Thứ bảy sau CN XVII
Cái chết của Gioan Tẩy Giả (1/8/15)
Mt 14, 1-12
Trong Tin Mừng hôm nay, vua Hê-rô-đê mới nghe thấy nổi lên danh tiếng của Đức Giê-su thì đã hoang mang lo sợ. Có tật giật mình, vua nghe thì sợ hãi cho rằng ông Gio-an mà ông cho chém đầu đã sống lại để bắt tội vua chăng? Não trạng của người Do-thái bấy giờ cho rằng người sống lại có khả năng tuyệt vời, có quyền làm phép lạ. Vua sợ là phải, vì đã nhúng tay vào vụ giết người oan nghiệt trong Tin Mừng hôm nay. Bởi sự thường nếu sai một li đi một dặm, ông thỏa hiệp với thú vui trong tiệc tùng, vì trót nhẹ dạ thề hứa nên sợ mất mặt với quan khách. Một cô gái nhảy được tán thưởng và thế là số phận vị Tẩy Giả bị quyết định. Tội này kéo theo tội khác, từ chỗ ngang nhiên cướp vợ anh mình, gây ra oán hận hờn căm nơi bà Hê-rô-đi-a với ông Gio-an Tẩy Giả vì bị “cản mũi kỳ đà”, nên đã gây nên cái chết không án cho người vô tội. Đó là hậu quả gây ra nỗi sợ hãi bất an của vua.
Ông bị ám ảnh bởi cơn ác mộng về người công chính đã bị ông sát hại. Hôm nay ông mới chỉ nghe đồn chứ chưa gặp Ngài mà đã run sợ. Sau này ông có cơ hội gặp Ngài mà cũng chẳng đổi thay được chuyện gì. “Vua Hê-rô-đê thấy Đức Giê-su thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả” (Lc 23,8-10). Ông muốn gặp vì tò mò không thiện chí nên không giải quyết được gì và thêm thất vọng.
Tin Mừng hôm nay là một thảm kịch diễn ra trong một bữa tiệc, kết thúc thật là bi thảm với cái chết oan nghiệt của Gio-an Tẩy Giả. Ông đã bị bỏ tù vì dám quở trách Hê-rô-đê An-ti-pa về tội ngoại tình lộ liễu. Cuối cùng ông đã phải chết cách bi thảm vì sự thật. Trình thuật này khiến ta nghĩ đến số phận đang chờ đón Đức Giê-su, báo trước cho thấy cuộc khổ nạn, cái chết và cuộc an táng sau này của chính Ngài. Ông Gio-an là chính hình ảnh phản ánh Đức Giê-su, đến độ mới chỉ nghe danh tiếng Đức Giê-su, vua Hê-rô-đê đã bị ám ảnh, mường tượng đó chính là hiện thân của Gio-an Tẩy Giả trỗi dậy nên mới quyền năng
Cả cuộc đời và cả cái chết của ông Gio-an đều báo trước cho sứ mạng Tiền Hô, tiền hô cả khi sống và cả lúc chết cho Đấng Cứu Thế. Cái chết của vị Ngôn sứ cuối cùng nói lên số phận của các Ngôn sứ là thế đó. Mở đầu và kết thúc đoạn Tin Mừng này đều nhắc tới Đức Giê-su, cho thấy cái chết của ông Gio-an như mối liên hệ, là báo trước cho cái chết của Đức Giê-su. “Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.”
Gio-an Tẩy Giả phải chết, Đức Giê-su cũng phải lãnh án tử, nhưng trổi vượt, vì chính Người đã sống lại từ cõi chết.
Ngày nay chúng con cũng được đồng hóa, nên một với Chúa, giống như Chúa. Xin cho chúng con can đảm sống Đức Tin, trung thành với chân lý như Gio-an, để chúng con dám hy sinh cả mạng sống mình mà giúp anh em đến với Chúa, tin nhận Chúa và làm chứng cho sự thật. Amen.
Én Nhỏ