc đích thực chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa.
Chúng ta được tạo dựng cho Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa. Câu trả lời của chúng ta với Ngài mỗi ngày có nghĩa là: Con không muốn gì khác ngoài chính Chúa.
Giống như thánh Augustinô và Tôma Aquinô, mỗi chúng ta có những con đường riêng để bước đi và tiến tới tình yêu sâu xa hơn của Thiên Chúa. Khi dâng trao bản thân cho Ngài và đón nhận tình yêu bao la của Ngài, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi ngày tâm hồn mình bớt khắc khoải hơn, và khao khát về một mình Thiên Chúa ngày càng lớn hơn. Chúng ta sẽ thấy mình tiến gần hơn một chút đến mục tiêu trở thành một vị thánh.
***
Ước mong câu trả lời của Thánh Tôma Aquinô, cũng sẽ là câu trả lời, mà mỗi chúng ta không chỉ thân thưa một lần, cho phần thưởng cuối cùng, mà luôn là câu trả lời, từng lần trong cuộc sống, ngay lúc này: “Lạy Chúa, con không cần gì cả, vì chính Ngài, là đủ cho con”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (25. 01. 2018)