Đức Thánh Cha Lêô XIV đã gửi một sứ điệp mạnh mẽ đến Hội nghị lần thứ 44 của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), lên án việc sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh, và chỉ trích tình trạng các nguồn tài chính bị đổ vào sản xuất vũ khí thay vì chấm dứt đói nghèo.
Hội nghị lần thứ 44 của FAO được tổ chức tại Rôma từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 4 tháng 7 năm 2025, đúng vào dịp tổ chức này mừng 80 năm thành lập với sứ mạng chống đói nghèo và suy dinh dưỡng toàn cầu.
Trong sứ điệp gửi đến các tham dự viên, Đức Thánh Cha nhắc lại sự nâng đỡ của Giáo hội đối với mọi nỗ lực chấm dứt “tai tiếng của nạn đói toàn cầu”, lấy cảm hứng từ hành động đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu khi Ngài cho đám đông được ăn sau khi giảng dạy họ.
“Chúng ta nhận ra rằng phép lạ đích thực mà Chúa Kitô thực hiện chính là chỉ cho chúng ta thấy: chìa khóa để vượt thắng nạn đói không nằm ở sự tích trữ tham lam, nhưng ở sự chia sẻ,” ngài nói.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn vì vẫn còn biết bao người đang chịu cảnh đói khát khắc nghiệt, trong khi một số khu vực trên thế giới lại sản xuất dư thừa lương thực.
“Ngày nay, với nỗi buồn sâu sắc, chúng ta đang chứng kiến việc sử dụng nạn đói một cách vô nhân đạo như một vũ khí chiến tranh,” Đức Thánh Cha tuyên bố. “Đẩy người dân vào cảnh chết đói là một phương cách tiến hành chiến tranh rẻ tiền.”
Ngài lưu ý rằng, hiện nay, phần lớn các cuộc xung đột không còn do các đội quân chính quy thực hiện mà bởi các nhóm vũ trang dân sự, thường sử dụng các chiến thuật như đốt phá mùa màng, chặn viện trợ nhân đạo – điều khiến dân thường vô tội gánh chịu hậu quả nặng nề.
Khi xung đột bùng nổ, nông dân không thể bán sản phẩm, giá cả leo thang và hàng triệu người lâm vào cảnh mất an ninh lương thực, thậm chí nạn đói.
Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động, đặt ra giới hạn rõ ràng và buộc những kẻ gây ra thảm cảnh phải chịu trách nhiệm.
“Khủng hoảng chính trị, xung đột vũ trang và rối loạn kinh tế là những nguyên nhân then chốt làm trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực,” ngài cảnh báo. “Chúng cản trở viện trợ nhân đạo, làm suy yếu sản xuất nông nghiệp địa phương, và tước đoạt của con người không chỉ lương thực mà cả quyền được sống trong phẩm giá và cơ hội.”
Đức Thánh Cha kêu mời hãy từ bỏ chủ nghĩa vị kỷ và thái độ dửng dưng, thay vào đó là đối thoại, thấu hiểu lẫn nhau, và cùng nhau kiến tạo một nền hòa bình bền vững để xây dựng các hệ thống lương thực kiên cường.
Ngài cũng chỉ rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu và hệ thống lương thực: một bên bị tổn thương sẽ kéo theo bên kia. Do đó, cần khắc phục bất công xã hội do thiên tai và mất đa dạng sinh học, hướng đến một cuộc chuyển đổi sinh thái công bằng, lấy con người và môi trường làm trung tâm.
Đức Thánh Cha mời gọi bảo vệ các hệ sinh thái qua hành động khí hậu phối hợp và tinh thần liên đới, vì tài nguyên của trái đất phải được sử dụng sao cho mọi người đều được bảo đảm an ninh lương thực và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Ngài bày tỏ nỗi đau vì thấy các nguồn lực tài chính và công nghệ hiện đại lại bị lạm dụng để sản xuất vũ khí, thay vì phục vụ công ích.
“Hệ quả là những ý thức hệ đáng ngờ được cổ xúy, trong khi các mối tương quan nhân văn bị băng giá, gây chia rẽ và làm tiêu hao tình huynh đệ cũng như tình bạn xã hội,” Đức Thánh Cha nói.
Kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người trở thành “người thợ thủ công của hòa bình, phục vụ công ích”, vượt qua những hùng biện vô ích để đối diện với vấn đề nạn đói bằng ý chí chính trị kiên định.
“Để đạt được mục tiêu cao cả ấy,” ngài khẳng định, “Tòa Thánh luôn sẵn sàng phục vụ lý tưởng hiệp nhất giữa các dân tộc và không bao giờ mỏi mệt trong việc dấn thân vì công ích của đại gia đình nhân loại, đặc biệt là những người nghèo khổ và đói khát.”
https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2025-06/pope-leo-xiv-un-fao-44th-conference-message.html