Xin cho con nên như trẻ thơ (17.08.2024 – Thứ Bảy Tuần XIX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ed 18,1-10.13b.30-32 (năm chẵn), Gs 24,14-29 (năm lẻ), Mt 19,13-15

Bài đọc 1 (năm chẵn): Ed 18,1-10.13b.30-32

Bài trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en.

Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng :  Sao trong khắp đất Ít-ra-en các ngươi cứ truyền cho nhau câu ngạn ngữ này : Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng.

Ta lấy mạng sống Ta mà thề – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng -, trong Ít-ra-en các ngươi sẽ không còn truyền cho nhau câu ngạn ngữ đó nữa.  Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta ; mạng sống của cha cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết.

Người nào ăn ở công chính, thi hành điều công minh chính trực,  không dự tiệc trên núi, không ngước mắt nhìn các ngẫu tượng của nhà Ít-ra-en, không làm cho vợ người đồng loại ra ô uế, không gần gũi phụ nữ đang thời kỳ ô uế,  không bóc lột ai, trả của cầm cho người cầm của, không cướp của ai, cho kẻ đói bánh ăn, lấy áo che thân kẻ mình trần,  không cho vay ăn lời, không lấy lãi quá nặng, không nhúng tay vào chuyện bất công, xét xử công minh giữa người với người,  sống theo những quy tắc của Ta và tuân giữ các quyết định của Ta mà thể hiện lòng trung tín của mình, người ấy mới là người công chính. Chắc chắn nó sẽ được sống – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng.

Nhưng nếu nó sinh ra một đứa con hung dữ, khát máu, phạm một trong những tội trên, b thì hỏi đứa con ấy có được sống không ? Không ! Kẻ nào làm tất cả những điều ấy, chắc chắn sẽ phải chết, máu nó sẽ đổ trên mình nó.

Vì thế, hỡi nhà Ít-ra-en, Ta sẽ xét xử các ngươi : ai nấy theo đường lối của mình – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội phản nghịch của các ngươi, chẳng còn chướng ngại nào làm các ngươi phạm tội nữa.  Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. Hỡi nhà Ít-ra-en, tại sao các ngươi lại muốn chết ?  Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 19,13-15)

13 Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. 14 Nhưng Đức Giê-su nói : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” 15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

Xin cho con nên như trẻ thơ (17.08.2024)

Lễ Nhớ Thánh Gia-Thịnh, OP

Ngày xưa không phải chỉ ở Do Thái mà hầu như ở tất cả mọi nơi trên thế giới, “người lớn” đều coi thường trẻ em. Nghịch lý ở chỗ trẻ em là tương lai của gia đình, của xã hội, là niềm tự hào của cha mẹ. Không có con sẽ bị coi là vô phúc, là tội lỗi. Nhưng trẻ em vẫn bị gạt ra bên lề cuộc sống. Một số nơi còn có tục hiến tế, sát tế trẻ em. Ở xã hội Do thái trẻ em 13 tuổi mới học và giữ Thập điều, 15 tuổi học kinh Talmud – sách giải thích các luật truyền khẩu. Phải chăng do chưa được học lề luật nên trẻ em bị coi thường ?  

Khi các môn đệ của Chúa Giêsu bận tâm về việc phân chia quyền lực, đã hỏi Người : “ai là người lớn nhất trong Nước Trời”. Chúa Giêsu đã gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói hai điều : nếu ai không trở lại mà mên như trẻ nhỏ thì không được vào Nước Trời và ai tự hạ coi mình như em nhỏ này thì là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18, 1-4). Và trong đoạn Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu không đồng ý với các môn đệ vì các ông đã ngăn cản người ta đem trẻ nhỏ đến với Chúa. Tiếp ngay đoạn Tin Mừng này là trình thuật về anh thanh niên giầu có muốn có sự sống đời đời, nhưng anh lại không thể từ bỏ của cải tài sản của anh ở thế gian này mà đi theo Chúa. Khi đặt ba trình thuật trên đây đi liền nhau, có lẽ Thánh sử Mát-thêu muốn nêu bật tính chất đơn sơ, tin cậy, phó thác của trẻ thơ đối nghịch với tính vụ lợi vật chất của người đời.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay thì ai đã đem những đứa trẻ đến với Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện? Hẳn là các bà mẹ trong tầng lớp nghèo khó mới đem chúng đến. Cũng có lẽ vì môi trường những đứa trẻ sống là ô uế, các tông đồ sợ chúng đến đụng chạm vào Chúa Giêsu cũng sẽ làm cho Người ra ô uế, nên các ông mới ngăn cản.

Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu chắc chắn đã làm các tông đồ ngạc nhiên : không xua đuổi các đứa trẻ, mà Người yêu cầu các ông cứ để chúng đến với Người. Hơn nữa, nhân đó Chúa Giêsu còn tuyên bố một chân lý : “Nước Trời là của những ai giống như chúng”. Và Người đã đặt tay chúc phúc cho chúng trước khi đi khỏi nơi đó.

Trẻ em là một trong những thành phần bị người Do Thái “khai trừ” ra khỏi xã hội, như phụ nữ, người nô lệ và ngoại kiều. Họ bị loại trừ nên được Chúa Giêsu ưu ái, bênh vực. Trẻ em còn là những người đơn sơ, nhỏ bé, không tự chủ – vì không có quyền tự chủ – nên chúng hoàn toàn phó thác vào những người chúng tin tưởng. Chính hai điểm này mà trẻ em được Chúa Giêsu yêu thương, bảo vệ.

Những người bé nhỏ trong cộng đoàn, trong xã hội, không phải chỉ là những trẻ em, nhưng còn là những người nghèo khó, bệnh tật, những người có hoàn cảnh đáng thương, những người bị đối xử bất công, bị chèn ép, bị phân biệt giới tính… mà không có khả năng bênh vực, bảo vệ mình.

Ngày nay các xã hội văn minh tiến bộ đều ưu tiên cho trẻ em. Khi định làm chuyện gì xấu mà có mặt trẻ em ở đó thì người ta cũng phải che dấu, thậm chí phải “tạm hoãn” việc định làm. Đó cũng là nhờ anh hưởng của văn hoá tình thương của Kitô giáo, vì

Kitô giáo luôn yêu thương và mở rộng vòng tay đón nhận tất cả mọi người.

Nhưng những áp bức và đối xử bất công, chèn ép những người bé nhỏ thấp kém thì vẫn luôn xảy ra từ ngay trong gia đình đến ngoài xã hội và rất đa dạng về hình thức. Ngay cả trong những tập thể, những cộng đoàn theo nguyên tắc phải là những nơi luôn yêu thương,  tôn trọng nhau như các trường học, giáo xứ… thì cũng vẫn có tình trạng đáng buồn ấy. Một trong những hình thức chèn ép, đối xử bất công, gây ra hậu quả tai hại lâu dài là không cho những người bé nhỏ, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, được tiếp cận với nền giáo dục nhân bản chân chính.

Con người thì vẫn luôn có khuynh hướng “làm người lớn”, nghĩa là đánh mất sự đơn sơ, chân thành của tuổi thơ mà tự mãn, suy nghĩ tìm cách trang bị cho mình những toan tính, quanh co, dối trá, lừa lọc, ích kỷ, bất công… để mưu lợi cho bản thân.

Với gia đình Kitô hữu, nhiều cha mẹ ưu tiên cho con cái được học hành trau dồi về kiến thức mà sao lãng việc học hỏi Lời Chúa và Giáo lý Hội Thánh để giáo dục chúng sống xứng đáng với danh nghĩa Kitô hữu. Như thế cũng là ngăn cản trẻ em đến với Chúa.

Mục đích cuộc sống của người Kitô hữu là hướng đến sự vĩnh cửu Nước Trời. Nhưng việc đó phải được bắt đầu thực hiện tại ngay ở trần gian này. Và trước hết Kitô hữu phải trở nên như những em bé, đơn sơ, hoàn toàn tin cây phó thác vào Chúa, sống yêu mến và thực hành Lời Chúa. Như vậy chúng ta sẽ được Chúa Giêsu đặt tay chúc phúc và Người mãi đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trở nên đơn sơ như trẻ nhỏ để xây dựng một cuộc sống hạnh phúc ngay ở đời này, để cuối cùng chúng con đạt được mục đích là  được vào Nước Trời. Amen.

Jos. NM Tưởng

Sống đơn sơ luôn tín thác vào Chúa (19.08.2023)

Ghi nhớ:

“Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai  giống như chúng” (Mt 19, 14).

Suy niệm:

Trong ca dao Việt Nam có một bài vè mà có lẽ không ai là không biết:

Thằng Bờm có cái quạt mo. Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu. Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè. Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim. Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi. Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.

Qua bài vè trên chúng ta thấy thằng Bờm, đại diện cho các trẻ em, sống rất thật thà, vô vị lợi, không so đo tính toán. Tục ngữ còn có câu: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Như vậy, nơi trẻ em có nhiều đức tính tốt như: Thành thật, Khiêm tốn, chỉ biết chạy đến với cha mẹ hoặc người bảo mẫu mỗi khi gặp nỗi sợ hãi để được chở che, các em sống đơn sơ nghĩ sao nói vậy, không biết ăn gian nói dối.

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Thầy Giê-su tỏ ra rất tôn trọng và ưu ái các trẻ em: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này, quả thật Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18, 10). Đức Giê-su còn đồng hoá các em như là hiện thân của Ngài: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là đón tiếp chính Thầy” (Mt 18, 5). Ngài bảo vệ các em như bảo vệ kho báu: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển con hơn”(Mc 9, 42).  Sau nữa, Đức Giê-su lấy trẻ em như một tiêu chuẩn để có thể được vào dự phần trong Nước của Ngài: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Lc 18, 17). Khi các môn đệ hỏi Thầy xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời thì Đức Giê-su đã gọi một em bé đến, đặt giữa các ông mà nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Lc 18, 21-22).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi người ta dẫn các trẻ nhỏ đến với Đức Giê-su, với mong muốn là để Ngài đặt tay chúc phúc cho chúng, thì các môn đệ đã thẳng tay xua đuổi không cho các em đến được với Chúa. Thấy cảnh tượng đó, Đúc Giê-su đã can thiệp: Cứ  để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”. Sau đó Đức Giê-su đặt tay chúc lành cho các em rồi Ngài rời khỏi nơi đó.

Con trẻ là thành phần rất đáng được trân quý và được bảo vệ vì các em sẽ là tương lai của đất nước, tương lai của Giáo hội. Ngày nay người ta đã ra nhiều điều luật cũng như các chính sách nhằm bảo vệ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em được tới trường, học hành lớn lên và phát triển cả về trí dục và đức dục cách tốt đẹp nhất. Song lý thuyết là như vậy, nhưng trong thực tế chúng ta thấy còn rất nhiều trẻ em đã phải mưu sinh bằng việc đi bán vé số hoặc làm các việc nặng nhọc khác…Trẻ em còn bị lợi dụng vào các ý đồ vụ lợi đen tối của người lớn. Người ta sẵn sàng tiếp giúp phá thai, trong khi  người mẹ thì chẳng may may thương tiếc đứa con ruột thịt của mình.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta rút ra hai điều cần phải thực hiên. Một là; luôn tôn trọng và giúp đỡ, để các có được tuổi thơ tốt đẹp. Hai là; luôn sống trong tinh thần đơn sơ, thật thà và luôn phó thác mọi sự trong quyền năng của Thiên Chúa..

Cầu nguyên:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống đơn sơ, thật thà, xin cho chúng con luôn biết nêu gương sáng cho các em bằng lời nói và việc làm. Xin bảo vệ và chúc lành cho các em, để không còn những cảnh giết chóc trẻ em vô tội cũng như không còn những cảnh bóc lột và buôn bán trẻ em. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Ki-tô. Amen.

Sống Lời Chúa:

Sống đơn sơ, thật thà, tín thác vào Chúa như trẻ nhỏ.

Đaminh Trần Văn Chính.

Yêu mến, quý trọng và bảo vệ trẻ em (13.08.2022)

Ghi nhớ:

“Hãy để các trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của ai giống như chúng”. (Mt 19, 14).

Suy niệm:

Ông John đang nằm nghỉ trên chiếc võng sau khi đi lao động ở ngoài vườn. Thằng Tommy, con trai ông đem đến trước mặt ông một con thỏ trắng, nó nói:

Bố ơi, bố làm cho con một cái chuồng để con nuôi con thỏ này nhé.

Bố nó nói:

Hồi còn nhỏ bố cũng rất thích nuôi thú vật. Quý mến, chăm sóc và bảo vệ  thú vật là một đức tính tốt…Nhưng làm sao con có được con thỏ đẹp này.

Con đổi cho thằng Mark một tấm vé số đó bố. Ông bố hỏi:

Thế, nếu lỡ tấm vé số mà con đổi cho thằng Mark trúng thưởng thì sao?

Tất nhiên là tấm vé số ấy trúng thưởng bố ạ. Đến đây thì ông bố không còn giữ được bình tĩnh nữa, ông hỏi dồn:

Làm sao mà con biết tấm vé số ấy trúng.

Thì con so dẫy số ở trong tấm vé số đúng với những con số ở tấm vé dò.

Ông gắt lên:

Trúng thưởng được bao nhiêu? Nó trả lời:

Con không biết nữa.

Lúc này thì ông John đứng bật dậy, một tay ông cầm tai con thỏ, tay còn lại ông nắm lấy cổ tay đứa con mà kéo nó đi, vừa đi ông vừa nói:

Mau đi tìm thằng lừa đảo, để trả nó con thỏ này, lấy lại tấm vé số. Rồi bố sẽ mua cho con, không chỉ là một con nhưng sẽ là hàng tá thỏ, nếu con muốn. Trong khi ấy thằng con thì ghì bố lại không chịu bước. Nó khẩn khoản nói.

 Bố ơi, đừng làm vậy, con phải năn nỉ dữ lắm, thằng Mark mới chịu đổi cho con đó. Không thèm để ý đến lời nó nói, ông vẫn cứ lôi nó đi.

Khi hai bố con tìm đến nơi, thì thằng Mark và vài đứa bạn vẫn còn đang mải chơi “ tìm bắt”.

Ông John nói to:

Thằng Mark đâu, lấy lại con thỏ này rồi mau trả lại tao tấm vé số đi.

Thưa bác. Thằng Mark nói lí nhí:

 Cháu đã cho Tommy con thỏ này rồi, cháu không lấy lại đâu. Còn tấm vé số cháu đã gấp thành cái máy bay và phóng nó bay lên mái nhà. Bây giờ nó đang mắc kẹt trên ấy, đằng kia kìa!

Ông John vội vàng đi tìm kiếm cái thang, để leo lên được tới mái nhà, khi ông đã leo lên trên mái nhà rồi,  theo sự chỉ dẫn của thằng Mark ông đã dễ dàng tìm được “cái máy bay”.

Để mặc bọn trẻ ngơ ngác ở sân trường, ông vội vàng đi đến đại lý vé số để  dò. Thì ra kết quả của những con số trúng đó lại ở vé số của tỉnh khác, thành thử ra tấm vé số mà ông đang cầm ở tay chỉ là một tờ giấy lộm!

Ông trở về nhà, vừa mệt nhọc vừa cảm thấy hổ thẹn. Ông gieo mình xuống chiếc võng và thầm nghĩ rằng: “ Cái tuổi vô tư, hồn nhiên để mình sẵn sàng đổi một tấm vé số cho dầu là nó có trúng giải đặc biệt đi nữa, để lấy một con vật mà mình yêu thích, thì thời gian ấy đã vĩnh viễn qua đi rồi và nó sẽ chẳng bao giờ trở lại với ông nữa!”.

Thường thì người lớn hay có lối suy nghĩ: “ Trẻ con thì chẳng biết gì?” và họ còn  cho rằng con nít thì thường chỉ gây phiền toái, không đem lại lợi ích gì cho người lớn. Thế nên, như hôm nay chẳng hạn; khi có người dẫn trẻ em đến để gặp gỡ Đức Giê-su thì  liền bị các môn đệ  ngăn cản. Nhưng trẻ em đối với Đức Giê-su lại khác: Người rất yêu thương, quý trọng và luôn muốn làm điều tốt đẹp cho các em.

Bài Tin Mừng của thánh sử Matthêu hôm nay tuy ngắn, chỉ vỏn vẹn có hai câu của chương:19 từ câu 13 đến 15. Thế nhưng để lại rất nhièu ý nghĩa cao cả và tốt đẹp! Có thể nói nó rằng: trong hành trình rao giảng Tin Mừng thì Trẻ Em đối với Đức Giê-su rất  quan trọng; Trẻ em chiếm một vị trí “rất lớn” trong Trái Tim của Người. Nhiều lần Đức Giê-su đã bày tỏ thái độ không những bảo vệ cho các em mà Người còn đề cao các em. Người cứu chữa cho các em khỏi chết và khỏi bệnh hoạn nữa.(x Mt 9, 18-26) ( Mt 15, 21- 28)( Mt 17, 15-18) Đặc biệt Người còn lấy các em như là một biểu tượng để cho các môn đệ phấn đấu đạt thành: “Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ thơ,  thì sẽ chẳng được vào” (Lc 18, 17) “Đức Giê su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói: Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên giống như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (Mt 18, 2)

Trẻ thơ thì có những đức tính sau đây:

Hồn nhiên: Là tính cách cởi mở tự nhiên, không gò bó, không câu nệ

Vô tư:  Là không toan tính thiệt hơn, không tham lam vụ lợi.

Đơn sơ: Là nghĩ sao nói vậy, không cầu kỳ giả dối.

Thật thà và trung thực: Là có thì nói có, không thì nói không, không đơm đặt bịa chuyện,  vì thế tục ngữ có câu: “ Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”

Khiêm tốn và phó thác: Là biết thân, biết phận mình bé mọn nên mỗi khi gặp hiểm nguy, bất trắc thì lập tức chạy đến cùng cha mẹ hay người lớn để được bảo vệ chở che.

Có lẽ, chính vì những đức tính trên nên Đức Giê su rất yêu quý và trọng vọng trẻ em. Ngoài ra Người còn bảo vệ  phần tinh thần cho trẻ em một cách mạnh mẽ: Bằng chứng là Đức Giê-su đã lên án và kết án rất nặng nề đối với những ai làm gương xấu gương mù hoặc làm cho các em bị sa ngã: “Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô chìm xuống đáy biển còn hơn” ( Mt 18, 6)

Đức Giê-su còn lấy Trẻ Em làm hiện thân cho chính Người: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì Danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.” (Mt 18, 5).

Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta rút ra được hai điều và nên đem ra thực hành.

Thứ nhất: Noi theo gương Đức Giê-su luôn yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và tôn trọng Trẻ Em. Thực hiện cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, bằng cách luôn làm cho các em những điều tốt đẹp nhất, giúp đỡ các em khi chúng cần, xây dựng, bảo ban để các em trở thành những người tốt, tuyệt đối không để các em vì hành động hoặc lời nói của mình mà bị thiệt hại về thể xác cũng như tinh thần. Nhất là các con em mà mình có bổn phận và trách nhiện phải coi sóc dưỡng dục. Nói tóm lại là phải tạo cho các em một môi trường sống thật đầy đủ và tốt lành để chúng có thể phát triển cả về thể lý cũng như tinh thần cho trọn vẹn, để mai sau các em sẽ trở thành một công dân khoẻ mạnh có trí thức có lương tri, cũng như trở thành một giáo dân đạo đức gương mẫu.

Thứ hai: Từ hình ảnh của các em, chúng ta học nơi các em để cố gắng sống đơn sơ, trung thực, khiêm nhường và luôn biết phó thác mọi sự trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Thi hành được các đức tính trên, chắc chắn chúng ta sẽ làm cho Chúa Giê-su hài lòng và Người sẽ bảo vệ chở che để chúng ta có thể vượt qua mọi cơn sóng gió của cuộc lữ hành trần gian này và sau khi  đã hoàn tất hành trình trần thế,  chúng ta sẽ được  Đức Giê-su cho hưởng vinh phúc trong Nước Trời.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, khi sinh ra chúng con từ thuở bé chúng con sống rất hồn nhiên, tốt lành, nhưng càng lớn lên, chúng con càng bị cơm áo gạo tiền và những dục vọng chi phối làm biến đổi chúng con. Chính vì thế mà chúng con đã đánh mất những đức tính tốt đẹp mà Chúa đã phú ban cho lúc đầu mà trở nên vị kỷ, tội lỗi, xấu xa. Nay chúng con xin Chúa trợ giúp để chúng con biết cố gắng phục hồi những đức tính tốt đẹp đó, để cuộc sống chúng con được trở lại nhẹ nhàng, than thảnh và được gần gũi Chúa hơn. Xin cho chúng con cũng biết trở nên giống Chúa mà biết bảo vệ nâng đỡ và chăm sóc trẻ em, để cho các em có được tuổi thơ tốt đẹp, đầy ắp tiếng cười và luôn hồn nhiên trong trắng, và sau cùng trở thành những con người hữu ích cho xã hội cũng như cho Giáo Hội. Amen.

Sống Lời Chúa

Luôn cộng tác với xã hội và Giáo hội để chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Đaminh Trần Văn Chính.

Cứ để trẻ em đến với Thầy (14.08.2021)

Ngày 14.08: Lễ Nhớ Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo

Người lớn chúng ta thường hay có quan niệm: “Trẻ con chẳng biết gì đi nơi khác chơi”… Từ suy nghĩ đó nên người lớn coi thường, thiếu lắng nghe, thiếu tôn trọng và hay gạt bỏ các em qua một bên trong gia đình cũng như ngoài xã hội…

Tục ngữ Việt Nam có câu: “ Đi hỏi già, về hỏi trẻ”. Trẻ em có một giá trị nhân vị đáng trân trọng. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Nước Trời là của những ai giống như chúng”. Chúng ta thường hay giáo dục các em phải như thế này, phải như thế nọ theo ý hướng của ta, có khi còn làm gương mù gương xấu cho các em. Bắt các em làm nô lệ cho hành động sai trái của mình.

Có bao giờ người lớn chúng ta nhìn trẻ em là hình ảnh đẹp cho chúng ta soi lại mình về lối sống thành thật, đơn sơ, tin tưởng…hay chúng ta đã tha hóa các em theo lối sống phù phiếm của mình.
Hãy tôn trọng các em là thành viên trong gia đình, là thành phần đáng trân trọng trong xã hội, là sức sống của Giáo hội, là viên ngọc quý của học đường … Nếu các em được giáo dục và hướng dẫn trở thành người tốt thì đó là kho tàng vô giá của nhân loại và của Nước Trời. Ước mong mọi trẻ em trên thế giới được tôn trọng và yêu thương.
Nhân loại và nhất là đất nước Việt Nam chúng ta đang phạm một tội nghiêm trọng. Đó là giết chết sự sống, nạo – phá thai. Xin cho mọi người ý thức gìn giữ và bảo vệ mầm sống bất cứ giá nào để Thiên Chúa không bị xúc phạm.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu! Chúa yêu thương trẻ em vì đó là hình ảnh của Nước Trời. Xin cho con có được một tâm hồn trẻ thơ của Tin Mừng để con luôn bắt đầu học lại mỗi ngày sống trong đơn sơ, chân thành, bình an và hy vọng. Ngõ hầu môi trường con sống luôn toát lên sự hiện diện của Chúa là nguồn tình yêu và bình an. Amen

Nt. Angela Kim Oanh, SPP

Trẻ nhỏ (18.08.2018)

Trẻ nhỏ là những thiên thần bé bỏng, đáng yêu mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Ai cũng đã từng là trẻ nhỏ, từng có những ước mơ hồn nhiên, trong sáng, không ưu phiền, không lo toan, tính toán… Ai đã trưởng thành ít nhiều cũng tưởng nhớ đến thời thơ ấu ấy, muốn trở lại cuộc sống vô ưu ấy nhưng tiếc rằng, thời gian chỉ biết tiến, không biết lùi. Có thể nói, trẻ nhỏ gợi cho chúng ta nhớ về thời thơ ấu của chính mình, để chúng ta nhắc nhở bản thân phải trở nên đơn sơ, nhỏ bé.

Trẻ nhỏ là mầm non của đất nước, là chủ nhân tương lai của quốc gia. Đất nước có thể ngày càng phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào chúng. Chính vì thế, chúng cần phải được giáo dục một cách nghiêm túc, được chăm sóc chu đáo, tận tình, không được phép để bất cứ tâm hồn trẻ thơ nào bị vấy bẩn bởi mưu đồ của kẻ xấu.

Trẻ nhỏ là tương lai của Giáo hội, là những người giáo dân ngoan đạo, là những vị chủ chăn đạo đức, là những tu sĩ khiêm nhường… Giáo dục đức tin cho trẻ nhỏ, trở nên gương sáng và đồng hành cùng chúng là nhiệm vụ của mỗi người chúng ta. Nếu được nuôi dưỡng mỗi ngày, đến một lúc nào đó, đức tin ấy sẽ trở nên vững mạnh hơn, giúp Giáo hội ngày càng mở rộng đến mọi nơi.

Trẻ nhỏ xứng đáng được nhận tình yêu và sự chăm sóc, giáo dục, quan tâm của người lớn. Ấy vậy mà, trên thế giới ngày nay, những thiên thần đơn sơ ấy đang đối mặt với muôn vàn điều bất hạnh. Bạo lực tràn lan đã khiến rất nhiều trẻ nhỏ bị hành hung, đánh đập dã man; nền giáo dục thối nát, chạy theo đồng tiền đã dạy các em trở thành những kẻ vừa thực dụng lại vừa thiếu kiến thức; những tâm hồn trong sáng ấy bị vấy bẩn bởi những kẻ đồi bại, bất nhân… Có thể nói, chính sự thờ ơ, lãnh cảm, thiếu quan tâm của những người có trách nhiệm khiến các em không còn là những đứa trẻ hồn nhiên, đơn sơ nữa. Bên cạnh đó, những kẻ trực tiếp làm vấy bẩn tâm hồn và thể xác của các em càng đáng bị lên án hơn nữa.

Là những người trưởng thành, chúng ta cần phải bảo vệ trẻ nhỏ bằng mọi cách, để các em có thể trưởng thành một cách hoàn thiện. Không chỉ riêng con em mình, mọi trẻ em đều đáng được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Khi chăm sóc, dưỡng dục trẻ nhỏ, chúng ta cũng không quên học theo sự đơn sơ của các em vì Chúa Giêsu đã dạy trong bài Tin Mừng hôm nay: “Nước Trời là của những ai giống như chúng”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con sống xứng đáng với chức phận mình đã lãnh nhận, biết chăm sóc, giáo dục cho trẻ nhỏ về đời sống xã hội cũng như đức tin, biết bảo vệ các em khỏi những kẻ xấu xa, nguy hiểm. Bên cạnh đó, xin cho chúng con cũng biết đơn sơ, nhỏ bé như chúng để có thể được hưởng vinh phúc cùng Ngài. Amen.

Petrus Sơn

Người lớn thật “ngộ nghĩnh” (19.08.2017)

 

Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là những người nắm trong tay quyền thừa kế vận mệnh của dân tộc. Thế nhưng, để đào tạo những “mầm non” ấy đúng cách quả thật không phải chuyện đơn giản. Các bậc cha mẹ thường hay phân trần rằng “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, điều đó đúng nhưng không phải chính xác hoàn toàn, vì tính cách của con cái cũng phụ thuộc một phần vào cách dạy dỗ của cha mẹ. Chẳng hạn, Mạnh Tử – một nhà tư tưởng của Trung Quốc thời cổ đại – đã từng đưa ra học thuyết “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người khi sinh ra đều mang bản tính lương thiện).

Có thể nói, những đứa trẻ khi mới sinh ra đều như tờ giấy trắng. Do đó, những việc làm của các bậc cha mẹ chính là những nét bút đầu tiên vẽ nên tính cách của con mình; và tất nhiên, việc đó không phụ thuộc quá nhiều vào “trời”. Đôi khi, quá trình “vẽ” ấy cũng gặp một số “trục trặc kỹ thuật”, khiến cho người lớn lộ ra những nét “ngộ nghĩnh” mà ngay cả bản thân họ cũng khó nhận ra.

Người lớn thật “ngộ nghĩnh” khi không cho phép trẻ em làm những việc mà chính họ đã từng muốn làm. Là con người, ai cũng phải trải qua thời thơ ấu, ngay cả Đức Giêsu khi nhập thể cũng không ngoại lệ. Có thể nói, trẻ em là “chúa tò mò”, mọi thứ trên thế giới này đều là những bí mật thú vị đối với chúng, chính sự tò mò ấy thôi thúc chúng ham mê học hỏi, không ngừng tìm hiểu về thế giới xung quanh, chắc hẳn vị phụ huynh nào nào cũng đã từng mang tính cách đó.

Vậy mà, thay vì khuyến khích, họ lại thường cấm cản trẻ em làm những việc đó với lý do vô cùng hợp lí: Họ có kinh nghiệm. Quả thật, điều đó không hề sai, không phải kinh nghiệm nào cũng mang màu hồng, có những thứ phải đánh đổi bằng cả xương máu mới có thể rút được kinh nghiệm. Vì thế, là bậc cha mẹ, đương nhiên họ sẽ không muốn con cái đi theo “vết xe đổ” của mình, nên cấm cản là chuyện thường tình. Nhưng xin nhớ rằng, kinh nghiệm là thứ để chia sẻ, không phải để áp đặt. Như chúng ta đều biết, thánh Tôma đi theo Chúa Giêsu, sống cùng anh em tông đồ suốt ba năm ròng rã.

Ấy vậy mà, mà khi Người sống lại, ông chẳng tin lời bất cứ ai và chỉ thực sự tin khi đã tận mắt chứng kiến. Qua đó, chúng ta có thể thấy, thánh Tôma là tông đồ của Chúa mà còn cứng tin, huống chi là lũ “chúa tò mò”. Liệu chúng có thực sự tiếp thu những gì chúng ta nói không? Điều đó khó chắc chắn, nếu có cũng chỉ là do các em vâng phục mà thôi. Vì thế, để trẻ em tự do học hỏi, tự do làm điều mình muốn (đương nhiên vẫn phải theo khuôn khổ) là điều đáng khuyến khích.

Người lớn thật “ngộ nghĩnh” khi đặt mục tiêu cho con cái quá cao, đôi khi còn quá sức của chúng, để rồi khi chúng không đạt được mục tiêu đó, họ lại thất vọng. Quả thật, là cha mẹ, ai chẳng muốn con cái của mình tài giỏi hơn người. Thế nhưng, việc họ  kì vọng vào một mục tiêu xa tầm với liệu có hợp lí chăng? Tập cho con cái khả năng chịu áp lực là tốt, nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ áp lực đó vượt quá ngưỡng giới hạn của chúng chưa? Những trường hợp trẻ em học nhiều đến nỗi khù khờ, phản ứng chậm, ngại giao tiếp vì học quá nhiều không hề hiếm, hầu như lớp học nào cũng có ít nhất một trường hợp như thế.

Liệu có phải do tự bản thân chúng muốn như vậy không, hay chúng buộc phải làm vậy vì không còn lựa chọn nào khác? Liệu điều đó có thực sự giúp ích cho các em, hay nó lại gây ra hiệu ứng ngược? Đó là câu hỏi mà người lớn chúng ta cần phải tự suy ngẫm và tự trả lời. Để từ đó, chúng ta biết cân nhắc về việc đặt mục tiêu cho con cái sao cho cân xứng với khả năng của chúng.

Người lớn thật “ngộ nghĩnh” khi rất thích so sánh con mình với những đứa trẻ khác, khiến chúng ngày càng tự ti, mất niềm tin vào bản thân, để rồi lại trách mắng chúng. Câu thành ngữ “Đứng núi này trông núi nọ” có lẽ chưa bao giờ lỗi thời trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh. Liệu họ có nhận ra rằng nhân vật “con nhà người ta” là nỗi ám ảnh đối với những đứa trẻ mới lớn?

Vốn mang tính hiếu thắng, trẻ em thường khó chấp nhận việc bị chính cha mẹ mình khẳng định mình yếu kém hơn người khác. “Nhân vô thập toàn”, sống trên đời chẳng ai hoàn hảo cả; cá có thể không biết leo cây, nhưng làm sao có loài động vật nào bơi giỏi hơn cá. Việc đánh giá khả năng của con cá qua khả năng leo cây chẳng phải quá vô lí sao? Ấy thế mà, các bậc phụ huynh có vẻ chưa nhận ra được điều đó khi suốt ngày cứ lấy nhân vật “con nhà người ta” để so sánh và trách mắng con cái của mình, khiến các em nản chí vì nghĩ rằng mình quá vô dụng.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, các tông đồ cũng rất “ngộ nghĩnh” khi quở trách những đứa trẻ vì chúng đến với Đức Giêsu. Có thể vì các ông không thích sự “tăng động” của bọn trẻ, nhưng cũng có thể do các ông sợ gây phiền phức cho Chúa. Hiểu được ý của môn đệ mình, đức Giêsu liền bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng” (c 14). Khác với vẻ “người lớn khắt khe” của các tông đồ, Người rất yêu quý trẻ em, Người không chỉ không quan tâm đến sự quấy rầy của bọn trẻ mà còn cảm thông cho sự “tăng động” của chúng. Cái mà Đức Giêsu quan tâm chính là sự đơn sơ, thơ ngây của các em – một đức tính rất hiếm gặp ở người lớn.

Người đã đề cao đức tính đó khi bảo rằng: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18, 2-4). Qua đó, ta có thể thấy rằng, chúng ta không thể vào được Nước Trời với những tính cách của người lớn (nhỏ nhen, ích kỷ, tính toán, nham hiểm, mưu mô, vô ơn, phản trác… – những đức tính khó có thể bắt gặp ở trẻ thơ) mà phải biết học tập ở con cái những đức tính tốt của chúng.

Dù là người lớn, chúng ta vẫn là những con người yếu đuối; thế nên, đôi lúc chúng ta “ngộ nghĩnh” là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là, chúng ta biết nhận thức được điều đó và cố gắng sửa đổi. Đặc biệt, trẻ em như những tờ giấy trắng, vì thế, chúng ta không nên để những thói xấu của người lớn làm vấy bẩn tâm hồn trong sáng của chúng. Đức Giêsu đã nói rằng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp phạm, thà cột cối đá vào cổ nó mà xô xuống biển còn hơn” (Lc 17,2). Giáo dục và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của người lớn. Bên cạnh đó, đôi khi chúng ta còn phải học hỏi những đức tính tốt đẹp từ chúng, để có thể xứng đáng bước chân vào Thiên quốc.

Lạy Chúa, Ngài đã dạy chúng con phải biết trở nên như trẻ thơ, Ngài muốn chúng con đơn sơ, khiêm nhường, vâng phục như chúng. Xin ban cho chúng con sự kiên nhẫn cần thiết để có thể chịu đựng sự “tăng động” của chúng, biết cố gắng trở nên những tấm gương đạo đức con các em noi theo, hầu có thể giáo dục chúng theo ý Ngài. Đồng thời, xin Chúa cho chúng con biết khiêm nhường, để có thể nhìn vào những đức tính tốt của các em mà học tập; từ đó xây dựng Giáo hội của Ngài mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Amen.

Sơn Còi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *