Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 V 8,22-23.27-30 (năm chẵn), St 1,20 – 2,4a (năm lẻ), Mc 7,1-13
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 7,1-13)
1 Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận ; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn ; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. 5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” 6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng :
Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì lại xa Ta.
7Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích,
vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.
8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 9 Người còn nói : “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng : ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử !’ 11 Còn các ông, các ông lại bảo : ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘co-ban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa !”
Luật trong luật (06.02.2024)
Ngày 06.02.2018: Lễ Nhớ Thánh Thánh Phaolô Miki và Các Bạn, Tử đạo
Trong Thế chiến II, người ta thấy dòng chữ “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” được in trên dây thắt lưng của quân đội Đức quốc-xã. Họ lạm dụng từ ngữ Thánh Kinh, ý là để làm vinh danh Chúa, nhưng thực ra là để lợi dụng cho mục tiêu phát-xít của họ.
Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay cho thấy luật Mô-sê đúng là một quyền lực thật sự. Luật đã được những người Pha-ri-sêu và các kinh sư triệt để áp dụng đề ra những quy tắc sống, những quy định đạo đức buộc mọi người Do-thái lúc bấy giờ phải theo và nắm giữ. Sau đó, Tin Mừng cho biết: Chúa Giê-su đã dẫn chứng họ – những người Pha-ri-sêu và các kinh sư – là những kẻ đạo đức giả đúng như lời của tiên tri I-sai-a nói về họ: Thờ phượng Thiên Chúa cách vô ích, vì dân này chỉ tôn kính Người bằng môi bằng miệng mà thôi, còn lòng của họ thì lại xa vời đối với Người (x. Mc.5,1-8;13)
Qua đó, Chúa Giê-su dạy ta yêu mến tôn thờ Thiên Chúa cách chân thành, tận đáy lòng; đừng vì những luật lệ, tập tục của loài người mà coi thường những giới răn của Thiên Chúa. Vì giới răn của Thiên Chúa chính là Luật trong luật; giới răn của Thiên Chúa nói lên nỗi lo lắng của Ngài đối với con người, Thiên Chúa dùng các giới răn để hướng dẫn con người bước vào một cuộc sống tốt đẹp hoàn hảo.
Chúa Giê-su, Ngài đã đến trong dòng lịch sử nhân loại không qua các lề luật bề ngoài, nhưng đã mở ra một hướng nội tâm cho cuộc đời của mỗi Ki-tô hữu: Đó là một sức mạnh thúc đẩy các Ki-tô hữu từ bên trong, để họ không hoàn toàn bị lệ thuộc bởi những gì bên ngoài. Thật vậy, chính Đức Giê-su Ki-tô là người đã giải phóng lề luật, đã đưa tự do đức tin và tình yêu thay thế lề luật !
Hôm nay, Giáo hội mừng kính thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo ở Nhật Bản. Các ngài là những con người đã can đảm tuyên xưng và trung thành giữ vững đức tin đến hơi thở cuối cùng. Các ngài là những người vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm; coi trọng luật Chúa hơn luật người phàm. Dù cho máu đổ đầu rơi, thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn của ngài vẫn giữ vững lòng tin vào Đấng đã yêu thương và thí mạng sống vì họ. Ước gì hôm nay, những Giáo dân Đa-minh cũng biết giữ vững niềm tin của mình, nhất là khi bị bách hại vì danh Chúa !
Lạy Chúa,
Xin cho con luôn nhớ cầu nguyện cho những người sống ở các nơi trên thế giới đang bị bách hại vì đức tin Công giáo.
Xin thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo giúp con được can đảm trung thành với niềm tin của mình nơi Thiên Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Quy chiếu về Thiên Chúa (07.02.2023)
Thiên Chúa là Đấng dựng nên muôn loài và sắp đặt trật tự cách khôn ngoan. Người tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp và tạo dựng trong trật tự. Con người là chóp đỉnh của việc tạo dựng trong công trình của Thiên Chúa. Con người mang hình ảnh Thiên Chúa; họ được Thiên Chúa ban phúc lành và được đặt làm bá chủ thống trị muôn loài tạo vật (x. St.1,20-2,4a).
Như vậy, một khi ý thức Thiên Chúa là tác giả và là Đấng điều khiển thế giới, con người ta sẽ có một thái độ cung kính, quy phục Đấng Sáng tạo; vì thấy vũ trụ càn khôn được sắp đặt một cách trật tự, hài hoà cùng với những kỳ vĩ của nó mà con người chưa thể hiểu biết hết được.
Thế nhưng, thay vì cảm nhận được thế nào là quyền năng và đức khôn ngoan của Thiên Chúa tỏ hiện trong các thế lực nguyên sơ và trong cách Thiên Chúa an bài mọi sự trong vũ trụ nhằm để quy chiếu tất cả mọi sự về Người; thì con người lại lạm dụng quyền làm bá chủ thống trị muôn loài tạo vật để bày ra luật này, lệ nọ… nhằm khống chế, mê hoặc lòng người, hoặc muốn tạo sức ảnh hưởng về uy tín, quyền hành, lợi ích nhằm vào một vài cá nhân, nhằm vào một vài nhóm, hay một vài hệ phái nào đó. (x. Mc. 7,1-13)
Hãy xem xét những lạm dụng, biến tướng gần đây trong phong trào cổ võ việc tôn kính Lòng Thương Xót Chúa, hay quyền năng đuổi tà trừ quỷ xuất hiện đó đây thì dễ dàng nhận thấy tác hại nguy hiểm của những lạm dụng này. Đây phải chăng cũng là lời cảnh tỉnh cho các ban phục vụ Huynh đoàn các cấp để tránh rơi vào tình cảnh “quyền hành hóa” quy chế quản trị, điều hành Huynh đoàn ?
Lạy Chúa, xin cho con ý thức một thái độ biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa, thể hiện qua lời kinh ca ngợi, cảm tạ khi được thụ hưởng các tài nguyên đa dạng phong phú của thế giới, và xin cho con luôn tin tưởng phó thác vào Lòng Thương Xót Chúa bằng những lời cầu nguyện van xin. Amen.
CÁT BIỂN
Sống chân thành với Chúa và trung thực với anh em (08.02.2022)
Ghi nhớ:
“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7, 8)
Suy niệm:
Ông ấy có quan niệm rằng:
“Đói trong bụng người ta không hay, nhưng ăn mặc rách rưới thì ai cũng biết là mình nghèo.”
Chính vì có lối suy nghĩ đó cho nên, mặc dù gia cảnh không dư dả gì, nhưng ông vẫn vay công mượn nợ để xây một cái nhà to và trang trí nội thất bằng những thứ đồ đạc tốt, đắt tiền. Do thu nhập và tiêu pha trong gia đình không cân đối, cộng thêm với số tiền lãi phải trả mỗi tháng nữa nên gia đình ông mau chóng đi đến chỗ vỡ nợ. Sau khi bán hết nhà cửa đất đai để thanh toán nợ nần, ông phải đi lên thành phố để làm bảo vệ cho một công ty nọ. Có lẽ phải sống trong hoàn cảnh buồn tủi và ân hận nên sức khoẻ của ông suy yếu dần và cuối cùng ông bị đột quỵ mà qua đời. Có người trách ông, song cũng có nhiều người thương ông. Nhưng tất cả đều có chung một suy nghĩ là: “ Phải chi ông biết liệu cơm gắp mắm, phải chi ông biết thân biết phận, đừng vì sỹ diện hão huyền, thì cuộc đời của ông đâu đến nỗi có cái kết cục buồn bã như vây!”.
Trong thành ngữ Việt Nam có câu: “Tham chém bỏ mâm”. Ý nói đến cái quan trọng và lớn lao là cái mâm thì lại bỏ đi, còn cái nhỏ bé, không quan trọng như cái chén thì lại khăng khăng giữ lấy. Đây là lối suy nghĩ và hành xử của những con người dại dột, tư duy của họ bị lệch chuẩn vì cái đáng tìm kiếm thì không màng đến, ngược lại những cái không cần thiết, không mang lại lợi ích gì mấy cho mình thì lại ra sức bảo vệ.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ảnh về điều đó, nó xảy ra đối với nhóm người Pha-ri-sêu. Họ cố tình gạt bỏ các giới răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm. Việc tuân giữ các điều răn của Chúa sẽ dẫn đưa con người ta đến sự sống đời đời, thế nhưng các người Pha-ri-sêu lại không màng đến, họ cổ suý cho việc tuân giữ các tập tục truyền thống do người phàm lập ra một cách máy móc; như phải rửa tay trước khi ăn, các thức mua ngoài chợ về cũng phải rửa sạch rồi mới ăn; rửa chén bát, rửa bình lọ và các đồ đồng…Chính vì cái lối suy nghĩ đó nên họ đã bị Đức Giê-su dùng lời của Ngôn sứ I-sai-a mà quở trách họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”. Việc rửa tay trước khi ăn là đúng đắn và cần thiết, song nó không được dừng lại tại đó, việc làm này cần phải hướng đến một sự việc cao cả và quan trọng hơn đó là luôn phải biết rửa sạch tâm hồn, phải luôn giữ gìn linh hồn mình sạch sẽ không nhơ bẩn vì tội lỗi. Đó là phải biết khử trừ đi cái xấu, biết tẩy chay những cái gì không tốt đẹp, những gì có nguy cơ dẫn mình đến chỗ lỗi lầm xấu xa…
Lời Chúa hôm nay còn nên như một lời cảnh báo để từ đó chúng ta tự xét lại bản thân mình, xem việc mình thờ phượng Chúa ra sao? Cụ thể là đến với Chúa trong thánh lễ có vì lòng kính mến Ngài thực sự hay chỉ vì sợ tội, sợ bị người khác cho rằng lười biếng? Sợ lỗi luật ngày Chúa nhật? Hay chỉ đến với Chúa với một tâm hồn trống rỗng, không có một chút tâm tình nào!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con luôn thực lòng kính mến Chúa và yêu thương mọi người cách chân thành, không đóng kịch, không lừa dối ai, xin cho con biết sống trung thực với Chúa với anh em và với chính bản thân mình. Hầu con được trở nên con cái thực sự của Chúa và với lối sống đó con mới xứng đáng trở thành chứng nhân cho Chúa giữa cuộc đời này. Amen.
Sống Lời Chúa:
Sống trung thực trong lời nói và việc làm, cho dẫu có bị chê bai, gièm pha, thiệt thòi.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng (09.02.2021)
Ghi nhớ:
“Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm. (Mc 7, 8).
Suy niệm:
Chị rất siêng năng đi dự lễ và phải nói là chị là người của thời trang. Người ta chú ý đến chị về việc ăn mặc mô-đen. Cứ mỗi lần đi dự lễ là chị có một bộ cánh mới. Ba chị bất đồng với chị về việc này. Một hôm ông bất ngờ hỏi:
- Con đi dự lễ hôm nay, Tin Mừng nói về điều gì ? Chị không trả lời được. Thế mới biết là tâm trí của chị chỉ là xoe xua để ý đến những cái bên ngoài không cần thiết mà quên đi mục đích chính là đến với Chúa bằng tất cả tâm hồn mình, để lắng nghe Lời Chúa và tâm sự cùng Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay thánh Sử Mac-cô tường thuật lại cho chúng ta một sự việc: là những người Pha-ri-sêu và kinh sử bắt bẻ Chúa Giê-su về việc các môn đệ của Chúa đã không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn! Vì theo truyền thống và tập tục của người Do Thái là phải rửa tay trước khi dùng bữa. Có một điều thể hiện rõ nét nơi những người Pha-ri-sêu và kinh sư là họ không có thiện chí khi đặt câu hỏi cho Chúa, mà họ chỉ nhăm nhe xem Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài có điều chi sơ hở là họ bắt bẻ. Nhân cơ hội này Đức Giê-su đã cảnh tỉnh cho họ thấy những điều gì là cần thiết, những điều gì là quan trọng. Tất cả phải được đặt đúng vị trí và giá trị của nó, không được chỉ nại vào hình thức và truyền thống để rồi bỏ qua những giá trị đích thực của vấn đề.
Cổ nhân nhận xét: “ Con người ta có hai cái túi, cái đàng trước thì để chứa những lầm lỗi của người khác, cái túi sau lưng là để chứa những lầm lỗi của mình”. Thật vậy, người ta dễ dàng nhìn thấy những sai sót, khuyết điểm, lỗi lầm của anh em mà không thấy những trái khuấy, lầm lỗi của chính mình. Vì thế cho nên thường có thái độ cư xử dẫn đến gây ra chia rẽ, gây ra mất lòng.: “ Chân mình thì lấm bê bê, lại lấy bó đuốc mà rê chân người”
Sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhìn lại bản thân mình, để rồi xem lại trong cuộc sống chúng ta có quá chú trọng về hình thức mà quên đi điều cột lõi hay không? Khi nhìn đến anh chi em sống chung quang, chúng ta có nhìn thấy những điều hay, những tính tình tốt của họ mà học hỏi không? Hay chúng ta chỉ nhìn thấy những cái không hay, những điều tiêu cực trong con người của họ mà thôi.
Với ánh sáng của Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta thay đổi bản thân để mỗi ngày thêm tốt hơn và từ đó có thể giúp các anh chi em sống chungh quang chúng ta cùng thăng tiến..
Cầu nguyện:
Lạy Chúa chúng con là những con người đầy những lỗi lầm thiếu sót. Xin giúp chúng con khi được Lời Chúa hướng dẫn ngày càng trở nên hoàn thiện mình hơn để từ đó chúng con có thể cùng giúp những người sống quang chúng con cũng ngày một nên tốt lành hơn. Amen
Sống Lời Chúa:
Nhìn nhận mọi việc dưới con mắt Đức Tin
Đaminh Trần Văn Chính.
Chân Thật (06.02.2018)
Ngày 06.02.2018: Lễ Nhớ Thánh Thánh Phaolô Miki và Các Bạn, Tử đạo
Để khỏa lấp những gian dối, hay các mưu toan bất chính; người ta thường đưa ra nhiều lý lẽ, luật lệ… để biện minh cho những hành động sai trái để gây áp bức bất công cho người khác.
Những tội ác tày trời: giết người, cướp của, khủng bố, phá thai tiêu diệt sự sống và các vô luân khác đều bắt đầu từ lối sống giả dối, không thật mà ra
Trong trình thuật Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô cho thấy việc rửa tay trước bữa ăn theo tập tục của người Do Thái là một nghi thức nhằm nói lên ước muốn thanh tẩy tâm hồn cho thanh sạch.
Các Pha-ri-sêu và các Kinh sư rất coi trọng các nghi thức đó, nhưng họ chỉ làm một cách máy móc, rập khuôn theo hình thức, còn trong lòng thì không có chút tâm tình hoán cải nào. Vì thế, Chúa Giê-su mới khiển trách họ thờ kính Chúa chỉ bằng môi giải miệng mép bên ngoài mà thôi, còn tâm hồn của họ thì thật là xa Chúa.
Lạy Chúa ! Là con cái Chúa và là anh chị em với nhau; xin dạy cho con biết thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng chân thật, và xin cho con biết can đảm loại bỏ hẳn lối sống giả dối ra khỏi cuộc sống của mình, ngõ hầu xứng đáng là con cái Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Ngụy… (07.02.2017)
Chữ “ngụy” (伪) trong tiếng Hán có nghĩa là giả, không thật. Được ghép bởi bộ “nhân” (亻), và “lực” (力), nhằm ngụ ý về người ngỡ rằng mình có sức lực, có khả năng để thực hiện một công việc nào đó, nhưng sự thật lại không phải như vậy.
Hôm nay, thánh Mác-cô cho thấy rõ nghĩa chữ “ngụy” ở não trạng và cách sống đạo của những người biệt phái và một số kinh sư đến từ Giê-ru-sa-lem đang tụ tập bên Chúa Giêsu, và cho rằng Chúa và các môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay còn ô uế, vì chưa rửa tay trước khi ăn. Vì não trạng họ cứ tin chắc hễ tắm rửa sạch sẽ trước khi dùng bữa là sẽ được gột rửa hết những nhơ bẩn; con người trở nên sạch trong, tinh tuyền.
Trước thái độ giả hình đó, Chúa Giê-su đã trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý nó chúng giảng dạy chỉ là giáo luật phàm nhân” (Mc 7, 1-13).
Thay vì lo lắng làm cho lương tâm sạch sẽ, nội tâm tinh tuyền; thì các người biệt phái và giới kinh sư chỉ lo giữ cho sạch bên ngoài, sợ dơ hình thức… cho nên họ lo rửa ráy tay chân mà không lo cọ rửa lương tâm.
Qua đó, Chúa Giê-su muốn cái cốt lõi, cái chính yếu của lề luật chính là tinh thần của lề luật. Vì thế, khi hành động hoặc nói ra nhất thiết phải xuất phát từ chân tâm ngay thật; việc bố thí phải phát xuất từ một tấm lòng bác ái hay thương xót; việc ăn chay cầu nguyện phải khởi sự từ ý muốn chế ngự, và xa lánh các điều xấu; tham dự thánh lễ mỗi ngày với tâm tình mến Chúa, thì mới hữu ích cho các linh hồn và mang giá trị cứu rỗi…
Lạy Chúa, xin cho đời sống của con luôn tương đồng với những gì đã suy nghĩ và nói ra; để con đạt được một đức tin kiên vững bằng những việc làm chân thật với lương tâm ngay chính của mình. Amen.
CÁT BIỂN
Tôn kính Chúa từ con tim
“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. ” (Mc 7,6)
Suy niệm: Gần ngày Tết, các phương tiện truyền thông lại ra rả nhắc nhở dân chúng coi chừng hàng giả. Ngày nay mọi sự đều có thể là đồ dỏm, từ thứ đáng giá tiền tỷ như thiên thạch đến bó rau, củ cà rốt cũng có thể là hàng Trung Quốc giả hàng Việt. Thế nhưng, tinh vi nhất và đáng trách nhất vẫn là những thứ giả liên hệ đến bản thân con người như thói giả nhân giả nghĩa hay thứ tình yêu giả hiệu khiến bao người bị lừa đau đớn. Thậm chí với Chúa, cũng có người dâng cho Ngài những thứ giả mà cứ làm như là thật. Đức Giê-su đã trách những người Pha-ri-sêu và các kinh sư thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, nhưng trái tim lại xa cách Ngài, chăm chăm tuân giữ các truyền thống xưa, còn điều răn yêu thương cốt lõi Chúa dạy thì lại bỏ quên không giữ.
Mời Bạn: Đức giáo hoàng Grê-gô-ri-ô Cả nhắc nhở: “Bạn nên cẩn thận tối đa kể cả khi làm điều thiện. Bởi vì có thể trong khi thực thi điều thiện, bạn đang tìm kiếm lợi lộc hay ân huệ từ người khác: hoặc bạn ước muốn được người khác ca ngợi, và muốn có những hiệu quả bên ngoài, chứ không phải phần thưởng bên trong” (Bài giảng TM 12). Bạn thấy cần cẩn thận như vậy không?
Sống Lời Chúa: Tôi chu toàn các qui định về tham gia phụng vụ, đồng thời cũng cố gắng sống tình mến với Chúa và với người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa trách chúng con khi chúng con chỉ thờ phượng Chúa trên môi miệng, còn trái tim lại xa Chúa. Xin cho chúng con gặp gỡ Chúa thật sự trong các nghi lễ nhờ tâm tình yêu mến, và đồng thời cũng gặp gỡ Chúa nơi anh chị em chung quanh bằng đời sống bác ái. Amen.
Vâng lời Chúa hơn
Suy niệm: Mọi thứ đều có thứ tự. Ngay cả những tín điều đức tin và các giáo huấn luân lý cũng có thứ tự. Chúa Giêsu nói rõ các điều răn của Thiên Chúa có thứ tự ưu tiên hơn các tập tục của con người. Trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, Đức Phanxicô nhắc nhở tín hữu hãy nắm giữ lấy cốt lõi của Tin Mừng để sống, chứ đừng thu gọn Tin Mừng chỉ trong vài khía cạnh thứ yếu. Cốt lõi đó là Thiên Chúa Tình yêu, yêu thương con người trong Đức Giêsu Kitô, nhất là những người nghèo đói, bệnh tật. Thứ tự này quá rõ, không cho phép bất cứ giải thích nào làm giảm thiểu tính ưu tiên của nó, bởi chính Chúa Giêsu yêu thương người bệnh tật, nghèo hèn, thậm chí Ngài tự đồng hóa với người nghèo: “khi xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn” và dạy chúng ta “hãy cho họ ăn.” Vì lẽ đó, Đức Phanxicô mong ước có một Giáo Hộïi nghèo cho người nghèo.
Mời Bạn: Người bệnh tật trong gia đình có vị trí nào trong lòng bạn và trong sinh hoạt thường ngày của bạn? Bạn có ý thức rằng bạn không chỉ được mời gọi sống với Chúa, mà còn được mời gọi liên đới với những anh chị em khuyết tật, nghèo đói.
Chia sẻ: Kể cho nhau những câu chuyện về tình yêu của Chúa dành cho người nghèo đói, bệnh tật.
Sống Lời Chúa: Đi thăm một bệnh nhân và an ủi họ.
Cầu nguyện: Xin Chúa cho con có được trái tim của Chúa để yêu thương anh chị em nghèo đói, bệnh tật như Chúa yêu.