Ai là người Thầy sai đến? (04.05.2023 – Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 13,13-25, Ga 13,16-20

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 13,16-20)

16 Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói : “Thật, Thầy bảo thật anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em ! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Ai là người Thầy sai đến? (04.05.2023)

Hôm nay là Thứ 5, chúng ta đặc biệt kính nhớ đến Bí Tích Thánh Thể cũng như cầu xin cho ơn Thiên Triệu các tu sĩ, linh mục,…Và qua bài Tin Mừng Chúa Giê su cũng muốn củng cố và khích lệ những bạn trẻ dám dẫn thân trên con đường này.

“Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thấy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Ngày hôm nay Chúa Giê su vẫn sai đến các Giám Mục, các Linh Mục, các Tu Sĩ để hướng dẫn và chăm lo đời sống đức tin cho các tín hữu. Ta có thể thấy được mối liên kết mật thiết giữa Thầy và người được Thầy sai đi. Cũng như thế chính người Linh Mục là hiện diện của Chúa Ki tô. Vì trong nghi thức nằm phủ phục trước khi lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh, người anh em này đã chết đi cái bản tính con người và được phục sinh lại một con người cho Thiên Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Không phải mười linh mục thì sẽ có đến mười Chúa Ki tô khác nhau, nhưng tất cả nên một trong Người và cũng như là một chức tư tế duy nhất.

Niềm mong mỏi của thế giới hôm nay là gây dựng lại lòng yêu mến ơn gọi nơi những bạn trẻ. Vì xã hội thì ngày càng tục hóa, sự tự do lạm dụng thân xác trở nên phổ biến. Ai ai cũng nghĩ khi đi tu sẽ đánh mất sự tự do, không còn được sống theo đam mê xác thịt hay nhu cầu vật chất. Chính vì thế mà các Dòng Tu đang thiếu ơn gọi trầm trọng. Các Đại Chủng Viện vốn là nơi tranh đấu nhau để được vào thì bây giờ số lượng chỉ còn vài chục so với vài trăm khi xưa.

Chúa Giê su hôm nay cũng nói cho mỗi người chúng ta. Là cha mẹ là ông bà trong gia đình, là thầy cô là bạn đồng hành, là người giáo dân trong xứ đạo. Hãy chú ý đến hạt giống ơn gọi của từng em thiếu nhi. Chỉ cần nhỏ nhoi như việc siêng năng đọc kinh, siêng đi lễ rước lễ,… Ấy là những dấu chỉ ban đầu để ta biết mà hướng dẫn các em. Hãy đón tiếp các em ấy như là những người được Thầy sai đến. Khi cảm nhận được tình cảm và sự khích lệ như thế, ắt hẳn các em sẽ có thêm động lực để theo đuổi ơn gọi Thiên Triệu cho đến cùng. Rồi chính con cháu ta sau này sẽ được chăm sóc đức tin bởi các em theo đuổi ơn gọi hôm nay.

Ngọn cỏ ven đường.

Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà (12.05.2022)

Tin Mừng hôm nay nhắc lại những lời căn dặn thân thương cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ sau khi Người rửa chân cho các ông và lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly: “Thầy bảo thật anh em, tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi”.

Chúa chỉ dạy để các ông thấy rõ thân phận mình, mà hiểu được những nguyên tắc mà ứng xử trên đường đời. Các ông chính là những người được thầy Giêsu là Thiên Chúa của mình sai đi. Các ông được làm việc cho Thiên Chúa, người sai đi nên phải lo chu toàn công việc ấy. Những lời căn dặn này còn ở trong bối cảnh mà thánh sử Gioan không kể lại mà chỉ có ở Tin Mừng nhất lãm đó là: “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: …Thầy đây Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,24-27).  Chúa Giêsu thường xuyên nhắc lại đề tài phục vụ và hôm nay Người khuyến cáo các ông: “ Anh em đã biết các điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh”.

Giờ đây mỗi chúng ta cần kiểm điểm đời sống mình về đề tài trên: Hầu hạ ngày nay còn gọi là phục vụ. Cuộc đời ta phải là một dịch vụ “phục vụ”. Ta đã phục vụ được đến đâu, cho những ai?

Đến đây tâm hồn Chúa sâu lắng tới từng môn đệ: “Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn”, Chúa nghĩ tới từng ông, yêu thương từng ông sẽ hết lòng chăm lo cho việc Chúa, sẽ chết vì Chúa làm sao. Đồng thời người cũng xót xa mà nghĩ đến Giuđa người sẽ nộp Thầy, nhưng vì Kinh Thánh phải được ứng nghiệm, Chúa đã nhắc lại Thánh Vịnh 41  đã nói về Người trước hàng nghìn năm: “  Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con” (Tv 41,10). Chúa đã báo trước chuyện phản bội này cho các ông để các ông “ tin là Thầy Hằng Hữu”, Thầy cũng là Thiên Chúa nữa.

Cuối cùng Chúa Giêsu như trao cho các ông được hưởng một đặc quyền khi đi làm cho Chúa: “Ai đón tiếp người Thầy sai đi là đón tiếp Thầy”. Như vậy ai được gặp các ông, đón tiếp các ông,yêu mến các ông là như đã gặp, đón tiếp và yêu mến Chúa. Đồng thời Người cũng trao một bổn phận, một nguyên tắc ứng xử đầy tình nhân ái: “Ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Cha Thầy”. Tiếp đón người được sai đi là đã tiếp đón chính người sai đi.

Ngày Việt Nam vừa thống nhất, tôi được cha xứ sai vào Nam mua sách cho các em học giáo lý. Được gặp nhờ một cha không còn được trẻ khoẻ. Giữa trời nồng nực bụi bặm phố phường, cha chở tôi luồn lách tìm tòi cả ngày trời để mua bằng được số sách kia. Ngồi sau cha già mà mình nghĩ ngợi và thầm cảm phục tấm lòng nhiệt tình hết mực của ngài. Vì tôi chưa biết đi xe máy mà cũng chẳng quen biết ngài bao giờ. Vả lại ngoài Bắc thì chỉ giáo dân chở các cha chứ các cha đâu có chở giáo dân. Về sau học Lời Chúa tôi mới nhận ra: Cha già đã hết lòng thực thi lời Chúa hôm nay. Cha đã đón tiếp tôi như đón tiếp cha xứ của tôi. Hơn nữa Cha đã đón tiếp tôi như đón tiếp người được Thiên Chúa sai đến.

Lạy Chúa! Xin cho con luôn yêu mến và thực thi lời Chúa, để khi làm việc phục vụ con luôn yêu mến người con gặp gỡ và con cũng được mọi người yêu mến nữa- Amen.

Giuse Ngọc Năng

Mối tương quan dây chuyền (29.04.2021)

Suy niệm: Muốn gặp được Thiên Chúa, thì hãy tìm gặp Đức Giê-su Ki-tô, Đấng mà Chúa Cha sai đến. Cũng thế, muốn gặp được Đức Ki-tô, phải tìm gặp Người nơi những người Đức Ki-tô sai đến, đó là các tông đồ, các môn đệ, những người tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Có một mối hiệp thông duy nhất giữa Chúa với những người tin Chúa, nhờ cùng chung một sức sống thần linh chuyển thông qua các Bí tích. Hệ quả là các tín hữu kết hiệp với Chúa và với nhau trở nên một thân thể mầu nhiệm là Hội Thánh. Vì thế, đón tiếp người môn đệ Chúa chính là đón tiếp Chúa. Bằng mối liên hệ dây chuyền này, Chúa Giê-su đã chứng minh cho thánh Phao-lô hiểu rằng “bắt bớ” các tín hữu cũng là “bắt bớ” chính Đức Ki-tô. Và cũng nhờ đó thánh nhân cảm nghiệm được Hội Thánh chính là Thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô.

Mời Bạn: Tiếp nối mối quan hệ giây chuyền ấy, người ki-tô hữu phải tiếp tục làm chứng cho Chúa bằng chính sự hiện diện qua cuộc sống đời thường của mình. Từ đó phát sinh một vấn nạn luôn luôn chất vấn chúng ta: Cuộc sống của tôi đã thực sự trở thành một lời chứng cho Đức Ki-tô hay chưa?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy biến “công thức” sau đây thành cụ thể: đời sống ki-tô hữu = kết nối với Đức Ki-tô trong cầu nguyện và Bí tích + kết nối với tha nhân bằng phục vụ và chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô phục sinh, Chúa đã sống lại để ban cho chúng con sự sống mới. Xin cho chúng con biết nhận ra Chúa đang sống và đồng hành. Và xin cho chúng con biết đón tiếp Chúa khi chúng con yêu thương phục vụ người anh em bên cạnh chúng con.

Thiên Chúa hoàn tất mọi lời hứa của Ngài (07.05.2020)

Tin Mừng hôm nay, thuật lại cho chúng ta về những lời dạy cuối cùng trong Bữa Tiệc Ly. Sau khi rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ, Chúa Giê-su dạy tiếp rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”

Tại sao Giáo hội lại cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng này trong những ngày mùa Phục Sinh, sau biến cố Chúa sống lại?

Giáo Hội cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng này để muốn dạy chúng ta bài học rằng: Thiên Chúa luôn hoàn tất mọi ý định và lời hứa của Ngài. Nhận biết được điều này, các Tông đồ đã tin vào những lời Chúa Giê-su đã dạy. Tất cả những ý định và lời hứa của Ngài đều đã được hoàn tất, nhằm cũng cố các Tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay, để chúng ta cũng tin nhận rằng, Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu.

Thật vậy, Thiên Chúa luôn hoàn tất mọi ý định và lời hứa của Ngài. Nhìn lại lịch sử được ghi chép trong Kinh Thánh, con người phải ngạc nhiên và phải tin vững vàng vào Thiên Chúa, vì tất cả những gì Thiên Chúa đã muốn và hứa đều được làm trọn đến từng chi tiết.

Trong Bài Đọc I hôm nay, Thánh Phaolô dùng lịch sử để chứng minh cho chúng ta biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài hoàn thành hai lời hứa với Abraham sẽ ban cho ông con cháu và Đất Hứa. Ngài hoàn thành lời hứa sẽ ban cho Israel một Đấng Cứu Độ xuất thân từ giòng dõi vua Đavít.

Trong Phúc Âm, Chúa Giê-su tiên báo một người trong các Tông đồ, là người cùng ăn uống với Chúa, sẽ “giơ gót đạp Chúa” như lời Thánh Vinh 41, câu 9 tuyên bố. Chúa Giê-su đã dẫn chứng lời Thánh Vịnh ấy rằng: “Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: ‘Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con’.” Điều này được ứng nghiệm qua sự phản bội của ông Giu-đa.

Chúa Giê-su còn báo trước cho các Tông đồ biết rằng, họ sẽ cùng chịu chung số phận bị bắt và giết chết như Chúa. Ngài đã từng nói cho các Tông đồ rằng: Nếu người ta đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Hôm nay, Ngài tiếp tục nhấn mạnh với các ông: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.” Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giê-su biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và những gì sẽ xảy ra cho các môn đệ; nên Ngài muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông. Chúa Giê-su nói cho các Tông đồ biết trước điều đó để các ngài đứng vững trong đức tin khi điều ấy xảy đến: “Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.”

Trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giê-su, tất cả những gì Chúa đã tiên báo đều ứng nghiệm đến từng chi tiết. Trong Sách Tông đồ Công vụ, chúng ta đã nghe tường thuật đầy đủ tất cả những bắt bớ, tù đày, roi đòn, và tử đạo của các môn đệ Chúa. Chúa Giê-su báo trước cho các Tông đồ sẽ cùng chịu chung số phận bị bắt và bị giết chết như Ngài. Lời tiên báo này đã được làm trọn qua sự tử đạo của các ngài.

Chúa Giê-su còn nói trước về sứ vụ tương lai của các Tông đồ; các ông là những người được tuyển chọn để mang Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người. Chúa Giê-su cho biết rằng: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Ai đón tiếp sứ giả loan Tin Mừng là đón tiếp Đức Ki-tô và Thiên Chúa, vì Thiên Chúa sai Đức Ki-tô, và Đức Ki-tô sai các sứ giả. Điều cần là các sứ giả phải loan báo những gì Đức Ki-tô muốn nói cho dân chúng. Bổn phận của dân chúng là phải nhận ra ai là sứ giả thật từ những sứ giả mạo danh.

Qua bài Lời Chúa hôm nay, chúng ta tự nhìn lại và cảm nhận rằng: tất cả mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời là do ý định và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành tựu; điều gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban. Hạnh phúc của chúng ta là cố gắng tìm ra và vui vẻ làm điều Thiên Chúa muốn.

Như Chúa đã dạy trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu, xin Chúa ban cho chúng ta luôn vững tin và cậy trông vào những Lời Thiên Chúa dạy trong mọi biến cố trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Amen.

Bình Minh

Chân nhận giá trị thực sự (26.04.2018)

1. Ghi nhớ:

“Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi.”

2. Suy niệm:

Có một câu chuyện mang tựa đề “Ai hơn ai” nội dung như sau:

Satan đắc thắng sau khi cám dỗ được Eva và Adam trong hình thù của một con rắn, hắn đến khoe với cây “biết thiện ác” rằng:

  • Ha ha… Nhờ ta mà một cây tầm thường như nhà ngươi đã trở nên nổi tiếng. Con người, một kiệt tác của Thiên Chúa đã bị ta phá hỏng rồi!

Cây “biết thiện ác” điềm nhiên trả lời:

  • Người đời đặt tên tôi là cây “ biết thiện ác ”là để kể chuyện và lưu lại cho đời mãi nhớ âm mưu thâm độc của ngươi đấy thôi! Còn ta thì cần tiếng tăm gì? Cây vẫn là cây mà thôi! Nhưng hậu duệ của ta đã giúp Thiên Chúa cùng loài người đánh bại ngươi, ngươi không biết sao?
  • Ngươi nói sao? Giải thích cho ta nghe đi nào?.
  • Phải đấy Satan. Ngươi có biết cây gỗ con cháu của ta, đã trở thành cây Thánh Giá giúp Thiên Chúa cứu chuộc loài người không? Khi ngươi dụ dỗ một sáng tạo của Thiên Chúa sống xa lìa Ngài thì chính Thiên Chúa lại có cơ hội để tạo dựng lại một thế giới xinh đẹp và tốt lành hơn! Ngươi thấy đó: Ai hơn ai thì đã rõ rồi!.

Trong các tội lỗi mà loài người phạm, tội kiêu ngạo được coi là một tội nặng. Nó là nguyên nhân, là đầu mối cho mọi sã ngã và lầm lỗi khác. Thật vậy mặc dù chỉ là loài thọ tạo, nhưng con người có lúc lại tự coi mình ngang hàng hoặc thậm chí còn hơn Thiên Chúa nữa. Tội bất tuân của nguyên tổ là một bằng chứng; Adam và Eva khởi đầu chỉ là cục đất được Chúa nặn hình và thổi sinh khí vào để được có sự sống, là những con người đầu tiên trên trái đất này. Vậy mà chỉ vì muốn bằng Chúa Trời thông biết mọi sự nên đã bị Satan lừa cho ăn trái cấm, để rồi đánh mất ân nghĩa cùng Chúa, nên phải đau khổ và phải chết!

Triết gia người Đức Friedrich Nietzche (1844-1900) nói: “Thượng đế đã chết và chính con người đã giết chết Thựơng Đế”. Hoặc như văn hào Voltaire(1694-1778) người Pháp không ngừng chống đối Thiên Chúa và ra sức phá Đạo. Nhưng cuối thì những kẻ kêu ngạo này nay đã chết, họ đã nằm sâu dưới ba tấc đất.

Còn Mặt Trời  thì vẫn mọc lên để soi sáng người lành cũng như kẻ dữ, mưa thì vẫn mưa xuống trên người công chính cũng như kể bất lương.

Bài Tin Mừng hôn nay Chúa Giê-su muốn cho chúng ta hiểu rằng mặc dù con người được Thiên Chúa phú ban cho những quyền hạn, tài năng, trí khôn ngoan, nhưng tất cả cũng chỉ là loài thọ sinh được Thiên Chúa tác tạo mà thôi. Vì vậy phải có thái độ khiêm nhường mà chân nhận giá trị thực sự của mình mà đón nhận Chúa Cứu Thế đến trong tâm hồn cũng như gia đình của mình. Đó chính là lẽ sống của những người khôn ngoan và khiêm tốn. Và khi đón nhận Chúa Cứu Thế cũng là lúc đón nhân Thiên Chúa Cha Đấng làm Chủ muôn loài, trên trời và dưới đất.

3. Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức được rằng mình  là loại thọ tạo chỉ đứng vũng và tộn tại trong ơn sủng của Chúa mà thôi, vì vậy luôn lấy lòng con thảo mà đón nhận  thánh ý Ngài rồi  đem ra thực thi trong đời sống của mình. Hầu xứng đáng với danh hiệu là Kitô hữu. Amen.

4. Sống Lời Chúa:

Đọc, nghe và thực hành lời Chúa dạy.

Đaminh Trần văn Chính.

Tôi tớ với Chủ nhà (11.05.2017)

Mở đầu chương 13 Tin Mừng theo thánh Gioan là tường thuật câu chuyện rửa chân của Thầy Giêsu hết sức khiêm nhường thẳm sâu. Đây là hành động hết sức cảm động, làm đảo ngược thân phận chủ- tớ. Tiếp nối trong Tin Mừng hôm nay, Người dặn dò cho các môn đệ biết rõ: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!” (Ga 13,16-17).

Từ việc rửa chân cho “tôi tớ”, Người dạy các ông cũng phải nên giống Thầy khiêm nhường phục vụ, cho dù là chủ làm cho tớ, để phục vụ tha nhân trong yêu thương, dù là người sang phục vụ kẻ hèn, hay người giàu làm cho kẻ khó. Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Chủ, mà Người tự liệt mình vào hàng tôi tớ.

Chính Người sinh ra đã phải mượn hang súc vật, cúi xuống rửa chân cho môn đệ, chấp nhận bị treo lên như một tên tử tội, lúc mai táng cũng phải mượn một ngôi mộ của người khác… Bước theo Chúa, chúng con cũng sẽ phải là những người khiêm nhường phục vụ tha nhân dù họ là ai. Chúng con cũng sẽ là những “tôi tớ không lớn hơn chủ nhà”, cả trong những gian nan thử thách: “Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Các thánh Tông đồ, các thánh Tử đạo đã nên giống Thầy Giêsu trong những cuộc bắt bớ, hành hạ, đánh đập… Họ là những tôi tớ trung thành và nên giống Chúa là Chủ của mình.

Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Trong bài đọc I, ông Phaolô khen ngợi sự khiêm nhường chân nhận thân phận của ông Gioan Tẩy Giả, một người được sai đi, trong khi ông đang đầy uy tín: “Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người” (Cv 13,25).

Đức Giêsu còn khẳng định rõ: “Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20). Người dạy các môn đệ tinh thần “đón tiếp”. Đón tiếp ở đây không chỉ là xã giao như đón khách, nhưng là mở rộng lòng, đón nhận người khác đi vào cuộc đời mình, dù họ là người khốn khó bần hàn về vật chất hay tinh thần, để chia sẻ cuộc sống với họ, coi họ như hình ảnh của Chúa Kitô để hết lòng tiếp đón và sẵn sàng phục vụ.

Lạy Chúa! Chính Chúa đã từng xuống đời mang thân đớn đau, từng với người chung tim xuyến xao. Chúa sẵn sàng liên lụy với cuộc đời của mỗi con người hèn mọn chúng con. Xin cho chúng con mặc lấy tấm lòng yêu thương tự hủy của Chúa, để đời sống chúng con họa lại tinh thần phục vụ khiêm nhường của Chúa, trong mỗi người anh em xa gần mà chúng con có cơ hội gặp gỡ và những người sống với chúng con. Amen.

Én Nhỏ

Đón nhận và tin vào Tin Mừng của Chúa (21.04.2016)

 

1- Ghi nhớ:

“Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13, 20).

2- Suy niệm:

Thiên Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài đển thế gian để giảng dạy cho mọi người con đường cứu rỗi, và khi đã hoàn tất sứ mệnh của Ngài trên trần gian này, Chúa Giêsu sai các môn đệ Ngài đi loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho mọi tạo vật. Sự chính thống đó được Chúa Giêsu quả quyết trong bài Tin Mừng hôm nay : “Thầy bảo thật các con, ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.

Các Tông Đồ là những chứng nhân đã được chính Chúa Kitô tuyển chọn và sai đi. Ai đón nhận các Tông Đồ cũng như đón nhận những lời giáo huấn của các Tông Đồ là đón nhận chính Chúa Giêsu. Ai tin vào các Tông Đồ là tin vào Chúa Giêsu. Đó cũng là đặc tính tông truyền của Hội Thánh.

Ngày xưa, các Tông đồ đã nhân danh Đức Giêsu để chữa lành bệnh tật, rao giảng lời Chúa. Ngày nay, các vị mục tử trong Hội Thánh cũng nhân danh Đức Giêsu, rao giảng Lời Chúa, chữa lành những tâm hồn đau thương. Đặc biệt, các ngài là những thừa tác viên của Bí Tích Thánh Thể, nguồn mạch tình yêu và sự hiệp thông trong Hội Thánh.

Ơn gọi Kitô hữu, tự bản chất cũng là ơn gọi làm việc tông đồ, truyền giáo. Mỗi người Kitô hữu phải sẵn sàng cộng tác với các vị mục tử trong Hội Thánh. Đồng thời, noi gương các Tông Đồ, mọi thành phần trong Hội Thánh, tùy theo ơn gọi của mình cần phải dấn thân loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống để Tin Mừng Đức Kitô Phục Sinh được loan báo khắp nơi, ngõ hầu đem lại bình an và ơn cứu độ cho mọi người.

3- Cầu nguyện :

Lạy Chúa, chúng con biết rằng nếu không có Chúa, chúng con sẽ không làm gì được. Xin Chúa ở với chúng con luôn mãi, ban ơn giúp sức để chúng con mau mắn thực thi Lời Chúa và đem Lời Chúa đến cho mọi người. Xin Chúa hãy tỉnh ngộ tâm hồn chúng con khỏi u mê thế gian, khỏi lòng ham mê vật chất, khỏi thói háo danh ham lợi, để chúng con biết trung thành với Chúa, yêu thương và vị tha với mọi người, để được Chúa thương xót cứu thoát cùng ban sự sống đời đời cho chúng con. Amen.

4- Sống Lời Chúa :

Để tình nghĩa gắn bó mật thiết giữa Chúa và chúng ta ngày càng sâu đậm,  chúng ta đừng quên dành thời giờ tâm sự với Chúa mỗi ngày, nhất là tham dự Thánh lễ và rước Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào trong lòng chúng ta, giúp chúng ta chiến thắng tội lỗi và mạnh mẽ tuyên xưng đức tin cũng như hăng hái loan truyền Tin Mừng của Chúa đến cho những người đang sống chung quanh chúng ta.

Hoài Thanh

Đọc và thực hành Lời Chúa

“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em.” (Ga 13,17)

Suy niệm: Có lẽ không con đường nào dài hơn con đường từ đầu đến tay, từ lý thuyết đến thực hành. Ai cũng từng cảm nghiệm được sự thách đố và khó khăn khi thi hành điều mình nhận biết hay quyết tâm thực hiện. Từ chỗ biết đến chỗ sống điều mình biết không chỉ là con đường dài nhất, nhưng còn là con đường chẳng dễ dàng chút nào, nếu không muốn nói là trắc trở và lắm gian nan. Đang khi ấy, con đường nên thánh của người môn đệ Chúa Giê-su gồm hai bước: bước hiểu biết Lời Chúa và bước thực hiện Lời ấy, nhất là qua việc phục vụ tha nhân với lòng khiêm nhường. Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những ai “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28), nghĩa là biết đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống. Thực hiện được hai bước song hành này là ta thật sự trở nên những chứng nhân sống động cho tình yêu Chúa giữa xã hội hôm nay.

Mời Bạn: Đừng bao giờ hài lòng vì đã đọc Lời Chúa mỗi ngày, vì bạn còn thiếu bước hai, là thực hiện Lời Chúa ấy mỗi ngày, nhất là qua việc sống đức ái với những người lân cận. Để chu toàn đức ái Kitô hữu, bạn hãy bắt đầu từ những nghĩa cử yêu thương nhỏ mọn.

Chia sẻ: Chia sẻ cảm nghiệm về những khó khăn bạn phải đương đầu khi sống Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm thi hành Lời Chúa bằng cách phục vụ một người nghèo khó ở bên cạnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con biết rằng nếu không có Chúa chúng con sẽ không làm gì được. Xin ở bên chúng con luôn mãi, ban ơn giúp sức để chúng con mau mắn thực thi Lời Chúa. Amen.

Thân thiết thầy – trò

“Thật Thầy bảo thật anh em: Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Ga 13,20)

Suy niệm: Trong bầu khí yêu thương thân tình giữa Thầy và trò sau khi Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, chúng ta cảm nhận được sự bồi hồi xao xuyến của Ngài trước lúc chia tay. Đây là lúc mà không còn lúc nào khác để Chúa nói với các môn đệ những lời tâm huyết nhất: Ngài cho biết mối tương quan giữa Ngài với các môn đệ trở nên khăng khít vì được liên kết với mối tương quan khăng khít không thể tách rời giữa Ngài với Chúa Cha: Ai đón tiếp các môn đệ là đón tiếp Chúa Giê-su và đón tiếp Ngài như vậy cũng tương đương như là đón tiếp chính Chúa Cha.

Mời Bạn: Hiểu thấu được tâm tình của Đức Giê-su bạn có cảm thấy được đánh động sâu xa cả con người của bạn không? Biết mình trở nên quan trọng với Chúa như thế, được liên kết chặt chẽ với Ngài như thế, bạn quyết tâm là người môn đệ trung thành của Thầy, thực hành tới từng chấm từng phẩy lời Thầy dạy chứ? Bạn được Thầy tuyển chọn và sai đi tiếp tục sứ mạng của Ngài, bạn sẽ sống xứng đáng với sự tin tưởng của Thầy, để mọi người có thể nhận ra Ngài nơi đời sống của bạn chứ?

Chia sẻ: Bạn nhìn lại những biến cố xảy ra trong cuộc đời bạn. Bạn có nhận ra sự chăm sóc ân cần của Chúa dành cho bạn, và sự tín nhiệm của Ngài đối với bạn khi Ngài trao cho bạn sứ mạng làm ngôn sứ, chứng nhân cho Ngài không? Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm đó.

Sống Lời Chúa: Để tình thân thiết Thầy-trò giữa Chúa và bạn ngày càng sâu đậm bạn đừng quên dành thời giờ tâm sự với Chúa mỗi ngày.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hòa Bình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *