Video: Phép lạ Serpii Maicii Domnului Lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời tại Hy Lạp

https://youtu.be/VNLo66RVHuY

1. Thư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ gởi cộng đoàn dân Chúa về trường hợp Tổng Giám Mục McCarrick

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố sau đây đề ngày 1 tháng Tám, 2018 gởi cộng đoàn dân Chúa khẳng định quyết tâm của các Giám Mục Mỹ tìm ra sự thật trong những cáo buộc liên quan đến Tổng Giám Mục McCarrick, và trình bày các bước mà Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ chọn để giải quyết những thất bại của Giáo Hội trong việc bảo vệ dân Chúa.

Toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y DiNardo như sau:

“Các cáo buộc chống lại Tổng Giám mục Theodore McCarrick cho thấy một sự thất bại đạo đức nghiêm trọng trong Giáo hội. Những cáo buộc này làm cho các giám mục tức giận, buồn bã và xấu hổ, tôi cũng nhận thấy như thế trong tôi. Những lời tố cáo ấy buộc các giám mục phải hỏi, như chính tôi cũng tự hỏi chính mình, đâu là những gì lẽ ra chúng ta đã có thể làm để bảo vệ dân Chúa, và ngăn cản những kẻ lạm dụng. Sự kiện là những tội lỗi này đã không bị tiết lộ trong nhiều thập niên, đã gây ra tổn hại lớn cho cuộc sống của người dân và tiêu biểu cho những thất bại đạo đức nghiêm trọng trong phán đoán của các nhà lãnh đạo Giáo hội.

Những thất bại này đặt ra những vấn đề nghiêm trọng. Tại sao những cáo buộc liên quan đến tội lỗi về đức khiết tịnh và phẩm giá con người không được tiết lộ ngay khi những tố cáo ấy được đưa ra với các viên chức Giáo hội ngay từ đầu? Tại sao những tình huống nghiêm trọng này không được giải quyết sớm hơn hàng thập kỷ trước và với công lý? Các chủng viện của chúng ta phải làm gì để bảo vệ quyền tự do phân định ơn gọi linh mục mà không trở thành đối tượng bị lạm dụng quyền lực?

Tổng Giám Mục McCarrick sẽ phải đối diện thích đáng với sự phán xét trong một tiến trình xét xử về mặt giáo luật tại Tòa Thánh về những cáo buộc chống lại ngài, nhưng cũng có những bước chúng ta nên làm trong tư cách Giáo Hội ở đây, tại Hoa Kỳ này. Sau khi cầu nguyện về điều này, tôi đã triệu tập Ủy ban thường vụ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Cuộc họp này là cuộc họp đầu tiên trong số nhiều cuộc họp của các giám mục và sẽ được mở rộng trong cuộc họp Ủy ban quản trị của chúng tôi vào tháng Chín và trong phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục vào tháng Mười Một. Tất cả các cuộc thảo luận này được hoạch định theo hướng phân định ra những hành động thích hợp cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Công việc này sẽ mất một thời gian nhưng cho phép tôi nhấn mạnh bốn điểm này ngay bây giờ.

Đầu tiên, tôi khuyến khích các giám mục anh em của mình đang coi sóc các giáo phận địa phương của chúng ta hãy đáp lại với lòng từ bi và công lý cho bất kỳ ai bị lạm dụng tính dục hoặc bị quấy rối bởi bất cứ ai trong Giáo Hội. Chúng ta nên làm bất cứ điều gì chúng ta có thể để tháp tùng với họ.

Thứ hai, tôi khích lệ bất cứ ai đã từng bị tấn công tình dục hoặc bị quấy rối bởi bất cứ ai trong Giáo Hội hãy bước ra. Trong những trường hợp mà vụ việc có thể lên đến mức tội phạm hình sự, xin vui lòng liên hệ với cả các cơ quan thực thi pháp luật địa phương.

Thứ ba, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ sẽ theo đuổi đến cùng nhiều vấn nạn được đặt ra xung quanh hành vi của Tổng Giám mục McCarrick với toàn bộ quyền hạn của mình; và khi đã đến tận cùng giới hạn thẩm quyền của mình, Hội Đồng Giám Mục sẽ đạo đạt lên những vị có thẩm quyền cao hơn. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi quyết tâm tìm ra sự thật trong vấn đề này.

Cuối cùng, các giám mục nhận ra rằng một sự hoán cải về tâm linh là cần thiết khi chúng ta tìm cách khôi phục mối quan hệ đúng đắn giữa chúng ta với nhau và với Chúa. Giáo hội của chúng ta đang chìm trong một cuộc khủng hoảng về đạo đức tính dục. Con đường tiến lên phía trước đòi buộc phải học hỏi từ những tội lỗi trong quá khứ.

Chúng ta hãy cầu nguyện xin ơn khôn ngoan và sức mạnh từ Thiên Chúa để đổi mới khi chúng ta tuân theo lời khuyên này của Thánh Phaolô: ‘Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tinh thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.’ (Rôma 12: 2).

+ Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ”

2. Kitô hữu Pakistan buồn vui lẫn lộn sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử của Imran Khan

Pakistan đã tổ chức các cuộc tổng tuyển cử vào ngày 25 tháng 7, trong đó đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf, gọi tắt là PTI, của Imran Khan đã giành được chiến thắng trong một cuộc bầu cử có nhiều cáo buộc gian lận và bất quy tắc. Hiện tại, PTI đang đàm phán với các đối tác để thành lập chính phủ.

Chiến thắng của PTI đã bị lu mờ bởi những cáo buộc về việc gian lận phiếu bầu, các hành vi bất quy tắc, kể cả các hình thái bạo lực, bao gồm một vụ tấn công khủng bố bằng bom tự sát vào ngày bầu cử 25 tháng 7 tại Quetta, giết chết ít nhất 31 người.

Đảng PTI, được cho là có sự ủng hộ của giới quân đội đầy thế lực của đất nước, đã chiến thắng với 116 trong số 269 ghế tại Quốc hội, vượt xa đối thủ gần nhất, là Liên Minh Hồi Giáo của ông Shahbaz Sharif tới 64 ghế.

Khan hiện đang đàm phán với các đồng minh và độc lập để thành lập chính phủ liên minh.

Cha James Channan, dòng Đa Minh là người đứng đầu Trung tâm Công Lý và Hòa bình của tổng giáo phận Lahore nói với Vatican News rằng trước cuộc bầu cử, các Kitô hữu đã nhắn tin cho nhau trên các phương tiện truyền thông xã hội đừng bỏ phiếu cho Imran Khan. Nhận ra điều này, Imran Khan bảo đảm rằng các dân tộc và các nhóm tôn giáo thiểu số không nên sợ ông ta và chính phủ ông sẽ thành lập nếu được thắng cử, và ông ta muốn thấy một Pakistan như được hình dung bởi người sáng lập quốc gia, là Mohammad Ali Jinnah.

Theo Imran Khan, tất cả công dân, kể cả Kitô hữu, sẽ được đối xử bình đẳng ở Pakistan, nhưng cha Channan nói rất khó để nói vào lúc này là liệu điều đó có xảy ra hay không. Tuy nhiên, vị linh mục đang hoạt động trong các cuộc đối thoại giữa các tôn giáo vì sự hài hòa xã hội vẫn cảm thấy lạc quan và hy vọng rằng Khan sẽ thực hiện những lời hứa mà ông đã đưa ra.

Cha Nasir William, giám đốc Ủy ban truyền thông xã hội của giáo phận Islamabad-Rawalpindi, nói với AsiaNews rằng các chính phủ trước đây của Pakistan đã thất bại trong việc đem lại sự bình đẳng cho các dân tộc và các tôn giáo thiểu số. Trong bài phát biểu chiến thắng của mình, Khan bảo đảm với những người thiểu số rằng các đặc quyền cơ bản được ghi trong hiến pháp sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên, cha Willian cho biết ngài muốn giữ sự im lặng vì các nhà lãnh đạo của đảng PTI tiếp tục gọi các Kitô hữu là kaafir, nghĩa là kẻ vô đạo, và churhas, nghĩa là dân hạ đẳng.

