Xin dạy con đường lối Ngài (23.01.2024 – Thứ Ba tuần III Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 2 Sm 6,12b-15.17-19 (năm chẵn), Hr 10,1-10 (năm lẻ), Mc 3,31-35

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 3,31-35)

31 Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho mời Người ra. 32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !” 33 Nhưng Người đáp lại : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” 34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

Xin dạy con đường lối Ngài (23.01.2024)

Cha Hans-Joachim Lohre, thuộc Hội Thừa sai Phi Châu; cha đã phục vụ ở Mali hơn 30 năm. Khi đang trên đường đi cử hành lễ Chúa Kitô Vua năm 2022 ở Bamako thì cha bị phiến quân Hồi giáo bắt cóc và giam giữ trong một năm. Cha cho biết trong thời gian bị giam cầm, nhờ được phép sử dụng radio; mỗi buổi chiều, cha thường nghe các chương trình tin tức hàng ngày bằng tiếng Anh và tiếng Pháp của đài phát thanh Vatican.

Sau khi được trao trả tự do lên đường về Đức. Cha chia sẻ rằng trong thời gian bị giam cầm, cha không thể cử hành thánh lễ hay lãnh nhận các bí tích, nhưng cha coi khó khăn của mình như thể đó là một kỳ nghỉ phép hoặc tĩnh tâm và một cơ hội để nạp lại năng lượng. Chính việc nghe các chương trình tin tức hàng ngày của đài phát thanh Vatican, đã giúp cha rất nhiều trong việc cảm thấy mình là một phần của Giáo hội hoàn vũ.

Hôm nay, trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho thấy: Từ khi vào trong thế gian, thông qua Mầu nhiệm Nhập thể. Chúa Ki-tô – Ngôi Hai Thiên Chúa làm người – đã hiến hoàn toàn thân phận đời sống của một con người theo một chiều kích ‘lễ vật hiến tế’ để hoàn thành ý Chúa Cha, mà thập giá chính là dấu chỉ của sự hoàn thành sau cùng ! Và từ đó, thật hạnh phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành; vì họ chính là mẹ và là anh em, chị em của Chúa  (x. Mc. 3, 31-35; Lc. 8,21)

Đối với Chúa Giê-su, những liên hệ huyết tộc gia đình là thiết thực nhưng không phải luôn đứng hàng đầu. Chúa không đóng khung gia đình tại đó. Nhưng Người muốn, hễ là Ki-tô hữu thì phải ý thức rõ mình còn có một gia đình thiêng liêng quan trọng và cao quý hơn gia đình tự nhiên.

Lạy Chúa,

Xin cho con nhận biết thánh ý Ngài trong mặc khải Kinh thánh, qua các giới răn của Chúa, đặc biệt là giới răn yêu thương;

Xin cho con nhận ra thánh ý Chúa tỏ lộ qua tiếng nói của lương tâm nhắc nhở con sống thiện lành; qua những giáo huấn của hội thánh Chúa; qua những biến cố của cuộc đời con;

Xin cho con hằng yêu mến và sống vững tin vào Thiên Chúa; cho con biết sống đạo, biết yêu mến và tuân giữ luật Chúa một cách hết sức nhẹ nhàng tự nhiên như một người con hiếu thảo luôn biết làm đẹp lòng cha của mình;

Xin cho con biết sống yêu thương, giúp đỡ mọi người; biết chấp nhận mọi nghịch cảnh, mọi thử thách; nhất là biết hy sinh, quên mình để góp phần xây dựng và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xin cho con biết biết sống tâm tình cảm tạ, tri ân và mau mắn làm theo ý Chúa để đáp trả hồng ân của Chúa ban tặng cho con được làm con của Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp nước trời Chúa dành cho những ai thực hiện ý muốn của Ngài.

Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa, để con vững bước theo chân lý của Ngài. Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh (Tv.85,11). Amen.

CÁT BIỂN

Một nhà… (26.01.2021)

Tin Mừng hôm nay đưa ra mệnh đề “Ai là người nhà của tôi ?”

Và cách giải quyết vấn đề chính là một gợi mở cho những ai quan tâm đến mệnh đề đó một cái nhìn mới, một lối suy nghĩ mới về gia đình.

Là con người, thì hầu như ai cũng có một gia đình.

Gia đình là một cộng đồng những người được gắn kết với nhau bằng những mối liên hệ tình cảm sinh thành, dưỡng dục, và huyết thống.

Chúa Giêsu cũng có một gia đình mà ta được dạy biết đó là “Thánh Gia”.

Nhưng Chúa Giê-su không dừng lại ở gia đình tự nhiên này. Người muốn, hễ là Ki-tô hữu thì phải ý thức rõ mình có một gia đình thiêng liêng quan trọng và cao quý hơn gia đình tự nhiên.

Gia đình thiêng liêng này có Thiên Chúa là Cha và tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau; với điều kiện không chỉ mang danh xưng suông bằng lời nói, nhưng phải biết sống, hành động, và làm theo ý Thiên Chúa (x. Mc 3, 33-35).

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được trọn vẹn ơn huệ làm con Chúa. Xin cho con biết đem Chúa đến cho mọi người qua những việc làm vì danh Chúa cả sáng. Đồng thời không quên giúp đỡ và yêu thương mọi người như những người anh chị em trong cùng một nhà. Amen.

CÁT BIỂN

Gia đình Nước Trời 28.01.2020)

Qua trình thuật Tin Mừng thánh Mác-cô, trong việc Đức Ma-ri-a và anh em của Chúa Giê-su đến tìm gặp Người ngay giữa đám đông dân chúng đang ngồi nghe Người giảng dạy. Đã cho thấy: Muốn trở thành thành viên của Gia đình Nước Trời đòi hỏi những ai theo Chúa Giê-su phải dấn thân vượt lên trên tất cả những mối liên hệ của gia đình tự nhiên loài người; đồng thời phải biết thi hành ý muốn của Thiên Chúa.

Trong tất cả những người thuộc Gia Đình Nước Trời thì Đức Ma-ri-a là gương mặt nổi bật hơn cả. Vì chưa từng có ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa với tình yêu lớn lao và hoàn hảo như Mẹ.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con biết sẵn sàng làm việc theo ý Chúa muốn và luôn làm theo cách thức của Chúa. Amen.

Một nhà… (23.01.2018)

Tin Mừng hôm nay đưa ra mệnh đề “Ai là người nhà của tôi ?”

Và cách giải quyết vấn đề chính là một gợi mở cho những ai quan tâm đến mệnh đề đó một cái nhìn mới, một lối suy nghĩ mới về gia đình.

 

Là con người, thì hầu như ai cũng có một gia đình.

Gia đình là một cộng đồng những người được gắn kết với nhau bằng những mối liên hệ tình cảm sinh thành, dưỡng dục, và huyết thống.

Chúa Giêsu cũng có một gia đình mà ta được dạy biết đó là “Thánh Gia”.

Nhưng Chúa Giê-su không dừng lại ở gia đình tự nhiên này. Người muốn, hễ là Ki-tô hữu thì phải ý thức rõ mình có một gia đình thiêng liêng quan trọng và cao quý hơn gia đình tự nhiên.

Gia đình thiêng liêng này có Thiên Chúa là Cha và tất cả mọi người đều là anh chị em với nhau; với điều kiện không chỉ mang danh xưng suông bằng lời nói, nhưng phải biết sống, hành động, và làm theo ý Thiên Chúa (x. Mc 3, 33-35).

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được trọn vẹn ơn huệ làm con Chúa. Xin cho con biết đem Chúa đến cho mọi người qua những việc làm vì danh Chúa cả sáng. Đồng thời không quên giúp đỡ và yêu thương mọi người như những người anh chị em trong cùng một nhà. Amen.

Xứng danh Con Chúa (24.01.2017)

Gần đây dư luận cả nước, và ngay trong cuộc họp Quốc hội hết sức bức xúc về chuyện bổ nhiệm đề bạt con em lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hiện nay… đã gây thiệt hại lớn cho đất nước; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với xã hội, và làm suy yếu uy tín của Đảng và Nhà nước bởi ảnh hưởng quan hệ cá nhân gia đình.

Suy cho cùng, cái tệ nạn “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ” này không phải mới có đây, mà ngay từ thời Chúa Giê-su thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng; nó đã xuất hiện trong não trạng của đám đông dân chúng rồi. Vì thế, họ mới mau mắn nói với Người: “Thưa Thầy, có Mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” (Mc 3,32). Nhưng Chúa Giê-su đã xác định người thân đích thực của Ngài là những ai “thi hành ý muốn của Thiên Chúa” (Mc 3,34).

Qua Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định chính những ai thực hành Lời Chúa mới là thân nhân, là gia đình thật của Ngài; chứ không phải do bởi huyết thống tự nhịên như cái nhìn của đám đông dân chúng thời bấy giờ.

Cứ hễ ai sống theo Lời Chúa người đó là thân thuộc của Ngài. Ai càng sống và làm theo Lời Chúa dạy, thì càng gắn bó mật thiết với Chúa hơn.

Vì vậy, chắc chắn Chúa Giêsu sẽ nhận ra tôi là môn đệ Ngài, là anh em của Ngài không phải vì danh hiệu Kitô hữu Đa Minh tôi đang có, mà vì những việc “làm theo” Lời Chúa mà tôi đạt được. Đó chính là yêu thương hết thảy mọi người như Chúa đã yêu tôi; yêu thương mọi người vô vị lợi không so đo toan tính thiệt hơn.

Lạy Chúa, xin cho các Kitô hữu biết hiệp nhất, yêu thương, và nên một không chỉ đối với gia đình tự nhiên, nhưng còn biết hiệp nhất, liên đới xây dựng gia đình thiêng liêng là Giáo hội, và hiệp nhất với tất cả những ai cùng gọi Thiên Chúa là Cha. Amen.

CÁT BIỂN

Thực thi ý Chúa (26.01.2016)

Thầy Giê-su đang mải mê, say sưa rao giảng cho đám đông. Thầy còn đang nói, thì có mẹ và anh em từ bên ngoài muốn gặp. Có người vào khẽ thưa: “Thưa Thầy, có mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Tưởng Thầy sẽ tạm ngưng, đi ra để gặp người nhà, nhưng Thầy hỏi lại người ấy: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Thầy rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” Thầy nhìn vào những người đang lắng nghe Thầy và nói đó chính là mẹ và anh em. Nhưng Thầy khẳng định rõ hơn: để đích thực là “người nhà” thì phải là người thi hành ý muốn của Thiên Chúa, thật chẳng dễ chút nào.

Nhìn vào Đức Maria, Mẹ là Mẹ sinh ra Đức Giêsu, nhưng trên cả mối liên hệ huyết thống, máu mủ ruột thịt, Mẹ xứng đáng là người số một trong “gia đình của Thiên Chúa”, bởi vì Mẹ là người yêu mến, lắng nghe và thi hành ý Chúa hơn ai hết. Khi khẳng định như trên, Thầy Giêsu đã đề cao chính Mẹ, rồi đến tất cả những ai luôn đặt lòng tin yêu, lắng nghe và thực thi ý Chúa, đều có mối liên hệ đại đồng, đặc biệt trong “gia đình của Thiên Chúa”. Chính Đức Giêsu khi xưa không chỉ được lớn lên nhờ dòng sữa của Mẹ, nhưng còn được lớn lên trong lòng tin tinh tuyền, luôn thực thi ý Chúa của Mẹ. Mẹ không buồn khi nghe Đức Giêsu khẳng định ai là mẹ và là anh em của Ngài. Mẹ là Mẹ của những người tin, Mẹ của những người xin vâng ý Chúa Cha, dù cho đến phút đau thương dưới chân thập giá.

Chính Đức Giêsu hằng thi hành ý muốn của Cha, từ khi nhập thể, sống đơn sơ nơi làng quê nghèo, trong vườn Cây Dầu đổ mồ hôi máu, suốt cuộc thương khó… cho tới khi “mọi sự đã hoàn tất, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.

Các môn đệ là những người lắng nghe Lời Chúa, đã thi hành ý Chúa trong hành trình bước theo Thầy Giêsu, từ bỏ mọi sự, ở bên và học với Thầy, được Thầy uốn nắn, nhiều khi rất nghiêm khắc. Các ông đã bước theo Thầy và trở thành người nhà, cách thâm sâu, được đổi mới từ trong ra ngoài qua cuộc tử nạn và Phục Sinh của Thầy. Cuối cùng các môn đệ tất cả sẵn sàng cùng chết với Thầy cách can đảm anh hùng.

Ngày hôm nay Chúa có thể nhìn vào tôi, vào bạn mà nói rằng “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” không? Nếu tôi đón nhận Đức Ki-tô đi vào cuộc đời, để được ở với Ngài, sống trong Lời Ngài thì sẽ cảm nhận được hạnh phúc của những người sống trong “gia đình của Thiên Chúa” ngay hôm nay. Ở trong gia đình này, tôi sẽ được nuôi bằng sữa Tình Yêu, được lớn lên trong ân sủng, được trở nên can đảm khi gặp sóng gió cuộc đời, sẵn sàng chịu trách nhiệm với niềm tin đã lãnh nhận của một người con trong gia đình Thiên Chúa.

Én Nhỏ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *