Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Ed 12,1-12 (năm chẵn), Gs 3,7-10a.11.13-17 (năm lẻ), Mt 18,21 – 19,1
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 18,21 – 19,1)
18 21 Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng : “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ?” 22 Đức Giê-su đáp : “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.
23 “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y, vợ con y, cùng tất cả tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục : ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : ‘Trả nợ cho tao !’ 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin : ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30 Nhưng y không chịu, cứ đi tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’ 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
19 1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.
Tình Yêu và sự tha thứ (17.08.2023)
Ngày 17.08: Lễ Nhớ Thánh Gia-xin-tô, linh mục (Dòng Đa Minh)
Trong Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn trong loạt bài giáo huấn của Chúa Giêsu về cách ứng xử trong Giáo Hội, trong đó Chúa dạy về sự tha thứ, một điều rất quan trọng để giữ gìn Giáo Hội.
Thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu : “khi anh em xúc phạm đến con …” nghĩa là Thánh Phêrô đã giả định sự xúc phạm xảy ra nhiều lần và ngài đề ra tiêu chuẩn tha thứ bảy lần khi bị xúc phạm. Văn hoá Do Thái hiểu số bảy là số hoàn hảo, tha thứ bảy lần là tha thứ hoàn toàn. Thời Chúa Giêsu, các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái dạy rằng người ta chỉ cần tha thứ 3 lần. Sau một thời gian theo Chúa Giêsu có vẻ như Thánh Phê rô đã thấm nhuần giáo lý Yêu Thương của Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời bằng sự xác định phải tha đến “bảy mươi lần bảy” lần, tức là tha tuyệt đối, tha không còn để lại dấu vết gì của sự xúc phạm nữa.
Khi dùng những con số bảy và bảy mươi lần bảy, có lẽ Thánh Mátthêu muốn nhắc đến một câu trong bài ca của ông La-méc, hậu duệ đời thứ sáu của Cain, kẻ đã giết em minh là Aben : “Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy !” (St 4,24). Báo thù “gấp bảy mươi bảy” có nghĩa là sẽ báo thù đến muôn đời, không bao giờ hết hận thù cả. Đó là những con số diễn tả cái ác ngày càng lan tràn trong xã hội loài người sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội và Cain giết em.
Khi liên kết những con số này từ Cựu ước sang Tân ước, tác giả Matthêu làm nổi bật sự đối nghịch giữa Tình Yêu, sự Thánh Thiện của Thiên Chúa với sự ác độc và lòng hận thù của con người, đồng thời ngài giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã hứa ban để giải thoát loài người khỏi tội lỗi và cái chết.
Thánh Phêrô muốn tha thứ bảy lần là đối nghịch với bảy lần trả thù cho Cain. Nhưng Chúa Giêsu trả lời phải tha đến bảy mươi lần bảy để xoá đi con số trả thù bảy mươi bảy lần của La-méc, có nghĩa là bỏ qua hết, không còn nhớ gì nữa, như Lời Thiên Chúa đã hứa tha hết tội lỗi cho dân Israel :
Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết ;
có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông. (Is 1,18)
Trong dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để minh hoạ cho sự tha thứ Ngài đã dạy, Chúa đã đi từ Lòng Thương Xót của vị vua khi nghe tên đầy tớ van lơn xin khất một kỳ hạn trả nợ, ông đã rộng rãi tha luôn cho hắn món nợ khổng lồ, món nợ mà dù hắn và cả gia đình hắn có làm đến hết đời cũng không trả nổi.
Đối lại, khi vừa được tha ra, ngay lập tức tên đầy tớ vô ơn và ác độc ấy đã nhẫn tâm bắt người bạn nợ hắn đem tống ngục để đòi một món nợ chỉ bằng một phần triệu món nợ hắn đã được tha, dù người bạn đã van lơn cầu xin hắn y như hắn đã cầu xin vị Vua.
Dĩ nhiên hậu quả của sự ác độc phải bị trừng phạt, tên đầy tớ bị Vua bắt lại, bị trách mắng rồi tống ngục cho đế khi hắn trả hết nợ, nghĩa là hắn sẽ bị giam cầm đời đời vì hắn không thể nào trả được hết món nợ ấy.
Kết luận bài giảng sau dụ ngôn, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ phải học theo sự yêu thương của Thiên Chúa, sẵn lòng tha thứ cho anh em để được Chúa thứ tha, như lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách cầu nguyện với Thiên Chúa “…xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…”.
Bài giảng của Chúa Giesu đã tóm gọn hai điều quan trọng nhất nhưng chỉ là một trong giáo lý của Kitô giáo : kính mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như bản thân.
Chỉ có yêu mới tha thứ trọn vẹn và vô điều kiện. Thiên Chúa với Tình yêu bao la và Lòng Thương Xót vô biên nên Ngài tha thứ cho loài người một cách trọn vẹn, dù loài người vẫn còn đầy tội lỗi và không xứng đáng với sự tha thứ đó, dù Chúa biết con người rồi cũng sẽ tiếp tục xúc phạm đến Ngài.
Giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tha thứ rất rõ ràng, đơn giản và Ngài đã làm gương bằng việc xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ đóng đinh Ngài ngay khi Ngài đang hấp hối trên Thập Giá.
Đã là con người thì chắc chắn phải có sai lầm, vì vậy để xây dựng, gìn giữ và phát triển một gia đình, đoàn thể, cộng đoàn v.v… các thành viên phải biết tha thứ, chấp nhận nhau. Nhưng thực tế việc này rất khó, bởi cái tôi của chúng ta, gốc tích của tội nguyên tổ, vẫn quá lớn. Nó làm chúng ta không chấp nhận bị thua kém, bị thiệt thòi. Do đó người Kitô hữu cần siêng năng cầu nguyện và luôn kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể để Ngài bổ sức hầu thực hành được những điểu Chúa muốn.
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con xin chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Chúa vì Ngài đã luôn tha thứ những xúc phạm của chúng con với Ngài, và Chúa vẫn hằng ban muôn ơn lành hồn xác cho chúng con. Chúng con luôn muốn kính mến Chúa hết lòng và yêu anh em như bản thân mình để đẹp lòng Chúa. Nhưng chúng con yếu đuối, không đủ sức chống lại những quyến rũ của thế gian nên hay sao nhãng bổn phận làm con của Chúa. Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng, giúp chúng con chiến thắng thế gian và cho chúng con biết noi gương Chúa Giêsu đã tha thứ cho kẻ bách hại mình, để chúng biết thương xót và tha thứ cho anh em khi họ xúc phạm đến chúng con.
Chúng con cầu xin vì Danh Chúa Giêsu Kitô Con Chúa và là Chúa chúng con. Amen.
Jos, NM Tưởng
Tha đến bảy mươi lần bảy (11.08.2022)
Ngày 11.08: Lễ Nhớ Thánh Cơ-la-ra, trinh nữ
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ về việc tha thứ cho những người có lỗi với mình. Cụ thể ông Phêrô đã hỏi Chúa: “Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không”. Đức Giêsu đáp: “ Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.
Người Do Thái quen nghĩ là: Ai xúc phạm đến Thiên Chúa ba lần thì còn được ơn tha thứ, chứ đến lần thứ bốn (quá tam ba bận) thì Người sẽ không tha nữa. Hôm nay Chúa dạy các môn đệ phải tha đến “ bảy mười lần bảy”, qủa là tha vô tận, nói lên tình thương vô cùng vô hạn của Thiên Chúa đối với con người.
Thánh Phêrô hỏi Chúa về việc lỗi phạm của anh em không rõ về vật chất hay tinh thần, không rõ về lời nói hay hành động…Nhưng đã được Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn thật rõ ràng bằng tiền của, vật chất, cân đong đo đếm được để ai cũng có thể hiểu được dễ dàng.
Dụ ngôn cho ta một con nợ của vua “ Mười ngàn yến vàng”. Một món nợ qua lớn lao, y không có sức trả mà vua đã tha hết. Đồng thời tên này cũng có một con nợ “ mắc nợ y một trăm quan tiền”. Hai món tiền này lớn hơn nhau một trời một vực. Thế mà lòng ác độc của y đã “túm lấy cổ áo” đòi nợ, lại còn tống bạn vào ngục cho đến khi đòi nợ xong. Kết cục câu chuyên đến tai nhà vua, vua cũng xử lại với y đúng như y đã xử với bạn mình: “Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ cho đến ngày y trả hết nợ cho ông”. Không còn úp mở gì nữa, dụ ngôn đã kết luận rõ ràng, ông vua chủ nợ kia chính là Thiên Chúa, Người thật yêu thương nhưng cũng thật công thẳng: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Còn mỗi chúng ta hôm nay, có nợ Thiên Chúa gì không? Ông bà Nguyên Tổ xưa đã phạm có một tội là cố tình ăn quả Chúa cấm mà đã bị Người phạt nhân loại kinh khủng thế nào? Còn ta đã bao lần xưa nay phạm tội bất tuân luật Chúa? Mà mỗi lần phạm tội là thêm một món nợ với Chúa. Đấy là về đời sống linh hồn.
Về thân xác Chúa đã cho ta những gì? Từ nhỏ đến nay ta đã hít thở bao nhiêu khối không khí? Bao nhiêu khối nước? bao nhiêu tạ tấn hoa trái, của ngon vật lạ? ta đã sử dụng bao nhiêu lít xăng dầu, mỏ quặng lấy lên từ lòng đất? Những thứ đó là của ai nếu không phải là của Thiên Chúa khi tạo dựng đã sắp sẵn cho ta?
Còn món nợ khổng lồ nữa đối với người có đức tin là công ơn cứu chuộc, Người xuống thế chịu chết cho ta, ban cho ai tin vào người sẽ được sống hạnh phúc muôn đời.
Như vậy thì món nợ của tôi lớn lắm, lớn gấp vạn triệu lần tên nợ trong dụ ngôn kia. Vì vậy tôi cũng chẳng lấy gì mà đền trả được. Tôi cũng chỉ biết “sấp mình xuống bái lậy…xin Người rộng lòng thương”. Tôi tin tưởng Người chẳng đòi nợ tôi làm gì, vì Người là ông Chủ giàu có chẳng ai sánh được, đã ban mọi ơn huệ lớn lao nhưng không cho tôi xưa nay. Nhưng với điều kiện là con nợ tôi phải biết ơn chủ nợ, vâng nghe lời Chủ Nợ và yêu thương tha thứ cho anh em của tôi.
Lạy Chúa! Mọi sự trên trời dười đất đều là của Chúa. Xin cho con mỗi lần sử dụng của cải vật chất trên đời là biết cảm tạ Chúa. Đồng thời cũng biết sẻ chia nhưng không cho những ai còn thiếu thốn hơn mình- Amen.
Giuse Ngọc Năng.
Hãy tha thứ để được thứ tha (12.08.2021)
Có một thời gian dài tôi và bạn ấy không nhìn mặt nhau, vì qua câu chuyện người khác kể lại bạn ấy đã oán trách tôi khi tôi được đề bạt vào vị trí mà lúc đầu bạn ấy nghĩ rằng sẽ là của bạn. Mâu thuẫn liên tục xảy ra khi người bạn không hợp tác với tôi trong việc điều hành cơ quan, làm sự nghi ngờ, bực bội ngày một gia tăng nhiều hơn, dẫn đến mất niềm tin vào nhau và chúng tôi ngày một xa nhau hơn.
Trong cuộc sống, từ gia đình đến xã hội, những xung đột xuất phát từ chỗ: mỗi bên không chấp nhận sự thật, ai cũng nghĩ mình đúng và người khác sai, không có sự nhượng bộ và không lắng nghe nhau. Tin Mừng hôm nay ông Phê-rô hỏi Đức Giê-su: “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Chúng ta hiểu sao về lời dạy của Chúa? Sự tha thứ không biên giới, tha thứ mãi mãi. Dụ ngôn về người chủ đã tha nợ cho con nợ mười ngàn yến vàng và người ấy đã không tha cho kẻ nợ mình chỉ có một trăm quan tiền, so sánh giữa giá trị mười ngàn và một trăm quan tiền là sự chênh lệch rất lớn để thấy ông chủ là người rất quảng đại và đầy lòng xót thương kẻ nghèo khó. Qua dụ ngôn ấy nói lên tương quan giữa con người với nhau hẹp hòi so với lòng nhân từ của Chúa, môn đệ của Người phải có lòng khoan nhân độ lượng, thấu hiểu hoàn cảnh kẻ khốn cùng, như chính Chúa luôn yêu thương và tha thứ cho ta.
Chúng ta có thực hiện được điều ấy? Tha thứ là điều rất khó thực hiện khi trong lòng cứ ám ảnh việc người khác đã gây ra bao rắc rối cho mình. Chúng ta hãy xem các nhà thần học, nhà sử gia nói gì về sự tha thứ: theo Martin Luther “Tha thứ là mệnh lệnh của Chúa”.. Nhà sử học Thomas Fuller chia sẻ: “Sự trả thù cao quý nhất chính là tha thứ”. Nhà triết gia Voltaire tâm tình: “Chúng ta đầy khiếm khuyết và sai lầm; hãy để chúng ta cùng tha thứ cho sự nực cười của nhau – đó là luật đầu tiên của tự nhiên”. Lời Chúa giảng dạy từ xa xưa ấy là chân lý, vì là con người thì ai cũng có lúc sai phạm, lúc vấp ngã, và sự tha thứ cho nhau sẽ làm kẻ thù của ta không ngờ đến và có thể lại là mối hàn gắn sự bất hòa từ lòng biết ơn.
Chúa Giê-su luôn nhắc nhở chúng ta: “Nếu các ngươi tha thứ cho những điều họ sai lỗi thì Cha các người, Đấng ngự trên trời, cũng sẽ tha thứ cho các ngươi” Mt 6,14. Chúng ta sẽ làm gì với lời nhắc nhở ấy, để có thể tha thứ cho nhau, trước hết chúng ta hãy mở rộng lòng đón Chúa ngự trị trong tâm hồn, lắng nghe lời dẫn dắt của Người giúp chúng ta hóa giải mọi việc, nhìn sự việc một cách tích cực theo chiều hướng hòa giải thay vì tranh cãi hơn thua. Học sự thương yêu bằng hành động tha thứ, thánh Ambrôsiô chia sẻ : “ Người thích tha thứ là người nhìn nhận mình là người và là kẻ có thể sai lầm”.
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp tâm hồn chúng con trở nên rộng rãi và bao dung hơn, để có thể yêu thương và tha thứ cho mọi người như Chúa đã tha thứ cho con.
Anna Anh
Bản sắc của Kitô hữu (13.08.2020)
Cuộc xung đột đẫm máu giữa người Do Thái và Palestin tại Trung Ðông cũng như những người công giáo và tin lành tại Bắc Ailen, hay giữa những chủng tộc khác nhau tại nhiều nơi khác trên thế giới cho chúng ta thấy rằng oán thù luôn sinh ra oán thù, bạo động luôn kéo theo bạo động, thế giới sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình đích thực khi con người chưa biết tha thứ cho nhau.
Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta đi vào cốt lõi của Tin Mừng là sự tha thứ, đây là tuyệt đỉnh của giáo huấn của Chúa Giêsu. Ngài sẽ chỉ là một kẻ lừa bịp và tòa giáo huấn của Ngài sẽ sụp đổ nếu trong giây phút cuối đời, từ trên thập giá, Ngài đã không tha thứ cho những kẻ đang hành hạ mình. Lời cầu xin tha thứ của Chúa Giêsu là bảo chứng của những lời Ngài rao giảng. Suy niệm về sự tha thứ, trước hết chúng ta phải hướng về tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của những cử chỉ tha thứ của Thiên Chúa và sự bắt đầu lại của con người. Mỗi một lần con người vấp ngã là mỗi lần Thiên Chúa thực thi lòng thương xót. Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy được sự tha thứ của Thiên Chúa. Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ mặc hay trừng phạt, mà trái lại còn hứa ban ơn cứu rỗi. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa trải dài tình yêu nhẫn nhục tha thứ cho dân riêng của Ngài. Qua Chúa Giêsu, lòng tha thứ của Chúa Cha đã bộc bạch một cách trọn vẹn. Những trang cảm động nhất trong Tân Ước hẳn phải là những trang về lòng tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua lời nói, cử chỉ của Chúa Giêsu.
Còn bức tranh nào đẹp và cảm động cho bằng phiên tòa xử người đàn bà phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang. Từ buổi sáng tinh mơ, trong khi đám đông do các luật sĩ và biệt phái động viên đang hậm hực sẵn sàng ném đá người đàn bà khốn khổ, Chúa Giêsu đã giữ thinh lặng, và cuối cùng, khi đám đông đã rút lui, Ngài chỉ ôn tồn nói với chị: “Chị hãy về đi, Ta không kết án chị”.
Còn áng văn nào đẹp cho bằng dụ ngôn về người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca. Còn lời nào dịu ngọt hơn lời tha thứ của Chúa Giêsu dành cho người được mệnh danh là kẻ trộm lành chịu đóng đinh bên hữu Ngài, và dĩ nhiên còn cử chỉ nào hào hùng và cao thượng hơn lời cầu xin tha thứ cho những kẻ lý hình trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Ðó là tuyệt đỉnh của mạc khải Kitô giáo. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta qua lời giảng dạy và cách cư xử của Ngài là Thiên Chúa hay thương xót và tha thứ. Lòng thương xót và tha thứ thiết yếu là của Thiên Chúa, con người không thể tự mình tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã không tự mình tha thứ, Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ. Thiên Chúa thực thi lòng tha thứ qua con cái Ngài. Tự mình tha thứ không phải là điều tự nhiên đối với bản tính con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: “Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người nhưng đó cũng là cuộc chiến làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.
Hết lòng tha thứ cho nhau (16.08.2018)
1. Ghi nhớ:
“ Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18, 35).
2. Suy niệm:
Blasdasir dốc lòng chừa tội, nhưng vì yếu đuối ông vẫn cứ sa đi ngã lại. Một hôm, ông nhất quyết tự ra luật cho mình như sau: Cứ mỗi lần phạm tội thì ông sẽ bứt bỏ đi mười sợi tóc trên đầu, và chừng nào không còn tóc nữa thì hình phạt cuối cùng sẽ là giết chết chính mình!
Một thời gian không lâu sau, đầu của Blasdasir chỉ con lưa thưa, nhưng ông vẫn tiếp tục phạm lỗi! Vào khoảng một tháng sau đó thì đầu ông không còn một cọng tóc.
Nhìn vào gương thấy đầu mình trọc lóc. Blasdasir tuyệt vọng thầm nghĩ: “Ngày tận cùng của đời tôi đã đến, tôi không còn cách nào để tránh đừng phạm tội nữa nên sẽ kết liễu cuộc sống của mình trên trần gian này”. Ông đưa tay cầm khẩu súng lục định bắn vào đầu mình thì bỗng một Thiên Thần hiện ra trao cho ông món quà và nói:
- Khoan đã, đừng kết liễu đời mình như thế!
Ông thưa với Thiên Thần:
- Nhưng tôi đã thề rằng sẽ kết thúc đời mình khi không còn sợi tóc nào trên đầu.
Thiên Thần đáp lại:
- Nhưng Thiên Chúa thì không đồng ý như vậy, nên Ngài đã sai tôi mang đến cho ông món quà này. Hãy mở ra xem đi.
Blasdasir vội mở món quà Chúa trao cho: Đó là một đầu tóc giả và ông đã hiểu ngụ ý của Thiên Chúa!
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ai nấy cũng đều cảm thấy bất bình vì cách hành xử bất nhân bất nghĩa và bất công của người vừa được Ông Chủ thương xóa cho một món nợ lớn, nhưng người bạn anh chỉ nợ anh một số tiền nhỏ mà anh lại không tha! Có thể chúng ta sẽ lên án, kết tội cho người này nhưng thật ra đó cũng chính là cách hành xử của chúng ta đối với anh em mình. Thật vậy. Khi chúng ta xúc phạm đến Chúa, là Đấng cực cao cực trọng. Đấng tạo dựng đất trời thì tội ta nặng nề biết chừng nào, trong khi đó chúng ta chỉ là loài thụ tạo mà anh em mình lỗi phạm đến chúng ta lại không sẵn sàng tha thứ cho anh em.
Chúng ta tất cả đều là những tội nhân trước mặt Thiên Chúa, chúng ta cần đến lòng thương xót và sự thứ tha của Thiên Chúa. Nhưng nếu muốn Ngài tha tội cho chúng ta thì chúng ta phải biết bỏ qua mọi lỗi phạm của anh em mình.
Thiên Chúa là Đấng yêu thương và luôn tha thứ cho chúng ta khi chúng ta thống hối ăn năn. Vả lại, chúng ta được tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài vì thế chúng ta cũng phải trở nên giống Ngài là luôn yêu thương và tha thứ cho anh em mình.
Khi chúng ta giữ lòng thù hận cố chấp không tha thứ cho anh em thì chính chúng ta đã tự cắt đứt tình thương và sự thứ tha của Thiên Chúa trên chúng ta và như thế chúng ta đã tự hủy diệt chính mình!
3. Cầu Nguyện:
Lạy Chúa. Lòng chúng con đầy dẫy những bất công, chúng con muốn được Chúa thứ tha tội lỗi mình, nhưng lại không muôn tha thứ lỗi phạm cho anh em. Xin ban ơn để chúng con có tấm lòng rộng mở nên giống Chúa biết sãn sàng tha thứ vô điều kiện cho anh em mỗi khi bị xúc phạm. Amen
4. Sống Lời Chúa:
Có tha thứ cho anh em thì mới được Thiên Chúa thứ tha cho mình.
Đaminh Trần Văn Chính.
Tha thứ (17.08.2017)
“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22).
Chắc là ông Phêrô mệt mỏi vì phải tha thứ cho ai đó đã mấy lần rồi mà vẫn bị xúc phạm, nên đành hỏi Thầy cho biết tha mấy lần là đủ, để biết đường xử lý. Những tưởng chỉ cần cố gắng có ngần có hạn, nhưng Thầy nói “đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là vô hạn định, không cân đo đong đếm. Rồi Thầy kể dụ ngôn để minh chứng lý do cần phải tha thứ không đòi điều kiện như Thầy đã thứ tha: có anh kia mắc nợ vua món nợ tầy đình mười ngàn nén vàng. Nhưng sau khi được vua rộng tình tha trắng, đến lượt anh khi ra về gặp con nợ của mình, thì anh lại túm cổ đòi nợ không chút xót thương, nên đã bị tôn chủ không tha cho anh nữa và xử lại như anh đã đáng.
“Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,35). Khuôn thước này ta vẫn đọc hằng ngày trong lời kinh trọng nhất: “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Tha thứ cho người xúc phạm đến mình, làm khổ mình là chuyện vô cùng khó khăn. Nhưng không có nghĩa là không thể được, một khi có Chúa trong mình thực hiện cho tôi. Khi không tha thứ thì lòng nặng nề u uất, tâm tư bất an, mọi suy nghĩ và hành động trở nên tiêu cực, mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia, thậm chí phát sinh bệnh tật ốm yếu. Nhưng khi tha thứ là chính tôi được nhẹ lòng, được chữa lành bình an, như cắt bỏ được “khối u” đang mang họa cho đời tôi. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, khi tha thứ là đời tôi được sang trang mới, mọi sự trở nên nhẹ nhàng an vui và sẽ phát sinh những điều thiện hảo trong tôi.
Nhưng trước hết và trên hết là tình yêu tha thứ của Chúa. Chính Chúa đã làm gương trước và còn mãi thứ tha cho đến hôm nay. Khi bị đóng đinh trên thập giá, Chúa đã cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (Lc 23, 34). Martin Luther King, một nhà đấu tranh cho dân quyền bằng đường lối bất bạo động tại Hoa Kỳ, được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1964, khi suy nghĩ về lời cầu nguyện này, ông đã kêu lên: “Đó là giây phút đẹp nhất cuộc đời Chúa Giêsu.”
Ngày nay Chúa vẫn hằng tha thứ cho tôi, cả khi tôi là đứa con lỗi lầm ngỗ nghịch nhất. Chính Chúa đã tha thứ cho tôi từ trước rồi, bởi vì tha thứ là nghề của Chúa, hạnh phúc của Chúa là thứ tha, trong khi Ngài là Đấng không biết tội là gì. Vậy tôi là gì mà lại không thể bỏ qua lỗi lầm thiếu sót cho anh em của tôi? Và hơn nữa ngày ngày tôi cần đến lòng xót thương tha thứ của Chúa.
Én Nhỏ
Tha thứ để được thứ tha (11.08.2016)
1- Ghi nhớ:
Đức Giê-su nói: “Thầy không bảo là tha đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22)
2- Suy niệm:
Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su từ chối giới hạn tha thứ đến bẩy lần do ông Phê-rô đề nghị với Người, nhưng Người dạy môn đệ phải tha bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn. Ba lý do để luôn tha thứ là:
– Một là vì chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ các lỗi phạm của chúng ta một cách vô điều kiện.
– Hai là vì số nợ của anh em đối với chúng ta chẳng đáng là gì so với số tội nợ mà chúng ta mắc với Thiên Chúa.
– Ba là nếu chúng ta đòi anh em tính sổ trả nợ sòng phẳng, thì Thiên Chúa cũng sẽ tính sổ nợ sòng phẳng đối với chúng ta.
Theo bản tính tự nhiên, mỗi người chúng ta thật khó thoát khỏi vòng lẩn quẩn là sự tranh chấp và oán thù. Luật “mắt đền mắt, răng thế răng” tuy là một luật giúp trả báo công minh, nhưng lại là nguyên nhân khiến cho con người lâm vào tình trạng hận thù và chia rẽ. Chỉ khi nào con người biết tha thứ cho nhau thì họ mới có thể sống an bình và hạnh phúc thực sự. Khi tha thứ là chúng ta sẵn sàng chịu thiệt thòi, là xác tín rằng cuối cùng Tình Thương sẽ chiến thắng hận thù. Ngọn lửa tình thương chắc chắc sẽ đánh tan băng giá. Nó sẽ làm cho quả tim chúng ta lại có thể rung động và xót thương kẻ bất hạnh, giống như Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta.
Nguyện xin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và luôn tha thứ, cho chúng ta biết mở rộng cõi lòng ra để đón nhận lòng thương xót của Chúa. Để rồi từ đó chúng ta cũng biết “đối xử với anh em như thế”.
3- Cầu nguyện :
Lạy Chúa! Xin cho chúng con trở nên khí cụ bình an của Chúa. Xin cho chúng con học tập nơi Chúa sự khiêm nhường và nhịn nhục, sự quảng đại tha thứ và lòng bao dung nhân hậu, để chúng con có thể luôn sống yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là yêu cả những kẻ đang để tâm thù ghét và làm hại chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ trở nên con ngoan hiền hiếu thảo của Chúa, Đấng giàu lòng từ bi nhân ái, và nên anh chị em của mọi người đang sống chung quanh chúng con. Amen.
4- Sống Lời Chúa :
Chúa dạy phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ không giới hạn. Khi tha thứ như thế, chúng ta mới trở nên giống với Thiên Chúa hơn. Chiêm ngắm lòng thương xót và sự tha thứ của Chúa Giêsu để noi theo bước chân Ngài. Chúng ta đã được Chúa thương xót tha thứ, thì chúng ta cũng phải mở lòng để thương xót và tha thứ cho anh chị em mình.
HOÀI THANH
Tha thứ (13.08.2015)
“Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Chắc là ông Phê-rô mệt mỏi vì phải tha thứ cho ai đó đã mấy lần rồi mà vẫn bị xúc phạm, nên đành hỏi Thầy cho biết tha mấy lần là đủ, để biết đường xử lý. Những tưởng chỉ cần cố gắng có ngần có hạn, nhưng Thầy nói “đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là vô hạn định, không cân đo đong đếm. Rồi Thầy kể dụ ngôn để minh chứng lý do cần phải tha thứ không đòi điều kiện như Thầy đã thứ tha: có anh kia mắc nợ vua món nợ tầy đình mười ngàn nén vàng. Nhưng sau khi được vua rộng tình tha trắng, đến lượt anh khi ra về gặp con nợ của mình, thì anh lại túm cổ đòi nợ không chút xót thương, nên đã bị tôn chủ không tha cho anh nữa và xử lại như anh đã đáng.
“Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” Khuôn thước này ta vẫn đọc hằng ngày trong lời kinh trọng nhất: “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Tha thứ cho người xúc phạm đến mình, làm khổ mình là chuyện vô cùng khó khăn. Nhưng không có nghĩa là không thể được, một khi có Chúa trong mình thực hiện cho tôi. Khi không tha thứ thì lòng nặng nề u uất, tâm tư bất an, mọi suy nghĩ và hành động trở nên tiêu cực, mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia, thậm chí phát sinh bệnh tật ốm yếu. Nhưng khi tha thứ là chính tôi được nhẹ lòng, được chữa lành bình an, như cắt bỏ được “khối u” đang mang họa cho đời tôi. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, khi tha thứ là đời tôi được sang trang mới, mọi sự trở nên nhẹ nhàng an vui và sẽ phát sinh những điều thiện hảo trong tôi.
Nhưng trước hết và trên hết là tình yêu tha thứ của Chúa. Chính Chúa đã làm gương trước và còn mãi thứ tha cho đến hôm nay. Khi bị đóng đinh trên thập giá, Chúa đã cầu xin Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (Lc 23, 34). Martin Luther King, một nhà đấu tranh cho dân quyền bằng đường lối bất bạo động tại Hoa Kỳ, được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1964, khi suy nghĩ về lời cầu nguyện này, ông đã kêu lên: “Đó là giây phút đẹp nhất cuộc đời Chúa Giêsu.” Ngày nay Chúa vẫn hằng tha thứ cho tôi, cả khi tôi là đứa con lỗi lầm ngỗ nghịch nhất. Chính Chúa đã tha thứ cho tôi từ trước rồi, bởi vì tha thứ là nghề của Chúa, hạnh phúc của Chúa là thứ tha, trong khi Ngài là Đấng không biết tội là gì. Vậy tôi là gì mà lại không thể bỏ qua lỗi lầm thiếu sót cho anh em của tôi?
Én Nhỏ
Yêu thương và tha thứ (13.08.2015)
1. Ghi nhớ: “ Tôn chủ của tên đấy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ ” (Mt 18,27).
2. Suy niệm: Lòng thương xót và quảng đại của Thiên Chúa thật cao sâu mà con người không thể hiểu thấu được. Lòng nhân từ của con người dù có sâu rộng bao nhiêu thì khi so với lòng nhân từ của Chúa cũng tựa như giọt nước sánh với Biển Đông. Vì thế, ta hãy biết sống quảng đại với Chúa và với anh em của ta, đặc biệt là đối với những ai có hoàn cảnh khó khăn và kém may mắn hơn ta. “ Anh em đong bằng đấu nào , thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em đấu ấy ” (Lc 6,38). Cuộc đời chúng ta là phải biết yêu thương và tha thứ, làm điều thiện hảo, thì ngày sau chắc chắn chúng ta sẽ vui mừng gặt hái những hoa trái thánh thiện đó, và nhất là chúng ta sẽ được Thiên Chúa tha thư như chúng ta đã từng tha thứ cho anh em.
3. Sống Lời Chúa: Đừng để lòng oán ghét và hờn giận tồn tại trong tâm hồn chúng ta.
4. Cầu nguyện:Lạy Chúa, Chúa luôn tỏ rõ uy quyền và sức mạnh của Chúa khi Ngài tha thứ cho chúng con. Xin cho mỗi người chúng con có được sức mạnh của Chúa để chúng con biết tha thứ cho những người xúc phạm hay mắc nợ chúng con. Amen.
Làm sao tha thứ?
“Tôn chủ của tên đầy tớ ấy chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.” (Mt 18,27)
Suy niệm: Chúng ta thử làm một bài tính nhẩm: Người bạn của tên đầy tớ nợ anh ta 100 quan tiền, tương đương với số tiền 100 ngày công của người làm thuê thời bấy giờ. Còn tên đầy tớ thì nợ nhà vua 10.000 yến vàng – mà một yến vàng tương đương với số tiền của 6.000 ngày công – như thế y mắc nợ nhà vua số tiền tương đương với 60 triệu quan! Nghĩa là gấp 600.000 lần số tiền người bạn mắc nợ y! Với số nợ quá lớn như thế, dù có bán anh ta, vợ con và tất cả tài sản anh có cũng không đủ trả hết. Thế nhưng nhà vua đã chạnh lòng thương và xoá cho anh tất cả món nợ chỉ vì một lời anh cầu xin. Thế nhưng anh lại không thể cho bạn mình món nợ hết sức nhỏ bé. Hẳn anh có thể tha nợ cho bạn nếu anh nhớ chủ đã tha cho anh món nợ lớn lao thế nào.
Mời Bạn: Để tha thứ cho người xúc phạm đến mình, nếu nhìn vào mình thì chúng ta sẽ khó mà tha thứ vì con người mình thường nuôi tính trả thù. Nếu nhìn vào người xúc phạm đến mình thì càng khó tha thứ vì hậu quả họ gây ra nhiều khi không thể đền bù, giống như ly nước đã đổ ra thì không thể hốt lại được. Làm sao có thể tha thứ cho nhau được? Chỉ còn cách là nhìn vào Chúa. Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài tha thứ một cách vô điều kiện.
Sống Lời Chúa: Suy niệm lời trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và luôn khoan dung tha thứ. Xin giúp con bắt chước Chúa mà tha thứ cho tha nhân như Chúa đã tha thứ cho con.