Cha Willian lưu ý rằng một nhiệm kỳ 5 năm không đủ để chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo đã được dầy công xây dựng và phát triển mạnh trong nhiều thập kỷ qua.

Hyacinth Peter, thư ký điều hành của Ủy ban Công Lý và Hòa bình của Hội Nghị Các Nhà Lãnh Đạo Các Tôn Giáo Lớn cho biết Khan đã “không quan tâm” tới các dân tộc thiểu số vì ông ta đã thề sẽ bảo vệ luật phạm thượng là luật gây nhiều tranh cãi của Pakistan. Chính phủ của ông ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã xóa tất cả nội dung thế tục khỏi giáo trình của các trường học.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Pakistan cũng chỉ trích chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, do PTI nắm giữ, vì không đền bù cho gia đình của những người đã chết trong vụ nổ tại nhà thờ Peshawar vào năm 2013.

Tuy nhiên Cha Qaiser Feroz, thư ký điều hành của ủy ban truyền thông xã hội của Hội Đồng Giám Mục Pakistan tỏ ra lạc quan hơn với Imran Khan, người mà ngài tin là có một tầm nhìn thế tục của Jinnah, vị cha già dân tộc đã khai sinh ra Pakistan.

3. Phép lạ Serpii Maicii Domnului đáng kinh ngạc tại Hy Lạp

Đài truyền hình Hy Lạp hôm thứ Ba 7 tháng 8 cho biết con số người hành hương tu viện Chính Thống Giáo trên đảo Kefalonia năm nay đông hơn rất nhiều so với những năm trước theo sau vụ cháy rừng kinh hoàng kéo dài đến 4 ngày từ 23 tháng 7 đến 26 tháng 7 làm 91 người chết. Bên cạnh đó còn có 164 người lớn và 23 trẻ em bị thương phải nằm bệnh viện.

Hàng năm từ mùng 5 tháng 8 đến 15 tháng 8, các tín hữu Chính Thống Giáo mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời tại tu viện Dormition of the Theotokos, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa an nghỉ. Đó là một tu viện nổi tiếng trên hòn đảo Kefalonia của Hy Lạp.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một hiện tượng rất siêu tự nhiên. Trong thời gian 10 ngày mừng lễ Đức Mẹ Lên Trời từng đàn rắn từ biển bò lên và tụ tập chung quanh một ảnh tượng Đức Mẹ. Những con rắn này được gọi là Serpii Maicii Domnului, nghĩa là rắn của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

Chúng rất hiền lành, không cắn ai. Các tín hữu có thể để chúng bò trên mặt mình. Các tín hữu Chính Thống Giáo tin rằng đây là một phép lạ diễn ra hàng năm. Năm nào không xảy ra hiện tượng này thì đó là một điềm xấu.

Những năm loài rắn đã không xuất hiện trên đảo là vào Thế chiến thứ Hai, và vào năm 1953, khi hòn đảo này xảy ra một trận động đất lớn.

Theo truyền thống, phép lạ này bắt đầu diễn ra vào năm 1705, khi các nữ tu của tu viện sắp bị những tên cướp biển tấn công.

Truyền thuyết kể rằng các nữ tu đã cầu nguyện nhiệt thành với Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ biến các chị thành rắn để tránh bị bắt hay làm sao cho tu viện có đầy rắn để xua đuổi những tên cướp biển. Cuối cùng họ đã được cứu.

Kể từ đó, mỗi năm ngay trước dịp lễ, một đàn rắn lại bò từ biển vào tu viện như thể để tôn vinh Đức Mẹ. Sau lễ chúng rút hoàn toàn ra biển không còn con nào sót lại trên đảo.

4. Dù được dân chúng ủng hộ và năn nỉ, Đức Hồng Y Monsengwo tuyên bố không ra tranh cử tổng thống

Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya đã tuyên bố ngài sẽ không ra tranh cử tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, vì ngài “còn có nhiều việc khác phải làm.”

Cộng hòa Dân chủ Congo đang trong tiến trình chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 23 tháng 12, và một nhóm mới được thành lập với danh xưng là “Kitô hữu Năng động vì Đoàn kết và Dân chủ” đã khởi xướng một thỉnh nguyện thư kêu gọi Đức Hồng Y Monsengwo ra tranh cử với Tổng thống Joseph Kabila. Đức Hồng Y là Tổng Giám mục Kinshasa và là một trong 9 thành viên của Hội đồng Hồng Y cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tổ chức này tập hợp nhiều nhóm Kitô hữu giáo dân của cả Công Giáo và Tin Lành cho rằng Đức Hồng Y là người duy nhất có uy tín trong cuộc tranh cử với tổng thống đương nhiệm.

Một cuộc thăm dò ý kiến công chúng gần đây cho biết Đức Hồng Y Monsengwo là người được tôn trọng nhất trong cả nước, và là một trong những người được hầu hết mọi người mong muốn lãnh đạo đất nước để thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Kabila, là người đã làm tổng thống quá lâu, từ ngày 26 tháng Giêng 2001 đến nay.

Serge Gontcho, người phát ngôn của tổ chức nói, Đức Hồng Y Monsengwo là “một sự thay thế chắc chắn và đáng tin cậy trong tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo”.

5. Giáo phận Harrisburg đục bỏ danh tính các giáo sĩ có liên quan đến lạm dụng tính dục khỏi các nhà thờ và các cơ sở của giáo phận

Trong một động thái chưa từng thấy và đáng kinh ngạc, Đức Cha Ronald Gainer, Giám Mục giáo phận Harrisburg, Hoa Kỳ đã công bố danh tính của 71 giáo sĩ có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các trường hợp lạm dụng tính dục và truyền đục bỏ tên tuổi các vị này khỏi các nhà thờ và các tài sản khác của giáo phận. Tên của một vài giám mục giáo phận cũng bị đục bỏ vì, theo Đức Cha Ronald Gainer, các ngài thất bại trong việc chặn đứng tội lỗi này.

Đức Cha Gainer nói “bất cứ ai bị buộc tội có liên quan đến các hành vi tình dục sai trái sẽ bị xóa tên khỏi bất kỳ nơi tôn vinh nào” trong toàn giáo phận.

“Quyết định loại bỏ tên của các giám mục và giáo sĩ có thể gây tranh cãi, nhưng là giám mục, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng các nhà lãnh đạo của giáo phận phải cố đạt đến các tiêu chuẩn cao hơn và phải là những biểu tượng danh dự để giúp vào việc chữa lành.”

Đức Cha Gainer cũng công bố tên của 71 vị đã bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ em trong thời gian từ năm 1947 đến nay. Trong số 71 vị, 37 là linh mục của giáo phận Harrisburg, 3 vị là phó tế của giáo phận, 6 người là chủng sinh, 9 vị là linh mục từ các giáo phận khác, và 16 vị thuộc các dòng tu.

Không có vị nào trong danh sách này hiện đang giữ các chức vụ hay đang phục vụ trong giáo phận.

6. Kỷ niệm 1030 năm đón nhận đức tin Kitô tại Nga, Ukraine và Belorussia

Kiev Rus là một liên minh lỏng lẻo, tồn tại từ cuối thế kỷ thứ 9 đến giữa thế kỷ thứ 13, của các bộ lạc nói tiếng Slav ở vùng Đông Âu. Người Nga, Ukraine và Belorussia đều nhận mình là hậu duệ của đất nước Kiev Rus.

Cách đây 1030 năm, dân tộc Kiev Rus đã đón nhận đức tin Kitô. Các lễ kỷ niệm trang trọng tại Nga, Ukraine và Belorussia đã diễn ra vào ngày 28 tháng 7.

Đỉnh cao của các lễ kỷ niệm là thánh lễ được cử hành tại quảng trường nhà thờ chánh tòa Mạc Tư Khoa gần điện Cẩm Linh do Đức Thượng Phụ Kirill cử hành với sự tham dự của tổng thống Putin. Đức Thượng Phụ Kirill được tin là có quan hệ huyết thống trực hệ với hoàng thái tử Vladimir, là người đã quyết định chịu phép rửa tội 1030 năm trước và đưa cả nước gia nhập Kitô Giáo.

Đức Thượng Phụ Kirill đã bày tỏ nỗi buồn vì không thể ăn mừng lễ kỷ niệm tại Lavra trong vùng các hang động Kiev, nơi ngài đã cử hành biến cố này hàng năm kể từ khi được bầu vào chức vụ này năm 2009 cho đến năm 2014, khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra và sau đó tổng thống Poroshenko cấm không cho người Nga sang thủ đô xa xưa của KievRus.

Tại Kiev, các nghi lễ với sự tham dự của hơn 250,000 người được Đức Tổng Giám Mục Onufrij Berezovsky, người đứng đầu Giáo hội Chính thống liên kết với Mạc Tư Khoa cử hành.

Đức Tổng Giám Mục Onufrij Berezovsky sẽ sớm là Thượng Phụ của một Giáo Hội Chính Thống Ukraine tách khỏi Mạc Tư Khoa.

Trong một nghi lễ riêng biệt khác, Đức Thượng Phụ Chính thống Filaret đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu thuộc Giáo Hội Chính Thống Ukraine độc lập. Một thánh lễ khác được Đức Tổng Giám Mục Svjatoslav Shevchuk cử hành cho các tín hữu Công Giáo nghi lễ Đông phương.

7. Thượng Phụ Ai Cập ủng hộ lập trường của Mạc Tư Khoa về Chính Thống Giáo Ukraine

Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo thành Alexandria và toàn châu Phi, đã đến Mạc Tư Khoa nhân lễ kỷ niệm 1030 năm phép rửa tội của dân tộc Kiev Rus.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin RIA Novosti, ngài bày tỏ sự vui mừng trước sự trở lại của nước Nga và sự phát triển huy hoàng của Giáo hội Chính thống địa phương, một Giáo Hội lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới.

Ngài cũng nhân dịp này gióng lên tiếng kêu cứu của các tín hữu Kitô bị đàn áp tại châu Phi và vấn đề của những người tị nạn.

Khi được hỏi về quan điểm của ngài đối với vấn đề thời sự là việc Chính Thống Giáo Ukraine sẽ sớm tách ra khỏi Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, ngài tỏ ra đồng tình với quan điểm của Đức Thượng Phụ Kirill và Đức Tổng Giám Mục Hilarion theo đó Ukraine nằm trong “lãnh thổ giáo luật” của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Quan điểm này đối kháng với ý kiến của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô của Tòa Constantinople, là Ukraine “không thuộc quyền tài phán” của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa hiện có 12,000 giáo xứ, trên 200 tu viện, và hàng triệu tín đồ ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Ukraine.

Tháng Tư vừa qua, tổng thống Poroshenko của Ukraine đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô để yêu cầu ngài ủng hộ một Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập, tách khỏi qũy đạo Mạc Tư Khoa.

8. Ý cầu nguyện tháng Tám của Đức Thánh Cha: “Cầu nguyện cho các giá trị gia đình”.

Hôm thứ Năm 2/8, Tòa Thánh đã công bố ý cầu nguyện trong tháng Tám của Đức Thánh Cha qua một video. Ý chung của Đức Thánh Cha là cầu nguyện “cho các giá trị gia đình”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta hãy cùng nhau nguyện xin Chúa Giêsu cho bất luận những quyết định gì do các chuyên viên kinh tế cũng như các chính trị gia đưa ra đều nhằm vào việc bảo vệ gia đình như là một kho báu và như một nền tảng của nhân loại.”

Mỗi thánh Đức Thánh Cha Phanxicô phát đi một thông điệp video nói lên ý định cầu nguyện của ngài trong tháng đó.

Đức Thánh Cha giải thích: “Khi nói về gia đình, hình ảnh về một kho tàng thường đến với tâm trí của cha.

Ngày nay nhịp sống với nhiều căng thẳng, áp lực trong công ăn việc làm và trước thực tại là gia đình ngày nay ít được các cơ chế xã hội chú ý đến có thể khiến các gia đình gặp nhiều hiểm họa!

Nói về tầm quan trọng của gia đình mà thôi thì chưa đủ, chúng ta cần đề cao các phương tiện cụ thể và cần phát triển vai trò của gia đình trong xã hội với một chính sách gia đình đúng đắn.

Cùng nhau, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu cho mọi quyết định sâu rộng nào của các nhà kinh tế và các chính trị gia đều nhắm vào việc bảo vệ gia đình như là một trong những kho báu của nhân loại.”

9. Hãy nói không với án tử hình

Kể từ khi ra mắt Sách Giáo Lý Công Giáo, không có vấn đề nào gây nhiều cảm xúc cho bằng vấn đề án tử hình. Điều răn thứ năm lại chẳng cấm giết người đó sao? Thế còn chuyện tự vệ thì sao? “Ai bảo vệ mạng sống mình thì không mắc tội giết người, kể cả khi bó buộc phải giáng một ngọn đòn chí tử vào kẻ tấn công” (số 2264). Theo thánh Tôma Aquinô, “Nếu ai bảo vệ mạng sống mình mà sử dụng bạo lực quá mức cần thiết, thì hành vi này là bất hợp pháp. Còn nếu người đó đẩy lui bạo lực cách chừng mực, thì đó là tự vệ hợp pháp”.

Sự bảo vệ hợp pháp như thế, trong trường hợp liên quan đến gia đình mình hoặc công ích của quốc gia, thì “không những là một quyền, mà còn là bổn phận quan trọng của người có trách nhiệm về sự sống của những người khác” (số 2265). Điều này có thể dẫn đến cả việc “bảo vệ hợp pháp bằng sức mạnh quân sự” (số 2309).

Vậy, việc bảo vệ công ích có thể đi xa đến mức thiết lập án tử hình không? Đó là điều mà Sách Giáo Lý nói tới: “Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, sau khi đã xác minh đầy đủ căn tính và trách nhiệm của phạm nhân, không loại trừ việc kết án tử hình, nếu đây là con đường khả thi duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống con người khỏi bị xâm phạm cách bất công” (số 2267). Tuy nhiên, đừng quên rằng ngay sau khẳng định này, Sách Giáo Lý viết: “Nếu các phương tiện không đổ máu đã đủ để bảo vệ… thì nhà cầm quyền chỉ nên dùng những phương tiện này nếu chúng đáp ứng tốt hơn cho những hoàn cảnh cụ thể của công ích và phù hợp hơn với phẩm giá của nhân vị” (số 2267).

Trong thông điệp Tin Mừng sự sống, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn đi xa hơn, và Sách Giáo Lý cũng lấy lại lập trường của ngài: “Trong thời đại chúng ta, vì Nhà Nước có nhiều khả năng để chế ngự tội ác cách hữu hiệu, làm cho kẻ đã phạm tội không còn khả năng tác hại, mà không tước đoạt cách vĩnh viễn khả năng chuộc tội của họ, nên những trường hợp tuyệt đối cần thiết phải khử trừ phạm nhân, từ nay sẽ rất hiếm, nếu không muốn nói là trong thực tế không còn nữa” (số 2267). Thánh Gioan Phaolô II còn viết thêm: “Về vấn đề này, cả trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội dân sự, ngày càng gia tăng khuynh hướng yêu cầu giới hạn án tử hình, kể cả bãi bỏ hoàn toàn” (Tin Mừng sự sống, số 56).

Phải chăng đó là tiếng nói phủ nhận dứt khoát án tử hình? Trong ấn bản La Tinh của Sách Giáo Lý, xuất bản vào ngày 8 tháng 9 năm 1997, những ghi nhận của Thánh Gioan Phaolô II đã được thêm vào. Trong thực tế, nhiều lần Thánh Gioan Phaolô II công khai chống lại việc áp dụng án tử hình, và xin tha cho những người bị kết án tử. Hội Thánh biết rằng tội ác sẽ còn xảy ra bao lâu người ta lấy bạo lực đáp lại bạo lực và bao lâu tình yêu tha nhân – nhất là yêu thương kẻ thù – chưa được thực hiện. Trong ánh sáng của Tin Mừng, Hội Thánh sẽ tiếp tục loan báo tình yêu thương kẻ thù như Chúa Giêsu đã dạy, và nói “Không” với án tử hình.

10. Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích về việc thay đổi đoạn 2267 trong sách giáo lý Công Giáo liên quan đến án tử hình

Sau khi được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến vào đầu năm nay, và sau khi được phê chuẩn, Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết Bộ đã thay đổi đoạn 2267 về án tử hình theo đó hình phạt này là không thể chấp nhận được.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một sửa đổi mới về đoạn 2267 của Sách Giáo Lý Công Giáo, theo đó “đã xuất hiện một sự hiểu biết mới về ý nghĩa của hình phạt tử hình do nhà nước áp đặt” theo đó “án tử hình là không thể chấp nhận được”.

Quyết định này được công bố bởi Bộ Giáo Lý Đức Tin trong “Thư gửi các Giám mục” đề ngày 1 tháng 8 với chữ ký của Đức Hồng Y Tổng trưởng, Luis Francisco Ladaria.

Văn bản mới

Hình phạt tử hình

2267. Việc dùng đến hình phạt tử hình như một phần của thẩm quyền hợp pháp, sau một phiên tòa công bằng, từ lâu đã được coi là một phản ứng thích đáng đối với tính chất nghiêm trọng của một số tội phạm và được coi là một phương tiện chấp nhận được, cho dù là quá đáng, để bảo vệ thiện ích.

Tuy nhiên, ngày nay, có một nhận thức ngày càng tăng rằng nhân phẩm của người đó không bị mất ngay cả sau khi đương sự đã phạm các tội rất nghiêm trọng. Ngoài ra, đã xuất hiện một sự hiểu biết mới về ý nghĩa của hình phạt tử hình do nhà nước áp đặt. Cuối cùng, các hệ thống giam giữ hiệu quả hơn đã được phát triển, bảo đảm sự bảo vệ thích đáng các công dân nhưng, đồng thời, không cần phải dứt khoát tước mất khả năng chuộc lỗi của can phạm.

Do đó, Giáo Hội dạy, trong ánh sáng của Tin Mừng, rằng “án tử hình là không thể chấp nhận được vì nó là một cuộc tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của người đó”, và Giáo Hội quyết tâm nỗ lực hoạt động để hủy bỏ án tử hình trên toàn thế giới” .

Văn bản trước đó:

Theo văn bản trước của đoạn 2267 trong sách Giáo Lý Công Giáo, Giáo Hội đã không loại trừ việc dùng đến án tử hình trong những trường hợp “rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là trong thực tế không còn nữa”:

2267. Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, sau khi đã xác minh đầy đủ căn tính và trách nhiệm của phạm nhân, không loại trừ việc kết án tử hình, nếu đây là con đường khả thi duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống con người khỏi bị xâm phạm cách bất công. Tuy nhiên, nếu các phương tiện không đổ máu đã đủ để bảo vệ và che chở sự an toàn của các nhân vị khỏi kẻ xâm phạm, thì nhà cầm quyền chỉ nên dùng những phương tiện này nếu chúng đáp ứng tốt hơn cho những hoàn cảnh cụ thể của công ích và phù hợp hơn với phẩm giá của nhân vị. Thật ra, trong thời đại chúng ta, vì Nhà Nước có nhiều khả năng để chế ngự tội ác cách hữu hiệu, làm cho kẻ đã phạm tội không còn khả năng tác hại, mà không tước đoạt cách vĩnh viễn khả năng chuộc tội của họ, nên những trường hợp tuyệt đối cần đến là rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là trong thực tế không còn nữa.

Sửa đổi này là liên tục với các Huấn Quyền trước

Trong thư gửi cho các Đức Giám Mục, Đức Hồng Y Ladaria giải thích rằng bản sửa đổi của khoản 2267 trong Sách Giáo Lý Công Giáo “thể hiện sự phát triển đích thực của giáo lý không mâu thuẫn với các giáo huấn trước đây của Huấn Quyền Hội Thánh” và nói “những giáo huấn này, trên thực tế, có thể được giải thích dưới ánh sáng trách nhiệm chính của cơ quan công quyền trong việc bảo vệ thiện ích chung trong bối cảnh xã hội mà các hình phạt tử hình được hiểu rất khác nhau”.

Đức Hồng Y Ladaria nhấn mạnh rằng:

“Án tử hình đã được phát triển trong một môi trường xã hội trước đây khi có rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm rằng các can phạm không thể lặp lại tội ác của mình”.

Trong thời đại chúng ta, Nhà nước có nhiều khả năng hơn để chế ngự tội ác cách hữu hiệu, làm cho kẻ đã phạm tội không còn khả năng tác hại, án tử hình, do đó, không còn cần thiết nữa.

Thỉnh cầu bãi bỏ án tử hình của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

Đức Hồng Y Ladaria nhắc nhớ rằng Đức Gioan Phaolô II đã yêu cầu là giáo huấn của Giáo Hội về án tử hình phải được cải cách để phản ánh tốt hơn sự phát triển của giáo lý đặt trọng tâm nơi nhận thức rõ ràng hơn của Giáo Hội đối với sự kính trọng dành cho mọi phẩm giá con người trong đó khẳng định rằng, “Ngay cả kẻ sát nhân cũng không mất đi nhân phẩm của mình, và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này.”

Đức Hồng Y Ladaria nói rằng trong nhiều dịp, Đức Gioan Phaolô II đã can thiệp vào việc hủy bỏ án tử hình và ngài mô tả hình phạt này là “tàn nhẫn và không cần thiết.”

Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16

Trong bức thư gửi cho các Giám Mục trên thế giới, Đức Hồng Y cũng nhắc nhớ rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi “sự chú ý của các nhà lãnh đạo xã hội đối với sự cần thiết phải cố gắng hết sức nhằm loại bỏ án tử hình” và khuyến khích “các sáng kiến chính trị và luật pháp đang được phát triển ngày càng nhiều ở một số nước để loại bỏ hình phạt tử hình và những tiến bộ đáng kể tiếp tục được thực hiện trong việc uốn nắn các luật hình sự theo chiều hướng vừa tôn trọng nhân phẩm của tù nhân vừa duy trì hiệu quả trật tự công cộng.”

Trách nhiệm của chính quyền trong việc bảo vệ cuộc sống của công dân

Đức Hồng Y Ladaria cho biết bản văn vừa được sửa đổi của đoạn 2267 Sách Giáo Lý Công Giáo, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, được đặt trong sự liên tục với Huấn Quyền trước đó trong khi đưa ra một sự phát triển mạch lạc của giáo lý Công Giáo “có tính đến sự hiểu biết mới về hình phạt tử hình được áp dụng bởi Nhà nước hiện đại” .

Bản sửa đổi mới “mong muốn cung cấp năng lượng cho một phong trào hướng tới một cam kết có tính chất quyết định trong việc ủng hộ một não trạng nhìn nhận phẩm giá của mỗi mạng sống con người, trong một cuộc đối thoại tôn trọng với các cơ quan dân sự, để khuyến khích tạo điều kiện cho phép loại bỏ hình phạt tử hình ở những nơi nó vẫn còn hiệu lực”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *