Người Tôi Trung của Thiên Chúa (16.07.2016 – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XV Thường Niên năm C)

Lời Chúa: Mt 12, 14-21

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

14 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.

15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết.16 Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai.17 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói:18 “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.19 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.20 Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,21 và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

 

SUY NIỆM

Khi thấy Đức Giê-su công khai chữa lành cho một người bị bại tay trong ngày sa-bát (Mt 12, 9 – 13), những người Pha-ri-sêu tức giận bàn bạc tìm cách hãm hại Người. Trình thuật Tin Mừng cho thấy ngay sau đó, Đức Giê-su đã rời bỏ nơi đó mà đến chỗ khác; nhưng dân chúng vẫn đi theo Người rất đông và họ mang theo những bệnh nhân để xin người cứu chữa, thấy vậy Đức Giê-su dủ lòng thương  và Người chữa lành cho họ.

Thái độ của Đức Giê-su : Người lánh đi nơi khác không phải vì sợ hãi, nhưng vì giờ của Người chưa đến, hơn nữa rất nhiều người bệnh hoạn, tật nguyền cần được người chữa lành…cần được giải thoát; (theo quan niệm của người Do Thái: Bệnh hoạn tật nguyền, đau khổ đều do tội lỗi gây ra; do đó được chữa lành đồng nghĩa với được giải thoát khỏi những hậu quả của tội lỗi). Trước mưu kế hãm hại của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su không một chút phản kháng, người vẫn khôn ngoan kiên trì thực hiện sứ mệnh cứu độ của “Con Thiên Chúa làm người”; Người tiếp tục giảng dạy cho dân Do Thái về lối sống của người công chính và dạy họ tuân giữ lề luật Mô-sê, nhưng với tinh thần yêu mến hơn là chú trọng đến những hình thức giả tạo bên ngoài.

Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, Người không muốn người ta biết đến Người như một nhân vật có quyền năng chữa lành mọi thứ bệnh tật và xua trừ được ma quỷ; nhưng họ phải nhận biết Người là Con Thiên Chúa là Đấng Mê-si-a mà muôn dân đang trông đợi, đã được Thiên Chúa Cha, đấng giầu lòng thương xót, từ bi nhẫn nại dùng lời ngôn sứ I-sai-a loan báo trước trong thời Cựu Ước: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn… Ta hài lòng về Người”

 Thần khí Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Người, và trước mặt dân chúng, Người sẽ giảng dạy về sự  thật và lẽ công bằng. Người điềm tĩnh trước những kẻ chống đối, không tranh cãi hay lớn tiếng thóa mạ đối phương; người nhẫn nhịn chờ đợi sự hoán cải của đám dân cứng lòng vì họ vốn yêu chuộng những hình thức bề ngoài mà không thấy được giá trị tinh thần trong những việc họ làm hay những lề luật họ tuân giữ. Nơi Đức Giê-su thể hiện rõ nét lòng thương xót, thứ tha và khát vọng giải thoát con người khỏi lầm lạc, tội lỗi và khổ đau. Người không muốn một ai phải hư đi, và trong thân phận một con người, Người nỗ lực giải thoát cho họ bằng chính những hy sinh bản thân mình như I-sai-a đã viết: “Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.” (Is 42, 3 – 4).

Người tôi trung thì trung tín thi hành sứ mệnh của chủ giao, cho dù phải hy sinh cả mạng sống để hoàn thành ý muốn của chủ. Ở đây, trình thuật Tin Mừng nói đến sứ mệnh của Đức Giê-su Kitô là Đấng mê-si-a, Người có sứ mệnh loan báo công lý để giải thoát nhân loại khỏi lầm lạc, tội lỗi mà dẫn đưa vào Nước Trời. và Người đã hoàn thành sứ mệnh Người Tôi Trung Thiên Chúa bằng con đường khiêm tốn và yêu thương. Người cũng mời gọi các tín hữu thông dự vào sứ mệnh của Người qua ý thức sống ân sủng của bí tích Thánh Tẩy: nỗ lực trở nên “người tôi trung của Thiên Chúa” ngay giữa môi trường sống để thánh hóa bản thân (nên thánh) và loan báo Tin Mừng cho mọi người (làm tông đồ).

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

  • Ý thức ơn gọi nơi bí tích Rửa Tội: Được trở nên chi thể trong nhiệm thể Đức Giê-su Kitô, tôi phải nỗ lực sống tinh thần Tin Mừng giữa đời và tích cực giới thiệu Nước Thiên Chúa cho những người chung quanh bằng chính những hành vi và lời nói tràn ngập yêu thương và khiêm hạ.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô! Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Xin cho con biết can đảm và khôn ngoan để cộng tác với ơn Chúa mà kiện toàn ơn gọi Kitô Hữu của mình, trung tín với sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

SỐNG TIN MỪNG

Khiêm tốn và yêu thương chân thành vì danh Đức Giêsu Kitô, và can đảm, khôn ngoan làm cho tinh thần Tin Mừng thấm nhập vào môi trường sống.