Diễn văn của ĐTC tại Hội nghị liên tôn Emirati và Văn kiện lịch sử ký giữa Đức Phanxicô và Đại Giáo Sĩ của Al Azhar

 

Chúng ta không thể tôn kính Đấng Tạo Hóa mà lại không bảo tồn tính chất thánh thiêng của mỗi người và của mỗi nhân mạng: mỗi người đều quí giá trước mặt Chúa. Vì Chúa không nhìn gia đình nhân loại với một cái nhìn thiên vị loại trừ, nhưng với cái nhìn từ nhân bao gồm mọi người.

 Trên đây là những ý tưởng chính trong bài diễn văn dài của ĐTC tại hội nghị quốc tế liên tôn nhóm tại Abu Dhabi hôm 4-2-2019 về chủ đề ”Tình huynh đệ nhân loại”.

Đây là hoạt động chính yếu của ĐTC trong ngày đầu tiên viếng thăm tại Abu Dhabi. Cuộc gặp gỡ diễn ra lúc quá 6 giờ chiều với 700 vị lãnh đạo các tôn giáo: Hồi giáo, Kitô, Phật giáo, Ấn giáo, đạo Baha’i.., tại Hội trường thuộc khu vực Đài tưởng niệm vị Lập Quốc Sheik Zayed bin Sultan Al Nahyan ở Abu Dhabi.

Các tham dự viên đến từ 30 quốc gia và thảo luận trong hai ngày 3 và 4-2-2019 về chủ đề là ”Tình huynh đệ nhân loại”.

 Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng tại Hội nghị, sau lời chào mừng của Thái Tử Mohammad Zayed và Đại Iman Ahmad al Tayyeb của Đền thờ Al Azhar ở Cairo, cũng là trưởng Ban tổ chức Hội nghị, ĐTC đã chào mừng và cám ơn các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền, cũng như mọi người hiện diện, rồi ngài đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc giúp nhân loại cứu vãn hòa bình qua con tàu huynh đệ như con tàu của ông Noe xưa kia. Tình huynh đệ này dựa trên sự kiện tất cả chúng ta đều do Thiên Chúa tạo dựng và là anh chị em với nhau. Từ đó, mọi người đều có phẩm giá bình đẳng và bình quyền, và con người không thể nhân danh Thiên Chúa để loại trừ nhau. Và để giữ tinh thần gia đình trong nhân loại, cần đối thoại và cầu nguyện, thực thi giáo dục và công lý, bài trừ mọi hình thức chiến tranh và võ trang. ĐTC nói:

”Với tâm tình cảm tạ Chúa, trong dịp kỷ niệm 800 năm cuộc gặp gỡ giữa thánh Phanxicô Assisi và quốc vương Hồi giáo al-Malik al-Kamil, tôi đón nhận cơ hội đến đây như một tín hữu khao khát hòa bình, như người anh em cùng với các anh em khác tìm kiếm hòa bình. Mong muốn hòa bình, thăng tiến hòa bình, trở thành dụng cụ hòa bình: tất cả chúng ta ở đây là vì mục đích ấy.

 Con tàu huynh đệ cứu vớt nhân loại ngày nay

Huy hiệu cuộc viếng thăm này có vẽ hình một chim câu đang ngậm một ngành ô-liu. Đó là một hình ảnh gợi lại trình thuật đại hồng thủy ban đầu, được kể trong nhiều truyền thống tôn giáo. Theo trình thuật Kinh Thánh, để bảo tồn nhân loại khỏi cuộc tàn phá, Thiên Chúa đã yêu cầu ông Noe vào con tàu cùng với gia đình ông. Ngày nay cũng vậy, nhân danh Thiên Chúa, để cứu vãn hòa bình, chúng ta cần cùng nhau, như một gia đình duy nhất, tiến vào một con tàu có thể vượt qua những đại dương đang bị bão tố của thế giới: đó là con tàu huynh đệ.

Gia đình nhân loại duy nhất

Điểm khởi hành là nhìn nhận rằng Thiên Chúa là nguồn gốc gia đình nhân loại duy nhất. Chúa là Đấng Sáng tạo mọi sự và mọi người, Chúa muốn chúng ta sống như anh chị em với nhau, ở trong căn nhà chung của thiên nhiên mà Chúa ban cho chúng ta. Nơi căn cội nhân tính chung của chúng ta có tình huynh đệ, như ”ơn gọi chứa đựng trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa” (1). Tình huynh đệ ấy nói với chúng ta rằng tất cả chúng ta đều có phẩm giá bình đẳng và không ai có thể là chủ nhân hoặc nô lệ của người khác.

Chúng ta không thể tôn kính Đấng Tạo Hóa mà lại không bảo tồn tính chất thánh thiêng của mỗi người và của mỗi nhân mạng: mỗi người đều quí giá trước mặt Chúa. Vì Chúa không nhìn gia đình nhân loại với một cái nhìn thiên vị loại trừ, nhưng với cái nhìn từ nhân bao gồm mọi người. Vì thế, nhìn nhận mỗi người đều bình quyền chính là tôn vinh Danh Thiên Chúa trên mặt đất. Do đó, nhân danh Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, cần lên án, không chút do dự, mọi hình thức bạo lực, vì thực là một sự xúc phạm trầm trọng chống lại Danh Thiên Chúa khi dùng danh Ngài để biện minh cho oán thù và bạo lực chống lại người anh em. Không có bạo lực nào có thể được biện minh bằng tôn giáo.

Kẻ thù của tình huynh đệ

Kẻ thù của tình huynh đệ chính là chủ nghĩa cá nhân, nó được diễn tả qua ý muốn khẳng định bản thân và phe nhóm của mình ở trên người khác. Đó thật là một cạm bẫy đe dọa tất cả các khía cạnh của cuộc sống, thậm chí nó đe dọa cả đặc ân cao cả nhất, bẩm sinh của con người, đó là sự cởi mở đối với siêu việt và lòng đạo đức. Lòng đạo đức chân thực hệ tại yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình.

 Ca ngợi sự cởi mở của Abu Dhabi

”Vì thế tôi muốn bày tỏ lòng quí chuộng đối với sự dấn thân của đất nước này trong sự bao dung và bảo đảm tự do phụng tự, đương đầu với thái độ cực đoan và oán ghét. Làm như thế, trong khi chúng ta thăng tiến tự do cơ bản là được tuyên xưng tín ngưỡng của mình, vốn là một đòi hỏi nội tại đối với việc thực hiện chính con người, chúng ta cũng cảnh giác để tôn giáo không bị lạm dụng và có nguy cơ chối bỏ chính mình, khi chấp nhận bạo lực và khủng bố.

 Cư xử với nhau như anh chị em

”Chắc chắn tình huynh đệ được ”biểu lộ qua sự đa dạng và khác biệt giữa các anh em, tuy liên kết với nhau bằng sự sinh ra và có cùng bản tính, cùng phẩm giá” (2). Sự đa nguyên tôn giáo nói lên điều đó. Trong bối cảnh ấy, thái độ đúng không phải là ép buộc phải đồng nhất, và cũng chẳng phải là tôn giáo pha trộn nhau: điều mà chúng ta, trong tư cách là tín hữu, được kêu gọi thực hiện, đó là dấn thân trong phẩm giá đồng đều của mọi người, nhân danh Đấng Từ Bi Thương Xót đã tạo dựng nên chúng ta và nhân danh Chúa, cần phải tìm kiếm sự dung hòa giữa những xung khắc và tình huynh đệ trong sự khác biệt. Ở đây tôi muốn tái khẳng định xác tín của Giáo Hội Công Giáo: ”Chúng ta không thể khẩn cầu Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, nếu chúng ta từ khước, không cư xử như anh chị em với một số trong số những người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa” (3).

Làm sao gìn giữ gia đình nhân loại

Nhưng có nhiều vấn nạn được đặt ra: ”Làm sao giữ gìn nhau trong gia đình nhân loại duy nhất? Làm sao nuôi dưỡng một tình huynh đệ không phải trên lý thuyết, nhưng được diễn tả qua một tình huynh đệ đích thực? Làm thế nào để sự bao gồm người khác trổi vượt trên sự loại trừ nhân danh nhóm của mình? Tóm lại là làm sao để các tôn giáo là những con đường của tình huynh đệ thay vì là những hàng rào chia cách?

Gia đình nhân loại và can đảm chấp nhận người khác

“Nếu chúng ta tin có một gia đình nhân loại, thì cần phải bảo tồn gia đình ấy trong tư cách là gia đình. Giống như trong mỗi gia đình, sự bảo tồn được diễn ra nhờ một cuộc đối thoại thường nhật và đích thực. Cuộc đối thoại ấy giả thiết mình có căn tính và không cần phải từ bỏ căn tính ấy để làm hài lòng người khác. Nhưng đồng thời cũng cần phải can đảm chấp nhận người khác (4), điều này bao hàm sự hoàn toàn nhìn nhận người khác và tự do của họ, cùng với sự dấn thân làm sao để các quyền căn bản của tha nhân luôn được khẳng định ở mọi nơi và đối với bất kỳ ai khác. Vì không có tự do thì không còn là những người con của gia đình nhân loại, nhưng là những người nô lệ. Trong số những quyền tự do mà tôi muốn nhấn mạnh có tự do tôn giáo. Tự do này không chỉ giới hạn vào tự do phụng tự mà thôi, nhưng nhìn tha nhân thực sự như một người anh em, người con có cùng nhân loại với tôi mà Thiên Chúa cho tự do và vì thể không một tổ chức phàm nhân nào có thể cưỡng bách, dù là nhân danh Chúa.

 Đối thoại và cầu nguyện

”Can đảm chấp nhận người khác chính là linh hồn của việc đối thoại, vốn dựa trên những ý hướng chân thành. Thực vậy, đối thoại bị thương tổn do sự giả bộ, làm gia tăng sự xa cách và ngờ vực: ta không thể tuyên bố tình huynh đệ rồi hành động ngược lại. Theo một văn sĩ tân thời, ”ai nói dối chính mình và lắng nghe những lời gian dối của mình, thì đi tới chỗ không còn có thể phận biệt sự thật nữa, trong nội tâm, quanh bản thân mình, và thế là họ bắt đầu không còn tôn trọng bản thân và người khác” (5).

”Trong tất cả những điều ấy, cầu nguyện là điều không thể thiếu được; trong khi biểu lộ can đảm đón nhận người khác trước mặt Chúa, việc cầu nguyện thanh tẩy tâm hồn khỏi thái độ co cụm vào mình. Kinh nguyện thành tâm là một yếu tố tái tạo tình huynh đệ. Vì thế, ”về tương lai cuộc đối thoại liên tôn, điều đầu tiên là chúng ta phải cầu nguyện. Và cầu nguyện cho nhau: chúng ta là anh em với nhau! Nếu không có Chúa thì chẳng có thể làm được gì; với Ngài, tất cả đều trở thành điều có thể! Ước gì kinh nguyện của chúng ta, mỗi người theo truyền thống của mình – hoàn toàn theo Thánh Ý Chúa, là Đấng mong muốn tất cả mọi người nhìn nhận nhau như anh em và sống như thế, họp thành một đại gia đình nhân loại, hòa hợp trong sự khác biệt” (6).

”Không có giải pháp khác: hoặc chúng ta cùng nhau kiến tạo tương lai hoặc sẽ không có tương lai. Đặc biệt các tôn giáo không thể từ khước nghĩa vụ khẩn cấp là bắc những nhịp cầu giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Đã đếnlúc các tôn giáo dân thân tích cực hơn, can đảm và táo bạo, không giả vờ, để giúp đỡ gia đình nhân loại làm chín mùi khả năng hòa giải, viễn tượng hy vọng và những hành trình cụ thể đạt tới hòa bình.

 Giáo dục và công lý

”Và thế là chúng ta trở lại hình ảnh chim bồ cầu hòa bình đã nói ban đầu. Để có thể bay lên, hòa bình cũng cần có đôi cánh nâng đỡ. Đôi cánh ở đây là giáo dục và công lý.

Educatio, giáo dục, trong tiếng la tinh, có nghĩa là rút ra ngoài, đưa ra ánh sáng những tiềm năng quí giá của tâm hồn. Thật là điều an ủi khi nhận thấy rằng tại đất nước này không những có sự đầu tư để rút ra những tài nguyên từ lòng đất, nhưng còn có sự đầu tư về những tài nguyên của con tim, đầu tư vào giáo dục người trẻ. Đó là một sự dấn thân mà tôi cầu mong sẽ được tiếp tục và được phổ biến khắp nơi. Cả việc giáo dục cũng diễn ra trong tương quan, trong sự hỗ tương. Chúng ta phải gắn kèm châm ngôn thời danh xưa kia ”Bạn hãy biết chính mình” bằng câu ”Bạn hãy biết người anh em của bạn”: biết lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của họ, vì sẽ không có sự nhận biết đích thực về bản thân nếu không nhận biết về tha nhân. Trong tư cách là người, và nhất là với tư cách là anh em, chúng ta nhắc nhớ cho nhau rằng ta không thể xa lạ với những gì thuộc về con người (7). Điều quan trọng đối với tương lai là huấn luyện căn tính cởi mở, có khả năng chiến thắng cám dỗ co cụm vào mình và cứng nhắc.

Đầu tư vào văn hóa giúp giảm bớt oán ghét và làm gia tăng nền văn minh và sự thịnh vượng. Giáo dục và bạo lực tương phản với nhau theo tỷ lệ. Các học viện Công Giáo, rất được quí chuộng kể cả tại đất nước này và trong vùng, đang thăng tiến nền giáo dục như vậy về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau để phòng ngừa bạo lực.

Những người trẻ thường bị vây bủa vì những sứ điệp tiêu cực và những tin giả mạo (fake news), họ đang cần học cách không chiều theo những cám dỗ của chủ thuyết duy vật, oán ghét và những thành kiến; học cách phản ứng chống lại bất công và cả những kinh nghiệm đau thương của quá khứ; học cách bảo vệ các quyền của người khác, với cùng một sự cương quyết mạnh mẽ như khi họ bảo vệ các quyền của mình. Một ngày kia, chính họ sẽ là những người sẽ phán xét chúng ta: họ phán đoán tốt cho chúng ta nếu chúng ta mang lại cho họ những nền tảng vững chắc để kiến tạo những cuộc gặp gỡ mới về văn minh; họ sẽ lên án chúng ta nếu chúng ta chỉ để lại cho họ những ảo ảnh và viễn tượng điêu tàn về những cuộc đụng độ man rợ.

Công lý là chiếc cánh thứ hai của hòa bình, công lý này thường không bị tổn thương vì những vụ riêng rẽ, nhưng dần dần bị thứ ung thư bất công tiêu diệt.

Vì thế, ta không thể tin nơi Thiên Chúa mà không tìm cách sống theo công lý với tất cả mọi người, theo khuôn vàng thước ngọc này: ”Tất cả những gì các con muốn người khác làm cho con, thì các con hãy làm như vật cho họ: thực vậy đó là Luật và các Ngôn Sứ” (Mt 7,12).

Hòa bình và công lý không thể tách rời nhau! Ngôn Sứ Isaia đã nói; ”Thực hành công lý sẽ mang lại hòa bình” (32,17). Hòa bình chết đi khi nó tách rời khỏi công lý, nhưng công lý trở nên giả tạo nếu nó không có đặc tính đại đồng. Một nền công lý chỉ dành cho những người thân thuộc, những người đồng hương và đồng đạo, thì đó là một nền công lý khập khiễng, là một thứ bất công mang mặt nạ!

Các tôn giáo cũng có nghĩa vụ nhắc nhớ rằng sự ham hố lợi lộc làm cho con tim bất động và các luật lệ của thị trường hiện nay, khi đòi hỏi tất cả và ngay lập tức, sẽ không hỗ trợ sự gặp gỡ, đối thoại, nâng đỡ gia đình, những chiều kích thiết yếu của cuộc sống đang đòi phải có thời gian và kiên nhẫn. Các tôn giáo cần trở thành tiếng nói của những người rốt cùng, không phải là những thông kê, nhưng là anh chị em và đứng về phía những người nghèo; các tôn giáo cần canh chừng như những lính canh của tình huynh đệ trong đêm đen của những xung đột, trở thành những lời kêu gọi cảnh giác để nhân loại không nhắm mắt trước những bất công và không bao giờ cam chịu trước quá nhiều thảm trạng của thế giới.

Sa mạc nở hoa

Sau khi nói về tình huynh đệ như con tàu hòa bình, giờ đây tôi muốn lấy hứng từ một hình ảnh thứ hai, hình ảnh sa mạc đang bao quanh chúng ta.

Tại đây, trong vòng vài năm, nhờ sự nhìn xa trông rộng và khôn ngoan, sa mạc đã biến thành một nơi thịnh vượng và chào đón; từ một chướng ngại cản trở sự lui tới, sa mạc trở thành nơi gặp gỡ giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Tại đây sa mạc nở hoa, không phải chỉ vài ngày trong năm, nhưng cho nhiều năm tới đây. Đất nước này, trong đó cát và những nhà chọc trời gặp nhau, tiếp tục là một ngã tư quan trọng giữa Tây và Đông phương, giữa Bắc và Nam bán cầu, một nơi phát triển, nơi mà trước đây những môi trường không thu hút dân chúng, nay đang dành những công ăn việc làm cho nhiều người từ các nước khác nhau.

Nhưng cả sự phát triển cũng có những đối thủ. Nếu kẻ thù của tình huynh đệ là cá nhân chủ nghĩa, tôi muốn nêu rõ chướng ngại cản trở sự phát triển chính là sự dửng dưng lãnh đạm, xét cho cùng nó biến những thực tại tươi nở thành những miền đất hoang dã. Thực vậy, một sự phát triển chỉ hoàn toàn duy lợi ích thì sẽ không mang lại tiến bộ đích thực và lâu bền. Chỉ có một sự phát triển toàn diện và có phối hợp mới mang lại một tương lai xứng đáng với con người. Sự dửng dưng ngăn cản không cho ta nhìn thấy cộng đoàn nhân loại, vượt lên trên những lợi lộc, và nhìn người anh em vượt lên trên công việc họ đang thi hành. Thực vậy sự dửng dưng không hướng nhìn về ngày mai; nó không chú ý đến tương lai của công trình tạo dựng, không chăm sóc đến phẩm giá của người ngoại kiều và tương lai của các trẻ em.

Trong bối cảnh đó, tôi vui mừng vì chính tại đây, ở Abu Dhabi, hồi tháng 11 năm ngoái, đã tiến hành Diễn Đàn đầu tiên của Liên minh liên tôn để đạt tới những cộng đoàn an toàn hơn về vấn đề phẩm giá trẻ em trong thời đại kỹ thuật số. Diễn đàn ấy đã đón nhận sứ điệp được truyền đi, một năm trước đó tại Roma, trong Hội nghị quốc tế về cùng đề tài mà tôi đã hết sức hỗ trợ và khích lệ. Tôi cám ơn tất cả các vị lãnh đạo đã dấn thân trong lãnh vực này và tôi cam kết ủng hộ, liên đới và sự tham gia của tôi và của Giáo Hội Công Giáo vào chính nghĩa rất quan trọng này, chính nghĩa bảo vệ các trẻ vị thành niên trong mọi khía cạnh.

Tại đây, nơi sa mạc đã mở ra một con đường phát triển phong phú, đi từ công việc làm, mang lại hy vọng cho nhiều người thuộc các dân tộc, văn hóa và tín ngưỡng khác nhau. Trong đó có nhiều Kitô hữu, sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại miền này đã có từ nhiều thế kỷ, họ đã tìm được cơ may và góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng và an sinh của Đất nước này. Ngoài những khả năng chuyên môn, họ cũng mang đến phẩm chất đức tin của họ. Sự tôn trọng và bao dung mà họ gặp được, cũng như những nơi cần thiết cho việc thờ phượng nơi họ cầu nguyện, giúp họ đạt được sự trưởng thành tâm linh vốn là điều cũng mưu ích lợi cho toàn thể xã hội. Tôi khuyến khích tiếp tục con đường này để bao nhiêu người sống tại đây hoặc đi qua đường giữ lại, không những hình ảnh những công trình to lớn được dựng lên nơi sa mạc, nhưng cả hình ảnh một quốc gia bao gồm và đón nhận mọi người.

Chính với tinh thần ấy, không những tại đây, nhưng còn ở nơi toàn vùng Trung đông quí mến và quan trọng, mà tôi cầu mong có những cơ hội gặp gỡ cụ thể: những xã hội trong đó con người thuộc các tôn giáo khác nhau được cùng một quyền công dân và nơi mà quyền ấy không phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào.

Một sự sống chung huynh đệ, dựa trên giáo dục và công lý; một sự phát triển nhân bản được xây dựng trên sự bao gồm niềm nở đón nhận và trên các quyền của mọi người: đó là những hạt giống hòa bình, mà các tôn giáo được kêu gọi làm nẩy mầm. Các tôn giáo, ngày nay hơn bao giờ hết, có một nghĩa vụ không thể hoãn lại được trong giai đoạn lịch sử hiện nay, đó là tích cực góp phần giải trừ võ trang cho tâm hồn con người. Sự chạy đua võ trang, việc mở rộng các vùng ảnh hưởng của mình, những chính sách gây hấn gây thiệt hại cho người khác, không bao giờ mang lại sự ổn định. Chiến tranh không biết tạo nên điều gì khác ngoài lầm than, võ khí không mang lại điều gì khác ngoài chết chóc!

Tình huynh đệ giữa con người đòi chúng ta, là đại diện của các tôn giáo, thi hành nghĩa vụ bài trừ mọi hình thức ủng hộ từ chiến tranh. Chúng ta hãy trả lại nó cho sự tàn ác đáng thương của nó. Những hậu quả đau thương của nó đang diễn ra trước mắt chúng ta. Tôi đặc biệt nghĩ đến Yemen, Siria, Irak và Libia. Cùng nhau, như anh em của một gia đình nhân loại duy nhất mà Thiên Chúa mong muốn, chúng ta hãy dấn thân chống lại thứ lô-gíc quyền lực võ trang, chống lại sự thương mại hóa các quan hệ, sự võ trang các biên giới, việc dựng lên những hàng rào và sự bịt miệng những ngươi nghèo; chúng ta hãy mạnh mẽ chống lại tất cả những điều ấy bằng sức mạnh dịu dàng của kinh nguyện và sự dấn thân hàng ngày của chúng ta trong đối thoại. Ước gì sự kiện chúng ta cùng ở với nhau hôm nay là một sứ điệp tin tưởng, một sự khích lệ cho tất cả những người thiện chí, để họ không đầu hàng trước trận lụt hồng thủy của bạo lực và nạn sa mạc hóa lòng vị tha. Thiên Chúa đứng về phía người tìm kiếm hòa bình. Từ trời cao, Chúa chúc lành cho mọi bước tiến được thực hiện trên trái đất theo con đường này”.

 

——–

Chú thích

1. Biển Đức 16, Diễn văn với các tân đại sứ cạnh Tòa Thánh, 16-12-2010

2. Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 1-1-2015,2

3. Tuyên ngôn Nostra Aetate, 5

4. Diễn văn tại Hội nghị quốc tế về hòa bình, Al Azhar, Cairo 28-4-2017

5. F.M. Dostoeskij, I fratelli Kamazoov, II, Milano 2010, 60

6. Tiếp kiến chung liên tôn 28-10-2015

7. Terenzio, Heautontimorumenos, I,1,25

 G. Trần Đức Anh OP – chuyển ý

 

Abu Dhabi: Văn kiện lịch sử ký giữa Đức Phanxicô và Đại Giáo Sĩ của Al Azhar: ‘Tình anh em của con người vì Hòa Bình Thế Giới và Sống Chung’

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Imam của Al-Azhar vào ngày 4 tháng 2 năm 2019, đã ký Văn kiện về “tình huynh đệ của con người vì hòa bình thế giới và sống chung”. Việc ký kết này diễn ra sau bài diễn văn của Đức Phanxicô tại Hội Nghị Hoàn Cầu về Tình Anh Em của Con Người tại Abu Dhabi, yếu tố chính trong chuyến tông du ngày 3-5 tháng 2 của Đức Thánh Cha đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Ông Alessandro Gisotti, Giám đốc lâm thời của Văn phòng Báo chí Vatican, trong một tuyên bố, viết rằng “Tài liệu tượng trưng một bước tiến quan trọng trong cuộc đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi giáo và là một dấu hiệu mạnh mẽ của hòa bình và hy vọng cho tương lai nhân loại”.

Đầu ngày hôm nay, Quốc vụ khanh Vatican, Hồng Y Pietro Parolin, nói với các nhà báo rằng tầm quan trọng của ngày này là cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo và Hồi giáo, để cổ vũ hòa bình và đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan.

Thông cáo báo chí tiếp tục viết:

“Văn kiện là một lời kêu gọi mạnh mẽ để đối phó với điều ác bằng điều thiện, để củng cố cuộc đối thoại liên tôn và cổ vũ sự tôn trọng lẫn nhau để chặn đường đối với những người muốn đổ thêm dầu vào lửa trong các cuộc đụng độ giữa các nền văn minh. Tại Abu Dhabi, Đức Phanxicô và ngài Al-Tayyib đã cùng nhau chỉ ra con đường hòa bình và hòa giải mà không những chỉ có các Kitô hữu và người Hồi giáo, mà tất cả mọi người có thiện chí đều có thể bước lên.

“Văn kiện rất can đảm và tiên tri vì nó đối đầu và nêu đích danh các vấn đề cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta mà những người tin vào Thiên Chúa được khuyến khích tự vấn lương tâm của chính họ và tự tin nhận trách nhiệm của mình để hiến mạng sống cho một thế giới công bằng và thống nhất hơn.

“Với những từ ngữ không mơ hồ, Đức Giáo Hoàng và Đại Imam tuyên bố rằng không ai được phép khai thác tên Thiên Chúa để biện minh cho chiến tranh, khủng bố hoặc bất dưới cứ hình thức bạo lực nào khác. Ngoài ra, các vị khẳng định rằng sự sống phải luôn được bảo vệ và đồng thời, quyền của phụ nữ phải được công nhận đầy đủ, và mọi thực hành kỳ thị đối với họ phải bị bác bỏ.

“Trước nhân loại, bị tổn thương bởi rất nhiều sự chia rẽ và sự cuồng tín về ý thức hệ, Đức Giáo Hoàng và Đại Imam của Al-Azhar chứng minh rằng cổ vũ văn hóa gặp gỡ không phải là điều không tưởng, nhưng là điều kiện cần thiết để sống trong hòa bình và để lại cho các thế hệ tương lai một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta đang sống”.

VĂN KIỆN VỀ TÌNH ANH EM CỦA CON NGƯỜI VÌ HÒA BÌNH THẾ GIỚI VÀ SỐNG CHUNG

NHẬP ĐỀ

Đức tin dẫn tín hữu nhìn thấy nơi người khác một người anh em hay người chị em để được hỗ trợ và yêu thương. Nhờ đức tin vào Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên vũ trụ, tạo vật và tất cả loài người (bình đẳng nhờ lòng thương xót của Người), các tín hữu được kêu gọi bày tỏ tình huynh đệ của con người này bằng cách bảo vệ sáng thế và toàn bộ vũ trụ và hỗ trợ mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất và những người thiếu thốn nhất.

Giá trị siêu việt này đóng vai trò làm khởi điểm cho một số cuộc hội họp được đặc trưng bởi bầu không khí thân thiện và huynh đệ trong đó chúng tôi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và các vấn đề của thế giới đương thời của chúng tôi. Chúng tôi đã làm điều này bằng cách xem xét các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, các thành tựu trị liệu, kỷ nguyên kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông. Chúng tôi cũng suy tư về mức độ nghèo đói, xung đột và đau khổ của rất nhiều anh chị em ở các nơi khác nhau trên thế giới do hậu quả của cuộc chạy đua vũ trang, bất công xã hội, tham nhũng, bất bình đẳng, suy giảm đạo đức, khủng bố, kỳ thị, cực đoan, và nhiều nguyên nhân khác.

Từ các cuộc thảo luận huynh đệ và cởi mở của chúng tôi, và từ cuộc hội họp nhằm bày tỏ hy vọng sâu sắc về một tương lai tươi sáng cho mọi người, ý tưởng của Văn Kiện này về Tình huynh đệ của con người đã được thai nghén. Văn bản này đã được dành cho một suy tư trung thực và nghiêm túc để trở thành một tuyên bố chung của những khát vọng tốt đẹp và chân thành. Đó là một văn kiện mời gọi tất cả những người có niềm tin vào Thiên Chúa và niềm tin vào tình huynh đệ của con người hợp nhất và làm việc với nhau để nó có thể làm kim chỉ nam cho các thế hệ tương lai biết thăng tiến nền văn hóa tôn trọng lẫn nhau trong khi ý thức được ơn thánh tuyệt vời của Thiên Chúa vốn làm cho tất cả loài người trở thành anh chị em.

VĂN KIỆN

Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi con người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em, để tràn đầy trái đất và làm cho các giá trị của lòng tốt, tình yêu và hòa bình được biết đến;

Nhân danh sự sống con người vô tội mà Thiên Chúa đã cấm giết, khẳng định rằng bất cứ ai giết chết một người giống như đã giết chết cả nhân loại và bất cứ ai cứu một người cũng giống như đã cứu cả nhân loại;

Nhân danh người nghèo, người túng thiếu, người thiệt thòi và những người cần giúp đỡ nhất mà Thiên Chúa đã ra lệnh cho chúng ta phải giúp đỡ như một nghĩa vụ cần có của mọi người, đặc biệt là những người giàu có và có phương tiện;

Nhân danh trẻ mồ côi, góa phụ, người tị nạn và những người bị lưu đày khỏi nhà cửa và đất nước của họ; nhân danh mọi nạn nhân của các cuộc chiến tranh, bách hại và bất công; Nhân danh người yếu đuối, những người sống trong sợ hãi, tù binh chiến tranh và những người bị tra tấn ở bất cứ nơi nào trên thế giới, không trừ ai;

Nhân danh các dân tộc đã mất an ninh, hòa bình và khả năng sống chung, trở thành nạn nhân của sự hủy diệt, tai họa và chiến tranh;

Nhân danh tình huynh đệ của con người bao trùm mọi con người nhân bản, hợp nhất họ lại và làm họ trở nên bình đẳng;

Nhân danh tình huynh đệ này vốn bị xé nát bởi các chính sách của chủ nghĩa cực đoan và chia rẽ, bởi các hệ thống lợi nhuận không hạn chế hoặc bởi các khuynh hướng ý thức hệ đáng ghét chuyên thao túng các hành động và tương lai của con người nam nữ;

Nhân danh tự do mà Thiên Chúa đã ban cho tất cả loài người khi dựng nên họ tự do và phân biệt họ bằng hồng phúc này;

Nhân danh công lý và lòng thương xót, các nền tảng của thịnh vượng và đá góc của đức tin;

Nhân danh tất cả những người có thiện chí sẽ có mặt ở mọi nơi trên thế giới;

Nhân danh Thiên Chúa và mọi điều đã nêu ra cho đến nay; Viện Al-Azhar al-Sharif và người Hồi giáo ở phương Đông và Phương Tây, cùng với Giáo Hội Công Giáo và người Công Giáo Đông và Tây, tuyên bố chấp nhận nền văn hóa đối thoại làm đường đi; hợp tác lẫn nhau làm quy tắc ứng xử; hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn.

Chúng tôi, những người tin vào Thiên Chúa và vào việc sau cùng được gặp gỡ Người và sự phán xét của Người, trên cơ sở trách nhiệm tôn giáo và đạo đức của chúng tôi, và thông qua Văn Kiện này, kêu gọi chính chúng tôi, các nhà lãnh đạo của thế giới cũng như các kiến trúc sư của chính sách quốc tế và kinh tế thế giới, làm việc chăm chỉ để truyền bá nền văn hóa khoan dung và chung sống hòa bình; can thiệp, khi có cơ hội sớm nhất, để ngăn chặn việc đổ máu vô tội và đem lại việc chấm dứt chiến tranh, xung đột, suy đồi môi trường và suy thoái đạo đức và văn hóa mà thế giới hiện đang trải qua.

Chúng tôi kêu gọi các nhà trí thức, triết gia, nhân sĩ tôn giáo, nghệ sĩ, chuyên gia truyền thông và các người nam nữ có văn hóa ở mọi nơi trên thế giới, tái khám phá các giá trị của hòa bình, công lý, lòng tốt, cái đẹp, tình huynh đệ của con người và cùng tồn tại để củng cố tầm quan trọng của các giá trị này như là mỏ neo cứu rỗi cho mọi người, và để cổ vũ chúng ở khắp mọi nơi.

Bản Tuyên bố này, soạn thảo từ việc xem xét sâu sắc về thực tại đương thời của chúng ta, đánh giá các thành công của nó và trong tình liên đới với các đau khổ, thảm họa và tai họa của nó, tin chắc rằng trong số những nguyên nhân quan trọng nhất của các cuộc khủng hoảng trong thế giới hiện đại là một lương tâm con người đã bị vô cảm hóa, là một xa rời các giá trị tôn giáo và là một chủ nghĩa cá nhân thịnh hành kèm theo các triết lý duy vật vốn thần thánh hóa con người và du nhập các giá trị trần tục và vật chất thay cho các nguyên tắc tối cao và siêu việt.

Trong khi thừa nhận các bước tiến tích cực của nền văn minh hiện đại của chúng ta trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y học, kỹ nghệ và phúc lợi, đặc biệt là ở các nước phát triển, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, gắn liền với các tiến bộ lịch sử ấy, vốn vĩ đại và có giá trị, vẫn tồn tại cả một sự xuống cấp về đạo đức gây ảnh hưởng đối với hành động quốc tế lẫn việc làm suy yếu các giá trị và trách nhiệm tinh thần. Tất cả những điều này góp phần vào một cảm giác thất vọng, cô lập và tuyệt vọng chung khiến nhiều người rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa vô thần, bất khả tri hoặc cực đoan tôn giáo hoặc rơi vào chủ nghĩa cực đoan mù quáng và cuồng tín, một thứ cuối cùng khuyến khích các hình thức phụ thuộc và tự hủy hoại cả về phương diện cá nhân lẫn tập thể.

Lịch sử cho thấy chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, chủ nghĩa cực đoan quốc gia và cả sự bất khoan dung đã được tạo ra trên thế giới, bất kể ở phương Đông hoặc phương Tây, điều có thể gọi là dấu hiệu của “một thế chiến thứ ba đang diễn ra từng mảng”. Ở một số nơi trên thế giới và trong nhiều hoàn cảnh bi thảm, các dấu hiệu này đã bắt đầu hiển hiện một cách đau đớn, vì trong những tình huống này không ai biết rõ số lượng chính xác các nạn nhân, góa phụ và trẻ mồ côi. Ngoài ra, chúng tôi thấy, các khu vực khác chuẩn bị trở thành môi trường của các cuộc xung đột mới, với sự bùng nổ căng thẳng và tích tụ vũ khí và đạn dược, và tất cả điều này diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang bị bị trùm phủ bởi bất trắc, vỡ mộng, sợ hãi về tương lai và bị kiểm soát bởi các lợi ích kinh tế hẹp hòi.

Chúng tôi cũng khẳng định rằng các cuộc khủng hoảng chính trị lớn, các tình huống bất công và thiếu sự phân phối các tài nguyên thiên nhiên một cách công bằng – điều mà chỉ một thiểu số giàu có được hưởng, gây thiệt hại cho phần lớn các dân tộc trên trái đất – đã tạo ra và tiếp tục tạo ra, những con số vĩ đại những người nghèo, người ốm yếu và người chết. Điều này dẫn đến những cuộc khủng hoảng thảm khốc mà nhiều quốc gia khác nhau trở thành nạn nhân bất chấp các tài nguyên thiên nhiên và sự tháo vát của những người trẻ tuổi vốn là các đặc trưng của các quốc gia này. Trước những khủng hoảng dẫn đến cái chết của hàng triệu trẻ em như vậy – bị vứt bỏ vì đói nghèo – hiện có một sự im lặng không thể chấp nhận được ở bình diện quốc tế.

Trong bối cảnh này, rõ ràng gia đình, trong tư cách hạt nhân căn bản của xã hội và nhân loại, là nhân tố chủ yếu đem con cái vào thế giới, nuôi dạy chúng, giáo dục chúng và cung cấp cho chúng sự đào tạo đạo đức vững chắc và an toàn gia đạo. Tấn công định chế gia đình, coi nó một cách khinh miệt hoặc nghi ngờ vai trò quan trọng của nó, là một trong những điều ác đe dọa nhất trong thời đại chúng ta.

Chúng tôi cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đánh thức ý thức tôn giáo và sự cần thiết phải làm sống lại ý thức này trong trái tim của các thế hệ mới thông qua giáo dục đúng đắn và tuân thủ các giá trị đạo đức và giáo lý tôn giáo ngay thẳng. Nhờ cách này, chúng ta có thể đương đầu với các khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, mâu thuẫn và cũng giải quyết được chủ nghĩa triệt để và chủ nghĩa cực đoan mù quáng dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó.

Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của các tôn giáo là tin vào Thiên Chúa, tôn vinh Người và mời gọi mọi người đàn ông và đàn bà tin rằng vũ trụ này phụ thuộc vào một Thiên Chúa cai quản nó. Người là Đấng Tạo Hóa đã hình thành chúng ta bằng sự khôn ngoan siêu phàm của Người và đã ban cho chúng ta hồng phúc sự sống để bảo vệ nó. Đó là một hồng phúc mà không ai có quyền lấy đi, đe dọa hoặc thao túng để phù hợp với chính mình. Thật vậy, mọi người phải bảo vệ hồng phúc sự sống này từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc tự nhiên. Do đó, chúng tôi lên án mọi hành vi đe dọa đến tính mạng như diệt chủng, hành động khủng bố, buộc phải di cư, buôn người, phá thai và trợ tử. Chúng tôi cũng lên án các chính sách cổ vũ các thực hành này.

Hơn nữa, chúng tôi kiên quyết tuyên bố rằng các tôn giáo không bao giờ kích thích chiến tranh, các thái độ thù hận, thù địch và cực đoan, cũng không được kích động bạo lực hoặc đổ máu. Những thực tại bi thảm này là hậu quả của việc đi trệch ra ngoài giáo huấn tôn giáo. Chúng là kết quả của sự thao túng chính trị đối với các tôn giáo và của các diễn giải của các nhóm tôn giáo, những nhóm, trong diễn trình lịch sử, đã lợi dụng sức mạnh của tình cảm tôn giáo trong trái tim mọi người nam nữ khiến họ hành động theo cách không có liên hệ gì với sự thật tôn giáo. Điều này được thực hiện vì mục đích đạt được các mục tiêu chính trị, kinh tế, trần tục và thiển cận. Do đó, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên hệ ngừng sử dụng các tôn giáo để kích động hận thù, bạo lực, cực đoan và cuồng tín mù quáng, và kiềm chế sử dụng thánh danh Thiên Chúa để biện minh cho các hành vi giết người, lưu đày, khủng bố và áp bức. Chúng tôi yêu cầu điều này trên cơ sở niềm tin chung của chúng tôi vào Thiên Chúa, Đấng không tạo ra con người nam nữ để bị giết hoặc đấu tranh với nhau, cũng không bị tra tấn hoặc sỉ nhục trong cuộc sống và hoàn cảnh của họ. Thiên Chúa, Đấng toàn năng, không cần được bảo vệ bởi bất cứ ai và Người không muốn tên của Người bị sử dụng để khủng bố người ta.

Văn kiện này, phù hợp với các Văn Kiện quốc tế trước đây vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò các tôn giáo trong việc xây dựng hòa bình thế giới, đề cao những điều sau đây:

• Niềm xác tín rằng các giáo huấn chân chính của các tôn giáo mời gọi chúng ta tiếp tục bắt nguồn từ các giá trị của hòa bình; bảo vệ các giá trị của sự hiểu biết lẫn nhau, tình huynh đệ của con người và sự chung sống hài hòa; tái lập sự khôn ngoan, công bằng và tình yêu; và đánh thức lại ý thức tôn giáo nơi giới trẻ để các thế hệ tương lai có thể được bảo vệ chống lại lãnh vực tư duy duy vật và các chính sách nguy hiểm của lòng tham vô đáy và sự thờ ơ vốn dựa trên luật sức mạnh chứ không dựa trên sức mạnh của pháp luật;

• Tự do là quyền của mỗi người: mỗi cá nhân được hưởng tự do tín ngưỡng, suy nghĩ, phát biểu và hành động. Tính đa nguyên và sự đa dạng của các tôn giáo, màu da, giới tính, chủng tộc và ngôn ngữ đều hợp thánh ý Thiên Chúa trong sự khôn ngoan của Người, nhờ đó Người đã dựng nên con người. Sự khôn ngoan thần thiêng này là nguồn gốc từ đó quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do được khác biệt đã phát sinh. Do đó, việc buộc mọi người phải tuân thủ một tôn giáo hoặc văn hóa nhất định phải bị bác bỏ, cũng như việc quá áp đặt lối sống văn hóa mà người khác không chấp nhận;

• Công lý dựa trên lòng thương xót là con đường phải tuân theo để đạt được một cuộc sống hợp nhân phẩm mà mỗi con người đều có quyền;

• Đối thoại, hiểu biết và cổ vũ rộng rãi nền văn hóa khoan dung, chấp nhận người khác và chung sống hòa bình sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường đang đè nặng lên phần lớn nhân loại;

• Đối thoại giữa các tín hữu có nghĩa là đến với nhau trong không gian rộng lớn của các giá trị thiêng liêng, nhân bản và xã hội chung và, từ đây, truyền tải các nhân đức đạo đức cao nhất mà các tôn giáo vốn nhắm tới. Nó cũng có nghĩa là tránh các cuộc thảo luận vô bổ;

• Bảo vệ nơi thờ phượng – hội đường, nhà thờ và đền thờ Hồi giáo – là một nghĩa vụ được bảo đảm bởi các tôn giáo, giá trị con người, luật pháp và các thỏa ước quốc tế. Mọi nỗ lực tấn công các nơi thờ phượng hoặc đe dọa họ bằng các cuộc tấn công, đánh bom hoặc phá hủy bạo lực, là rõ ràng đi trệch các giáo lý của các tôn giáo cũng như vi phạm luật pháp quốc tế;

• Chủ nghĩa khủng bố là điều đáng trách và đe dọa an ninh của mọi người, bất kể ở phương Đông hay phương Tây, phương Bắc hay phương Nam, và truyền bá sự hoảng loạn, khủng bố và bi quan, nhưng điều này không phải do tôn giáo, ngay cả khi những kẻ khủng bố biến nó thành dụng cụ. Thay vào đó, nó là kết quả của sự tích lũy các diễn giải không chính xác về các bản văn tôn giáo và các chính sách liên quan đến đói, nghèo, bất công, áp bức và tự hào. Đây là lý do tại sao cần phải ngừng hỗ trợ các phong trào khủng bố được thúc đẩy bằng việc tài trợ, cung cấp vũ khí và chiến lược và bằng cách cố gắng biện minh cho các phong trào này thậm chí sử dụng cả phương tiện truyền thông. Tất cả những điều này phải được coi là tội phạm quốc tế đang đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Khủng bố như vậy phải bị lên án dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó;

• Khái niệm quyền công dân dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, theo đó tất cả đều được hưởng công lý. Do đó, điều quan yếu là phải thiết lập trong các xã hội chúng ta ý niệm công dân đầy đủ và bác bỏ việc sử dụng kỳ thị của các hạn từ nhóm thiểu số vốn gây ra cảm giác cô lập và thấp kém. Sự lạm dụng hạn từ này mở đường cho sự thù địch và bất hòa; nó hủy bỏ bất cứ thành công nào và lấy đi các quyền tôn giáo và dân sự của một số công dân bị kỳ thị;

• Quan hệ tốt giữa Đông và Tây là cần thiết không thể chối cãi đối với cả đôi bên. Không được bỏ qua chúng để mỗi người có thể được phong phú hóa bởi nền văn hóa của người khác thông qua trao đổi và đối thoại hữu hiệu. Phương Tây có thể khám phá nơi phương Đông phương thuốc cho những bệnh tật tâm linh và tôn giáo đang được gây ra bởi một chủ nghĩa duy vật thịnh hành. Và phương Đông có thể tìm thấy nơi phương Tây nhiều yếu tố có thể giúp giải thoát nó khỏi sự yếu kém, chia rẽ, xung đột và suy giảm khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Điều quan trọng là phải chú ý đến sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử vốn là một thành tố quan yếu trong việc hình thành tính cách, văn hóa và văn minh của phương Đông. Điều cũng quan trọng tương tự là củng cố mối ràng buộc của các quyền căn bản của con người để giúp đảm bảo một cuộc sống hợp nhân phẩm cho mọi người nam nữ của cả Đông lẫn Tây, tránh các nền chính trị nước đôi;

• Một yêu cầu thiết yếu là công nhận quyền của phụ nữ đối với giáo dục và việc làm và công nhận quyền tự do của họ để thực thi các quyền chính trị của riêng họ. Hơn nữa, các nỗ lực phải được đưa ra nhằm giải phóng phụ nữ khỏi điều kiện lịch sử và xã hội đi ngược lại các nguyên tắc đức tin và nhân phẩm của họ. Điều cũng cần thiết là bảo vệ phụ nữ khỏi bị bóc lột tình dục và khỏi bị coi là hàng hóa hoặc đối tượng của khoái lạc hoặc lợi ích tài chính.

Do đó, phải kết liễu mọi thực hành bất nhân và thô bạo đó vốn bôi nhọ phẩm giá phụ nữ. Phải nỗ lực để sửa đổi các luật lệ ngăn phụ nữ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ;

• Việc bảo vệ các quyền căn bản của trẻ em được lớn lên trong môi trường gia đình, nhận được dinh dưỡng, giáo dục và hỗ trợ, là bổn phận của gia đình và xã hội. Những bổn phận như vậy phải được đảm bảo và bảo vệ để chúng không bị làm ngơ hoặc bác bỏ đối với bất cứ đứa trẻ nào ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Mọi thực hành vi phạm nhân phẩm và quyền lợi của trẻ em phải bị tố cáo. Điều quan trọng không kém là phải cảnh giác trước những nguy hiểm mà các em phải đối diện, đặc biệt trong thế giới kỹ thuật số, và coi là tội ác việc buôn bán sự vô tội của các em và mọi vi phạm đến tuổi trẻ của các em;

• Bảo vệ quyền của người già, người yếu, người tàn tật và người bị áp bức là nghĩa vụ tôn giáo và xã hội, một nghĩa vụ phải được bảo đảm và bảo vệ thông qua luật pháp nghiêm ngặt và việc thực thi các thỏa thuận quốc tế có liên quan.

Cuối cùng, nhờ sự hợp tác hỗ tương, Giáo Hội Công Giáo và Al-Azhar công bố và cam kết truyền đạt Văn kiện này tới các chính quyền, các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng, những người theo tôn giáo trên toàn thế giới, các tổ chức khu vực và quốc tế thích hợp trong xã hội dân sự, các định chế tôn giáo và các nhà tư tưởng hàng đầu. Họ cũng cam kết thêm sẽ làm cho các nguyên tắc trong Tuyên bố này được biết đến ở tất cả các bình diện khu vực và quốc tế, trong khi yêu cầu cho các nguyên tắc này được diễn dịch thành các chính sách, quyết định, văn bản lập pháp, các khóa học và tài liệu được lưu hành.

Al-Azhar và Giáo Hội Công Giáo yêu cầu Văn kiện này trở thành đối tượng nghiên cứu và suy tư trong tất cả các trường học, trường đại học và viện đào tạo, nhờ thế giúp giáo dục các thế hệ mới để họ mang lại sự tốt lành và hòa bình cho người khác, và trở thành những người bảo vệ ở khắp nơi các quyền lợi của những người bị áp bức và của những người nhỏ bé nhất trong anh chị em chúng ta.

Tóm lại, nguyện vọng của chúng tôi là:

Ước mong Bản Tuyên bố này có thể tạo nên một lời mời hòa giải và tình huynh đệ nơi mọi tín hữu, thực ra nơi các tín hữu và những người không tin, và nơi mọi người thiện chí;

Ước mong Bản Tuyên bố này có thể là một lời kêu gọi để mọi lương tâm ngay thẳng bác bỏ bạo lực và chủ nghĩa cực đoan mù quáng; một lời kêu gọi đới với những người biết trân trọng các giá trị khoan dung và tình huynh đệ vốn được các tôn giáo cổ vũ và khuyến khích;

Ước mong Bản Tuyên bố này có thể là một chứng tá cho sự vĩ đại của đức tin vào Thiên Chúa môt đức tin vốn hợp nhất các trái tim bị chia rẽ và nâng cao tâm hồn con người;

Ước mong Bản Tuyên bố này có thể là một dấu hiệu của sự gần gũi giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, và giữa tất cả những người tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để hiểu nhau, hợp tác với nhau và sống như anh chị em thương yêu nhau.

Đây là những gì chúng tôi hy vọng và tìm cách đạt được với mục đích tìm kiếm một nền hòa bình phổ quát mà tất cả mọi người có thể tận hưởng ở đời này.

Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đại Imam của Al-Azhar Ahmad Al-Tayyib

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *