Khiêm… (02.01.2021 – Thứ Bảy trước Lễ Hiển Linh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Ngày 02.01: Lễ Nhớ Thánh Basil Cả (329 – 379)

Tin Mừng: Ga 1,19-28

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

19 Đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông : “Ông là ai ?” 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng : “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ lại hỏi ông : “Vậy thì thế nào ? Ông có phải là ông Ê-li-a không ?” Ông nói : “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng ?” Ông đáp: “Không.” 22 Họ liền nói với ông : “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến ? Ông nói gì về chính ông ?” 23 Ông nói : Tôi là tiếng người hô trong hoang địa : Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông : “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ ?” 26 Ông Gio-an trả lời : “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” 28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

Khiêm… (02.01.2021)

Theo Hán Việt Tân Từ Điển (1974) của Nguyễn Quốc Hùng:

Khiêm () nghĩa là Kính trọng người khác; nhún nhường, tự cho mình là kém cỏi. Đây cũng là đức tính của người quân tử, “Quân tử dĩ khiêm thối vi lễ” (Sử Ký – Người quân tử lấy cung kính, nhường nhịn làm lễ)

Ngày nay, có lẽ Khiêm () là một đức tính xa xỉ và lạ lẫm trong xã hội; bởi thiên hạ bây giờ luôn xem mình là quan trọng nhất; sợ mất hình tượng trong con mắt người khác; háo danh chuộng tiếng; tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau; khó chấp nhận những người khác; khó cộng tác với người khác…

Tin Mừng thánh Gio-an hôm nay đã vẽ lên hình ảnh Vị Tiền Hô tuyệt vời của Đấng Cứu Thế. Dân chúng lúc ấy đều coi ông là Đấng Cứu Thế. Nhưng Gio-an đã không háo danh nhận lấy cái vinh quang không thuộc về mình. Sự khiêm tốn của Gio-an không phải là việc ngài không nhận cái mình không có, mà là xác định rõ mình là ai trong chương trình Cứu độ của Thiên Chúa. Gio-an đã tuyên bố thẳng thắn, chính Chúa Giê-su mới là Đấng Cứu Thế, còn ông chỉ là tiếng hô trong hoang địa, và chỉ là người sửa đường cho Chúa đi mà thôi.

Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn khiêm hạ biết trở nên nhỏ bé mỗi ngày để Chúa ngày càng lớn lên và được nhiều người nhận biết. Amen.

CÁT BIỂN

 Làm chứng về Đấng Cứu Thế

Bài Tin Mừng hôm nay nói về ông Gioan. Khi ông đã nổi tiếng bởi lối sống khắc khổ và lời giảng mạnh mẽ, thì người Do Thái, đã cử một số tư tế và thầy Lêvi từ Giêrusalem đến ông Gioan để hỏi cho biết ông là ai khi ông đang làm phép rửa ở bên kia sông Giođan. Nhân dịp này, ông Gioan đã làm chứng hùng hồn về Đấng Cứu Thế.

Tin Mừng thuật lại rằng các tư tế và thầy Lêvi đã đến hỏi ông Gioan ba câu hỏi: Ngài có phải là Đấng Cứu Thế, có phải là Êlia và có phải là một ngôn sứ không? Với đức tính chân thực và khiêm hạ, câu trả lời của ngài đều “không phải.”

Với câu hỏi “ngài có phải là Đấng Cứu Thế không?”, ông Gioan hiểu họ đang mong đợi điều gì khi đặt câu hỏi này. Cho nên, ông Gioan tuyên bố thẳng thắn rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.”

Ông Gioan đã khiêm hạ nói lên một sự thật về ngài như thế. Ông tự nhận mình “không xứng đáng cởi dây giày cho Đấng đến sau ông”, “nhưng Đấng ấy có trước ông”, Đấng ấy sẽ rửa trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11). Như trong Tin Mừng thứ tư cũng xác nhận: “Ông không là ánh sáng, nhưng đến để làm chứng cho ánh sáng” (Ga 1,8). Đây là những lời ông Gioan tuyên xưng đức tin về Đấng Cứu Thế mà ông hiểu được qua ơn Chúa dành cho ông.

Họ ngỡ ngàng về câu trả lời “ông không phải là Đấng Cứu Thế.” và họ thốt lên đầy sự khó hiểu: Không phải là Đấng Cứu Thế, “vậy thì thế nào?” và họ hỏi tiếp: vậy ông có phải là Êlia không? Với câu hỏi thứ hai này, câu trả lời mà họ nhận được từ ông Gioan vẫn là “không phải”.

Theo truyền thống bình dân, dựa trên lời sấm của ngôn sứ Malakhi (3,1-2), thì Êlia sẽ phải xuất hiện trước khi Đấng Cứu Thế đến. Nên khi thấy ông Gioan vào sa mạc ăn chay trường, mặc áo da thú, thắt lưng bằng dây da như Êlia xưa, người Do thái mới hỏi xem ông có phải là Êlia không?

Ngoài ra, họ còn thấy ông Gioan giống Êlia ở một điểm nữa là lời nói hùng hồn. Nhưng ông Gioa đã chân thành cho họ biết rằng: “ông không phải là Êlia.”

Cuối cùng, họ hỏi ông có phải là vị ngôn sứ không? Họ hỏi như vậy là vì có lời trong sách Đệ nhị luật nói rằng: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15). Vì thế, người Do thái dựa vào đó nên có những lúc hiểu nhầm, khi thì họ áp dụng cho Đấng Cứu Thế, có khi họ hiểu đó là một đại ngôn sứ, như ngôn sứ Isaia, hay Giêrêmia (x. Mc 8,28), nhưng ông Gioan lại từ chối. Ông đáp: “ông không phải là ngôn sứ”.

Sau ba câu hỏi mà có thể nói ai cũng muốn biết về ông Gioan, thì mọi người và nhất là những người tới hỏi trực tiếp là một số tư tế và các thầy Lêvi đều chưng hửng, vì câu trả lời đều không mang lại kết quả. Vì thế, sau khi hỏi, họ càng không hiểu về Ngài và thế nên họ cố nài ép: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? Lúc này, ông Gioan nói rõ về chính mình rằng:  “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa.”

Ông cho biết mình chỉ là tiếng hô của Lời, chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Ông đã trích lời ngôn sứ Isaia 40,3 để nói rằng, ông chỉ “là tiếng người hô trong hoang địa”, nghĩa là tiếng kêu gọi “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”, mời gọi mọi người hãy dọn đường cho Đáng Mêsia mà thôi. Ông Gioan nhận mình chỉ là người dọn đường cho một Đấng đến sau, Đấng ấy ông không xứng đáng cởi quai dép.

Khi nói về ông, Đức Giêsu đã từng khẳng định rằng, trong con cái loài người, không ai lớn hơn, cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả (x. Mt 11,11). Ông Gioan lớn  và cao trọng vì ông là người giới thiệu trực tiếp về Đấng Mêsia, là Đức Giêsu, một điều mà không một ngôn sứ nào trong Cựu Ước được diễm phúc làm. Nhưng ông Gioan cũng lớn vì ông đã chấp nhận nhỏ đi: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30).

Ông Gioan đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm hạ. Như ông Gioan, Ki-tô hữu chúng ta cũng cần phải làm chứng cho Chúa về cả cuộc sống của mình với sự khiêm hạ như thế. Đó là sứ mạng cao cả mà chúng ta cần nhiều ơn Chúa để có thể chu toàn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Amen.

Bình Minh

Tôi là tiếng người hô trong hoang địa (02.01.2019)

Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện xảy ra vào khoảng  mùa thu năm 27 sau công nguyên.Tại phía nam nước Do Thái.đã xuất hiện một nhà tu hành “Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Với đời sống đạo hạnh, khiêm nhu, khắc khổ, thẳng thắn và mến Chúa hết lòng. Người ấy chính là Gioan tiền hô, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, mở lối cho Đấng cứu thế đến cứu chuộc nhân loại. Sứ mệnh “Mở lối cho Chúa” ông đã làm một cách trọn hảo.

Trước hết vì lòng khiêm nhường và mến Chúa của ông. Với những cử chỉ đạo đức khác thừơng thời ấy, ông đã lôi cuốn được nhiều người đến với mình. Nhưng khi thấy dấu hiệu người ta hiểu lầm mình là Đấng cứu thế, một ngôn sứ và có nguy cơ được họ ngưỡng mộ, ông đã chối phắt: “Tôi không phải là Đấng Kitô, tôi chỉ là tiếng người hô trong hoang địa, hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”. Rồi ông đã chỉ cho họ hãy hướng đến một “Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết”. Đấng ấy là Chúa Giêsu Kitô “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Đấng ấy mới đúng là vị cứu tinh của nhân loại và xứng đáng được tôn thờ.

Với lòng khiêm nhường ấy, ông đã dạy cho dân chúng giáo lý quan trọng mở đầu tiên quyết để được đến với Nước Chúa Kitô: Nhận phép rửa của ông để tỏ lòng sám hối và thú tội. Ông tiếp tục khuyên người ta sống bác ái: “Ai có hai áo hãy lấy một cá cho người không có”. Dạy sống công bằng: “Đừng đòi chi quá luật định… Hãy bằng lòng về lương bổng của mình” (Lc3,14). Ông còn lên án, cảnh báo mạnh mẽ những kẻ gian ác nếu không hối cải, sẽ không thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh hoa quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.” (Mt3,10).

Cuối cùng khi kết thúc sứ mạng của mình ông đã nói với các môn đệ ông: “Niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,29-30). Rồi ông đã bị chém đầu vì đức công chính của ông.

Ngày nay đọc gương thánh Gioan tiền hô, soi đến mình, mỗi người đang sống một chức vị trong đạo hay ngoài đời. Ta có gắng làm để cho “Chúa được nổi bật lên” hay chỉ để phô trương đia vị, tài năng, công sức của mình? Một dịp được tham dự một khóa truyền thông Công giáo, tôi còn nhớ lời của thầy: “Tất cả mọi truyền thông Công giáo bài vở, tin tức hay hình ảnh chỉ nhằm một mục đích duy nhất, là chỉ để một mình Thiên Chúa được tôn vinh mà thôi, chứ không để phô diễn tài năng của cha này hay xứ nọ”.

Lạy Chúa! Xin cho con thấm nhuần, yêu mến sứ mệnh của thánh Gioan tiền hô, hầu con có thể góp phần tích cực vào công việc giới thiệu tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Amen.

Ngọc Năng (BC)

Chứng nhân đời thường (02.01.2018)

Tin Mừng hôm nay đề cập đến cuộc đối thoại giữa Gio-an Tẩy giả với một số tư tế và mấy thầy Lê-vi được người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử đến. Họ thắc mắc về thân phận của Gio-an:

– Ông có phải là Đấng Ki-tô không ?

– Ông có phải là Ê-li-a không ?

– Ông có phải là vị ngôn sứ không ?

Gio-an khiêm tốn nhận mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa; chỉ lo công việc sửa đường để Đức Chúa đi mà thôi. Ông còn “chắc ăn” sẽ có một Đấng đến sau ông, nhưng ông không đáng cởi quai dép cho Người.

Gio-an Tẩy giả có một lối sống khắc khổ, hy sinh hãm mình đặc biệt; kèm theo một phương thế rao giảng đặc biệt để giới thiệu Đức Giê-su Ki-tô cho nhiều người nhận biết và hướng dẫn họ đến với Đức Ki-tô. Bằng lời ăn tiếng nói và bằng chính cuộc sống của mình, Gio-an Tẩy giả đã chứng thực cho dân chúng biết Đấng đang ở giữa họ, mà họ không biết.

Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước tinh thần khiêm hạ như thánh Gio-an Tẩy giả; để qua cách sống của con, mọi người hôm nay nhận ra được khuôn mặt từ bi, nhân hậu, và chan chứa tình thương của Chúa. Amen.

 

CÁT BIỂN 

Lòng sám hối (02.01.2017)

1. Ghi nhớ:

Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi.” (Ga 1,23)

 2. Suy niệm:

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có cách đối nhân xử thế khác nhau, có người chọn đời sống thiêng liêng  bằng lời cầu nguyện, qua đó thể hiện bằng sự sẻ chia cho nhau qua tấm cơm manh áo, đùm bọc nhau dù sống khó nghèo, nhưng vẫn có tấm lòng rộng mở. Nhưng lại có người chọn cho mình một tâm hồn quanh co lừa lọc và gian dối, không thành thật, tham lam vì bổng lộc gây nên sự chia rẽ bất hòa, vì công danh mà quên tòa án lương tâm đang phán xét tôi, sống không công bằng với người đời, dù tôi sống tốt hay xấu, nhưng Thiên Chúa vẫn đang dõi theo tôi từng ngày.

Hay có người sống ích kỷ, luôn trốn tránh nhiệm vụ trong gia đình, xã hội, cộng đoàn hay Huynh đoàn nhưng lại hay thích phê phán, chỉ trích anh em, quên rằng đời sống trần gian là sự nối kết trùng trùng  theo cách sống đời này của tôi, được xếp theo công thưởng  của sự sống đời sau. Thế nên! Con đường thiêng liêng là sống tinh thần huynh đệ, một tinh thần luôn xây dựng, tinh thần hòa giải, một tinh thần luôn luôn nối kết với Thiên Chúa qua  đời sống Tin Mừng.

Hôm nay Thánh Gio-an đã kêu gọi lòng sám hối của mỗi người: ‘‘Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi”, Ngài kêu gọi tôi hãy sống bằng một tấm lòng đơn sơ chân thật, vị tha, một tấm lòng sám hối để bạt đi núi đồi quanh co, để có một tâm hồn sống khiêm nhu ngay thẳng, lấp đi những hố sâu của sự nham hiểm, đê tiện đang làm hại đến mọi người.
Sống sám hối, để trở về với con đường thiêng liêng mặc dù đời sống tôi bao phen ngả nghiêng trong bóng đêm của tội lỗi, nhưng tôi biết sống mật thiết và kết hợp cùng Thiên Chúa, biết bừng lên trong ánh sáng và hy vọng, giúp linh hồn tôi sống trong suối nguồn hồng ân Chúa bao phủ, dù cuộc sống dù chông gai va vấp, nhưng nếu biết tin tưởng phó thác trong tay Ngài, tôi vẫn còn có Chúa đồng hành mọi nơi, khi tôi gặp hiểm nguy trong ba đào, biết sám hối và quay trở về với Chúa, nhìn lại quãng đời bao năm vấp phạm với tội lỗi đầy tràn, nhưng tình Chúa vẫn hằng chứa chan ân sủng, sự cần thiết và cấp bách nhất của con người là lòng sám hối khi ăn năn hối lỗi cùng Chúa. Vì với Ngài:

“Ai sám hối thì Người ban cho ơn trở về,

Và những kẻ sờn lòng nản chí, Người cũng sẽ ủi an” (Hc 17, 24).

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho chúng con biết  nhận ra tội lỗi mình đã vấp phạm, để biết quay trở về với lòng sám hối, luôn sống theo con đường Tin Mừng Thiên Chúa đang mời gọi, vì chính Thầy là đường, là sự thật và sự sống là con đường vĩnh cửu của cuộc đời chúng con. Amen.

M.Liên

.

Lời chứng về Đấng Kitô (02.01.2016)

SUY NIỆM:

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ của ông Gio-an Tẩy giả với một số tư tế và thầy Lê-vi được  cộng đồng người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem cử đến. Những người này chất vấn ông Gio-an xem ông là ai ? Có phải là Đấng Kitô không?.

Ông Gioan Tẩy giả, một người có lối sống đơn sơ, khổ hạnh. Ông được toàn dân Ít-ra-en kính trọng, nể phục; từ vua Hê-rô-đê đến các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và dân chúng, tất cả đều ngưỡng mộ ông. Ông xuất hiện bên bờ sông Gióc-đan, giảng về lòng sám hối và canh tân đời sống; ông kêu gọi mỗi người hãy từ bỏ lối sống vốn dĩ đang đi sâu vào lầm lạc, xa rời chân lý và đầy rẫy những bất công, gian dối. Ông mời gọi mọi người chỉnh đốn, sửa đổi cách sống cho tốt đẹp hơn và chịu phép rửa sám hối để đón chờ Đấng Cứu Tinh nhân loại ngự đến. Dân chúng tuốn đến với Gioan Tẩy giả, nghe giảng dạy và xin ông làm phép rửa bởi nước cho họ. Với lối sống khó nghèo, nhiệm nhặt; cùng với lời giảng dạy đầy thuyết phục của ông Gio-an, rất đông dân chúng đã xin được thanh tẩy để tỏ lòng sám hối và quay trở về với đường công chính, hy vọng được gặp Đấng Cứu Thế mà cha ông họ đã bao đời trông mong chờ đợi.

Hoạt động của Gio-an Tẩy giả đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng người Do Thái, khiến những người lãnh đạo tinh thần ở Giê-ru-sa-lem đặc biệt chú ý đến lời Kinh Thánh ghi chép về Đấng Cứu Thế,  Đấng sẽ đến giải cứu dân Người; họ cử các tư tế và các thầy lê-vi đến gặp ông Go-an.

Trong thâm tâm người Do Thái lúc bấy giờ, họ phân vân không biết Gio-an có phải là Đấng sẽ đến hay không? Họ hỏi ông: “Ông là ai?” , ông Gio-an thẳng thắn trả lời họ: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô … không phải là Ê-li-a …hay một tiên tri”. Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”. Ông Gio-an đã trả lời họ: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói”.

Những người thuộc phái Pha-ri-sêu đi theo đoàn, cũng hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?”.

Ông Gio-an Tẩy giả được tràn đầy thánh thần, ông giảng dạy và can đảm vạch trần những sai trái của mọi tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ, vì họ sống buông thả, chiều theo dục vọng và làm những điều xấu xa, xúc phạm đến Thiên Chúa cũng như vi phạm lề luật của Người; việc làm của Gio-an khiến những người Pha-ri-sêu khó chịu, vì họ cho rằng hành động làm phép rửa và tha tội cho con người là thẩm quyền của Thiên Chúa hay Đấng Kitô được Người sai đến. Ông Gio-an đã mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Ông Gio-an Tẩy giả muốn nói đến Đức Giêsu Na-da-rét, là người đang gây chú ý trong dân chúng Ít-ra-en; đó chính là Đấng Cứu Thế muôn dân đang trông đợi, Đấng phải đến để làm phép rửa trong ThánhThần mà tha thứ tội lỗi cho mọi người.

Đời sống của Gio-an tẩy giả đã lôi kéo sự chú ý của dân Do Thái và hướng họ về Đấng Cứu Thế mà họ và cha ông họ hằng trông mong chờ đợi; Gio-an tẩy giả xuất hiện đồng thời với Đức Giêsu Na-da-rét, khi Người công khai rao giảng Nước Trời và ơn Cứu Độ. Dân Do thái đã không nhận biết Đức Giêsu Na-da-rét là Đấng Cứu Thế vì Người thuộc tầng lớp lao động nghèo hèn, cha của Người cũng chẳng có gì là danh giá vì chỉ là bác thợ mộc ở Na-da-rét quê mùa.

Thế giới hôm nay vẫn còn rất nhiều người không nhận biết, hay chưa nhận biết “Con Thiên Chúa” đã giáng sinh làm người; Đấng đang hiện diện giữa nhân loại và mong chờ được nhân loại đón tiếp, suy tôn và tuân phục.

Cần phải có những “Gio-an tẩy giả” khiêm tốn, sống đơn sơ và nhiệt thành làm chứng cho Đấng Cứu Thế bằng chính cuộc sống thánh thiện và công chính giữa lòng đời hôm nay, để Đấng Cứu Thế được nhiều người nhận biết và ơn Cứu Độ của Người lan tỏa đến mọi người và mọi dân tộc.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Khiêm tốn tin phục Hài Nhi mà nhân loại vừa mừng kỷ niệm hơn hai ngàn năm giáng sinh, Hài nhi đó chính là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu tinh của nhân loại. Người đến thế gian, rao giảng chân lý cứu độ và làm phép rửa cho mọi người bằng Thánh Thần của Người; nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Người, tôi được ơn tha thứ tội lỗi và trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, Chúa đang hiện diện giữa nhân loại chúng con và luôn thi ân giáng phúc cho chúng con; vậy mà vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho người Kitô Hữu chúng con trở nên “tiếng hô trong hoang địa” như Gioan Tẩy giả; để qua hành vi, lời nói trong cuộc sống, chúng con làm chứng Người chính là Đấng Cứu Thế đã đến thế gian, để giải thoát nhân loại khỏi sự thống trị của ma quỷ và tội lỗi, để dẫn đưa mọi người đến hạnh phúc vĩnh cửu.

SỐNG TIN MỪNG

Khiêm tốn, tín thác vào lòng thương xót và tha thứ của Đức Giêsu Kitô; nỗ lực sống thánh giữa đời và loan báo Tin Mừng cho mọi người xung quanh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *